Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Một cách giải mã cảm thức nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

  Bùi Ngọc Minh Một cách giải mã cảm thức nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều
1. Từ khi chào đời, Đoạn trường tân thanh – khúc Nam âm tuyệt xướng đã trở thành cuốn sách của mọi nhà, của ức triệu lòng người; và tác giả của kiệt tác số một của văn học dân tộc cũng được tôn vinh là thiên tài thi ca lớn nhất Việt Nam cho đến hôm nay. Thiên tài lớn, trước nhất và quan trọng nhất phải lớn về tư tưởng. Dĩ nhiên, đây là tư tưởng nghệ thuật, nó được biểu hiện trong thế giới nghệ thuật và bằng một nghệ thuật tài tình bậc thầy. Sống và viết trong bối cảnh lịch sử kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá xã hội của chế độ chuyên chế cuối Lê đầu Nguyễn thuộc phạm trù Phương Đông, nằm trong phương thức sản xuất Châu Á, Nguyễn Du cũng giống như các tác giả thuộc thời đại văn học trung đại, luôn chịu sự câu thúc của sinh quyển văn hoá thời đại.Tuy nhiên, là một thiên tài, ông đã thể hiện bản lĩnh của mình bằng cách gây hấn với chính thời đại mình. Sự gây hấn ấy, trước tiên là ở cảm thức nghệ thuât về con ngưòi và cuộc sống của nó. Vậy cảm thức ấy là gì ? Nó biểu hiện trong Truyện Kiều ra sao ? Đó chính là mục đích của bài viết này.

      2. Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều xưa nay đã chứng kiến nhiều cách tiếp cận vấn đề trên từ những quan niệm, góc nhìn, phưong pháp cách thức khác nhau, và vì vậy mà đem lại những kết quả nghiên cứu không giống nhau. (Xin xem các tác giả: Mộng Liên Đường chủ nhân, Phạm Quí Thích, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Hoài Thanh, Lê Đình Kị, Phan Ngọc, Đặng Thanh Lê, Vũ Hạnh, Trần Đình Sử, Thích Nhất Hạnh ...). Sau đây, bằng cái nhìn của quan niệm cấu trúc – hệ thống, chúng tôi xin trình bày cách hiểu của mình:

      3. Hệ thống là một chỉnh thể ít nhất phải có từ hai yếu tố trở lên, vừa mâu thuẫn vừa thống nhất, vừa tương sinh vừa tương khắc. Trong đó sự tồn tại của yếu tố này qui định sự tồn tại của yếu tố kia và ngược lại. Mỗi yếu tố chỉ có ý nghĩa và giá trị trong hệ thống mà thôi. Nếu hiểu hệ thống như vậy, thì cảm thức nghệ thuật về con người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là một hệ thống. Dĩ nhiên, đây là một hệ thống thẩm mĩ. Cấu trúc thẩm mĩ này gồm năm yếu tố cơ bản. Chúng vừa tương sinh vừa tương khắc, vừa mâu thuẫn vừa thống nhất trong một chỉnh thể. Đó là năm yếu tố sau :

                 a.Triết lí thiên mệnh của Nho giáo

                 b.Triết lí luân hồi, duyên nghiệp quả báo của Phật giáo

                 c.Triết lí tướng số của Đạo giáo

                 d.Triết lí ác giả ác báo của dân gian

             e.Cảm quan hiện thực trải đời thấm nhuần tính bi kịch của tác giả.

      Năm yếu tố này được thể hiện trong tương quan ràng rịt, khi bộc lộ qua những lời bình luận trữ tình ngoại đề của người trần thuật, khi thấm vào máu thịt các nhân vật, tạo nên diện mạo hình hài, thần thái tinh thần ,thể hiện thành ngôn ngữ cử chỉ hành động, tâm lí tính nết của thế giới nhân vật trong tác phẩm; khi thể hiện qua giọng điệu, điểm nhìn trần thuật, kết cấu, ngôn ngữ... Nói một cách khái quát nhất là: cảm thức nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Du được thể hiện trong thế giới nghệ thuật Truyện Kiều từ cấp độ vi mô cho đến câp độ vĩ

mô. Nó tạo nên mạch ngầm văn bản mà người tiếp nhận tinh tế và sâu sắc phải giải mã một cách tường minh. 

      3.1. Là người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, một trong An Nam ngũ tuyệt, tuy chỉ đỗ Tam trường, nhưng Tố Như xứng đáng là một nhà nho tài tử uyên thâm. Triết lí thiên mệnh của Nho gia đã để lại dấu ấn sâu đậm trong Truyện Kiều. Trong xã hội chuyên chế Phương Đông, nếu ông vua là người duy nhất thủ mệnh, thì nhà nho tự cho mình cái quyền tri thiên mệnh. Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du bộc lộ là một nhà duy tâm với xác tín tưởng như cực kì thành tâm ở những câu thơ trong đoạn kết :

Cho hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Phải đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Xin đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

      Tác giả Truyện Kiều mô tả Thuý Kiều tài tình tuyệt thế, sắc đẹp vô song, không chỉ để ngợi ca tài sắc của nhân vật ông yêu quí, mà còn có dụng ý sâu xa. Tài sắc ấy chính là dấu hiệu của khổ đau bất hạnh, oan khổ lưu li. Nho gia quan niệm: Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương,và tổng kết thành công thức tài mệnh tương đố. Nhưng rồi, cũng chính Nguyễn Du trong Truyện Kiều, có lúc đã chống lại tư tưởng thiên mệnh, Khi mở đầu tác phẩm của mình bằng những câu thơ :

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

      Rồi                           Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

      Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã nhận xét rất đích đáng về thái độ dè bỉu của Nguyễn Du với mệnh trời, khi chỉ ra giọng điệu của những cặp lục bát trên, qua phân tích tinh tế sắc thái ngữ nghĩa của những chữ lạ gì, quen thói trong Năm bài giảng về thể loại (do trường viết văn Nguyễn Du xuất bản).Thậm chí, có lúc Nguyễn Du đay nghiến, chì chiết, chửi bới cả ông Trời. Trời kia, chỉ hơn khách má đào đúng một dấu huyền (Hồng quân với khách hồng quần), nhưng lại kém họ trong ứng xử. Với đàn bà ông ta vừa xoay lại vừa vần (Đã xoay đến thế lại vần chưa tha ). Người xưa cho rằng: Thắng Trời là giả dối, thua Trời thì tai hoạ, âu là chỉ có tìm cách hoà hợp với Trời, ấy thế mà Nguyễn Du nguyền rủa một cách cay độc, thậm chua ngoa:

                            Chém cha cái kiếp má đào

                        Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.

      Kim Trọng, một bậc tài danh, một môn đệ của cửa Khổng sân Trình an ủi Kiều:

                                 Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

      Có thể đưa ra nhận xét này chăng: Nguyễn Du vừa tin ở mệnh trời, lại vừa không tin ở mệnh trời ?

      3.2.Triết lí Phật giáo cũng hiện diện trong Truyện Kiều đậm nét. Nó hiện thành nhân vật bằng xương bằng thịt. Vãi Giác Duyên là một trong những minh chứng cho điều này. Dường như, tên gọi của nhân vật cũng nhuốm màu Thiền. Theo chúng tôi, cái tên ấy có nghĩa là: Sự giác ngộ về duyên nghiệp quả báo.   Triết lí diệt dục từng vang lên:

                              Tu là cõi phúc tình là dây oan

      Nàng Kiều, sau khi phải chịu cảnh Dấm chua mà lại bằng ba lửa nồng của Hoạn Thư, đã tự nguyện qui y tại Quan Âm các, và sau khi tự tử ở sông Tiền Đường, được Giác Duyên vớt lên, đã sống những tháng ngày Mùi thiền đã bén muối dưa, Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, một mình một bóng bên ngọn đèn giữa canh khuya, Thuý Kiều cho rằng mình phải chịu khổ đau bởi vì kiếp xưa đã vụng đường tu. Trong màn đại đoàn viên, nàng nói với người tình hay với chính mình:

                                       Dở dang nào có hay gì

                                   Đã tu tu trót qua thì thì thôi.

      Bao cay đắng, xót xa, ngậm ngùi trong cặp lục bát này ?

      Nhưng rồi, cũng chính Nguyễn Du, chứ không phải ai khác, trước đó đã mô tả say sưa tài tình mối tình Thuý Kiều – Kim Trọng bằng những câu thơ từng trải, nghiệm sinh sâu sắc về ái tình, đáng được xếp vào hạng hay nhất, trong tinh tuyển thơ tình nhân loại :

- Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao

Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.

- Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

- Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.

- Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

v.v. và v.v. Đặt mối tình đầy ý nghĩa lãng mạn Kiều - Kim, đặt những câu thơ đại loại như Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường, Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang , Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa... những câu thơ còn làm ngẩn ngơ các chàng trai, cô gái đầu thế kỉ XXI cạnh lời khuyên: Tu là cõi phúc tình là dây oan, sẽ thấy có sự tương khắc không ngờ. Nhưng tất cả đều là Nguyễn Du. 

      3.3.Bóng hình những triết lí Đạo giáo cũng thấy hiện diện trong Truyện Kiều.Trước tiên, nó hiện hình qua bóng ma Đạm Tiên. Nó trở thành một ám ảnh với nàng Kiều. Sau cuộc kì ngộ trong tiết thanh minh, bóng ma này luôn đeo đẳng Thuý Kiều, và chỉ chia tay với người mà Đạm Tiên nhận là cùng hội cùng thuyền ở sông Tiền Đường. Lúc đầu, Đạm Tiên thông báo với Kiều một tin khủng khiếp: Kiều được ghi danh trong "câu lạc bộ” có cái tên dễ sợ Đoạn Trường; rồi khi Kiều định tự tử ở lầu xanh của Tú Bà, bóng ma Đạm Tiên lại hiện về cho nàng biết nàng chưa thể dứt số đoạn trường được (Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau)... Triết lí Đạo giáo còn được thể hiện qua nhân vật thầy tướng số, (Nhớ từ năm hãy thơ ngây – Có người tướng sĩ đoán ngay một lời– Anh hoa phát tiết ra ngoài – Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa). Nó lại còn thể hiện qua lời tổng kết và tiên tri của Tam Hợp Đạo Cô:

Sư rằng :phúc hoạ đạo trời

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cỗi phúc tình là dây oan

Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

Lại mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn ngồi không vững vàng

Ma đưa lối quỉ đem đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

Hết nạn nọ đến nạn kia

Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần

Trong vòng giáo dựng gươm trần

Kề răng hùm sói gởi thân tôi đòi

Giữa dòng nước dẫy sóng dồi

Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh

Oan kia theo mãi với tình

Một mình mình biết một mình mình hay

Làm cho sông đoạ thác đầy

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Và lời tiên tri:

Sư rằng : song chẳng hề chi

Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều

Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều

Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm

Lấy tình thâm trả tình thâm

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời

Hại một người cứu muôn người

Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng

Thửa công đức ấy ai bằng

Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi

Khi nên trời cũng chiều người

Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau

Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau

Tiền Đường thả một bè lau rước người

Trước sau cho vẹn một lời

Duyên ta mà cũng phúc trời chi không.

      Hậu vận của Thuý Kiều quả: Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa.

      3.4.Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều còn có sự hiện diện của triết lí dân gian về con người và cuộc sống. Tinh thần cơ bản của triết lí này chính là quan niệm ác giả ác báo, ở hiền gặp lành. Nó thể hiện tập trung ở màn báo ân báo oán. Giác Duyên , vãi già, Mã Kiều, Thúc Sinh đều được đền ơn . Những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Ưng, Khuyển, lũ người bạc ác tinh ma – Mình làm mình chịu kêu mà ai thương. Lũ người ấy trước thề sao, thì nay cứ phép sao ra hình. Nhưng một nghịch lí đã xảy ra. Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư lại được tha bổng ; mà trước đó, khi trả ơn Thúc Sinh gấm cuốn bạc ngàn cân, quan toà Thuý Kiều đã nói với chàng thấp mưu thua trí đàn bà này những lời đay nghiến, thực chất là nói với người đàn bà ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già, người đàn bà sâu sắc nước đời ... Hoạn Thư về ý định trả thù của mình :

Vợ chàng quỉ quái tinh ma

Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau

Kiến bò miệng chén chưa lâu

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.

      Đây chính là sự đáp trả những suy tính của Hoạn Thư khi biết tin Thúc sinh có vợ bé . Thuý Kiều – Hoạn Thư thật là kì phùng địch thủ. Hãy xem Nhà ghen… Hoạn Thư, trước đó nghĩ gì:

Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa

Ví bằng thú thật cùng ta

Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên

Dại chi mà giữ lấy nền

Tốt chi mà rước tiiếng ghen vào mình

Lại còn bưng bít dấu quanh

Làm chi những thói trẻ rang nực cười

Tính rằng cách mặt khuất lời

Dấu ta ta cũng liệu bài dấu cho

Lo gì việc ấy mà lo

Kiến trong miệng chén có bò đi đâu

Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên

Làm cho trông thấy nhãn tiền

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

      Nhưng cũng chính Hoạn Thư cũng từng nhận xét rất thấu cận nhân tình về Thuý Kiều với Thúc Sinh:

                                        Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương

                                           Ví chăng có số giàu sang

                                        Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên !

      Rõ ràng giữa hai tháp đoạn này, có một mạch ngầm đối thoại.

      Cuối cùng, Thuý Kiều đã phải thốt lên:

                                        Khen cho :Thật đã nên rằng

                                Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời

                                        Tha ra thì cũng may đời

                                Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen

                                         Đã lòng tri quá thì nên

                                Lệnh quân truyền xuống trướng tiền tha ngay.

      Màn này có thể là sự minh hoạ rất chuẩn cho câu ca dân gian:

                                          Mèo tha miếng thịt chết đòn

                                 Hùm tha con lợn giương tròn mắt ra.

      Những năm đầu của thiên niên kỉ thứ ba này, có lẽ không nên trách oan Tố Như đã vì quan điểm giới tính mà xoá nhoà đi quan điểm giai cấp nữa . Vậy lí giải điều này như thế nào cho thấu cận nhân tình ?   

      Xin hãy chờ ở phần sau .

      3.5. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Du từng viết:

                                    Trăm năm trong cõi người ta

                               Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

      Cái điều mà Nguyễn gọi là sở kiến ấy, chúng tôi tạm gọi là cảm quan hiện thực trải đời thuấn nhuần tính bi kịch của ông. Vốn sinh ra trong một danh gia vọng tộc, con vợ lẽ, mồ côi sớm, lại sống trong một thời đại đầy những biến động và đảo lộn cực kì dữ dội, Nguyễn Du đã được trải nghiệm rất nhiều cung bậc của thân phận, số phận con người. Vinh hoa phú quí và bần hàn cơ cực. Hạnh phúc và bất hạnh. Ngọt ngào và cay đắng... Trời lại phú bẩm cho ông một cặp mắt trông suốt sáu cõi, một tấm lòng nghĩ tới nghìn thu; chính vì vậy mà, dường như với ông, được làm người trên cõi thế gian này, được sống đã là một niềm vui, một hạnh phúc lớn lao, kì diệu. Hình như với ông, những bậc kì tài tuyệt sắc, chính là sự kết tinh những phẩm giá người cao nhất. Cuộc đời và con người, luôn luôn chứa đựng những bất ngờ và bí ẩn, bất trắc, bất an, bất ổn, không thể lường trước... Nhưng dù sao, sống cũng hơn chết. Có lẽ vì vậy mà, nàng Kiều luôn luôn tìm mọi cách để được sống kiếp người. Nàng tìm cách thoát khỏi lầu xanh của Tú Bà, chạy trốn theo Sở Khanh, chấp nhận làm lẽ người đàn ông dưới tầm Thúc Sinh; khi phải chịu cảnh Dấm chua mà lại bằng ba lửa nồng, nàng ăn trộm chuông vàng, khánh bạc nhà Hoạn Thư trốn đi trong cảnh Canh khuya thân gái dặm trường; phải vào lại lầu xanh, nàng may mắn kì ngộ người anh hùng Từ Hải, và đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời nàng. Nhưng cuối cùng, do chưa thể và cũng không thể thoát khỏi thói nữ nhi thường tình, nàng đã vô tình mắc lừa Hồ Tôn Hiến, để chồng mình phải chết đứng. Nàng đã phụ tấm lòng Từ Hải, đã phạm vào nguyên lí sống thiêng liêng nhất mà nàng tôn thờ. Nàng nhảy xuống sôngTiền Đường tự tận để tạ tội với chồng và với chính mình. Do không chú ý đúng mức đến sinh quyển văn hoá Phương Đông, có người đã nhầm khi trách cứ Nguyễn Du đã không tuân theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt, mà không nhớ rằng: ông không thể đoạn tuyệt với thị hiếu tiếp nhận, sinh quyển thẩm mĩ trung đại phương Đông. Đồng thời, với thiên tài của mình, ông đã gây hấn với thời đại mình bằng lối kết thúc có hậu mà không có hậu. Chẳng phải, đây là nguyên nhân để cố thi sĩ Xuân Diệu viết Tấn bi kịch cuối cùng của cuộc đời Thuý Kiều đó sao? Tấn bi kịch ấy, còn có một nguyên nhân cực kì quan trọng nữa là: Nàng Kiều đã quá ư từng trải so với cái tuổi ba mươi của mình. Nàng dành chữ tình cho Kim Trọng, chữ nghĩa cho Thúc Sinh, chữ duyên cho Từ Hải. Nàng đã từng chịu cái máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen của Hoạn Thư, khi chấp nhận làm lẽ Thúc Sinh ... Giờ đây tái hợp, nàng không thể lại gây đau khổ cho em gái mình. Lịch sử đời nàng là lịch sử của một người đàn bà có khả năng tuyệt vời để làm mẹ, làm vợ, nhưng cuối cùng không chồng, không con. Nàng không giống như ai đó có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Cách ứng xử của nàng chính là sự thông minh của trái tim vậy .

      Đến đây, xin hãy trở lại với câu hỏi đã đặt ra ở (3.4. ).Việc Thuý Kiều tha bổng Hoạn Thư, ngoài những nguyên nhân mà câu chuyện đã nói ra, người đọc có thể nhận ra tương đối dễ dàng, còn có môt nguyên nhân cực kì quan trọng nằm bên dưới những dòng chữ. Muốn hiểu được, cũng phải ít nhiều trải đời và tinh tế. Nàng Kiều từng tạ ơn Thúc Sinh. Nàng nói với anh chàng này :

                          Nàng rằng : nghĩa nặng nghìn non

                    Lâm Truy người cũ chàng còn nhớ không ?

                          Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

                    Tại ai há dám phụ lòng cố nhân ?

                          Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân

                    Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là .

      Vì vậy, nàng không thể giết vợ người ta được. Ta mới hiểu, té ra những lời chì chiết, eo óc của nàng với Hoạn Thư, chỉ là lối ứng xử ân uy cần có ở bậc mệnh phụ phu nhân, và dường như còn có cả cái gọi là thói nữ nhi thường tình ở một người đàn bà từng chịu quá nhiều đau khổ mà thôi. Kiều vốn là người phục thiện, tri túc, tri kỉ, tri bỉ. Nàng nói với Hoạn Thư :

                                 Khen cho: Thật đã nên rằng

                          Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời

                                 Tha ra thì cũng may đời

                          Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen

                                  Đã lòng tri quá thì nên

                          Truyền quân xuống lệnh trướng tiền tha ngay .

      Quả là cách ứng xử thấu cận nhân tình của một trái tim thông minh vậy.

      Đã có một thời chưa xa, chúng ta do non nớt, ấu trĩ mà giải mã sai cách ứng xử của Nguyễn Du trước đồng tiền. Điều này hiện diện trong lẽ phải thông thường như một định luận: Nguyễn Du lên án, căm ghét đồng tiền với những chứng lí tưởng khó lòng bác bỏ:

                                            Một ngày lạ thói sai nha

                                      Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

                                             Trong tay sẵn có đồng tiền

                                       Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì.

      Còn nhớ lời bình luận của một nhà phê bình bậc thầy: Quan lại, sai nha vì tiền mà cướp phá gia đình Thúy Kiều ngang nhiên, quan tòa ăn tiền, bọn đầu trâu mặt ngựa vì tiền mà buôn thịt bán người...cả một xã hội vì tiền. Cứ như những người lương thiện tử tế xưa nay sống được mà không cần đến tiền. Điều này có lí do của nó. Xã hội chuyên chế phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam) lấy Nho giáo làm quốc giáo, trên phương diện giáo lí vốn kì thị với đồng tiền. Nhà nho trên phương diện lí thuyết đề cao triết lí an bần lạc đạo, dị ứng với những gì thuộc nhu cầu vật chất, những nhu cầu bản năng chính đáng của con người, họ sống theo lối tiết dục, Đạo giáo theo tinh thần quả dục, Phật giáo theo tinh thần diệt dục. Tất cả chỉ hướng tới một thứ dục mang màu sắc hướng thượng, khổ hạnh, có mặt phản nhân văn đó là dục ngộ đạo. Nhưng trên phương diện thực tế, thực hành thì lại khác. Chính điều này gây nên tấn bi hài kịch của nhân cách nhà nho và hệ tư tưởng quan lại thời trung đại. Tư tưởng của giai cấp thống trị bao giờ cũng là tư tưởng thống trị thời đại (Mác).Tư tưởng này đi cả vào ca dao dân ca của người bình dân:

                                  Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo

                          Nghèo tiền nghèo bạc không cho là nghèo.

      Câu này, ngày nay có lẽ nên đổi lại là:

                               Nghèo nhân nghèo nghĩa phải lo

                         Nghèo tiền nghèo bạc phải cho là nghèo.

cho chuẩn xác.

      Dấu tích ngôn ngữ cho thấy một mặt, người Việt Nam ta dị ứng với nghề buôn bán, kì thị với sự giàu có (Tệ như chó mới có mà ăn, Thật thà cũng thể lái trâu..., duy nhất những người làm nghề buôn bán bị gọi là con buôn...): mặt khác lại lấy kim tiền làm tiêu chí cao nhất trong các thang bậc của giá trị (thời đại hoàng kim, tấm lòng vàng, bàn tay vàng...); cho mãi đến sau thời đổi mới một thời gian, chúng ta mới thay đổi quan niệm (gọi những người làm nghề buôn bán này là doanh nhân, lại có cả ngày Doanh nhân Việt Nam). Chẳng hiểu có phải vì áp lực truyền thống này không mà khi Truyền hình Việt Nam cho trình chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc vốn nguyên bản chữ Hán rành rành là Thương đạo (đạo của người làm nghề buôn bán) nhà đài lại dịch là Thương gia? Cần phải thấy rằng việc phát minh ra đồng tiền là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại. Nó làm cho việc thông thương mua bán thuân lợi, giản tiện đi rất nhiều. Thử tưởng tượng, ngày nay nếu cứ trao đổi thương mại theo cách của nhân loại trước khi đồng tiên, vật ngang giá chung xuất hiện tình hình sẽ thế nào? Vô cùng phiền toái. Nguyễn Du không theo lẽ phải thông thường của thời đại. Ông nhìn thấy mặt trái và cả mặt phải của đồng tiền. Nó tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực là tùy thuộc vào người làm ra sử dụng nó. Đồng tiền trong tay người tử tế sẽ có tác dụng tốt với đồng loại. Thúc Sinh, Từ Hải dùng tiền để chuộc Thúy Kiều khỏi lầu xanh, Thúy Kiều từng trả ơn Giác Duyên ngàn vàng gọi chút lễ thường, trả ơn Thúc Sinh gấm trăm cuốn, bạc ngàn cân đó sao? Đồng tiền trong tay phường lưu manh bất nhân, bất nghĩa (Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh), bọn quan lại bất lương sẽ gây đau khổ cho đồng loại và phá hỏng cả tư cách người của chúng. Đó mới là Nguyễn Du.

      Lại nữa, xưa nay, nhiều người hết lời ca ngợi là Thúy Kiều nhân vật kết tinh cao nhất cho phẩm hạnh, tài năng, sắc đẹp của con người. Điều này chỉ đúng có một nửa. Thúy Kiều cũng có những hạn chế, những mặt xấu, bởi nàng là một con người. Mà đã là con người thì nhân vô thập toàn. Nguyễn Du gọi là thói nữ nhi thường tình (Từ rằng tâm phúc tương tri - Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình). Khi trốn khỏi nhà Hoạn Thư, nàng từng lấy cắp chuông vàng khánh bạc nhà này. Điều này có thể thông cảm phần nào vì nàng đang trong hoàn cảnh bí bách đến cùng cực. Nhưng khi nàng đã là phu nhân của đại vương Từ Hải mà vẫn tham lam vô độ về tiền bạc thì thật đáng trách.. Nàng đã ăn của đút lót, hối lộ của Hồ Tôn Hiến (Lại riêng một lễ với nàng-Hai tên thể nữ, ngọc vàng ngàn cân). Nhà nghiên cứu Phan ngọc đã phân tích rất kĩ về sự kiện này trong Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nguyễn Du nhìn con người và cuộc đời thật thấu cận nhân tình.  



      4. Sự kết hợp năm yếu tố cơ bản trong cảm thức nghệ thuật của Nguyễn Du thành một chỉnh thể nghệ thuật, vừa tương sinh vừa tương khắc làm nên gương mặt tư tưởng riêng của Nguyễn Du. Được như vậy, theo chúng tôi, là nhờ bản lĩnh văn hoá Tài- Tình của một nhân cách văn hoá của Con Người có con mắt trông suốt sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới ngàn đời có tên là Nguyễn Du. Phải chăng đây cũng chính là sự khoan dung, tích hợp, tiếp biến văn hoá của bản lĩnh văn hoá Việt Nam ? Nguyễn Du tranh biện, cãi lại Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo... bởi chính ông cũng là một Tiểu Hoá công.

1 nhận xét: