Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân

Người đương thời thơ mới bàn về thơ Nam Trân


Ngay khi thơ Nam Trân vừa xuất hiện đã tạo được dư luận, cuốn hút sự quan tâm của nhiều cây bút thực sự uy tín đương thời như Ngọa Du Nhân Phan Khôi, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Đằng, Ứng Sơn, Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Hoài Thanh - Hoài Chân...
PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn
 
1. Thời thơ mới có những tác gia thơ mới và những cây bút phê bình, trao đổi, đọc sách, điểm sách, bình giảng xuất hiện ngay giữa đương thời thơ mới. Khác với những ý kiến xu thời - dù cố ý hay vô tình thuận theo thời thế, lựa chiều nương theo tình thế - những phát biểu tươi mới, trực tiếp, trực cảm của người đương thời sẽ mãi còn nguyên giá trị lịch sử. Đó là tiếng nói của người trong cuộc, người dấn thân và nhập cuộc. Với trường hợp Nam Trân (1907-1967), ngay khi thơ ông vừa xuất hiện đã tạo được dư luận, cuốn hút sự quan tâm của nhiều cây bút thực sự uy tín đương thời như Ngọa Du Nhân Phan Khôi, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Đằng, Ứng Sơn, Từ Lâm Nguyễn Xuân Nghị, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Hoài Thanh - Hoài Chân...
2. Trên tuần báo Sông Hương (số 2, ra ngày 8-8-1936), nhà thơ Nam Trân in bài Bỏ quách lối thơ xưa thể hiện như một tuyên ngôn đoạn tuyệt với lối thơ xưa cũ:
Bỏ quách lối thơ xưa,
Vì nó chẳng hợp thời.
Luật Đường xin gói lại,
Đem trả chú Con Trời!
 
Ở thế giới cạnh tranh,
Quốc văn cần giải phóng.
Khuôn khổ, vứt đi thôi!
Hoạt động giành lấy sống.
 
Chữ ít ý tứ nhiều,
Nhạc luật tùy tác giả.
Người hát cũng như chim:
Lắm điệu hay và lạ.
 
Ta có sẵn ao ta ,
Sao tắm mãi ao người?
Ta có nhiều vật liệu:
Phong cảnh đẹp và tươi.
 
Chớ vịnh hồ Động Đình,
Chớ đề thơ núi Thái.
Chớ tả cảnh đâu đâu,
Mắt ta chưa từng thấy.
 
Tính tình người An Nam
An Nam còn ù tịt .
Các cụ muốn lòe đời,
Viết pho tâm sự Chệt!
 
Bệu bạo khóc Tây Thi,
Nghênh ngang cười Thái Bạch.
Ngũ Đế với Tam Hoàng,
Ý nghĩa, ôi! rỗng toách!
 
Theo mãi lối thơ Tàu,
Hỏng, hỏng đã thấy chưa?
Nhả ra đừng nhai nữa,
Những bã cặn còn lưa!
Qua bài thơ, Nam Trân tỏ ý phê phán, đối nghịch với tất cả mọi lối thơ chịu ảnh hưởng từ phương bắc, kể từ nguồn cảm xúc, thể thơ, ngôn ngữ, vần luật đến hệ thống chủ đề, nội dung hiện thực, điển tích, điển cố. Trên tất cả, thi sĩ cảm nhận và hướng đến khẳng định dòng chảy Thơ mới giàu sự sống, giàu màu sắc thực tại và được thể hiện bằng “Lắm điệu hay và lạ”…
3. Trên thực tế, vừa khi Nam Trân trình làng những bài thơ ban đầu mới chỉ in báo thì ông đã được xếp hạng "thi nhân". Ngọa Du Nhân Phan Khôi, nhà khảo cứu và phê bình cựu trào đã trân trọng giới thiệu với nhiều hy vọng và tiếc nuối về sự ra mắt của Nam Trân trong bài Thơ của Nam Trân (Sông Hương, số 3, ra ngày 15-8-1936): "Đầu năm 1935, báo Tràng An ra đời; năm bảy kỳ đầu tiên đó người ta thấy những bài thơ dưới ký tên Nam Trân. Nhiều bạn làng văn ở Huế tin rằng Nam Trân sẽ từ nay nổi tiếng như phao trên thi đàn và thơ của Nam Trân sẽ được gặp luôn luôn trên tờ báo mới ấy. Không ngờ, trải qua một thời gian chẳng phải vắn vỏi gì mà cái điều sở nguyện của người ta vẫn chưa thấy toại; rồi thơ Nam Trân từ đó cũng tuyệt tích trên báo Tràng An"...
Lựa chọn bốn bài (Trước chùa Thiên Mụ; Huế, mưa dầm; Huế, mùa hạ; Huế, mùa hạ II), Ngọa Du Nhân trịnh trọng khẳng định: "Tôi dám chắc bạn đọc khi vồ lấy bốn bài nầy ở đây được rồi, cứ ngâm đi ngâm lại mà không thấy chán. Liền đó, bạn phải nhận cho tác giả của nó là một thi nhân số một số hai ở hiện thời, liệt vào với bọn Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, không đến làm cho mình phải thẹn, vẫn biết rằng tài điệu riêng mỗi người mỗi lối, cảm hứng mỗi người đi mỗi đường"... Nhân đây xin thưa rằng, nhan đề các bài thơ Ngọa Du Nhân dẫn nguyên theo báo Tràng An mà sau này Nam Trân đưa vào tập Huế, Đẹp và Thơ có cải dạng một vài chữ.
Lấy dẫn chứng từ bốn bài thơ trên, Ngọa Du Nhân đã từ điểm nhìn ngôn từ nghệ thuật mà đi sâu bình phẩm: "Bài Trước chùa Thiên Mụ là rập theo điệu bài thơ Đằng Vương các của Vương Bột, nhưng cái hay không phải toàn ở điệu. Nó hay ở một bài thơ mà như một bức họa. Ông nào vẽ giỏi, thử theo từng câu mà vẽ ra xem, khắc thấy trước mắt một cảnh đẹp thiên nhiên... Nam Trân hạ những chữ trong bài thơ của mình, bằng một cách táo tợn mà ngộ nghĩnh. Như chữ "đẩm" trong câu "Tiếng hát ông ngư đẩm bóng cây", chữ "sừng" trong câu "Đồi thấp sừng trăng dỏi dỏi soi", chữ "đánh đổ" trong câu "Đánh đổ giấc ngủ ngày", chữ "trỏn trẻn" trong câu "Mặt trăng vàng trỏn trẻn" đều là những chữ có vẻ khác thường, ít ai hạ được như thế... Không dám mách lòng thi sĩ khác, nhưng tôi phải nói thật rằng tôi không ưa thơ họ bằng thơ Nam Trân. Luận thơ, tôi trọng nhất ở chữ "chân". Có phải không, hoặc tả cảnh, hoặc ngôn tình, trong thơ Nam Trân cũng dễ tìm thấy chữ "chân" hơn thơ của người nào? Ai đã qua Huế một năm, phải chịu những bài "mùa hạ", "mưa dầm" là không cải được lấy nửa chữ"...
Đề cao thơ Nam Trân nhưng Ngọa Du Nhân cũng công bằng và thẳng thắn chỉ ra những bài, những câu theo ông là chưa đạt: "Tôi khen thơ Nam Trân hạ chữ ngộ nghĩnh, không phải là tôi không thấy ông ta dùng chữ còn chỗ sống sượng đâu. Như câu "Như luồng khói nhẹ lên lên mãi", câu thì hay, mà phải chữ nhẹ để vào đó có hơi ngớ ngẩn. Phải có thứ khói nào nặng thì mới nói như thế được chớ? Tôi muốn đổi lại là "Nhẹ như luồng khói..." mà tôi cho là dễ nghe hơn. Nam Trân lại có một chỗ trong thơ ông làm tôi không đồng ý được nữa, đó là cách bỏ vận. Không vận thì thôi, chớ đã có, tôi nói phải gieo cho đúng. Nam Trân thì:
Xao xác đồng chiêm uống giọt sương,
Sương pha màu sữa dưới trăng mờ.
Lều tranh xám xịt bâu sườn núi,
Sau dãy rào tre khúc rậm, sưa.
Ấy là bốn câu đầu của bài Cảnh quê. Tôi phải lấy làm lạ sao đã nhả ra được những câu thơ như thế mà lại không chịu săn sóc đến vận một chút để được an toàn hơn!"...
Rồi Ngọa Du Nhân Phan Khôi bộc lộ rõ tính cách của mình khi bày tỏ thái độ trước câu chuyện thơ và đời Nam Trân: "Dù thế nào, trên con đường thơ mai sau, tôi có hy vọng ở Nam Trân lắm lắm. Một thi nhân đáng biểu dương như thế ai nỡ để cho mai một đi trong hoạn trường là chỗ để mai một cái thiên tài của người ta"...
4. Chừng ba năm sau khi Ngọa Du Nhân Phan Khôi giới thiệu chân dung Nam Trân qua những bài thơ in báo rồi mới thấy ông xuất bản thi tập Huế, Đẹp và Thơ. Ngay sau khi tập thơ ra mắt bạn đọc được một tháng và được Nam Trân gửi tặng, vào ngày 23-3-1939, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã hoàn thành bài phê bình thực sự ấn tượng. Với sự nhạy cảm của người làm thơ và sự tinh tế của người thưởng thức thơ, Tản Đà đề cao thơ Nam Trân song lại nêu rõ chủ kiến của mình về thơ và nhẹ nhàng nhận xét mặt hạn chế ở thơ Nam Trân trong cách dùng chữ, phối âm, phối vần: "Thơ là thứ đứng đầu trong vận văn, cho nên đã là văn nhân, nhiều người thích Thơ. Thơ đã đứng đầu trong vận văn, cho nên thơ quý nhất ở vần; thứ hai đến âm điệu, ấy là phần lời; còn như ý vẫn là trọng, nhưng ở thơ, thời đứng địa vị thứ ba vậy. Thơ của ông Nam Trân đây, nhận ra, ý rất hay, lời cũng thật đẹp. Tiếc vì đến vần chưa dụng công" (Theo Trần Đằng: Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi đã gặp nhau trong "Huế, Đẹp và Thơ". Tràng An, số ra ngày 31-3-1939)...
Sau khi trích dẫn các bài Trước chùa Thiên Mụ, Phác họa (Huế, mưa dầm) và chỉ rõ những chữ, những vần chưa được xuôi thuận, Tản Đà dẫn tiếp bốn câu thơ trong bài Phác họa (Huế, ngày hè):
... Đường xá ít người đi,
Bụi cây lắm kẻ núp,
Xơ xác quán nước chè,
Ra vào người tấp nập...
và thêm một lời bình ngắn gọn, xác đáng: "Thơ tả cảnh, lời và ý đến thế là hay. Nói về vần, thời đến chữ "núp" đi với chữ "nập" thật chưa xuôi. Tiếc rằng nếu đổi chữ "núp" thành ra "nấp" thời nghĩa cũng vẫn thế, mà xuôi vần. Bài thơ phải tăng giá trị lắm"...
Qua vài ba dẫn chứng ngắn gọn, Tản Đà đi đi đến kết luận chuẩn mực, thấu lý đạt tình: "Thơ quý ở vần, mà cũng có khi tham ở nghĩa phải đặt gượng, đó là sự bất đắc dĩ. Sự bất đắc dĩ đó chỉ nên ở những bài trường thiên cổ kính mà thôi. Thơ ông Nam Trân như mấy bài nói trên đây, chỉ có bốn câu hai vần, mà vần lại không chịu đặt thật xuôi. Cho nên gọi là "chưa dụng công" tưởng cũng không phải là lời phê bình quá khắc vậy. Mong rằng những cuốn thơ khác của ông Nam Trân sẽ còn in ra, thời vần thơ sẽ được dụng công, sẽ xuôi thuận hơn là Huế, Đẹp và Thơ"...
Xin được lưu ý ba điều. Thứ nhất, chưa đầy ba tháng sau khi viết bài bình luận thơ Nam Trân, Tản Đà từ bỏ cõi đời (7-6-1939). Thứ hai, Nam Trân đã có ý kiến phản hồi và biện luận cho quan niệm và lối thơ của mình. Thứ ba, Nam Trân đã hoàn thành sự nghiệp sáng tác thơ ca ở Huế, Đẹp và Thơ, sau này chủ yếu ông có thêm những đóng góp xuất sắc về dịch thuật.
5. Đáp ứng tính thời sự và tính chất nhanh nhạy của báo chí, bình giả Trần Đằng mau chóng tổ chức in bài của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và lược trích lại bài của Ngọa Du Nhân Phan Khôi, đồng thời đến gặp và lấy ý kiến phản hồi của Nam Trân để in ngay trong cùng một số báo.
Kín đáo bày tỏ thái độ đồng tình qua nhan đề Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi đã gặp nhau trong "Huế, Đẹp và Thơ", bình giả Trần Đằng mở đầu: "Tập Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân trước khi ra chào đời đã được nhà văn sĩ Phan Khôi chú trọng. Năm 1936, trên tờ báo Sông Hương, chúng ta đã được thấy bài phê bình của ông Phan. Kịp đến lúc tập thơ ấy xuất bản, ông Tản Đà cũng góp lời phê phán. Đều đáng chú ý là hai bực cự nho đều đồng thanh khen ngợi thơ Nam Trân về nhạc điệu và cũng đều đồng thanh trách ông Nam Trân "chưa dụng công về vần". Dưới đây, chúng tôi xin đăng hai bài của hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi và nhắc lại lời của ông Nam Trân thay lời kết luận" (Trần Đằng: Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi đã gặp nhau trong "Huế, Đẹp và Thơ". Tràng An, số ra ngày 31-3-1939)...
Tiếp đó bình giả Trần Đằng đặt lại nhan đề hai bài báo, chỉnh lại tên cả hai tác giả và xếp lại theo thứ tự: 1- Bài phê bình của ông Nguyễn Khắc Hiếu, và 2- Bài phê bình của ông Phan Khôi. Điều cần chú ý là bài trước của Nguyễn Khắc Hiếu ký đầy đủ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, bài sau của Phan Khôi chỉ ký bút danh Ngọa Du Nhân. Thêm nữa, nguyên đề bài báo của Ngọa Du Nhân là Thơ của Nam Trân; còn bài của Nguyễn Khắc Hiếu mới viết xong tuần trước đã in liền tuần sau nên có khả năng chưa từng in báo nào khác và đã được xếp đặt lại theo một cấu trúc mới. Thế rồi sau khi dẫn hai bài phê bình, Trần Đằng đặt tiếp mục 3- Kết luận: Lời của ông Nam Trân và tường thuật súc tích: "Trong một buổi nói chuyện với ông Nam Trân, chúng tôi có hỏi ý kiến ông về "Vần". Tươi cười ông nói rằng: "Ông Chương Dân và ông Tản Đà trách tôi không dụng tâm về vần, lời trách ấy thật xác đáng. Nhưng xin thú thật, đối với thơ, tôi trọng nhất là nhạc điệu, thứ hai là ý tưởng, thứ ba là vần. Có lẽ vì thế mà tôi không phải là một thi gia, nhất là một thi gia theo luật thơ chuyên chế đời Đường"... Xem lời văn thì biết Nam Trân đã được đọc cả hai bài, đặc biệt bản thảo mới toanh của Tản Đà, rồi trả lời với tâm thế "văn mình vợ người" và một chút bảo thủ thâm thúy, ý vị, nhẹ nhàng. Nhìn rộng ra, nhà báo - bình giả Trần Đằng quả đã tạo nên những con sóng bao quanh Huế, Đẹp và Thơ...
6. Với một bút danh ký tắt bằng chữ L, nhà thơ thành danh Lưu Trọng Lư khi ấy đã nhiệt thành giới thiệu Huế, Đẹp và Thơ, chỉ rõ đặc điểm sự giao thoa mới - cũ và đặc biệt nhấn mạnh cảnh Huế, tình Huế, người Huế, chất Huế của tập thơ:
“Quyển sách có cái đề mới và ngộ ấy là một tập thơ đầu của một thi sĩ Huế: ông Nam Trân Nguyễn Học Sỹ. Một tài năng còn lưỡng lự bâng khuâng trước hai lối thơ cũ và mới. Nhà thi sĩ tuy đa tình nhưng không đủ can đảm, đủ tàn nhẫn để phụ người vợ tao khang, và để trọn vẹn theo người tình mới... Chàng đã tìm được một cách giải quyết tựa hồ như giản dị mà vô cùng rắc rối: chàng đã cưới vợ lẽ, dầu chính có lúc chàng đã nói bởi miệng Tú Mỡ:
Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều,
Một bà thôi cũng đủ thương yêu.
Lối “thơ mới” đối với ông chỉ là một người vợ lẽ và cũng chỉ là một người vợ lẽ mà thôi. Sự chàng ràng ấy đã làm những đứa con khác mẹ trở nên xung khắc nhau. Từ bài thơ này đến bài thơ kia, nhiều khi ta thấy có một sự đột ngột đến bực mình.
Vừa ở đây, ta còn say với một cái hương vị cổ kính, âm u, thì đã thoáng hiện một mùi vị khác mới mẻ, sỗ sàng, phóng khoáng của lời thơ tự do.
Nhưng, khi nào, khi suồng sã với người vợ lẽ, hay khi âu yếm với người vợ tao khang, nhà thi sĩ cũng không để mờ cái bản sắc của mình. Một sự say mê trên hết những sự say mê khác của thi sĩ, ấy là Huế, với tất cả cái đẹp của nó.
Huế, ở đây, không phải là Huế của Nam ai, Nam hường, ở đây không phải là cái não nuột kéo dài ra như một buổi ly biệt ở trên bờ sông xưa...
Ở đây, không có cái điệu sầu thảm thân yêu của cô lái ở bến Vị Gia.
Ở đây, Huế hiện ra dưới một sắc diện mới: vui và ngộ như một thiếu nữ ở phương Nam.
Trên núi Ngự Bình
Chim cười, gió hát
Gió xui, em hát
Chim giục em cười
Hỡi chàng công tử kia ơi!
Lòng em khao khát những lời ái ân.
 
Trên núi Ngự Bình
Gió chiều hiu hắt. Nhạc thông díu dắt
Như khúc phong cầm
Cô em vừa tuổi cài trâm
Nẻo sim lững thững đi tìm xác hoa
Ngày thơ đâu nữa mà vờ.
(Núi Ngự Bình)
Trên mặt hồ thu
Chuồn chuồn đạp nước
Con sau, con trước
Vẽ bức hồi văn
Lửng chửng thị Hằng
Sắp rơi xuống nước.
(Hồ Tĩnh Tâm)
Lửa hạ bừng bừng cháy
Đàn ma trốt trốt bay
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày.
 
Đường sá ít người đi
Bụi cây lắm kẻ núp
Xơ xác quán nước chè,
Ra, vào người tấp nập.
 
Phe phẩy chiếc quạt tre
Chú nài ngồi đầu voi
Thỉnh thoảng giơ tay bẻ
Dăm ba chùm nhãn còi.
 
Huê phượng như giọt huyết
Giỏ xuông phủ lề đường
Mặt trời gay gắt đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương.
 
Hai tay xách hai vịn
Một vài mụ le te
Tiếng non rao lảnh lót
Chốc chốc: “Ai ăn chè?”.
(Huế ngày hè)
Người ta không còn thể “Huế” hơn như thế được. Và với những bài thơ rất ngộ ấy của Nam Trân, Huế không còn là xứ sở của các quan ở trong Bộ, của các nàng “Thu Nương”, của các cô gái mơ màng không bao giờ rời khỏi buồng kín. Huế, nếu không trẻ đẹp hơn thì cũng dí dỏm, hóm hỉnh hơn”(Huế, Đẹp và Thơ. Tao đàn, số 3, ra ngày 1-4-1939)…
7. Nối tiếp sau bài của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và bài tổng thuật của Trần Đằng, bài điểm sách của Lưu Trọng Lư, bình giả Ứng Sơn cũng đã kịp thời có thêm một bài đọc sách. Trong bài giới thiệu ngắn gọn này, Ứng Sơn nhấn mạnh hồn thơ và phong cách Nam Trân có phần khác biệt hẳn với một Tản Đà "lời thơ nhẹ nhàng êm ái, tâm hồn của nhà thi sĩ ấy khi nào cũng phưởng phất trên sông Đà núi Tản với hơi rượu nồng nà", một Hoài Nam với "lời thơ điển nhã, hùng hồn, lâm ly, bức thiết..., toàn một giọng ái quần ái quốc", rồi đến những Thế Lữ, Thanh Tịnh "mỗi người đều có riêng một tâm hồn, riêng một chí hướng, nói tóm lại là đều có một đặc điểm trong làng thơ"(Đọc "Huế, Đẹp và Thơ". Tràng An, số ra ngày 18-4-1939)...
Lấy dẫn chứng từ các bài Cô gái Kim Luông, Trên núi Ngự, Chôn hoa, Núi Ngự sông Hương, Sơn còn ướt, Một câu thơ của ông Tú Mỡ, Bỏ quách lối thơ xưa,... bình giả Ứng Sơn nhấn mạnh được quan niệm thẩm mỹ, đặc điểm lối thơ và tài năng biểu cảm bằng ngôn từ thơ ca: "Từ Cô gái Kim Luông cho đến Trên núi Ngự đem hết vẻ đẹp của Huế miêu tả ra một bức thiên nhiên tuyệt diệu, khiến người đọc đến mà tưởng tượng được cảnh vật Đế đô thanh kỳ yểu điệu đến thế nào... Thi sĩ đã nhận thấy rằng Thơ và Đẹp tuy hai mà một, một mà hai, hai cái ấy nó dính líu nó quyến luyến với nhau như một cặp uyên ương, nên chi Nam Trân đã mạnh dạn dùng hai chữ ấy làm đề cho tập thơ của mình"... Dẫn bài thơ Núi Ngự, sông Hương, bình giả cảm phục: "Nam Trân đã cho ta thấy cái tuyệt mỹ của Huế, đã đánh thức tâm hồn ta và đưa ta vào cái cảnh đẹp như mơ ấy một cách nhẹ nhàng êm ái, và hơn thế nữa, Nam Trân đã họa một bức tranh 100% Huế. Tôi còn biết nói gì về bài thơ này nữa"...
Đi xa hơn, Ứng Sơn tiếp tục chỉ ra cái chất tình yêu Nam Trân thiên hẳn về yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp trong lý tưởng: "Tôi vừa nói đến lối thơ tả cảnh của Nam Trân, bây giờ ta thử xét qua đường tình cảm của nhà thi sĩ ấy. Thi sĩ là một nhà văn hay tưởng tượng, cái sức tưởng tượng ấy, ở Nam Trân, nó đã hoàn toàn biểu lộ ra trong bài Sơn còn ướt. Nam Trân lại là một thi sĩ rất giàu tình yêu (...). Cái tình yêu của thi sĩ nó bao la rộng rãi như thế, nhưng tựu trung bao giờ nó cũng vẫn cứ ở trong vòng cái đẹp. Ta thử xét xem: Nam Trân yêu những cái ấy, toàn là những cái đẹp cả, Điều ấy cũng không lạ, vì chỉ có những cái đẹp mới nên thơ, mà thơ là tình yêu của thi sĩ. Nếu ta hỏi thi sĩ: "Ái tình là gì?", Nam Trân sẽ hững hờ trả lời: "Ái tình: Một mối huyền vi"... Rồi Ứng Sơn đi đến kết luận: "Đọc qua các đoạn trên ta đã biết thi tài của nhà thi sĩ ấy rồi, cái thi tài ấy đã đưa Nam Trân vào một địa vị khá quan trọng trong thi giới mà tập Huế, Đẹp và Thơ quả là một bức tranh gồm có những "cảnh đẹp như mơ" của Huế. Bây giờ, nếu cần phải hạ một lời phê bình vô tư, thì tôi không còn ngần ngại gì mà nói rằng: "Nam Trân là một thi sĩ chuyên về lối tả cảnh, tả cảnh một cách tuyệt mỹ"...
8. Cách nửa năm sau khi tập thơ ra mắt bạn đọc, với tư cách một người bạn, người trong cuộc được đề tặng thơ, Từ Lâm (Nguyễn Xuân Nghị) với tất cả sự đồng cảm riêng chungđã viết bài điểm sách, bình luận Huế, Đẹp và Thơ (Tràng An, số ra ngày 25-7-1939)... Sau khi phân tích bài Khiêu vũ in đậm chất tả thực, Từ Lâm tiếp tục bình bài Chôn Hoa và chỉ rõ mối quan hệ tương đồng - tiếp thu, tiếp nhận so với một bài thơ của Lamartine (1790-1869): "Khi thiếu thời còn đi học, phần nhiều ai cũng thích ép vào trong lòng sách những con bươm bướm cánh gấm, ngọn lá ngũ sắc, những cánh hoa mềm mại? Cái công việc ấy đến nhà thi sĩ Pháp Lamartine cũng đã tả trong một bài thi đầu đề là A une fleur séchée dans un album. Trong bài thi ấy, nhà thi sĩ Lamartine tả rằng: một buổi trời quang đãng nhẹ gót lãng du đến miền bờ biển thấy một cây cam nặng trĩu những bông mới nở mùi hương thơm mát; mỗi khi có gió thổi bông rụng xuống đầy đầu, nên thơ biết bao! Thi sĩ nhặt một cánh hoa mang về, ép vào trong lòng quyển sách... Đến lúc da mồi đầu bạc, một buổi thư thả chợt mở sách ra coi thấy cánh hoa cam "ngày xưa", thời tâm hồn sao khỏi cảm động, vì cánh hoa đã nhắc lại truyện quá khứ hồi còn tráng kiện đầy nhiệt huyết làm việc. Câu kết của thi sĩ Lamartine:
Et je trouve en tournant la page
La trace morte d'un beau jour.
Đối với câu kết của Nam Trân cũng tương tựa:
Quyển vàng đến lúc giở ra,
Mùi hương sẽ gợi lòng ta mối tình.
Những cánh hoa thơm đã được biết bao những người yêu hoa ép vào trong lòng... sách! Cảm động thay! Nhưng cảm động hơn nữa là một thi sĩ người Trung Quốc, sau một buổi mưa to gió lớn, thi sĩ sáng ngày trở dậy, vội vàng ra sân xem trận mưa to gió lớn đêm qua đã bẻ gẫy mấy cành "phù dung":
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu.
Dạ lai phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu" (7) ...
(Bài thơ Xuân hiểu (Xuân sớm) của Mạnh Hạo Nhiên (689-740). Bản dịch thơ của NTN: Đêm xuân một giấc mơ màng - Tỉnh ra chim đã kêu vang quanh nhà - Gió mưa một trận đêm qua - Làm cho hoa rụng biết là dường bao?).
Những trang viết trên cho thấy bình giả Từ Lâm đã đặt thơ Nam Trân trong tương quan so sánh, tiếp nhận văn hóa - văn học với thơ Đường (Mạnh Hạo Nhiên) và thơ hiện đại Pháp (Lamartine). Lại thêm một chứng dẫn cho việc xác định quá trình hiện đại hóa nền thơ Việt Nam qua phong trào Thơ mới.
9. Bài thơ Dửng dưng của Tố Hữu được viết tại Huế vào tháng 5-1938 với lời tựa đề "Tặng tác giả Huế, Đẹp và Thơ".
Du khách bảo đây vườn kín đáo
Với hương dìu dịu, ý ngàn xưa
Trời mây xanh nhạt màu hư ảo
Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ...
Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai...
 
Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh
Ngọn cờ uể oải vật vờ bay
Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh
Áo gấm hài nhung cánh phượng bay.
 
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi!
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi...
 
Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa?
Cây hết thời xanh đến tiết vàng!
 
Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy
Mầm non thêm nhựa, lá thêm tươi
Ôi mỉa mai! hồn ta chỉ thấy
Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi.
 
Ai tưởng thiên đường sao nhấp nhánh
Tài hoa tinh kết, ngọc long lanh
Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh .
(Theo Tố Hữu: Từ ấy. In lần thứ hai (Đặng Thai Mai giới thiệu). Nxb Văn học, H., 1959, tr.60-61).
Có phải Tố Hữu viết bài thơ Dửng dưng với ngụ ý bày tỏ thái độ của một nhà thơ "vị nhân sinh" đối thoại lại quan niệm của một nhà thơ "vị nghệ thuật"? Về nội dung, tôi tin rằng có chuyện này nhưng lại khó tin về cách làm cũng như thời gian người viết bài thơ đối thoại. Vấn đề đặt ra là Tố Hữu chủ ý muốn họa lại cả tập Huế, Đẹp và Thơ hay chỉ phản biện với một bài cụ thể, hoặc với một số bài nào đó? Xét lẽ theo lời tác giả in đầu tập Huế, Đẹp và Thơ đã ghi rõ: "Hầu hết thảy những bài trong tập thơ này đã đăng trong các báo chí: An Nam tạp chí, Văn học tạp chí, Tràng An báo, Phong Hóa, Sông Hương, Tiên tiến (Sa Đéc) v.v... Nay chúng tôi góp in thành tập đầu để tặng các bạn gần xa. Gọi là để tỏ chút lòng thành của chúng tôi đối với thi ca nước nhà - Huế, ngày 10 Décembre 1938" và bìa cuối sách có chú thích cụ thể: "Sách này in xong ngày 15 Février 1939 tại nhà in Trung Bắc tân văn, 107, phố Hàng Buồm, Hà Nội, sách in ra 1000 cuốn bằng giấy Bouffant và 5 cuốn bằng giấy Vergé baroque, đánh số từ I đến V"... Như vậy thật khó có chuyện Tố Hữu viết Dửng dưng vào tháng 5-1938 để phản biện lại tập Huế, Đẹp và Thơ ra mắt bạn đọc sau đó gần một năm trời...
Như đã nói trên, tôi tin vào câu chuyện nhà thơ "vị nhân sinh" muốn đối thoại với một nhà thơ "vị nghệ thuật". Tuy nhiên, không nên coi các nhà thơ có ý thức tôn vinh "nghệ thuật vị nghệ thuật" về hình thức, hoặc có sáng tác coi trọng tinh thần "vị nghệ thuật" là xa rời cuộc sống và nâng cấp thành những nhóm, phái, trào lưu. Chỉ cần đọc Văn chương và hành động của nhóm tác giả Hoài Thanh - Lê Tràng Kiều - Lưu Trọng Lư (1936) là đủ rõ. Trên thực tế, họ vẫn chú ý đến cuộc sống và nhận ra những mặt trái của xã hội, vẫn kêu gọi con người tham gia vào cuộc tranh đấu "vị nhân sinh" theo cách thức của mình. Với thi sĩ Nam Trân, bài thơ Giận khúc Nam ai trong tập Huế, Đẹp và Thơ là một minh chứng:
Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác,
Hãy đứng lên, Nhạc sĩ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tấm hồn thừa trụy lạc.
 
Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
- Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân-
Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão.
 
Ôi! Nhạc sĩ, thật anh người thậm tệ:
Quan hoài chi những lối hát mê ly,
Những câu ca không Đẹp lại không Thi
Của kỹ nữ vọc cuộc đời ê chệ?
 
Hãy cung kính phượng các ngài tuổi tác
Những bản đờn, nhịp hát thiếu tinh thần.
Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần
Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác.
(Huế, Đẹp và Thơ . Trung Bắc tân văn Xb, H., 1939, tr.41-42)…
10. Trong công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, 1942), Hoài Thanh và Hoài Chân khi điểm danh 45 nhà Thơ mới đã tuyển của Nam Trân 7 bài thơ, đứng tốp mười nhà thơ có số lượng bài nhiều nhất (đồng hạng với Thế Lữ, Hàn Mạc Tử), tiếp sau các danh thủ Xuân Diệu (15 bài), Huy Cận, Lưu Trọng Lư (11 bài), Quách Tấn (9 bài), Chế Lan Viên, Nguyễn Bính (8 bài). Bảy bài thơ của Nam Trân được tuyển chọn gồm Đẹp và Thơ;Huế, ngày hè; Huế, đêm hè; Trước chùa Thiên Mụ; Mùa đông; Giận khúc Nam ai; Nắng thu. Tất nhiên số lượng không nói lên tất cả nhưng việc Hoài Thanh - Hoài Chân đưa vào tuyển tập tới 7 bài chứng tỏ mối thiện cảm và sự trân trọng của hai ông với thi tài Nam Trân. Điều quan trọng hơn, hai ông bước đầu nhấn mạnh ý nghĩa vị nhân sinh của thơ Nam Trân, coi những dòng thơ vượt lên vẻ bình lặng, êm dịu mơ màng của xứ Huế chính là sự khác lạ và đưa đến một sức sống mới trong tâm thức sáng tạo. Qua bài thơ Giận khúc Nam ai,người bình thơ đồng cảm với nhà thơ "ghét Nam ai" bởi không bằng lòng với những nỗi buồn vẩn vơ và mong tìm đến một tiếng ca mới, tập trung xác định phong cách, giọng điệu trữ tình thơ Nam Trân:
Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế? Nhưng sao hình ảnh Huế trong thi ca lại tầm thường thế? Có lẽ cảnh Huế huyền diệu, quá mơ màng không biết tả thế nào cho thoát sáo. Cũng có lẽ ngắm cảnh Huế, người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn nó là khí vị riêng của của xứ này và lòng người ta không đủ thản nhiên để ghi lấy hình sắc riêng của mỗi vật.
Kể có ít câu của Thu Hồng và hai câu này của Quỳnh Giao cũng được:
Một hàng tôn nữ cười trong nón,
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.
Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn. Ở Huế mà ghét Nam ai, nội chừng ấy cũng đã lạ (…). Người chỉ thản nhiên nhìn cảnh vật chung quanh và ghi lại bằng những nét già dặn.
Thơ Nam Trân thường mỗi bài là một bức tranh nhỏ trong ấy thể nào cũng có ít điều nhận xét đặc sắc. Thỉnh thoảng người cũng ghép vào trong cảnh một ít tình. Nhưng dầu người có nói đến tình yêu, lời thơ vẫn mực thước, vẫn không mất vẻ thản nhiên. Điều ấy thấy ngay ở bài đầu quyển Huế, Đẹp và Thơ (tức bài Đẹp và Thơ trích theo đây): một mẩu cảnh xinh xinh, một chút tình phảng phất trong những vần nhịp nhàng và lặng lẽ như dòng Hương Thuỷ trong veo. "Sóng lòng" thi nhân có xao động cũng chỉ trong khoảnh khắc như mặt nước sông kia mà thôi. Ý thơ nhẹ nhàng, điệu thơ uyển chuyển. Ta nên để ý bài này sáu câu trên thất ngôn mà bốn câu dưới lục bát. Thất ngôn tả vẻ thản nhiên của người đẹp, lục bát tả chút xao động trong lòng người thơ. Một cảnh hai tình, nên thơ cũng một bài hai điệu.
Về âm điệu, thơ Nam Trân thực dồi dào. Thi nhân không theo điệu nào nhất định. Trước mỗi cảnh, mỗi tình, người lại cố tạo ra một điệu thơ cho thích hợp. Câu thơ luôn luôn biến hoá: số chữ thay đổi từ một đến mười. Điệu thơ, đó là điều tối quan hệ với Nam Trân; người luôn luôn tìm kiếm, vì người nghĩ rằng chỉ có lười mới chịu nằm hoài trong một khuôn khổ.
Nhưng điệu thơ cũng như tứ thơ, ở Nam Trân, đều là kết quả của sự đắn đo kỹ lưỡng, sự suy tính siêng năng. Nam Trân luôn luôn tự chủ ngòi bút của mình một cách chắc chắn, không bao giờ phóng cho nó đi theo những nhạc điệu âm thầm một đôi khi vẫn thao thức trong lòng ta.
Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lấy tâm trí cho bình thản. Hãy xếp thơ Nam Trân lại những lúc lòng ta có chuyện xôn xao.
Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương.
Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ"(Thi nhân Việt Nam. Tái bản. Nxb Văn học, H., 1988, tr.179-181)...
11. Sau biết bao những biến thiên của lịch sử, bản thân tập Huế, Đẹp và Thơ từng bị đánh giá thiên lệch, cấm đoán xuất bản, phổ biến đã dần được nhìn nhận trở lại, được khôi phục, khẳng định những giá trị như nó vốn có. Trong vận hội đổi mới, việc tìm về những ý kiến người đương thời thơ mới bàn về tập Huế, Đẹp và Thơ (cũng như bàn về phong trào Thơ mới nói chung) không chỉ nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị thơ Nam Trân mà còn góp phần nhận diện đời sống phê bình thi ca giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, trong đó tinh thần dân chủ, bản lĩnh và tư cách nhà phê bình được đặc biệt coi trọng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét