Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

GIẤC MỘNG LẦU HỒNG- NHẬT THỊNH


Trong lịch sử văn học Trung Quốc, tiểu thuyết "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần chiếm một vị trí đặc biệt,   người ta say mê đọc nó, bình luận nó, thậm chí khi ngồi bàn luận văn chương là phải đề cập đến nó đầu tiên: "Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng # Độc tân thi thư diệc uổng nhiên" (Mở miệng nói chuyện mà không nói đến Hồng Lâu Mộng thì cho có đọc hết thi thư cũng uổng thôi.) Có hẳn một ngành học chuyên nghiên cứu về "Hồng Lâu Mộng" gọi là "Hồng học". Mới đây Trung Quốc còn xuất bản tờ "Hồng Lâu Mộng Nghiên Cứu" để bàn luận về truyện "Hồng Lâu Mộng". Có lẽ trên thế giới chỉ có William Shakespeare là có vinh dự lớn như vậy, có riêng môn "Shakespeare học"
Thử hỏi tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng có cái gì đặc biệt mà người Trung Quốc say mê đến thế? Trước hết, tác phẩm đáp ứng được những nhu cầu sâu xa của thời đời. Ai nấy đều biết Trung Quốc dưới thời nhà Thanh trong những năm các hoàng đế Ưng Chính, Càn Long còn tại vị [1723-1795] là thời kỳ kinh tế phồn vinh, không những nông nghiệp, thủ công nghiệp, mà cả tới thương nghiệp, ngành khai thác các mỏ...đều phát triển mạnh. Những thành phố như Nam Kinh, Dương Châu, Võ Xương, Nhạc Châu trở nên những trung tâm thương mại sầm uất. Thị trấn Thanh Giang nằm bên bờ sông Vân Hà  thời đó đã có hơn nửa triệu dân cư trú ngụ. Nền  kinh tế phát triển sản sinh một lớp người thành thị có những nhu cầu  thẩm mỹ mới. Những tiểu thuyết tình chào đời như Tây Sương Ký, Mẫu Đơn Đình, Liêu Trai Chí Dị... tả tình yêu nam nữ, các số phận người thường, các vui buồn riêng tư.

Gia đình thế hệ trước của Tào Tuyết Cần thuộc gia đình quan lại, tầng lớp đại quý tộc nhà Thanh. Năm Thiên Khải thứ nhất nhà Minh [1618], Thanh Thái Tổ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đem quân chinh phạt, đánh chiếm Thẩm Dương, Liên Dương, tổ tiên Tào Tuyết Cần bị quân Thanh bắt đem về làm nô lệ, Thái Cao Tổ của Tào Tuyết Cần, Tào Thế Tuyển và Cao Tổ, Tào Chấn Ngạn đều lần lượt làm gia nô cho Đa Nhĩ Cổn.

Về sau Tào Chấn Ngạn được Đa Nhĩ Cổn phong làm Phụ tá, và bởi có công bình định cuộc khởi nghĩa Khương Tương nên được bổ làm Tri Châu Cát Châu [Sơn Tây], Tri Phủ Phủ Đại Đồng và Lưỡng Chiết Đô Chuyển Vận Diêm Sử [chức vận chuyển muối, hàm Tam Phẩm]

Năm Thuận Trị thứ 8 [1651], họ Tào được vào Ngự Tiền Nội Vụ Phủ, trông coi việc tạp vụ trong cung đình, cụ nội Tào Tuyết Cần, Tào Tỷ, được Vương Phủ Hộ Vệ thăng Nội Đình Nhị Đẳng Thị Vệ tức Thị vệ hạng hai trong cung.

Theo khảo sát của Hồ Thích, Chu Nhữ Xương, họ Tào và vương triều Mãn Thanh có quan hệ mật thiết. Vợ Tào Tỷ họ Tôn, vú nuôi của vua Khang Hy, ông nội Tào Tuyết Cần, Tào Dần, là bạn học và Ngự Tiền Thị Vệ của Khang Hy, vì thế Khang Hy rất chiếu cố và sùng tín đặc biệt.

Năm Khang Hy thứ hai [1663], Tào Tỷ đảm nhận chức Giang Ninh Chức Tạo tức một chức quan to thu thuế trong triều đình, và phụ trách việc thu thuế khắp vùng Giang Nam rộng lớn, còn nắm việc thu mua, cung ứng tơ lụa gấm vóc cho cung đình, đồng thời giám sát các quan lại ở phương Nam. Tào Tỷ giữ chức vụ này suốt 22 năm. Khang Hy trọng đãi Tào Tỷ hậu hĩ, tặng thưởng mãng bào và đích thân viết hai chữ kính thận tặng cho Tào Tỷ. Sau khi Tào Tỷ mất,  Khang Hy phong hàm Nhất Phẩm Công Bộ Thượng thư, hứa nửa năm sau khi đi tuần thú phương Nam sẽ đến thăm gia thuộc họ Tào. Tào Tỷ chết, Tào Dần nhậm chức Tô Châu Chức Tạo, kế nhiệm chức Giang Ninh Chức Tạo và Lưỡng Hoài Tuần Diên Ngự Sử, thăng Thông Chính Sứ Ty Thông Chính Sứ, là một trong "Cửu khanh", đường đường "tam phẩm đại thần". Tào Dần, một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, tinh thông thi tứ, âm nhạc, thư pháp, và đã đứng ra hiệu đính, in ấn bộ Toàn Đường Thi nổi tiếng, đồng thời tác giả tên tuổi với Luyện Đình Thi Sao và nhiều trước tác khác. Đời Tào Dần, ,thời kỳ cực thịnh của nhà họ Tào, năm lần vua Khang Hy tuần du phương Nam thì bốn lần Tào Dần phụ  trách tiếp giá, vợ Tào Dần con gái Lý Sĩ Trinh làm Tuần Phủ Giang Nam, hai con gái Tào Dần được tuyển làm Vương Phi. Trong thời gian làm quan, Tào Dần đã tham ô và bòn rút của công, nhưng  do quan hệ mật thiết với triều đình nên các lời  đàn hặc tâu lên đã không được  Khang Hy phê chuẩn.

Năm Khang Hy thứ 51 [1712], Tào Dần bị bệnh mất, Khang Hy phê chuẩn cho con Tào Dần, Tào Ngung giữ chức Giang Ninh Chức Tạo, tại nhiệm được ba năm thì mất. Khang Hy phê chuẩn cho con người vợ kế của Tào Dần, Tào Thiếu kế nhiệm chức Giang Ninh Chức Tạo.

Năm 1722, vua Khang Hy qua đời, Ưng Chính lên ngôi, nội bộ triều đình tranh giành quyền lực, nhà họ Tào bị thất sủng, nhiều lời đàn hặc của Ngự Sử và Tuần Phủ Sơn Đông việc nhà họ Tào tham ô nhũng lại đến tai vua Ưng Chính. Năm Ưng Chính thứ 5 [1729], Ưng Chính hạ lệnh cách chức Tào Thiếu với tội danh "Hành vi bất đoan, nhũng nhiễu dịch trạm, thiếu khống" hạ ngục trị tội, gia sản nô bộc bị tịch thu, đem cấp cho Tùy Hách Đức, một Giang Ninh Chức Tạo mới. Tào Tuyết Cần theo gia đình rời Giang Nam về Bắc Kinh sinh sống. Nhà họ Tào bắt đầu lâm cảnh sa sút.

Tào Tuyết Cần sinh ra và lớn lên khi gia đình sống nghèo khổ ở ngoại ô Bắc Kinh, ngụ tại Hồ Môn tức nhà Tông học của nhà Thanh, chào đời năm 1716, qua đời năm 1763, thọ 47 tuổi. Thực ra Tào Tuyết Cần sinh năm  nào, mất năm nào và cha là ai vẫn còn gây tranh cãi trong giới Hồng học. Về năm sinh của Tào Tuyết Cần, Hồ Thích cho rằng năm 1715, Phùng Kỳ Dung tán đồng chủ trương này. Chu Nhữ Xương cho rằng các cụm từ giáng động hoa vương và tiễn hoa tiết [kỳ tiễn hoa] trong "Hồng Lâu Mộng" ám chỉ ngày sinh nhật Giả Bảo Ngọc, đồng thời ám chỉ luôn ngày sinh nhật của Tào Tuyết Cần. Tiễn hoa tiết trùng ngày 26 tháng 4 âm lịch tức tiết mang chủng. Theo phát hiện này ngày 26 tháng 4 năm Giáp Thìn tức năm Ưng Chính thứ hai [1724] có khả năng nhằm ngày sinh của Tào Tuyết Cần.

Về năm mất của Tào Tuyết Cần, giới Hồng học phổ biến ba quan điểm:

1-Năm Nhâm Ngọ [1763]: Hồ Thích dựa vào lời phê trong bản Giáp Tuất: "Nhâm Ngọ trừ tịch, thư vị thành, Cần vi lệ tận nhi thệ [=đêm trừ tịch năm Nhâm Ngọ, sách hoàn thành, Tào Tuyết Cần hết lệ qua đời], cho rằng Tào Tuyết Cần mất đêm trừ tịch năm Nhâm Ngọ [=ngày 12 tháng 2 năm 1763.]

2-Năm Quý Mùi [1764]: Chu Nhữ Xương đề xuất năm 1947, lập luận Tào Tuyết Cần mất đêm trừ tịch năm Quý Mùi [= ngày 1 tháng 2  năm  1764]

3-Có ý kiến cho rằng Tào Tuyết Cần mất năm Giáp Thân [=đầu xuân 1764]. Căn cứ theo các bài thơ còn để lại của các thân hữu Tào Tuyết Cần, vào cuối xuân Càn Long thứ 29 [=Giáp Thân 1764] Tào Tuyết Cần bị bệnh qua đời. Đôn Thành có làm bài thơ điếu:

"Hiểu phong tạc nhật Phật minh tinh
Tứ thập hoa niên thái sầu sinh"

Chu Nhữ Xương dựa theo câu thơ: "Tiền số nguyệt, y tử thương, nhân cảm thương thành tật" lập luận  Tào Tuyết Cần vì có đứa con trai bị bệnh chết  yểu, thương cảm quá độ, nên sinh bệnh qua đời, thọ 40 tuổi. Đôn Thành trong bài điếu Tào Tuyết Cần hai lần viết con số 40 [=tứ thập], một câu viết: "Tứ thập hoa niên thái sấu sinh", một câu viết: "Tứ thập hoa niên phó diểu minh."

Trương Nghi Tuyển trong bài"Thương Cần Khê cư sĩ" cho rằng Tào Tuyết Cần"niên vị ngũ tuần nhi tuất" [=mất năm 50 tuổi] Do đó các nhà Hồng học suy đoán Tào Tuyết Cần thọ khoảng  40 - 50 tuổi.

Còn vấn đề thân sinh của Tào Tuyết Cần là ai dư luận có hai ý kiến trái ngược nhau:

1-Vương Lợi Khí khẳng định thân sinh của Tào Tuyết Cần không ai khác Tào Ngung, trong khi gia phả thì ghi Tào Thiên Hữu, sinh năm Ất Mùi, đời Khang Hy thứ 54 [1715], và Tào Thiếu là chú của Tào Tuyết Cần.

2-Chu Nhữ Xương, Phùng Kỳ Dung, Sái Nghĩa Giang cho rằng cha Tào Tuyết Cần là Tào Thiếu.

Tào Tuyết Cần sinh trong một gia đình quan lại quý tộc thời nhà Thanh tại Giang Ninh. Ông nội và cha từng làm quan lớn phụ trách việc thu thuế, gia đình Tào Tuyết Cần trở thành cự phú vô địch. Ông nội Tào Dần một nhà văn xuất sắc vùng Giang Ninh. Một gia đình quan lạ giàu có, tài năng như vậy bỗng dưng bị mắc nạn. Cha Tào Tuyết Cần bị các quan địa phương ganh ghét với những quyền lợi của họ Tào, làm tờ trình lên triều đình vu cáo  nhũng lạm tiền thuế và có âm mưu thông đồng với Thiên Địa Hội, một tổ chức phản Thanh phục Minh. Cha bị cách chức, giam cầm, tịch biên gia sản. Tào Tuyết Cần bị đuổi ra khỏi vùng Giang  Ninh, trở về sống trầm lặng và thiếu thốn trong một xóm nghèo ở ngoại ô Bắc Kinh. Bữa no, bữa đói, Tào Tuyết Cần ẩn nhẫn chịu đựng, mài mực tẩm bút viết lên tác phẩm "Thạch Đầu Ký", một bộ trường thiên tiểu thuyết thuộc loại chương hồi. Đây có thể xem là toàn bộ những hồi ức đau thương của Tào Tuyết Cần về những ngày vàng son và những ngày suy tàn của gia đình mình, của giai cấp mình. Tuy nhiên, vượt lên khỏi những hồi ức đó, người ta thấy cái nhìn của Tào Tuyết Cần đã khách quan mô tả về bản chất ăn chơi, hưởng thụ của giai cấp quan lại quý tộc, đặc biệt quan lại quý tộc triều Thanh và sự suy tàn của giai cấp ấy. Nói cách khác, khi xây dựng tiểu thuyết chương hồi này, Tào Tuyết Cần vừa đứng trên vị thế chủ quan của một người trong cuộc, vừa đứng ở vị thế khách quan của một chứng nhân.

Trong bộ"Thạch Đầu Ký" chữ Hán, người ta thấy vẽ bức tranh Tào Tuyết Cần ngồi sáng tác trong căn nhà trống trải, nhà tranh vách đất. Xó nhà vẽ một  con chuột, ám chỉ sự nghèo nàn của Tào Tuyết Cần. Hình ảnh này không khỏi làm người ta suy nghĩ :"Sống xác xơ như thế tại sao Tào Tuyết Cần lại sáng tác được tiểu thuyết "Hồng Lâu Mộng?" Tào Tuyết Cần sống nghèo túng, nghiện rượu, nhiều ngày sống dở, chết dở vì thiếu tiền mua rượu, nghèo túng đến độ đứa con nhỏ của Tào Tuyết Cần đau ốm không có tiền chạy chữa thuốc bị chết. Tương tự, nhà thơ Đỗ Phủ [712-770], nghèo xác xơ đến nỗi có đứa con nhỏ cũng chết vì đói ăn, than thở: "Làm cha người ta mà không nuôi nổi người ta. Thật không có gì xấu hổ hơn. Tào Tuyết Cần mới hoàn thành được 80 chương thì qua đời, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, "chữ chữ đều toàn bằng máu và nước mắt." Những nhà nho đương thời khi đọc xong 80 chương bản thảo này đều cảm thương cho Tào Tuyết Cần đã ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ và đều có tham vọng kế tục sự nghiệp dang dở của Tào Tuyết Cần. Nhiều người đã viết tiếp Thạch Đầu Ký nhưng dư luận lúc bấy giờ đều đánh giá không đạt vì các bản viết tiếp  đều cho tác phẩm kết cục có hậu. Bởi họ không có cái kinh nghiệm đau khổ của Tào Tuyết Cần.

Mãi đến năm 1791, mới có một nhà văn quyết  định kế tục và hoàn thành tâm nguyện cho Tào Tuyết Cần theo đúng tâm tư của mình. Người đó là Cao Ngạc tự Vận Sĩ, hiệu Hồng Lâu Ngoại Sĩ, từng làm quan dưới hai triều Càn Long và Gia Khánh, lăn lóc nhiều hoạn nạn trên hoan lộ. Cao Ngạc viết thêm 40 chương sau cho Thạch Đầu Ký dựa trên nền tảng, ý hương và văn phong của Tào Tuyết Cần. Kết cục không có hậu của tác phẩm được đánh giá phù hợp với phần đầu của Tào Tuyết Cần. Tác phẩm hoàn thành, Cao Ngạc đổi lại tựa là Hồng Lâu Mộng tức Giấc Mơ Lầu Hồng, không những phù hợp với nội dung tác phẩm mà còn mang dáng dấp tâm hồn của Cao Ngạc, vì hiệu Hồng Lâu Ngoại Sĩ có nghĩa người ngoài lầu hồng, tức không dính dáng gì đến công danh phú quý.

Năm 1793, Hồng Lâu Mộng được xuất bản gồm 120 chương hồi, thực sự trở thành danh tác văn học cổ điển Trung Quốc, nhanh chóng được nhìn nhận như một trong những tác phẩm xuất sắc trong hơn 300 tác phẩm chương hồi thuộc hai triều đại Minh - Thanh [1368 - 1911].

Một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng Tào Tuyết Cần không phải tác giả của Hồng Lâu Mộng. Tới nay có hai giả thuyết về tác giả thực của Hồng Lâu Mộng.

Theo Lưu Mộng Khê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc, thì phái Tố Cấp trong giới Hồng học ở đại lục lập luận tác giả của Hồng Lâu Mộng không phải Tào Tuyết Cần, là Hồng Thăng, sống cuối đời Minh, tác giả bộ truyện Trường Sinh Diện. Thân thế và sự nghiệp của Hồng Thăng có ghi rõ trong "Hàng Châu Sử Chí" , xã hội thời Minh cởi mở giống như chuyện trong Hồng Lâu Mộng. Tào Tuyết Cần trước năm 13 tuổi đã sống ở miền Nam, qua nghiên cứu thấy giữa Tào Dần, ông nội Tào Tuyết Cần, và Hồng Thăng có sự quan hệ. Thổ Mặc Nhiệt, nhà nghiên cứu Hồng Lâu Mộng, cho rằng Tào Tuyết Cần là nhân vật không tồn tại trong lịch sử. Theo ghi chép sử liệu thì Hồng Viên, trang trại của họ Hồng, ở Hà Chư Đông, là nơi ở cuối đời của Hồng Chung, ông tổ của Hồng Thăng. Theo Thổ Mặc Nhiệt, chính đây là nguyên mẫu của Di Hồng Viện, còn Tây Khê Sơn Trang hay Trúc Song là nguyên mẫu của Tiêu Tương quán trong Hồng Lâu Mộng. Theo sự phân tích của Thổ Mặc Nhiệt về bối cảnh Hồng Thăng khi sáng tác Hồng Lâu Mộng, Hồng Thăng sinh năm 1645, đúng lúc quân Thanh xuống Giang Nam gây cảnh binh loạn.

Thuyết thứ hai được các báo Trung Quốc đề cập đến tứ năm 1991 nhận định tác giả của Hồng Lâu Mộng là Trần Dần, chứ không phải Tào Tuyết Cần. Các học giả theo thuyết nàyđưa ra dẫn chứng sau để chứng minh Tào Tuyết Cần không phải tác giả của Hồng Lâu Mộng:

1-Khi Tào Tuyết Cần có tác phẩm nào, bạn bè của Tào Tuyết Cần thường làm thơ đề cập tới tác phẩm đó, tuyệt nhiên không thấy trong trước tác của bạn bè của Tào Tuyết Cần đề cập đến việc Tào Tuyết Cần viết Hồng Lâu Mộng.

2-Tào Tuyết Cần sinh ra khi gia cảnh đã sa sút, không thể diễn tả chi tiết những cảnh phồn hoa của gia đình trong Hồng Lâu Mộng.

3-Tào Dần có bút danh Chỉ Nghiên Trai, theo Hán tự, khi chiết tự thì ba chữ Giả Bảo Ngọc là nhân vật chính trong tác phẩm. Giả Bảo Ngọc luôn được các nhà nghiên cứu coi như hiện thân của tác giả Hồng Lâu Mộng.

Tuy nhiên, những người theo thuyết này cho rằng Tào Dần chỉ là chú hay người trong họ của Tào Tuyết Cần, không phải ông nội. Tào Dần sống trong thời gian gia đình còn giàu sang và vẫn sống khi Tào Tuyết Cần đã qua đời. Do sư quản lý nghiêm ngặt về văn chương của nhà Thanh lúc bấy giờ, Tào Dần phải lấy tên của người chết làm tác giả của  tác phẩm của mình để tránh tai vạ.

Tại cuộc hội thảo học thuật Tây Khê văn hóa và "Hồng Lâu Mộng" tổ chức năm 2006 tại Hàng Châu, những người tham dự đã đưa một loạt chứng cứ để phản bác một loạt  quan điểm trước nay của các nhà Hồng học, trong đó có việc tác giả Hồng Lâu Mộng không phải là Tào Tuyết Cần, nguyên mẫu của Đại Quan viên chính là  Tây Khê - quê hương của Hồng Thăng, nguyên mẫu của 12 người đẹp "Kim Lăng thập nhị kim thoa" chính là "Tiêu Viên thư muội". Và gần đây có người đã bỏ 16 năm nghiên cứu, có đủ bằng chứng để chứng minh Hồng Lâu Mộng là của Tào Tuyết Cần, không của ai khác. 

Trong văn chương Trung Quốc, khái niệm hồng lâu tức lầu hồng biểu tượng đời sống sa hoa, vương giả, Hồng Lâu Mộng phản ảnh cuộc sống hiện thực của hai gia đình quan lại quý tộc Vinh Quốc Công và Ninh  Quốc Công. Cuộc sống tràn đầy ước mơ, khát vọng, ăn chơi phù phiếm, tình yêu, hạnh phúc, tội ác, thói dâm dật...diễn tiến đến mức cao nhất của nếp sống sa hoa, suy tàn và hủy diệt. Đặc biệt cuộc sống ấy gắn liền với số phận của những con người trẻ măng như Giả Bảo Ngọc, Giả Liễn, Giả Dung, Giả Thám Xuân, Tiết Bảo Thoa, Tiết Bàn, Lâm Đại Ngọc, Vương Hy Phượng...những tiểu thư, công tử trong hai phủ. Họ sống, sinh hoạt, tư duy và chìm đắm trong khung cảnh giàu sang, cuối cùng hứng chịu những hệ quả bi thảm, khốc liệt do chế độ phong kiến đè nén, phải tan đàn sẻ nghé, mất đi mọi thứ trên thế gian kể cả cái hạnh phúc được làm một con người bình thường.

Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Gia Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó diễn tả cuộc sống muôn mặt của một đại gia đình quý tộc đời Thanh từ hồi cực thịnh đến lúc suy vi trong vòng tám năm. Gia đình họ Giả có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có khi đến 448 người, sống trong hai dinh cơ lớn chiếm quá nửa thành phố Kim Long. Dinh cơ của người anh Giả Đại Hóa đã chết là Ninh quốc phủ. Chủ gia đình này Giả Trân, vợ họ Vưu, con Giả Dung, vợ họ Tần. Dinh cơ người em  Giả Đại Thiện đã chết là Vinh quốc phủ, vợ tên Giả Mẫu, họ Sử, trở thành người cầm cân nảy mực của gia đình. Giả Mẫu sinh được ba con, con đầu lòng là Giả Xá, vợ Hình phu nhân, có con trai Giả Liễn, vợ Vương Hy Phượng, con thứ hai Giả Chính, vợ Vương phu nhân, có ba người con, trong đó, một người mất sớm, Nguyên Xuân sau làm cung phi và Giả Bảo Ngọc, cậu ấm hai, niềm hy vong của gia đình họ Giả. Giả Xá và Giả Chính có em gái lấy chồng xa, sinh ra Lâm Đại Ngọc mồ côi cha sớm, được Giả Mẫu đem về nuôi. Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết Bảo Thoa đến ở nhờ do Tiết Bàn là anh trai của Tiết Bảo Thoa phạm tội giết người. Con gái của Giả Chính được vua yêu phong Nguyên phi nên để mỗi lần về nhà thăm cha mẹ, Vinh quốc phủ cho xây một khu vườn đẹp là Đại quan. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư đẹp của Ninh phủ quốc và Vinh phủ quốc lui tới vui chơi. Giả Bảo Ngọc là con trai duy nhất được lui tới đây, tìm được Lâm Đại Ngọc thấy tâm đầu ý hợp. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra. Lâm Đại Ngọc xinh đẹp, nhạy cảm, hay thơ phú, yếu ớt và tư tưởng thường đi khỏi dòng chính thống. Nàng cho rằng Giả Bảo Ngọc không cần thi cử, làm quan; lánh xa công danh phú quý. Trong khi đó, Tiết Bảo Thoa, người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang lại luôn khuyến khích Giả Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ. Lúc đầu, Giả Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Tiết Bảo Thoa; nhưng dần dần, nhận thấy Tiết Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh "lập thân" nên Giả Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Lâm Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia  đình họ Giả coi đó  như một tai họa.

Trong lúc thế lực của hai phủ họ Giả bị lung lay do mắc tội với triều đình, đều bị phân ly, kẻ chết người đi đày, trong một cố gắng cuối cùng nhằm cứu vãn gia tộc, Phượng Thư, chị dâu của Giả Bảo Ngọc, đã đặt kế tráo hôn. Khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc bỏ đi, về sau hóa thành đá. Lâm Đại Ngọc nghe tiếng pháo đám cưới của Giả Bảo Ngọc, uất ức phát bệnh, ho ra máu chết. Kết thúc pho truyện là một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một "giấc mộng trong chiếc lầu hồng", như một chiêm nghiệm về lẽ đời của họ Tào. Cũng có một kết thúc khác là Giả Bảo Ngọc chấp nhận sống với Tiết Bảo Thoa, sinh đươc con trai nối dõi, chăm chỉ học hành thi đỗ cử nhân, sau xuất gia nhưng cái kết này không được người đọc yêu thích, cũng có thuyết cho là của người sau thêm vào.

Hồng Lâu Mộng, một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái hình thức tôn nghiêm, nề nếp không che đậy nổi cái thực chất mục ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ. Cuộc sống sa hoa, dâm ô cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ  không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh. Cái cảm giác "cây đổ vượn tan", "chim mỏi về rừng" đã chi phối ngòi bút Tào Tuyết Cần, chứng tỏ Tào Tuyết Cần là nhà văn hiện thực báo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến. Với nhãn quan của một người dân chủ, Tào Tuyết Cần còn nhìn thấy những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con "bất hiếu" của gia đình mình, họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại khuôn phép  ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến.

Câu chuyện tình yêu  giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc xuyên suốt toàn bộ tác  phẩm, làm nên chủ đề chính của cuốn  tiểu thuyết đồ sộ này. Hai anh em cô cậu ruột Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, cùng ở chung  một nhà từ bé; lớn lên, vì Giả Bảo Ngọc được bà nội nuông chiều, riêng cho ở trong vườn Đại quan cùng  đám "quần thoa", nên  Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc gần gũi nhau. Nhưng đây không phải câu chuyện "lửa gần rơm". Đây cũng không phải câu chuyện "tài tử giai nhân là nợ sẵn". Tình yêu của họ còn có nguyên cớ sâu sa hơn nhiều;  họ nói như Saint Exupéry: "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng.", nghĩa là  họ "đồng điệu", "tri âm" lẫn nhau trên  những vấn đề có ý nghĩa cuộc sống. Nói cho đúng, lúc đầu Giả Bảo Ngọc cũng có chút phân vân, sống giữa đám a hoàn nhan sắc, những Tập nhân, Tinh văn...đây là những phụ nữ xuất thân từ tầng lớp dưới, được họ Giả mua về hầu hạ, nhưng đó là những người có tình, có phẩm chất tốt đẹp. Họ chính là một bức màn ngăn bụi trần  của Vinh quốc phủ đầy dãy những hạng đàn ông ô trọc. Giả Bảo Ngọc cảm nhận được thực chất vị tha, quên mình đầy dịu dàng của họ, đã như một người được vây bọc bởi sự tân tụy, thương yêu...của những nữ tỳ, đồng thời cũng là "nữ thần" này. Do đó không có gì ngạc nhiên khi Giả Bảo Ngọc nêu lên cái "nguyên lý nữ tính" rất xa lạ với tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của xã hội phong kiến: "Xương thịt con gái là nước kết tinh. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn." Trong phủ Giả lúc bấy giờ còn có cô em họ Tiết Bảo Thoa đến ở nhờ, xinh đẹp, đức hạnh, nết na theo nếp nhà phong kiến. Giả Bảo Ngọc đâm mến Tiết Bảo Thoa, và vì ở gần Tiết Bảo Thoa, nên đôi khi Giả Bảo Ngọc cũng thấy xiêu xiêu, quả như lời Lâm Đại Ngọc"gần cô chị thì quên khuấy cô em". Dần dần, Giả Bảo Ngọc chỉ yêu có Lâm Đại Ngọc, kiều diễm, yếu đuối, một tâm hồn dễ cảm xúc, nhạy cảm và phong phú.

Đó, một tâm hồn rất thơ đích thực, do đó họ găp nhau. Quan trọng đặc biệt, trong khi cả nhà chờ mong Giả Bảo Ngọc học  giỏi thi đỗ, làm quan giữ nếp nhà...thì Giả Bảo Ngọc lại tỏ ra chán ngấy cái con đường mòn  nhàm chán đó, và người hiểu Giả Bảo Ngọc nhất là Lâm Đại Ngọc.

Giả Bảo Ngọc bị nhốt trong cái lồng kính quý tộc đầy cao lương gấm vóc, được người ta dùng gia giáo, thi giáo, lễ pháp...để ràng buộc theo con đường vạch sẵn. Giả Bảo Ngọc bị cướp mất tự do, cảm thấy thấm thía điều đó, nên luôn luôn vùng vẫy tìm lối thoát, tìm cách phản kháng lại.

Tựa một con chim khao khát trời xanh rộng lớn bị nhốt vào cái lồng vàng chật hẹp, Giả Bảo Ngọc sống không yên ổn, lục lọi sách vở, đi vào triết học cổ, đi vào "tham thiền ngộ đạo"...nhưng những thứ đó không cung cấp được cho Giả Bảo Ngọc một vũ khí tư tưởng nào, dù nhỏ nhoi, để tự giải phóng. Thực vậy, Giả Bảo Ngọc chỉ lẩn quẩn, loanh quanh; không khác nào một sản phẩm đầy mâu thuẫn của một xã hội cũng chất chứa đầy những mâu thuẫn, một xã hội đang tìm lối ra mà bế tắc.

Cuối cùng Giả Bảo Ngọc đâm hoài nghi những gì "thánh hiền" đã soạn, đã viết, cho đó là "soạn bậy", là "bịa đặt", là "nói tầm bậy" .

Đối với đạo đức phong kiến cái cao nhất là "tôi trung con hiếu", "sát thân thành nhân" mà Giả Bảo Ngọc đã can đảm phát ngôn những lời có tính "cách mạng":

"Những bọn mày râu dơ bẩn, chỉ biết "quan văn chết vì lời can gián, quan võ chết vì đánh giặc", là hai cái chết của kẻ đại trượng phu, thành ra chỉ làm rối lên, nào có biết đâu có vua ngu mới có bày tôi chết vì lời can gián, chỉ lo ra công đánh giặc, liều mình hy sinh, tương lai sẽ bỏ nước cho ai. Thật  lời  lẽ của kẻ "đại nghịch vô đạo".

Tất nhiên, nói cho công bằng, đó là một đôi ý nghĩ đột xuất của Giả Bảo Ngọc, còn như bình thường Giả Bảo Ngọc vẫn phải nép mình trong lồng cũi tuân phục "di huấn thánh nhân".

Trong hoàn cảnh đó, Lâm Đại Ngọc đã đến. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc đã  đến với nhau không dễ dàng. Lâm Đại Ngọc vì gia cảnh đến ở nhờ trong phủ họ Giả, tuy là cháu ngoại đấy, nhưng vẫn bị Giá Mẫu xem là "người ngoài" : "nữ nhân ngoại tộc".  Cái mặc cảm "ăn bám ở nhờ" luôn luôn làm Lâm Đại Ngọc đau khổ. Lâm Đại Ngọc vốn người nhiều tự ái, người nhạy cảm, khó hòa hợp với xung quanh, do đó cô đơn.

Tình cảnh của Lâm Đại Ngọc còn bi đát hơn Giả Bảo Ngọc nhiều, vì Lâm Đại Ngọc là con gái, là phận ở nhờ, mà trong cái  xã hội ghê khiếp đó, thì Lâm Ngọc chẳng là cái gì cả, không hơn một cánh bèo dạt, một cánh hoa rơi. Cho nên Lâm Đại Ngọc thương hoa, khóc hoa, chôn hoa, cho nên Lâm Đại  Ngọc luôn  buồn thuơng vô hạn.

Tâm hồn Lâm Bảo Ngọc như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điệu buồn đứt ruột. Cái yếu đuối, cái "đa sầu đa cảm" của Lâm Bảo Ngọc cũng là một nét mang tính cách riêng nhưng xuất phát từ những điều kiện của thời đại.

Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc đã đến với nhau như thế và đã đến với nhau rồi, hiểu lòng nhau rồi họ vẫn sống những ngày tháng không yên. Trong tình yêu này, họ chưa được hưởng bao nhiêu hạnh phúc, chưa nếm mật ngọt tình yêu, họ đã linh cảm thấy mật đắng của đời.

Họ luôn luôn bị bủa vây trong trùng điệp của mạng lưới phong kiến. Họ không phải là những người tự quyết định được tình yêu của mình. Họ bị bao vây, chi phối bởi những người ngoài cuộc.

Cuối cùng Giá Mẫu và bọn phu nhân trong phủ họ Giả đã quyết định. Họ đã chọn Tiết Bảo Thoa cho Giả Bảo Ngọc làm vợ . Và một khi họ đã chọn, họ nhẫn tâm theo kế "đánh tráo" của Phượng Thư.

Giả Bảo Ngọc không hề hay biết âm mưu của họ, cứ yên trí cưới được Lâm Đại Ngọc, hóa ra lúc giở khăn che mặt, lại là Tiết Bảo Thoa. Giả Bảo Ngọc lúc bấy giờ mới bật ngửa.

Lâm Đại Ngọc sau cơn ốm nặng, đã chết trong niềm đau đớn, oán hận bằng đốt thơ, đốt khăn tặng trong lúc cả nhà mừng đám cưới của người mình yêu. Kết thúc tấn bi kịch này, Giả Bảo Ngọc trốn nhà đi tu, Tiết Bảo Thoa trở thành một góa phụ trẻ đau khổ.

2 nhận xét: