Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Từ điển Triết học III

Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 31

Bataille, Georges: Trong lịch sử triết học, đôi khi người ta phân biệt nhà triết học với nhà thần học, triết gia nhà nghê với triết gia dân tộc, và có thể những nhà triết học trong dòng chính với những nhà biên khảo, hay ngoại vi. Bataille có thể xếp trong hàng ngũ thứ hai này vì ông không thực sự theo ngành triết tại đại học, song học triết với triết gia lưu vong Lev Shetov, dự những hội luận của Alexandre Kojève (dẫn ông vào việc nghiên cứu Hegel), và Alexandre Koyré, mặt khác ở trong truyền thống nhà văn Pháp. Khi khảo về Nietzsche, Bataille coi Nietzsche như một nhà văn hơn là nhà triết học. Bản thân ông tự coi không là một triết gia, song là một ông thánh, hay một người khùng.
Bataille sinh năm 1897, theo học ở  Ecole des Chartes (1917-1922) và Ecole des Hautes Etudes Hispaniques và làm quản thủ thư viện từ năm 1924. Ông sáng lập tạp chí Critique vào năm 1946, tạp chí Acéphale (1936-7) và tam đầu chế thành lập Collège de Sociologie (với Leiris và Caillois) vào 1937 (tuy chỉ tồn tại hai năm 1937-1939), với nhiều diễn giả nổi tiếng như Kojève, Klossowski, Rougemont, Hans Mayer, Paulhan, Wahl, Landsberg v.v.. với mục tiêu, như Bataille đề ra là “không phải chính trị, nhưng chưa hẳn là văn chương. Chủ trương triệt để chống phát-xít, căm thù thống trị tư sản, cũng không thể tin cậy cộng sản.”
Trong bài thuyết trình mở đầu, Georges Bataille nói về xã hội học thiêng liêng và những quan hệ giữa “xã hội”, “cơ thể” và “hữu thể”, khai triển những nhận xét tổng quát thuộc siêu hình, hữu thể luận về bản nhiên của xã hội. Ông giải thích rõ hơn về xã hội học thiêng liêng  không đơn giản là một phần của xã hội học như thể xã hội học tôn giáo, nhưng là nghiên cứu không những về những định chế tôn giáo mà toàn bộ vận động cộng đồng của xã hội. Xã hội học này có đối tượng là quyền lực và quân đội, cũng như xét mọi sinh hoạt con người, như khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật, vì những sinh hoạt này có một giá trị công chung, nghĩa là những tạo vật thống nhất. Xã hội như vậy là một hữu tổ hợp; ông phân biệt cộng đồng tuyển chọn với cộng đồng truyền thống.
Trong Théorie de la religion (xuất bản năm 1973, sau khi ông qua đời vào 1962) tiếp nối những suy nghĩ về xã hội thiêng liêng của bài thuyết trình nói trên, như luận về hy sinh, lễ hội và thế giới thiêng liêng. Ông xác định vị trí của một thái độ tôn giáo rút ra tự ý thức trong sáng, và có thể ngoại trừ, nếu không phải hình thái mê cuồng của tôn giáo thì ít ra cũng là hình thái huyền bí của nó, triệt để khu biệt khỏi những toan tính dung hợp làm cho tinh thần xao xuyến nhằm cứu chữa thế yếu của những quan điểm tôn giáo đương đại.
L'expérience intérieure/ kinh nghiệm nội ẩn  tập 1 trong bộ La Somme athéologique (Sách tổng luận phi thần học) (kinh nghiệm Bataille dùng ở đây với từ intérieure không phải interne; expérience interne dể chỉ hoạt động của ý thức, đối lập với expérience externe là hoạt động của tri giác; nhan đề toàn bộ là sách tổng luận phi thần học là một lối chơi chữ, để phân biệt với tổng luận thần học của Thomas d'Aquin). Tác phẩm này viết vào năm 1943, chịu ảnh hưởng của Nietzsche sâu đậm vì sau năm 1915, Bataille quay lại đạo (vì ân hận đã để thân phụ mù lòa và bị bệnh giang mai rơi vào tay người Đức), nhưng chính tư tưởng Nietzsche “cứu ông ra khỏi khủng hoảng” vào năm hai mươi ba tuổi, và ông là người bài bác những kết án gán Nietzsche với chế độ Quốc xã. Tập I Sách tổng luận phi thần học gồm Kinh nghiệm nội ẩn, Kẻ phạm tội, Viết về Nietzsche (Bộ V & VI  trong Toàn tập 1971-88, 12 quyển). Bataille viết: “người đồng hành của tôi trên trái đất này là Nietzsche...Cuộc đời của tôi với Nietzsche như thể một bạn đồng hành là một cộng đồng” và giúp ông quay lại chống tôn giáo. Bataille khẳng định quyển sách ông viết như truyển kể một thất vọng, thế giới này cho con người cũng đồng thời là một ẩn ngữ  giải đáp. Kinh nghiệm mà ông muốn “thông giao” khởi từ tinh thần vận chuyển trong một thế giới lạ gồm có nỗi lo âu và ngây ngất (l'angoisse et l'extase). Thất vọng, phạm tội, lo âu, ngây ngất là những phạm trù của một triết học hiện sinh, song Bataille không đi con đường này. Cả cuộc đời ông nhằm đi giải đáp ẩn ngữ, trong tiếng cười và lý trí, khủng cụ và ánh sáng: phân tích cái cười mở ra cho ông một trường trùng hợp giữa những dữ kiện của một nhận thức cảm xúc chung và nghiêm xác với những dữ kiện của nhận thức suy lý. Những nội dung lộn vào nhau của những hình thái tiêu mòn khác nhau, nhu cười, anh hùng tính, ngây ngất, hy sinh , thơ, dâm cùng nhiều thứ khác tự chúng xác định một quy luật thông giao, quy định những trò chơi của cô lập và thất lạc những hữu. Bataille nhận ra khả năng thống nhất vào một điểm chính xác hai loại nhận thức tới nay vẫn hoặc là xa lạ với nhau, hoặc trộn lộn vụng bạo cho hữu thể luận này sự kiên định không ngờ: toàn bộ vận động của tư tưởng thất lạc, nhưng thấy lại trong một điểm mà đám đông nhất tề đều cười. Ẩn ngữ được giải đáp ấy nằm trong phần thứ hai cần thiết phải viết ra của tác phẩm: Khổ hình/Le Supplice ở đó con người đạt tới cực điểm của khả hữu, những phần viết trước hay hài kịch, vàø phần phụ bút đề ra thần học huyền nhiệm mới.
Triết học theo Bataille không bao giờ là khẩn nguyện, nhưng không có khẩn nguyện, không có đáp ứng khả niệm, không đáp ứng nào đi trước vấn nạn, mà hỏi có ý nghĩa gì khi không có lo âu và hành hạ.
Kinh nghiệm nội ẩn, Kẻ phạm tội, Về Nietzsche gây nhức nhối cho những nhà hiện sinh như Sartre, khi ông mệnh danh viết nghị luận như Bataille là một loại nghị luận- tử đạo/essai-martyre (Sartre chú thêm: hẳn tác giả phải cho phép vì luôn nói đến vấn đề khổ hình trong sách). Sartre phê phán Kinh nghiệm nội ẩn như kiểu một Julien Benda duy lý  cổ hủ, khi cho là Bataille bỏ rơi cả cách nói lãnh đạm của những tài hoa văn chương 1780 lẫn tinh thần khách quan cổ điển. Trong phản bác Sartre, Bataille minh giải một kinh nghiệm phân sáp, liên hệ tới một kế tục sinh động ..và tới một trở lại với kế tục này không để lại cho chúng ta bất kỳ ký ức sáng sủa nào, mà chỉ trong những khai triển khách quan, chúng ta mới đạt tới cốt lõi của con người hiện hữu của chúng ta. Hiện tượng luận của tinh thần phát triển thủ đắc sự trùng hợp những mặt chủ quan và khách quan, đồng thời cả kết hợp chủ thể và khách thể, như yêu cầu cơ bản của hiện tượng luận Hegel, mà hiện tượng luận hiện đại thay vì đáp ứng, chỉ là một lâu đài cát, một ảo vọng giả hiệu.
Đọc lại Hegel, dưới cái nhìn Bataille trong Critique des fondements de la dialectique de Hegel/ phê phán cơ sở biện chứng pháp của Hegel (in trên La Critique sociale số 5, năm 1932; xem: Visions of Excess 1927-1939, bản dịch Anh ngữ của Allan Stoekl) từ ảnh hưởng bài viết của triết gia Đức Nicolai Hartmann (xem: Hartmann, Nicolai) Hegel et le problème de la dialectique du réel (dịch và in trên Revue de métaphysique et de morale 1931), và Bataille nhận xét là có thể tìm thấy những yếu tố của một phê bình chân tích cực. Khi đi phân biệt những luận cứ được chứng thực qua kinh nghiệm, xây dựng trên thực tại với những luận cứ chỉ có giá trị qua lời, chẳng hạn luận đề hữu thể và hư vô, Hartmann nhận xét “trong quá trình của một nghiên cứu như vậy, Luận lý học của Hegel gây lên nỗi ngờ vực là, trong đa phần, chỉ thuộc một phép biện chứng thiếu cơ sở trong thực tại”. Những luận đề biện chứng mà Hartmann chứng thực, không phải ở những tác phẩm Luận lý học hay Triết học tự  nhiên của Hegel mà từ Triết học về quyền, Triết học lịch sử, Hiện tượng luận tinh thần. Hartmann đưa ra ví dụ đầu tiên minh chứng quan niệm của ông không phải lấy từ hạt lúa hay hình thành địa chất, nhưng trái lại từ chính đấu tranh giai cấp. Ông dẫn tham chiếu nơi kinh nghiệm Mác-xít khi viết: ảnh hưởng của biện chứng 'chủ/tớ’ dường như ít được biết đến (bằng biện chứng khổ) song hữu dụng hiện tại của nó thật lớn...lý luận đấu tranh giai cấp Mác-xít ở đó mà ra. Song Bataille cũng nhấn mạnh đến chỗ khác biệt giữa hai quan niệm, một đằng Hartmann nhận thức về mặt phương pháp cái gì do kinh nghiệm sống  đã cho, tức thuộc lĩnh vực hậu nghiệm, một đằng như Engels chủ yếu có tham vọng cho những quan niệm biện chứng tính cách của những quy luật chung của thiên nhiên, tức thuộc lĩnh vực tiên thiên.
Ngay từ 1932 khi Bataille viết tiểu luận này, đã cho thấy ông đã đi trước nhiều người khác trong phê phán sự thất bại hoàn toàn của người đồng chí với Marx là Engels trong mưu toan chứng minh có biện chứng trong lãnh vực tự nhiên; mặt khác Hartmann đã nêu biện chứng chủ/nô trước Alexandre Kojève (từng học Jaspers, người cùng thế hệ Hartmann) trong triết học Hegel. Bataille đánh giá việc xuất bản những kết quả tỉ mỉ trong phân tích của Hartmann sẽ cung ứng những yếu tố cho một công trình xác định đầy chính xác. Phân tích này áp dụng thành công vào vô vàn phát triển biện chứng tạo nên tác phẩm Hegel. Khởi từ phương pháp của Hartmann, có thể khả thi phân tích những luận đề đặt ra do những phát triển mới đây trong khoa học.
Trong tiểu luận La Notion de dépense/khái niệm tiêu dùng năm 1933, Bataille sử dụng những cụm từ làm chủ, nô lệ, sản phẩm, giải phóng là những thuật ngữ của phép biện chứng chủ/nô, tuy nhiên ngược lại với Hegel, người nô lệ không làm chủ khi sản xuất ra sự vật. Kẻ làm chủ gắn liền với tiêu thụ, xem như cơ bản hơn là sản xuất ra những nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống. Từ thập niên 30 này, Bataille trong khi phân tích vai trò ông chủ và nô lệ, đã nhìn ra trong vận động của xã hội tiêu thụ, mà Baudrillard sau này đem phân tích trong xã hội hậu công nghiệp vào thập niên 70.
Quan hệ chủ/nô theo Bataille dẫn đến vấn đề hủy hoại: Người chủ lập được quyền lực dựa vào lương sản phẩm y có thể hủy hoại (người nghèo chẳng có gì để hủy hoại, nói như kiểu Mác-xít, người vô sản chẳng có gì để mất ngoài gông cùm đang mang), đôi khi còn là sở hữu (như nô lệ của chủ) để bị hủy hoại. Ý thức nhìn ra sự mù quáng ngu xuẩn của người chủ, vì y không nhìn ra tầm quan trọng của những gì y phá hoại. Khác biệt giữa vận động biện chứng Hegel với Bataille ở chỗ quá trình thăng hóa (Aufhebung) là người nô lệ gắn với lao động và giải phóng, còn ở Bataille là chính những hủy hoại. Người nô lệ trở thành chủ để giải phóng sự hủy hoại. Quan niệm đấu tranh giai cấp của Bataille ở chỗ người nô lệ ý thức toàn diện là có thể phá hủy, thích thú với những hủy hoại để trở thành chủ, nghĩa là ý thức được tất yếu xã hội và thể lý về hủy triệt. Bataille cho rằng trong tương lai, mọi tiêu dùng về mặt văn hóa, xã hội (chến tranh, cách mạng), tình dục là sự nghiệp của người nô lệ.
Triết học Hegel còn xa lạ với học giới tại Pháp do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy trí dường như phục hoạt từ những hội luận của Alexandre Koyré và Alexandre Kojève trong những năm 1933-1939. Bataille là một trong số cử tọa (trở thành những nhân vật nổi danh sau này, như Raymond Queneau, Jacques Lacan, Raymond Aron, Eùric Weil, Roger Caillois, Maurice Merleau-Ponty v.v...) của hội luận Kojève lý giải Hiện tượng luận tinh thần của Hegel, và thư của Bataille gửi Kojève hai ngày sau cuộc diễn thuyết của ông này tại Collège [Lettre à X., chargé d'un cours sur Hegel ngày 6 tháng 12 1937, in lại trong Le Collège de Sociologie 1937-1939 do Denis Hollier trình bày x.b. 1979/1995] tranh biện về hai mặt của hủy thể tính, hành động (l'action, le “faire”) nói như Hegel là hủy thể tính, vấn đề đặt ra là nếu hủy thể tính của người “không có gì để làm” biến mất hoặc tồn tại ở tình trạng “hủy thể vô nghiệp/négativité sans emploi”. Bataille ngờ là “đời sống của tôi, chỉ riêng đời sống thôi cũng đủ phủ bác hệ thống đóng kín của Hegel”. Như vậy có phải cá nhân ông chẳng có gì đáng kể chăng? (chẳng hạn so cuộc đời mình,  có thể là tầm thường, so với cuộc đời của những người danh tiếng, đáng kể nhất, thì ở tột đỉnh hiện sinh, có thể chẳng có gì hết ngoài không đáng kể sao?) Cho đến cả nghệ thuật (tác phẩm nghệ thuật), tôn giáo (tội lỗi) cũng chẳng có đáp án cho câu hỏi này: như khoảng không trên đỉnh hiện sinh, Bataille gọi là hủy thể tính không có nội dung/négativité vide de contenu. Hủy thể tính không nội dung này phải chăng đối nghịch với nhận biết tri thức tuyệt đối, tận cùng/cáo chung của lịch sử? Cuối thư, Bataille giả định nếu hiện tượng luận muốn có ý nghĩa, như vậy Hegel phải được nhìn nhận như tác giả, ở một mức độ nào đó ông vẫn còn ở trong cảnh giới cầm thú/Tierreich.
Vẫn trong dòng tư tưởng ấy, Bataille và bạn đồng hành ở Collège de Sociologie là Roger Caillois đã đưa ra hội luận về xã hội cầm thú và từ đầu năm 1938, Bataille có những hội luận về Attraction et répulsion/Hút và đẩy như hướng động, tính dục, nụ cười và nước mắt (tháng giêng 1938), cấu trúc xã hội (tháng hai 1938), như Bataille nói: xét xem liệu một khoa học về xã hội có khả hữu phải trở lại vấn nạn cơ bản với những thuật ngữ của Hegel mà Kojève đã dùng để đặt vấn đề về những cơ sở của khoa học xã hội. Xã hội học như Bataille khẳng định ở đây không phải là xã hội học tổng quát, xã hội học tôn giáo, nhưng minh định là xã hội học thiêng liêng/sociologie sacrée. Lãnh vực thiêng liêng, đối tượng để nghiên cứu ở đây là thử miêu tả những xã hội cầm thú như thể “tiền thiêng liêng” và phân tích trong một hiện hữu hầu như phàm tục, “hậu thiêng liêng”; thiêng liêng là chủ đề chung của Bataille, Leiris, Caillois trong giai đoạn này [triết gia Ý Giorgio Agamben vào cuối-thế-kỷ trở lại chủ đề này; xem: Agamben - sacré/sacer là một đối vật mâu thuẫn, mang ý nghĩa thánh thiện và đáng bị nguyền rủa]. Trong phần luận về cấu trúc xã hội, Bataille xác định vấn đề “vô thức” ở ngoài tầm miêu tả hiện tượng luận [hiểu theo cả hai nghĩa thuộc Hegel và Husserl] và chỉ có những phương pháp thuộc lãnh vực khoa học, như xã hội học giới nguyên thủy và phân tâm học mới đạt được.
La part maudite/chia phần nguyền rủa (chỉ có phần đầu xuất bản năm 1949 vào lúc sinh thời, Bataille mất năm 1962; phần hai và ba xuất bản vào năm 1967) như tập đại thành những tư tưởng đã trình bày trong giai đoạn Collège de Sociologie, mà Bataille mệnh danh là biện luận về kinh tế học tổng quát. Trong kinh tế chính trị học này, ông xác định đối tượng chính là vấn đề 'tiêu thụ' của cải hơn là vấn đề sản xuất. Tại sao là chia phần nguyền rủa? Bataille giải thích, trong những điều kiện hiện tại, mọi sự như đồng lõa che khuất vận động cơ bản nhằm tái lập những chức năng của cải, song một mặt chiến tranh cơ chế tạo ra những phá hoại khiến vận động này trở thành tha hóa, thù nghịch với ý chí con người, mặt khác việc nâng cao tiêu chuẩn sống của con người không biểu hiện như yêu cầu của xa xỉ, nhưng chính là chống lại xa xỉ nhân danh công lý. Nhưng nó đã che dấu cái tương phản, cái chân lý sâu xa ấy chính là tự do. Một sự nguyền rủa đè nặng lên đời sống con người, song cất được lời nguyền này phụ thuộc vào con người và chỉ nơi con người. Trong dự kiến này, Bataille nhận ra chỉ có tự thức con người hoàn tất mới khả dĩ giúp cho con người tiếp cận chân lý.
Những quy luật kinh tế (như sự dư thừa quá độ của năng lực sinh hóa và phát triển, sức ép tạo bành trướng, xa xỉ của tự nhiên, tiêu biểu như  chủng loại này ăn thịt chủng loại khác, chết và tái sản xuất qua tình dục, bành trướng qua lao động và khoa học kỹ thuật), phân tích những dữ kiện lịch sử từ xã hội tiêu thụ, đến những xã hội thiên về binh bị và tín ngưỡng, xã hội công nghiệp, lịch sử về tính dâm trong quan hệ tương phản với phản tư vũ trụ qua tinh thần, vấn đề loạn luân, vấn đề chủ quyền, xét đến vấn đề quyền lực trong xã hội phong kiến, xã hội cộng sản, tính nhân bản bất bình đẳng nơi con người đã mở rộng tầm nghiên cứu vào những lĩnh vực phân tâm học, nhân học, mở ra những triển vọng khai phá rõ ràng ảnh hưởng đến thế hệ trí thức kế tiếp như Foucault, Derrida, Baudrillard, Agamben v.v...cho nên có học giả xếp ông vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hậu hiện đại. 
Georges Bataille thực ra có thể xếp vào truyền thống những triết gia Pháp lang thang như Descartes, Jean-Jacques Rousseau, philosophus vagans. Tư tưởng độc đáo của ông là xem “đối tượng của cái cười là tư tưởng”, “cười là đặt tư duy vào chỗ chết”, cho nên trong phần viết về Hegel của Kinh nghiệm nội ẩn, Bataille viết: tri thức tuyệt đối, vòng vo là phi-tri thức tối hậu (le savoir absolu, circulaire, est non-savoir définitif). Cái phản lý, những nan đề trong một tư tưởng đi giây giữa Hegel và Nietzsche, cái viễn kiến của nhà văn nơi chương chót của La part maudite “muốn bền bỉ lăn tảng đá của Sisyphe, mở ra một triển vọng khác nếu có thể “song không quên nhìn điều chính: quyền lực chẳng là gì hết”.
Tác phẩm của Georges Bataille đã được in thành toàn tập 12 quyển, từ q.1-q. 4 gồm những tiểu thuyết (kể cả dưới tên giả như Pierre Angélique khi cho xuất bản Madame Edwarda) thơ (những bài thơ dâm như Je mets mon vit), q.5-10 gồm những tác phẩm lý luận, q.11-12 gồm những bài viết 1944-1961.

Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 32

Barthes, Roland: Barthes sinh năm 1915 ở Cherbourg (Pháp) là một nhà phê bình văn học, lý luận gia văn hóa và nổi tiếng là người khai phá ký hiệu học. Có thể xem ông là nhà tiền phong của khoa phê bình văn học mới, chống lại lối phê bình truyền thống. Về mặt này, ông chịu ảnh hưởng của trường phái ngữ học cấu trúc khởi từ Ferdinand de Saussure và Louis Hjelmslev song áp dụng rộng rãi vào lãnh vực xã hội. Tác phẫm Huyền thuyết luận/Mythologies xuất bản năm 1957 mà Barthes ghi nhận hai xác định: phê phán hệ tư tưởng về ngôn ngữ của văn hóa gọi là quần chúng và tháo gỡ ký hiện học ngôn ngữ này từ ảnh hưởng việc đọc Saussure giúp ông xác tín là “khảo những biểu tượng tập thể như những hệ thống ký hiệu” ngõ hầu ra khỏi tuyên cáo kính tín mà xét tỉ mỉ đến “việc thần bí hóa làm biến đổi văn hóa tiểu tư sản thành bản chất phổ quát”. Những bản văn ngắn viết trong vòng hai năm từ 1954 đến 1956 theo thời sự phản ảnh những huyền thuyết trong đời sống hàng ngày (từ một bài báo, một tấm ảnh trên tờ tuần báo, một phim điện ảnh, một cảnh tượng, lẫn lộn giữa Tư nhiên và lịch sử. Khái niệm huyền thuyết khởi từ những hiển nhiên sai lạc này, và Barthes nhận ra huyền thuyết là ngôn ngữ.
Barthes khởi sự viết những bài đầu tiên in trên tạp chí sinh viện Existences như “Essai sur la culture” 1942, Réflexions sur le style de L'Etranger'[tiểu thuyết của Albet Camus] 1944; bài viết quan trọng 'Le degré zéro de l'écriture' in trên tạp chí Combat của Camus vào năm 1947 theo Barthes là một phần của tác phẩm Le degré zéro de l'écriture 1953 (tập hợp những bài viết khác cũg đã in trên Combat (như 'Triomphe et rupture de l'écriture bourgeoise' 1947, 'L'artisanat de style', 'L'écriture et le silence' 'L'écriture et la parole' 1950). Trong tác phẩm này, Barthes nhận xét 'cũng như toàn bộ nghệ thuật hiện đại, văn tự văn chương vừa mang tha hóa của Lịch sử và giấc mộng của Lịch sửVăn chương trở thành nơi không tưởng của ngôn ngữ'.
Sau những tác phẩm Michelet par lui-même 1954 với phong cách viết sử dụng lại viết về chính mình Roland Barthes par Roland Barthes 1975, Mythologies 1957, Sur Racine 1963, tiểu luận khoảng trăm trang 'Eléments de sémiologie' trên tạp chí Communications 1964 (in chung với Le degré zéro de l'écriture năm 1965 và in lại trong L'aventure sémiologique năm 1985, sau khi ông qua đời vào tháng 3 năm 1980 vì tai nạn xe hơi) nhằm thông diễn những điều cần phải làm rõ nghĩa trong Le degré zéo de l'écriture như ở đầu Dẫn nhập “có thể vẽ ra một lịch sử của ngôn ngữ văn chương không phải là lịch sử của ngôn ngữ, cũng không phải lịch sử của văn cách, nhưng chỉ là lịch sử của những dấu chỉ/ký hiệu của Văn chương, và người ta có thể tính trước được là lịch sử hình thức này thể hiện mối liên lạc với Lịch sử thâm áo, không kém phần rõ ràng theo lối của nó”; trong Cuộc phiêu lưu ký hiệu học ông bầy tỏ ý định thực hiện cuộc phiêu lưu khoa học này nhằm để tố cáo những huyền thuyết tiểu tư sản, sử dụng khoa học ký hiệu này nhằm tự phát triển về mặt khoa học, đó là khoa ký hiệu học phân tích tinh tế những quá trình ý nghĩa nhờ đó giới tư sản chuyển văn hóa lịch sử của giai cấp sang tự nhiên phổ quát, ký hiệu học này với đề cương và những nhiệm vụ của nó như phương pháp luận cơ bản để phê phán hệ tư tưởng. Cuộc phiêu lưu ký hiệu học đối với Barthes có một lý căn bản là ký hiệu học cũng như mọi khoa học nhân văn nhằm xét lại chính diễn ngôn của nó, hỏi ở đâu đến, cũng như xem ký hiệu học phải phê phán không chỉ thiện ý thức tiểu tư sản, đó chính là hệ thống tượng trưng và ngữ nghĩa trong toàn bộ văn minh của chúng ta.
Cho nên ông đánh giá cao tác phẩm ngữ học của Benveniste đã xây dựng về mặt khoa học sự đồng nhất của chủ thể (hiểu theo nghĩa triết học) và ngôn ngữ, vị trí cốt lõi của nghiện cứu hiện tại về cả hai lãnh vực triết học và văn chương.  Mười lăm năm sau Mythologies ông nhận xét khoa học về ngữ thái quả thực định vị trong lao động của thời đại, mục tiêu chính là phân liệt/dislocation, mang lại cho huyền thuyết học hiện đại một điều chỉnh, không những đảo ngược thông điệp huyền thuyết đặt nó đúng vị trí mà còn phải biến đổi chính đối tượng, tạo ra một đối tượng mới, khởi điểm của một khoa học mới. Trong bài giảng mở đầu cho môn Ký hiệu học văn chương ỏ Collège de France của ông (xem: Leçon 1977), Barthes xác định ký hiệu học của ông sinh ra từ một bất dung cho hỗn tạp giữa ngụy tín và thiện tín của đạo lý chung. Ngôn ngữ vận động bởi quyền lực; mặt khác nó bị chuyển vị mang màu sắc khác mà vẫn giữ cùng đối tượng, đó là chính trị. Quan hệ giữa ký hiệu học với bản văn theo Barthes là bản văn xuất hiện như chỉ dấu của giải quyền lực và quan hệ giữa văn chương với ký hiệu học là biến hoá để hiệu chính lẫn nhau. Ký hiệu học có cả hai mặt tiêu cực và tích cực, không chỉ dựa trên quán tính của ký hiệu, hay hủy triệt ký hiệu, mà hướng về ký hiệu/sémiotropie; nhà ký hiệu học như một nghệ nhân biết thưởnbg ngoạn ký hiệu, ký hiệu học  không là thông diễn học, vẽ hơn là đào bới, mang đến một cái gì  đó/via di porre hơn là lấy đi/via di levare.
Ngay từ tác phẩm Sur Racine 1963 (gây tranh biện giữa hai phe phê bình cổ điển và phê bình mới) ở chương ba đặt vấn đề Lịch sử hay Văn chương, Barthes nhận xét tranh luận của thời đại ông về những quan hệ giữa lịch sử và tác phẩm nghệ thuật chỉ là một vấn đề cũ kể từ khi có triết học về thời gian, đã được giải quyết qua những triết học lập thành, như Hegel, Taine, Marx. Trong tác phẩm Le degré zéro de l'écriture ông duyệt xem những hình thức văn tự tha hóa, từ diễn ngôn chính trị đến lối sử dụng “bên lề văn chương” và nhận xét mỗi lần nhà văn vạch ra một phức hợp của chữ nghĩa, chính hiện hữu của Văn chương lại đặt thành vấn đề; trong bội phức của những văn tự hiện đại trình ra con đường cùng lịch sử của nó, của văn tự và của chính xã hội. Barthes viết: trong cùng nỗ lực thoát ra của ngôn ngữ văn chương, đây là một giải pháp khác: sáng tạo ra một văn tự trắng. Ngôn ngữ trung tính/Neutre: về mặt ngữ pháp, không đực/cái, không hoạt động/thụ động, trung lập v.v...trong giảng khóa 1978 ở Collège de France, với khái niệm xét qua mọi lãnh vực ngữ pháp, luận lý, triết học, hội họa, công pháp quốc tế v.v..., luận về Kairos của biện giả và hoài nghi luận, đến Ngộ/Satori của thiền Nhật, đến Vô vi của Đạo giáo.
Những tác phẩm chính của Roland Barthes: Le degré zéro de l'écriture 1953, Michelet par lui même 1954, Mythologies 1957, Sur Racine 1964, Essais critiques 1964, Systèmes de la mode 1967, S/Z 1970, L'Empire des signes 1970, Sade, Fourier, Loyola 1971, Le Plaisir du texte 1973, R. Barthes par R. Barthes 1975, Fragments d'un discours amoureux 1977, Leçon 1978, Sollers, écrivain 1979, La chambre claire 1980, Le grain de la voix 1981, L'obvie et l'obtus 1982, Le bruissement de la langue 1984, L'aventure sémiologique 1985, Incidents 1987.


Blanchot, Maurice : Blanchot sinh năm 1907, có một đời sống nổi tiếng là ẩn mật, sống ở Devrouze, vùng Saône et Loire, theo học triết ở Strasbourg, bạn với Emmanuel Levinas và G. Batalle. Từ 1930 Blanchot hoạt động trong lãnh vực báo chí, cộng tác với báo cánh hữu và cánh tả như Journal des débats, Aux Ecoutes. Sau Thế chiến Hai, ông viêt thường xuyên cho tạp chí Nouvelle Revue Française trong những năm 1953-1968 và những bài viết này thu tập lại ở những sách xuất bản. Tuy cộng tác với báo chí, song ông lui về sống như ẩn dật ở làng Eze, miền Nam nước Pháp. Ông mất năm 2003 tại Le Mesnil-Saint Denys, Yevelines, thọ 96 tuổi.
Tiểu luận đầu tiên của ông về François Mauriac et ceux qui étaient perdus trên La Revue Française năm 1931, về văn chương từ 1938 trở đi, như  Lautréamont trên La Revue Française năm 1940, L'Enigme du roman, Roman et poésie, Roman et morale,La critique d'Albert Thibaudet, La Solitude de Péguy, L'Art du roman chez Balzac, Leon-Paul Fargue et la création poétique, Le Secret de Melville, La Pensée d'Alain, Goethe et Eckermann, Bergson et le symbolisme v.v.. trên Journal des débats từ năm 1941 trở đi. Tuy nhiên những tiểu luận quan trọng trên tạp chí này viết về Mallarmé như La Poésie de Mallarmé est-elle obscure ?, Le Silence de Mallarmé năm 1942, Mallarmé et l'arc du roman năm 1943; về Kafka như La Lecture de Kafka trên L'Arche 1945, Kafka et la littérature trên Cahiers de la Pléiade năm 1949, Kafka et l'exigence de l'oeuvre trên Critique năm 1952.
Quyển truyện đầu tiên Thomas l'Obcur xuất bản năm 1941, sách lý luận Comment la littérature est-elle possible? xuất bản năm 1942. Quyển sách sau cùng xuất bản khi ông còn sống là Une voix venue d'ailleurs năm 2002.
Blanchot cũng như Bataille là những nhà văn ở ngoài dòng chính triết học, về mặt văn chương như những người tiền phong của tiểu thuyết mới, Tel Quel. Nếu Sartre với lối phê bình kiểu Julien Benda cổ điển gọi Bataille là nhà thần bí mới, khi đọc Aminadab (truyện của Blanchot xuất bản năm 1942) đã xếp truyện này vào loại huyễn hoặc (fantastique). Khi dẫn một đoạn trong Comment la littérature est-elle possible? của Blanchot nói về « đối với một loại nhà văn, siêu hình học, tôn giáo và những tình cảm giữ vị trí của kỹ thuật và ngôn ngữ », Sartre cho là lời trách này có thể áp dụng cho chính Blanchot, thật sự Sartre đã không hiểu xu hướng hiện đại về lý luận văn tự trung tính của Blanchot, ảnh hưởng tới Jacques Derrida, Roger Laporte sau này.
Khi viết về Bataille, dường như để phản bác kiểu phê bình như Sartre, Blanchot nhấn mạnh đến việc đọc phải xóa bỏ những hình dung từ. Ông viết : Nói về một nhà văn ngày nay như nói về một người đi vào chỗ xuất thần, làm công trình phi tôn giáo, ca ngợi phóng đãng, thay thế chủ nghĩa Ki tô bằng chủ nghĩa Nietzsche và chủ nghĩa Nietzsche bằng chủ nghĩa Ấn giáo, sau khi đã lượn qua chủ nghĩa siêu thực... chính là làm cho tư tưởng được chú ý và tạo ra một nhân vật giả tưởng mà không mảy may quan tâm đến những tế vi của chân lý.
Trong bài tiểu luận La littérature et le droit à la mort/Văn chương và quyền đến cái chết viết năm 1947 (in lại trong De Kafka à Kafka năm 1981) Blanchot viết : Văn chương bắt đầu vào lúc văn chương trở thành một vấn nạn...Nhà văn chỉ hiện thực qua tác phẩm, trước khi có tác phẩm, không những y không biết y là ai, mà y chẳng là gì cả. Hegel, theo Blanchot là người đã cho nghệ thuật ý niệm cao nhất, từng nói là cá nhân không thể biết mình là gì, khi không thực hành đến chỗ hiện thực kỳ thành ; dường như không thể xác định mục đích công việc trước khi thực hành ; và như vậy y phải ý thức trước tự thân hành động toàn diện là hành động của y, nghĩa là như mục đích. Blanchot viết : tác phẩm được viết ra, cùng với tác phẩm nhà văn ra đời.
Những tác phẩm đã xuất bản của Blanchot từ Faux Pas 1943 đến La Part du feu 1949, L'Espace littéraire 1955, Le Livre à venir 1959, Le Pas au-delà 1973 gồm những bài viết để trả lời cho vấn đề khả hữu hay phi khả hữu của văn chương, những mâu thuẫn tất yếu , chủ yếu của văn chương là quyển sách (« quyển sách không có tác giả, bởi vì nó được viết ra khởi từ biến đi rõ ràng của tác giả ; quyển sách cần nhà văn, như thể y vừa vắng mặt và sở cứ của vắng mặt ») . Tác phẩm L'Entretien infini/Cuộc đàm thoại vô tận xuất bản năm 1969 cũng như L'Ecriture de désastre xuất bản năm 1980 tập hợp tư tưởng triết học văn chương qua những tiểu luận đã in trên các tạp chí.
Những chủ điểm chính của Blanchot là Ngôn từ đa điệu/parole plurielle (nghĩ đến lời thần Apollon qua miệng nhà thơ Bacchylide nói với Admète : ngươi chỉ là một phàm nhân phải chết, cũng như tinh thần nhà ngươi phải nuôi dưỡng cùng lúc hai tư tưởng, Blanchot luận nói nhiều lời trong một trật đồng thời của ngôn ngữ), đến kinh nghiệm-giới hạn qua những tác phẩm của nhiều tác giả đương đại, chẳng hạn viết về Héraclite U minh qua Héraclite ou l'homme entre les choses et les mots của Clémence Ramnoux, về tư tưởng bi thảm qua Le dieu caché của Lucien Goldmann về Pascal, những phản tư về chủ nghĩa hư vô qua những sách viết về Nietzsche như Heidegger, Lukács, Jean Granier v.v..., ngôn từ từng đoạn/parole fragmentaire, đến khẳng quyết và đam mê trong tư tưởng tiêu cực qua Bataille, luận về quyển sách.
Sự vắng mặt của quyển sách như trong phần ba của L'Entretien infini với hai khái niệm : trung tính và phân đoạn. Trung tính trong tư tưởng Blanchot biểu hiện năng lục tư duy về tha thể, bên ngoài tính thống nhất và toàn thể, bên ngoài hữu thể, chủ yếu là phân tán, sức mạnh của gián đoạn, khu biệt và phức thể, loại trừ mọi khẳng định và phủ định. Blanchot viết : trung tính là cái gì mang khu biệt/différence đến tận chỗ trung lập/indifférence, hay đúng hơn không để trung lập  đến chỗ bình đẳng nhất định của nó. Blanchot tìm thấy tư tưởng trung tính trong thơ René Char, như khi hỏi : Làm sao sống không lạ trước bản ngã? Ngôn từ phân đoạn chỉ ra kết hợp trung tính với phân đoạn. Phân đoạn như thể động từ hàm ngụ vắng mặt : vỡ, ngắt như ngôn tù khi dừng lại từng chặp không ngừng sự chuyển biến, nhưng trái lại gây ra chuyển biến trong sự vỡ thuộc về nó.
Blanchot cũng viết : Những tư tưởng thực là những tư tưởng từ khước, từ khước tư tưởng tự nhiên, của trật tự pháp lý hay kinh tế, đặt định như thể bản tính thừ hai của sự tự phát chỉ là một vận động của tập quán, không đi tìm, không dự phòng, và muốn trở nên một vận động của tự do. Tư tưởng thực hỏi, và hỏi chính là tư duy trong khi ngừng lại.
Là một nhà văn, ông đã viết những 'tiểu thuyết' (và chính ông sau đó gọi nhất quán là truyện/chuyện) đồng điệu với tiểu thuyết của Beckett, tiểu thuyết mới, nhóm Tel Quel. Là một nhà phê bình văn học triết học, trong suốt khoảng năm mươi năm, ông phân tích và chỉ ra hướng phê bình mới về Kafka, Sade, Hölderlin, Lautréamont, Mallarmé, Rilke, Char, Louis-René des Forêts, Samuel Wood, Paul Celan,  Bataille, Beckett, Camus, Hegel, Nietzsche, Heidegger, Levinas , Foucault v.v...Những phản tư của ông đồng hành trong công việc viết như một sinh hoạt cập nhật và tiếp cận với những sách vở của người đương thời. Quan niệm đến cái vô tận của văn chương có thể tiêu biểu cho nhận thức văn chương như một vô sở cứ/non-lieu, cái khác của triết học theo Blanchot.
Trong thập niên đầu của thế kỷ 21 này, nhiều triết gia trẻ khai phá tư tưởng triết học của Blanchot, như công trình của Olivier Harlingue : Sans condition. Blanchot, la littérature, la philosophie 2009,  Eric Hoppenot : Blanchot et la philosophie 2010, đối chiếu triết học Levinas với Blanchot như Arthur Cools : Langage et subjectivité. Vers une approche du différend entre Maurice Blanchot et Emmanuelle Levinas 2007, Eric Hoppenot et Alain Milon : E. Levinas M. Blanchot, penser la différence 2007. Như Harlingue nhận xét : Nơi Blanchot, nghĩ và viết ở ngoài mọi quan hệ hay tạo ra để tư tưởng và văn tự không duy nhất là vận động hình thể của việc thành hình vài quan hệ hoặc với một khách thể hay với một chủ thể, đó là tham vọng hay ám ảnh xác định tự tâm « đối thoại » của Blanchot với triết học.
Ngoài tình bạn thiết với Levinas và Bataille, ông và Michel Foucault đã viết rất thâm tình về nhau ; xem : Michel Foucault, La pensée du dehors 1986 và M. Blanchot : Michel Foucault tel que je l'imagine 1986 ; J. Derrida đã lấy (tự) truyện của Blanchot : L'instant de ma mort 1994 để viết Demeure :Maurice Blanchot, Fiction et témoignage 1998.
Ngoài những sách đã dẫn trên, những truyện khác của Blanchot : L'Arrêt de mort 1948, Le Très-Haut 1948, Au moment voulu 1951, Le Ressassement éternel 1952, Celui qui ne m'accompagnait pas 1953, Le Dernier Homme 1957, L'Attente l'Oubli 1962, La Folie du jour 1973, L'instant de ma mort 1994 ; khảo luận : Lautréamont et le roman 1947, Lautréamont et Sade 1949, L'Amitié 1971, La Bête de Lascaux 1982, La Communauté inavouable 1983, Après coup 1983, Le Dernier à parler 1984, Michel Foucault tel que je l'imagine 1986, Henri Michaux ou le refus de l'enfermement 1999, Ecrits politiques (1953-1993) 2008, La condition critiques : Articles (1945-1998) 2010.     

Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 33

Benjamin, Walter: Benjamin sinh năm 1892 ở Berlin, theo học triết và văn chương ở Freiburg im Breisgau từ 1912, Berlin từ 1913, Munich từ 1916, Berne 1917-18. Luận án Der Begriff der Kunstkritik in der deutschen Romantik/Khái niệm phê bình luận trong chủ nghĩa lãng mạn Đức đệ trình năm 1919, tuy nhiên luận án thứ hai Ursprung des deutschen Trauerspiels/Nguồn gốc bi dị kịch Đức (Benjamin phân biệt Tragödie với Trauerspiel như thể một thể loại kịch mới tự trị và chính đáng đối với sự thống trị của bi kịch cổ điển: Tragödie/bi kịch cổ Hy lạp chỉ tương ứng với một thời khoảng lịch sử đặc biệt, không là một thể loại mỹ học xuyên sử, nghĩa là cuộc đấu tranh của con người cho tự do thoát khỏi nô lệ vào những lực lượng tiền sử, còn Trauerspiel/bi dị kịch phát xuất từ thời đại barock, có nội dung là lịch sử, là lực lượng sơ bản của tự nhiên trong dòng sự biến lịch sử; cái đánh động nó không phải là xung đột bi thảm nhưng là diễn trò của sầu khổ, của tang chế. Thế giới của Trauerspiel là thế giới đặc thù, mang tầm vóc lớn và bình đẳng khi sinh ra chống lại bi kịch; xem: Trauerspiel und TragödieDie Bedeutung der Sprache in Trauerspiel und Tragödie trong Gesammelte Schriften. Bd II-1) nhằm để được tuyển dạy đại học vào năm 1925 bị từ chối và Benjamin quyết định từ bỏ dự tính này, để sống trong hoạt động văn hóa. Ông từng được Institude for Social Research bảo trợ, thường liên lạc với Collège de Sociologie của G. Bataille, chính trong mối liên hệ với nước Pháp đã giúp ông có cảm hứng thực hiện hai công trình: một là viết về Charles Baudelaire. Ein lyriker im Zeitalter des Hochkapitalismus/CB, một nhà thơ trữ tình trong chủ nghĩa tư bản tột thịnh, hai là nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc qua những hành lang ở Paris trong dự án chưa hoàn tất Das Passagen-Werk.
Hai công trình kể trên phối hợp với nhau vì thực sự ba bài viết của quyển sách về Baudelaire nằm trong dự án của quyển sách sau (mặc dầu Benjamin đã chú ý  đến phong cách kỳ dị trong gieo vần Ác hoa của nhà thơ ngay từ những năm 1914-15) như Paris thời Đế chế đệ nhị nơi Baudelaire hay những đoạn văn Zentralpark qua góc nhìn triết học lịch sử của Benjamin.
Có thể đối chiếu tiểu luận Paris thời Đế chế đệ nhị nơi Baudelaire với Paris, thủ đô của thế kỷ 19 trong Das Passagen hay Những đề cương về triết học lịch sử in trên tập san Neue Rundschau năm 1940. Có hai phần trình bày dưới nhan đề Paris, thủ đô nước Pháp năm 1935 và 1939. Benjamin lấy đề từ của tiểu luận năm 1935 từ thơ của Nguyễn Trọng Hiệp, trong phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thương thuyết vào thế kỷ 19: Nước trong xanh, cây cỏ hồng, ráng chiều nhìn êm dịu ngọt ngào; người ta đi tản bộ; những mệnh phụ phu nhân đi trước, theo sau là đám nữ nhi (mấy câu này lấy từ bài thơ 25, bản tiếng Pháp tuyển tập thơ của Nguyễn Trọng Hiệp Paris, capitale de la France: Recueil de vers [Hanoi, 1897] [trong Passage de Walter Benjamin của Pierre Missac (mất năm 1986, là người đã nhờ  George Bataille giới thiệu gặp gỡ Benjamin khi ông này tới Pháp năm 1933) xuất bản năm 1987 chuyên khảo về Das Passagen-Werk ở chương 3 Homo Scriptor đã kể giai thoại là quyển thơ này do Gisèle Freund đưa cho Benjamin xem, làm ông sửng sốt lấy làm đề từ cho chương đầu sách dẫn trên].
Điểm chính yếu nhìn toàn bộ những bài viết của Benjamin, người ta thường coi ông là một nhà phê bình văn chương và mỹ học, hơn là một nhà triết học. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá rõ rệt, vì ngoài lượng tác phẩm đã xuất bản, hoặc in trên những tập san, khi mưu vượt qua biên giới Pháp-Tây ban nha để trốn khỏi đe dọa của Đức Quốc xã không thành, ông tự tử tại đây năm 1940, còn một túi hành trang bản thảo thất tung không tìm lại được. Cho đến nay, tác phẩm của Benjamin đã được in thành toàn bộ Gesammelte Schriften gồm nhiều tập [dịch sang tiếng Pháp: Oeuvres 3 tập năm 2000  của Maurice de Gandillac, Rainer Rochlitz và Pierre Rusch; Oeuvres I, Mythe et violence, II Poésie et révolution  năm 1971 của Maurice de Gandillac; Correspondance năm  1979 của Guy Petitdemange; Origine du drame baroque allemand năm 2000 của Sibylle Muller; Le Concept de critique d'art dans le romantisme allemand năm 1986 của Philippe Lacoue-Labarthe; Paris, capitale du XIXè siècle. Le Livre des Passages năm 1989 của Jean Lacoste; v.v...; dịch sang tiếng Anh : Selected Writings năm 1996-99 do Mchael Jennings, H. Eiland và Gary Smith x.b.;The Arcades Project năm 1999 của Howard Eiland và Kevin McLaughlin ; The Complete Correspondence 1928-1940 năm 1999 của Nicholas Walker v.v..]. Benjamin có nhiều bằng hữu tốt như Adorno, Scholem, Tiedemann, Arendt v.v..trân quý những tác phẩm của ông nên mặc dầu lúc sinh thời, Benjamin chỉ có hai tác phẩm xuất bản, giờ đây thì lượng văn in ra thật đồ sộ. Tuy nhiên với nhiều tác giả lý giải công trình của ông, vẫn có những tranh luận về điều, ông là nhà văn hay triết gia, người Mác-xít hư hay thực, dân Do thái triệt để hay vô sở trú, nhà biên khảo thuần túy hay nhà thông thái cẩn trọng, tiên tri hay mơ mộng...Chỉ kể vài ví dụ,như Bách khoa từ điển triết học (ấn bản 1967, 1972 Paul Edwards chủ biên) hay Philosophistes Wörterbuch (ấn bản 1961 Heinrich Schmidt chủ biên, Georgi Schischkoff x.b.) không liệt kê tên Benjamin. Hannah Arendt  trong phần dẫn nhập Illuminations (do Harry Zohn dịch sang Anh ngữ, và Arendt xuất bản) nhận xét Benjamin  phân biệt giữa nhà chú giải và nhà phê bình, và làm nhiệm vụ của nhà phê bình văn chương vì như chính Benjamin viết đoạn văn sau bằng tiếng Pháp xác định : Le but que je m'avais proposé...c'est d'être considéré comme le premier critique de la littérature allemande. La difficulté c'est que, depuis plus de cinquante ans, la critique littéraire en Allemagne n'est plus considérée comme un genre sérieux. Se faire une situation dans la critique, cela...veut dire : la recréer comme genre [Mục đích tôi đã đề nghị...đó là được xem như nhà phê bình đầu tiên của văn học Đức. Cái khó khăn là từ hơn năm mươi năm qua, phê bình văn chương ở Đức không được xem là một thể loại quan trọng nữa. Tạo một vị thế trong phê bình, có nghĩa là.. tái tạo nó như một thể loại]. Arendt nhận xét Benjamin là người có tư duy sáng tạo, song không là nhà thơ hay triết gia. 
Ngày nay, qua số lượng những tác phẩm viết về Benjamin có một đánh giá tổng quát tản mạn như :  Benjamin là một triết gia, qua mọi giai đoạn và mọi lãnh vực hoạt động, viết về nhiều chủ đề văn chương và nghệ thuật hiếm về những đề tài triết học thuần túy, song lại từ xung động của kinh nghiệm triết gia về thế giới và thực tại (Scholem); với Adorno, bản chất tư tưởng Benjamin là tư tưởng triết học, mặc dầu có khoảng cách với mọi quan niệm truyền thống triết học song những bài viết biểu hiện một ý thức triết lý.
Trong luận án về chủ nghĩa lãng mạn Đức ngay từ dẫn nhập, Benjamin khẳng định nghiên cứu lịch sử khái niệm phê bình khác với lịch sử của chính phê bình, mà là một nhiệm vụ triết học (ông dùng từ philosophieproblemgeschichtlich). Ở luận án về nguồn gốc bi kịch (có lẽ là tác phẩm duy nhất hoàn tất), Benjaminn đề ra cơ sở triết học trong việc nghiên cứu : đặc tính của bài viết triết lý là phải tiếp tục đối đầu với vấn đề biểu tượng. Quả thực trong hình thái hoàn chỉnh, triết học sẽ mang phẩm tính của học thuyết, song không dựa trên quyền năng của việc nghĩ đến khoác cho một hình thái như thế mà học thuyết triết lý dựa trên luật lệ lich sử .
Ý nghĩa lịch sử đã thể hiện ngay trong những bài viết vào thới kỳ đầu, có thể kể từ 1914, như ông nhận xét : chúng nhân không có ý thức kiên định về hiện thể lịch sử.. song 'ý nghĩa lịch sử' của thời đại, ý nghĩa về những sự kiện, giới hạn và cẩn trọng đặc biệt nghèo nàn trong 'những ý niệm lịch sử' thực (Noch ist die Menschheit nicht zum ständigen Bewußtsein ihres historischen Daseins erwacht...So stark ist der 'historische Sinn' der Zeit, dieser Sinn für Fakten, Gebundenheit und Vorsicht, daß sie vielleicht ganz besonders arm ist an eigentlich 'historischen Ideen'). Trong những đề cương về triết học lịch sử, Benjamin đã ví chủ nghĩa duy vật lịch sử như một con  rối, do một gã gù nhỏ bé điều khiển bằng những sợi dây, luôn luôn thắng trong những cuộc cờ. Tuy nhiên, ông ca ngợi chủ nghĩa duy vật lịch sử có ý thức về quyền năng cứu thế, về đấu tranh giai cấp là cuộc chiến vì những sự việc vật chất vì nếu không có nó thì những sự việc tinh thần không thể tồn tại. Tuy nhiên, như Margaret Cohen nhận xét, Benjamin không hài lòng với lý luận Mác-xít đương thời cũng như với phê phán chính thống về ý thức hệ. Dường như Benjamin muốn kết hợp chủ nghĩa Mác với mọi phương thức diễn ngôn phi Mác-xít. Cho nên, người ta đặt vấn đề Benjamin phải chăng có thể là người Mác-xít hư hay thực không rõ.
Benjamin trong tiểu luận về một đề cương triết học vị lai (in lần đầu trong tập san mừng ngày sinh thứ 60 của Adorno Zeugnisse. Theodor W. Adorno zum 60. Geburtstag 1963, theo Scholem viết vào năm 1917) phê bình : những sai lầm nhất định của học thuyết Kant về nhận thức cũng phải thích hợp với tính rời rạc của kinh nghiệm như lưu hành trong thời gian, thế nào để hai nhiệm vụ rèn luyện một đằng khái niệm nhận thức mới, mặt khác biểu tượng thế giới mới trên lãnh địa triết học hòa nhập thành một nhiệm vụ duy nhất. Sau khi nhận xét nhận thức luận theo Kant vay mượn những nguyên lý kinh nghiệm từ các khoa học, song không thể đồng nhất kinh nghiệm như vậy vào lãnh vực đối tượng của khoa học. Theo Benjamin, nhiệm vụ của nhận thức luận tương lai là phải tìm cho nhận thức một phạm vi trung tính toàn diện đối với những khái niệm của chủ thể và khách thể, nghĩa là phát hiện phạm vi tự trị và nguyên ủy của nhận thức, ở đó khái niệm này không xác định với bất kỳ phương thức nào mối quan hệ giữa hai thực thể siêu hình. Trong đề cương Benjamin luận ra khái niệm mớicủa nhận thức và kinh nghiệm, xây dựng trên những điều kiện mới của nhận thức, tự nó tạo thành sở cứ luận lý và khả năng luận lý của si6u hình học. Tự đó mọi khu biệt biến đi giữa lãnh vực của tự nhiên và lãnh vực của tự do. Trong đề cương này, Benjamin nhận ra biến đổi lớn, khái niệm nhận thức định hướng một chiều về những toán học và cơ học chỉ khả hữu nếu đặt nhận thức trong quan hệ với ngôn ngữ.
Tiểu luận có ảnh hưởng nhất trong những tác phẩm của Benjamin viết về tác phẩm nghệ thuật vào thời đại tái sinh kỹ thuật Das Kunstwerk im Zeitalter seiner technischen Reproduzierbarkeit (bản viết 1935 và dị bản 1939), nòng cốt lý luận là quan hệ giữa nghệ thuật và những hình thái tri giác. Điểm đặc sắc là luận về khái niệm 'hào quang'.[Xem : hành trạng của tri tưởng, in trong Tẩu khúc 2004 của ĐPQ]. Đó là sự liên tục tuyệt đối của ánh sáng lóng lánh nhất trên bóng tối âm u nhất (Es besteht in dem absoluten Kontinuum von hellstem Licht zu denkelstem Schatten). Tiểu luận này viết nhằm phân tích chính trị khu biệt giữa chủ nghĩa phát xít và cộng sản chung quanh vấn đề tái sản xuất tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt ở vào thời đại nhiếp ảnh và điện ảnh phát triển, nghệ thuật tới chỗ tiếp cận đại chúng, song Benjamin đã phân tích thấu đáo sự biến đổi cơ bản trong phẩm chất mỹ học của tác phẩm nghệ thuật. Nghệ phẩm tái sản xuất dẫn đến  việc tái sản xuất chỉ định tác phẩm nghệ thuật. Nhiếp ảnh chính là khả năng thực hiện sự đồng nhất trong cái duy nhất, vì tấm phim ảnh có thể tạo ra vô số 'nguyên bản', như 'ảo tượng' (simulacre) của Jean Baudrillard sau này. Khi nhấn mạnh đến ý nghĩa của kỹ thuật/technik, Benjamin muốn đối chiếu sự vô sả hoá gia tăng của con người hiện đại và sự phát triển không ngừng đám đông là hai cảnh tượng của cùng một diễn biến lịch sử. Ông kết luận mọi nỗ lực để mỹ quan hóa chính trị tập trung vào một điểm. Điểm đó là chiến tranh (bản viết vào thời điểm trước Thế chiến Hai).
 
Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 34

Bloch, Ernst: Bloch sinh năm 1885 tại Ludwigshafen, cùng với Georg Lukács và Karl Korsch là những triết gia Mác-xít viết sách bằng Đức ngữ quan trọng, với ý định tái cấu trúc chủ nghĩa Mác. Hình thành trí thức của ông khởi từ ý chống lại chủ nghĩa thực chứng và tiến hoá, Bloch theo học Lipps ở München (Munich) và Külpe ở Würzburg, ông viết luận án  về triết học Rickert năm 1909 Kritische Erörterungen über Rickert und das Problem der modernen Erkenntnistheorie (Bình luận về Rickert và vấn đề lý luận nhận thức hiện đại) ông tiếp tục theo học ở Berlin với người thầy là Simmel. Trong thế chiến 1914-1918, ông theo chủ nghĩa Mác, tuy nhiên vẫn giữ những ý niệm về siêu hình học và nhận thức luận, thể hiện trong tác phẩm Geist der Utopie (tinh thần không tưởng) năm 1918, với quan niệm 'không tưởng' không hiểu theo nghĩa xấu, mà thể hiện một lý tưởng  như trong tác phẩm kế tiếp về Thomas Münzer als Theologe der Revolution/ TM như thể nhà thần học của cách mạng năm 1921. Trong Tinh thần không tưởng Bloch dựa vào truyền thống văn chương mặc thị lục, phối hợp với những ý niệm của chủ nghĩa xã hội và vô chính phủ, của Marx, Sorel và Münzer. Trong Durch die Wüste/qua sa mạc năm 1923, Bloch phê phán chủ nghĩa thực lợi, chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa thực dụng, Spuren/những dấu vết năm 1930 và Erbschaft dieser Zeit/những di sản của thời đại năm 1935 phân tích và phê phán chủ nghĩa Quốc xã cùng nguồn gốc văn hóa của nó. Trong năm 1933, ông phải rời bỏ nước Đức qua Thụy sĩ, Áo, Pháp, Tiệp và cuối cùng di cư qua Mỹ năm 1938, ở đây ông bắt đầu viết tác phẩm chính Das Prinzip Hoffnung/nguyên lý hy vọng hoàn tất và xuất bản trong những năm 1954, 1955 và 1959. Bộ sách này gồm ba tập được coi là “bản chất phi thường về những tư tưởng của ông”. Bloch trở về Âu châu năm 1949, sống 12 năm ở Đông Đức, chấp nhận chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin, được chỉ định làm giáo sư tại đại học Leipzig. Tuy vậy ông không vào đảng cộng sản nhưng tỏ ra trung thành về mặt chính trị, song tư tưởng của ông thường bị những triết gia chính thống của đảng cộng sản đả kích, giống như hoàn cảnh của Lukács. Ngay sau Đại hội đảng CS Liên xô lần thứ 20 vào năm 1956,một nhóm những học trò và cộng sự của ông bị tù vì tham gia việc cải cách đảng, tư tưởng của Bloch bị kết án là 'xét lại', 'duy tâm' và ‘thần bí’. Ông càng tỏ ra thất vọng với chủ nghĩa xã hội, nhất là sau khi bức tường Bá linh được dựng lên vào năm 1961, ông theo chân hàng triệu người chạy qua Tây Đức, năm này ông đã 76 tuổi, vẫn được mời làm giáo sư dạy ở đại học Tübingen cho đến khi mất năm 1977. Vào dịp này, Bloch viết ra Naturrecht und menschliche Würde/Luật tự nhiên và nhân phẩm, Philosophische Grundfragen. Zur Ontologie des Noch-Nicht-Sein/những vấn đề cơ bản triết học. Về hữu thể luận của hãi-một-hữu [chưa là hữu] năm 1961, bộ Tübinger Einleitung in die Philosophie/dẫn nhập vào triết học 2 tập xuất bản năm 1963/64, . Những năm sau đó là Atheismus im Christentum/chủ nghĩa vô thần trong Cơ đốc giáo 1968, Philosophische Aufsätze zur objektiven Phantasie/tiểu luận triết học về tri tưởng khách quan 1969, Vorlesungen zur Philosophie der Renaissance/những bài giảng về triết học thời Phục hưng 1972, Gespräche mit Ernst Bloch/đàm luận với EB 1975,
Những nguyên lý hy vọng gồm năm phần với năm câu hỏi mở đầu : chúng ta là ai ? chúng ta từ đâu đến ? chúng ta đi đâu ? chúng ta mong đợi gì ? cái gì chờ đón chúng ta ? thể hiện ở phần  thứ nhất, gọi là tường trình, những mộng tưởng hão huyền, đến cơ sở, tức ý thức dự tưởng, những hình ảnh mong muốn trong gương phản ảnh như truyện cổ tích, du lịch, điện ảnh, kịch nghệ, tức là chuyển tiếp qua xây dựng, những nét chính của một thế giới tốt đẹp hơn, đến đồng nhất những hình ảnh mong muốn ở chung cuộc: Công chính hay bản chất là cái gì chưa là, ở cốt lõi của mọi sự dẫn về chính nó, chờ đợi khởi sinh của nó trong xu hướng-tiềm tàng của quá trình ; chỉ riêng nó giờ đây là hy vọng khách quan-thực được lập thành'.
Khái niệm hy vọng tiếp cận trên cái Khả hữu (hiểu theo nghĩa của Aristote, cái Hãn-Một (Noch-Nicht/Not Yet) như trong hữu thể luận trình bày trong tác phẩm năm 1961, chắc chắn vẫn là vật chất (vì Bloch là người Mác-xít), nghệ thuật và triết học có chức năng hoạt động của cái tiền hiện khách quan-thực như thể quá trình-thế giới, thế giới thực của chính hy vọng. Bloch nhận xét như Marx miêu tả mối quan tâm chung cuộc của ông là 'phát triển sự thịnh vượng của bản tính con người', mà sự thịnh vượng này cũng như sự phong phú của tự nhiên là một tổng thể ở trong xu hướng-tiềm tàng mà chính thế giới tự phát hiện. Chính vì vậy mà con người ở khắp nơi vẫn còn sống trong tiền sử, quả thực mọi sự vẫn trì trệ trước sáng tạo của thế giới, của chân thế giới. Cho nên Bloch nhấn mạnh : khởi nguyên chân thực không phải ở khởi đầu mà ở chung cuộc, và nó chỉ khởi sự khi xã hội và hiện hữu trở nên triệt để, nghĩa là nắm được căn nguyên của mình.. Nhưng theo ông, căn nguyên của lịch sử là con người lao động, sáng tạo tái hình thành những dữ liệu. Một khi con người tự tạo cho mình trong một nền dân chủ thực, không bị bóc lột và tha hoá, bấy giờ mới đích thực tìm ra quê hương, mảnh đất của mình.
Hữu thể luận 'hãi-một' của Bloch thật sự cũng không ngoài viễn cảnh hiện thực của Nicolai Hartmann, hay Georg Lukács song xu hướng không tưởng của ông để kết hợp chủ thể và khách thể lại rơi vào chỗ thần bí. Luận lý của ông đầy những trùng phức ngữ, như : Chúng ta không sống để sống, nhưng bởi vì  chúng ta sống, nhưng trong cái Bởi vì này, hay đúng hơn trong cái vì trống rỗng đó mà chúng ta sống, không có gì bảo đảm, mà  là hỏi Tại sao (Wir leben nicht, um zu leben, sondern weil wir leben, doch gerade in diesem Weil oder besser : diesem leeren Dass, worin wir sind, ist nichts beruhigt, steckt das nun erst fragende, bohrende Wozu in Zur Ontologie des Noch-Nicht-Sein).
Tác phẩm của ông đã tập đại thành Toàn tập/Gesamtausgabe có 16 tập ; từ tập 1 : Spuren, 2,3, 4, 5 (Das Prinzip Hoffnung), 6, 7 (Das Materialismusproblem, seine Geschichte und Substanz), 8 (Subjeckt-Objekt. Erläuterungen zu Hegel), 9 (Literarische Aufsätze), 10, 11 (Politische Messungen, Pestzeit, Vormärs), đến 16 : Geist der Utopie.

Blumenberg, Hans : Blumenberg sinh năm 1920 ở vào thế hệ của Apel, Habermas, vì có nửa dòng máu Do thái nên bị gián đoạn việc học cho đến sau 1945, theo học ở Hamburg và tốt nghiệp ở đại học Kiel với luận án về nguồn gốc hữu thể luận thởi Trung Cổ và luận án giáo nghiệp năm 1950 nghiên cứu sự khủng hoảng của hiện tượng luận Husserl dưới sự bảo trợ của Ludwig Landgrebe.
Tuy nhiên, hướng nghiên cứu của Blumenberg sau đó không theo xu hướng của những trường phái hàn lâm đương thời ở Đức, mà đi vào con đường khai phá sử luận về triết học, khoa học và thần học. Tác phẩm đầu tiên xuất bản năm 1966 là Die Legitimität der Neuzeit/Tính chính thống của thời đại mới, tiếp nối những công trình của Dilthey, Max Weber, Cassirer từ thời đại Phục hưng, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và đặc biệt về thời hiện đại là tác phẩm của Karl Löwith Weltgeschichte und Heilgeschehen : die theologischen Voraussetzungen der Geschichtsphilophie (Lịch sử thế giới và sự biến cứu vớt : những điều kiện thần học của triết học lịch sử)1953 [Sämtliche Schriften/Tuyển tập Bd 2 ;bản tiếng Anh : Meaning in History xuất bản năm 1949] . Trong tác phẩm này, Lưwith xác định đối chiếu hai mô hình lịch sử, đặc thị những sự biến về mặt thế giới và về mặt thiêng liêng. Triết học lịch sử theo ông có ý nghĩa lý giải có hệ thống lịch sử hoàn vũ phù hợp với nguyên lý mà những sự biến và những tiếp diễn lịch sử được thống nhất và hướng về một ý nghĩa tột cùng. Trong phần I Tính chính thống của thời đại mới, Blumenberg duyệt qua khái niệm 'tục hoá' (Säkularisierung) như 'một phạm trù để lý giải những hoàn cảnh và liên hệ lịch sử' qua một số lý luận như của Hannah Arendt, Hermann Lübbe, Hermann Zabel, M. Stallmann v.v..và đặc biệt là chương 3 tranh biện về luận thuyết của K. Löwith trong sách dẫn trên, lấy quan niệm của chủ nghĩa duy tâm Đức xét vị trí và thành toàn lịch sử  như một luận đề khách quan về khởi sinh khái niệm mới của lịch sử. Điểm chính yếu trong tranh luận của Blumenberg từ  việc phê phán những lý luận như Löwith coi đặc tính của thời đại mới là phi chính thống, tiến bộ là sản phẩm tục hóa những kiểu mẫu thế mạt luận nuôi dưỡng từ những tôn giáo như Do thái giáo và Cơ đốc giáo. Ông biện minh và phân tích tính chính thống của thời đại mới qua những khái niệm và ứng xử như một đáp án của con người trước khủng hoảng trong mối quan hệ Cơ đốc giáo với thế giới vào cuối thời Trung cổ. Một phần sách giành để phân tích hai mặt đối lập trong điều mà Blumenberg gọi là 'ngưỡng cửa thời đại' (ông khẳng định 'thời đại mới' không bao giờ là một sự kiện lịch sử an toàn) để xét về lý luận của Nikolaus Cusanus (Nicholas of Cusa) và Giordano Bruno, hai quan niệm siêu hình học trước cải cách Copernic, một đằng tiền-Copernic chưa hiện đại, một đằng hậu-Copernic với nguyên lý chủ đạo của siêu hình học nhân học và vũ trụ luận.
Trong lý luận của Löwith, ý niệm tiến bộ được xem như kết quả của việc tục hóa thế mạt luận Cơ đốc giáo, trong khi ở chương 4, Blumenberg đặt lại vấn đề 'tục hóa bởi thế mạt luận thay vì tục hóa của thế mạt luận'. Ông quan niệm tiến bộ có hai mặt : tiến bộ khoa học vượt khỏi tình trạng cố định của khoa học cổ đại do phương pháp luận chỉ đạo, tiến bộ về mặt học thuật văn hóa vượt khỏi ý niệm văn học nghệ thuật cổ xem như những kiểu mẫu hoàn thiện với ý niệm nghệ thuật thể hiện tinh thần sáng tạo của thời đại và cũng hoàn thành giá trị ngang bằng với những sáng tạo của cổ nhân.Tiến bộ phát triển ở những lãnh vực khác như khoa học kỹ thuật cùng với những phát triển nói trên xác định triết học của lịch sử.
Tác phẩm tiếp nối dòng tư tưởng trên là Die Genesis der kopernikanischen Welt/Khởi sinh của thế giới Copernic xuất bản năm 1975 nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa cách mạng Copernic với nguồn gốc của thời đại mới. Trong sáu phần từ ý nghĩa hàm hồ của những tầng trời đến mở ra khả hữu cho sự biến Copernic với De revolutionibus đến viễn tượng trong thế giới Copernic, từ hình thể của bóng trái đất trong nguyệt thực mà nhận ra trái đất hình cầu đến phản tư viễn tượng Copernic được lập lại trong những chuyển động từ đó có thể nhìn Trái đất khi đi trên đó.
Trong những tác phẩm về sau, Blumenberg quan tâm đến thần thoại và ẩn dụ như trong Arbeit am Mythus/Công trình về huyền thuyết, Thời gian người và thời gian vũ trụ/Lebenszeit und Welt, Thời gian đời và thời gian vũ trụ v.v... Ông đưa ra nguyên mẫu về ẩn dụ luận/metaphorologie nhằm giải thích ý niệm về những ẩn dụ tuyệt đối qua những ví dụ lấy ra từ lịch sử ý niệm và triết học.
ĐẶNG PHÙNG QUÂN 
Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 35

Bhattacharyya, Krishna Chandra: Trong triết học Ấn độ cận hiện đại, ngoài Aurobindo, Radhakrisnan, Bhattacharyya là một khuôn mặt lớn khác.Ông sinh năm 1875, tốt nghiệp tại đại học Calcutta, được xem là đại biểu của triết học tân Vedanta. Ông dạy triết học đạo đức và tâm linh ở đại học Calcutta, những tác phẩm viết bằng Anh ngữ  xuất bản dưới nhan đề Studies in Philosophy I, 1986 và II, 1958, Studies in VedantaThe Subject as Freedom, những bài giảng về Kant, Sankhya và Yoga, thường ngắn và đơn giản. Tư tưởng của ông không trình bày theo một hệ thống, mà sinh động qua phối hợp phạm trù luận lý với siêu hình học, suy niệm về Kỳ na giáo với ý niệm về Tuyệt đối như thể vô định phù hợp với nguồn học thuyết Upanisad, có thể nhận xét theo Kalidas Bhattacharyya là “giao lưu giữa chính thống và tự do”.
Lý giải độc đáo về Vedanta vô nhị là cơ sở cho triết học Bhattacharyya. Tác phẩm đầu tiên của ông là luận án nghiên cứu về học thuyết Vedanta Studies in Vedantism 1904 . Tự ngã đặc thị như neti neti có nghĩa là Thực tại tột cùng là cái không thể mô tả bằng bất kỳ phương tiện thiết định nào vì tư tưởng khái niệm thì hữu hạn nên chỉ có thể nói “không cái này, không cái này”. Ngã là chân lý cốt cán trong hệ thống Vedanta, có thể như hữu thể, như ý thức, như viên mãn, song nếu hiểu như tính thống nhất trong khu biệt thì có thể xem “thống nhất là chân lý và khu biệt là ảo tưởng”.
Xác định cái vô định là một vấn đề luận lý. Trong tiểu luận luận về vị trí của vô định trong luận lý học, Bhattacharyya xác định cái vô hữu hay hữu bất định của Hegel không phải là cái vô định của Vedanta, còn quan niệm của Kant hay Spencer tuy đề ra tính siêu nghiệm của vô định, như lại coi vô định như thực tại bất khả tri. Theo Bhattacharyya, luận lý học khai phá những phạm trù cho những khái niệm siêu hình học khác nhau rộng rãi về thực tại, cho khái niệm thế giới khả tri ở phương sách cuối cùng là phi thực cũng như khái niệm về thế giới đó như thực tiến hóa trong mọi quan năng khác nhau. Luận lý học này có thể xem như có giá trị ba chiều với vô định là phạm trù thứ ba cạnh khẳng định và phủ định. Tuy nhiên luận lý học không thể một mình thiết lập cái Tuyệt đối như Vô định, mà do mặc khải, song luận lý học tạo cho nó thành khả tri khi bao hàm phạm trù vô định.
Bhattacharyya phân biệt những loại tư tưởng về mặt ngữ học, có loại tiết hợp ngữ học là chủ yếu và loại không có tiết hợp ngữ học chủ yếu. Loại tư tưởng sau là tư tưởng thường nghiệm ý thức lý luận của nội dung đối chiếu với một sự vật được tri giác hay tri tưởng, trong khi triết học là loại tư tưởng có tiết hợp ngữ học chủ yếu, mà “tư tưởng thuần túy không là tư tưởng của một nội dung có thể phân biệt với nó”. Chính vì vậy mà những nhà thực chứng luận coi triết học như một giả tưởng, như môt loại bệnh ngôn từ và chỉ coi có một loại tư tưởng thường nghiệm.
Để phản bác điều đó, Bhattacharyya xét đến phản tư về tư tưởng và quan hệ với ngôn ngữ về mặt ngẫu nhiên hay tất yếu để khai phá bản nhiên của triết học. Một phản tư về những “đặc thù chủ ngã (ego-centric particulars), có nghĩa là những sử dụng miêu tả, chỉ thị hay mệnh lệnh của ngôn ngữ và chức năng tri thức của sử dụng ngôn ngữ nghịch lý là những chiều hướng tư duy vê ngôn ngữ. Phản tư về “đặc thù chủ ngã” dẫn đến nhận thức ra được tính duy nhất của chủ thể, là từ ngữ “Tôi”. Nếu từ này đuợc thừa nhận là “ý nghĩa được chuyển đi do một từ phải khả tri đối với người nghe như thể chính y chuyển đi do sử dụng nó”, như vậy từ “Tôi” đương nhiên đi ngược lại với điều kiện của tính ý nghĩa. Một mặt điều này đúng cho mọi từ ngữ liên quan đến “những đặc thù chủ ngã”; mặt khác từ “Tôi” cũng có những đặc diện khác, chẳng hạn như chuyển hành vi thông giao của người nói thông thường không bao giờ là một phần của ý nghĩa của từ ngữ. Như vậy, “Tôi” không nhất định là đơn nhất hay khái quát. Từ này được dùng thì có một tham chiếu đơn nhất, song khi được hiểu thì nó là tổng quát, như vậy không giống như một từ mang ý nghĩa một nội dung khách quan, có cùng tham chiếu, đơn nhất hay khái quát cho người nói và người nghe.
Luận về chủ thể bắt đầu từ những bài giảng The Subject as Freedom ở Viện Triết học Ấn vào năm 1929, khai phá quan niệm Tat tvam asi/Ngươi là đó trong Chāndogya Upanisad (theo Advaita Vedānta, cá thể không khu biệt với Tuyệt đối/Tat/đó và ảnh hưởng của Kant qua phản tư siêu nghiệm trên luận đề “tính lý tưởng siêu nghiệm của thời gian hay thế giới tính thần hàm ngụ phân biệt giữa ngã và tinh thần”; “chỉ có ngã tự do được biết là thực và đối tượng được biết như thể hiện tượng”. Bhattacharyya lý giải quan niệm về tri thức tiên nghiệm của Kant trong Phê bình lý trí thuần túy liên hệ với lãnh hội đạo đức về tự do trong Phê bình lý trí thực tiễn. Nhận thức về ngã hay chủ thể là tự do là cơ sở cho triết học siêu nghiệm của Kant.                    
Tâm lý học siêu nghiệm như Bhattacharyya luận bàn trong tiểu luận “Tri thức và Chân lý” tại Hội nghị triết học Ấn năm 1927 nhằm nhận ra chân và giả, vì tri thức và chân lý hàm ngụ lẫn nhau: chỉ có chân lý được biết và chỉ cái tri thức là thật. Trong thiên khảo luận “Cái giả và chủ thể” năm 1932 khẳng định luận thuyết ý thức cái giả và ý thức chủ thể hàm ngụ lẫn nhau: cái gì là giả được phản ảnh và cái gì chúng ta phản ảnh là giả.
Một phác thảo về tâm lý học siêu nghiệm theo Bhattacharyya quan niệm như một thay thế chính đáng cho siêu hình học linh hồn, khai phá những giai đoạn tự do thoát khỏi tính khách thể, khả dĩ có được “phương pháp thể hiện chủ thể như thể tự do tuyệt đối, rút lại cái tự do thực chứng về khách thể đi vào trực quan thuần túy của bản ngã”.J.L. Mehta đối chiếu Bhattacharyya với Heidegger gặp gỡ nhau ở chỗ quan niệm không có gì đáng đặt thành vấn đề và đáng đặt thành vấn đề trong triết học hơn là chính bản tính của triết học. [xem: The problem of philosophical reconception in the thought of K.C. Bhattacharyya in trong Philosophy East and West 1974, in lại trong tuyển luận India and the West, the problem of understanding của J.L. Mehta, 1985].


Brunschvicg, Léon: Brunschvicg sinh năm 1869 tại Paris, học ở lycée Condorcet và vào trường Cao đẳng sư phạm năm 1888. Luận án của ông là La modalité du jugement trình năm1897 và dạy ở Sorbonne từ năm 1909. Ông thường được xem như đại biểu của chủ nghĩa duy tâm, tuy nhiên có những học giả nhận xét tư tưởng của ông tiêu biểu triết học tinh thần, một truyền thống của triết học Pháp (với những triết gia Hamelin, Lavelle, Le Senne v.v..), hay triết học quan hệ.
 Tuy nhiên những tác phẩm của ông như  Les étapes de la philosophie mathématique (những giai đoạn triết học toán học) 1912, L'expérience humaine et la causalité physique (Kinh nghiệm của con người và nhân quả vật lý) 1922, Le progrès de la conscience dans la philosophie occidentale (Tiến triển của ý thức trong triết học tây phương) 1927 thể hiện tinh thần duy lý khoa học chính thống. Giảng dạy của ông trong suốt thời gian ở Sorbonne gây một ấn tượng sâu sắc cho thế hệ triết học vào thời kỳ này, cũng như phản ứng chống chủ nghĩa thuần lý trong tư duy Brunschvicg. Trong Hồi ký/Mémoires Raymond Aron nhận xét: “ở vào thế hệ của ông, tìm một người thầy để hướng dẫn, chỉ có thể chọn giữa Léon Brunschvig, Alain và Bergson; ở Sorbonne, Léon Brunschvicg là một một nhà thông thái bậc nhất, ông “triết lý” hơn những người khác và những công trình của ông đáng để chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không thể phán đoán khả năng toán học của ông, nhưng ông cho chúng tôi cảm nghĩ là ông kết hợp được văn hóa triết học và khoa học. Ông soi rọi ánh sáng trên những thời khoảng trong lịch sử triết học phương tây với những song hành từ toán học và vật lý học. Ông không cắt đứt với truyền thống, không rơi vào chỗ tầm thường của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy linh hàn lâm. Ông không tự đặt mình vào hàng những triết gia vĩ đại, song ông để cuộc đời mình tiếp cận với họ”.
Một nhà triết học Pháp khác, Gaston Berger (1896-1960) khẳng định là Brunschvicg “luôn luôn muốn bắt buộc người đối thoại với mình chọn lựa thay vì hòa giải ”. Châm ngôn của ông là phải có bổn phận trở nên trí tuệ, về mặt đạo đức, ông đòi hỏi công lý. Brunschvicg quan niệm “chủ thể là con người biết phán xét, và phán xét là một hành vi. Chủ thể là hành động”. Tư duy là phán xét; triết học tinh thần là triết học của phán đoán, không phải của khái niệm. Ngay trong luận án dẫn trên năm 1897, ông đã quan niệm tri thức cho chúng ta một thế giới duy nhất này, bên ngoài không có gì hết; nếu có bất kỳ điều gì ở ngoài tri thức, định nghĩa của nó chỉ có thể là không đắc thủ và không xác định, cộng lại chẳng là gì hết với chúng ta. Ông đã phân biệt hai hình thái mô thức của phán đoán: hình thái nội hướng tính/forme d'intériorité (trong nội tại hỗ tương của ý niệm và đặc biệt biểu thị phán đoán toán học, trong đó chủ từ và thuộc từ không thể tách rời nhau, là thống nhất của tinh thần xác định những quy luật của nó, là cơ sở cho mô thức tất yếu) và hình thái ngoại hướng tính (được xác định bởi một yếu tố phản lý mà tinh thần đối đầu, không độc lập với tinh thần hay phóng chiếu ngoại tại của tinh thần này, mà đơn giản chỉ là giới hạn bởi chính nó; hình thái này riêng cho những phán đoán về thực tại). Như vậy có hai thành phần cấu tạo tinh thần là hình thái nội hướng tính bao gồm thuần lý và tất yếu của phán đoán toán học và hình thái ngoại hướng tính bao gồm tính phản lý của những gì không thể hiểu thấu và thực tại trong phán đoán hiện hữu.
Trong tác phẩm đầu tay Les étapes de la philosophie mathématique tinh thần toán học được phân tích với những khái niệm sinh động, như con số có phát triển nhờ vào tiến bộ của những khai triển ; ở tác phẩm luận về kinh nghiệm của con người và lý luận nhân quả trong vật lý học L'expérience humaine et la causalité physique phân tích biến chuyển tiến thoái giữa lý trí và kinh nghiệm trong xây dựng khoa học vật lý, được củng cố bằng khoa học hiện đại khởi từ Einstein.
Tác phẩm quan trọng nhất của ông là Tiến triển của ý thức trong triết học phương tây  mở rộng phân tích trong mọi lãnh vực và mối quan hệ giữa xác thực của tri thức và đời sống tinh thần với lịch sử ý niệm: vị thế của những khoa toán học và vật lý học chứng thực tư tưởng của Spinoza nhận thức biến chuyển từ cogito cá thể  trong đó ý thức từ trạng thái bất tương ứng/inadequatio đến cogito phổ quát thống nhất với những cogitatio thuần túy.
Khi Đức Quốc xã xâm chiếm nước Pháp, Brunschvicg phải lánh nạn về miền Nam và mất năm 1944, trước khi đất nước được giải phóng. Tác phẩm Descartes et Pascal lecteurs de Montaigne được viết ra trong giai đoạn ẩn náu này (như thư ông viết gửi Jean Wahl vào cuối năm 1941: tôi tiếp tục viết để hiểu làm sao tôi sống còn...) khai phá mối liên hệ thống nhất tư tưởng của Descartes và Pascal với chủ nghĩa hoài nghi phổ cập của Montaigne, mối liên minh bất ngờ giữa khoa học và sự bất xác.
Léon Brunschvicg cùng với Elie Halévy và Xavier Léon là những nhà sáng lập tạp chí triết học Revue de métaphysique et de morale từ năm 1893.
Ngoài sách dẫn trên, những tác phẩm khác của ông như: Spinoza et ses contemporains 1923, L'idéalisme contemporain 1905, Nature et liberté 1921, La connaissance de soi 1931, Les âges de l'intelligence 1934, La raison et la religion 1939; di cảo và những tư liệu xuất bản sau khi ông mất : Héritage de mots, héritage d'idées 1945 (thiên khảo triết học viết dành tặng cháu gái), De la vraie et de la fausse conversion 1950, Ecrits philosophiques I: L'humanisme de l'Occident, Descartes, Spinoza, Kant 1951; Ecrits philosophiques II : L'orientation du rationalisme 1954 ; Ecrits philosophiques III : Science-Religion 1958.
Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 36

Bolzano, Bernard:  Bolzano sinh năm 1781 ở Pra-ha (Prague), là con của Bernard Pompeius Bolzano sinh trưởng ở Bắc Ý, di cư qua Pra-ha kết hôn với Maria Cecilia Maurer, con gái của một thương gia ở đây, nói tiếng Đức. Ông theo học ở đại học Pra-ha về toán học, vật lý học và triết học. Từ năm 1800, ông cũng theo ngành thần học và trở thành tu sĩ Thiên chúa giáo vào năm 1804,  dạy môn triết học tôn giáo năm 1805, nổi tiếng cả về thần học lẫn triết học nên được bổ nhiệm làm trưởng khoa triết vào năm 1818. Là một người có lý tưởng chống quân phiệt, ông đòi hỏi cải tổ hệ thống giáo dục, xã hội và kinh tế, xướng xuất thuyết hòa bình để giải quyết những quyền lợi giữa các nước hơn là xung đột chiến tranh, do đó ông đã từ nhiệm để bảo vệ niềm tin của mình . Ông phải về ẩn náu ở miền quê, dồn nỗ lực vào việc viết về những vấn đề triết học, toán học, xã hội, tôn giáo, tuy không được đăng trên những tập san chính thống mà chỉ in trên những tập san địa phương. Ông trở lại sống ở Pra-ha từ 1842 và mất tại đây năm 1848.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bolzano là bộ Khoa học luận/Wissenschaftslehre bốn tập hoàn thành năm 1837 về triết học khoa học, luận lý, tri thức. Thuyết luận lý của ông phá đổ cơ sở cũ và có ảnh hưởng tới những nhà luận lý học sau này như C.S. Peirce, Georg Cantor, Richard Dedekind, qua di cảo Những nghịch lý của Vô tận/Paradoxien des Unendlichen. Trong bộ luận về khoa học nói trên, Bolzano có tham vọng đề ra những cơ sở luận lý cho mọi khoa học, xây dựng trên những khái niệm trừu tượng như quan hệ từng phần (phân biệt toàn thể và từng phần, chẳng hạn những chữ là từng phần của câu, những ý niệm chủ quan là từng phần của phán đoán, những ý niệm khách quan là từng phần của những mệnh đề trong chúng), đối tượng trừu tượng, những thuộc từ, những thể hình của câu, những ý niệm và mệnh đề trong chúng, những tổng và tập hợp v.v...
Trong Triết học là gì? Bolzano nhận xét: phần đông những triết gia cùng thời với ông vẫn còn dựa vào Kant hay lùi lại sau để đến gần, bởi vì họ cho rằng tất cả những tiến bộ của suy luận mới đây rốt cuộc không dẫn tới đâu.
Cho nên ngay từ 1810, Bolzano đã nhằm phê phán những nhà triết học theo Kant, trước khi học phái tân Kant thống trị diễn đàn trí thức ở đại học miền Nam (trường phái Marburg, trường phái Tây-Nam Đức) vào cuối thế kỷ 19. Bolzano tiêu biểu triết học Aùo vào thời kỳ này cùng với Brentano, Meinong trong lịch sử xác định lại 'tư tưởng' sau Hegel. Nicolai Hartmann trong lời mở đầu tác phẩm Zur Grunglegung der Ontology nói đến phục sinh siêu hình học (Wiedererwachen der Metaphysik) như  thể phản ứng chống lại tình trạng trống rỗng nội dung của những học thuyết tân Kant, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa duy tâm lý khởi đầu thế kỷ 20 (das seinerseits als Reaktion gegen die inhaltliche Leere des niedergehenden Neukantianismus, Positivismus und Psychologismus im Beginn unseres Jahrhunderts einsetzte).
Bài phụ lục luận về học thuyết Kant cấu tạo những khái niệm từ những trực quan trong tác phẩm Những đóng góp vào việc trình bày mang tính cơ sở của khoa toán học (Beyträge zu einer begründeteren Darstellung der Mathematik) 1810  của Bolzano đưa ra phân tích những mệnh đề nhằm đối lập với thuyết trực quan toán học , phủ bác khái niệm trực quan tiên thiên. Ông đưa ra một triết học những chân lý tự tại đối lập với thuyết trực quan trong toán học cũng như trong triết học, những nguyên lý về một lý luận về tính khách quan khoa học được trình bày trong tác phẩm chính Khoa học luận (Wissenschaftslehre) 1837.
Trong tác phẩm này, Bolzano đề ra thưc tại của ngôn ngữ, tư tưởng và luận lý, một lý luận về mối quan hệ giữa những »khái niệm tự tại/Vorstellungen an sich ». Nhận thức của ông về những mệnh đề tự tại (Sätzen an sich) rất gần với lý giải hiện đại về ngôn ngữ luận lý học, hay chân lý tự tại (Wahrheiten an sich) với lý luận chân lý trong luận lý học hiện đại cũng như về những khái niệm tự tại như ngày nay người ta hiểu về »phạm trù cú pháp » và « phạm trù ngữ nghĩa ». [Xem: G. Schenk: Über Bolzanos Theorie der Beziehungen zwischen”Vorstellungen an sich” trong Bernard Bolzano 1781-1848. Studien und Quellen 1981]. Những chân lý tự tại độc lập với tinh thần con người và có trước ngôn ngữ (không phải những chân lý diễn tả bằng những từ), và là một phần của những mệnh đề tự tại (không phải những mệnh đề diễn tả trong ngôn ngữ). Những mệnh đề tự tại ở trong những khái niệm tự tại (không phải những từ ngữ cấu thành mệnh đề diễn tả). Có thể diễn tả thực nghiệm qua ví dụ: cỏ thì xanb là một mệnh đề, cỏ là ý niệm, biểu hiện một cái gì đó song không xác quyết, mệnh đề có thể phát biểu hình tròn vuông. Cấu thành từ những phần siêu khả giác, dầu sai vì tự mâu thuẫn. Một mệnh đề tự tại như vậy không có vị trí trong không-thời gian, nghĩa là không hiện hữu, có thể đúng hay sai, do hữu tư duy nhận ra.
Bolzano quan niệm mỗi ngành khoa học có một biểu thị khoa học duy nhất, không những có một hệ thống công lý hữu hạn, nhưng cũng là một kết quả luận lý/Abfolge duy nhất của mỗi định lý của khoa học này bởi những công lý. Điểm khác biệt trong luận lý học của Bolzano là ông quan niệm mọi mệnh đề cấu tạo bởi ba yếu tố: chủ từ, thuộc từ và liên từ, song thay vì dùng từ là như truyền thống, ông dùng từ có vì theo ông liên từ này có thể nối kết một từ cụ thể với một từ trừu tượng, ví dụ “anh Ba có (chứng) hói (đầu)” hơn là “anh Ba thì hói”, là vì thuộc từ “hói” thật ra kết cấu từ những yếu tố “một sự vật”, “có”, “chứng hói đầu”; như vậy, trong mệnh đề thông thường dẫn trên, Bolzano đã dùng lối phân tích để giải thích nó - cơ bản của triết học phân tích. Bolzano cũng phân biệt năm ý nghĩa của từ chân lý là ý nghĩa khách quan trừu tượng (chân lý chỉ thị thuộc từ trên cơ sở của nó mà một mệnh đề biểu thị một điều gì đó trong thực tế, như thí dụ trên); ý nghĩa khách quan cụ thể (chân lý chỉ thị một mệnh đề có thuộc từ chân lý chứa trong ý nghĩa khách quan trừu tượng) [phản nghĩa của chân lý/Truth trong hai ý nghĩa trên là giả trá/Falsehood]; ý nghĩa chủ quan (chân lý chỉ thị một phán đoán đúng) [phản nghĩa của nó là sai lầm/mistake]; ý nghĩa tập thể (chân lý chỉ thị một bộ phận gồm nhiều mệnh đề, phán đoán chân lý, chẳng hạn chân lý kinh điển); ý nghĩa chân/ảo (chân lý chỉ thị một đối vật do mệnh danh mà thành, ví dụ chân thánh để phân biệt với ảo tượng). Trong quan niệm chân lý của ông, Bolzano chú trọng đến ý nghĩa khách quan cụ thể, nghĩa là những chân lý khách quan cụ thể hay chân lý tự tại.
Đượng thời của ông, Bolzano không được nổi tiếng, song những nhà triết học chuyên luận như Kazimierz Twardowski, Edmund Husserl chịu ảnh hưởng của ông và lý luận của Bolzano tác động trong hiện tượng luận và triết học phân tích. Husserl đã phân biệt ba nguồn suối luận lý học kế thừa là: luận lý hình thức và toán luận hình thức của Leibniz (phân chia những chân lý sự kiện và chân lý thuộc lý trí), chủ nghĩa Platon như luận lý học của Lotze (phân chia chân lý toán học và nguyên lý luận lý) và luận lý học Bolzano (phân chgia những mệnh đề tự tại và những chân lý tự  tại).

Brentano, Franz: Franz Brentano sinbh năm 1838ở Marienberg-am-Rhein thuộc dòng dõi gia đình Đức gốc Ý có những người nổi tiếng như Clemens Brentano, Bettina von Arnim (là những văn gia quan trọng trong chủ nghĩa lãng mạn Đức), người em Lujo Brentano là nhà luận thuyết kinh tế học. Franz theo học toán, văn chương, triết học và thần học ở München, Würzburg và Berlin.
Luận án đệ trình năm 1862 của Brentano viết về ý nghĩa đa dạng của hữu thể theo Aristote Von der mannigfachen Bedeutung des Seienden nach Aristoteles và tiếp tục việc nghiên cứu mặc dầu cũng như Bolzano, ông đã thụ phong linh mục năm 1864. Ông trình luận án giáo nghiệp Tâm lý học của Aristote/Die Psychologie des Aristoteles vào năm 1867 và dạy tại đại học Würzburg.
Lý luận về phạm trù: Khai phá bốn ý nghĩa của hữu thể là hữu tùy thể, hữu trong ý nghĩa là chân lý, hữu của những phạm trù và hữu phân chia theo tiềm thể và động thể, trong đó chuơng năm xét hữu thể theo những dạng phạm trù là dài nhất , bao gồm 15 luận cương. Mỗi luận cương là một lý giải phạm trù, từ quan niệm phạm trù không những là một cơ cấu tổ chức cho khái niệm (koinon), mà chính những phạm trù là những khái niệm thực, có một sự hài hòa giữa những phạm trù của Aristote và những khu biệt ngữ pháp của danh từ và tính từ, động từ và trạng từ. Ở phần kết, Brentano dẫn hai đoạn trong Siêu hình học của Aristote để chỉ ra quan hệ giữa hữu và phạm trù vì “theo bốn ý nghĩa mà hữu tiên khở phân chia, trong những dạng thức phạm trù là quan trọng nhất”:
Ở bất kỳ chỗ nào mà khoa học chủ yếu xét đến cái gì là đầu tiên, và những sự vật khác phụ thuộc vào nó, cũng như nhờ nó mà chúng có danh tính. Vậy nếu như đó là bản thể, nó sẽ thuộc vềø những bản thể mà nhà triết học phải nắm được những nguyên lý và nguyên nhân của chúng” Siêu hình học IV, 2, 1003b16. Brentano dẫn giải : Nếu nay coi siêu hình học là khoa học về hữu thể thì rõ ràngđối tượng chính là bản thể, và trong mọi trường hợp loại suy như vậy, khoa học chủ yếu xét đến cái đầu tiên mà mọi sự khác phụ thuộc và nhận được tên.”
Và như vậy chúng ta cũng cần phải xem xét chủ yếu và tiên quyết đặc biệt xem nó là gì trong ý nghĩa này” Sdt VII, 1, 1028b6.
Giai thoại triết học về quan hệ giữa Heidegger và Brentano là giám mục Groeber, người đỡ đầu tinh thần của Heidegger chính là người đã tặng luận án Về ý nghĩa đa dạng của Hữu theo Aristote cho Heidegger đã là “hướng đạo dẫn dắt cho những toan tính thô thiển ban đầu trên đường vào triết học” như Heidegger bày tỏ trong hành trạng Con đường tôi đến với Hiện tượng luận. [Xem: Hành trạng tư tưởng in Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ, 2002 của ĐPQ].
Trong Les catégories de l'être/những phạm trù của hữu, 2003 Jean-François Courtine đã phân tích và đối chiếu lý luận của Brentano trong luận án nói trên với lý giải của Heidegger (qua « thư gửi Richardson »  và những sách khác như  Aristoteles “Metaphysik Θ 1-3 [GA 33], có thể nói, Heidegger cũng như Brentano là những nhà triết học chuyên giảng về Aristote, xem: GA 18, 61, 62]:
Khởi từ luận án của Brentano, Heidegger đã nhận biết ở đề từ mà Brentano dẫn làm chủ đề Aristote: τό όν λέγεται πολλαχώς (Siêu hình học Z, 1) khi giải thích: “Trong câu này chứa vấn nạn quyết định con đường tư tưởng của tôi: Cái gì là xác định đơn giản và thuần nhất của hữu ngự trị mọi ý nghĩa đa bội? Hữu muốn nói điều gì? Trong mức độ nào của 'tại sao và làm sao' hữu của hiện thể  có thể khai triển theo bốn phương thức mà Aristote luôn luôn nhìn nhận là khi để chúng không xác định trong căn nguyên chung? Ý nghĩa nào của hữu nói trong bốn thụ lãnh này? Làm sao chúng có thể đi vào một hòa hợp khả tri như vậy? Do đâu mà hữu như thể hữu và không những chỉ như hiện thể nhận được xác định của nó?”
Trong giảng khoa về Aristote năm 1931, Heidegger  nhấn mạnh: “trong câu ngắn này là tất cả vị thế triết lý cơ bản mới mà Aristote khai triển đối với toàn bộ thời kỳ trước đó, kể cả Platon, và không phải đề xây dựng một hệ thống, nhưng để hoàn thành một nhiệm vụ.”
Từ điển triết học giản yếu

Từ điển triết học kỳ 37
Brentano, Franz: (tiếp theo) Trong nghiên cứu đi tìm những ý nghĩa đa phức của hữu thể, Brentano xác định: những phạm trù khác nhau tương ứng với những phương thức khác nhau của thuộc từ. Ngay từ chương đầu của luận án 1862, ông dẫn 4 loại chính của hữu/όν là: hữu không có hiện hữu nào ngoài tri năng (stereseis, apophaseis); hữu của vận động, phát sinh và tàn tạ (quá trình đi về bản thể, hủy diệt; hodos eis ousian, phthora) vì những cái này ở ngoài tinh thần, do đó không có hiện hữu toàn diện, hoàn tất; hữu có một hiện hữu hoàn tất nhưng phụ thuộc (những cảm tính của bản thể, phẩm chất, sự vất sản sinh; pathe ousias, poietika, genetika); cuối cùng là hữu của những bản thể (ousia). Nỗ lực chính của Brentano là nhằm giảm trừ tính đồng âm này của hữu, đi tìm sự thống nhất của phức thể, ý nghĩa thực sự , đầu tiên là hữu thứ tư nói trên: bản thể. Ở chương năm, trong luận cương 13 ông vẽ lại hai biểu đồ 1 để trình bày hữu/on gồm bản thể/ousia tạo thành phạm trù thứ nhất và tùy thể/symbebekos phân chia thành những tùy thể tuyệt đối/pathos và quan hệ/pros ti (phù hợp với cách mà những tùy thể áp dụng vào chủ thể, tuyệt đối hay tương ứng với sự vật khác; quan hệ mà dây liên lạc với bản thể thì yếu nhất và ở mức độ tối thiểu tạo thành phạm trù cuối cùng); những tùy thể tuyệt đối gồm những tùy thể đính kết/enyparchonta lại gồm lượng/poson và phẩm/poion, khai triển/kineseis gồm hoạt động/poiein và cảm thụ/paschein, và bao hàm/ta en tini gồm nơi chốn/pou và thời gian/pote và biểu đồ 2 về hữu tương ứng với những phạm trù/to kata tas ptoseis on là cây phổ hệ về bản thể và những tùy thể.  
Ông đã viết bốn thiên sách về Aristote: luận án nói trên, Tâm lý học Aristote, đặc biệt lý luận về tinh thần sáng tạo/Die Psychologie des Aristoteles, insbesondere seine Lehre vom Nous Poietikos 1867 (luận án giáo nghiệp), Học thuyết Aristote về căn nguyên của tinh thần con ngưới/ Aristoteles Lehre vom Ursprung des menschlichen Geistes 1911, Aristote và thế giới quan của ông/Aristoteles und seine Weltanschauung 1911 (ảnh hưởng quan trọng đến luận án De Aristotelis notione Unius 1864 Materie und Form bei Aristoteles của Georg von Hertling, môn đệ của ông).
Học thuyết tâm lý học: Tác phẩm Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm/Psychologie vom empirischen Standpukt xuất bản lần đầu năm 1874 như Brentano xác định ở lời nói đầu là “quan điểm tâm lý học của tôi là thường nghiệm, chỉ riêng kinh nghiệm là thầy tôi”. Lần xuất bản đầu này gồm hai quyển: quyển 1 trình bày tâm lý học như một khoa học gồm bốn chương xác định khái niệm và mục đích của tâm lý học, phương pháp tâm lý học với những quy chiếu trên cơ sở kinh nghiệm, những quy luật nền tảng , diễn dịch và kiểm chứng; quyển hai nghiên cứu những hiện tượng tinh thần tổng quát (phân biệt giữa những hiện tượng tinh thần và thể chất), ý thức nội tại, thể thống nhất của ý thức, kiểm điểm những lý thuyết phân loại hiện tượng tinh thần (như Platon, Aristote, Wolff, Hume, Reid, Brown, Mendelssohn, Kant, Hamilton, Lotze, trường phái Herbart) v.v.., quyển ba của bộ Tâm lý học do Oskar Kraus biên tập mang nhan đề Ý thức cảm xúc và tri hoạt/Vom sinnlichen und noetischen Bewußtsein xuất bản năm 1929 thực sự chỉ là tiếp nối nghiên cứu “phân loại những hiện tượng tinh thần” ở phụ lục bộ Tâm lý học.
Ảnh hưởng của  Aristote qua luận án giáo nghiệp vẫn là nguồn gốc cơ sở của tâm lý học theo quan điểm thường nghiệm của Brentano, như phân biệt những hiện tượng tinh thần, hay hành vi tinh thần với những hiện tượng vật lý. Cả hai hiện tượng cùng xẩy ra trong tinh thần, song hiện tượng vật lý thể hiện là màu sắc, hình ảnh tôi thấy, nóng, lạnh tôi cảm thấy, âm thanh tôi nghe và những thực thể tương tự trong tri tưởng, trong khi nghe, thấy, cảm nhận, mọi phán đoán, nhớ lại, kỳ vọng, tư kiến, nghi hoặc là những hiện tượng hay hành vi tinh thần. Brentano phân biệt ba loại hiện tượng tinh thần: (1) Vorstellungen tức những ý niệm, tư tưởng, biểu tượng, (2) phán đoán và (3) những hiện tượng cảm xúc (yêu, ghét).
Hai đặc tính chính trong tâm lý học Brentano là “tâm lý học miêu tả/beschreibende Psychologie” và “phi hiện hữu ý hướng/intentionale Inexistenz”. Khái niệm tâm lý học miêu tả để phân biệt với tâm lý học khởi sinh thực sự chính Brentano chỉ khai phá kể từ bài giảng Về nguồn gốc của nhận thức đạo lý/Vom Ursprung sìtlicher Erkenntnis 1889, ở lời tựa ông viết: những điều tôi trình bày ở đây là một phần của “tâm lý học miêu tả”. Trong đoạn 14: “để hiểu nguồn gốc thực của nhận thức đạo đức, chúng ta phải xem xét những kết quả nghiên cứu mới đây trong lĩnh vực tâm lý học miêu tả”. Trong đoạn 19: “bộ diện chung của mọi việc tâm lý, thường được quy chiếu, rủi thay, bằng một từ sai lạc “ý thức”, dựa vào quan hệ chúng ta với một đối tượng. Quan hệ này được gọi là ý hướng; “nó là quan hệ với sự vật có thể không thật nhưng hiện diện như một đối tượng”. Nhà tâm lý học miêu tả nghiên cứu những  cấu thành của ý thức con người, những thành tố và xác định những phương thức phối hợp của chúng. Khác với tâm lý học khởi sinh hay giải thích, tâm lý học miêu tả không quan tâm đến tình trạng nhân quả của hiện tượng tâm lý hay những quan hệ với quá trình vật lý, hóa học
Khái niệm phi hiện hữu ý hướng được trình bày ở chương 1 quyển hai Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm : Mọi hiện tượng tinh thần đặc thị điều mà những nhà Kinh viện thời Trung cổ gọi là phi hiện hữu ý hướng (hay tinh thần) của một  khách thể, và cái mà chúng ta gọi dầu không hoàn toàn  bất hàm hồ là tham chiếu tới một nội dung, hướng về một đối tượng ( điều mà ở đây không được hiểu là ý nghĩa một sự vật), hay nội tại  về mặt khách quan. Mọi hiện tượng tinh thần bao gồm một sự vật  như khách thể trong nó, dầu không phải hành động như vậy cùng một đường lối. Thèm muốm là thèm muốn một cái gì được hướng dẫn trong tư tưởng về đối tượng của thèm muốn, bất kỳ đối tượng xẩy ra như thế nào. Luận cương ý hướng chỉ ra hướng niệm hiểu biết bản tính chủ yếu của tư tưởng.
Khái niệm hướng tính không phải do Brentano phát kiến, cũng không phải là người đầu tiên nhận ra hướng tính của tinh thần, song kế thừa từ Aristote và các nhà Kinh viện như  Duns Scotus, Wilhelm von Ockham. Tuy nhiên Brentano đã xem ý hướng như cơ sở cho một triết học mang tính khoa học thường nghiệm của tinh thần. Ông đã để lại công trình nền tảng cho hiện tượng luận hiện đại và nhiều nhà triết học, từ  Carl Stumpf, Meinong, Husserl, Heidegger, Sartre, Merleau-Ponty v.v…
Joseph M. Bochenski dẫn giải liên hệ ý hướng với giảm trừ hiện tượng luận như sau: Qua kinh nghiệm sống động diễn ra toàn thể cơ bản của kinh nghiệm là kinh nghiệm về một đối tượng. Những kinh nghiệm này mang ý nghĩa “kinh nghiệm ý hướng”, và một khi chúng là ý thức (yêu, đánh giá v.v..) về một sự vật gì, có nghĩa là “liên hệ có ý hướng” về sự vật. Khi áp dụng giảm trừ hiện tượng luận [ý tượng] vào những kinh nghiệm ý hướng như vậy, người ta đi đến chỗ nhận ra một mặt khung ý thức như một điểm tham chiếu thuần túy của ý hướng (ý thức thuần túy), mà đối tượng ý hướng được cho, mặt khác người ta thấy một đối tượng, mà giảm trừ không để lại hiện hữu nào khác, được phú cho về mặt ý hướng như chủ thể. Kinh nghiệm  tự hiện như hành vi thuần túy, không gì khác hơn là quan hệ ý hướng của ý thức thuần túy về đối tượng ý hướng” [Unter den Erlebnissen heben sich solche heraus, die die Wesensgemeinschaft haben, Erlebnisse von einem Objekt zu sein. Die Erlebnisse heißen 'intentionale Erlebnisse', und insofern sie Bewußtsein (Liebe, Werten usw.) von etwas sind, heißen sie auf dieses etwas 'intentional bezogen'. Indem man jetzt die phänomenologische [eidetische] Reduktion auf solche intentionale Erlebnisse  anwendet, kommt man einesteils zur Fassung des Bewußtseins als eines reinen Bezugspunktes der Intentionalität ('reines Bewußtsein'), dem der intentionale Gegenstand gegeben ist, anderenteils gelangt man zu einem Objekt, dem nach der Reduktion keine andere Existenz verbleibt, als diesem Subjekt intentional gegeben zu sein. Im Erlebniss selbst schaut man den reinen Akt, der einfachhin die intentionale Bezogenheit des reinen Bewußtseins auf den intentionalen Gegenstand zu sein scheint.  in Europäische Philosophie der Gegenwart 1947].
Khái niệm phi hiện hữu ý hướng khá gây tranh luận giữa những nhà triết học 'lục địa' và triết học 'phân tích' về đường lối lý giải. Những học giả trong cuộc tranh luận có thể kể từ Herbert Spiegelberg, Roderick M. Chisholm, Ausonio Marras, Dale Jacquette, Joseph Margolis, Barry Smith, Dermot Moran, Tim Crane, Gabriel Segal, xu hướng dựa trên Aristote, Kinh viện, triết học phân tích, hiện tương luận, vật ngữ thuyết/Physikalismus, vật thể luận/Reism. Những học giả như Hartry Field hay W.V. Quine liên kết luận về phi hiện hữu ý hướng của tinh thần với quan niệm vật ngữ thuyết của thế kỷ XX. Segal giải thích quan tâm đặc biệt của Brentano tới vấn đề làm sao chúng ta có thể biểu hiện sự vật không hiện hữu ngoài tinh thần, đó là ý niệm về việc nếu nghĩ đến một sự vật không hiện hữu, như vậy là tư tưởng có đối tượng ý hướng hiện hữu. Đối tượng này không là một vật cụ thể của thực tại bên ngoài mà là một thực thể chỉ hiện diện trong tinh thần. Tim Crane dựa trên chương I trong Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm của Brentano để giải thích Brentano không xét đến khu biệt giữa 'đối tượng vật lý' hiện hữu và 'đối tượng ý hướng' không hiện hữu. Quan điểm của Brentano rõ ràng là khoa học nghiên cứu sự vật như những hiện tượng, tự chúng không thực mà là những ký hiệu của thực tại độc lập không biết về mặt cơ bản. Ông vẫn tin tưởng có một cái gì bên ngoài hiện tượng, khi ông đối chiếu 'chân lý tương đối' của những hiện tượng vật lý với những hiện tượng của tri giác nội tại là thực tự nội khi ông viết : tâm lý học nghiên cứu quy luật của những hiện tượng cao hơn những hiện tượng vật lý không những vì thật và thực tự chúng mà còn cao đẹp không thể sánh được.
Học thuyết đạo đức: Bài giảng Về nguồn gốc của nhận thức đạo lý dẫn trên tại Hội Luật thành Wien vào tháng giêng năm 1889 chính là để luận về chế tài tự nhiên của luật pháp và đạo đức/von der natürlichen Sanktion für recht und sittlich ['tự nhiên ở đây hiểu theo nghĩa những quy luật có thể được nhận biết là đúng  và liên hệ vì chúng  theo bản nhiên của chúng']. Chủ đích của Brentano là để xác định những nguyên lý nhận thức đạo lý của con người dựa trên nền tảng của phân tích mới, khác với trước.  Những nguyên lý này phát triển những quan niệm trong Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm, dựa trên  những tiền quy đề chẳng hạn như  yêu và ghét là những thành tố loại (3) trong những hiện tượng tinh thần có thể được coi là đúng hay không đúng, cũng như những phán đoán có thể được coi là đúng hay không đúng. Nói một điều gì A thì tốt như thể nói không thể yêu A một cách không đúng, nghĩa là xác quyết loại bỏ những người yêu A không đúng, Tương tự như vậy, nói A là xấu là xác quyết loại bỏ những người ghét A không đúng. Cách duy nhất để nắm vững khái niệm cảm xúc đúng theo Brentano là đối phản những trường hợp cảm xúc thực được 'đánh giá là đúng' với nhũng trường hợp cảm xúc không đúng.   
Một tác phẩm đạo đức khác của Brentano Grundlegung und Aufbau der Ethik/Cơ sở và cấu trúc đạo đức là tập hợp những bài giảng lần đầu từ năm 1876 do F. Mayer-Hillebrand biên tập xuất bản năm 1952 cho thấy lý luận đạo đức trong hai tác phẩm nói trên giống nhau. Khi đặt vấn nạn về những nguyên lý cơ bản có trực tiếp là những phán đoán hiển nhiên (như một loại quan hệ ý hướng trong đó những trực giác tự nội cho ta nhận thức trực tiếp), trong Cơ sở và cấu trúc đạo đức Brentano chỉ ra việc con người có thể nghĩ một phán đoán hiển nhiên song thực tế không phải vậy : trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải sửa đổi phán đoán của chúng ta, song nếu trước đó có người nói với chúng ta là xác tín tin tưởng của chúng ta là một sai lầm, hay thiếu an toàn trực tiếp, chúng ta  cũng phản bác mạnh mẽ (Dann müssen wir freilich unser Urteil berichtigen, aber wenn uns jemand vorher gesagt hätte, daß unsere so zuversichtliche Überzeugung ein Irrtum sei, ja nur, daß sie unmittelbar Sicherheit entbehre, hätten wir heftig widersprochen). Mặt khác có thể nghĩ một phán đoán không hiển nhiên trong khi thực sự như vậy , là vì những tri giác nội tại hiển nhiên trong trường hợp bản nhiên nó có tính cách riêng tư.
Quan điểm về hiển nhiên và chân lý của Brentano được trình bày trong di cảo Wahrheit und Evidenz/Chân lý và hiển nhiên  do Alfred Kastil biên tập xuất bản năm 1930. Brentano đặc thị chân lý tham chiếu với hiển nhiên vì « chân lý đi đôi với phán đoán của con người phán đoán đúng, vì thế nó gắn liền với phán đoán của con người xác quyết điều gì con người phán đoán với hiển nhiên xác quyết ». Phán đoán hiển nhiên trực tiếp gồm hai loại : phán đoán thuộc tri giác nội tại và phán đoán của lý trí hay tri thức/Einsichten, chẳng hạn như phán đoán hai vật thì nhiều hơn một vật, cái gì đỏ thì khác với cái gì xanh v.v...Mọi phán đoán hiển nhiên thì thật, song không phải mọi phán đoán thật thì hiển nhiên. Những phán đoán thuộc tri giác ngoại tại thì thật song không hiển nhiên. Brentano cũng xét lại tam đoạn luận dựa trên lý luận phán đoán của ông, cho nên theo ông, không phải phán đoán khẳng định thì phổ cập và không phải phán đoán phủ định thì đặc thù.
Vị trí của Brentano trong lịch sử triết học khá quan trọng vì ông được xem là người khai phá cho triết học nước Áo, với nhiều môn đệ nổi tiếng như Alexius Meinong, Anton Marty, Carl Stumpf, Christian von Ehrenfels, những triết gia Ba lan như Kasimir Twardowski, Tadeusz Kotarbinski. Ông còn được biết là người thày của Husserl, cha đẻ ra hiện tượng luận hiện đại và Heidegger. Ảnh hưởng rõ ràng nơi luận án của Heidegger về tâm lý học và xu hướng tâm lý học đầu tiên nơi Husserl (cho đến khi bừng tỉnh vì ảnh hưởng của Frege). Quan niệm về ý thức thời gian nơi khái niệm trì động/Retention của Husserl chịu ảnh hưởng khái niệm 'liên tưởng nguyên ủy' của Brentano.
Sau Thế chiến, tuy ảnh hưởng triết học Brentano đã mờ nhạt trước phong trào hiện tượng luận ở lục địa châu Âu, song quan niệm về phương pháp luận triết học và ý hướng tính vẫn quan trọng đối với triết học phân tích và ngôn ngữ Anh-Mỹ, nhất là qua những di cảo được xuất bản sau khi Brentano đã mất.         
Những tác phẩm chính, ngoài những sách đã dẫn nơi trên : Über die Gründe der Entmutigung auf philosophischen Gebiete 1874, Was für Philosophie manchmal Epoche macht 1876, Die vier Phasen der Philosophie 1926, Über den Creatianismus des Aristoteles 1882, Das Genie 1892, Das Schlechte als Gegenstand dichterischer Darstellung 1892, Grundzüge der Ästhetik 1959, Über die Zukunft der Philosophie 1893, Untersuchungen zur Sinnepsychologie 1907, Von der Klassifikation der psychischen Phänomene 1911, Kategorienlehre 1933.

Từ điển triết học kỳ 38
Bergson, Henri: Henri Bergson sinh năm 1859 tại Paris, thân phụ vốn là nhạc sĩ, gốc ở Ba lan lưu vong qua Pháp, thân mẫu là người Anh và chỉ nói chuyện với ông bằng tiếng Anh, cho nên dường như những tài liệu khoa học, kể cả từ những tác giả Đức, ông đọc từ bản Anh ngữ. Cha mẹ ông nuôi dưỡng, giáo dục ông trong những quy tắc Do thái thái cổ truyền. Tuy nhiên, có lẽ vì lý do gia đình, ông đã sớm được gửi học ở ký túc xá từ năm chin tuổi. Bergson cũng sớm tỏ ra ưu tú cả về triết học và toán học, ông đoạt giải nhất trong những cuộc tranh tuyển hai môn học này. Khi học ở  trường Cao đẳng sư phạm, bạn cùng lớp với ông là Durkheim, Baudrillart và Jaurès. Ông thích lối giảng dạy nghiêm túc của J. Lachelier, người thày mà ông đề tặng trên luận án chính Essai sur les données immédiates de la conscience 1889, đọc Essais của Cournot và nhất là Spencer (ảnh hưởng quan điểm sinh học và cụ thể của thiên tài người Anh này), cũng như Ravaisson. Bergson hoàn tất sự nghiệp dạy đại học ở Collège de France từ năm 1900, nhận giải Nobel văn chương vào năm 1928. Ngay từ 1937 trong chúc thư, ông bày tỏ ý định xuất bản tất cả những gì muốn gửi đến công chúng và tác phẩm toàn thành vào năm ông mất (1941).
Luận về những dữ kiện trực tiếp của ý thức như lời mở đầu chỉ ra  tất yếu của ngôn ngữ, tư duy trong không gian những khu biệt  và gián đoạn  của những đối tượng vật chất, cho nên Bergson chọn cái chung của siêu hình học và tâm lý học là vấn đề tự do. Đó là toan tính đem siêu hình học vào lĩnh vực kinh nghiệm, thuộc khoa học và ý thức, dùng trực giác và phân tích những  đặc tính nguyên ủy của kỳ gian/durée nội tại để minh giải tự do.
Vật chất và ký ức/Matière et mémoire 1896 nhằm khẳng định thực tại của tinh thần và vật chất cũng như xác định quan hệ giữa tinh thần và vật chất khi nghiên cứu những vấn đề qua tri giác và ký ức. Trong tác phẩm này, Bergson đã khai triển khái niệm kỳ gian/durée mô tả trong luận án nói trên thành một hệ thống những đối lập giữa cái trống không của quá khứ và tương lai với cái đầy của hiện tại. Kỳ gian có thể xét trên ba chiều kích, không gian, thân thể và vật chất: nhận thức vật chất và những quan hệ với ký ức, quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong chuyển động tiến hóa, khu biệt giữa ảo và thực cũng như ảo và thực tiễn của trực giác. Bergson xác định: vật chất là toàn bộ những ảnh tượng và tri giác là những ảnh tượng này quan hệ với hoạt động khả hữu của một ảnh tượng nhất định: thân thể của tôi. Ông coi ký ức là bản chất của kỳ gian, sinh động, có những nhịp điệu  khác nhau đo lường mức độ của căng giãn ý thức, do đó định vị chúng trong chuỗi những hữu. Ông khẳng định tính nhị nguyên, song coi chủ nghĩa duy thực và duy tâm là những thuyết thái quá như nhau (idéalisme et réalisme sont deux thèses également excessives).
Tiến hóa sáng tạo/L'évolution créatrice 1907 nhằm khảo sát lịch sử tiến hóa của đời sống, xét đến đối lập giữa duy cơ luận và cứu cánh luận, hoạt động của trí hiểu/intelligence (dẫn đến một trong những kết luận của công trình này là “trí hiểu của con người  nhằm khẳng quyết tiếp hợp toàn diện thân thể vào trong môi trường, biểu hiện những quan hệ của sự vật ngoại tại với nhau, ngõ hầu tư duy vật chất”. Bergson xây dựng cơ sở cho một tiến hóa luận tương ứng với thực tại, chỉ có cái thực mà bản thể của nó là biến đổi, một đà sống nguyên ủy. Đời sống nội tại của con người là sáng tạo  không ngừng và không dự kiến trước được. Cơ thể sinh động là thực tại tồn tục. Trong kết luận (cũng là phần tranh biện thường xuyên với tiến hóa luận  của Spencer) Bergson nói đến chức năng riêng có của triết học, không những chỉ để trở về của tinh thần với chính nó, trùng phùng của ý thức con người với nguyên lý sống ở đó phát sinh ra nó, một tiếp cận với nỗ lực sáng tạo. 
Hai nguồn của đạo đức và tôn giáo/Les deux sources de la morale et de la religion 1932 đánh dấu một khoảng thời gian khá xa với những tác phẩm dẫn trên, cũng như sự chờ đợi của triết học truyền thống Pháp là xây dựng một thuyết đạo đức. Hai nguồn của đạo đức là nghĩa vụ và nguyện vọng. Nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ xã hội, bắt nguồn từ thể tính sinh học, con người thoát ra khỏi tính động vật sống trong những “xã hội đóng kín” như  một bước lùi làm chậm đà tiến của con người, biểu hiện áp lực xã hội trên hoạt động đạo đức của phần lớn nhân loại.Ông quan niệm bên cạnh đạo đức tiêu cực này còn có một đạo đức cởi mở, đó là có những người anh hùng đầy nghị lực có thể hóa thân cái mới qua thái độ ứng xử làm điển hình sống và tạo một công lý, thanh tịnh, bác ái, lĩnh hội tự tại mới. Bergson cũng trình bày tính nhị nguyên này trong lĩnh vực tôn giáo.
Quan niệm xã hội đóng kín và xã hội cởi mở của Bergson chịu ảnh hưởng của Durkheim và Freud. Quan niệm về Thượng đế của ông đã bắt nguồn từ khái niệm đà sống như một “siêu ý thức” khác hẳn với quan niệm thần học tây phương cổ truyền. Tuy nhiên hiểu biết của ông về những tôn giáo đông phương khá nghèo nàn, phần chịu ảnh hưởng Lévy-Bruhl và quan niệm thần bí.
Ngày nay, Bergson vẫn là thể hiện một nền nhân bản riêng của triết học Pháp; ảnh hưởng của ông trong quan hệ với chủ nghĩa hiện sinh Pháp phân biệt với hiện tượng luận Đức, mặc dầu cũng có người cho rằng Bergson có một con đường tương tự như nhà triết học cùng thời, Husserl khi hướng triết học về con đường cụ thể  của ý thức. Jean Hyppolite trong tham luận tại hội nghị quốc tế triết học tháng tư 1949 Từ chủ nghĩa Bergson đến chủ nghĩa hiện sinh đã xem như mở ra một con đường triết học Pháp có ý nghĩa quan trọng (như quan niệm ngã sâu sắc/ngã hời hợt với quan niệm tính chính thực/phi chính thực); quan niệm về tri giác và thân thể của Bergson ảnh hưởng đến tư tưởng Merleau-Ponty sau này (trong Ca ngợi triết học, Merleau-Ponty nhận xét Bergson nói về cơ giới luận, luận về thời giờ rảnh rỗi của công nhân, thân phận của phụ nữ với một giọng ít có tính cách bảo thủ), nhà triết học trẻ người Pháp Frédéric Worms (sinh năm 1964) viết Bergson ou les deux sens de la vie/Bergson hay hai ý nghĩa của đời sống 2004 khai phá nguồn gốc và tầm vóc cực kỳ sâu xa của tư tưởng Bergson, và vị thế triết học trong lịch sử giữa thời đại của ông với hiện tại. Đọc Bergson để thấy dấu hiệu của một triết học lớn, “trong những thời khoảng lớn lao nhất của cuộc đời, thân thể hữu cơ của con người và lịch sử hòa trộn lẫn nhau không rời; những sự biến ấy luôn luôn là những quan hệ, không phải sống hay chết, nhưng là những giáng sinh và tang tóc, những gặp gỡ và sụp đổ đánh dấu mốc cuộc đời chúng ta, nối kết và chia lìa chúng”.
Ngoài những sách dẫn trên, những tác phẩm khác của Bergson: Le Rire 1900, L'Energie spirituelle 1919, Durée et simultanéité 1922, La Pensée et le mouvant 1934.
Bách khoa : từ 'Bách khoa' bắt nguồn từ tiếng hy lạp έγχύχλιοςπαιδεία để chỉ khởi thủy là chu kỳ học tập khoa học và nghệ thuật mà thanh niên có điều kiện tự do phải theo đuổi  đặng trở thành công dân.
Ngay từ thế kỷ IV trước C.N. đã có những khoa học hình thành chuyên biệt. Những biện giả hy lạp là những người đầu tiên đề ra lý tưởng có văn hóa bách khoa, nhưng thật sự hiếm có những đầu óc khả dĩ bao trùm mọi kiến thức nhân loại, như Aristote, người đã tổng hợp mọi tư tưởng đi trước trong mọi lĩnh vực như triết học, các khoa học vật lý,chính trị, tu từ, thi ca.
Bộ bách khoa cổ nhất là của học giả Varron/Marcus Terentino Varro (116-27 tr.C.N.) gồm chín quyển Disciplinarum/Những bộ môn học chứa những nguyên lý giảng dạy những văn nghệ cho thời Trung cổ sau này, và bốn mươi mốt quyển Antiquitatum rerum humanarum et divinarum/ Cổ sự của người và thần thâu gồm những nghiên cứu  liên quan đến sử, địa, luật, tôn giáo song không có phê bình. Đó là khuyết điểm chung của những công trính cùng loại của người La mã. Tuy nhiên phải kể những tác phẩm quan trọng như Naturalis historia/Sử tự nhiên của Gaius Plinius Secundus (Pline lão - 23-79 C.N.), Naturales quaestiones/Vấn nạn tự nhiên nghiên cứu những vấn đề căn bản của khoa học của Lucius Annaeus Seneca (4 tr.C.N.-65 C.N.), Satyricon của Marcien Capella (thế kỷ V) khảo sát những văn nghệ.
Francis Bacon với The Advancement of Learning 1605, Cogitata et Visa 1607, De Sapienta Veterum 1609, Novum Organum 1620, De Augmentis Scientiarum 1623 đề ra hai khả năng quan sát và phản tư, giữa triết học kinh nghiệm và thuần lý để quan niệm bách khoa.
Nhóm Bách khoa (encyclopédistes) Pháp ở thế kỷ 18 với Denis Diderot và Jean Le rond d'Alembert coi Bacon như người tiên khu : Encyclopédie ou Dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers, par une société de gens de lettres 1751-1772 do Diderot chủ xướng và là biên tập chính, gồm 17 quyển chính, 11 đồ bản/planches, 5 quyển phụ lục và 2 quyển đồ biểu/tables tham chiếu, khởi thủy là dịch và phỏng theo Cyclopaedia 1728 của Ephraim Chambers, hình thành đầu tiên từ John Mills người Anh, Godefroy Sellius người Đức, rồi đến Gua de Malves của Viện Hàn lâm khoa học Pháp.
Triết học của nhóm Bách khoa gồm mọi mặt : hữu thể luận, tri thức luận, đạo đức học, lý luận xã hội và chính trị, lý luận ngữ học, mỹ học. Quan điểm chính có thể tóm gọn trong câu của Diderot : Con người là hạn từ duy nhất để khởi đầu và mọi sự phải trở lại (l'homme est le terme unique, d'où il faut partir, et auquel il faut tout ramener). Ba quan năng của tinh thần là ký ức, lý trí, tri tưởng. Cây tri thức không có căn rỗi trong trật tự siêu việt của Thượng đế mà trong tinh thần của con người và trật tự quan năng của con người. Những nhà Bách khoa Pháp cũng chịu ảnh hưởng của Bayle (trong Dictionnaire historique et critique) khi quan niệm từ điển là một tuyên ngôn của tự do tinh thần và là một vũ khí chiến đấu tư tưởng, như trong mục từ 'Encyclopédie' phát biểu « phải thay đổi lối suy nghĩ thông thường/ changer la façon commune de penser ». Họ cũng chịu ảnh hưởng của Chambers dựa trên những nghiên cứu mới nhất của những nhà bác học như Boyle, Halley, Hooke, Newton, Leibniz, Clairaut, Maupertuis, Lagrange trong lĩnh vực vật lý học và toán học, hay Boerhaave, Lémery, Sydenham, Réamur, Bordeu và trường phái Montpellier trong lĩnh vực y học. 
Blondel, Maurice : Blondel sinh năm 1861 ở Dijon, vào trường Cao đẳng sư phạm năm 1881, là một nhà triết học Thiên chúa giáo nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX, có ảnh hưởng tới nhiều nhà triết học Thiên chúa giáo muốn tìm một lưa chọn thay cho học thuyết Tô-mít. Oâng dạy ở đại học Aix-en-provence từ năm 1896 cho đến khi mất (1949). Tác phẩm chính của ông là L'Action 1893 với tiểu đề : Essai d'une critique de la vie et d'une science de la pratique/Luận về một phê bình đời sống và một khoa học thực tiễn đề tặng người thầy ở trường Sư phạm là Léon Ollé-Laprune, coi bản chất của ý thức mới trong khuôn khổ Thiên chúa giáo là phấn đấu, chịu khổ, có trách nhiệm với toàn diện sáng tạo ; chức năng của triết học hành động là tạo ra con đường tràn đầy niềm tin. Blondel được coi là một triết gia hiện thực duy linh.
Những tác phẩm khác của ông là : La Pensée 1934 ; L'Eâtre et les êtres 1935 ; L'Action (cùng nhan đề với sách xb năm 1893) gồm 2 quyển : Le Problème des causes secondes et le pur agir (Vấn đề những nguyên nhân thứ cấp và hành sử thuần túy) và L'Action humaine et les conditions de son aboutissement (Hoạt động của con người và những điều kiện thông đạt) 1937 ; La philosophie et l'esprit chrétien 1944-46 ; Exigences philosophiques du Christianisme (Những yêu cầu triết lý của Thiên chúa giáo) 1950.
Boutroux, Emile : Eùmile Boutroux sinh năm 1845 ở Montrouge (Hauts-de-Seine), gần Paris theo học trường Cao đẳng Sư phạm từ năm 1865, là học trò của Jules Lachelier hướng dẫn ông vào con đường nghiên cứu Kant [giảng khoa của Boutroux ở Sorbonne niên khóa 1896-97 La philosophie de Kant và niên khóa 1887-88 La philosophie allemande au XVIIe siècle (triết học Đức thế kỷ 17) chuyên biệt về Leibniz và những nhà triết học trước Leibniz]. Ông đã từng sang Đức học tại đại học Heidelberg 1869-70 với Hermann von Helmholtz Xu hướng của ông về triết học khoa học, thể hiện ở luận án De la Contingence des lois de la nature (Về tính bất tất của những quy luật tự nhiên) 1874 và phát triển trong giảng khoa ở Sorbonne De l'Idée de loi naturelle dans la science et dans la philosophie contemporaine 1895, quan niệm có sự gián đoạn cơ bản phân chia những tầng lớp khác nhau của hữu thể về vật chất, bản năng và tư duy. Theo ông, trật tự của tự nhiên là biến đổi khi phân tích khái niệm tất yếu và khu biệt giữa khái niệm này với tất định thuyết, tư duy có tính đa nguyên.
Boutroux đối lập với chủ nghĩa duy vật trong khoa học. Trong tác phẩm Science et religion dans la philosophie contemporaine 1908, ông quan niệm 'cái gọi là tôn giáo' hướng dẫn lý trí, và tính nhân quả mục đích luận thay cho nhân quả duy cơ. Người con trai của ông là Pierre Boutroux sinh năm 1880 là một nhà toán học và triết học toán học với những tác phẩm Les principes de l'analyse mathématique 1914-1919 ; L'idéal scientifique des mathématiques 1920.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét