Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Gốc tích mâm ngũ quả ngày Tết

Gốc tích mâm ngũ quả ngày Tết

CÁCH đây ba năm, ngày Tết, ngồi coi ti vi, gặp chương trình phóng viên đến chúc Tết nhà GS Nguyễn Lân Dũng. Sau khi khen mâm ngũ quả đẹp, phóng viên bất thần hỏi phu nhân GS: "Bác cho biết ý nghĩa của mâm ngũ quả?". Lúc đó, GS đỡ lời cho phu nhân: "Mâm ngũ quả thể hiện triết lý ngũ hành của phương Đông ngày xưa, năm thứ quả là năm màu phối hợp với nhau". Xem đến đó, tôi lẩm bẩm: "Kể cũng nhanh trí nhưng cũng hơi bị liều. Trong ngũ hành có màu đen, màu trắng mà xưa nay có ai bày ra đâu!".
Ngũ quả vốn là năm thứ quả cung dưỡng (cúng dường) cho nhà Phật.
Phật quang đại từ điển ghi rõ:
"Ngũ quả: Chỉ cho 5 loại trái cây mà các tỳ khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Đó là:
1. Loại quả có hạt như: Táo, hạnh, đào, mận...
2. Loại quả có da như: Dưa, lê, dâu...
3. Loại quả có vỏ như: Dừa, hồ đào, thạch lựu...
4. Loại có vỏ sần sùi như: Tùng, bách, tô nhẫm...
5. Loại có góc cạnh như: Ấu, các loại đậu lớn nhỏ...
Năm loại trái cây trên đây cũng được dùng để cúng dường trong pháp hội Vu lan bồn".
Như vậy, ta thấy, trước hết, đó là năm thứ quả mà những người tu hành dùng trong việc ăn chay của họ, Tỳ khưu là những người đã được độ xuất gia, tu hành thanh tịnh, khất thực hoằng pháp.
Từ cúng dường Vu lan bồn đến mâm cúng ngày Tết.
Vu lan bồn, tiếng Phạn là Ullambana (nghĩa đen là treo ngược, đảo huyền), được hiểu nhiều nghĩa nhưng nghĩa thông dụng nhất là lễ giải cứu khổ nạn đau đớn tựa như bị treo ngược, tổ chức vào rằm tháng Bảy âm lịch. Ở Việt Nam thường gọi tắt là lễ Vu lan. Hán dịch là Đảo huyền, cũng gọi là Bồn hội, Vu lan bồn hội.
Theo kinh Vu lan bồn, đệ tử Phật là Mục Liên dùng Thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục, thấy rồi, ngài Mục Liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Để cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục Liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu, Phật liền dạy ngài Mục Liên vào ngày rằm tháng Bảy là ngày chư tăng tự tứ (vào mùa mưa ở Ấn Độ, chư tăng kết hạ an cư trong 3 tháng, ngày này là ngày kết thúc hạ an cư), dùng thức ăn uống ngon quý, hoa quả cúng dường Phật tăng trong 10 phương thì sẽ được vô lượng công đức, mẹ ông sẽ được thoát khỏi khổ nạn, cứu được cha mẹ 7 đời.
Dấu tích lễ Vu lan có từ rất sớm ở Ấn Độ. Trong tác phẩm Mahabharata (một tác phẩm sáng tác từ thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên), người ta đã đọc thấy dấu tích của lễ này. Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, vua Vũ đế nhà Lương là người đầu tiên cử hành hội Vu lan bồn. Vào năm 538, Vũ đế đến chùa Đồng Thái thiết trai Vu lan bồn. Từ đó "phát triển thành tục. Đế vương và thần dân các đời phần nhiều cử hành hội này để báo đền ân đức cha mẹ, tổ tiên". Thời nhà Đường, các vua Đường rất xem trọng lễ cúng dường Vu lan bồn, các triều đại sau này vẫn tiếp tục, và cho đến ngày nay, Vu lan bồn vẫn tồn tại dưới các hình thức khác nhau trong những nước theo Phật giáo đại thừa (Phật quang đại từ điển. Trang 7242).
Lễ Vu lan bồn vốn là một lễ báo hiếu cho cha mẹ 7 đời. Kinh dạy: "Là người đệ tử phải tu hiếu thuận, phảiởng nhớ cúng dường cha mẹ trong từng niệm, cho đến cha mẹ 7 đời, hằng năm vào rằm tháng Bảy thường đem tâm hiếu thuận nhớ đến cha mẹ đã sinh ra mình, cho đến 7 đời, lập Vu lan bồn cúng dường chư Phật và chúng tăng để báo đền ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ".
Khi phát triển vào dân gian, từ việc cúng dường báo hiếu cha mẹ, đã mở rộng ra cả thập loại chúng sinh. Ngày đó, sư niệm cô hồn thập loại để đáp ứng lòng cầu mong của mọi chúng sinh.
Cúng dường vốn là cung dưỡng âm Hán Việt đã Nôm hóa. Đó là một khái niệm nhà Phật, chỉ việc thí chủ đem thức ăn cung dưỡng cho nhà Phật. Từ một lễ nghi báo hiếu, khi vào dịp Tết, người ta cũng dâng mâm cúng để thờ tự cha mẹ, tổ tiên đã khuất núi nên dâng ngũ quả để cúng. Lễ được dâng lên bàn thờ tổ tiên là vì vậy. Chúng ta chưa gặp từ điển Nho giáo hoặc Đạo giáo nào nói về mâm ngũ quả này. Gốc tích của nó chắc chắn là ở nghi lễ cúng tế của Phật giáo.
Ngày nay, 5 loại trái cây bày mâm ngũ quả có thể khác đi tùy từng nơi từng lúc. Người ta thường chọn 5 trong các thứ quả sau đây để bài trí: Phật thủ, thanh yên, chuối xanh, bưởi, đào, táo, quất, cam, ớt, cà chua... Ba màu thường được ưu tiên: Màu xanh (mong muốn sự bình yên), màu vàng (màu nhà Phật), màu đỏ (mong muốn sự may mắn). Tuy nhiên, ý nghĩa trong việc cúng dường của nó thì vẫn được bảo lưu. Không thể có chuyện ngũ hành hayơng sinhơng khắc nào cả./.

1 nhận xét:

  1. Có rất nhiều thứ mà người ta không thể biết được; gốc tích mâm ngũ quả ngày tết này cũng chẳng được mấy người biết

    Trả lờiXóa