Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Giáo sư Trần Đức Thảo với các vấn đề lịch sử

Giáo sư Trần Đức Thảo với các vấn đề lịch sử

Giáo sư Trần Đức Thảo là nhà triết học lỗi lạc. Ông còn là nhà sử học lớn. Giáo sư Trần Đức Thảo, cùng với các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu… là những người chung tay xây dựng Khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay Khoa Lịch sử của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), từ những tháng ngày đầu tiên sau khi về tiếp quản Thủ đô (năm 1955).
Vấn đề lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc luôn là nỗi trăn trở trong suy tư của Giáo sư Trần Đức Thảo. Trong hàng vạn trang bản thảo mà Giáo sư để lại, có rất nhiều bài viết về đề tài lịch sử, trong đó có một số bài đã được công bố một vài năm sau khi ông về tiếp quản Thủ đô và tham gia giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, như: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong sự khủng khoảng của xã hội phong kiến Việt Nam ([1]), Bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và xã hội Việt Nam trong thời kỳ thịnh của chế độ phong kiến ([2]), Nội dung xã hội Truyện Kiều ([3])…
Giáo sư Trần Đức Thảo ý thức một cách đầy đủ rằng, phải nghiên cứu những công trình khảo cổ học mới có thể phát hiện và khái quát về sự hình thành tiếng nói và ý thức của con người. Điều đó được thể hiện rõ trong công trình Recherches sur l’Origine de Langage et de la Conscience ([4]). Ở tác phẩm này, ông đã vận dụng rất nhiều thành tựu khảo cổ học để lý giải những vấn đề đặt ra trong công trình nghiên cứu của ông.
Bên cạnh đó, ông cũng gửi một số thư cho các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, nói về lịch sử dân tộc. Thực chất các bức thư đó là những tác phẩm. Giáo sư rất trăn trở về những vấn đề đặt ra của lịch sử dân tộc. Trong thư gửi cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Giáo sư Trần Đức Thảo đề nghị cho tái bản những tác phẩm về lịch sử của của Giáo sư Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Huyên, nhà sử học Minh Tranh..., và ông nói rõ, nếu không làm như vậy và không tiếp tục nghiên cứu về lịch sử dân tộc thì lịch sử dân tộc trở thành “vườn không nhà trống”.
Những năm cuối đời, Giáo sư Trần Đức Thảo còn viết một số tác phẩm lịch sử bằng tiếng Pháp như La dialectique générale des force productives dans le passage d’une formation sociale à une autre plus élevée (Biện chứng khái quát về các động lực sản xuất thúc đẩy sự chuyển dịch của xã hội lên một trình độ cao hơn) [1985], La crises du mode de production esclavagiste dans L’Empire Romain (Sự khủng hoảng trong phương thức sản xuất sản sinh ra chế độ nô lệ tại Đế chế La Mã) [1985], Les débuts de l’historie humaine [Khởi nguyên của lịch sử loài người] (1993)… Trước lúc đi công tác tại Cộng hòa Pháp (3/1991), Giáo sư Trần Đức Thảo có ý định công bố một số tác phẩm của ông viết về lịch sử dân tộc, như: Về cái cơ bản chung trong phương thức sản xuất và con người của các thời đại lịch sử (1977), Bàn về thời dựng nước (1977), Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc (1977), Phép biện chứng của xã hội dân tộc và lịch sử đấu tranh giai cấp (1977), Đề cương lịch sử Việt Nam (1988)… ([5]).
Các tác phẩm viết về lịch sử của Giáo sư Trần Đức Thảo có thể chia thành một số nội dung cơ bản sau: 1) Về con người thời khởi nguyên cùng với sự ra đời của tiếng nói và ý thức của con người; 2) Về con người thời cổ đại gắn liền với sự phát triển của phương thức sản xuất, đặc biệt là thời cổ đại La Mã; 3) Về biện chứng của các quá trình phát triển của lịch sử đưa xã hội loài người lên trình độ cao hơn; 4) Về sự phát triển biện chứng của các hình thái sở hữu trong các giai đoạn của lịch sử loài người;         5) Về con người Việt Nam thời khởi nguyên; 6) Về xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại; 7) Về truyền thống yêu nước và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Qua các tác phẩm viết về lịch sử đó, chúng ta thấy tư tưởng lớn của Giáo sư Trần Đức Thảo về lịch sử gồm có một số điểm chính như sau:
Một , tư tưởng lớn của Giáo sư Trần Đức Thảo về sự thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và lịch sử con người:
1) Lịch sử tự nhiên phát triển thành lịch sử xã hội và lịch sử con người. Đó là một tiến trình mang tính chất thống nhất và biện chứng. Sự ra đời của các giống loài động vật diễn ra trong tiến trình ấy, từ loài đơn bào đến loài đa bào, đến loài động vật có thần kinh phát triển cao là các loài vượn người. Loài vượn người phát triển thành tập đoàn động vật, và sau đó tập đoàn động vật vượn người chuyển hóa thành loài người. Đó là một quá trình lịch sử diễn ra phức tạp. Theo Giáo sư Trần Đức Thảo thì nguồn gốc của loài người xuất phát từ tập đoàn động vật vượn người, nhưng đó là một giống loài xuất hiện trong một điều kiện lịch sử nhất định mà ngay nay không còn nữa. Loài vượn người phát triển khi đã có bộ não lên đến 500 cm3, đến khi biết dùng công cụ thay cho dụng cụ tự nhiên thì hệ thần kinh phát triển thành hệ tâm thần, phát triển âm hiệuchỉ hiệu đặc thù đưa đến sự xuất hiện ngôn ngữ và ý thức. Quá trình đó thống nhất hai mặt chủ quan và khách quan ở chúng khi thay đổi điều kiện và môi trường sống. Do đó đưa đến sự thay đổi hành vi và tâm lý. Ở đây có sự kết hợp giữa thay đổi hành vi và đưa đến tạo ra những gene mang tính di truyền. Theo Giáo sư Trần Đức Thảo, mặc dù loài vượn người mà đã tiến hóa thành loài người thì không còn nữa, nhưng loài vượn người ấy vẫn còn nhiều điểm tương đồng với các loài khỉ cao cấp và tinh tinh ngày nay, nên chúng ta vẫn có thể quan sát và nghiên cứu những loài khỉ cao cấp và tinh tinh này để qua đó hiểu thêm về quá trình tiến hóa của loài người.
Giáo sư Trần Đức Thảo đã nói rõ những điều đó trong một lá thư ngắn (viết chưa xong) gửi Lucien Sève:
“TP. Hồ Chí Minh, 1-11-1990
Anh Lucien thân mến,
Tôi xin lỗi đã trả lời chậm trễ bức thư ngày 18/2/1987. Bức thư này đã làm tôi suy nghĩ rất lâu và chỉ hôm nay tôi mới thấy đủ khả năng để viết cho anh, sau một cuộc tự vấn khoa học nghiêm túc.
Anh đã hỏi tôi một lần, rất lâu rồi, về vấn đề phương pháp mà tôi sử dụng trong tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức. Làm thế nào để chúng ta có thể chứng minh từ sự phát sinh loài (phylogenese) đến sự phát sinh cá thể (ontogenese), mặc dù chúng ta đều biết rằng chưa có một thực nghiệm nào chứng minh được sự di truyền của các đặc tính [xã hội] hấp thu được.
Vấn đề này rất khó, nhưng nó bào trùm tất cả. Tôi thử giải đáp như sau: Về căn bản, dựa trên các mệnh đề khoa học, thì rõ ràng là các tính chất có được của cá nhân hay nhóm là không thể chuyển giao, bởi bản thân nó, cho các thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu xét trên một chuỗi các thế hệ, trong một hoàn cảnh mang tính liên tục, thì một tính chất nào đó được hấp thu nhiều lần thì sẽ tái xuất hiện [ở thế hệ sau] bởi những biến đổi di truyền. Biến đổi này giúp cho sự hấp thụ và phát triển của tính chất ấy trở nên dễ dàng hơn trong đời sống cá nhân và tập thể. Sự biến đổi ấy cho phép cá nhân hay nhóm cá nhân có cơ hội để sống lâu hơn và cho phép một sự truyền giống đông đúc hơn.
Nói cách khác, sự biến đổi cận kề ấy là một lựa chọn tự nhiên, gắn liền với lợi ích của tính chấp hấp thu được. Tính chất hấp thu được ấy tồn tại nhằm đáp ứng lợi ích đó.
Như vậy, những động vật có vú đầu tiên phải trèo lên cây để trốn các động vật ăn thịt và chỉ ăn trái cây, hấp thu được một tính chất khéo léo trong leo trèo. [Theo thời gian], sẽ xuất hiện ở chúng sự biến đổi di truyền để thích hợp cho sự phát triển của tính chất khéo léo đó - ví dụ như sự mềm dẻo của các chi trên. Qua đó, những động vật ấy sẽ sống lâu hơn và có thời gian để sinh ra một nòi giống đông đúc hơn. Sự tích hợp các biến đổi kiểu đó dẫn đến một loài thích nghi với đời sống trên cây.
Tóm lại, tính chất hấp thu được không thể chuyển giao ngay lập tức, mà nó di truyền thông qua sự chọn lọc tự nhiên, thích hợp cho sự phát triển. Trên cơ sở đó, hình thành nên sự thống nhất biện chứng giữa tính chất được hấp thu và những biến đổi di truyền, làm cho cơ thể sinh vật ngày càng phức tạp hơn và có tính thích nghi cao hơn.
Sự thống nhất biện chứng giữa các tính chất mới hấp thu được và sự biến đổi di truyền là cơ sở của sự thống nhất lịch sử của sự sống trong sự đa dạng của các hình thức tiến hóa - một sự thống nhất lịch sử được lưu lại trong các cơ chế di truyền.            Sự thống nhất này được phản ánh trong sự tái hiện quá trình tiến hóa của sự sống thông qua sự phát triển của đứa trẻ từ lúc hình thành phôi thai đến khi trở thành người, như Ăng-ghen đã khái quát: ‘Cũng giống như lịch sử của phôi thai con người trong bụng mẹ chỉ biểu hiện một sự lắp lại thu ngắn của lịch sử hàng triệu năm phát triển về thể chất các động vật tổ tiên chúng ta bắt đầu từ con giun, thì sự phát triển của đứa trẻ cũng là một sự lắp lại, duy chỉ còn thâu tóm hơn ở các bậc tổ tiên ấy, ít nhất là các vị gần đây nhất’ (Biện chứng của tự nhiên)”. ([6])
2) Sự thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và lịch sử con người không chỉ diễn ra ở quá trình xuất hiện giống loài người, mà còn diễn ra trong quá trình con người tiến hành lao động sản xuất để tạo ra sự sống. Ở đây Giáo sư Trần Đức Thảo đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công cụ sản xuất, bởi vì công cụ sản xuất là yếu tố để nối liền con người với tự nhiên rộng lớn. Chính nhờ công cụ sản xuất không ngừng phát triển mà các hình thức tổ chức lao động cũng không ngừng phát triển, nhờ vậy những lực lượng vật chất của con người như bàn tay, các giác quan, đặc biệt là các giác quan nhạy cảm được cảm nhận qua tai, mắt, mũi… phát triển, và nhờ đó hệ thần kinh không ngừng phát triển, đưa đến hệ tâm thần không ngừng phát triển. Bấy lâu nay, vẫn có sự sự nhầm lẫn giữa công cụ sản xuất với lực lượng sản xuất nói chung, và vì vậy đã có người chủ trương chống lại lực lượng sản xuất, mà chỉ nhấn mạnh quan hệ sản xuất.
3) Sự thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và lịch sử con người thể hiện một cách sinh động ở chỗ con người càng phát triển về năng lực nói chung, về trí tuệ nói riêng, thì càng có sự hội nhập, hòa nhập giữa sự sống của con người và sự sống của vũ trụ. Rõ rệt nhất là trong việc chế biến sản phẩm tự nhiên thành thành thức ăn, chế tác vật tự nhiên thành vật dụng, thành những công cụ để hưởng thụ về mặt tinh thần.
4) Sự thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và lịch sử con người thể hiện ở chỗ con người ngày càng người hóa những cơ quan của cơ thể mình cho phù hợp với sự nhận biết và sự phát triển của vũ trụ.
5) Sự thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội và lịch sử con người là cơ sở để Giáo sư Trần Đức Thảo sáng tạo lý thuyết về con người nói chung tồn tại trong con người cá thể cá nhân-nhân cách cụ thể, và sáng tạo lý thuyết về logic của cái hiện tại sống động chứa đựng ngày xưa, ngày nay và ngày mai.
Hai là, tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo về lịch sử là sự thống nhất giữa lịch sử từ thời khởi nguyên đến thời hiện đại. Điều này có nghĩa là, lịch sử của các thời kỳ phát triển dựa trên nền tảng của lịch sử thời khởi nguyên. Đặc biệt là lịch sử của hình thái sở hữu thời khởi nguyên, con người sở hữu trên hai mặt: sở hữu đất đai, môi trường sống; và sở hữu cộng đồng và văn hóa cộng đồng. Đó chính là yếu tố làm cho xã hội không ngừng phát triển những giá trị nhân bản.
Ba là, theo Giáo sư Trần Đức Thảo, sự phát triển của các thời kỳ lịch sử, tuy cuối cùng ngày càng tiến bộ, nhưng điều đó diễn ra phức tạp, chứ không phải là một đường thẳng tắp. Trần Đức Thảo đã dẫn ra một dẫn chứng hiển nhiên: xã hội nô lệ cổ đại Hy Lạp và La Mã tuy tiến bộ nhất trong thời đại bấy giờ, nhưng quá trình chuyển sang xã hội phong kiến thì lại không diễn ra ở Hy Lạp và La Mã, mà lại diễn ra ở những quốc gia phát triển chậm hơn.
Bốn là, theo Giáo sư Trần Đức Thảo thì lịch sử loài người luôn luôn thống nhất tính nhân loại tính dân tộc. Đối với mỗi cá nhân, trong quá trình phát triển, tính nhân loại và tính dân tộc mang tính bền vững, nhưng tính giai cấp thì lại không bền vững. Cho nên, xã hội loài người phát triển đến xã hội dân tộc-giai cấp, nhưng xã hội dân tộc-giai cấp thì luôn luôn phát triển trong những giới hạn thời gian nhất định. Vì vậy, để xã hội phát triển bền vững thì phải duy trình tính nhân loại tính dân tộc trong sự giáo dục văn hóa cho các thế hệ.
Năm là, Giáo sư Trần Đức Thảo đề nghị lấy Tổ quốc Việt Nam hiện nay làm cái trung giới để tiếp nhận những thành tựu nghiên cứu lịch sử nhân loại, nhằm làm phong phú lịch sử dân tộc, và cũng là điều kiện để Việt Nam có thể góp phần làm rõ những vấn đề của lịch sử nhân loại đang đặt ra.
Sáu là, Giáo sư Trần Đức Thảo luôn luôn rút ra những kết luận có tính triết học để khái quát lịch sử, ví dụ như ông đặt vấn đề nghiên cứu biện chứng của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa, hoặc ví dụ khác như các bước phát triển mới của lịch sử cổ đại thế giới. Nói cho công bằng thì Trần Đức Thảo trên cơ sở khái quát, phân tích lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc để tìm ra con đường phát triển của lịch sử xã hội loài người và con đường phát triển giá trị nhân cách của con người từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại.
Bởi sự trăn trở ấy, trước lúc đi công tác tại Cộng hòa Pháp, Giáo sư Trần Đức Thảo đã gợi ý cho tôi đọc và tiếp thu những tư tưởng của ông trong một số bài viết đã nêu trên để viết thành bài Sự biện chứng của xã hội dân tộc và sự biện chứng của văn hóa dân tộc, và tôi đã công bố bài này trên Kỷ yếu thông tin khoa học (tháng 10/1991) của Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II. Trước khi công bố, tôi đã hỏi ý kiến Giáo sư Trần Đức Thảo.
Giáo sư còn gợi ý cho tôi viết về phương thức sản xuất châu Á, tôi cũng đã làm điều đó và cũng đã công bố trên Kỷ yếu thông tin khoa học. Xin nói rõ, phương thức sản xuất châu Á là vấn đề mà Giáo sư rất quan tâm. Trong những năm cuối đời, ông đã có thư gửi nhà thơ Việt Phương thông báo về quan điểm của các nhà khoa học thế giới về vấn đề phương thức sản xuất châu Á.
Có thể khẳng định việc nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu triết học là hai mặt không thể tách rời trong tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo. Nhiều lần ông hướng dẫn tôi, muốn hiểu triết học và muốn chọn con đường đúng về triết học thì phải không ngừng học tập, nghiên cứu lịch sử.
Một trong những tác phẩm đáng lưu ý của Giáo sư Trần Đức Thảo về vấn đề lịch sử dân tộc là bài Những vấn đề chung của lịch sử dân tộc, gồm 9 phần. Ở đây, chúng tôi trích giới thiệu phần I, II và IV của tác phẩm.
Để phát huy vai trò chủ quan của con người đối với vận động của lịch sử, Giáo sư Trần Đức Thảo nhấn mạnh đến vai trò của học thuyết giá trị. Trong bài báo góp ý về Cương lĩnh Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trần Đức Thảo đã nói rõ điều đó. Chỉ có công nhận và phát huy học thuyết giá trị thì có thể mới biến tư tưởng của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực. Giáo sư Trần Đức Thảo viết: 
Dự thảo Cương lĩnh đã bác bỏ quan niệm sai lệch của một số nhà lý luận trước đây cho rằng chỉ có quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp mới là căn bản. Còn quan hệ con người, vấn đề đạo đức, phẩm giá con người, thì họ không chú ý, hoặc hầu như không chú ý tới. Mà chính quan hệ con người, quan hệ giá trị, là một lớp không thể thiếu sót của toàn diện những quan hệ xã hội, là bản chất của con người. Đấy là cái lớp hình ảnh tâm thần xuất phát từ những tiếng gọi âm hiệu, chỉ hiệu của những liên hệ thần kinh ở bề sâu vỏ óc, xây dựng từ tuổi nhi đồng trong cộng đồng gia đình, hàng xóm, dân tộc, loài người.” ([7])
Tư tưởng trên đây là sáng tạo lớn của Giáo sư Trần Đức Thảo về chủ nghĩa xã hội, là kết quả của sự đấu tranh chống tư tưởng siêu hình, duy tâm.
một điều tôi muốn nói thêm là, ngay từ đầu năm 1946, Giáo sư Trần Đức Thảo đã viết bài báo tiếng Pháp nổi tiếng, Sur l’Indochine (Về Đông Dương) ([8]). Trong bài báo này, ông đã sử dụng những lập luận và bằng chứng lịch sử sắc bén để khẳng định nền độc lập và tự do dân chủ ở Đông Dương. Bài báo này sau đó đã được lược dịch sang tiếng Anh và công bố trên tạp chí The Far Eastern Review (Thời báo Viễn Đông). Lần đầu tiên tôi được biết bài này qua tài liệu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên để tại phòng làm việc của ông. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên khi đọc bài báo đó của Trần Đức Thảo đã có nhận xét, công trình này không chỉ thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, mà còn thể hiện tư tưởng uyên bác về lịch sử. Công trình ấy kết hợp một cách chặt chẽ tư tưởng về truyền thống dân tộc và tư tưởng nhân loại học. Nay bài báo ấy đã được TS. Hoàng Anh Tuấn dịch sang tiếng Việt, tôi xin phép được công bố lại bản dịch đó, và tôi kỳ vọng Giáo sư Nguyễn Văn Huy (con trai Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên) sẽ tìm được bản gốc tiếng Anh của bài báo đó trong hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
Nói chung, những công trình nghiên cứu về lịch sử của Giáo sư Trần Đức Thảo là vô cùng lớn lao, phong phú. Bên cạnh việc giới thiệu những thành tựu về nghiên cứu triết học của ông, tôi hi vọng đến một ngày nào đó chúng ta sẽ có điều kiện đi sâu hơn vào các thành tựu của Giáo sư Trần Đức Thảo về nghiên cứu lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc, để có được một cách nhìn thấu đáo và toàn diện về Giáo sư Trần Đức Thảo - một nhà sáng tạo khoa học về triết học và lịch sử. 
Để giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn diện hơn về sự nghiệp sáng tạo của Giáo sư Trần Đức Thảo, tôi viết bài giới thiệu này nhằm khẳng định: Giáo sư Trần Đức Thảo là nhà triết học lỗi lạc, bên cạnh đó, Giáo sư còn là một nhà sử học lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét