NGUYỄN THỊ MAI HOA(*)
1. Cuộc đời và tác phẩm
Emund
Gustav Albrecht Husserl (1859 - 1938) là triết gia người Đức gốc Do
Thái, người sáng lập hiện tượng học. Sinh ra ở một thị trấn nhỏ thuộc
vùng Moravia của đế quốc Áo - Hung, ngay từ nhỏ, Husserl đã say mê
nghiên cứu toán học và khoa học. Năm 1876, ông đến Trường Đại học Leipzip để học toán học và thiên văn học. Sau ba học kỳ học ở đó, ông chuyển tới Đại học Berlin. Tại đây, ông có điều kiện được học chung với bộ ba nhà toán học nổi tiếng lúc bấy giờ là Weierstraõ, Kronecker và Kummer. Sau ba năm học ở Berlin, ông chuyển đến Vienne. Trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở đó, Husserl đã nhận được học vị tiến sĩ toán học vào tháng 1 năm 1883. Sau đó, Husserl đã từng có thời gian trở lại Berlin và làm trợ lý cho Weierstraõ, nhưng do Weierstraõ luôn ốm yếu, nên ông quyết định quay về Vienne và tham gia phục vụ quân đội một năm. Đến năm 1884, mối quan tâm lớn dành cho tôn giáo đã thôi thúc Husserl theo học triết học với Franz
Brentano ở Vienne. Brentano không chỉ là người truyền nguồn cảm hứng
triết học cho Husserl, mà còn là người có ảnh hưởng mang tính quyết định
đến hiện tượng học Husserl sau này. Husserl đã học tập với Brentano
đến năm 1886, khi Brentano khuyên ông đến Halle, nơi mà một trong những
học trò của Brentano là Carl Stumpf đang dạy triết học và tâm lý học. Năm 1887, Husserl trở thành giảng sư của Halle và ở lại đó như một Privatdozent cho đến năm 1901, khi đã trở thành phó giáo sư ở Gottingen và là giáo sư chính thức 5 năm sau đó. Từ năm 1916 đến năm 1928, ông ở Freiburg và dạy học cho đến cuối đời.
Trong suốt thời gian học tập và làm việc với Brentano, Husserl đặc biệt bị lôi cuốn bởi quan niệm về tính ý hướng của Brentano và đã phát triển nó thành hiện tượng học. Nhờ đó, Husserl đã trở thành một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn ở thế kỷ XX và được
coi là người đặt cơ sở cho hầu hết các học thuyết triết học châu Âu
đương đại, đã tiên đoán nhiều vấn đề, đưa ra nhiều quan niệm cho triết
học tâm thức (ý thức) cũng như khoa học nhận thức hiện thời. Mặc dù vậy, các tác phẩm của Husserl không dễ đọc, người ta thường nói đến ông nhiều hơn là đọc các tác phẩm của ông.
Về hiện tượng học, tác phẩm đầu tiên mà Husserl đã viết là Những nghiên cứu lôgíc (1900 - 1901), tiếp sau là Những ý tưởng (ý niệm) (1913) - tác phẩm đầu tiên trình bày một cách đầy đủ và có hệ thống về hiện tượng học. Các tác phẩm ra đời muộn hơn là Về hiện tượng học của sự ý thức về thời gian nội tại (1928); Lôgíc hình thức và tiên nghiệm (1929) - tác phẩm chín muồi nhất của ông; Những suy ngẫm về Descartes (1931); Sự khủng hoảng của các khoa học châu Âu. Kinh nghiệm và phán đoán (1938) - tác phẩm được người giúp việc của Husserl là Ludwig Landgrebe biên tập với sự tham khảo ý kiến của ông.
Ngoài ra, Husserl còn có các tác phẩm triết học quan trọng khác, chẳng hạn, Khái niệm về số (tác phẩm được in vào
năm 1887, nhưng sau đó không được xuất bản). Đến tác phẩm này, ở
Husserl đã có sự thay đổi hướng nghiên cứu; ông từ bỏ dự án Triết học về
số học với tư cách cơ sở toán học cho tâm lý học. Thay vào đó, ông đã phát triển những nghiên cứu triết học lâu dài của mình là hiện tượng học (được giới thiệu lần đầu trong Những nghiên cứu lôgíc gồm hai quyển, được viết vào năm 1900 và 1901). Trong những năm 1095 - 1907, ông đã giới thiệu tư tưởng về sự hoàn nguyên tiên nghiệm và hướng hiện tượng học đến chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Quan điểm mới về hiện tượng học này đã được Husserl giải nghĩa trong Những ý tưởng (1913) - tác phẩm trình bày có hệ thống nhất về hiện tượng học.
Ngày nay, những phần quan trọng trong các bài báo và những công trình nghiên cứu đã được xuất bản trước đây của Huserl được in trong bộ Huserl toàn tập (Husserliana). Những tác phẩm chính của ông cũng đã được dịch sang tiếng Anh.
2. Hiện tượng học
Trong quan niệm của Husserl, triết học cũng như các khoa học khác không phải là những thứ xa vời với thực tiễn cuộc sống hay đánh mất ý nghĩa nhân sinh của con người. Do vậy, ông chủ trương xây dựng một thứ triết học và phương pháp triết học nhằm đưa con người trở về với bản
chất chân thực trong nhận thức, trong hành vi ý thức, trong việc hình
thành thế giới sống của chính mình. Hiện tượng học cùng các phương pháp
hiện tượng học chính là con đường mà thông qua đó, Husserl thực hiện mục
đích của mình.
Hiện tượng học của Husserl bắt đầu với ý
tưởng cho rằng, mọi hành vi ý thức của con người đều có một đối tượng
để hướng tới. Ông lập luận như sau: “Khi chúng ta yêu mến một ai đó hoặc
một cái gì đó, thì rõ ràng là đã có một ai hoặc một cái gì đó mà chúng
ta yêu; tương tự, khi chúng ta cảm giác về một cái gì đó, thì rõ ràng là
đã có một cái gì đó mà chúng ta cảm giác; khi chúng ta nghĩ về một cái
gì đó, thì đã có một cái gì đó mà chúng ta nghĩ,...”(1). Từ đây, Husserl đặt câu hỏi: Thực chất của đối tượng mà ý thức con người hướng tới là gì? Và,
hành vi nhận thức đối tượng của con người diễn ra như thế nào? Chính
vì vậy, tính ý hướng đã trở thành chủ đề trọng tâm trong hiện tượng học
của Husserl. Tư tưởng về tính ý hướng này được kế thừa từ Brentano,
người đã cho rằng, tính ý hướng là nét đặc biệt của kinh nghiệm nhằm ý
thức về một cái gì đó. Do vậy, luận giải về hiện tượng học của Husserl,
trước hết cần phải tìm hiểu xem tính ý hướng là gì? Nó bao gồm những gì?
Husserl hiểu tính ý hướng không chỉ đơn giản là sự định hướng của ý thức về phía các sự vật tồn tại bên
ngoài, mà còn có nghĩa là, ý thức “dựng” nên các sự vật. Tính ý hướng
bao gồm: hành vi ý hướng (Noesis), nội dung ý hướng (Noema) và đối
tượng mà ý thức của chúng ta hướng tới. Trong đó, theo Husserl, hành vi
ý hướng là hành động mà ở đó, chúng ta xác định nội dung ý hướng để
tiến tới “dựng” nên đối tượng (sự vật); nói cách khác, nó là ý nghĩa
được tạo ra trong hành động hướng tới một đối tượng; nội dung ý hướng là
sự tổng hợp những đặc điểm mà ý thức chúng ta có được về sự vật tại cùng một thời điểm trong hành động hướng đến sự vật đó.
Khi
thừa nhận tính ý hướng là ý thức “tạo dựng” nên các sự vật, Husserl
đặt vấn đề: Ý thức của con người hướng tới một đối tượng xác định, nhưng tại sao có những đối tượng giống nhau mà ý nghĩa của nó đối với mỗi người lại khác nhau. Đôi khi, ý nghĩa đến với mỗi
người là giống nhau, nhưng đối tượng biểu đạt ý nghĩa đó lại khác nhau.
Husserl lý giải hiện tượng này là do hành vi ý hướng trong ý thức của
con người tạo ra đối tượng, chứ không phải đối tượng bên ngoài quy định ý
thức của con người về bản thân đối tượng đó. Theo ông, những ý đồ hay ý
tưởng được định hình trong đầu óc con người đều hướng tới một đối tượng
xác định nào đó, vì thế, thông qua hành vi ý hướng, chúng ta có thể xác
định được nội dung ý hướng và đối
tượng mà ý thức hướng đến. Chúng ta có thể hình dung sơ đồ hiện tượng
học của Husserl như sau: Trong đầu óc của chúng ta hình thành những biểu
tượng hay kết cấu về sự vật, tức là có hành vi ý hướng; tiếp đó, chúng
ta giải nghĩa cho hành vi ý hướng đó (thông qua việc tổng hợp tất cả
những đặc tính của sự vật trong đầu óc chúng ta và hình thành những khái niệm, quan niệm), tức là có nội dung ý hướng, nhờ đó, chúng ta mới có thể nói về đối tượng tồn tại trong hiện thực
như thế nào. Do vậy, không thể có bất kỳ một hành vi ý hướng nào mà lại
thiếu đối tượng. Ngay cả hoạt động tình cảm của chúng ta cũng hàm chứa
trong đó một đối tượng xác định, bởi chúng ta không thể buồn hoặc vui
một cách vô cớ, mà bao giờ cũng có nguyên nhân của nó, tức là một đối
tượng cụ thể mà ý thức của chúng ta hướng tới.
Với quan
niệm coi ý thức là cái “tạo dựng” nên bản thân sự vật, Husserl đã đưa
hiện tượng học tiến gần tới chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Ông coi toàn
bộ thế giới hiện thực và các sự vật là do ý thức, ý đồ chủ quan của con người sắp đặt, “tạo dựng” và vì lẽ đó, mỗi chủ thể khác nhau lại có cảm nhận khác nhau về thế giới xung quanh và đối tượng mà ý thức của họ hướng tới; nói cách khác, cùng một đối tượng, nhưng với mỗi người, nó lại có ý nghĩa khác nhau. Nếu không có hành vi ý hướng của con người thì sự tồn tại của mọi sự vật và hiện
tượng đều vô nghĩa. Ở đây, Husserl đã sử dụng cụm từ tính ý hướng để
nói rằng, trong ý thức luôn có những phần khác nhau, chúng tương tác với nhau để tạo nên kinh nghiệm của chúng ta về sự vật. Ông viết: “Cả thế giới thời gian và không gian, bao gồm con người và tính tự ngã của con người, xét về ý nghĩa mà nói, là một thứ tồn tại của ý đồ. Nói thế cũng có nghĩa là, thế giới này đối với ý thức chỉ là cái có sau, có ý nghĩa tồn tại tương đối. Nó là tồn tại của ý thức được bố trí trong kinh nghiệm. Sự tồn tại như vậy, về nguyên tắc, chỉ là cái nhất trí trong biểu tượng ý thức mà nhiều người có thể cảm nhận và quy định. Ngoài cái đó ra, chẳng có gì khác”(2).
Điểm khác biệt giữa chủ nghĩa duy tâm hiện tượng học của Husserl với chủ nghĩa duy tâm truyền thống là ở chỗ, mặc dù vẫn thừa nhận sự tồn tại hiện
thực của thế giới xung quanh, nhưng ông không trực tiếp bàn đến vấn đề
đó, mà lại tập trung luận giải việc con người nhìn nhận, cảm giác như
thế nào về thế giới ấy, tức là, nói về tính chủ thể hay vị thế của con
người trong thế giới. Ông cho rằng, “chủ nghĩa duy tâm hiện tượng học
không phủ nhận sự tồn tại thực của thế giới hiện thực và coi nó như một ảo giác… Thành tựu và nhiệm
vụ duy nhất của nó là làm rõ cảm giác của con người về thế giới này -
cái cảm giác mà nhờ đó tất cả chúng ta đều nhìn nhận thế giới như nó
đang tồn tại và có giá trị thực sự”(3). Vì thế, với hiện tượng học, Husserl muốn trả lại cho triết học ý nghĩa nhân sinh đích thực của nó. Với ông, triết học theo đúng nghĩa của nó phải bàn đến việc con người cảm giác, nhìn nhận và xây dựng thế giới sống của bản thân như thế nào và phải chỉ dẫn cho con người những phương pháp để làm được điều đó.
Với mong muốn đó, hiện tượng học của Husserl đã chỉ ra rằng, mọi tồn tại trong thế giới này là do chủ thể tiên nghiệm cấu thành và vấn đề còn lại chỉ là làm thế nào để đưa cái thế giới tồn tại khách quan, bên ngoài trở thành thế giới bên trong con người và được
nhìn nhận qua lăng kính chủ quan của mỗi cá nhân. Trả lời cho câu hỏi
này, Husserl đã dành một phần quan trọng trong hiện tượng học để bàn về
“hoàn nguyên tiên nghiêm”, hay sự trở về với tính
chủ quan tiên nghiệm của con người. Trước khi nói về “hoàn nguyên tiên
nghiệm”, ông đã lý giải về “hoàn nguyên bản chất”, bởi theo ông, nhờ có
sự kết hợp của hai “hoàn nguyên” này mới có được “hoàn nguyên hiện tượng
học”. Ông cho rằng, trong mỗi hành động nhất định, khi chúng ta bỏ qua
việc tập trung vào những đặc điểm riêng lẻ, bên ngoài của sự vật để đi vào
bản chất thực sự của nó, thì đó chính là “hoàn nguyên bản chất”
(eidetic reduction - hoàn nguyên lý niệm). Trong “hoàn nguyên bản chất”,
chúng ta lấy một đối tượng cụ thể và cứ thế quan sát, tưởng tượng, biển đổi nó với vô
số những đặc điểm, tính chất khác nhau cho đến khi phát hiện ra nó
không còn là một vật thể nữa thì thôi; sau đó, tập trung xem xét tổng
thể mọi biến đổi đa dạng đó và trên
cơ sở ấy, tìm ra cái bản chất đích thực của sự vật. Song, theo Husserl,
“hoàn nguyên bản chất” không thể nói cho chúng ta biết bản chất hoạt
động nhận thức của con người là gì và như
thế nào, mà chỉ có “hoàn nguyên tiên nghiệm” mới có thể giải đáp được
vấn đề đó. Bởi lẽ, theo ông, khi nhận thức một đối tượng nào đó, chúng
ta không chỉ hướng ý thức tới đối tượng ấy để nắm bản chất của nó, mà
còn đồng thời thực
hiện hành vi phản tư trong ý thức của mình để nhận biết bản thân hoạt
động nhận thức này. Nói khác đi, khi con người thực hiện hành vi ý hướng
nhắm tới một đối tượng, thì đồng thời, khi đó cũng diễn ra hành vi phản tư trong ý thức giúp họ nhận thức về bản thân hành vi ý hướng và nội
dung ý hướng này. Sự phản tư đó được Husserl gọi là “hoàn nguyên tiên
nghiệm”. Chẳng hạn, chúng ta nhìn thấy một bông hoa, chúng ta không chỉ ý
thức được bông hoa, mà còn ý thức được việc nhìn bông hoa đó(4).
Trên cơ sở đó, Husserl đã nói về “hoàn nguyên hiện tượng học” như một
sự hoàn nguyên dẫn chúng ta đi từ hành động ý hướng nhắm tới đối tượng
thông qua hành động hướng tới bản chất của nó (“hoàn nguyên bản chất”)
đến hành động phản tư trong ý thức về bản thân hành vi ý hướng và nội
dung ý hướng này (“hoàn nguyên tiên nghiệm”). Nhờ có “hoàn nguyên” này,
chúng ta có thể biết được bản chất của đối tượng nhận thức trong lăng
kính của chủ thể tiên nghiệm, cũng như cách thức chủ thể tiên nghiệm cấu
thành đối tượng nhận thức và thế giới sống của bản thân.
Với những
phân tích như trên, chúng ta thấy rằng, hiện tượng học của Husserl
chính là sự nghiên cứu về các quan điểm khác nhau từ góc độ chủ thể
tính. Nếu trong khoa học, người ta nghiên cứu tính khách thể và sắp xếp những quan sát, thí nghiệm theo cách làm giảm thiểu sự khác biệt giữa những người quan sát, thì hiện tượng học tập trung vào chủ thể tính và dựa
trên sự khác biệt về kinh nghiệm, về nền tảng văn hoá, mỗi chủ thể tự
cấu trúc hay tạo lập thế giới theo những cách khác nhau, đồng thời cũng dựa trên sự chấp nhận cách thức tạo lập của những chủ thể khác trong quá trình tương tác và giao tiếp.
Hiện tượng học của Husserl còn bàn đến một khái niệm quan trọng nữa - đó là “thế giới sống”. Đối với ông, đời sống thường ngày với đa dạng các hoạt động và biểu hiện của con người là thế giới “duy nhất chân thực”. Nhưng, thế giới sống ấy đã dần bị khoa học hóa, số học hóa và được miêu tả bởi những ngôn ngữ trừu tượng, những công thức, khái niệm chặt chẽ, chính xác và tuyệt
đối. Do vậy, bức tranh về cuộc sống mà khoa học tự nhiên tạo ra đã che
lấp ý nghĩa chân thực vốn có của cuộc sống thường nhật, đưa con người vào vòng xoáy của những hiện tượng vật chất xung quanh. Với quan
niệm này, mặc dù là người ủng hộ sự phát triển của khoa học tự nhiên
trong việc tạo ra phúc lợi, cũng như trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho loài người, Husserl vẫn lên tiếng phản đối ảnh hưởng tiêu cực của khoa học tự nhiên đối với cuộc sống con người. Ông cho rằng, khoa học tự nhiên chỉ chú trọng đến khách thể, mà bỏ quên mất vị trí của chủ thể và do vậy, đã xem nhẹ ý nghĩa và giá trị nhân sinh của con người. Vì thế, theo ông, chúng ta cần phải đưa thế giới của khoa học và triết học trở về với cuộc sống thường nhật của con người và coi triết học, khoa học là một phần của cuộc sống để sau đó, đưa cuộc sống này trở về với thế giới tự ngã bên trong chủ thể tiên nghiệm và coi
nó như sản phẩm của tư duy chủ quan thuần túy. Nói cách khác, Husserl
muốn thông qua con đường “hoàn nguyên hiện tượng học” để đưa cuộc sống
trở về với chủ thể, tức là, mỗi người, bằng hành vi ý hướng và nội dung ý hướng, tự xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Và, chỉ như vậy, con người mới có quyền được sống với những gì mà mình có, biết được thế giới này thực sự là gì và bao gồm những gì trong nó. Do vậy, “thế giới sống” của Husserl không còn là thế giới khách quan thụ động và vô tri, vô giác ở bên ngoài nữa, mà là thế giới đã đi vào chiều sâu bên trong con người - một thế giới thuộc về cuộc sống thực sự của con người.
Như vậy, có thể nói, với luận thuyết hiện tượng học và con
đường “hoàn nguyên hiện tượng học”, Husserl đã trả lại cho con người vị
thế chủ thể trong cuộc sống - cái đã bị lãng quên suốt một thời gian
dài, khi khoa học tự nhiên đóng vai trò chúa tể chi phối toàn bộ cuộc
sống loài người. Hiện tượng học của ông chính là cửa ngõ để đi vào thế giới nhân sinh bên trong mỗi con người - cái mà triết học và khoa học trước đó chưa thể làm được. Vì vậy, nó được coi là trào lưu tư tưởng đi tiên phong trong việc giành lại ý nghĩa và giá trị nhân văn cho cuộc sống của con người, và là khởi nguồn của nhiều trào lưu văn hóa, triết học phi duy lý sau này.
3. Ảnh hưởng của hiện tượng học Husserl
Hiện tượng học Husserl đã có ảnh hưởng lớn đến triết học trong thời đại chúng ta, chủ yếu là châu Âu, từ những năm 1917 và nó cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến Mỹ và một vài quốc gia khác. Là người kế tục sự nghiệp của Husserl, Martin Heidegger đã viết Tồn tại và thời gian
(1927) như một công trình nghiên cứu hiện tượng học để tưởng nhớ
Husserl. Jean Paul Sartre cũng là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ
Husserl, đặc biệt là ý tưởng cho rằng, thế giới vật chất xung quanh
chúng ta không phải là cái quyết định duy nhất đến đối tượng ý hướng của
chúng ta. J.P.Sartre đã phát triển ý tưởng này trong triết học của ông,
khi bàn về tự do, nhất là trong Tồn tại và hư vô (1934) với phụ đề là “Một bài luận hiện tượng học về bản thể luận”. Tiếp đó, Emmanuel Levinas, Paul Ricoeur và một
số nhà triết học Pháp khác đã chịu ảnh hưởng nhất định từ tư tưởng của
Husserl. Hiện nay, một thế hệ trẻ các nhà triết học Pháp và Đức đang vận dụng những tư tưởng của Husserl để nghiên cứu về triết học nhận thức luận, triết học ngôn ngữ và triết học tinh thần.
Quan niệm về “thế giới sống” của Husserl cũng đã trở thành lý luận quan trọng đối với chú giải học mới của Heidegger, Gadamer và phương pháp luận của các khoa học xã hội và nhân văn (Schutz, Luckmann), bởi nó cung cấp những tiêu chuẩn cho sự tranh luận về chủ thể tính và cách
thức mà chúng ta kiến tạo thế giới, xây dựng nền tảng văn hoá cho mình.
Những vấn đề này đều liên quan trực tiếp tới “tính liên chủ thể” và những nghiên cứu cụ thể của Husserl về cách thức mà chúng ta ứng xử với người khác để từ đó, hình thành quan niệm về một thế giới chung (“thế giới liên chủ thể”). Một vài sinh viên của Husserl cũng cố gắng theo đuổi những đề tài của ông, trong đó đáng chú ý là Edith Stein với luận văn về Vấn đề của sự thấu cảm (1917) - vấn đề mà sau đó, tiếp tục được triển khai với sự giải thích khác nhau trong chủ nghĩa hiện sinh của Heidegger và hiện tượng học của Merleau - Ponty.
Nhiều sinh viên và những người theo quan điểm của Husserl còn tìm hiểu một cách kỹ lưỡng một số chủ đề khác trong triết học Husserl và áp dụng tư tưởng của ông vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, Roman Ingarden đã áp dụng những tư tưởng đó vào mỹ học; Aron Gurwitsch và một vài
người khác ứng dụng trong nghiên cứu về tri giác. Những quan điểm của
Husserl cũng đã trở thành cơ sở cho sự phát triển mới trong tâm lý học và tâm
lý liệu pháp. Không dừng lại ở đó, những tư tưởng của ông còn gây ảnh
hưởng lớn tới các nhà triết học toán học, trong đó có Godel, và chúng cũng bắt đầu có ảnh hưởng tới triết học tinh thần và khoa học thực nghiệm.r
(*) Nghiên cứu viên, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Edited by Edward Craig. The shorter routledge encyclopedia of philosophy, London and New York, 2005, p.417.
(2) Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng (chủ biên). Giáo trình hướng tới thế kỷ 21 - Triết học phương Tây hiện đại. Nxb Lý luận chính trị, 2004, tr.485.
(3) Dẫn theo: Edited by Edward Craig. Ibid., p.418.
(4) Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr.482.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét