Loài người giấu cái đuôi ở đâu?
- Nhụy Nguyên
Chúng ta biết, trái đất từng trải qua thảm họa Đại hồng thủy cuốn sạch người Át-lan; riêng đỉnh Hi-ma-lai-a và Tây Tạng nước không vươn tới, nên hiển nhiên là nơi cất giấu hạt giống loài người. Ngành khảo cổ học cũng tìm thấy trong các hang động cổ xưa hình vẽ mô tả các loại máy móc về Y học hiện đại hơn cả bây giờ. Xem là nền văn minh tiền sử bị lấp vùi. Việc phát hiện ra các bích họa tuyệt mỹ ở dãy núi Alps; những dấu chân hóa thạch có niên đại cách nay mấy trăm triệu năm đã cho thấy người tiền sử từng sinh sôi rực rỡ, vượt xa nền văn minh chúng ta. Rồi giới khảo cổ còn tìm ra các di vật cách hàng tỷ năm, khi mà vỏ trái đất chưa thật hoàn thiện... Nên biến cố “trùng tang” giữa các hành tinh sẽ gây nên bão từ như dự lịch của người Maya đâu gì lạ. Có một hội nghị khoa học khám phá ở Sydney năm ngoái, trọng tâm vẫn là bàn về Ngày tận thế. Bản tổng kết không báo động cũng không đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên điều đáng lưu ý, họ “hy vọng cư dân trên địa cầu từ nay đến thời điểm đó có thể thức tỉnh, mọi người đều có thể làm đến được "bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm””.
Nền văn minh vật chất càng phát triển, người người chạy theo lối sống vật chất, nhân tâm suy đồi khô cằn hoang mạc. Một số cường quốc tự hào về việc chế tạo các loại vũ khí tối tân, tự hào về việc khám phá các hành tinh khác ngoài trái đất, mà không mấy để ý đến những khám phá tâm linh mang tính quyết định cho tương lai hoàn cầu. Mun đa sép - Gs. Y học, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật mắt Liên bang Nga, ông đã hành trình qua Tây Tạng chụp lại những “con mắt thứ ba” trên các đền đài cổ, dùng kỹ thuật hiện đại dựng lại hình dáng của một loại người có tên Xô-ma-chi. Người Xô-ma-chi đã rời thế gian hoặc vẫn ngụ trong lòng các ngọn núi, như là sự di truyền hạt giống cho nền văn minh hậu trái đất; trong đó Hi-ma-lai-a, Tây Tạng được xác định là trung tâm quỹ gen của nhân loại. Qua tiếp xúc với các Lạt ma, Gu-ru, khám phá của Mun đa sép là kho tư liệu quý giá vô ngần về huyền bí phương Đông chưa từng đạt tới trong giới khoa học nghiên cứu tâm linh trước ông.
Hẳn bây giờ khái niệm linh hồn cũng không xa lạ lắm tại Việt Nam. Viện Tiềm năng con người hiển nhiên là cầu nối thông tin giữa cõi sống và cõi chết, dẫu cho sự biết đó vô cùng hạn hẹp tại bề thấp nhất của cõi Trung giới và giai đoạn Thân trung ấm. Nếu người đời vẫn cần một sự tường giải thực nghiệm, e muộn mất. Khoa học gia như Mun đa sép, lúc qua Tây Tạng mới làm quen được khái niệm Từ Bi, thế mà trong thời gian ngắn ông đã lưu cữu vào tâm thức các thức [bất tử] sau kiếp người; có khiến chúng ta chột dạ? Âu là do bức màn vô minh giăng phủ. Vô minh - danh từ này dùng để đeo trước ngực tất cả những ai chưa trực ngộ, chưa thấm Đạo, chưa hề chiêm nghiệm về “tánh không” mà không vin vào tri kiến, vào bàn cân khoa học. Ai rồi cũng đến được bờ giải thoát, có thể trong chúng ta “đang là” đây sẽ cán đích trong kiếp này hoặc nhiều kiếp nữa, cũng có thể trôi lăn trong luân hồi cả đại A Tăng Kỳ kiếp. Một người nông dân ngộ Đạo, nếu tính trên mặt bằng cõi nhân, họ tiến bộ hơn nhiều một trí giả coi thường Phật pháp. Danh giá bây giờ, song họ phải nhận thêm nhiều kiếp nữa để được như người nông dân kia. Đó là chưa dám nghĩ đến chuyện, vì mê lầm chấp trước gây nghiệp không khéo rẽ qua lục đạo luân hồi [không ngoại trừ] nếm mùi đời súc sinh. Việc hành Đạo có quan trọng và việc cự tuyệt hành Đạo có nghiêm trọng, tưởng đâu cần trả lời.
Quay lại với nguồn gốc loài người. Ở đây không nhất thiết lật lại vụ nổ Big Bang; cũng không cần soi lại thuyết Tiến hóa. Mun đa sép bước đầu cảm nhận chủ nhân của các Kim tự tháp là người Át-lan có tuổi thọ 78.000 năm (trong lúc nếu là của người Ai cập thì mới chỉ khoảng 4 - 5000 năm). Vậy các Pharaông từng được xem là xác ướp, có thật? Giả thuyết: đó có thể là những Xô-ma-chi tạm thời gửi xác lại trong các “tháp mộ”; thời điểm loài người hủy diệt, [hồn] họ sẽ quay [sống] lại nhập vào xác duy trì giống người. Học thuyết bí ẩn của học giả người Nga E.P. Bờ-la-vát-cai-a xuất bản năm 1937 viết: “Tại nơi bây giờ là hồ nước mặn và những sa mạc cằn cỗi hoang vu, đã từng có một biển cả nội địa rộng lớn, trải dài từ dãy núi Hi-ma-lai-a hiên ngang và các nhánh phía tây qua Trung Á đến phương Bắc. Trên đó có một hòn đảo đẹp vô song là nơi cư trú của những người còn lại cuối cùng của Chủng tộc trước chúng ta…”.
Xô-ma-chi cũng gần với trạng thái “nhập định viên mãn” trong Thiền Phật giáo Nguyên thủy. Người trần tu đắc quả La hán hoặc cao hơn, tế bào của họ sẽ được thay bằng vật chất cao năng lượng, có thể đưa xác lên cõi khác hoặc xác ấy để lại trần gian mãi mãi không hư hoại (một dạng như đang có ở chùa Dâu). Trường hợp Xô-ma-chi tạm thời gửi xác lại ở dạng đá, trong lòng đất hoặc cũng có thể dưới đại dương; họ sẽ trở lại trái đất lấy xác hoặc không, bởi chính [hồn] họ, bằng năng lực siêu nhiên hoàn toàn tạo được một thân hình vừa ý để “khoác” vào. Ở Tây Tạng có người Xô-ma-chi mật tu trong các hang động, song người đời không được phép vào trừ những ai thực sự đã tịnh hóa thân Tâm đạt đến cấp độ Nhị Thiền trở lên; hoặc người xin vào với sứ mệnh lớn lao thức tỉnh nhân loại… Điều này hoàn toàn lô gích, nếu chúng ta nhớ lại số người từng thiệt mạng tại hầm mộ Pharaông trong các Kim tự tháp. Hiểu cách khác, xác ướp ấy có thể được gửi lại trần gian theo kiểu Xô-ma-chi. Đó có thể là quy luật được an bài bởi các cõi trên, và vĩnh viễn bất khả tri với “người thường” dẫu có sáng chế ra kính thiên văn nhìn thấu thiên hà.
Dĩ nhiên, người đạt được trạng thái Xô-ma-chi xuất hồn gửi xác hàng triệu năm, thì họ hoàn toàn chủ động kiếm phần xác thích hợp khác hay tự tạo ra phần xác cho mình để sinh ra một giống người mới trên trái đất sau thảm họa... Đã đến lúc cần ngẫm kỹ khái niệm Nghiệp. Nghiệp là “bộ máy” tinh vi phân tích nhân tạo quả chi phối xuyên không gian và thời gian. Trong giới động vật mỗi loài đều do quy định của nghiệp quả. Trong vũ trụ có vô số cảnh giới khác nhau được tạo ra để phân loại cho giới loài sinh sống. Danh sư Di Pama chui được xuống đất song khi lên thì người ướt rượt, để thấy ở cảnh giới bà thâm nhập, mặt đất không còn là mặt đất mà lại là nước. Cũng như trong không gian ta đang sống, trong ngôi nhà rỗng của chúng ta, nhìn thì trống không song thực tế có cảnh giới cõi âm, “người” vẫn tồn tại [trong cảnh giới của họ]. Thấp hơn là cảnh giới của ngạ quỷ, súc sanh, cảnh giới địa ngục... và nhiều cảnh giới nữa vẫn “tận dụng” không gian của loài người mà xem ra chẳng ảnh hưởng gì đến nhau. Loài tinh tinh thông minh nhất trái đất hiện thời, khoa học giải mã bộ gen của nó gần trùng khớp với người. Cũng yêu ghét giận hờn, sẻ chia vui buồn, cũng tham sân như ai, nhưng tí chút khác biệt chính là cái nghiệp khiến nó phải là con tinh tinh trọn kiếp!
Đạo Phật có danh từ rất dễ nhớ: Ngộ. Có điều để phá mê, con người phải trải qua nhiều kiếp, ngắn gọn hơn là đánh đổi sự tu tập trọn đời. Kinh Phật vẫn từng nhắc đến rất nhiều vị La Hán, Bồ Tát, Phật Đà thần thông quảng đại, dời chuyển không gian. Mục Kiền Liên xuống Địa ngục để thăm mẹ, xem Bồ Đề Đạt Đa bị đọa như thế nào; Di Pama có thể quay về ngồi chung với các tỳ kheo nghe Phật giảng Tứ thánh đế,… Người chứng Đạo hầu như có thần thông. Vậy tại sao tất thảy họ không tiêu trừ hết khổ đau cho nhân loại? Thực ra như đã nói, con người rớt xuống cõi này đều do lãnh nghiệp báo từ các cõi trên, đòi hỏi phải tự ngộ; Phật chỉ cho lối thoát và ai nấy tự thắp đuốc mà đi. Nếu khả năng kỳ diệu [do đắc Pháp mà có] phơi lộ trước mặt, chúng ta sẽ nổi tham; tu tập mong đạt khả năng đó, như vậy đâu phải ngộ. Ngược lại nếu họ đem huyền năng khoe khoang trục lợi, phô bày bản ngã, chắc chắn sẽ bị rút phép thông công. Bởi thế ngoài một số hiện tượng linh hiển, tiến trình lên [hay xuống] trong Ta bà phụ thuộc vào nhân tâm.
Thật nghiêm trọng nếu nghĩ Phật giáo chỉ dành cho một bộ phận người, ai không theo thì không cần giữ giới, học và hành. Thực tế Phật pháp dành chung cho nhân loại. Cõi người là tầng rất thấp trong Tam giới. Chúng ta “rớt” xuống đây xem như cõng nghiệp, duy trì thân mạng cốt tạo phước hầu trả nghiệp tiêu nghiệp, nhẹ gánh mà bay lên. Muốn tìm lại đúng con đường trở về Tây Phương thế giới, không ngọn đèn nào soi tỏ ngoài ánh hào quang của Phật pháp. Chúng ta không nên học Phật qua “tảng băng nổi” mà phải học bằng Tâm ở phía sau văn bản, tức chặt đứt “ngón trăng”. Cho dù “triết học Kinh Phật là nền triết học cao nhất của triết học thế giới” (như nhận xét của Giáo thọ Đông Phương Mỹ) thì sau sở học là hành. Hành, trước hết đào luyện tâm, tẩy rửa bợn nhơ uế trược. Cao nhân Phật pháp, họ cũng chỉ nhận mình là hành giả chứ không gắn hàm học giả bao giờ. Nếu cảm Phật bằng Tâm, chúng ta sẽ không mất quá nhiều thời gian chờ đợi ngành vật lý lượng tử chứng minh bí mật của vũ trụ mà Đức Phật nói không sai trật gần ba ngàn năm trước.
Tu thời nay không nhất thiết phải cạo đầu lên chùa. Từ Phật giáo Tiểu thừa đến Phật giáo Đại thừa là một quá trình biến đổi lớn về tư duy hành đạo. Ta vẫn có thể “trà trộn” vào dòng đời, lấy đời làm trường tu luyện để nhiếp phục tâm, nâng cao chân tánh. Khi miếng ăn bị xâm hại, nếu ta biết đặt sự nhường nhịn lên trên hẹp hòi ích kỷ thì xem như đã vượt qua một [trong số nhiều] cửa ải tử sinh. Khi biết chịu thiệt về mình để ban phát tình thương lên vạn vật thì nỗi sợ hãi và nghiệp nạn sẽ không chạm được vào cánh cửa tử sinh kế tiếp. Nếu trái đất bị đảo chiều suy biến, khi đó tâm từ mà ta luyện thành sẽ là nơi an trú an toàn nhất.
Hoặc giả, nếu thế giới ấn định thời gian (kiểu như giờ trái đất chẳng hạn) và đúng khoảng thời gian bao lâu đó toàn nhân loại đều thanh sạch nguyện cầu, thiết nghĩ nạn nghiệp sẽ được đẩy lùi.
Nếu như trái đất không lâm nạn, hoặc cộng nghiệp sai số hàng chục, hàng trăm nghìn năm thì tương lai gần của loài người cũng không sáng sủa cho lắm. Đại thế chiến tiền ẩn. Bom nguyên tử chờ kích hoạt… Sự lệch quỹ đạo trái đất sẽ tạo nên địa chấn, đại dương trồi lên và phần đồng bằng đồi núi bị lún xuống. Điều này lý giải nguyên do chúng ta tìm thấy những thành phố chìm dưới đáy đại dương. Hay hiểu thô mộc hơn, thời điểm nền văn minh vật chất “lên đỉnh”, thời điểm các cường quốc “chơi cờ người” phục vụ cơn ngông cuồng của nhóm người băng hoại đạo đức, hẳn sẽ có bàn tay thiên tượng xóa bàn cờ thế sự tạo nên giống người mới cho một nền văn minh mới. Đừng bao giờ nghĩ điều đó bất công. Sẽ chẳng có bất công khi tất cả cùng lâm nạn song người xấu xuống địa ngục còn người tốt lên thiên đàng; người xấu bị đầu thai làm súc sinh còn người tốt hưởng phước tại các cõi cao hơn. Đó là thuyết luân hồi nhân quả không thể nghĩ bàn nếu con người không chịu khai tâm mở não.
Trong lịch sử Việt Nam đã có thời thịnh trị Lý - Trần dựa nền trên lưng Phật giáo; lại là thời có phương sách giữ nước kinh điển. Chúng ta thừa nhận thơ Thiền Lý - Trần là đỉnh tót vời trong kho tàng văn học nước nhà. Nếu chúng ta gạn khỏi “bể khổ” lớp váng vô minh và không nhìn Phật pháp qua lớp kính màu của mê tín, của chính trị và quyền lực thì miền huyền nhiệm trong mỗi người sẽ tự thắp sáng sau những bể dâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét