Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

SỰ GIÁO DỤC ĐÀN BÀ CON GÁI (Phạm Quỳnh)


 Đây là phần trích trong bài cùng tên đăng trên Tạp chí Nam Phong năm 1917, khi Phạm Quỳnh mới 24 tuổi. Sau được ông chọn đưa vào Thượng Chi Văn Tập xuất bản tại Hà Nội năm 1943. 
*
*    *
Quách Phúc ngày xưa có bài ca bốn câu tả người đàn bà:
Chàng như mây mùa thu,
Thiếp như khói trong lò.
Cao thấp lẽ có khác,
Một thả cùng tuyệt vời!
Ý vị thay lời thơ cổ! Đàn ông với đàn bà thực là mây với khói, địa vị có khác nhau mà tính chất cũng là một: tạo vật cùng cho cái sức bay bổng như nhau.
Đã cùng có sức bay bổng như nhau, sao nỡ để kẻ mau người chậm?
Bởi đó mà vấn đề giáo dục đàn bà con gái, thành ra một việc quan trọng vô cùng.
Cớ sao từ xưa đến nay, dù nước nào cũng vậy, đàn ông vẫn được trọng mà đàn bà phải chịu khinh?
Chẳng qua là bởi lẽ yếu mạnh tự nhiên, lẽ ấy bắt đầu từ khi các xã hội mới thành lập, mà nhân tuần (theo lệ cũ) mãi đến những thời đại đã văn minh. Đàn bà bẩm sinh đã kém đàn ông bề lữ lực (sức lực), nên từ nguyên thủy vẫn phải mang phận mỏng hèn. Rồi sau các xã hội đặt pháp luật, dựng luân lý, cứ chuẩn y cái địa vị lúc ban đầu mà nhận thành một công lệ thiên nhiên. Từ đấy nhân loại tiệt nhiên chia làm hai phần: đàn ông là bậc chủ nhân, đàn bà là hàng nô lệ. Xét lịch sử các dân các nước, đời xưa đời nay, về khoản thân phận người đàn bà trong xã hội, thực là lắm đoạn thảm thê thê thảm, biểu dương mà lưu truyền đến thiên vạn cổ cái ô danh ô hạnh của giống tu mi (đàn ông)!
Mãi đến cận đại, các nước Âu châu mới xướng lên cái thuyết đàn ông đàn bà bình đẳng, thực là mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Người đàn bà như cây hoa mọc trong buồng tối, đem ra nơi sáng sủa mát mẻ, hô hấp cái không khi tự do của trời đất, được thỏa sức mà nở nang, thơm tho mà tô điểm thêm cho cuộc đời trên cõi đất.
Từ xưa thế giới là của riêng đàn ông, từ nay thế giới là của chung cả đàn bà. Đàn bà tuy không làm những sự nghiệp lớn lao, biến cải mặt địa cầu, nhưng ảnh hưởng trong gia đình, trong xã hội, đằm thắm mà sâu xa biết dường nào! Ai cũng biết văn minh của các nước Thái Tây ngày nay vừa có sức mạnh mẽ mà vừa có vẻ thanh tao, vẻ này điều hòa cho sức kia được mềm mại êm đềm, khỏi thành ra cái võ lực thô bỉ mà tàn bạo. Sức mạnh mẽ ấy là công của đàn ông đặt máy móc, lập công trình, đào sông xẻ núi, lội bể vượt không; vẻ thanh tao kia là công của đàn bà, trong bể vật chất cạnh tranh ngày nay, gây thành một chốn Bồng lai tiên đảo, gồm hết cái ái tình, cái phong phú của đời người mà bày ra những cảnh nên thơ nên mộng. Người ta ở trong một cõi đời chỉ om sòm những tiếng máy móc, nồng nàn (nóng bức) , những khí cạnh tranh, thì sống sao được? Phải có lúc được nghe giọng hát véo von, cung đàn dìu dặt, trông bóng trăng mà không ghen đến chị Hằng.
Hằng Nga đã bỏ cung mây xuống trần,
thì mới giải được mọi sự phiền muộn, thư thái được tinh thần mà di dưỡng được tính tình.
Ấy là cái thiên chức của người đàn bà ở đời như thế. Phàm giáo dục đàn bà con gái phải tùy theo cái thiên chức ấy mới là phải đường, mới là hợp lẽ vậy.
Như ở nước ta từ xưa đến nay, phép dạy đàn bà con gái thế nào?
Trình độ ta tuy chưa được bằng các nước Âu Tây ngày nay biết ưu đãi đàn bà, nâng niu như bông hoa hòn ngọc, nhưng cũng không đến nỗi như lắm dân bán khai ngược đãi kẻ nhu thuận (mềm mỏng), coi như cái máy đẻ con hay con vật mang nặng. Đàn bà nước ta từ xưa đến nay vẫn được cái địa vị xứng đáng trong xã hội, mà cũng không bao giờ phụ tiếng gái lành, vợ hiền, mẹ từ, là gương tốt nghìn năm của bạn nữ lưu (nữ giới). Nhưng các cụ ta ngày xưa quá tin cái thuyết cổ về lẽ âm dương, cương nhu, cho đàn bà là kém hẳn đàn ông, không thể dạy cho bằng đàn ông được. Không những thế, mà lại cũng không cần phải dạy nữa, vì âm vốn phải tùy dương, nhu vốn phải thuận cương, đàn bà đã không thể tự chủ, được ỷ lại vào đàn ông, thủa con gái theo cha, thủa làm vợ theo chồng, thủa làm mẹ theo con, nhất sinh (suốt đời) gồm trong ba chữ tòng, thì cha hay, chồng hay, con hay là mình được hay; dạy cho lắm, học cho lắm, cũng thuộc về vô ích. Bởi thế nên các cụ chăm chút cho con trai bao nhiêu, lãng bỏ con gái bấy nhiêu. Nói sự giáo dục đàn bà con gái, thì nước ta hầu như tuyệt nhiên không có. Không phải rằng ngày xưa không có lắm bà hay chữ, lắm bậc tài tình, nhưng đó là những người lỗi lạc xuất chúng, không thể kể được. Cũng không phải là các cụ ta không hề dạy đến con gái chút nào, phó mặc cả công gây dựng của tạo hóa. Nhưng cách dạy ấy là bằng ở tập tục cả, để trọn phận sự làm con làm vợ mà thôi. Không bao giờ chủ mở mang trí thức cho đàn bà con gái cũng được hiểu nghĩa lý như đàn ông.
Nói rút lại thì người đàn bà ở nước ta ngày xưa tuy không đến nỗi bị bạc đãi, nhưng cũng vẫn coi như trong luật gọi là người “vị thành niên”, chung thân (suốt đời) là “vị thành niên”, đã không có tư cách tự chủ tự trị, cũng không cần phải học tập giáo dục cho lắm.
Ấy tư tưởng của các cụ ta về thân phận đàn bà như thế; tư tưởng ấy ngày nay có thích hợp nữa không?
Quyết rằng không. Đàn bà quyết không phải là trời bẩm sinh ra kém đàn ông, tính tình trí tuệ có khác, nhưng không phải là kém. Đàn ông là mây thì đàn bà cũng là khói, nếu cùng thả cũng có thể cùng nhau bay bổng trên tầng xanh. Nhất là đàn bà nước Nam lại có lắm tư cách hay: linh lợi mà can đảm, nhẫn nại mà khôn ngoan, xưa nay đã có tiếng đảm đang về đường kinh tế. Thương nghiệp trong nước phần nhiều là ở trong tay các bà. Dễ cả thế giới không đâu có cái cảnh rất đáng kính đáng phục, là cảnh nhà nho vợ nuôi chồng đi học, – học suốt đời vì sự học ở nước ta không có thời hạn, – một mình tần tảo mà cung cấp được cả nhà, trên cha mẹ, dưới lũ con. Tôi thường ước ao trong làng văn ta xuất hiện được một tay tiểu thuyết có tài mà mô tả cái cảnh đáng kính đáng phục ấy, để lưu truyền mãi mãi về sau.
Một nước có những đàn bà giỏi như thế, sao nỡ lãng bỏ mà không chăm chút việc giáo dục, khiến cho thành nhân cách hoàn toàn, xứng đáng với cái tư chất tốt, với địa vị cao trong xã hội?
Ngày xưa nho học giới nghiêm về đường đạo đức, người đàn bà dẫu không có học cũng chịu cảm hóa trong gia đình mà đủ giữ được phẩm hạnh. Sức cảm hóa ấy vừa mạnh vừa sâu, người con gái mới sinh ra đã hình như hô hấp ngay trong không khí quanh mình. Rồi sau lớn lên, ai nấy đề như ngầm hiểu mà tự biết cái đường chính nên đi, không mấy người đến nỗi sai lạc. Nhưng đó chẳng qua là sự hun đúc tự nhiên của xã hội. Trình độ đạo đức trong xã hội còn cao bao nhiêu thì sự hun đúc ấy còn có hiệu nghiệm bấy nhiêu. Trình độ càng thấp xuống thì sự hun đúc cũng ngày càng phai lạt dần đi. Lò than có hồng mới đủ sức nóng mà hun được vật ngoài; lò than đã vạc thì ngoài da còn lạnh, mong chỉ ấm áp được đến ai?
Lòng đạo đức trong quốc dân ta ngày nay, tức là cái cảnh lò than đã vạc, mỗi ngày một nguội dần đi. Phàm người biết trông biết nghĩ, ai cũng phải công nhận như thế. Sự nguội lạnh ấy hại cho đàn ông một, mà hại cho đàn bà mười. Đàn bà là cái cây cảnh quí của trời đất, bẩm sinh ra thân yếu ớt mà lá mong manh, phải trồng trong nhà “ôn thât” (nhà kính) mới sống được; nếu đem hạ nhiệt độ xuống, nếu lại để cho xông pha sương tuyết nắng mưa thì được mấy nả mà cây tàn lá rụng?
Than ôi! phẩm hạnh người đàn ông kém, cái hại cho xã hội thật là to; hại ấy cũng chưa bằng là phẩm hạnh người đàn bà hư; vì đàn bà hư là hại đến nguồn gốc xã hội vậy.


*    *

Nhưng trước hết hãy hỏi người con gái ở nước ta phải “hay chữ gì?” Theo ý tôi thì quyết là phải “hay” chữ quốc ngữ. Đàn bà con gái học quốc ngữ không những học để biết đọc biết viết mà thôi, phải học cho đến làm được thơ được văn bằng quốc âm. (…) Cái não khô khan của đàn ông vun trồng mãi chưa thành, có lẽ mối tình đườm nhuận (đằm thắm) của đàn bà tẩm tưới mà nên chăng? Chúng ta rất mong mỏi ở các tân nữ sĩ sau này.
(…) hiện sách quốc ngữ đã có ít nhiều có thể cung cho sự cần dùng của các bà các cô lúc mới đầu. Nhất là những thơ truyện cũ (như truyện Kiều, Cung oán, Nhị độ mai, Chinh phụ, Lục Vân Tiên, v.v…), lại là hợp tính chất người đàn bà lắm. Một nền thơ kiệt tác như truyện Kiều mà khéo diễn giải, bình luận, thuyết minh cho đàn bà con gái nghe thì tưởng không kinh Thánh truyện hiền nào hay bằng, thiết tha mà thâm trầm bằng! Các cụ ngày xưa vẫn giới nghiêm về truyện Kiều, không cho con gái đọc, sợ dâm loạn mất tính tình. Thiết tưởng các cụ quá nghiêm như vậy là lầm. Người ta thường nói đàn ông thuần lý, đàn bà thuần tình; thuần lý thì để lấy lý mà phục, tuần tình thì phải lấy tình cảm mới được. Truyện Kiều thực là một kho tình vô hạn, mỗi câu như mang nặng một gánh tương tư với đời. Lại là một cái gương tầy liếp (cực lớn), phản chiếu cho ta trông thấy hết các hạng người trong xã hội, người nào tật nấy in như thực, như trên màn chớp bóng (màn ảnh) vậy. Vậy thì những sách như truyện Kiều chẳng là những sách “giáo khoa” tuyệt phẩm cho nữ lưu dư?
Ta bàn khí dài về sự học quốc văn mà chưa kịp nói đến các môn học khác cần cho đàn bà con gái. Tuy người thượng lưu có thể chuyên trọng về nghệ thuật văn chương nhưng không phải là lãng bỏ được các môn thực học. Toán pháp, cách trí, vệ sinh, địa dư, lịch sử, đều là những môn học thiết yếu cả. Nên dùng quốc ngữ mà dạy những điều phổ thông cần phải biết. Lại các môn nữ công khác, như thuê thùa, làm bánh, kết hoa, v.v… cũng nên thông thạo cả. Còn nghề đàn, nghề vẽ, là những nghề tài hoa, học được rất nên dụng công (cố gắng). (…)
Nhưng cứ cái học thức như trên, cũng tạm đủ là người đàn bà thượng lưu trong xã hội ta. Các khoa phổ thông đã thiệp liệp (hiểu nhiều nhưng không sâu), tuy chưa được rộng được sâu nhưng cũng không biết được ngành khái (đại khái về ngành), lại thêm đọc thơ đọc văn để hàm dưỡng (nuôi dưỡng) tính tình, dù lấy chồng là người có vị vọng (địa vị, danh vọng) hay kẻ có học vấn, cũng là có cái trí thức tương đương với địa vị mình. Trong cuộc giao tế, biết lấy tài hoạt bát ứng đối mà trang điểm cho câu chuyện, ai nghị luận gì cũng am hiểu mà biết bày tỏ ý kiến riêng; không tất nhiên phải là có tư tưởng sâu sắc hơn người, cốt là lời nói xuất ư (xuất phát từ) tự nhiên mà đạt được ý tứ của mình vậy. Đã nghiệm phàm đàn bà ăn nói tự nhiên, dù lời nói rất tầm thường cũng có cái thú vị riêng. Đã có cái biệt tài hơn đàn ông như vậy, không nên lạm dụng. Vì thói thường đàn bà ở nước ta hễ hơi biết chữ tất lên mặt cao kỳ. Công giáo dục là phải sửa cái thói ấy lại, khiến cho nhớ rằng bao giờ sự ôn nhu (dịu dàng) khiêm nhượng (nhún nhường) vẫn là đầu các nữ hạnh.
(…)
Đại để xưa nay các nhà phường phố không từng cho con gái học chữ. Mới lớn lên đã phải tập theo nghề nhà, chăm việc bán buôn, còn lúc nào mà lưu tâm đến sự học. Từ ngày có trường nữ học, đã có nhiều nhà đua nhau cho con vào trường, nhưng thường thường chỉ cho học mấy năm còn nhỏ mà thôi, đến 14, 15 tuổi thì đem về coi sóc việc nhà ngay. Nên cái học ấy cũng chưa thành kết quả được mấy. Vả chương trình các trường nữ học còn chưa được thích hợp với trình độ nước ta. Phàm phổ thông giáo dục mà dạy bằng tiếng ngoại quốc nhiều là thất sách cả. Đối với con trai còn hại, huống chi là con gái.
Đại khái phép giáo dục con gái bậc trung lưu cũng sâm si (tương tự) với bậc thượng lưu mà nên lấy quốc văn làm chốt. Nhưng có điều khác, là văn chương nghệ thuật không trọng bằng thực học thực nghiệp. Nên dạy cho con biết các khoa học phổ thông bằng quốc ngữ, lại chú trọng về các nữ công, như vá may, thêu thùa, đan dệt, v.v. Có một khoa cũng cần lắm, là khoa kế toán, học giữ sổ sách buôn bán, tính toán tiền nong đồ hàng, vì phần nhiều con gái bậc trung lưu là con nhà buôn bán cả, nếu biết những điều cần thiết ấy có thể giúp cho cha mẹ và có ích cho nghề nghiệp mình về sau. Đến khi đã thuộc các món phổ thông rồi, thì không cần phải học chữ Hán là món trang điểm cho bậc thượng lưu mà thôi. Bấy giờ có thể bắt đầu học chữ Pháp được. Nhưng cốt cho giản dị, thiết thực, đủ viết được nói được tiếng Pháp cho thông, nghĩa là để về sau trong khi buôn bán giao thiệp có thể trực tiếp với người Tây được.
Đó là cái chương trình phác họa trong tưởng tượng về sự giáo dục đàn bà con gái ở nước ta ngày nay. Nay muốn thi hành chương trình ấy, phải làm thế nào?
Thuộc về sự giáo dục con gái bậc trung lưu, thì thiết tưởng chỉ nên cải cách các trường nữ học hiện nay, theo như ý nghĩa vừa nói, nghĩa là nên dạy nhiều chữ quốc ngữ mà chữ Pháp thì dùng cách trực tiếp giản dị mà dạy, cốt cho mau hiểu mau biết là đủ, lại chú trọng về các môn thiết thực có ích lợi cho chức nghiệp người đàn bà. Về đường ấy thì cơ sở đã tiệm có, chỉ nên khoáng trương (mở rộng) mà phát đạt lên vậy.
(…)
Ấy là ý riêng của tác giả về cách tổ chức một nhà học viện cho nữ lưu nước nhà. Cũng biết đó chẳng qua là một sự mộng tưởng mà thôi, chưa có thể một mai mà thực hành ngay được. Hiện nay (đầu thế kỷ XX) nước ta chưa có nữ giới như các nước; đàn bà con gái chưa có một cuộc «xã giao» chung, xưa nay thường ai ở nhà nấy, không hay có dịp đi lại giao thiệp với nhau, mà bàn xét đến những điều lợi ích chung. Lại thêm phong tục có điều chặt chữ, bó buộc người đàn bà, không được tự do cử chỉ. Bấy nhiêu sự cản trở không thể nhất đán (một ngày) mà vượt qua được, nên cũng chưa mong cái công cuộc lớn lao về sự giáo dục đàn bà con gái đã sắp đến ngày khởi hành mà thành công ngay được. Nhưng Tây nho có câu : « Mộng tưởng là mẹ sự thực ». Phàm sự kiến thiết lớn, lúc khởi thủy cũng là do cái tư tưởng xuất hiện ra trong tâm trí một người. Như thế thì cái mộng tưởng trên kia không phải là vô ích; nếu lại khiến được các nhà trí thức trong nước để ý vào vấn đề giáo dục này thì có lẽ cũng là sự mơ mộng hay vậy.
P.Q.
(1917)
 Theo Blog Pham Ton

1 nhận xét:

  1. Bài viết của Cụ Phạm Quỳnh rất hay, sâu sắc, nhưng để thực hiện được như ý cụ Phạm Quỳnh thì phải có thay đổi trong nhận thức của xã hội về phụ nữ

    Trả lờiXóa