Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Bài Học Kinh Thánh-III

Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 30 (Ru-tơ 3:17)
Chúng ta đã thấy Bô-ô bảo đảm với Ru-tơ rằng ông thật sự sẽ chuộc nàng, sẽ cưới nàng nếu người bà con gần hơn ông không dụng lấy cơ hội nầy cho người đó. Ru-tơ trở vào thành Bết-lê-hem vào lúc sáng sớm, và mẹ chồng nàng hỏi nàng rằng: "Có phải con gái ta chăng?"
Trong bài học vừa rồi chúng ta đã thấy, nói theo nghĩa thuộc linh, mỗi người trong chúng ta đều phải đối diện với câu hỏi nầy khi chúng ta đến với thập tự giá của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta là ai? Chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi mình khi đứng trước thập tự giá bởi vì lòng không tin, bởi vì sự cứng cỏi của tội lỗi hay chúng ta được thay đổi trở thành người mới? Chúng ta có được sanh lại không? Chúng ta có trở thành công dân trong vương quốc của Chúa Cứu Thế? Chúng ta có giao thác ý riêng, đời mình cho Chúa Cứu Thế không? Chúng ta đã ăn năn tội lỗi của mình và đã trở nên người mới chưa? Ðây là câu hỏi quan trọng mà mỗi chúng ta đều phải đối diện.
Tiếp tục chúng ta sẽ thấy trong câu 16 sau khi Na-ô-mi hỏi: "Có phải con gái ta chăng? Ru-tơ thuật cho người mọi điều Bô-ô đã làm cho mình". Dĩ nhiên đây là câu nói hợp lý mà chúng ta tìm thấy trong bối cảnh lịch sử nầy. Ðây là thời điểm rất quan trọng đối với Ru-tơ, tương lai của nàng bây giờ được bảo đảm. Nàng đã chọn đi con đường rất nguy hiểm, dám vào sân đạp lúa, nằm dưới chân của Bô-ô rồi xin ông cưới nàng. Ông có thể đuổi nàng đi, ông có thể cho rằng nàng mặt dày. Thật không đúng cho nàng làm cách nầy nhưng mọi việc trở nên rất thành công, bây giờ nàng kể cho mẹ chồng tất cả những gì đã xảy ra. Thật ra trong câu nầy chúng ta tìm thấy một hình bóng rất đẹp.
Ðiều gì xảy ra cho người được cứu? Ðể minh họa điều nầy tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Giả sử, bạn là một người vợ nội trợ và bạn sống vào thời chưa có máy giặt. Cách tốt nhất để giặt quần áo là dùng bàn chải cứng như chúng ta thường quen thuộc. Cách nay nhiều năm trước khi có máy giặt, quần áo thường được trải ra để được chà xát những chỗ dơ trên quần áo. Ðây là một công việc cực nhọc, một công việc được xem như người làm không vui gì khi làm.
Giả sử có một người bán máy giặt đến nhà bạn, ông ta mang theo một chiếc máy giặt để biểu diễn cho bạn xem và sẽ bán cho bạn một giá bình thường mà bạn có khả năng mua được. Sau đó ông chỉ dẫn cho bạn cách sử dụng rất đơn giản, để quần áo vào chỗ nầy rồi nhấn nút, khi nước chảy vào bạn sẽ để xà phòng vào và ngồi xuống ghế dựa để đọc sách, tưới hoa hay làm công việc gì đó mà bạn thích. Sau đó một hồi bạn sẽ trở lại chiếc máy giặt và quần áo bây giờ đã được sạch, bạn chỉ cần phơi lên thì công việc của bạn sẽ hoàn tất. Bạn mua chiếc máy ấy bởi vì nó giúp bạn cắt giảm rất nhiều công sức làm việc mà bạn và những người vợ nội trợ khác đã phải làm với chiếc bàn chải giặt.
Lòng bạn thích thú biết bao khi việc nầy xảy ra, nhưng bạn sẽ không nói cho ai biết về điều nầy. Chỉ giữ nó cho riêng bạn và đợi đến lúc nửa đêm bạn sẽ bí mật giặt quần áo của bạn bằng chiếc máy nầy phải không? Không, sự việc sẽ không xảy ra như vậy, chắc chắn là không. Nếu bạn mua chiếc máy đó và khám phá ra rằng nó rất ích lợi, việc đầu tiên mà bạn sẽ làm là gọi bạn hữu của bạn đến để kể cho họ nghe hết về chiếc máy giặt kỳ diệu nầy. Bạn sẽ mời bạn hữu đến để bạn biểu diễn cho họ xem. Bạn vui mừng lắm vì việc nầy xảy đến với bạn. Bạn sẽ ao ước tất cả bạn bè của bạn có được chiếc máy giặt tuyệt vời nầy hầu cho họ cũng có thể giặt quần áo như cách của bạn.
Ðây chỉ là một bức tranh nhỏ về việc xảy ra khi chúng ta được sanh lại. Nếu chúng ta thật sự được sanh lại, nếu chúng ta thật sự trở nên con cái Ðức Chúa Trời, điều không thể xảy ra được là chúng ta chỉ thỏa mãn cho chính mình. Chúng ta không thể giữ điều nầy bí mật được. Chúng ta sẽ nóng lòng mong muốn kể cho người khác về điều nầy. Vì vậy chúng ta sẽ bắt đầu kể cho con cái chúng ta, cho chồng hay vợ, cho bạn thân nhất hay người hàng xóm về việc tuyệt vời xảy ra trong đời sống của chúng ta. Chúng ta từng ở trong tuyệt vọng, từng sợ hãi vì cớ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta từng run sợ về địa ngục, về sự phán xét mà bây giờ chúng ta biết được tội lỗi của mình được tha thứ. Bây giờ chúng ta biết rằng mình đã trở nên con cái của Ðức Chúa Trời.
Có lẽ chúng ta không thể kể hết chi tiết như bà nội trợ không thể mô tả hết được chiếc máy giặt hoạt động làm sao. Bà không biết được hết những bộ phận được lắp ráp như thế nào. Tất cả những gì bà biết đó là bỏ quần áo vào và khi lấy ra thì đã sạch. Bao nhiêu đó là đủ rồi. Cũng vậy, chúng ta không biết chúng ta được cứu thế nào. Có lẽ chúng ta không biết hết chi tiết về câu chuyện Chúa Giê-xu lên thập tự giá. Tất cả những gì chúng ta biết được đó là trước kia chúng ta không được cứu nhưng bây giờ chúng ta biết được tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ. Bây giờ chúng ta biết chúng ta là con cái của Ðức Chúa Trời. Làm sao Ðức Chúa Trời có thể làm việc nầy cho tôi? Tôi không biết chắc, tôi chỉ biết tôi trở thành con cái của Ðức Chúa Trời.
Rồi chúng ta sẽ bắt đầu làm chứng dù chúng ta biết rất ít về Kinh Thánh. Ban đầu câu Kinh Thánh duy nhất mà chúng ta có thể nói về là Giăng 3:16, Ðức Chúa Trời tuyên bố: "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời." Có thể đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi chúng ta mới được cứu. Nhưng vì cớ chúng ta muốn mô tả thêm cho người khác về tính chất căn bản của sự cứu rỗi, dĩ nhiên chúng ta sẽ ăn nuốt lời của Chúa. Chúng ta sẽ đào sâu vào lời Kinh Thánh hầu cho chúng ta có thể biết thêm về Cứu Chúa tuyệt vời là Ðức Chúa Trời đời đời đã cứu chúng ta. Nhờ vậy chúng ta biết càng thêm về sự cứu rỗi lạ lùng mà Ðức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta. Ðây là điều mà chúng ta mong đợi từ những người được sanh lại.
Thực tế, Ðức Chúa Trời giao cho chúng ta công việc một khi chúng ta được cứu: Chúng ta là đại sứ của Ngài mang Tin Lành ra cho thế giới. Ðây là sự vinh hạnh, là cơ hội cho chúng ta dâng đời sống mình trong công việc hầu việc Chúa. Chúng ta sẽ dùng sức lực, thì giờ, tiền bạc và của cải của chúng ta để Tin Lành có thể được rao giảng. Bởi vì chúng ta đã tìm được một giải pháp tuyệt vời cho nan đề khó khăn nhất trong đời sống nên bây giờ chúng ta sẵn sàng để chia xẻ lại cho người khác. Ðây là điều được ám chỉ ở đây trong Ru-tơ 3:16, "Ru-tơ thuật cho người mọi điều Bô-ô đã làm cho mình".
Trong câu 17, Ru-tơ đặc biệt nhấn mạnh sáu đấu lúa mạch mà ông cho nàng. "Rồi tiếp rằng: Người có cho tôi sáu đấu lúa mạch nầy, mà rằng: Nàng chớ trở về cùng bà gia hai tay không". Chúng ta tự hỏi, tại sao nàng nhấn mạnh điều nầy? Nàng có thể mắc cở bởi vì Bô-ô nói với nàng: Hãy đưa ta áo tơi của nàng. Rồi ông lường sáu muỗng hay sáu tách gì đó đầy lúa mạch để đổ từ túi nầy đến túi khác rồi để áo lại trên nàng. Theo bối cảnh lịch sử điều nầy có thể xảy ra như vậy. Cả Bô-ô, Ru-tơ và Na-ô-mi đều hiểu đây là một dấu bày tỏ rằng từ nay những gì Bô-ô làm chủ cũng thuộc về Ru-tơ. Thật vậy, ông sẽ cưới nàng theo luật lệ của Kinh Thánh và cả hai sẽ trở nên một thịt. Vì thế, những gì Bô-ô làm chủ thì Ru-tơ cũng làm chủ.
Bạn có nhớ khi Ru-tơ mót lúa trong ruộng, nàng làm việc cho chính nàng. Nàng không có mối liên hệ gì với Bô-ô. Vâng Bô-ô đối xử tử tế với nàng một cách đặc biệt, ông kiên nhẫn với nàng, nhưng công việc nàng làm là cho chính nàng. Nàng đi lượm những gì bị làm rớt bởi những con gặt rồi nàng phải đập lúa ra bằng sự cố gắng của nàng. Kết quả nàng có được một số lúa để mang về nhà cho mẹ chồng là Na-ô-mi. Nhưng khi Bô-ô lường sáu đấu lúa mạch cho nàng, số lúa nầy Ru-tơ không khó nhọc làm ra. Nàng đã không trồng, không chăm sóc, không gặt, không làm gì với số lúa nầy. Chúng ta đã thấy trong bài học vừa rồi đây là hình ảnh về sự cứu rỗi.
Ðức Chúa Trời dựng nên thế giới nầy trong sáu ngày rồi Ngài nghỉ. Sáu ngày nầy chỉ về công việc mà Chúa Cứu Thế làm trên thập tự giá để cung cấp cho chúng ta sự cứu rỗi. Ngài bước vào sự nghỉ ngơi thuộc linh khi Ngài làm xong công việc cứu chuộc. Công việc của Chúa Cứu Thế làm trên thập tự giá đem đặt trên chúng ta. Ngài cất lấy đồ mặc, đồ che đậy bằng giá trị của chính chúng ta, bằng công việc lành của chúng ta và nói rằng nó không thể cứu ngươi được, rồi Ngài thay thế bằng công việc của Ngài làm để cứu chúng ta.
Áo của Ru-tơ bây giờ được đổ đầy bằng kết quả của Bô-ô, kết quả nầy không liên quan gì đến việc làm của Ru-tơ. Cũng vậy, Chúa Cứu Thế mặc cho chúng ta đồ mặc mà chúng ta không làm ra. Ðồ mặc đó là công việc lên thập tự giá của Chúa Cứu Thế để đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Như chúng ta đã thấy sáu ngày sáng tạo làm kiểu mẫu cho việc nầy. Ðó là lý do chúng ta thấy số sáu được nhấn mạnh ở đây. Chúa kêu gọi sự chú ý của chúng ta qua sự kiện đặc biệt nầy trong lịch sử nên Ru-tơ nhấn mạnh: "Người có cho tôi sáu đấu lúa mạch nầy, mà rằng: Nàng chớ trở về cùng bà gia hai tay không." Nói về thuộc linh, chúng ta được bao phủ bằng áo công bình của Chúa Cứu Thế, được che đậy bởi công việc của chính Chúa Giê-xu làm hầu cho chúng ta có thể bước vào sự yên nghỉ.
Chúng ta đọc trong 2Cô-rinh-tô 5:21, "Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời." Bạn thấy không? chúng ta được trở nên công bình trước mặt Ðức Chúa Trời. Ðó là phước hạnh mà chúng ta được đổ đầy. Chúng ta đứng trước mặt Ðức Chúa Trời giống như chúng ta chưa hề phạm tội. Sự công bình của Chúa Cứu Thế được đổ trên chúng ta. Vì vậy chúng ta không còn tay không. Chúng ta nhớ trong Ru-tơ 2:12, "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn." Ðiều nầy có nghĩa món quà ân điển của Ngài bao gồm tất cả mọi sự được ban cho chúng ta.
Chúng ta được đầy tràn ơn phước và những ơn phước đó tuôn tràn ra từ chúng ta. Trong Giăng 7:38, "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy." Dĩ nhiên sông nước hằng sống được nói đến ở đây là Tin Lành chảy ra từ chúng ta bởi vì chúng ta đã được cứu. Chúng ta thỏa mãn với ơn phước từ nơi Chúa và dĩ nhiên là ơn phước thuộc linh. Thật vậy, Tin Lành sẽ tuôn tràn ra từ chúng ta khi chúng ta chia xẻ với người khác. Tôi nghĩ những điều đó được ám chỉ ở đây khi Ru-tơ trở về với sáu đấu lúa mạch. Nàng không về tay không, nàng là hình bóng về những người đã đến tại chân thập tự giá và được đổ đầy ơn phước cứu rỗi.
Tiếp tục câu 18, "Na-ô-mi nói rằng: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết công việc xoay thế nào; vì nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu." Lần nữa, như chúng ta đã thấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong ẩn dụ thuộc về lịch sử nầy. Có một thực tế theo nghĩa lịch sử ở đây không có lý chút nào. Làm sao Na-ô-mi biết rõ Bô-ô mà bà có thể bảo đảm Ru-tơ rằng "nếu ngày nay việc nầy chưa rồi thì người ấy chẳng nghỉ đâu" ? Có một số chi tiết cần phải làm. Trước hết Bô-ô phải đi đến nói với người bà con kia về ý định muốn cưới Ru-tơ để trở nên người chuộc sản nghiệp cho nàng. Ông cũng phải để cho người kia suy nghĩ, bởi vì người kia có quyền ưu tiên.
Na-ô-mi nói như vầy thì có lý hơn: Ru-tơ, con được bảo đảm rằng hoặc Bô-ô hay người kia sẽ là người chuộc sản nghiệp cho con. Vì vậy con không còn phải lo sợ gì nữa, hãy kiên nhẫn, có thể chuyện nầy kéo dài vài ngày, vài tuần hay có khi vài tháng bởi vì vấn đề nầy không đơn giản. Bô-ô cũng phải để cho người kia có thì giờ suy nghĩ, có thể ông sẽ đến thăm con để làm quen hầu cho ông có thể quyết định là cưới con hay không. Con sẽ không bị hụt đâu, con sẽ có được sản nghiệp, sẽ có tương lai. Con không còn gì phải lo lắng nữa. Ðó là điều mà chúng ta mong đợi, nhưng ở đây chúng ta thấy Na-ô-mi bảo Ru-tơ chuyện nầy sẽ hoàn tất trong ngày hôm nay. Thêm một lần nữa chúng ta nói không có lý theo bối cảnh lịch sử chút nào.
Ðừng cho là sự kiện trong lịch sử nầy không đúng hay là tác giả của sách nầy lầm lẫn. Không, chuyện đó không thể xảy ra được. Bạn thấy đây là Lời của Ðức Chúa Trời, tất cả những gì trong Kinh Thánh đều chính xác, chắc chắn, đáng tin cậy. Thực tế, Ðức Thánh Linh đã hướng dẫn Na-ô-mi nói câu nầy bởi vì Ðức Chúa Trời dùng những lời nói của Ru-tơ, Na-ô-mi, Bô-ô để dẫn chúng ta đến một lẽ thật thuộc linh sâu sắc tuyệt vời hơn. Ðức Chúa Trời đã ghi lại cuộc đối thoại nầy để chúng ta thấy thêm một lẽ thật thuộc linh. Trong bài học tới chúng ta sẽ học câu 18, lúc đó chúng ta sẽ quyết định xem áp dụng thuộc linh gì chúng ta tìm thấy ở đây.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 31 (Ru-tơ 3:18)
Sau khi Ru-tơ trở về với Na-ô-mi và kể cho Na-ô-mi tất cả những gì đã xảy ra thì "Na-ô-mi nói rằng: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết công việc xoay thế nào vì nếu ngày nay việc này chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu" (3:18). Trong phần kết luận của bài học vừa rồi chúng ta đã thấy theo sự kiện lịch sử thì không có lý chút nào.
Làm sao Na-ô-mi biết được rằng trong ngày đó Bô-ô sẽ tìm gặp người bà con gần có quyền ưu tiên hơn để tìm hiểu xem có chịu cưới Ru-tơ hay không, rồi ông sẽ cho cả làng biết rằng ông muốn cưới Ru-tơ? Làm hết tất cả những việc nầy trong một ngày thật không có lý, nhưng chúng ta biết rằng điều nầy đã xảy ra. Qua câu nói của Na-ô-mi Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh.
Chúng ta hãy tìm hiểu xem những chữ nầy thật sự có nghĩa gì. Ru-tơ, con hãy yên lòng, tất cả những gì con tìm kiếm sẽ xảy ra cách này hay cách khác. Con không cần phải làm gì để việc nầy sẽ xảy ra. Con hãy "ở" đó và chờ đợi sự việc sẽ xảy ra như thế nào. Ðây là bức tranh về loài người. Chúng ta không thể làm gì để làm cho sự cứu rỗi của chúng ta có hiệu lực. Hoặc, khi chúng ta biết sự cứu rỗi của chúng ta đã được bảo đảm thì không cách nào chúng ta có thể gấp rút hoàn tất chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời được. Chúng ta chỉ ở đó chờ đợi Chúa.
Rồi bà nói: "Ðể đợi xem cho biết công việc xoay thế nào". Chữ "công việc" bằng tiếng Hê-bơ-rơ nầy trong Cựu Ước thường được dịch "lời". Thực tế, chữ nầy được dịch là "công việc" 63 lần nhưng được dịch là "lời" 770 lần. Cho nên chúng ta có thể đọc câu nầy như vầy: Hãy ở đó để xem "lời" được ứng nghiệm như thế nào. Theo ý nghĩa thuộc linh, "lời" gì được hoàn tất để chúng ta có thể biết được đâu là chân lý? Dĩ nhiên đó là "lời" của Ðức Chúa Trời phải không? Có một vấn đề ở đây trong câu 18 nầy. Có hai người có thể chuộc Ru-tơ, người kia thì chúng ta chưa gặp và chúng ta cũng chưa quyết định ý nghĩa thuộc linh về người đó là gì nữa.
Chúng ta xem lại câu 12 Bô-ô bảo Ru-tơ: "Song có một người khác lại bà con gần hơn ta", rồi ông nói trong câu 13: "Nếu người kia muốn chuộc sản nghiệp nàng lại, thì người buộc phải làm; còn nếu như người không đẹp lòng chuộc sản nghiệp nàng lại". Ðó là vấn đề cần phải được xem xét. Bô-ô đã bảo đảm với Ru-tơ rằng ông sẽ là người chuộc sản nghiệp nàng lại, nhưng có một người khác bà con gần hơn ông, có quyền ưu tiên hơn trong việc chuộc sản nghiệp.
Vấn đề đó cần được quyết định xem ai là người chuộc sản nghiệp. Theo câu 18 có nghĩa là: Hãy xem "lời" được hoàn thành như thế nào. Lời đây là lời của Ðức Chúa Trời để phán quyết xem ai sẽ là người chuộc sản nghiệp. Khi học đến chương 4, chúng ta sẽ thấy thế nào điều nầy sẽ ăn khớp một cách chính xác. Chúng ta sẽ không bàn sâu về vấn đề nầy vì chúng ta đang học chương 3 bởi vì chương 4 sẽ mở ra cho chúng ta một cái nhìn rộng hơn. Chúng ta sẽ thấy ai là người chuộc sản nghiệp và lời của Ðức Chúa Trời phán quyết vấn đề nầy như thế nào.
Bây giờ thì chúng ta chỉ tìm ra ý nghĩa của câu 18. Hãy ở đây và đợi xem lời của Ðức Chúa Trời cho chúng ta biết ai sẽ là người chuộc sản nghiệp cho chúng ta. Có phải người kia là người chuộc sản nghiệp hay Chúa Cứu Thế sẽ là người chuộc sản nghiệp của chúng ta? Có lẽ bạn sẽ thắc mắc làm sao ý nghĩa nầy hài hòa với nhau được. Xin hãy kiên nhẫn, chúng ta sẽ sớm học đến phần nầy.
Rồi chúng ta đọc tiếp "vì nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu". Một lần nữa theo bối cảnh lịch sử chúng ta đã thấy mong đợi điều nầy nơi Bô-ô là quá đáng. Chỉ trong một ngày sau khi Ru-tơ xin ông cưới nàng thì cả vấn đề sẽ được hoàn tất. Nhưng theo ý nghĩa thuộc linh chúng ta sẽ thấy điều mà Ðức Chúa Trời nói ở đây.
Chữ "việc" ở đây là cùng một chữ được dịch là "công việc" trong phần trước của câu nầy. Thêm một lần nữa, chữ "lời" được nhìn thấy ở đây. Cho nên chúng ta có thể đọc câu 18 như thế nầy: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết "lời" sẽ được hoàn thành như thế nào; vì nếu ngày nay "lời" nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu.
Ðức Chúa Trời có một kế hoạch cứu rỗi, và Ngài quyết định rằng kế hoạch cứu rỗi nầy sẽ được thực hiện. Ðiều nầy đã được hoạch định trong trí của Ngài trước khi sáng thế. Nhưng cho đến khi Chúa Cứu Thế lên thập tự giá để đền trả cho tội lỗi của chúng ta thì chương trình cứu rỗi của Ngài chưa được hoàn thành.
Lời Ngài công bố sự cứu rỗi cho thế giới, cho những người tin nhận nơi Ngài sẽ được hoàn tất khi Chúa Cứu Thế trả xong tội lỗi cho những người được chọn mà Ngài dự dịnh cứu. Cho đến khi chương trình cứu những người được chọn hoàn tất thì Ngài sẽ không nghỉ đâu. Không gì có thể ngăn trở Ðức Chúa Trời thực hiện mục đích của Ngài.
Chúng ta đã học xong chương 3, bây giờ sẽ tiếp tục chương 4. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người bà con kia. "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó." Theo bối cảnh lịch sử, Ru-tơ đã về nhà vào sáng sớm, Bô-ô đã hứa sẽ cưới nàng, không ai biết được điều đó. Bây giờ, cùng trong ngày đó Bô-ô sẽ tìm hiểu nhanh về việc người bà con kia có thích Ru-tơ không. Thật không có lý khi tất cả công việc xảy ra trong một ngày như vậy, nhưng đây là việc đã xảy ra thật và được ghi lại trong lịch sử.
Có lẽ vì Ru-tơ là người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả cho nên chuyện người bà con kia cưới nàng là chuyện xa vời. Việc nầy không cần phải suy nghĩ lâu dài. Dù lý do thế nào đi nữa trong việc thực hiện vấn đề nầy nhanh chóng thì cũng nằm trong ý định của Ðức Chúa Trời hướng dẫn Bô-ô trong việc nầy.
Khi chúng ta xem xét ý nghĩa thuộc linh của nó thì chúng ta mới bắt đầu thấy được tại sao việc nầy đã xảy ra trong lịch sử và ghi lại cho chúng ta. Ở đây chúng ta đọc: "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó." Cửa thành là nơi xét xử việc tranh tụng. Nhiều lần chúng ta đọc thấy vua ngồi tại cửa thành để xử việc nầy việc kia. Ðây là nơi những người già cả đến để xét xử những việc liên quan đến thành của họ, việc nầy không có gì là lạ cả, "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó". Trong Kinh Thánh chữ ngồi thường chỉ đến việc cai trị hay phán xét vấn đề. Chúa Giê-xu ngồi bên hữu của Ðức Chúa Trời để cai trị mọi vật không chỉ thời đại nầy mà thôi thời đại đang đến nữa. Bô-ô đang ngồi để phán đoán và cũng sẽ mời người bà con gần với Ru-tơ hơn Bô-ô.
Chúng ta đọc trong phần sau: "Bấy giờ, người có quyền chuộc sản nghiệp, mà Bô-ô đã nói đến, vừa đi qua; Bô-ô bèn nói rằng: Hỡi anh, hãy lại gần và ngồi đây. Người ấy bèn lại gần và ngồi." Chúng ta có hai người ngồi đây. Một điều lý thú trong ngôn ngữ ở đây là ông không gọi tên người bà con đó. Ông không nói tại sao người kia bà con gần hơn, ông không nói rõ ràng người nầy là ai. Ngôn ngữ nầy thật là lạ, dường như chi tiết nầy bị bỏ qua, không quan trọng, chúng ta ngạc nhiên về vấn đề nầy.
"Bô-ô bèn nói rằng: Hỡi anh, hãy lại gần". Có lẽ người bà con nầy đang đi ra ngoài thành để lại chỗ gặt lúa hay làm gì đó. Nhưng Bô-ô bảo rằng: Chúng ta có một việc quan trọng hơn, xin để công việc anh qua một bên. Ðây là vấn đề cần phải làm xong ngày hôm nay, xin ngồi xuống đây để giải quyết việc nầy. Rồi "Bô-ô bèn chọn mười người trong các trưởng lão của thành, mà rằng: Các ông hãy ngồi đây. Các trưởng lão bèn ngồi." Phiên tòa bây giờ đã ổn định.
Bạn thấy ở đây có Bô-ô, người bà con gần và mười người trưởng lão sẽ phán quyết việc nầy, họ sẽ làm chứng sự việc sẽ diễn ra hầu cho mọi việc điều hợp pháp và chính xác. Bô-ô có một câu hỏi rất quan trọng. Ông sẽ bày tỏ rằng ông tự nguyện làm người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ. Nhưng trước tiên ông muốn dành cơ hội chuộc sản nghiệp đó cho người bà con gần hơn. Mười người trưởng lão được mời ngồi xuống để phán quyết diễn tiến nầy.
"Ðoạn, Bô-ô nói cùng người có quyền chuộc sản nghiệp rằng: Na-ô-mi ở Mô-áp trở về, rao bán miếng đất của Ê-li-mê-léc, anh chúng ta." Chữ "rao bán" ở đây đúng ra phải dịch là "đã bán". Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc, họ bà con với người kia gần hơn với Bô-ô. Trong lúc nghèo khổ vì nạn đói kém xảy ra trong xứ hơn mười năm trước. Họ đã bán tất cả những gì họ có rồi đi đến xứ Mô-áp để tiếp tục sống, ở đó Ê-li-mê-léc qua đời và hai con trai cũng qua đời. Bây giờ bà góa Na-ô-mi vợ của Ê-li-mê-léc, Ru-tơ vợ của Mạc-lôn trở về. Bô-ô kể lại việc nầy cho người bà con kia và cho biết vấn đề khó khăn là thế nào.
Chắc chắn người bà con kia biết rõ Ru-tơ vì là bà con, ông biết rõ việc trở về của Na-ô-mi nhưng Ðức Chúa Trời chỉ rõ ra ở đây để đặt nền tảng cho sự việc theo sau. Na-ô-mi đã bán miếng đất của Ê-li-mê-léc là anh của họ. Na-ô-mi là người duy nhất thừa hưởng cơ nghiệp, dĩ nhiên có Ru-tơ trong đó nhưng bà là người đại diện cho gia đình. "Tôi muốn báo cáo cho anh hay và nói rằng: Tại trước mặt những người ngồi đây và trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, xin hãy mua sản nghiệp đó. Nếu anh muốn chuộc sản nghiệp đó lại, thì hãy làm đi; bằng không, thì hãy tỏ ra cho tôi biết. Vì trước anh chẳng ai có quyền chuộc lại, và sau anh, quyền này trở về tôi." Nói ngắn lại, ông dành quyền ưu tiên cho người anh em nầy chuộc lại sản nghiệp.
Theo luật lệ của Kinh Thánh chép trong Lê-vi-ký 25:25 "Nếu anh em ngươi trở nên nghèo, và bán một phần sản nghiệp mình, thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc phần đất anh em người đã bán." Nói cách khác, khi người Do Thái sở hữu miếng đất bị bắt buộc phải bán vì nghèo khổ, thì người bà con gần có quyền chuộc lại thay cho anh em mình hầu cho sản nghiệp đó cứ còn lại trong gia đình. Ðó là kế hoạch của Ðức Chúa Trời để phần đất đó còn trong gia đình cho đến ngày cuối cùng. Chúng ta sẽ thấy đây là hình ảnh của thế giới nầy khi chúng ta học đến ý nghĩa thuộc linh trong chương 4.
Câu hỏi đầu tiên mà Bô-ô hỏi người bà con đó là: Anh sẽ mua lại miếng đất mà gia đình Na-ô-mi đã bán không hầu cho nó còn lại trong gia đình? "Người đáp: Tôi sẽ chuộc." Ông ta không thấy khó khăn gì trong việc chuộc miếng đất lại. Câu 5, "Bô-ô lại nói: Khi mua ruộng bởi tay Na-ô-mi, anh cũng phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của kẻ chết, để nối danh của kẻ chết cho sản nghiệp người."
Ðây là một vấn đề khác hẳn đối với người bà con kia. Việc chuộc lại miếng đất thì không có gì là khó khăn, ông muốn làm chủ miếng đất trước kia thuộc về Ê-li-mê-léc, bây giờ thì thuộc về Na-ô-mi và Ru-tơ. Na-ô-mi và Ru-tơ là góa bụa không con, khi họ chết thì sẽ không còn ai để thừa hưởng sản nghiệp đó. Ðể giữ miếng đất đó, chắc chắn là ông ta muốn chuộc nó lại.
Nếu chuộc miếng đất mà phải cưới Ru-tơ là một vấn đề khác. Ru-tơ là người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả, không phải thuộc dòng máu của người Giu-đa là dòng dõi của Áp-ra-ham. Nàng chỉ là một người ngoại, nàng là loại người mà ông không lấy làm ưa thích. Cho nên chúng ta thấy ông trả lời ngay: "Người có quyền chuộc lại đáp rằng: Nếu vậy, tôi không chuộc lại được, e phải hủy hoại sản nghiệp của mình; xin hãy lấy về cho anh quyền chuộc lại của tôi, vì tôi không thế chuộc được". Ngay tức thì chúng ta thấy ông không muốn làm người chuộc sản nghiệp. Ông không muốn dính líu đến việc cưới Ru-tơ là người đàn bà bị rủa sả. Ðó là sự kiện trong lịch sử.
Trong bài học tới chúng ta sẽ trở lại để xem chúng ta có tìm ra được ý nghĩa thuộc linh từ sự việc nầy hay không. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có thể hiểu được Ðức Chúa Trời đang dạy gì qua bài học nầy. Chúng ta sẽ thật sự nhìn thật kỹ xem người bà con gần nầy là ai. Có lẽ bạn sẽ tự suy nghĩ xem về thuộc linh người bà con nầy là ai. Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta trong việc nầy.
Nhưng Ðức Chúa Trời, là Ðấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Ðấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ. (Ê-phê-sô 2:4-6)
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 32 (Ru-tơ 4:1-3)
Trong phần mở đầu của chương 4 chúng ta bắt đầu thấy vụ phân xử về vấn đề ai sẽ là người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ. Người đó là Bô-ô hay người bà con gần kia. Chúng ta đã thấy có một người bà con khác gần hơn Bô-ô có quyền ưu tiên chuộc lại sản nghiệp của Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn và Chi-li-ôn. Ðể làm hoàn tất việc nầy thì ông cũng được dành cho cơ hội ưu tiên cưới Ru-tơ. Người đó được ưu tiên nhưng nếu ông ta không muốn thì quyền chuộc sản nghiệp đó sẽ về Bô-ô. Bô-ô đang ngồi tại cổng thành và gọi người bà con đó cùng ngồi, ông cũng mời mười người trưởng lão của thành ngồi xuống để phân xử việc nầy.
Chúng ta hãy trở lại để bắt đầu khám phá ra lẽ thật thuộc linh chảy tràn ra từ những câu nầy. Ở đây chúng ta thấy Bô-ô đi lên cửa thành. Trong Kinh Thánh, cái cửa đại diện cho gì? Kinh Thánh chỉ rõ rằng Chúa Giê-xu là cái Cửa. Ngài là "Ðường Ði, Lẽ Thật và Sự Sống". Ngài là con đường duy nhất để chúng ta có thể bước vào vương quốc của Ðức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế cũng có sự liên quan mật thiết với Lời của Ðức Chúa Trời. Ngài là Lời của Ðức Chúa Trời. Chúng ta đọc trong Giăng 1:1 "Ngôi Lời trở nên xác thịt ở giữa chúng ta." Lời Ðức Chúa Trời cuối cùng sẽ phân xử tất cả những vấn đề liên quan đến sự thánh khiết và công bình.
Thực tế, Chúa Cứu Thế là quan tòa trong ngày cuối cùng khi Ngài trở lại trong vinh hiển và quyền năng để phán xét thế gian. Bạn có bắt đầu thấy được sự liên quan mật thiết giữa Chúa Cứu Thế và Lời Ðức Chúa Trời không? Chúng ta đọc trong Giăng 12:48, "Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi; lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng". Ðứng trước Lời của Ðức Chúa Trời chúng ta được phân xử là đã làm điều xấu hay tốt. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi Kinh Thánh chép Bô-ô đi đến cửa thành. Nói theo thuộc linh, chúng ta đứng trước sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, của Lời Ðức Chúa Trời để bị phân xử. Ở đây ai sẽ bị phân xử trước? Trước hết chúng ta đọc về người bà con gần kia. Người bà con gần kia là ai mà quá bận rộn với nhiều công việc đến nỗi được bảo hãy ghé lại và ngồi đây?
Chúa Cứu Thế phải trở nên xác thịt để trở thành người bà con của chúng ta. Nhưng Chúa Cứu Thế chính là Ðức Chúa Trời. Ðể trở thành người bà con của chúng ta, người chuộc chúng ta, Ngài phải trở nên giống như chúng ta trong mọi sự, trừ ra Ngài không có tội. Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên Ngài. Bởi vì loài người phạm tội vì thế người chuộc tội của chúng ta phải là con người.
Thật ra có một người khác bà con với chúng ta gần hơn Chúa Cứu Thế, đó là loài người. Loài người không cần phải trở thành loài người, họ đã là loài người. Họ là người đầu tiên được nghĩ đến trong việc chuộc cho nhau ra khỏi số phận khủng khiếp mà chúng ta đang ở. Chúa Cứu Thế dạy chúng ta: "Hãy yêu kẻ thù nghịch." Ngài dạy chúng ta điều nầy khi Ngài là người chuộc chúng ta, khi chúng ta là kẻ thù nghịch của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta nhiều lắm đến đỗi phó mạng sống Ngài hầu cho chúng ta được cứu. Ngài không yêu chúng ta khi chúng ta là bạn. Ngài không yêu chúng ta khi chúng ta là con cái Ngài. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta vẫn còn trong tội lỗi mình. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là kẻ thù. Ngài đến với con người và bảo rằng: "Hãy yêu kẻ thù nghịch".
Luật lệ trong Kinh Thánh là luật ban cho cả nhân loại. Trừ khi chúng ta không được cứu, chúng ta sẽ không quan tâm gì đến luật lệ trong Kinh Thánh. Chỉ những người thật được sanh lại mới bắt đầu thật sự yêu kẻ thù mình. Chúng ta đọc trong Ma-thi-ơ 22:39 "Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình". Ðiều mà chúng ta mong muốn đó là chúng ta sẽ không đối diện với ngôi phán xét của Ðức Chúa Trời. Cùng một mong muốn như vậy đòi hỏi nơi mỗi đời sống con người. Ðó là phải mong muốn cho người hàng xóm, bạn bè, người thân, sẽ không đối diện với cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu diễn tả bằng cách khác trong Giăng 15:13 "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình." Ngài cũng phán trong một chỗ khác, "Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình" (Lu-ca 6:32). Chúng ta thấy có vài loại tình thương trên thế giới, bởi vì dưới ân điển của Ðức Chúa Trời, Ngài kềm giữ con người trong một mức độ nào đó hầu cho con người không sống một đời sống kinh khủng trong sự giận dữ, thù ghét, giết người, là thực tế của bản chất con người. Chúng ta sẽ tự hủy diệt mình nếu Ngài để tự chúng ta làm gì thì làm.
Ðức Chúa Trời ngăn chặn tội lỗi nên chúng ta thấy có tình thương. Tình thương của cha mẹ cho con cái, con cái đối với cha mẹ, bạn đối với bạn. Hai quốc gia có thể sống hòa bình với nhau nếu có tính trung lập giữa họ. Chúng ta có câu tục ngữ: Anh gãi lưng tôi thì tôi sẽ gãi lại lưng anh. Ðó là tình thương dành cho người thương chúng ta, nhưng đó không phải là tính chất của tình thương mà Ngài nói đến. Ngài muốn chúng ta quan tâm đến sự cứu chuộc cho người đồng loại. Tình thương đó dành cho người không đáng thương. Tình thương dành cho người không thương mình.
"Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi", "Hãy chúc phước cho người rủa sả". Ðây là ngôn ngữ mà Ðức Chúa Trời ban cho con người ngụ ý đến chỗ đứng của chúng ta đối với người đồng loại. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi Chúa Cứu Thế đến với chúng ta sau khi chúng ta được cứu với mạng lệnh trong Giăng 13:24 . "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau." Trước khi được cứu chúng ta không hiểu rằng chúng ta phải yêu những người không đáng yêu. Lời tuyên bố nầy nói thẳng với con người: Con người phải có trách nhiệm đối với đồng loại, mong muốn điều tốt nhất cho nhau. Có một người có thể làm người chuộc sản nghiệp được, còn tất cả chúng ta thì không thể bởi vì không chỉ chúng ta chán ghét Ðức Chúa Trời mà chính chúng ta không đủ tiêu chuẩn. Chúng ta có tội lỗi của chính chúng ta.
Người có đủ tiêu chuẩn chuộc sản nghiệp đó là A-đam. Khi Ê-va phạm tội, khi Ê-va phản loạn chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời thì A-đam chưa phải là tội nhân. A-đam vẫn còn là con cái của Ðức Chúa Trời, vẫn còn có mối liên hệ với Ðức Chúa Trời, chưa có tội lỗi ở trong ông. Vào thời điểm đó ông là người bà con gần nhất của Ê-va. Lúc đó ông có thể kêu xin với Ðức Chúa Trời rằng: Lạy Ðức Chúa Trời, vợ con đã phạm tội, xin Ngài hình phạt con vì cớ tội của nàng. Vì tội của nàng cho nên con tình nguyện chịu đựng bất cứ hình phạt nào, dù con phải đi địa ngục con cũng cam chịu. Nhưng A-đam đã làm gì khi Ê-va phạm tội? Ý tưởng nầy có trong trí ông không? Không, chúng ta đọc thấy ông cũng ăn trái cây đó nữa. Nghĩa là ông cũng phạm tội giống như vậy.
Từ đó trở đi trong dòng giống loài người, khi thấy có người phạm tội, thấy sự vui thú của họ khi họ làm điều tội thì chúng ta cũng bị cám dỗ muốn chạy theo chiều hướng đó. Ðây là bản chất của con người. Chúng ta không muốn trở thành người chuộc tội, chúng ta yêu mến tội lỗi mình và bị cám dỗ bởi nó.
Mỗi con người là người bà con gần với loài người hơn là Chúa Giê-xu. Trước hết Ðức Chúa Trời đến với nhân loại và hỏi rằng: Ngươi sẽ làm người chuộc được không? Nếu có thể được, ngươi có thương đồng loại mình nhiều đến nỗi hi sinh mạng sống của ngươi cho họ không? Chúng ta tìm thấy 3 phân đoạn trong Kinh Thánh nói về điều nầy. Trong Giê-rê-mi 4, Ðức Chúa Trời nói về cơn thạnh nộ của Ngài trên dân Y-sơ-ra-ên và thế gian bởi vì tội lỗi của họ. Ngài bày tỏ rằng họ sẽ phải bị phán xét. Rồi Ngài phán trong câu 1 của chương 5: "Hãy đi dạo các đường phố Giê-ru-sa-lem, và nhìn xem. Hãy dò hỏi tìm kiếm nơi các chợ, thử có thấy một người chăng, nếu có một người làm sự công bình, tìm sự trung tín, thì ta sẽ tha thứ cho thành ấy".
Ðức Chúa Trời phán một cách cẩn trọng rằng: Trước hết hãy tìm xem trong dòng giống loài người xem có ai "làm sự công bình", có ai làm theo ý của Ðức Chúa Trời, vâng theo lời Ngài. Nếu có tìm được một người như vậy trong nhân loại Ngài sẽ tha thứ cho thành ấy. Dĩ nhiên câu trả lời là không. Không có ai tự mình thánh thiện vâng giữ điều răn của Ðức Chúa Trời. Không ai giữ điều răn của Ngài để đủ tiêu chuẩn chịu đựng cơn thạnh nộ của Ngài tương đương với hình phạt trong địa ngục đời đời cho những người phạm tội.
Chỉ một mình Chúa Cứu Thế mới có đủ tiêu chuẩn bởi sự thánh khiết của Ngài, bởi thực tế Ngài là Ðức Chúa Trời và cũng là người. Nhưng trước khi Ðức Chúa Trời đến với Chúa Cứu Thế, Ngài đến với nhân loại, là người bà con gần hơn, xem có ai làm theo luật pháp của Ngài, tìm kiếm chân lý để Ngài sẽ tha thứ cho. Bạn có thấy sự song song với điểm đó trong chương 4 không? Rồi trong Ê-xê-chi-ên 22:29 Ðức Chúa Trời mô tả trình trạng tội lỗi của nhân loại như thế nầy: "Dân trong đất làm sự bạo ngược, phạm sự trộm cướp, khuấy rối kẻ nghèo nàn thiếu thốn, và ức hiếp người trú ngụ cách trái phép". Rồi Ngài phán trong câu 30: "Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không hủy diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai."
Thêm một lần nữa Ðức Chúa Trời nhìn vào loài người. Có người chuộc sản nghiệp trong vòng các ngươi không? Ta đã ban cho các ngươi điều răn là: Hãy yêu kẻ thù nghịch, ta đã bảo các ngươi dâng đời sống mình để phục vụ lẫn nhau, ta đã bảo các ngươi hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình. Ta đã ra lệnh cho các ngươi phải yêu những người không đáng yêu nhưng không một ai trong các ngươi làm điều nầy, cho nên ta sẽ hủy diệt các ngươi vì ta không tìm được một ai cả. Không có người nào trong vòng loài người sẽ tình nguyện làm điều mà Ðức Chúa Trời muốn.
Vì không tìm được người nào nên trong câu 31 Ðức Chúa Trời có cách giải quyết khác: "Vậy nên ta đổ cơn thạnh nộ trên chúng nó, và lấy lửa giận của ta đốt chúng nó; ta đã làm cho đường lối của chúng nó lại đổ về trên đầu chúng nó, Chúa Giê-hô-va phán vậy". Thật là khủng khiếp cho hoàn cảnh của loài người. Trong Ê-sai 63 chúng ta cũng gặp cùng một câu hỏi nhưng có một giải pháp tuyệt vời hơn trong Giê-rê-mi 5 và Ê-xê-chi-ên 22. Trong Ê-sai 63 Ðức Chúa Trời cho biết rằng có một người.
Khúc Kinh Thánh nầy mô tả về việc Chúa Cứu Thế sẽ gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đọc trong câu 2: "Áo ngươi có màu đỏ, áo xống của ngươi như của người đạp bàn ép rượu là vì sao?" Lời tuyên bố nầy hướng về Ðấng Mê-si sẽ đến. Rồi câu trả lời trong câu 3 và 4: "Chỉ một mình ta đạp bàn ép rượu, trong vòng các dân chẳng từng có ai với ta. Trong cơn giận ta đã đạp lên; đương khi thạnh nộ ta đã nghiền nát ra: máu tươi họ đã vảy ra trên áo ta, áo xống ta đã vấy hết. Vì ta đã định ngày báo thù trong lòng ta, và năm cứu chuộc của ta đã đến."
Ở đây nói về Ðấng Mê-si đến để gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi chúng ta. "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình." Giăng 15:13. Chúa Cứu Thế nhấn mạnh rằng Ngài là Ðấng Mê-si sẽ gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Rồi chúng ta đọc trong câu 5: "Ta đã xem, chẳng có ai đến giúp ta". Ðây là ngôn ngữ trong Giê-rê-mi 5:1 và Ê-xê-chi-ên 22:30. Không ai trong vòng loài người có thể giúp, có thể làm người cứu chuộc. Và câu trả lời tiếp tục trong câu 5: "ta lấy làm lạ vì chẳng có ai nâng đỡ! Cánh tay ta bèn cứu ta, sự thạnh nộ ta bèn nâng đỡ ta." Bạn thấy không? Chúa Cứu Thế là Ðức Chúa Trời, chính Ngài là người bà con, chính Ngài là người cứu chuộc. Chính Ngài sẽ cung cấp sự cứu chuộc.
Chúng ta thấy ở đây, Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu đang đứng trước mặt Ðức Chúa Trời, trước sự hiện diện của những người trưởng lão. Ở đây cũng có người bà con khác, người đó là đại diện cho toàn thể nhân loại. Ông được cho cơ hội làm người chuộc sản nghiệp. Cũng vậy, Ðức Chúa Trời đến với nhân loại và nói rằng: Ngươi được ưu tiên làm người chuộc sản nghiệp. Chúng ta sẽ thấy câu trả lời của người bà con kia tại sao người đó không thể làm người chuộc sản nghiệp được. Trong bài học tới, chúng ta tiếp tục đi sâu hơn trong ý nghĩa đẹp tuyệt vời được mở ra ở đây.
"Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ." 1Giăng 4:17
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 33 (Ru-tơ 4:4-5)
Vì cớ tội lỗi, thế gian nầy bị ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời và sẽ bị hủy diệt. Nhưng lạ thay, có một Ðấng cứu chuộc đã đến để chuộc lại đất nầy, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cơ hội chuộc lại sản nghiệp trước tiên được ban cho nhân loại. Vâng, ngoại trừ việc chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho người đồng loại, con người rất muốn trở thành người chuộc sản nghiệp. Ðây chỉ là giả thuyết mà thôi, bởi vì không cách nào chúng ta có thể tách rời việc chuộc đất đai và việc chuộc nhân loại.
Ðức Chúa Trời đã sắp đặt trường hợp giả thuyết nầy, bởi vì trước tiên, người bà con kia là hình bóng về nhân loại được hỏi rằng: Ngươi có muốn chuộc sản nghiệp cho Na-ô-mi không? Chúng ta thấy người kia sẵn sàng làm điều đó, ông nói trong phần cuối của câu 4: "Tôi sẽ chuộc". Chúng ta hiểu tại sao ông nói như thế, bởi vì miếng đất đó sẽ thuộc về ông, mặc dù chỉ trên danh nghĩa của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi nhưng ông sẽ là người làm chủ.
Bản chất tự nhiên của con người là yêu mến những vật thọ tạo. Họ tìm thấy sự hy vọng nơi vật thọ tạo, họ nghĩ ra đủ mọi cách có thể làm được để làm cho vật thọ tạo nầy tồn tại mãi mãi. Chúng ta thấy được điều nầy qua sự nóng lòng mong muốn của những người không muốn phung phí nguồn tài nguyên trên đất. Có nhiều người thật ra làm hại cho con người chỉ để cứu những ổ chim. Nhân loại thật sự chăm chú vào quả đất nầy, vì vậy người bà con kia nói rằng: "Tôi sẽ chuộc". Ông ta đã thật sự nói thay cho cả nhân loại.
Nhân loại thật sự yêu mến thế giới nầy vì đây là nơi mà họ nghĩ rằng họ sẽ tìm được sự an ninh, là nơi họ làm ra tiền bạc, là nơi cung cấp sự an ủi cho họ, họ có thể hi sinh mạng sống cho đất của họ. Thực tế, quốc gia nầy có chiến tranh với quốc gia khác vì để bảo vệ đất đai của họ. Ðến giờ phút nầy sự việc trông có vẻ dễ dàng cho người bà con kia nên ông nói: Vâng tôi sẽ chuộc. Nhưng có việc khác bao gồm trong việc chuộc đất đai nầy. Vì vậy trong câu 5, Bô-ô nói với người bà con kia phần sau của toàn bộ vấn đề. "Bô-ô lại nói: Khi mua ruộng bởi tay Na-ô-mi, anh cũng phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của kẻ chết, để nối danh của kẻ chết cho sản nghiệp người".
Ðức Chúa Trời đã đặt ra một luật lệ trong Phục-truyền Luật-lệ Ký, chúng ta đã đọc rồi nhưng sẽ đọc lại nữa bởi vì đây là phần quan trọng để hiểu được việc đang xảy ra ở đây. Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5, "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên."
Theo luật lệ nầy, trong gia đình của người Y-sơ-ra-ên nếu người chồng chết và nếu người đó có con thì danh người sẽ tồn tại qua đứa nhỏ nầy. Nó có thể lớn lên, lập gia đình và có con cái để danh đó được lưu truyền. Nhưng nếu người chồng trong gia đình chết không con thì dòng dõi của người đó sẽ chấm dứt, vợ của người không thể nào tự sanh con được. Cho nên, theo luật nầy thì người bà con gần là anh em chưa lập gia đình phải cưới người đàn bà góa là vợ của người chết. Ðứa con được sanh ra sẽ mang tên của người anh em đã chết hầu cho dòng dõi của người chết được tiếp tục lưu truyền.
Ý kiến đó cũng hay nếu người đàn bà góa đó còn hấp dẫn và người anh em đó có thể thương được. Nhưng giả sử người đàn bà góa đó không được người anh em thương thì sao? Xin nhớ rằng hôn nhân là một giao ước lâu dài. Bạn không thể lập gia đình một thời gian rồi ly dị, bạn phải ở với nhau cho đến khi sự chết phân cách hai người. Bạn và người phối ngẫu của bạn phải tuyên hứa sẽ ở với nhau trọn đời. Người anh em cưới đàn bà góa nầy cũng vậy. Anh ta không thể cưới ai được nữa, có nghĩa rằng quyết định về việc cưới ai không còn thuộc về anh ta. Anh phải cưới vợ góa của anh em mình. Thường thường đây là một ý kiến không hấp dẫn chút nào.
Chúng ta thấy một thí dụ trong Sáng-Thế Ký 38. Giu-đa có ba đứa con trai là Ê-rơ, Ô-nan, Sê-la. Ê-rơ cưới vợ, nhưng vì "độc ác trước mặt Ðức Giê-hô-va nên Ngài giết người đi". Giu-đa nhận biết luật lệ nầy cho nên bảo Ô-nan là đứa con kế còn độc thân đến cùng Ta-ma là vợ góa của Ê-rơ để cưới nàng thay cho Ê-rơ. Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký: "Giu-đa bèn biểu Ô-nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. Ô-nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đương khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh." Nói vắn tắt, Ô-nan từ chối làm người chuộc cho anh mình.
Ô-nan hành động giống như toàn thể nhân loại hành động. Khi chúng ta được yêu cầu hi sinh đời sống mình cho người đồng loại thì chúng ta không sẵn sàng để làm điều nầy. Chúng ta tìm thấy cùng một trường hợp như vậy trong Ru-tơ chương 4. Người bà con gần kia, không được biết tên, đại diện cho cả nhân loại, được Bô-ô bảo rằng: Khi anh mua ruộng đó thì anh cũng phải mua luôn người đàn bà Mô-áp, bị rủa sả, vợ của kẻ chết là Mạc-lôn. Anh phải cưới nàng làm vợ và tạo ra dòng dõi nối danh cho Mạc-lôn, Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi hầu cho dòng dõi họ có thể tồn tại mãi mãi qua cuộc hôn nhân giữa anh và Ru-tơ.
"Chao ôi! đây là vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Trở thành chủ của thửa ruộng tốt, thu hoa lợi ra từ nó, cuộc sống sẽ được bảo đảm là một việc, nhưng việc khác, tôi phải cưới người đàn bà Mô-áp bị rủa sả nầy, anh đang đòi hỏi tôi làm việc gì vậy?" Bạn có thấy được nan đề đang mở ra ở đây không? Người bà con kia phản ứng lại như thế nào trong câu 6: "Người có quyền chuộc lại đáp rằng: Nếu vậy, tôi không chuộc lại được, e phải hủy hoại sản nghiệp của mình; xin hãy lấy về cho anh quyền chuộc lại của tôi, vì tôi không thế chuộc được." Nói cách khác, ông nói: Tôi không muốn cưới Ru-tơ.
Chúng ta có thể đoán người bà con kia đang nghĩ thế nầy: "Nếu tôi cưới Ru-tơ, xin nhớ rằng Ru-tơ là người Mô-áp bị rủa sả không được vào nhà hội cho đến đời thứ mười, tôi cũng sẽ bị rủa sả giống như nàng, rất có thể tôi sẽ không được vào nhà hội nữa. Tôi đã có dự định khác, tôi đang thương một người và muốn lập gia đình với người đó. Tôi có sản nghiệp của riêng tôi, tôi muốn có con mang tên riêng của tôi. Tại sao tôi phải hy sinh trọn đời tôi cưới người đàn bà góa bị rủa sả nầy chỉ để nối danh cho người anh em tôi đã chết? Ðòi hỏi nầy thật là quá đáng! tôi không thể làm được". Ðó là bức tranh về lịch sử mà chúng ta thấy được trải ra. Nhưng bức tranh về thuộc linh mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta là gì?
Trước hết, hãy xem xét Ðức Chúa Trời muốn nói gì về vấn đề sanh con để nối danh cho người chết. Ðức Chúa Trời dựng nên con người để tồn tại đời đời trên trái đất nầy. A-đam được bảo rằng: "nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết." Nói cách khác, nếu ngươi không vâng lời ta, nếu ngươi chống nghịch lại ta thì ta sẽ diệt ngươi, ta sẽ làm cho đời ngươi chấm dứt. Thật vậy, Kinh Thánh bày tỏ rằng những ai đi vào địa ngục sẽ không còn nhớ đến nữa, danh của họ sẽ bị chấm dứt.
Nhân loại được dựng nên theo ảnh tượng của Ðức Chúa Trời và thông công với Ngài. Ngài là Ðấng Hằng Hữu cho nên chúng ta cũng được dựng nên để sống trong sự hiện diện của Ngài đời đời. Nhưng vì cớ tội lỗi của chúng ta, tên của chúng ta sẽ bị truất khỏi, dòng dõi của chúng ta sẽ chấm dứt. Khi Ðức Chúa Trời đặt ra luật lệ: nếu người anh chết không con, thì người em phải cưới người đàn bà góa để nối danh của anh mình như chúng ta thấy trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-6, thì Ngài ban cho chúng ta một hình bóng về tính chất của sự cứu rỗi mà Ngài sẽ cung cấp.
Ðức Chúa Trời sẽ dấy lên một người cứu chuộc để cưới đàn bà góa của gia đình những người chết nầy, người đó sẽ thay cho gia đình người chết tạo ra dòng dõi để thừa hưởng cơ nghiệp đời đời. Mạc-lôn, Ê-li-mê-léc đã chết, Na-ô-mi và Ru-tơ là những đàn bà góa bụa. Họ là hình ảnh của nhân loại. Chúng ta chết trước mặt Ðức Chúa Trời, chúng ta góa bụa, nếu không có chồng chúng ta không thể nào có con nối dõi được. Chúng ta là góa bụa của Ðức Chúa Trời, chúng ta không còn có mối tương giao với Ngài nữa.
Tương lai của nhân loại không gì khác hơn là ở trong địa ngục đời đời, nhưng Ðức Chúa Trời đã cung cấp một Ðấng Cứu Chuộc là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đến để lập ra dòng dõi hầu cho chúng ta là những người góa bụa, người chết về thuộc linh có được cơ nghiệp. Ngài làm điều nầy bằng cách cưới chúng ta. Chúng ta trở nên vợ hứa của Ngài, được trở lại làm thành viên trong gia đình của Ðức Chúa Trời. Ngài ban cho chúng ta tên gọi và cơ nghiệp, Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời, đó là điều được bày tỏ ra ở đây.
Khi Ðức Chúa Trời ra mạng lệnh cho con người phải hy sinh đời sống mình cho người đồng loại thì nhân loại không muốn làm điều đó. Con người rất ích kỷ, họ có dự định riêng của họ. Họ chỉ quan tâm đến những việc họ có thể làm được trong đời sống nầy để mang lại quyền lợi cho chính họ mà thôi. Vâng, dưới ân điển của Chúa, Ngài ngăn chận tội lỗi trên thế gian nầy nên chúng ta thấy có những sự tử tế, tình thương giữa con người với nhau, nhưng bản chất tự nhiên của con người chỉ quan tâm đến cá nhân họ mà thôi. "Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người" (Mác 7:21).
Con người có thể làm bất cứ điều gì để đạt được điều họ mong muốn kể cả giết người, ghen ghét, nói xấu người khác. Ðó là bức tranh về con người mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta. Con người không muốn để cơ nghiệp của họ qua một bên, họ không muốn sự nghiệp của họ bị hủy hoại. Ðó là tại sao chúng ta thấy nhiều sự thù ghét, giận dữ, tranh chiến; nhiều vụ giết hại khủng khiếp xảy ra trên thế giới; nhiều vụ tà dâm... tất cả cũng vì con người muốn đạt điều họ muốn để thỏa mãn lòng tham muốn của họ.
Khi một người đàn ông mời gọi một người đàn bà cùng phạm tội tà dâm với anh ta, có thể anh ta tự bào chữa rằng anh ta yêu người nữ nầy, và cô ta cũng yêu lại anh nữa cho nên không ai làm hại ai cả. Nhưng thật ra anh đang đòi hỏi người nữ nầy phạm tội tà dâm trước mặt Ðức Chúa Trời, phạm tội phản nghịch chống lại Ðức Chúa Trời. Anh ta đang làm cho người nữ nầy rơi vào cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời và trở thành đối tượng cho địa ngục chỉ vì anh muốn thỏa mãn sự tham muốn xác thịt ích kỷ của anh qua mối liên hệ tà dâm nầy. Ở đây không có chút gì gọi là tình yêu cả, chỉ đơn giản thỏa mãn sự tham muốn của chính anh ta mà thôi. Anh ta không thèm lo ngại rằng bởi làm như vậy anh sẽ gây cho người nữ nầy phải đối diện với ngôi phán xét của Ðức Chúa Trời. Ðây chỉ là điều trái nghịch lại với tình yêu, đây là điều con người muốn, đây là cơ nghiệp của họ.
Ðức Chúa Trời bảo con người yêu thương người đồng loại của mình, nghĩa là chúng ta không nên có ý nghĩ tà dâm với bất cứ ai bởi vì khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta sẽ mong muốn điều tốt nhất cho nhau và sẽ không dự phần vào việc khích lệ người khác phạm tội. Bạn có thấy sự trái ngược với điều đó trong câu chuyện ở đây không? Ðó là bức tranh được mở ra cho chúng ta trong câu 6, "Người có quyền chuộc lại đáp rằng: Nếu vậy, tôi không chuộc lại được". Ông ta không thể chuộc Ru-tơ, ông không thể mua nàng bởi vì, trước hết ông đang chống nghịch lại Ðức Chúa Trời, không muốn làm điều nầy; thứ hai, ông có tội lỗi của chính ông cho nên ông không đủ tiêu chuẩn để làm. Lời tuyên bố của người bà con kia: "Tôi không chuộc lại được" là một lẽ thật thuộc linh.
Chúng ta không thể chuộc được cho nên chúng ta phải tìm cho ra một người có thể chuộc. Ngợi khen Ðức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-xu là người chuộc đó. Bài học tới chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra cho người bà con đã từ chối làm người chuộc sản nghiệp: Ông cởi giày ông ra. Chúng ta sẽ xem xét việc nầy có ý nghĩa gì liên quan đến sự cứu rỗi của chúng ta.
"Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Ðức Chúa Trời, hầu cho người được sống mãi mãi, chẳng hề thấy sự hư nát." Thi Thiên 49:7-8
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 34 (Ru-tơ 4:5-6)
Trong bài học rồi chúng ta đã tìm hiểu thật lâu để xem ai là người bà con gần kia. Bô-ô đã đi đến cổng thành, cổng thành là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là cái cửa, nhờ Ngài chúng ta mới có thể bước vào thành của Ðức Chúa Trời. Bô-ô đã mời mười người trưởng lão ngồi xuống, ông cũng mời người bà con kia ghé lại và ngồi xuống, xong ông cũng ngồi.
Nơi cổng đó, trước sự hiện diện của Chúa, lời của Ðức Chúa Trời sẽ phân xử xem ai là người công bình trước mặt Ðức Chúa Trời. Bởi vì phải có ai đó là người công bình để chúng ta mới có được người chuộc. Chúng ta đã thấy người kia bà con với Ru-tơ gần hơn Bô-ô. Người bà con gần kia là hình bóng về nhân loại. Nhân loại được lệnh phải yêu thương nhau, hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình, yêu thương kẻ thù nghịch mình, nhưng nhân loại từ chối làm điều nầy. Chỉ còn một người bà con còn lại đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi xin nói thêm, chữ "bà con" mà chúng ta đọc trong sách Ru-tơ theo tiếng Hê-bơ-rơ cũng có nghĩa là người cứu chuộc chỉ trừ ra hai trường hợp.
Bô-ô gọi người bà con kia ghé lại, chúng ta không biết được tên người kia là gì, nói về thuộc linh ông là đại diện cho toàn thể nhân loại. Chữ ghé lại trong câu 1 bày tỏ rằng bản chất tự nhiên của con người là bận rộn. Con người luôn bận rộn với việc riêng của mình. Họ không cần quan tâm đến những việc mà Ðức Chúa Trời muốn họ làm. Người bà con nầy đang bận rộn với việc riêng, Bô-ô bảo người đó để công việc qua một bên, lại gần và ngồi đây để nghe điều mà Bô-ô sẽ đề nghị.
Trong Kinh Thánh chữ ngồi thường chỉ về sự cai trị. Ðặc biệt trong trường hợp nầy rất có ý nghĩa. Những người trưởng lão ngồi tại cổng thành để phân xử vấn đề trong thành. Người bà con nầy được yêu cầu ngồi xuống để phân xử về việc có đồng ý làm người chuộc sản nghiệp không. Ðức Chúa Trời dựng nên con người để cai trị, ban đầu con người được dựng nên để cai quản thế giới nầy, nhưng con người đã bán quyền cai trị đó cho Sa-tan. Khi A-đam và Ê-va phạm tội cùng Ðức Chúa Trời thì Sa-tan trở thành vua chúa của thế giới nầy.
Bởi vì chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài cho nên chúng ta có quyền cai trị. Ðức Chúa Trời đến với con người và hỏi rằng: ngươi có đồng ý làm người chuộc lại không? Ngài không hạ chúng ta xuống, Ngài xem chúng ta như là người có quyền cai trị, nhưng vì chúng ta quá bận rộn với việc riêng của mình, vì chúng ta quá ích kỷ, trên hết, bởi vì chúng ta là tội nhân cho nên chúng ta không thể làm người chuộc được. Trong phân đoạn nầy Ðức Chúa Trời đặt chúng ta chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Ngài không nhìn xem chúng ta như là người đã mất hết khả năng để cai trị. Ngài đến với chúng ta bằng lời của Ngài để xem chúng ta hành động như thế nào.
Ở đây có mười hai người đang ngồi và đối diện cùng một câu hỏi. Bô-ô hỏi người bà con kia trước sự hiện diện của mười người trưởng lão. Ông nói: "Na-ô-mi ở Mô-áp trở về, rao bán miếng đất của Ê-li-mê-léc, anh chúng ta". Xin ôn lại để cho nhớ: Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi là dân của Bết-lê-hem, họ có đất có ruộng ở đó, nhưng vì có cơn đói kém đến trong xứ họ đã bán đất của họ đi, cuối cùng quá nghèo, họ đã đi đến xứ Mô-áp để tránh nạn đói xảy ra tại Bết-lê-hem. Ê-li-mê-léc qua đời ở đó và hai con trai đã lập gia đình với dân Mô-áp, cũng qua đời.
Bây giờ Na-ô-mi góa bụa trở về Bết-lê-hem cùng với Ru-tơ cũng góa bụa là vợ của một trong hai con của bà. Họ không còn đất đai, sản nghiệp gì trong lúc nầy, nhưng thật ra theo pháp lý miếng đất còn ở dưới danh nghĩa của Na-ô-mi. Miếng đất nầy thuộc trong gia đình Ê-li-mê-léc mà Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc, Ru-tơ thì lập gia đình với Mạc-lôn cho nên hai người đàn bà nầy được nhận diện có mối liên hệ với miếng đất dù đã bán đi trong lúc đói kém xảy ra. Na-ô-mi là người còn sống cho nên bà đại diện cho gia đình Ê-li-mê-léc để bán miếng đất nầy.
Theo luật pháp trong Lê-vi-ký 25:25 "Nếu anh em ngươi trở nên nghèo, và bán một phần sản nghiệp mình, thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc phần đất anh em người đã bán." Theo luật nầy người bà con gần của gia đình nghèo có thể chuộc sản nghiệp lại, cho nên trong trường hợp nầy, người đã mua miếng đất của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi phải bán lại theo như luật pháp của Ðức Chúa Trời đã đặt ra. Ðức Chúa Trời có ý làm như vậy để sản nghiệp luôn còn trong gia đình. Ðây là phần đầu của việc thực hiện mà người bà con kia đang đối diện.
Bô-ô đang bàn với người kia, ông nói về những việc đã xảy ra cho Na-ô-mi và bây giờ ông bày tỏ trong câu 4: "Tôi muốn báo cáo cho anh hay và nói rằng: Tại trước mặt những người ngồi đây và trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, xin hãy mua sản nghiệp đó. Nếu anh muốn chuộc sản nghiệp đó lại, thì hãy làm đi; bằng không, thì hãy tỏ ra cho tôi biết. Vì trước anh chẳng ai có quyền chuộc lại, và sau anh, quyền này trở về tôi. Người đáp: Tôi sẽ chuộc." Trước hết ta hãy xem xét sự kiện trong lịch sử.
Bô-ô đang nói với người bà con kia rằng: Bây giờ tôi cho anh một lời khuyên, anh bà con gần hơn tôi, anh có quyền ưu tiên chuộc lại đất hầu cho cứ còn lại trong gia đình của Ê-li-mê-léc. Nếu anh tình nguyện làm việc nầy thì rất tốt, còn không, tôi là Bô-ô, người kế sau anh sẽ làm. Người đó nói rằng: "Tôi sẽ chuộc". Theo sự kiện lịch sử chúng ta có thể hiểu tại sao ông ta nói như vậy. Vì ông sẽ làm chủ miếng đất nầy, dù nó vẫn còn trong gia đình của Ê-li-mê-léc mà ông là người trong gia đình, ông sẽ thu hoa lợi ra từ nó. Ðây là ý kiến làm cho ông thích lắm cho nên ông nói ngay: "Tôi sẽ chuộc". Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa thuộc linh gì qua sự việc nầy.
Chúng ta đã biết từ lâu, sách Ru-tơ là ẩn dụ lịch sử tuyệt vời, qua sự kiện lịch sử Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một số lẽ thật thuộc linh. Trước hết, hãy nói về sự chuộc sản nghiệp đất đai. Ðức Chúa Trời ban thế giới nầy cho con người. Từ lúc ban đầu Ðức Chúa Trời đặt A-đam và Ê-va trên đất nầy để cai quản những vật thọ tạo khác. Giả sử, nếu tội lỗi không vào trong thế gian thì sẽ không có sự chết và trái đất nầy sẽ tồn tại đời đời. Ðó là điều được ám chỉ trong Sáng-Thế Ký chương 1 đến 3. Ðức Chúa Trời phán với A-đam và Ê-va: "nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết" (Sáng 2:17). Theo một ý nghĩa, trái đất nầy được ban cho con người và sẽ tồn tại đời đời. Nhưng một rắc rối lớn đã xảy ra.
Con người phản loạn chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. A-đam và Ê-va là người đầu tiên trên mặt đất, đại diện cho tất cả chúng ta khi họ phạm tội, theo một ý nghĩa tất cả chúng ta đều ra từ lòng họ. Trái đất nầy đã bị rủa sả, bị rủa sả không phải vì nó phạm tội hay có điều gì sai trật trong sự sáng tạo, nó bị rủa sả bởi vì con người phạm tội, và vì con người cai quản trái đất nầy. Chúng ta không thể có một trái đất hoàn hảo ở dưới sự cai trị của con người bị rủa sả. Vì vậy, Ðức Chúa Trời rủa sả luôn trái đất để không có hoàn cảnh kỳ cục: người bị rủa sả cai quản một trái đất hoàn hảo.
Chúng ta đọc trong Rô-ma 8:20-23, "Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Ðấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Ðức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy." Con người bị rủa sả, trái đất bị rủa sả, đó là kế hoạch của Ðức Chúa Trời để trái đất nầy phải bị đốt bằng lửa.
Hậu quả của sự rủa sả của Ðức Chúa Trời là sự chết. Sự chết đến với con người, thú vật và những vật thọ tạo khác cũng bị hủy diệt. Chúng ta đọc thấy điều nầy trong 2 Phi-e-rơ 3, đó là hậu quả của sự rủa sả. Hình ảnh nầy giống như việc đã xảy ra cho Na-ô-mi và Ê-li-mê-léc. Họ bán đất đi, nó không còn thuộc về họ nữa. Cũng vậy, bởi tội lỗi của con người, đất nầy đã bị bán, bị bán bởi sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, nó phải bị hủy diệt. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Ðức Chúa Trời trái đất nầy có thể tiếp tục đời đời nếu tìm được người chuộc, nếu có ai đó mua lại đất nầy cho nhân loại.
Khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, Ngài đến không phải chỉ chuộc con người, không phải chỉ để cứu những người tin nhận Ngài, nhưng Ngài cũng đến để mua lại vũ trụ, mua lại đất nầy. "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian", thế gian đây là vũ trụ, là tất cả những vật thọ tạo, "đến nỗi đã ban Con Một của Ngài". Ðó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế đến để làm người cứu chuộc. Mặc dù vì tội lỗi của con người, trái đất nầy sẽ bị hủy diệt bằng lửa, Ðức Chúa Trời sẽ sáng tạo lại trời mới, đất mới để tồn tại đời đời cũng như những người được chuộc sẽ tồn tại đời đời bởi vì Ðức Chúa Trời đã ban đất nầy cho con người.
Bạn có nhớ Chúa Giê-xu dạy trong bài giảng trên núi: "Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!" Ai là người nhu mì? Người nhu mì là người tự hạ mình xuống trước mặt Ðức Chúa Trời, là người giao thác ý riêng mình cho Ðức Chúa Trời, là người đến với Ðức Chúa Trời bằng tấm lòng đau thương và thống hối. Họ là những người sẽ hưởng được đất bởi vì Chúa Cứu Thế không chỉ chuộc con người mà thôi, Ngài cũng chuộc đất lại thay cho con người. Ðó là điều được nhìn thấy trong Lê-Vi Ký 25:25. Theo sự kiện lịch sử, nếu gia đình nào bán đất mình thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc hầu cho đất ấy vẫn còn trong gia đình. Ðó là hình ảnh của sự cứu chuộc mà Ðức Chúa Trời ban cho qua Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài lên thập tự giá.
Ngài không chỉ chuộc những người tin nhận Ngài nhưng cũng chuộc lại đất nầy khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Ðức Chúa Trời đặt trong con người một ý thức rằng: họ phải làm người chuộc. Chúng ta đã thấy trong bài học rồi rằng, chúng ta phải yêu kẻ thù nghịch, phải hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình, phải yêu người lân cận như mình. Ngay cả những người không biết gì về Kinh Thánh, Ðức Chúa Trời cũng cho họ một nhận thức rằng họ phải là người chuộc trong một ý nghĩa nào đó. Thật ra "báo cáo" trong câu 4 theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là mở lỗ tai anh ra, cho nên chúng ta có thể đọc như thế nầy: Tôi muốn mở lỗ tai anh ra và nói rằng. Chữ "nói" ở đây là cùng một chữ với chữ "phán" trong Sáng-Thế Ký 1:3, "Ðức Chúa Trời phán rằng: phải có sự sáng". Như vậy câu 4 có ý nghĩa: Ðức Chúa Trời ban lời Ngài để mở lỗ tai của người bà con kia, là đại diện cho nhân loại, nói cho họ biết cơ hội để làm người chuộc.
Chúng ta thấy điều nầy trong Rô-ma chương 1 và 2, đặc biệt là chương 2. "Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Ðức Chúa Trời bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi" (Rô-ma 2:14-16).
Bạn thấy không? Ðức Chúa Trời đã viết một số luật pháp trong lòng của con người để họ biết rằng giết người là sai, trộm cắp là sai, nói dối với người lân cận cũng là điều sai. Luật nầy đã được đặt đó để cho con người biết rằng bởi làm theo luật nầy thì họ sẽ mong muốn điều tốt nhất cho người lân cận mình. Họ không nên giết người, không nên phạm tội tà dâm, không nên trộm cắp, không nên nói dối. Nói cách khác, đây là cơ hội cho nhân loại chuộc người lân cận mình. Nhưng bản chất tự nhiên của con người cứ vi phạm luật nầy luôn luôn. "Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn" (Ma-thi-ơ 15:19).
Con người không muốn làm người chuộc. Ðức Chúa Trời bày tỏ trong câu 4, Ngài đã mở lỗ tai của con người để ít nhất họ nhạy cảm thấy được sự mong muốn của Ðức Chúa Trời rằng họ nên làm người chuộc. Ðức Chúa Trời đã đặt luật Ngài trong lòng của con người ngay cả người không có Kinh Thánh, để họ không có lý do gì bào chữa khi họ không yêu thương người lân cận, khi họ từ chối làm người chuộc sản nghiệp cho người lân cận mình.
"Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở." 2 Phi-e-rơ 3:13
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 35 (Ru-tơ 4:7-8)
Trong Ru-tơ chương 4 chúng ta đã khám phá ra người bà con gần có quyền chuộc sản nghiệp thay cho gia đình Ê-li-mê-léc, Na-ô-mi, Mạc-lôn và Ru-tơ đã không muốn làm việc nầy. Nếu chỉ chuộc đất mà thôi thì ông sẽ vui lòng làm, nhưng để làm chủ miếng đất đó thì ông phải cưới người đàn bà bị rủa sả, Ru-tơ người Mô-áp, thì ông nói: "Tôi không chuộc lại được".
Chúng ta đã thấy rằng đây là hình ảnh của nhân loại. Chúng ta có quyền ưu tiên, có trách nhiệm đầu tiên chuộc lẫn nhau, yêu thương nhau, yêu thương người lân cận như mình, mong muốn điều tốt nhất cho nhau, nhưng mỗi chúng ta đều có sự ích kỷ riêng của mình. Bản chất tự nhiên của chúng ta không cần quan tâm gì đến người khác. Chúng ta muốn đi theo đường lối riêng của chính mình.
Chúng ta đọc tiếp trong câu 7-8, "Vả, xưa trong Y-sơ-ra-ên khi chuộc lại hay là đổi nhau, muốn làm cho chắc lời giao kết, thì người này phải cổi giầy mình mà trao cho người kia. Nơi Y-sơ-ra-ên, ấy là cách ưng chịu một tờ giao ước. Vậy, người có quyền chuộc lại nói cùng Bô-ô rằng: Anh hãy chuộc sản nghiệp đó. Rồi người cổi giày mình ra." Ðây là một việc lạ và đầy thích thú phải không? Phong tục trong thời đó gì mà lạ vậy? Khi người bà con kia quyết định rằng ông không muốn chuộc Ru-tơ và sản nghiệp cho gia đình Ê-li-mê-léc thì ông cởi giày ông ra, dấu hiệu đó bày tỏ rằng ông đã quyết định dứt khoát, không cần phải hỏi nữa. Chúng ta tự hỏi phong tục gì mà lạ vậy? Phong tục nầy đến từ đâu và có ý nghĩa gì?
Chúng ta đã học biết từ lâu rằng không có việc gì trong Kinh Thánh là ngẫu nhiên, không việc gì có ý định chỉ để cho chúng ta giải trí. Ðức Chúa Trời không chép những điều nầy trong Kinh Thánh làm cho chúng ta cảm thấy buồn cười. Ðức Chúa Trời có mục đích thật khi Ngài chép điều nầy. Khi tra xem Kinh Thánh thì chúng ta sẽ thấy điều gì muốn nói ở đây trong hành động cởi giày ra. Xin đọc trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 25, có lẽ bạn đã quen thuộc với khúc Kinh Thánh nầy.
Ðây là trường hợp người chồng chết không con thì người em phải cưới người đàn bà góa để cung cấp dòng dõi cho người chết, nếu người đó không chịu làm thì sẽ có hậu quả xảy ra. "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên." (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-6). Ðó là trách nhiệm Ðức Chúa Trời giao cho người anh em. Ðây không phải là việc tùy ý, nếu thích thì làm không thích thì thôi. Ðây là mạng lệnh của Ðức Chúa Trời cho người bà con gần nhất phải làm. Nếu người đó không chịu làm, hãy xem hậu quả gì mà người phải chịu.
"Ví bằng người kia không đẹp lòng lấy nàng, nàng phải lên đến cửa thành, tới cùng các trưởng lão mà nói rằng: người anh em chồng tôi không chịu lưu danh anh em người lại trong Y-sơ-ra-ên, và không muốn cưới tôi y theo phận sự anh em chồng. Các trưởng lão của thành ấy sẽ gọi người và nói cùng người; nếu người cứ nói rằng: Tôi không đẹp lòng cưới nàng, thì chị em dâu người sẽ đến gần, trước mặt các trưởng lão, lột giày khỏi chân người, khạc trên mặt người, đoạn cất tiếng nói rằng: Người nào không lập lại nhà anh em mình sẽ bị làm cho như vậy! Trong Y-sơ-ra-ên sẽ gọi nhà người là nhà kẻ bị lột giày." (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:7-10).
Chắc chắn việc nầy có liên quan với nhau. Bô-ô đã rất sáng suốt nói về trách nhiệm của người bà con với Ru-tơ gần hơn ông trước mặt những người trưởng lão. Việc thi hành luật nầy trong sách Ru-tơ thật là nghiêm túc. Luật nầy được ban cho dân Y-sơ-ra-ên khoảng 300 hay 350 năm về trước nhưng vẫn được họ chấp hành cao. Câu hỏi được hỏi tại cổng thành, trước mặt những người trưởng lão để làm chứng hay phân xử, giày được cởi ra khỏi người bà con không sẵn lòng cưới vợ góa của anh mình, nhưng có một việc không được làm đó là người đàn bà góa khạc vào mặt anh ta. Thực tế, Ðức Chúa Trời dùng sách Ru-tơ để nhắc đến Phục-truyền Luật-lệ Ký 5.
Người bà con không vâng lời kia đã cởi giày ông ra, chúng ta sẽ xem việc nầy bày tỏ điều gì. Thật ra điều nầy có ý nghĩa rất sâu sắc về điều gì đó khủng khiếp lắm. Bạn có nhớ trong Ru-tơ 3:3 khi nàng đến với Bô-ô để hỏi ông cưới nàng, nàng đã lột trần chân ông ra. Bạn có nhớ việc lột trần chân ra có ý nghĩa gì không? Người bị lột trần chân ra theo ý nghĩa thuộc linh là bị lõa lồ. Ê-sai đi chân không trước mặt dân Ê-díp-tô chỉ tỏ rằng tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên bị phơi bày trước mặt Ðức Chúa Trời. Giăng Báp-tít nói: Ta không đáng mở dây giày Ngài. Bởi vì chân Chúa Giê-xu bị phơi bày ra biểu hiện rằng về thuộc linh Ngài bị lõa lồ thay cho chúng ta, Ngài bị phơi bày với tất cả tội lỗi của chúng ta trước mặt Ðức Chúa Trời.
Khi người bà con không vâng lời nầy lột giày ông ra là biểu hiện cho sự phơi bày tội lỗi của ông trước mặt Ðức Chúa Trời. Tội của ông là tội không vâng lời. Ông bị ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời khi từ chối cưới vợ góa của anh mình. Ðiều nầy được làm cho vững thêm bằng việc người đàn bà góa khạc vào mặt anh em chồng. Khi tra xem Kinh Thánh thì chúng ta biết rằng người bị nhổ vào mặt là người bị Ðức Chúa Trời rủa sả. Ngay cả cho tới thời bây giờ, nếu thù hận ai đó chúng ta có thể nói: Tôi muốn nhổ vào mặt nó. Nếu quá căm giận rất có thể có người sẽ khạc vào mặt người khác. Ðiều đó có nghĩa là xem người kia không ra gì. Ðây là một cách khác tuyên bố rằng người đó bị rủa sả.
Dân-số Ký 12 cho chúng ta lời giải thích về việc làm nầy. Trong câu chuyện Mi-ri-am chống nghịch lại mạng lệnh của Chúa, Mi-ri- am là chị của Môi-se và A-rôn. Vì chống lại Chúa cho nên bà bị bệnh phung. "Như vậy, cơn thạnh nộ của Ðức Giê-hô-va nổi phừng phừng cùng hai người; Ngài ngự đi. Khi trụ mây rút khỏi trên đền tạm, thì kìa, Mi-ri-am đã bị phung trắng như tuyết. A-rôn xây lại phía Mi-ri-am, thấy người đã có bịnh phung" (Dân-số Ký 12:9-10).
Trong Kinh Thánh bệnh phung là biểu hiệu cho sự rủa sả của Ðức Chúa Trời trên người đó. Người bị bệnh phung không được vào trong trại quân của dân Y-sơ-ra-ên, họ phải ở bên ngoài trại quân, nếu có ai đến gần họ, họ phải la lên: ô uế, ô uế. Không ai có thể đến gần họ được, họ là hình ảnh về những người bị Ðức Chúa Trời rủa sả, họ không có phần gì với dân sự.
Ðây là hình ảnh về con người tội lỗi của chúng ta. Chúng ta bị ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, chúng ta sẽ chết vì tội lỗi của mình. Ngợi khen Chúa, ngày nay bệnh phung không còn bị đối xử bằng cách đó bởi vì Chúa Giê-xu đã làm trọn nghi thức của luật pháp cho nên chúng ta không xem bệnh phung như thế nữa. Khi A-rôn nhìn thấy chị mình thì ông đau buồn lắm, "A-rôn bèn nói cùng Môi-se rằng: Ôi, lạy chúa tôi, xin chớ để trên chúng tôi tội mà chúng tôi đã dại phạm và đã mắc lấy. Xin chớ để nàng như một đứa con sảo thịt đã hư hết phân nửa khi lọt ra khỏi lòng mẹ" (Dân số Ký 12:11-12).
Bạn có thấy họ sợ bệnh phung kinh khủng không? Ðó là một bệnh làm cho người đó chết đang khi còn sống. "Môi-se bèn kêu van cùng Ðức Giê-hô-va rằng: Ôi, Ðức Chúa Trời! Tôi cầu khẩn Ngài chữa cho nàng. Ðức Giê-hô-va đáp cùng Môi-se rằng: Nếu cha nàng nhổ trên mặt nàng, nàng há không mang hổ trong bảy ngày sao? Nàng phải cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, rồi sau sẽ được nhận vào lại. Ấy vậy, Mi-ri-am bị cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, dân sự không ra đi cho đến chừng nào Mi-ri-am được nhận vào lại." (Dân số Ký 12:13-15).
Trong khúc Kinh Thánh nầy Ðức Chúa Trời xem bệnh phung ngang như bị cha nàng nhổ trên mặt. Cả hai trường hợp nàng đều phải bị cầm ngoài trại quân bảy ngày. Bị nhổ vào mặt là hình ảnh của người bị Ðức Chúa Trời rủa sả, nói về thuộc linh người đó bị chết và ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Bây giờ hãy trở lại sách Ru-tơ để xem những điều nầy liên quan với nhau như thế nào.
Việc đang xảy ra ở đây xem giống như một phong tục lạ, khi người bà con kia từ chối cơ hội cưới Ru-tơ thì ông cởi giày ông ra, vấn đề chấm dứt ở đó. Bây giờ thì nàng có thể tự do muốn lập gia đình với ai tùy ý. Nhưng nói về thuộc linh, Ðức Chúa Trời tỏ cho người bà con kia biết rằng bởi vì ông không vâng lời tiếp tục dòng dõi cho gia đình của người chết cho nên ông bị ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời. Ông giống như người bị bệnh phung, bị ô uế về thuộc linh, đang ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Chúng ta đã học trong bài học rồi, người bà con đó là hình ảnh của nhân loại. Ðức Chúa Trời đến với nhân loại và ra lệnh cho chúng ta phải yêu người lân cận như yêu mình, yêu thương kẻ thù nghịch, hi sinh mạng sống cho bạn hữu mình... Tất cả những điều nầy nằm trong luật pháp mà Ðức Chúa Trời ban cho nhân loại. Ngài nói về những điều nầy theo tính thụ động là: "Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi". Ngài có ý nói rằng: Ngươi không được làm điều xấu đối với kẻ lân cận, người đồng loại ngươi. Về tính tích cực, ngươi phải yêu thương họ. Ðó là cách nói khác khi Ðức Chúa Trời muốn nói: Ngươi phải là người chuộc cho người đồng loại mình.
Nhưng nhân loại nói rằng: Tôi không muốn làm điều nầy. Tôi muốn sản nghiệp của riêng tôi, tôi muốn làm những việc riêng của tôi. Nếu tôi tham những gì người khác có, nếu tôi phải nói dối để có được điều đó, nếu tôi có ý nghĩ tà dâm với ai, nếu tôi ghét ai đó bởi vì họ đối xử tệ với tôi, nếu tôi cay đắng căm giận người thù của tôi... đó là việc riêng của tôi, tôi không cần bận tâm yêu thương họ.
Rồi Ðức Chúa Trời phán rằng: Cũng được, vậy thì ngươi giống như người cởi giày mình ra, người bị nhổ vào mặt. Ngươi ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của ngươi. Ngươi là đối tượng cho sự hình phạt, ngươi phải đền trả tội lỗi cho chính mình bằng cách ở trong địa ngục đời đời. Ðây là một cách nói khác về sự phá sản của con người. Ðiều nầy nói với chúng ta rằng chúng ta rất cần Ðấng Cứu Chuộc bởi vì tội ghen ghét người đồng loại mình, không yêu thương họ theo cách mà Ðức Chúa Trời muốn chúng ta yêu thương, chúng ta bị đoán xét trước mặt Ðức Chúa Trời.
Nói về thuộc linh, chúng ta đứng lõa lồ trước mặt Ngài. Giày chúng ta bị cởi ra, bị nhổ vào mặt, ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Ðó là hình ảnh mà chúng ta có ở đây trong Ru-tơ 4:7-8. Tôi xin được trưng dẫn một chỗ khác trong Kinh Thánh minh họa rằng Ðức Chúa Trời sẽ thực thi chính xác những gì Ngài phán. Trong Sáng-Thế Ký 38 chép về gia đình của Giu-đa, bạn có còn nhớ chúng ta mới vừa xem qua câu chuyện nầy.
Giu-đa sanh được ba con trai, đứa con đầu lòng của ông cưới vợ tên là Ta-ma. Bởi vì Ê-rơ chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời nên bị Ngài giết đi. Rồi chúng ta đọc trong Sáng-Thế Ký 38:8-10, "Giu-đa bèn biểu Ô-nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. Ô-nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đương khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh. Nhưng điều người làm vậy không đẹp lòng Ðức Giê-hô-va, nên Ngài cũng giết người luôn đi."
Ðây là một tội trọng cho nên Ðức Chúa Trời giết luôn Ô-nan, không phải vì Ô-nan làm rơi rớt xuống đất, nhưng bởi vì ông từ chối cung cấp dòng dõi cho anh mình. Ông từ chối làm người bà con gần, không thương anh mình, không thương vợ góa của anh mình. Ông giống như toàn thể nhân loại, chỉ muốn sản nghiệp riêng của mình. Chúng ta thấy Ðức Chúa Trời phạt tội nầy bằng cách giết Ô-nan đi. Lần nữa, chúng ta thấy Ðức Chúa Trời nói chắc chắn như đinh đóng cột rằng tội lỗi của chúng ta khiến cho chúng ta bị ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, là đối tượng cho cơn thạnh nộ của Ngài. Câu chuyện lịch sử trong Sáng-Thế Ký 38 là cùng một bức tranh như trong sách Ru-tơ để cho chúng ta nhìn thấy.
Bài học tới chúng ta sẽ học đến câu 9, chúng ta sẽ thấy sự thành tín của Bô-ô trong lời hứa của ông bằng cách thề với Ru-tơ rằng ông sẽ làm người chuộc sản nghiệp lại nếu người bà con kia từ chối cưới nàng làm vợ. Ðó là một sự minh họa rất đẹp về tình yêu của Ðức Chúa Trời.
"Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình." Giăng 15:13
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 36 (Ru-tơ 4:9-10)
Trong bài học rồi chúng ta đã thấy vấn đề được phân xử theo như ý của người bà con kia muốn. Người bà con kia được cho cơ hội làm người chuộc nhưng ông đã từ chối làm điều nầy, rồi ông cởi giày ra để bày tỏ rằng đây là quyết định cuối cùng. Chúng ta đã thấy đây là biểu hiện của sự rủa sả trên ông. Ông là đối tượng cho sự rủa sả vì cớ sự không vâng lời làm người chuộc sản nghiệp. Chúng ta cũng đã học thấy đây là hình ảnh của con người chúng ta.
Chúng ta được bảo phải yêu người đồng loại mình, mong muốn điều tốt nhất cho họ nhưng chúng ta đã từ chối làm điều nầy vì thế chúng ta ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, dưới cơn thạnh nộ của Ngài. Khi đọc đến câu 9,10 chúng ta thấy Bô-ô tuyên bố rằng ông sẵn sàng cưới Ru-tơ và chuộc sản nghiệp lại cho gia đình Ê-li-mê-léc, "Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-lôn, và về Mạc-lôn, và cũng lấy* Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản nghiệp người; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó".
Ðây là giây phút đáng ghi nhớ cho Ru-tơ và Na-ô-mi, chắc chắn là họ đứng đó để xem sự việc tiến hành như thế nào. Người bà con kia được ban cho cơ hội nhưng ông đã từ chối cơ hội đó. Ông đã không vâng theo điều răn của Ðức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ, đó là, cung cấp dòng dõi cho người anh em mình bằng cách cưới người đàn bà góa là vợ của người đã chết. Bây giờ thì Bô-ô thực hiện lời hứa của ông với Ru-tơ. Khi người bà con kia từ chối thì Bô-ô nói chắc chắn bằng lời thề rằng ông sẽ cưới Ru-tơ. Không một phút ngần ngại, ông hứa với những người trưởng lão và những người chứng kiến rằng ông sẽ cưới nàng. Một điều thú vị là chúng ta cứ thấy lặp đi lặp lại: "Ru-tơ người Mô-áp". Ông vừa mới nói với người bà con kia rằng: "phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp" trong câu 5. Chúng ta đoán là vì ông muốn cưới Ru-tơ cho nên ông nhấn mạnh nàng là "người Mô-áp", bị rủa sả.
Tất nhiên ai cũng biết việc nầy, thành Bết-lê-hem là một thành nhỏ, người bà con kia và Bô-ô bà con rất gần với Na-ô-mi và Ru-tơ cho nên không lý do gì cho ông phải nói "người Mô-áp". Ngay cả khi ông nói với người bà con kia trong câu 5 ông cứ chêm câu nầy vào "Ru-tơ, người Mô-áp". Tất cả mọi người đều biết Ru-tơ người Mô-áp tại sao lại phải chêm câu nầy vào hoài? Như chúng ta đã thấy trong những bài học trước, họ dùng ngôn ngữ như vậy không phải tại vì họ muốn nhưng Ðức Thánh Linh hướng dẫn họ nói để chép lại trong Kinh Thánh qua đó Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta bài học thuộc linh.
Ru-tơ người Mô-áp là hoàn cảnh của chúng ta trước khi được cứu, chúng ta bị rủa sả! Câu chuyện lịch sử nhấn mạnh tình yêu rất cao cả về phía Bô-ô: "Hơn nữa, Ru-tơ người Mô-áp tôi sẽ lấy* nàng làm vợ". Ðây là lời xưng nhận của Bô-ô với những người trưởng lão. Tôi sẵn sàng lập gia đình với một người đàn bà bị rủa sả, người không được vào nhà hội đến mười đời. Nếu các ông quyết định rằng tôi sẽ bị rủa sả, tôi không thể vào nhà hội, hay bất cứ các ông quyết định thế nào. Có lẽ đối với các ông nàng không đáng thương, nàng không có sản nghiệp, gia đình nàng cũng vậy, trừ khi tôi cưới nàng. Bởi vì tôi yêu nàng nên tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, vì tình yêu của tôi đối với nàng.
Thật là một tình yêu cao đẹp! Tôi tin rằng trong Kinh Thánh không chỗ nào diễn tả tình yêu đẹp như thế nầy. Rằng Bô-ô sẽ cưới người đàn bà bị rủa sả và phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả, rằng Bô-ô cưới người ngoại bang thấp hèn chỉ vì tình yêu? Vâng, Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bằng tình yêu của Ngài, Ngài đã cung cấp sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta đang khi chúng ta bị rủa sả. Ngài yêu chúng ta đang khi chúng ta ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Ðể cưới chúng ta Ngài phải bị rủa sả, có phải vậy không? Ðể cho chúng ta được làm vợ của Ngài, điều cần thiết Ngài phải hạ mình xuống, từ bỏ vinh hiển như chúng ta đọc trong Phi-líp 2:8 "Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự".
Ngài đã trở nên giống như con người tội lỗi của chúng ta trừ ra Ngài không có tội. Ngài chấp nhận để cho con người đánh đập, nhổ vào mặt. Vâng, những người nhổ vào mặt không nhận biết rằng Ngài là Ðức Chúa Trời tối cao, họ xem Ngài như bị Ðức Chúa Trời rủa sả cho nên họ nhổ vào mặt, đánh đập, vu oan, tố cáo Ngài. Thật không dễ dàng cho Chúa Giê-xu trở thành người bà con, người chuộc, người cưới chúng ta. Về phía Chúa Giê-xu vấn đề thật không đơn giản trong giai đoạn nầy, nhưng đó chỉ là mới bắt đầu.
Khi Chúa Giê-xu bị con người khinh khi, xem như bị Ðức Chúa Trời rủa sả, còn hơn thế nữa, chính Ngài đã bị Ðức Chúa Trời rủa sả. Khi Ngài có ý định cưới chúng ta thì Ngài phải gánh lấy sự rủa sả của chúng ta. Vì bị rủa sả chúng ta không được vào nhà hội đến mười đời. Nói theo thuộc linh có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ đến với sự hiện diện thánh của Ðức Chúa Trời. Chúng ta phải ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đời đời. Nhưng Chúa Giê-xu đã gánh lấy sự rủa sả đó để Ðức Chúa Trời trút cơn thạnh nộ của Ngài ra trên Chúa Giê-xu tương đương với sự hình phạt trong địa ngục đời đời. Tình yêu đó thật cao cả tuyệt vời làm sao!
Chúng ta không thể tìm được lời lẽ nào để diễn tả tình yêu lạ lùng của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta. Ðó là tình yêu của Chúa Giê-xu hầu cho chúng ta được sự sống đời đời. Làm sao chúng ta có thể sống một đời sống biết ơn Ngài? Làm sao chúng ta tạ ơn Ngài cho đủ về sự cứu rỗi tuyệt vời như vậy? Mỗi buổi sáng chúng ta nên thức dậy sớm với tấm lòng rộn rả vui mừng: Tôi đã được cứu, tôi là vợ hứa của Chúa Cứu Thế Giê-xu, tôi sẽ có được sự nghiệp, tôi đã bị rủa sả nhưng giờ đây tôi có sự sống đời đời. Chúa ôi, con yêu Ngài nhiều lắm! Vì con yêu Ngài nên con muốn vâng theo lời Ngài.
Ðiều chứa đựng chính trong lời cầu nguyện của chúng ta phải là: Xin Chúa giúp con vâng theo lời Ngài. Xin Chúa giúp con sống một đời sống trung tín với Ngài để xứng đáng với những điều Ngài đã làm cho con, rằng Ngài phải gánh lấy sự rủa sả của con, Ngài phải ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, Ngài đã gánh lấy hình phạt mà đáng lý ra con phải chịu... Tình yêu của Ngài thật cao cả vô cùng. Ðây là điều Ðức Chúa Trời dạy chúng ta trong câu 9,10 nầy. Chú ý ông nói trong câu 9: "Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-lôn, và về Mạc-lôn".
Bạn thấy không? Tất cả những gì Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Ki-li-ôn có đã bán đi rồi. Ông mua lại bởi tay Na-ô-mi, có nghĩa là theo ý muốn của Na-ô-mi. Trong Kinh Thánh chữ "tay" đồng nghĩa với "ý muốn". Khi Kinh Thánh chép "tay của Ðức Chúa Trời", dĩ nhiên, Ðức Chúa Trời là thần, Ngài không có tay, "tay của Ðức Chúa Trời" có nghĩa là ý muốn của Ðức Chúa Trời. Ý của Na-ô-mi muốn việc mua nầy được thực hiện, nếu không bà sẽ không có sản nghiệp. Bà là bà góa nói thay cho gia đình người chết. Bô-ô đã mua tất cả những gì thuộc về gia đình đó, thêm nữa ông cũng mua Ru-tơ, người Mô-áp.
Việc mua ruộng đất bằng tiền bạc thì có lý nhưng việc mua vợ là ngôn ngữ thật buồn cười. Theo sự kiện lịch sử ông chỉ đơn giản nói: Thêm nữa, về Ru-tơ vợ Mạc-lôn tôi đồng ý cưới nàng để duy trì dòng dõi cho người anh em tôi đã chết. Nhưng ở đây nói: "và cũng lấy* Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi". Ngôn ngữ nầy cũng được cẩn thận lựa chọn bởi Ðức Thánh Linh của Chúa và được chép lại cho chúng ta. Chúng ta cần phải được mua mới có thể trở nên vợ của Chúa Cứu Thế. Kinh Thánh tuyên bố: "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23). Nói cách khác, giá phải trả cho tội lỗi của chúng ta là hình phạt đời đời trong địa ngục. Cách duy nhất để chúng ta có thể thoát khỏi trách nhiệm trả nợ đó là có ai đó phải trả món nợ nầy. Nghĩa là người đó phải chịu hình phạt đời đời dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Khi Chúa cứu chúng ta Ngài phải mua chúng ta, Ngài trả nợ cho chúng ta bằng chính huyết của Ngài. Kinh Thánh chép, "Ngài phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Ma-thi-ơ 22:28). Chúng ta được mua bằng giá của chính huyết Ngài, Kinh Thánh tuyên bố như vậy, vì thế, chúng ta thuộc về Ngài, là vật sở hữu của Ngài. Chúng ta là vợ, là con cái của Ngài đời đời vì Ngài đã mua chúng ta. Bạn có thể thấy được trong sách Ru-tơ, sách đã được chép 1.100 năm trước khi Chúa Giê-xu ra đời, Ðức Chúa Trời đã hé mở kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Ngài viết sách nầy gần giống như một sách trong Tân ước. Toàn bộ kế hoạch cứu rỗi cho thế gian đã được bày ra đây trước mắt chúng ta trong sách Ru-tơ. Vì tình yêu của Ngài đối với thế gian cho nên Ngài đã chuộc nó để qua đó Ngài sẽ cung cấp sự cứu chuộc cho những người đến với Ngài bằng tấm lòng nhu mì, hạ mình, đau thương thống hối như Ru-tơ người Mô-áp đã đến với Bô-ô. Chúng ta hãy xem lại lần nữa để thấy được vẻ đẹp của hình bóng mà Ðức Chúa Trời thiết lập ở đây.
Trong gia đình của Ê-li-mê-léc chúng ta thấy sự chết: Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Chi-li-ôn chết; chúng ta thấy góa bụa: Na-ô-mi và Ru-tơ góa bụa. Tất cả những người trong gia đình đó là hình bóng về bạn và tôi. Chúng ta bị phá sản về thuộc linh khi chúng ta đứng trước mặt Ðức Chúa Trời. Chúng ta chết trong tội lỗi mình, bị cắt đứt khỏi Ðức Chúa Trời, "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình" (Ê-phê-sô 2:1). Chúng ta chết, góa bụa, không chồng, không ai có thể cung cấp sản nghiệp cho chúng ta, đời sống của chúng ta chấm dứt. Khi Bô-ô cưới Ru-tơ, ông cung cấp cho nàng một người chồng, cung cấp sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Na-ô-mi và dĩ nhiên là cho Ru-tơ. Ðây là hình ảnh về sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Cứu Thế cưới chúng ta, chúng ta là vợ Ngài, chúng ta được sanh lại, vì thế chúng ta có được sản nghiệp, vì thế chúng ta không còn bị chết về thuộc linh nữa.
Có một câu chúng ta cần chú ý đến là câu 11: "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó." Bạn có nhớ là có bao nhiêu người trưởng lão ở cổng thành không? Trong Ru-tơ 4:2 chúng ta đọc: "Bô-ô bèn chọn mười người trong các trưởng lão của thành, mà rằng: Các ông hãy ngồi đây. Các trưởng lão bèn ngồi." Họ là những người sẽ làm chứng cho diễn tiến nầy. Số mười là số biểu hiện cho sự hoàn tất như chúng ta thấy nhiều lần được dùng trong Kinh Thánh: mười đồng bạc mất, một trăm con chiên, ngàn đời, nhưng số mười có ý nghĩa gì ở đây? Trước hết chúng ta thấy rằng họ là những người làm chứng, họ thấy những gì xảy ra.
Một điều thú vị là trong Tân-ước chúng ta tìm thấy số mười được dùng cách tương tự như vậy. Vâng, dù chúng ta không đọc thấy số mười nhưng số mười được làm hình bóng ở đây. Trong Giăng 20, các môn đồ được Chúa Giê-xu chào sau khi Ngài sống lại là mười người. Giu-đa không có ở đó vì ông đã phản bội Chúa, Thô-ma cũng không có ở đó khi Chúa Giê-xu đến với họ vì vậy chỉ có mười môn đồ. Ngài nói với họ trong câu 21, "Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy." Các môn đồ được sai đi để làm gì? Họ được sai ra để làm chứng cho những gì họ thấy. Kinh Thánh chép: "Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta, vì các ngươi đã ở cùng ta từ lúc ban đầu vậy" (Giăng 15:27). Mười môn đồ là hình bóng về sự hoàn tất kế hoạch của Ðức Chúa Trời sai hội thánh đi ra để làm chứng về Tin Lành. Ngài hà hơi trên họ và nói, "Hãy nhận lãnh Ðức Thánh Linh". Nhận lãnh Ðức Thánh Linh ở đây có nghĩa là được giao cho nhiệm vụ rao giảng Tin Lành.
ười người trưởng lão tại cổng là hình bóng về những tín hữu trên thế giới làm chứng về những gì Chúa Giê-xu đã làm cho mình. Chúng ta có thể đi khắp thế giới tuyên bố: "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian", Ngài quá yêu thế gian nên Ngài đã đến để chuộc nó lại qua con Một của Ngài. Rồi Ngài tuyên bố rằng: "hầu cho hễ ai tin", nghĩa là, hầu cho hễ ai đến với Ngài một cách khiêm nhường như Ru-tơ thì họ sẽ biết được tình yêu của Ðức Chúa Trời như Ru-tơ biết được tình yêu của Bô-ô.
ài học tới chúng ta sẽ tìm hiểu xem Ðức Chúa Trời muốn nói gì trong ngôn ngữ nầy: "Nguyện Ðức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" Ðiều nầy liên hệ gì đến Tin Lành cứu rỗi?
* Nguyên văn: "mua".
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 37 (Ru-tơ 4:11)
Bài học vừa rồi giống như chúng ta đã thấy cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Thực tế, Bô-ô nói: "... và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi". Ðây là hình ảnh thật tuyệt đẹp về tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với chúng ta là con người bị rủa sả. Chúng ta bị rủa sả vì tội lỗi mình, ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta "đến nỗi đã ban Con một của Ngài" hầu cho chúng ta có được sự sống đời đời.
Chúa Cứu Thế đã trở nên chàng rể, chúng ta là cô dâu của Ngài. Ê-phê-sô 5:25 "Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Ðấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh." Chúa Cứu Thế phó mạng sống mình, bị rủa sả hầu cho chúng ta được trở nên một với Ngài. Như tình nghĩa thắm thiết giữa vợ chồng lạ lùng thế nào khiến cho hai người trở nên một thịt, thì sự thắm thiết giữa Chúa Cứu Thế và hội thánh cũng lạ lùng thể ấy. Ðiều nầy được làm kiểu mẫu bởi Bô-ô và Ru-tơ. Chúng ta được hiệp làm một với Ðức Chúa Trời. Chúng ta ở trong Ngài và Ngài ngự trong chúng ta.
Không có ngôn ngữ nào diễn tả rõ ràng rực rỡ hơn bằng câu chuyện được mở ra trước mắt chúng ta trong sách Ru-tơ nầy. Bạn có nhớ? Trong bài học rồi chúng ta đã thấy sự mua Ru-tơ bởi Bô-ô trước mặt "cả dân sự" trong thành. "Cả dân sự" ám chỉ cả thế gian, người được cứu cũng như người không được cứu, tất cả sẽ nhìn thấy Ngài là Ðấng cứu chuộc khi Ngài trở lại vinh hiển trên đám mây. Nhưng câu 11 lặp lại đặc biệt nói đến những tín hữu, "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó."
Chúng ta nhớ, "cái cửa" ám chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là cái cổng, là cái cửa mà chúng ta phải bước qua để vào thiên đàng. "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão" là những tín hữu trên khắp thế giới nói rằng: "Chúng tôi làm chứng điều đó." Ðiều nầy nhấn mạnh rằng Ðức Chúa Trời có công tác tuyệt vời cho những tín hữu làm. Trong sự sắp đặt thiêng liêng Ngài đã cho phép chúng ta làm công việc mà Chúa Giê-xu đã bắt đầu làm. Chúa Cứu Thế đến để giảng Tin Lành, Ngài đã trở về cùng Cha, chúng ta là thân thể của Ngài tiếp tục rao giảng Tin Lành.
Chúa Giê-xu tuyên bố trong Mác: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người." Ðó là nhiệm vụ của tín hữu trên thế gian, chúng ta là những chứng nhân. Ðiều thú vị là chữ "chứng nhân" trong tiếng Hi-lạp cũng là chữ "tử đạo", có nghĩa là những người hi sinh mạng sống vì Tin Lành. Khi chúng ta xưng mình là chứng nhân có nghĩa là chúng ta sẵn sàng hi sinh mạng sống mình hầu cho người khác có thể được cứu. Trước khi được cứu chúng ta không muốn làm người bà con, người chuộc sản nghiệp. Chúng ta không thương yêu người đồng loại, chúng ta ích kỷ, chỉ muốn làm vui lòng chính mình, dùng người khác cho sở thích riêng của mình. Chúng ta không bao giờ yêu họ vì họ không đáng yêu. Nếu chúng ta có tỏ vẻ yêu họ thì cũng vì sự vinh hiển riêng của chúng ta.
Bây giờ chúng ta là con cái của Ðức Chúa Trời, được sanh lại, chúng ta mong muốn làm theo ý muốn của Ngài. Dù chúng ta không thể trả cho tội lỗi của cả thế gian, tuy vậy chúng ta sẵn sàng làm người chuộc trong ý nghĩa rằng chúng ta là đại sứ của Ðấng Cứu Chuộc là Chúa Giê-xu. Chúng ta sẵn sàng làm theo mạng lệnh trong Rô-ma 12:1 "Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em." Ðây là chỗ đứng của chúng ta khi chúng ta được sanh lại.
Chúa Cứu Thế đã làm xong công việc và Ngài dùng chúng ta làm nhân chứng cho Ngài. Dĩ nhiên Ðức Chúa Trời không chỉ tỏ rằng tất cả đều là thầy giảng. Ngài cũng không bảo rằng tất cả chúng ta đều phải tử vì đạo, bị đốt, bị quăng vào hang sư tử vì Chúa Cứu Thế. Nhưng Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng dù chúng ta là ai, dù hoàn cảnh thế nào chúng ta cũng đến với Chúa và thưa rằng: Chúa ôi xin dùng con, bằng cách nào đó xin dùng con trong việc mở rộng vương quốc của Ðức Chúa Trời. Con muốn nước Ngài được mau đến, con muốn những người khác được sanh lại. Con biết rằng chỉ có Ngài làm công việc cứu rỗi, xin giúp con trở thành chứng nhân cho Ngài.
Chúng ta có thể làm chứng bằng cách phản ảnh mùi hương của Chúa Cứu Thế qua tình yêu thương, sự vui mừng, tiết độ, nhịn nhục, nhơn từ trong đời sống của chúng ta. Dĩ nhiên để bày tỏ trái của Ðức Thánh Linh qua đời sống của chúng ta Ðức Chúa Trời thường đặt chúng ta vào chương trình thử thách của Ngài. Ngài để người nào đó đến trong đời sống của chúng ta xem thử sự nhịn nhục, kiên nhẫn của chúng có đi đến cuối đường hay không. Ngài làm như vậy để chúng ta có cơ hội quí báu bày tỏ mùi hương của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Nếu chưa được cứu mà vợ hay chồng, con cái, người làm việc chung làm điều gì quấy với chúng ta thì chúng ta sẽ trả đủa lại giống như người thế gian, chúng ta sẽ sống cay đắng với họ. Nhưng nếu chúng ta là con cái của Ðức Chúa Trời, được sanh lại, thì sự thử thách nầy là cơ hội cho chúng ta nhịn nhục, thực hành sự tiết độ, nói năng nhẹ nhàng, tha thứ, chịu đựng. Ðây là cách chúng ta làm chứng cho thế gian rằng chúng ta khác với họ, chúng ta đã trở thành con cái của Ðức Chúa Trời. Nhiều người quan niệm rằng ngày Chúa Nhật là ngày phải làm chứng nhân, phải mặc đồ đẹp đi nhà thờ, hát ca ngợi, đưa con cái đi Trường Chúa Nhật nhưng những ngày còn lại trong tuần họ sống theo cách mà họ ưa thích, vì vậy, đời sống của họ giống như người thế gian vậy mà họ tưởng rằng họ cũng làm chứng theo cách nào đó. Dĩ nhiên cách sống như vậy chứng tỏ một cách rõ ràng rằng họ không phải là người làm chứng.
Một điểm trong đời sống của tín hữu được sanh lại đó là chúng ta luôn luôn lúc nào cũng được cứu. Chúng ta không chỉ được cứu vào ngày Chúa Nhật, chúng ta được cứu luôn luôn, do đó trái của Ðức Thánh Linh không ngừng nhìn thấy trong đời sống của chúng ta. Tôi không có ý nói rằng tánh xác thịt của chúng ta sẽ không bao giờ nổi dậy. Có lần chúng ta trả đủa lại, nóng giận, thiếu kiên nhẫn... nhưng những điều đó không thể là phản ứng tiếp diễn liên tục trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự là con cái của Ðức Chúa Trời thì đời sống của chúng ta phải lộ ra trái của Ðức Thánh Linh. Mỗi ngày chúng ta nên đến với Chúa và thưa rằng: Chúa ôi, xin tha thứ cho con! Ngày nay có lúc con đã làm điều mà con không nên làm, có lúc con đã không bày tỏ trái của Ðức Thánh Linh, xin Ngài tha thứ. Nguyên tắc căn bản của đời sống đó là, tội lỗi không thể lặp đi lặp lại ngày nầy đến ngày khác.
Ðời sống của chúng ta là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ rằng Chúa Cứu Thế đã trở thành người cứu chuộc của chúng ta. Chúng ta đối xử với vợ chồng, con cái qua những điều chúng ta nói đến, những điều chúng ta ưa thích, qua cách chúng ta sử dụng thì giờ, bằng ngôn ngữ chúng ta dùng. Nếu trong những mẫu đối thoại chúng ta luôn nói về vật chất, những điều vui thú thuộc về thế gian thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy con cái chúng ta lớn lên sẽ không ưa thích gì về Tin Lành bởi vì chúng ta không làm chứng cho chúng nó.
Vâng, có thể chúng ta đưa chúng nó đến Trường Chúa Nhật, có thể thỉnh thoảng chúng ta kể những câu chuyện trong Kinh Thánh cho chúng nó. Nhưng nếu đời sống của chúng ta không làm chứng cho chúng nó thì cách tiêu cực chúng ta bảo chúng nó rằng: "Con trai, con gái của ta! Cha mẹ đưa con đi Trường Chúa Nhật, đưa con đi nhà thờ, nhưng tất cả những điều đó không quan trọng, điều quan trọng là vui thú của thế gian, cuộc chơi banh. Hãy xem, cha mẹ để nhiều thì giờ xem tivi, bóng đá, bóng rổ không cần biết ngày đó là Chúa nhật hay ngày gì, không cần quan tâm đến việc Chúa Giê-xu quan trọng thế nào, điều quan trọng là làm ra nhiều tiền, mua thêm đồ đạc mới vào nhà, để thì giờ nhìn ngắm, suy nghĩ, nói về nó. Ðây thật sự là điều mà các con nên nghĩ đến".
Chúng ta đi nhà thờ, cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi mình, hát trong ban hát, xin Chúa giúp mình yêu thương người đồng loại nhưng chúng ta cứ giữ trong trí việc nầy việc nọ người hàng xóm làm. Chúng ta để nhiều thì giờ nói về tội lỗi, sự yếu đuối của người khác, hạ người khác xuống. Làm như thế đời sống chúng ta làm chứng rằng chúng ta không thấy Chúa Cứu Thế là người cứu chuộc bao giờ, chúng ta làm chứng rằng chúng ta chưa được cứu. Ðó không phải là đời sống của tín hữu được sanh lại. Ðời sống của tín hữu được sanh lại có nghĩa là mỗi chi tiết trong đời sống của chúng ta muốn làm chứng, muốn vâng theo luật lệ của Ðức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không xét đoán mà chỉ để ý tập trung vào những điều đời đời. Ðây là cách mà chúng ta muốn làm chứng như những người tại cổng thành.
Dĩ nhiên có những cách khác chúng ta có thể làm chứng. Xin nhớ rằng khi Bô-ô mua Ru-tơ, ông mua tất cả những gì thuộc về nàng, ông mua tất cả đất ruộng. Cũng vậy, khi Chúa Cứu Thế mua chúng ta bằng giá của chính huyết Ngài. Ngài mua tất cả những gì thuộc về chúng ta. Tiền lương mà chúng ta kiếm được là thuộc về Ðức Chúa Trời, nó không thuộc về chúng ta. Cái nhà mà chúng ta đang ở và làm chủ thật ra là thuộc về Chúa. Sản nghiệp, tiền bạc trong ngân hàng, tiền mua chứng khoán, thì giờ, sức lực, hay bất cứ cái gì chúng ta có đều thuộc về Chúa. Chúng ta chỉ là người quản gia. Công tác mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta là làm chứng nhân trên thế gian. Bởi vì chúng ta được sanh lại nên chúng ta phải yêu thương người đồng loại, sẵn sàng vâng theo mạng lệnh Chúa là yêu kẻ thù nghịch.
Theo ý nghĩa trong Kinh Thánh, tất cả những người chưa được cứu là kẻ thù của chúng ta vì họ còn là nô lệ cho ma quỉ trong vương quốc tối tăm, ngay cả họ chống lại Chúa Cứu Thế chúng ta cũng phải yêu họ. Không gì làm cho chúng ta vui hơn là thấy một trong những người như vậy trở nên được cứu. Vì thế phải chắc chắn rằng những gì Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta thì chúng ta phải sử dụng triệt để hầu cho Tin Lành có thể được rao giảng ra. Chúng ta dùng hết sức mình để những gì chúng ta có bằng cách nào đó có thể được dùng cho sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Chúng ta thật sự sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác. Ðó là loại tình yêu mà Chúa Cứu Thế đối với chúng ta.
Chúng ta cũng làm chứng bằng cách chia xẻ Tin Lành qua lời làm chứng, phát chứng đạo đơn. Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có cơ hội nói về Chúa cho ai đó. Chúng ta không cần phải có tài ăn nói. Xin nhớ rằng chúng ta không phải là người quảng cáo bán hàng cho Chúa Cứu Thế, chúng ta không thể khiến người ta vào thiên đàng. Chúng ta không thể dùng cách nhẹ nhàng để chiến thắng, để đem họ vào thiên đàng. Chúng ta làm chứng từ chỗ đứng của chúng ta. Ðức Chúa Trời là Ðấng làm công việc cứu người. Ðức Chúa Trời là Ðấng tác động lời Ngài vào lòng của người ta. Chúng ta chỉ là chứng nhân, đơn giản công bố Tin Lành Cứu Rỗi lạ lùng. Bạn có thấy vai trò của người tín hữu không? Những người tại cổng thành và mười người trưởng lão đã thấy ý định của Bô-ô khi ông nói rằng ông sẽ lấy Ru-tơ người Mô-áp bị rủa sả làm vợ ông, họ làm chứng về điều đó. Chúng ta cũng vậy, Kinh Thánh chép Chúa Cứu Thế đã hạ mình xuống, bị rủa sả vì chúng ta để chúng ta được Ngài cưới, để được làm vợ Ngài. Ðây là điều mà chúng ta muốn làm chứng cho thế gian. Rồi Kinh Thánh tiếp tục: "Nguyện Ðức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" Câu nói nầy thật là buồn cười! Chúng ta ôn lại, Ra-chên và Lê-a là hai vợ của Gia-cốp, Gia-cốp là một trong những tộc trưởng. áp-ra-ham là người bắt đầu cho nước Y-sơ-ra-ên. Ông cưới Sa-ra, Sa-ra sanh Y-sác, Y-sác cưới Rê-bê-ca, Rê-bê-ca sanh Gia-cốp và Ê-sau. Gia-cốp là người chạy trốn qua Cha-ran, cưới Lê-a và Ra-chên. Họ sanh được mười hai con trai và một con gái. Mười hai con trai nầy trở nên những người đứng đầu của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.
Câu hỏi buồn cười ở đây là, tại sao họ để tên của Ra-chên trước tên Lê-a? Lê-a là chị và là người Gia-cốp cưới trước. Tại sao họ nói Ra-chên và Lê-a thay vì nói Lê-a và Ra-chên? Nếu Chúa cho phép bài học tới chúng ta sẽ trả lời câu hỏi trên và chúng ta sẽ tìm hiểu xem có ý nghĩa gì sâu sa được ám chỉ ở đây qua câu nói: "Nguyện Ðức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!"
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 38 (Ru-tơ 4:11-12)
Trong Ru-tơ chương 4 chúng ta bắt đầu thấy sự chúc mừng của những người trong thành Bết-lê-hem khi nghe quyết định của Bô-ô muốn cưới Ru-tơ làm vợ. Họ đến với Bô-ô và nói rằng: "Nguyện Ðức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê -a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" (Câu 11).
Câu hỏi chúng ta có trước khi chấm dứt bài học rồi đó là: Tại sao họ để tên Ra-chên trước tên Lê-a? Lê-a là người Gia-cốp cưới trước và lớn tuổi hơn. Vâng, sự thật theo sự kiện lịch sử ông muốn cưới Ra-chên, ông yêu Ra-chên, vì nàng, ông đã làm việc cho cha nàng bảy năm. Rồi ông cậu La-ban đưa Lê-a đến làm vợ ông. Bởi vì Lê-a không được hấp dẫn cho nên Gia-cốp phải đồng ý làm thêm bảy năm nữa để được cưới luôn Ra-chên. Có một lý do tại sao tên Ra-chên được đặt trước. Bạn thấy, đây là xứ Bết-lê-hem, những người nầy đang sống tại Bết-lê-hem và Ra-chên đối với họ rất quan trọng.
Cả hai Lê-a và Ra-chên đều được sanh ra và lớn lên tại Cha-ran là xứ nằm ngoài địa phận của Y-sơ-ra-ên. Bạn có nhớ khi Gia-cốp trở về xứ Y-sơ-ra-ên sau khi ở tại Cha-ran 40 năm là nơi ông cưới hai chị em và sanh con tại đó, trừ một đứa chưa sanh ra. Trên đường về để gặp cha mình thì lúc đó Ra-chên chuẩn bị sanh đứa con thứ nhì. Lê-a đã sanh cho ông sáu đứa con trai, con đòi của Lê-a sanh cho Gia-cốp hai con trai, xem như Lê-a có được tám đứa con. Con đòi của Ra-chên sanh cho Gia-cốp hai con trai, rồi Ðức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên và cho nàng sanh sản. Nàng sanh Giô-sép, xem như nàng có được ba con trai.
Bây giờ nàng sắp sửa sanh đứa con thứ nhì khi họ về gần đến Bết-lê-hem. Trong tiến trình sanh đứa con trai út của Gia-cốp được đặt tên là Bên-gia-min thì Ra-chên qua đời. Dân thành Bết-lê-hem có một chỗ đặc biệt dành cho Ra-chên trong lòng họ bởi vì Ra-chên được chôn tại Bết-lê-hem. Cho nên theo bối cảnh lịch sử chúng ta có thể thấy tại sao họ để tên Ra-chên trước. Nhưng chú ý chỗ nầy họ nói: "là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!"
Trở lại sách Phục-truyền luật-lệ ký chép về vấn đề người bà con. Chúng ta đọc thấy, nếu một người chết không con thì người anh em là bà con sẽ cưới người đàn bà đó hầu "lưu danh anh em người lại trong Y-sơ-ra-ên", một cái nhìn khác trong câu 9 là "lập lại nhà anh em mình". Nói cách khác, khi cung cấp dòng dõi có nghĩa là cung cấp sản nghiệp cho anh em người đã chết. Khi Ra-chên và Lê-a lập gia đình với Gia-cốp thì họ cung cấp sản nghiệp cho Gia-cốp.
Theo dữ kiện trong Kinh Thánh chúng ta biết Gia-cốp khoảng 60 tuổi lúc đến Cha-ran. Ông còn độc thân, không vợ, nếu ông chết khi còn độc thân thì ông sẽ không nhà, không sản nghiệp. Ông cần phải lập gia đình với ai đó, sanh con để có được sản nghiệp. Bởi lòng thương xót của Ðức Chúa Trời ông đã cưới được hai chị em là Lê-a và Ra-chên. Qua mối liên hệ hôn nhân với họ ông có được tám đứa con trực tiếp từ nơi họ và qua hai con đòi, ông có thêm bốn con trai nữa. Theo Kinh Thánh bốn đứa con nầy được xem như sanh bởi Lê-a và Ra-chên. Bạn có thể đọc thêm điều nầy trong Sáng-thế ký 30 nếu bạn thích thú muốn tìm hiểu thêm.
Chúng ta có thể nói rằng Ra-chên và Lê-a sanh cho Gia-cốp mười hai đứa con trai. Mười hai người con trai nầy là ai? Mười hai người con trai nầy là trưởng tộc của dân Y-sơ-ra-ên. Gia-cốp sau đó được đổi tên là Y-sơ-ra-ên, có nghĩa là hoàng tử của Ðức Chúa Trời. Trong khi Gia-cốp vật lộn cùng thiên sứ khi ông rời Cha-ran thì tên của ông được đổi thành Y-sơ-ra-ên. Thật sự, hai người đàn bà nầy lập nên nhà Y-sơ-ra-ên. Nói về thuộc linh, khi chúng ta trở thành cô dâu của Chúa Cứu Thế thì chúng ta bắt đầu dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên. Ðiều nầy không có nghĩa là quốc gia Y-sơ-ra-ên (Do-thái) nhưng theo nghĩa thuộc linh chúng ta trở nên chứng nhân cho thế giới. Ðức Chúa Trời dùng chúng ta là đại sứ của Ngài để hướng dẫn người khác đến hợp thành thân thể của Chúa Cứu Thế.
Trong Cô-lô-se 3:9, "Lại nếu anh em thuộc về Ðấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa." Bạn thấy đây là cách Ðức Chúa Trời nhìn xem dân Y-sơ-ra-ên của Ngài. Trong Rô-ma 9:6-8, chúng ta đọc "Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên... nhưng con cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng dõi Áp-ra-ham vậy." Ðức Chúa Trời không kể tất cả những người sanh theo dòng máu của Y-sơ-ra-ên là dân Y-sơ-ra-ên thật nhưng chỉ những ai thật sự được sanh lại. Cũng vậy, khi chúng ta trở thành cô dâu của Chúa Cứu Thế thì chúng ta là người dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên, là những người trong Chúa Cứu Thế.
Có một điều thú vị là Tân ước chép về chúng ta trong 1Phi-e-rơ 2:5, "và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng", và trong Ê-phê-sô 2:19-22, "Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Ðức Chúa Trời. Anh em đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Ðức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Ðức Chúa Trời trong Thánh Linh." Bởi vì chúng ta là cô dâu của Chúa Cứu Thế, chúng ta dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên khi chúng ta rao giảng Tin Lành. Chúng ta góp thêm những hòn đá vào đền thờ của Ðức Chúa Trời.
Rồi họ nói thêm trong câu 11, "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta". Dĩ nhiên, trong bối cảnh lịch sử đây là lời chúc mừng cho Bô-ô, chúc cho nhà ông được cường thạnh, dòng dõi con cái đông vô số. Ép-ra-ta là một tên gọi khác cho Bết-lê-hem mà Bô-ô là công dân của Bết-lê-hem. Rồi họ nói tiếp "và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!" Nói cách khác, chúc cho ông được nổi tiếng tại Bết-lê-hem, chúc cho ông trở thành người lập nên một gia đình được đánh giá cao về sự thanh liêm và việc lành. Ðây là những lời chúc của những người cùng xứ với Bô-ô tại Bết-lê-hem. Nhưng chúng ta tự hỏi, tại sao Ðức Chúa Trời nhấn mạnh chữ Ép-ra-ta?
Có hai khúc Kinh Thánh đặc biệt đến với trí của tôi, tôi tự hỏi chắc Ðức Chúa Trời có dự định khi Ngài đề cập đến Ép-ra-ta. Bạn có nhớ trong Mi-chê 5:2, Ðức Chúa Trời phán về sự đến của Chúa Cứu Thế Giê-xu, "Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng." Tên Bết-lê-hem Ép-ra-ta được dùng ở đây bởi vì có một Bết-lê-hem khác trong nước Y-sơ-ra-ên nằm về phía Bắc. Bết-lê-hem Ép-ra-ta là nói rõ đến một thành phố nhỏ cách Giê-ru-sa-lem 7 dặm về hướng nam. Ðây là chỗ Chúa Giê-xu được sanh ra.
"Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng." Ai đã được sanh ra tại Bết-lê-hem Ép-ra-ta? Ai trở thành người cai trị dân Y-sơ-ra-ên? Dĩ nhiên, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðây là câu mà những người lãnh đạo dân Giu-đa mở ra khi các bác sĩ đến hỏi: "Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Họ đọc câu nầy và biết rằng ấy là tại Bết-lê-hem, Ép-ra-ta, một làng nhỏ nằm về hướng nam của Giê-ru-sa-lem, đó là nơi Chúa Cứu Thế sẽ được sanh ra.
Vì vậy, tôi tin rằng nói về thuộc linh, Ðức Chúa Trời nhìn thấy trước rằng tại Ép-ra-ta, Chúa Cứu Thế sẽ được sanh ra. "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta", từ dòng máu của Bô-ô và Ru-tơ sẽ ra một Ðấng Cứu Chuộc cho dân Y-sơ-ra-ên. Vâng trong trường hợp nầy, Bô-ô là người chuộc, là hình ảnh của người chuộc nhưng Ðức Chúa Trời cũng nhìn xa hơn, qua cuộc hôn nhân của Bô-ô và Ru-tơ, qua dòng dõi nầy Chúa Cứu Thế sẽ đến. Vì vậy, Bô-ô và Ru-tơ là tổ tiên của dòng dõi sẽ cho ra một Ðấng trở nên cường thạnh trên thế gian, Ðấng ấy sẽ được sanh ra tại Bết-lê-hem, Ép-ra-ta. Tôi tin rằng đây là ý định của Chúa dù những người tại Bết-lê-hem không hiểu khi họ nói câu nầy.
Rồi họ nói: "và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!" Chữ "nổi danh" ở đây trong tiếng Hê-bơ-rơ thường thường được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa "được gọi bằng tên". Theo nghĩa đen ở đây nên đọc là: "và được gọi bằng tên trong Bết-lê-hem!" Trong ý nghĩa thuộc linh, có một người tên được gọi trong Bết-lê-hem. Chúng ta thấy ngôn ngữ nầy diễn tả rất đẹp trong Tân-ước, khi Chúa Giê-xu sắp được sanh ra, chúng ta đọc trong Ma-thi-ơ 1:21, "Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên* là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội." và câu 25, "song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên* là Jêsus." Bạn có thấy? Ðây là cái tên mang sự quan trọng đến cho Bết-lê-hem, đây là cái tên che phủ tất cả mọi thứ khác về Bết-lê-hem. Tên đó là JÊSUS (Giê-xu), tại Bết-lê-hem tên đó được gọi là GIÊ-XỤ
Tôi tin rằng Ðức Chúa Trời có hai ý ở đây khi những người tại Bết-lê-hem nói cùng Bô-ô "và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!" nghĩa là tên ông sẽ được gọi, nhiều người sẽ nhận ra tên ông; từ dòng dõi của Bô-ô và Ru-tơ, một người sẽ đến và rất nổi danh, người đó là Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của thế gian. Khi dùng ngôn ngữ nầy họ không hề biết rằng có một danh gọi tại Bết-lê-hem, là danh trên hết mọi danh, danh đó là danh GIÊ-XỤ "Vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội". Chúa Giê-xu là sự ứng nghiệm của tất cả những lời tiên tri chỉ về Ðấng Cứu Chuộc sẽ đến.
Hãy tiếp tục câu 12, bạn thấy ở đây họ nhắc đến một việc khác trong lịch sử và điều nầy làm cho chúng ta khó hiểu. Họ nói với Ru-tơ và Bô-ô, "Nguyện con cháu ngươi mà Ðức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi bởi người gái trẻ này, làm cho nhà ngươi giống như nhà của Phê-rết, mà Ta-ma đã sanh cho Giu-đa!" Chúng ta đã thấy lặp lại nhiều lần trong bài học Ru-tơ nầy những câu nói của Bô-ô, Ru-tơ hay là người khác không có lý chút nào, nhưng chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời đã hướng dẫn họ nói như vậy và được chép lại để dạy cho chúng ta những bài học thuộc linh sâu sắc.
Chúng ta đã khám phá ra rằng sách Ru-tơ là một ẩn dụ lịch sử, nhiều ý nghĩa thuộc linh lạ lùng đẹp tuyệt vời đã mở ra cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh của sự cứu rỗi. ễ đây chúng ta có lời chúc mừng của những người tại Bết-lê-hem cho Bô-ô, nghe không có lý chút nào, ít nhất là đối với tôi. Ai là Phê-rết? Họ chúc mừng Bô-ô và Ru-tơ rằng, "làm cho nhà ngươi giống như nhà của Phê-rết, mà Ta-ma đã sanh cho Giu-đa!"
Chúng ta trở lại Sáng-thế ký 38 và khám phá ra rằng Phê-rết là đứa con sanh ra bất hợp pháp. Bạn có nhớ? Chúng ta đã nói đến việc Giu-đa có ba con trai, một đứa tên Ê-rơ, đứa kế là Ô-nan, đứa thứ ba là Sê-la. Ê-rơ cưới Ta-ma, bởi vì Ê-rơ chống lại Chúa nên Ðức Chúa Trời giết đi. Rồi Giu-đa bảo Ô-nan đi lại cùng Ta-ma để sanh con cho Ê-rơ, Ô-nan từ chối làm việc nầy bằng cách làm rơi rớt xuống đất. Ðức Chúa Trời lại giết Ô-nan đi vì Ô-nan từ chối việc cung cấp dòng dõi cho anh mình.
Giu-đa đã không đưa Sê-la cho Ta-ma để làm chồng, vì vậy Ta-ma vẫn còn góa bụa. Cuối cùng khi Sê-la khôn lớn, Ta-ma ăn mặc như một k?#7919;. Nàng cám dỗ để Giu-đa có sự liên hệ tình dục với nàng. Giu-đa làm điều nầy không biết rằng đây là dâu của ông, chỉ tưởng là một k?#7919;. Khi khám phá ra Ta-ma có thai thì Giu-đa bảo đem giết nàng đi. Kế đến, Ta-ma chỉ ra rằng Giu-đa là cha của đứa nhỏ, nàng lại có thai đôi, một trong hai đứa sanh đôi đó là Phê-rết.
Ðây không phải là chuyện tốt được dùng để chúc mừng hai người mới cưới nhau. Chuyện nầy chỉ nhắc họ nhớ đến sự liên hệ không đúng đắn trong dòng máu của tổ tiên họ. Chúng ta tự hỏi không biết việc nầy có nghĩa gì. Vì thời gian không đủ cho nên chúng ta phải đợi đến bài học sau mới thấy được lý do trong phần kết luận nầy của sách Ru-tơ. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.
*Theo nguyên văn: "gọi tên"
"Cũng vì đó nên Ðức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Ðức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Ðức Chúa Trời, là Ðức Chúa Cha." Phi-lip 2:9-11
"Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." Công-vụ các Sứ-đồ 4:12
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 39 (Ru-tơ 4:12B)
Trong bài học rồi chúng ta đã thấy Bô-ô được những người công dân tại Bết-lê-hem chúc mừng sau khi ông quyết định cưới Ru-tơ để cung cấp sản nghiệp cho nàng cũng như cho Na-ô-mi.
Họ nói với ông "Nguyện Ðức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" Chúng ta đã thấy dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên là hình bóng cho việc chúng ta đi ra làm chứng. Trong 1Phi-e-rơ 2:5 chép: "Và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lỞ thánh, đặng dâng của tế lỞ thiêng liêng, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Ðức Chúa Trời". Vì vậy, mỗi khi chúng ta làm chứng cho người nào đó và họ trở nên người được sanh lại thì nhà của Ðức Chúa Trời được xây lên.
Có một cách dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên khác nữa, đó là khi chúng ta được cứu "Ngài trở nên Ðức Chúa Trời của chúng ta và con cháu chúng ta". Kinh Thánh diỞn tả rất đẹp về lời hứa của Ðức Chúa Trời. Vì thế, khi chúng ta là cha mẹ được cứu thì chúng ta cũng cung cấp sản nghiệp thuộc linh cho con cái của chúng ta nếu chúng ta nuôi dưỡng chúng nó lớn lên trong sự kính sợ Chúa, nếu chúng ta dạy dỗ chúng nó đi theo con đường chúng nó nên đi. Chúng ta được Ðức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ở gần chúng nó và chúng ta có thể mong đợi một tỷ lệ cao trong con cái cũng được sanh lại.
Theo nghĩa đen Bô-ô được chúc mừng rằng qua Ru-tơ dòng dõi của ông được đông lên. Theo nghĩa thuộc linh, khi chúng ta được cứu, dòng dõi thuộc linh sẽ ra từ chúng ta vì con cái, cháu chắt cũng sẽ được sanh lại nếu chúng ta vâng theo lời Chúa trong Ê-phê-sô 6 và Phục-truyền Luật-lệ Ký 6, rằng chúng ta phải nuôi dưỡng con cái lớn lên trong sự kính sợ Ðức Chúa Trời.
Rồi chúng ta cũng thấy họ nói: "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!" Ép-ra-ta là tên của Bết-lê-hem. Ép-ra-ta được nhấn mạnh trong khúc Kinh Thánh nầy vì Ðức Chúa Trời đang chỉ đến một thực tế rằng từ Bết-lê-hem Ðấng Mê-si sẽ đến. Có hai lý do tại sao Ðức Chúa Trời dùng chữ Ép-ra-ta. Trong Mi-chê 5:2, Bết-lê-hem Ép-ra-ta là nơi mà Chúa Giê-xu sẽ được sanh ra. Có một lý do khác tại sao Ép-ra-ta được nhắc đến mà chúng ta cần để ý. Chúng ta đã học sơ về Ra-chên sanh Bên-gia-min tại Bết-lê-hem cho nên họ để tên Ra-chên trước mặc dầu Lê-a là chị. Trong mối liên quan với sự sanh ra của Bên-gia-min, một lần nữa Ép-ra-ta được mang tên rất đặc biệt.
Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký 35:16 "Ở từ Bê-tên đi, họ còn cách Ê-phơ-rát chừng vào thôi đường, thì Ra-chên sanh nở. Việc sanh nở của người thật đau đớn. Trong khi khó sanh, bà mụ nói rằng: Ðừng sợ chi, vì nàng còn một con trai nữa. Vả, bởi Ra-chên gần trút linh hồn, vì đương cơn hấp hối, nên người đặt đứa con trai đó tên là Bê-nô-ni; còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min. Vậy, Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức là Bết-lê-hem." Ê-phơ-rát là một tên khác của Ép-ra-ta. Bê-nô-ni có nghĩa là con trai của sự đau đớn tôi. Chúng ta thấy Ép-ra-ta được cẩn thận nhắc đến hai lần trong khúc Kinh Thánh ngắn nầy. Ðây là cái tên mà những người tại Bết-lê-hem dùng khi họ nói: "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta". Ðiều mà chúng ta chú ý ở đây là Bên-gia-min được sanh ra thì Ra-chên qua đời. Bên-gia-min là sản phẩm của sự chết nàng. Có ý nghĩa đặc biệt gì ở đây? Ðiều nầy có liên quan gì đến "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta"?
Bạn biết, tên Bên-gia-min có nghĩa là con trai của tay hữu ta. Ra-chên gọi "con trai của sự đau đớn" nhưng Gia-cốp đổi lại là "con trai của tay hữu". Nếu chúng ta học kỹ về Bên-gia-min trong Kinh Thánh thì sẽ thấy rằng Bên-gia-min là hình bóng về những người biết Chúa. Bạn có nhớ? Trong Ê-phê-sô 1:20-21 tuyên bố, khi Ðức Chúa Trời "khiến Ðấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phồp, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa", sách Ê-phê-sô chồp tiếp về những tín hữu: Chúng ta đã chết trong tội lỗi mình "và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ" (Ê-phê-sô 2:6).
Chúa Giê-xu ngồi bên hữu của Ðức Chúa Trời. Chúng ta đồng trị với Ngài thì chúng ta cũng ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời. Chúng ta được nhận diện cùng với Bên-gia-min bằng nhiều cách khác nhau. Chúa Giê-xu phán: "Nhưng có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu." (Mác 10:31). Ru-bên là con trưởng của Gia-cốp có quyền hưởng gấp đôi sản nghiệp. Nhưng vì tội lỗi trong đời của ông, ông đã phủ nhận quyền trưởng nam của mình. Quyền đó trở về Giô-sồp là một trong những đứa con cuối. Giô-sồp nhận gấp đôi sản nghiệp. Bên-gia-min là con trai cuối cùng được sanh ra cho Gia-cốp cũng nhận được ơn phước lớn lao.
Ðiều thú vị chúng ta thấy đó là: Trừ Bên-gia-min ra, tất cả những con của Gia-cốp được sanh ra tại Cha-ran, bên ngoài đất Ca-na-an là đất hứa. Nhưng Bên-gia-min được sanh ra trong đất Ca-na-an là đất hứa. Dĩ nhiên, đây là hình bóng về những tín hữu được sanh lại. Thật sự chúng ta là khách lạ trên thế gian nầy, nhưng chúng ta được sanh lại trong vương quốc của Ðức Chúa Trời. Khi chúng ta được sanh lại, ngay tức thì chúng ta được nhận diện thuộc về vương quốc thiên đàng. Ca-na-an là hình bóng về vương quốc của Ðức Chúa Trời.
Bên-gia-min được sanh ra tại Bết-lê-hem, là nhà bánh. Ông được sanh ra cùng một chỗ Chúa Giê-xu được sanh ra. Kinh Thánh không ngừng nói đến mối liên hệ gần gũi giữa Chúa Cứu Thế và tín hữu. Ở đây chúng ta thấy Chúa Cứu Thế được sanh ra tại Bết-lê-hem là nhà bánh, Bên-gia-min cũng được sanh ra tại nhà bánh. Nhìn từ nhiều phía khác nhau, Bên-gia-min là hình bóng về những tín hữu.
Như tôi đã nhấn mạnh, có sự chết xảy ra để Bên-gia-min được sanh ra, dĩ nhiên, đây là sự chết của Ra-chên. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, sự chết phải xảy ra để chúng ta được sanh lại. Ðó là sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu Ngài không chết thì chúng ta sẽ không kinh nghiệm được sự sanh lại. Tên trước của Bên-gia-min có nghĩa "con của sự đau đớn", chúng ta cũng là "con của sự đau đớn", không phải sự đau đớn chúng ta trải qua, nhưng sự đau đớn Chúa Giê-xu chịu đựng để chúng ta được cứu.
Trong Ê-sai 53 chép: Ngài là một người khốn khổ. Chúa Giê-xu đã trở nên tội lỗi vì chúng ta, đã gánh lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho chúng ta. Bởi vì Ngài là người khốn khổ thì chúng ta được trở thành con của Ðức Chúa Trời, vì vậy, chúng ta là "con của sự khốn khổ". Nhưng chúng ta không ở trong địa vị nầy mãi mà trở nên "con của cánh tay hữu". Khi những người tại Bết-lê-hem chúc mừng Bô-ô: "Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta". Họ không ngờ rằng lời họ nói có một lẽ thật thuộc linh sẽ xảy ra bởi vì Ép-ra-ta là nơi Chúa Giê-xu sẽ được sanh ra. Ngài ra từ dòng dõi của Bô-ô và Ru-tơ. Những tín hữu được sanh lại cũng ra từ đó. Ðiều nầy được làm hình bóng bởi Bên-gia-min được sanh ra tại Bết-lê-hem, Ép-ra-ta.
Rồi chúng ta đọc đến câu 12 trong phần chấm dứt của bài học rồi, chúng ta tự hỏi không biết tại sao họ đề cập đến Phê-rết. Bạn có nhớ? Trong bài học rồi chúng ta thấy Phê-rết là đứa con được sanh ra bởi Ta-ma và ông gia của nàng là Giu-đa. Hai đứa con lớn của Giu-đa chết vì độc ác và không vâng lời Ðức Chúa Trời. Giu-đa làm ngơ không đưa đứa con thứ ba là Sê-la cho nàng Ta-ma sau khi Ô-nan chết. Vì thế Ta-ma giả vờ làm một k?#7919;. Bằng một hành động tội lỗi Giu-đa đến với nàng tưởng rằng nàng chỉ là một k?#7919; bình thường, không nhận biết rằng nàng là dâu mình. Rồi Ta-ma sanh đôi hai đứa trai, một trong hai đứa là Phê-rết.
Khi kết luận bài học rồi chúng ta ngạc nhiên không biết tại sao họ nhắc đến câu chuyện xấu nầy khi nói về Bô-ô. Tôi không chắc rằng họ nhận biết tất cả điều ám chỉ khi họ đề cập đến Phê-rết. Có thể đơn giản là như thế nầy: Bô-ô cưới Ru-tơ là người đàn bà bị rủa sả để cung cấp cho nàng sản nghiệp. Khi tra lại trong dòng giống của họ cách đó 900 năm họ tìm thấy mối liên hệ giữa Giu-đa và Ta-ma. Trong việc đó Giu-đa trở thành người chuộc sản nghiệp cho Ta-ma. Ru-tơ không có sản nghiệp, nàng là góa bụa, là người ngoài. Bô-ô vì yêu nàng, tự nguyện cưới nàng để nàng có được sản nghiệp cũng như chồng trước của nàng và gia đình Ê-li-mê-léc cũng có được sản nghiệp.
Giu-đa đã đến cùng Ta-ma, dù đây là hành động bất hợp pháp, dù nàng gạt Giu-đa làm cho ông tưởng rằng nàng là một k?#7919;. Vô tình, Giu-đa trở thành người chuộc sản nghiệp cho Ta-ma, cung cấp dòng dõi cho Ê-rơ là đứa con đầu tiên cưới Ta-ma. Có sự tương tự trong hai câu chuyện nầy. Vâng, dù câu chuyện nầy không đẹp như câu chuyện tình chúng ta có trong sách Ru-tơ nhưng kết quả thì giống nhau. Những người tại Bết-lê-hem là con cháu của Giu-đa và Ta-ma. Họ là con cháu của Phê-rết, dù câu chuyện nầy cách đó 900 năm nhưng nằm trong lịch sử dòng giống của họ. Từ lâu trong ý nghĩ của họ, họ đã gát bỏ qua nguồn gốc của câu chuyện nhưng chỉ tập trung vào việc Giu-đa là người chuộc sản nghiệp cho Ta-ma. Tôi nghĩ về thuộc linh đây cũng là điều Ðức Chúa Trời muốn nói.
Khi Phê-rết là bằng chứng rằng Giu-đa đã thật sự cung cấp sản nghiệp cho Ta-ma thì cũng vậy, qua cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ thì nhà của Ru-tơ được dựng nên. Thật ra họ chúc rằng nàng sẽ có một con trai như Phê-rết được sanh ra cho Giu-đa và Ta-ma. Nhưng có một thực tế ở đây mà chúng ta không thể bỏ qua. Chúng ta đi ngược lại trong Sáng-thế Ký 38:27, "Ðến kỳ sanh nở, nầy trong bụng nàng có thai đôi. Ðương lúc sanh nở, một trong hai đứa đưa tay ra trước; bà mụ bắt lấy tay buộc một sợi chỉ điều, và nói rằng: Ðứa nầy ra trước. Nhưng nó rút tay vào, thì đây, anh nó lại ra. Bà mụ nói rằng: Mầy, tông rách dường nầy! Họ đặt tên là Phê-rết. Kế em nó ra sau, là đứa nơi tay có sợi chỉ điều, và họ đặt tên là Sê-rách". Bạn thấy câu chuyện ở đây. Ðứa nhỏ dường như được sanh ra trước là Sê-rách, nó chỉ đưa tay ra thì họ buộc sợi chỉ điều để làm dấu. Nhưng thật ra Phê-rết được sanh ra trước, vì vậy cho nên họ đặt tên là Phê-rết, có nghĩa tông rách.
Nếu chúng ta học về câu chuyện nầy thì chúng ta sẽ học sâu hơn, và tôi chắc rằng chúng ta sẽ tìm thấy rằng sợi chỉ điều là hình bóng về sự đổ huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta không làm điều nầy vì chúng ta đang học sách Ru-tơ và ngay thời điểm nầy tôi cũng không biết tôi có khả năng để phân tích sâu thêm hay không. Nhưng tôi biết một điều: Tên Phê-rết có nghĩa là tông rách. Ðây là điều rất quan trọng. Chúng ta đọc trong Ê-sai 54:1-3, "Hỡi kẻ son sẻ, không sanh đẻ kia, hãy ca hát. Hỡi ngươi là kẻ chưa biết sự đau đớn sanh nở, hãy hát xướng reo mừng, vì con cái của vợ bị bỏ sẽ đông hơn con cái của đờn bà có chồng, Ðức Giê-hô-va phán vậy. Hãy mở rộng nơi trại ngươi, giương màn chỗ ngươi ở. Chớ để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng nọc cho chắc! Vì ngươi sẽ lan rộng ra bên hữu và bên tả; dòng dõi ngươi sẽ được các nước làm cơ nghiệp, và sẽ làm cho các thành hoang vu đông dân cư."
Ðức Chúa Trời tiên đoán sự ra đời của Ðấng Mê-si trong Ê-sai 54. Vì cớ tội lỗi, dân Y-sơ-ra-ên trở nên hoang vu dầu bề ngoài họ là vợ của Ðức Chúa Trời, nhưng họ đã chống nghịch lại Ngài cho nên họ đã bị trừ bỏ. Trong hoàn cảnh cùng khốn nầy thì một sự xông ra xuất hiện: Sự rao giảng Tin Lành cho cả thế giới xảy ra để cho dòng dõi của Chúa Giê-xu "sẽ được các nước làm cơ nghiệp, và sẽ làm cho các thành hoang vu đông dân cư." Chúa Giê-xu đến thế gian là chương trình của Ðức Chúa Trời để rao giảng Tin Lành ra khắp thế gian. Cho nên chúng ta thấy Ðức Chúa Trời nhấn mạnh trong sách Ru-tơ rằng: "Nguyện con cháu ngươi mà Ðức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi bởi người gái trẻ này, làm cho nhà ngươi giống như nhà của Pha-rết, mà Tha-ma đã sanh cho Giu-đa!"
Về thuộc linh giống như họ nói: Nguyện kết quả của mối liên hệ giữa Bô-ô và Ru-tơ trở thành một sức mạnh xông đến là việc rao giảng Tin Lành ra khắp các nước. "Nguyện con cháu ngươi", về thuộc linh "con cháu" là Chúa Giê-xu, Ðấng đã đến qua dòng máu của Giu-đa và Ta-ma qua Phê-rết. Ngài đã đến qua dòng máu của Bô-ô và Ru-tơ qua con của họ là Ô-bết chúng ta sẽ đọc thấy trong câu 17. Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu Tin Lành sẽ được rao giảng ra khắp các nước.
Bài học tới chúng ta sẽ xem câu 13-15, những người tại Bết-lê-hem tiếp tục chúc mừng Bô-ô và Ru-tơ nhưng trong những câu còn lại nầy trung tâm điểm được đổi từ Bô-ô qua Na-ô-mi. Chúng ta sẽ đọc nhiều điều khác nhau về Na-ô-mi và sẽ ngạc nhiên không biết tại sao lại như vậy.
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 40 (Ru-tơ 4:13)
Chúng ta đang đến phần kết luận của phân đoạn cuối trong chương 4 và lấy làm lạ vì Ðức Chúa Trời dạy chúng ta nhiều lẽ thật thuộc linh qua sách Ru-tơ nhỏ nầy. Chúng ta đã học biết, đây thật sự là ẩn dụ thuộc về lịch sử, đây là chuyện xảy ra trong lịch sử được ghi lại. Nhưng từ trong câu chuyện lịch sử đó, Ðức Chúa Trời đã chọn một số kinh nghiệm, mẫu đối thoại để ghi lại trong Kinh Thánh, hầu cho chúng ta có thể học biết một số điều về tính chất đặc biệt của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời đã ban cho.
Bây giờ chúng ta đến câu 13: "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Ðó là một câu rất dễ hiểu không cần phải giải thích nếu chỉ liên quan về sự kiện lịch sử. Một hôn nhân đã xảy ra và một con trai được sanh ra cho họ. Dĩ nhiên tôi muốn chỉ ra điều nầy khi Ðức Chúa Trời rất cẩn thận chép rằng: "Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai". Chỉ bao nhiêu đó cũng là một lẽ thật cần được nhấn mạnh.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người nghĩ rằng Ðức Chúa Trời không dính líu gì đến việc thụ thai sanh con cái. Họ tin tưởng tuyệt đối rằng chỉ bởi sự kết hợp sinh học giữa đàn ông và đàn bà và nếu sức khỏe tốt thì con cái sẽ được sanh ra. Họ có thể quyết định có bao nhiêu đứa con mà họ muốn và khi nào họ muốn. Hầu như họ có thể điều khiển được hoàn cảnh. Kết luận như vậy vì con người không còn đọc Kinh Thánh nữa. Họ không còn muốn ở dưới thẩm quyền của Kinh Thánh nữa. Kinh Thánh nói cho chúng ta rất khác về việc sanh con cái. Kinh Thánh chỉ rõ rằng nguyên do duy nhất của việc thụ thai sanh con cái là hành động của chính Ðức Chúa Trời.
Bạn có thể công nhận như vậy vì con trẻ là một vật thọ tạo mới nhất trong lòng của một người mẹ. Vâng, sự thật đứa trẻ mang dòng máu của cha và mẹ nó nhưng nó có một linh hồn độc lập. Nó có tính chất độc lập của một con người. Linh hồn độc lập đó phải được dựng nên trong lòng của người mẹ. Nếu Ðức Chúa Trời không hành động trong việc sáng tạo nầy thì dù con người có sự kết hợp sinh học cả trăm năm tới nữa thì cũng không có con cái nào được sanh ra. Chúa phải ban cho sự thụ thai, Chúa phải hành động qua việc kết hợp sinh học để ban cho con trai hoặc con gái.
Tôi xin nói thêm điều nầy, chúng ta đang sống vào thời đại mà con cái là mối đe dọa cho con người. Con người thờ lạy thiên nhiên, con người tin rằng thiên nhiên nầy cho họ sự bảo đảm, hy vọng, họ trông đợi thiên nhiên cung cấp cho họ tất cả những điều cần thiết. Bởi vì con người đã đánh mất lòng tin nơi Ðức Chúa Trời, bởi vì họ tin rằng thiên nhiên đang chết dần cho nên con cái là mối đe dọa cho thiên nhiên. Vì vậy ngày nay con người muốn hạn chế số lượng con cái, thực tế nhiều cặp vợ chồng không muốn có đứa con nào. Kinh Thánh dạy rằng con cái là phước hạnh của Chúa ban cho, "Bông trái của tử cung là phần thưởng." (Thi thiên 127:3). Kinh Thánh chỉ rõ rằng có một tá con thì có phước hơn là có một đứa hay không có đứa nào.
Chúng ta nhớ trong sách Sa-mu-ên, An-ne rất buồn khổ khi nàng không sanh được đứa con nào cho chồng nàng, trong sách đó một lần nữa chúng ta đọc thấy Ðức Chúa Trời nhớ đến nàng và cho nàng thọ thai. Ðức Chúa Trời là Ðấng ban phước hạnh đó. Con cái được sanh ra cho những tín hữu được sanh lại thật sự là phước hạnh khi chúng ta nuôi dạy chúng nó lớn lên trong sự kính sợ Chúa. Một gia đình có con cái quây quần xung quanh bàn thật sự là một gia đình có phước. ễ đây chúng ta thấy "Ðức Giê-hô-va làm cho Ru-tơ được thọ thai và sanh một con trai".
Có một sự thay đổi đầy ý nghĩa ở đây mà chúng ta tự hỏi không biết tại sao. Trước hết điểm trọng tâm nhắm vào Na-ô-mi, gần giống như Na-ô-mi sanh đứa con trai nầy. Chúng ta đọc trong câu 16,17 "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó. Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi." Không, đứa trai không được sanh cho Na-ô-mi, nó được sanh ra cho Ru-tơ. Dĩ nhiên, theo bối cảnh lịch sử, Na-ô-mi là bà của đứa trai nầy, trong ý nghĩa đó, đứa con trai được sanh ra cho Na-ô-mi qua Ru-tơ. Ðứa con trai đó bước vào gia đình của Na-ô-mi cho nên đây là lý do tốt để dùng ngôn ngữ như vậy. Nhưng chúng ta đã học trong sách Ru-tơ, ngôn ngữ không được dùng một cách ngẫu nhiên, tình cờ.
Một thay đổi đầy ý nghĩa khác đó là điểm trọng tâm về người chuộc sản nghiệp không còn hướng về Bô-ô nữa mà hướng về đứa con trai được sanh ra cho Bô-ô và Ru-tơ. Ðó là sự thay đổi rất đầy ý nghĩa vì xuyên suốt sách Ru-tơ, chúng ta thấy lặp lại nhiều lần chữ "bà con" là cùng một chữ với "người chuộc" trong tiếng Hê-bơ-rơ, và Bô-ô là người chuộc. Bô-ô làm kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế, cưới Ru-tơ là hình bóng về tất cả những tín hữu tin nhận vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bô-ô là người chuộc, nhưng bắt đầu từ câu 13 đến câu 17 chúng ta thấy chức năng của người chuộc sản nghiệp không còn tập trung vào Bô-ô nữa nhưng nhắm vào đứa con trai được sanh ra cho Bô-ô và Ru-tơ.
"Các người đờn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" đọc đến đây chúng ta tưởng là nói về Bô-ô, nhưng không phải, chúng ta đọc tiếp, "Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai." Ru-tơ không sanh ra Bô-ô, Ru-tơ sanh con trai cho Bô-ô và đứa con trai mà nàng sanh ra được nhắc đến như là người có quyền chuộc lại. Bây giờ thì chúng ta tự hỏi, không biết điều gì xảy ra ở đây?
Họ chúc mừng Ru-tơ và Bô-ô qua hôn nhân của họ một người bà con ra đời, thật ra chữ bà con được dùng trong bối cảnh nầy rất là kỳ quặc. Tôi xin thú thật là những chữ nầy rất khó làm cho sáng tỏ liên quan đến lẽ thật thuộc linh. Thật sự có một sự cám dỗ để lướt qua những chữ nầy nói rằng, chúng ta đã học rất kỹ về sách Ru-tơ, bây giờ thì đứa con được sanh ra và Na-ô-mi rất vui, rồi kết luận bài học của sách Ru-tơ. Dầu sao đi nữa tôi tin rằng và tôi hy vọng bạn cũng tin như vậy, khi chúng ta học từng câu, xem xét từng chữ trong sách Ru-tơ là ẩn dụ lịch sử, Ðức Chúa Trời có những lẽ thật sâu sắc tuyệt vời cho chúng ta qua từng chữ, từng câu, ngay cả chúng ta không nhận ra điều nầy ngay. Chúng ta cũng học biết rằng, nơi nào có ngôn ngữ kỳ quặc thì đặc biệt nơi đó chúng ta có thể mong đợi tìm thấy một bữa tiệc thuộc linh thật.
Tôi đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện và nghiên cứu, cố gắng suy nghĩ tại sao Ðức Chúa Trời dùng ngôn ngữ nầy từ trong câu 13, 14, 15, 16 và 17 của chương 4, và tôi nghĩ là tôi có thể đưa ra lời giải thích dựa vào Kinh Thánh. Bạn có nhớ trong phần trước của sách Ru-tơ chúng ta thấy Bô-ô là hình bóng về Ðấng Cứu Chuộc, Ru-tơ là hình bóng về những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Cứu Chuộc của họ, nhưng chúng ta đã không xem xét Na-ô-mi là hình bóng cho ai. Chúng ta chỉ nói về bà một cách chung chung, có liên quan đến Ru-tơ, nhận được phước hạnh qua Ru-tơ, là người khích lệ Ru-tơ... Dĩ nhiên, chúng ta học trong phần đầu, bà và Ê-li-mê-léc đã rời khỏi Nhà Bánh, bà trở nên góa bụa, chúng ta đã thấy bà là hình bóng của những người rời bỏ Chúa Cứu Thế nhưng chúng ta không cố gắng tìm thêm nữa xem bà thật sự là hình bóng cho ai.
Thật ra, khi chúng ta học sách Ru-tơ tôi không hề nhận ra rằng qua suốt sách Ru-tơ Na-ô-mi luôn là hình bóng về điều gì đó hoặc ai đó cho đến khi phải vật lộn với câu 14, 15 và 16, tôi mới thấy được điều gì trong cái nhìn của Ðức Chúa Trời đối với Na-ô-mi. Ðây là điều mà chúng ta sẽ bắt đầu gở rối và tôi hi vọng là bạn sẽ kiên nhẫn, bởi vì đây không phải là bài học dễ trình bày. Nếu chúng ta đặt giả sử Na-ô-mi là hình bóng về quốc gia Y-sơ-ra-ên thì tôi tin rằng chúng ta đoán đúng ý nghĩa về thuộc linh. Na-ô-mi là hình bóng về nước Y-sơ-ra-ên đặt sự tin cậy mình vào sự giữ luật pháp. Ru-tơ là hình bóng về tất cả những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu kể cả những người ra từ quốc gia Y-sơ-ra-ên.
Trước hết chúng ta hãy xem Ðức Chúa Trời nói gì về mối liên hệ giữa Ngài và quốc gia Y-sơ-ra-ên. Chúng ta có thể đọc trong Ê-sai 54:1b để bắt đầu học về điều nầy, "vì con cái của vợ bị bỏ sẽ đông hơn con cái của đờn bà có chồng, Ðức Giê-hô-va phán vậy." Ðức Chúa Trời muốn nói gì ở đây? Lời giải thích cho câu nầy trong Ga-la-ti 4, Ðức Chúa Trời nói về Áp-ra-ham có hai con trai, một là Ợch-ma-ên được sanh bởi A-ga, đứa kia là Y-sác được sanh ra bởi Sa-ra. Vì A-ga đến với Áp-ra-ham và sanh Ợch-ma-ên nên tự nhiên nàng trở thành vợ của Áp-ra-ham một cách hợp pháp, giống như những người khác trên thế giới lập gia đình với nhau. Mặt khác, Sa-ra là vợ hợp pháp nhưng nàng ở với Áp-ra-ham không có đứa con nào. Ðức Chúa Trời dùng bà làm hình ảnh của sự bị ruồng bỏ.
Vì vậy, Ngài phán trong Ga-la-ti 4:21, "Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, há không nghe luật pháp sao? Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ. Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa. Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi mọi, ấy là nàng A-ga. Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi. Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta. Vì có lời chép: Hỡi đờn bà son, ngươi là kẻ chẳng sanh nở chi hết, hãy vui mừng; Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sanh đẻ, hãy nức lòng mừng rỡ và bựt tiếng reo cười, vì con cái của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng. Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa."
Ðây là điều Ðức Chúa Trời muốn nói trong phân đoạn nầy: A-ga sanh cho Áp-ra-ham một con trai nhiều năm trước khi Y-sác được sanh ra cho Sa-ra. Vì lý do đó nàng được gọi là đàn bà có chồng, mối liên hệ giữa chồng và vợ được làm cho vững chắc và chứng minh bằng đứa con được sanh ra cho họ. Nàng nhận được một số quyền ưu tiên, một số ơn phước vì nàng sanh một con trai còn Sa-ra vẫn tiếp tục là người son sẻ. Nhưng Ðức Chúa Trời phán rằng, "Vì con cái của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng." Trong khúc Kinh Thánh nầy Ðức Chúa Trời ví sánh A-ga với dân Y-sơ-ra-ên cố gắng giữ luật pháp cho nên Ngài nhắc đến núi Si-na-i.
Dân Y-sơ-ra-ên nghĩ rằng họ có thể giữ luật pháp nhờ đó họ nhận được sự cứu rỗi. Ðức Chúa Trời thật sự có ban cho họ luật pháp hầu cho họ có thể thấy qua đó họ cần có Ðấng Mê-si để được cứu, nhưng họ nhìn xem luật pháp là cứu cánh của họ để được cứu. Vì vậy núi Si-na-i thật ra đem họ vào vòng tôi mọi vì họ không có Ðấng Mê-si để cứu họ. Ngày nào chúng ta còn muốn được cứu bằng cách giữ luật pháp thì chúng ta sẽ không có sự cứu rỗi. Nhưng sự sanh ra của Y-sác cho Sa-ra là con trai của lời hứa liên quan đến những người trông đợi nơi Chúa cho sự cứu rỗi của họ. Y-sác cũng là một kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế, là hình bóng của những người trông đợi Chúa, tin cậy Ngài.
Bạn có nhớ trong Rô-ma chương 9, "Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên, cũng không phải vì là dòng dõi Áp-ra-ham thì hết thảy đều là con cái người; nhưng có chép rằng: Ấy là bởi Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi gọi theo tên ngươi." Không phải chỉ vì A-ga sanh con cho Áp-ra-ham mà tất cả con cái ấy là dân Y-sơ-ra-ên thật. Vì con trai của A-ga là hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên cố gắng giữ luật pháp để được cứu. Chúng ta thấy trong Ga-la-ti chương 4 Ðức Chúa Trời chỉ rõ rằng, trong ý nghĩa thật dân Y-sơ-ra-ên được Ðức Chúa Trời cưới. Chúng ta cũng thấy điều nầy trong Giê-rê-mi 31:32, "Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Ðức Giê-hô-va phán vậy."
Ðức Chúa Trời là chồng của dân Y-sơ-ra-ên, thực tế nầy cũng được thấy trong Ô-sê 2:2, Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài không còn là chồng của dân Y-sơ-ra-ên nữa, "Hãy kiện mẹ các ngươi, hãy kiện đi; vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó! Nó hãy cất bỏ sự dâm loạn khỏi trước mặt nó, và sự ngoại tình khỏi giữa vú nó đi". Dân Y-sơ-ra-ên đã trở nên ngoại tình dầu rằng Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài đã cưới họ nhưng Ngài từ chối mối liên hệ vợ chồng với họ. Tới đây có lẽ bạn nói: Nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh còn chỉ rõ Ngài vẫn còn là chồng của họ. Vâng đúng vậy, nhưng chúng ta sẽ mở rộng vấn đề nầy trong bài học tới. Xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật cho đến khi chúng ta gặp nhau trong bài học tới.
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 41 (Ru-tơ 4:14A)
Chúng ta đã học đến phân đoạn cuối của chương 4 và đang cố gắng làm sáng tỏ lẽ thật thuộc linh. Ðể làm điều nầy chúng ta phải xem xét mối liên hệ giữa Ðức Chúa Trời và dân tộc Y-sơ-ra-ên. Tôi cũng xin phép tỏ ra: Ðây là đề tài thường thường gây cho người ta sự khiếp đảm.
Có nhiều đề nghị đưa ra về việc Ðức Chúa Trời có ý định gì trên dân tộc Y-sơ-ra-ên. Nhiều quyển Kinh Thánh được in ra trên lề ý kiến của nhà xuất bản hay của người chủ bút về những ý định của Ðức Chúa Trời muốn làm... Vì vậy, nếu tôi nói những điều gì ngược lại với những gì bạn đã được dạy, xin hãy rất kiên nhẩn. Mong muốn duy nhất của tôi đó là vô tư đối với lẽ thật của Kinh Thánh. Hãy để Lời Ðức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta tìm ra lẽ thật thì chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều bằng chứng trong Lời của Ðức Chúa Trời. Chúng ta sẽ tìm thấy không có sự bất đồng ý kiến trong Lời của Ðức Chúa Trời khi chúng ta học xong qua. Tôi tin rằng Ðức Chúa Trời có điều muốn nói liên quan đến dân tộc Y-sơ-ra-ên. Có những điều rất đẹp nhưng có những điều không được đẹp. Kết quả cuối cùng được nhìn thấy đó là ân điển lạ lùng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Khi xem Ê-sai 54:2 trong ánh sáng của Ga-la-ti 4:27 chúng ta thấy rằng Ðức Chúa Trời xem dân Y-sơ-ra-ên, là dân đặt sự tin cậy của mình vào luật pháp với ý nghĩ rằng họ sẽ được cứu, ngang bằng với A-ga, là tôi mọi. Họ sanh ra con cái trong cảnh tôi mọi. Cách duy nhất chúng ta được tự do là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cho nên chúng ta không nên cố gắng được cứu bởi công việc lành của mình hay giữ luật pháp mà chỉ tin cậy vào công việc cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi.
Dân tộc Y-sơ-ra-ên nói chung đã không làm điều nầy. Cho nên trong ngôn ngữ của Kinh Thánh theo một ý nghĩa trực tiếp, có lần Ðức Chúa Trời xem như Ngài là chồng của họ và trong một ý nghĩa khác Ngài xem như Ngài không còn là chồng của họ nữa. Trong Ga-la-ti 4:30 chỉ rõ, "Song Kinh Thánh, có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ." Tôi tin rằng điều nầy được làm hình ảnh bởi Na-ô-mi. Bạn nhớ rằng Na-ô-mi ở Bết-lê-hem với Ê-li-mê-léc, đó là Nhà Bánh. Bà có tất cả mọi thứ tại đó. Nhưng bà và gia đình bà quay đi chống lại Ðức Chúa Trời. Khi có cơn đói kém xảy ra họ đã rời khỏi Bết-lê-hem để đi đến xứ Mô-áp. Ở đó, bà trở nên góa bụa, ở đó, bà bị cất lấy tất cả những gì bà có. Bà bị mất chồng, mất hai con trai, chỉ còn lại hai nàng dâu người Mô-áp, là những người đàn bà bị rủa sả.
Ðó là hình ảnh của dân tộc Y-sơ-ra-ên bắt đầu với những lời hứa từ Ðức Chúa Trời. Họ được nuôi dưỡng bởi Ðức Chúa Trời nhưng họ không ngừng chống nghịch lại Ngài. Vì vậy trong ý nghĩa thật họ là góa bụa đối với Ðức Chúa Trời, giống như Ðức Chúa Trời đã chết đối với họ. Vì lý do đó cho nên trong Ô-sê 2:2 Ðức Chúa Trời phán: "vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó!", cho nên trong Giê-rê-mi 31:32 chép: "dầu rằng ta (đã) làm chồng chúng nó." nhưng bây giờ đối với họ xem như ta đã chết. Trong Ga-la-ti 4:30: "Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó".
Chúng ta thấy khi Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem với Ru-tơ thì bà nói gì? Trong Ru-tơ 1:20-21, "Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Ðấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm. Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Ðức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Ðức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Ðấng Toàn năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?" Ðó là chỗ đứng của dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Dân Y-sơ-ra-ên làm tôi mọi cho luật pháp, họ không muốn Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Mê-si của họ. Ðiều nầy vẫn còn đúng cho đến ngày hôm nay phải không? Họ cố gắng tìm ra đường lên thiên đàng, lên Ðức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp. Ðó là lý do tại sao trong thời Chúa Giê-xu họ khước từ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đã hiện diện với họ, Ngài là Ðấng Mê-si. Ngài đã đến trong xác thịt và ở giữa họ nhưng họ từ chối Ngài vì họ không thấy sự chuộc tội mà Ngài có thể cung cấp. Họ tin rằng họ được xưng công bình khi họ giữ luật pháp. Ðó là hình ảnh mà Ðức Chúa Trời trình bày qua Na-ô-mi.
Y-sơ-ra-ên là góa bụa đối với Ðức Chúa Trời trên phương diện quốc gia. Họ đã bị truất bỏ, điều nầy được nhấn mạnh trong Ê-sai chương 6 được chép 600 năm trước Chúa Cứu Thế. Ngài phán qua tiên tri Ê-sai rằng "Ngài phán: Ði đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!" Rồi Ê-sai hỏi lại rằng "Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả." Ngôn ngữ nầy cho biết rằng hoàn cảnh đó kéo dài cho đến khi tận thế.
Khi chúng ta đọc trong Tân Ước thì thấy Chúa Giê-xu trích câu nầy ra để nói về sự không tin của dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng thấy câu nầy được trích ra bởi sứ đồ Phao-lô qua sự soi dẫn của Thánh Linh trong Rô-ma11 chỉ rõ sự tiếp tục không tin của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Thực tế, dân Y-sơ-ra-ên được trình bày cho chúng ta là cây vả. Bạn có nhớ Chúa Giê-xu rủa cây vả không? Cây vả đó là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Trong Mác 11:13, "Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả." Ðức Chúa Trời đã rủa sả dân tộc Y-sơ-ra-ên. Họ đã từng là vợ của Ngài, Ðức Chúa Trời đã cưới họ, nhưng bây giờ đối với họ, Ðức Chúa Trời đã chết.
Dân Y-sơ-ra-ên đã góa bụa cho nên không có kết quả thuộc linh ra từ họ. Khi Chúa Giê-xu rủa cây vả đó Ngài phán rằng: "Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!" Chúng ta đang sống trong thời đại mà hai ngàn năm đã trôi qua từ khi lời rủa sả đó được tuyên bố, thật ra lời nầy được lặp lại lời rủa sả đã được tuyên bố trong Ê-sai chương 6 khi Chúa phán: "Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả". Chúng ta nhìn thấy sau hai ngàn năm lịch sử điều nầy vẫn còn là hoàn cảnh của dân Y-sơ-ra-ên. Không có sự mong muốn nào đặt nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Mê-si của họ.
Nói theo phương diện dân tộc, họ bị truất bỏ không còn là vợ của Ðức Chúa Trời. Ðó là điều mà Ô-sê 2:2 chép: "vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó!", đó là khi Giê-rê-mi chỉ rõ: "dầu rằng ta (đã) làm chồng chúng nó", đó là khi Ga-la-ti chỉ tỏ: "Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó". Na-ô-mi là hình ảnh đó. Khi tiếp tục nhìn bức tranh nầy chúng ta chỉ thấy điều tiêu cực, nhưng xin đừng thất vọng, có ánh sáng nơi cuối con đường hầm và chúng ta sẽ đến đó khi thời điểm tới. Bây giờ thì chúng ta muốn đem tất cả những sự kiện vào để có sự liên tục hầu cho chúng ta có thể đặt nền tảng một cách cẩn thận. Khi chúng ta làm điều nầy dựa trên căn bản của Kinh Thánh thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy tất cả đều ăn khớp với nhau.
Chúng ta thấy Na-ô-mi quan tâm về Ru-tơ, thí dụ chúng ta đọc trong Ru-tơ 3:1, "Na-ô-mi, bà gia Ru-tơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh." Bạn thấy Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên thật sự quan tâm đến sự cứu rỗi của thế giới. Chúng ta có thể thấy điều nầy qua một số cách khác nhau.
Thí dụ như Giô-na, xuất thân từ Y-sơ-ra-ên được sai đến Ni-ni-ve để giảng Tin Lành Ông bất đắc dĩ phải làm điều đó, ông đã cố gắng trốn tránh công việc nầy, nhưng làm thế nào đi nữa cuối cùng ông phải vâng phục và Ni-ni-ve được cứu. Trên phương diện quốc gia, Y-sơ-ra-ên không thích thú chút nào trong việc mang Tin Lành ra cho thế giới bởi vì họ không tin nhận vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng một cách không chủ tâm, họ tìm kiếm Tin Lành cho thế giới.
Qua dân tộc Y-sơ-ra-ên, Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta Lời của Ngài. Qua dân tộc Y-sơ-ra-ên Chúa Cứu Thế Giê-xu trở thành người. Dân tộc Y-sơ-ra-ên có mối liên hệ đến việc rao giảng Tin Lành dù họ không nhận ra điều nầy. Hoàn toàn bởi sự vô tình, không chủ tâm, họ được Ðức Chúa Trời dùng như là một tấm ván nhún để Tin Lành được đem vào thế gian. Tất cả những người được dùng để chép Kinh Thánh đều là người Giu-đa. Sự cứu rỗi đến qua dân Giu-đa bởi vì Chúa Giê-xu là người Giu-đa. Ngài thuộc về chi phái Giu-đa, là con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta là những người tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu được nhận diện cùng với dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta được gọi là con cháu của Áp-ra-ham.
Trong Rô-ma 9:4-5, "tức dân Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Ðấng Christ, là Ðấng trên hết mọi sự, tức là Ðức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men." Bạn thấy đó, những sự quí trọng cao nhất được Ðức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, tất cả những điều nầy chảy qua họ. Ðó là lý do chúng ta có Ðấng Mê-si. Vì vậy khi Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ, "Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh". Về thuộc linh bà tìm kiếm sự cứu rỗi cho những ai bị Ðức Chúa Trời rủa sả. Cũng vậy, dân tộc Y-sơ-ra-ên bằng sự vô tình cũng tìm kiếm sự cứu rỗi cho thế giới vì Ðức Chúa Trời dùng họ để Kinh Thánh và Chúa Giê-xu đến với thế gian qua họ.
Chúng ta nhớ trong câu chuyện về Phê-rết, Giu-đa cũng vô tình trở thành người chuộc vì ông cung cấp sản nghiệp cho Ta-ma, dù đó không phải là ý định của ông. Ý định của ông là đến cùng một k?#7919;, dầu vậy Ðức Chúa Trời đã dùng ông làm hình bóng về Chúa Giê-xu. Cũng vậy, nói về phương diện dân tộc, dân Y-sơ-ra-ên không muốn Chúa Giê-xu là Ðấng Mê-si của họ, dầu vậy, Ðức Chúa Trời dùng họ một cách vô tình để cung cấp sự cứu rỗi cho thế gian. Bạn có nhớ là sau khi Ru-tơ đến mót lúa trong ruộng Bô-ô trở về, nàng mang về nhiều lúa, là hình bóng về những người được cứu, nàng cũng đưa đồ ăn cho Na-ô-mi, để bà cũng được ăn. Ðiều nầy cũng đồng nhất với những lời hứa của Ðức Chúa Trời.
Ru-tơ là hình bóng về tất cả những người tin nhận vào Chúa Cứu Thế Giê-xu dầu họ là người Giu-đa hay là người ngoại bang. Qua những người tin nhận vào Chúa Giê-xu nầy Ðức Chúa Trời đem Tin Lành đến cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đọc trong Rô-ma 10:19, "Môi-se đã nói rằng: Ta sẽ giục lòng ganh tị các ngươi bởi kẻ chẳng phải là dân; Ta sẽ chọc giận các ngươi bởi một dân ngu dốt." Dân ngu dốt ở đây được làm kiểu mẫu bởi Ru-tơ, họ ở dưới sự rủa sả của tội lỗi dù họ là người Giu-đa hay là người ngoại bang. Họ là những người trở lại mang Tin Lành đến cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Vì vậy cho nên ngày nay chúng ta thấy Tin Lành được mang đến cho dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như được mang đến cho những dân tộc khác trên thế giới.
Lạ thay, từ trong dân tộc Y-sơ-ra-ên có những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, một số nhỏ người Y-sơ-ra-ên cũng tin nhận nơi Chúa. Lẽ thật đầu tiên mà chúng ta bắt đầu thấy ở đây khi chúng ta xem xét những câu liên quan đến mối liên hệ giữa Ðức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên và sự rủa sả mà Chúa đặt trên quốc gia nầy. Ðức Chúa Trời phán rằng Ngài đã cưới họ nhưng Ngài không còn là chồng của họ nữa. Ngài chỉ tỏ rằng họ đã bị đuổi ra, họ sẽ không nghe thấy, họ giống như đàn bà góa. Ðức Chúa Trời cũng chỉ rõ rằng Ngài dùng họ, dù họ vô tình nhưng qua họ Tin Lành sẽ đến với mọi dân tộc.
Qua sự khước từ Chúa Giê-xu của họ, họ đã đóng đinh Ngài. Nếu họ không đóng đinh Chúa Giê-xu sẽ không có sự cứu rỗi cung cấp cho chúng ta. Họ đóng đinh Chúa Cứu Thế vì họ nghĩ Ngài thuộc về quỉ Sa-tan, họ ganh tị với Ngài. Ðộng cơ của họ là sai lầm nhưng Ðức Chúa Trời dùng họ làm điều nầy bởi vì qua hành động tội ác họ đã làm thì sự cứu rỗi có thể đến với mọi dân tộc trên thế giới. Ðiều nầy được nhấn mạnh trong Rô-ma 11:11 "Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chơn dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ."
Nói cách khác, sự vấp ngã của họ trong việc khước từ Chúa Cứu Thế là Ðấng Mê-si, đưa đến việc đóng đinh Chúa Giê-xu thì sự cứu rỗi đã đến cho dân ngoại. Ðiều nầy sau đó được Ðức Chúa Trời dùng để "giục lòng tranh đua của dân Y-sơ-ra-ên". Trong bài học tới chúng ta sẽ tiếp tục khai triển thêm và chúng ta sẽ bắt đầu thấy Ru-tơ liên hệ với dân tộc Y-sơ-ra-ên như thế nào. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 42 (Ru-tơ 4:14B)
Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng suốt trong sách Ru-tơ chứng minh đây là một ẩn dụ lịch sử tuyệt đẹp liên quan đến chúng ta trong mỗi khía cạnh của sự cứu rỗi. Phân đoạn kết luận nầy là phần cuối của sách Ru-tơ cho nên cũng là một phần của ẩn dụ lịch sử đó. Ðến đây chúng ta đã đi đến kết luận rằng Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Dân tộc Y-sơ-ra-ên bắt đầu được Ðức Chúa Trời cưới. Ðức Chúa Trời chọn dân tộc Y-sơ-ra-ên trở thành một dân đặc biệt cho Ngài. Ngài rất gần gũi với họ. Ngài đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Ngài ở giữa họ khi lưu lạc trong đồng vắng. Ngài đem họ vào xứ Ca-na-an, xứ Ca-na-an là bức tranh về vương quốc mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên hầu cho qua luật pháp họ thấy được họ là tội nhân, cần có một Cứu Chúa, và cần phải hướng mắt về Ðấng Mê-si. Ðức Chúa Trời cũng ban luật lệ cho họ hầu cho qua những luật nầy họ thấy được tính chất của Ðấng Mê-si. Khi họ giết con chiên thì họ sẽ nhận biết rằng nếu không có đổ huyết thì không có sự tha thứ. Khi họ dâng của lễ thiêu, họ sẽ nhận biết rằng Ðấng Mê-si sẽ phải đến để chịu đựng sự hình phạt của địa ngục hầu cho họ có thể được cứu.
Nhưng đáng buồn thay, khi học Kinh Thánh chúng ta tìm thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên, về hình bóng đã được Ngài cưới, đã không nhìn xem luật pháp nầy để thấy rằng họ cần đến Ðấng Mê-si. Thay vì nhìn thấy tính chất của Ðấng Mê-si mà họ cần có qua luật pháp thì họ lại cố gắng giữ luật pháp. Họ tin rằng nếu họ có thể giữ luật pháp thì chứng tỏ rằng họ được cứu, nghĩa là qua sự giữ luật pháp họ sẽ có được sự cứu rỗi. Cho nên, khi Chúa Giê-xu đến, trên phương diện dân tộc họ không nhận ra Ngài là Ðấng Mê-si. Họ không nhìn thấy nhu cầu cần đến Ðấng Mê-si nầy là Ðấng được phác họa trong Ê-sai rất rõ ràng: "Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Ðức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ."
Ngài khốn khổ vì Ngài là người mang lấy tội lỗi của chúng ta để gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho chúng ta. Họ không nhìn thấy điều nầy cho nên họ cùng với chính quyền La-mã đóng đinh Ngài. Nhưng lạ thay, qua sự việc nầy sự cứu rỗi đến với tất cả chúng ta. Ðây là đòi hỏi của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời dùng họ một cách vô tình hầu cho qua hành động của họ sự cứu rỗi được ban cho thế gian. Chúng ta đã thấy bởi vì sự cứng cỏi của lòng họ vì không tin cậy vào Chúa Giê-xu là Ðấng Mê-si của họ, Ðức Chúa Trời đã cắt đứt mối liên hệ với họ. Họ trở nên góa bụa đối với Ðức Chúa Trời như Na-ô-mi là góa bụa đối với Ê-li-mê-léc. Họ giống như Na-ô-mi đi đến xứ bị rủa sả là Mô-áp, ở đó bà bị mất chồng, mất sản nghiệp.
Dân Y-sơ-ra-ên cũng như vậy. Họ bị cắt đứt bởi Ðức Chúa Trời, là góa bụa đối với Ngài, bị quăng xa khỏi Ngài. Chúng ta đọc trong sách Rô-ma 9:29, "Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy." Nói cách khác, nếu không qua Chúa Giê-xu, nếu Ðức Chúa Trời bỏ mặc họ đi theo hành động của chính họ thì họ sẽ giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ, ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Nhưng đồng thời chúng ta thấy có một số phân đoạn trong Kinh Thánh chỉ tỏ rằng Ðức Chúa Trời vẫn còn cưới dân Y-sơ-ra-ên. Bây giờ thì chúng ta sẽ xem xét những phân đoạn nầy để xem Ðức Chúa Trời có ý gì ở đây. Như tôi đã nói trong bài học rồi, trong Kinh Thánh không có nhiều chỗ nói về mối liên hệ hôn nhân giữa dân Y-sơ-ra-ên và Ðức Chúa Trời mà đặc biệt điều nầy chúng ta quan tâm muốn tìm hiểu. Trong sách Ru-tơ chúng ta đã thấy Na-ô-mi đã lập gia đình với Ê-li-mê-léc và trở thành góa bụa, rồi chúng ta cũng thấy Ru-tơ lập gia đình với Bô-ô, từ Bô-ô nàng sanh được một con trai. Chúng ta cố gắng kết hợp những sự kiện lịch sử đặc biệt nầy lại với những chỗ khác trong Kinh Thánh để thấy xem có ăn khớp với nhau không. Dĩ nhiên chúng ta quan tâm đến sự liên hệ hôn nhân, đặc biệt chúng ta sẽ bắt đầu thấy Na-ô-mi và Ru-tơ có mối liên hệ với dân Y-sơ-ra-ên.
Trong Giê-rê-mi 3:14, "Ðức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn. Ta sẽ ban các kẻ chăn giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng suốt khôn ngoan mà chăn nuôi các ngươi." Ðức Chúa Trời phán ở đây trong ý nghĩa khác. Trong chỗ khác Ngài từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên, họ bị dứt bỏ, không có sản nghiệp, thì ở đây chúng ta thấy trong một ý nghĩa nào đó họ vẫn còn mối liên hệ hôn nhân với Ngài. Ngài phán trong câu nầy: "vì ta là chồng ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn."
Thường thường một thành có hàng trăm hay hàng ngàn người trong đó nhưng một gia đình thì có ít người. Nhưng ở đây lại nói: "mỗi thành một người, mỗi họ hai người". Bạn có thấy ở đây chúng ta có bức tranh về sự sót lại, một số lượng rất nhỏ. Trong cả thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ chỉ có 2, 3 người tin Chúa. Hãy nhớ trong Rô-ma chương 10, Ðức Chúa Trời xem dân Y-sơ-ra-ên ngang như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ nhưng có một cái chồi ra từ đó. Cũng vậy, ở đây "mỗi thành một người, mỗi họ hai người".
Ðức Chúa Trời còn đang cưới dân Y-sơ-ra-ên, chỉ người sót lại trong dân Y-sơ-ra-ên chớ không phải cả dân Y-sơ-ra-ên. Cả dân Y-sơ-ra-ên là góa bụa đối với Ngài, nhưng những người sót lại ra từ dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn được liên hệ hôn nhân với Ngài. Ðiều nầy có thể xem ngang hàng với "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" mà chúng ta đọc trong Rô-ma 11:5 hay Ê-sai 62:4, "Người ta sẽ chẳng gọi ngươi là Kẻ bị bỏ nữa, chẳng gọi đất ngươi là Ðất hoang vu nữa; nhưng sẽ gọi ngươi là Kẻ mà ta ưa thích; và đất ngươi sẽ được xưng là Kẻ có chồng; vì Ðức Giê-hô-va sẽ ưa thích ngươi, và đất ngươi sẽ có chồng."
Ðất ở đây là hình bóng về vương quốc của Ðức Chúa Trời. Cũng như đất Ca-na-an là hình bóng về vương quốc của Ðức Chúa Trời mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Vương quốc của Ðức Chúa Trời chứa đựng tất cả những người tin nhận nơi Ngài. Những ai tin nhận nơi Ðức Chúa Trời là người được Ngài cưới. Thật ra cuộc hôn nhân mà chúng ta tìm thấy trong Giê-rê-mi 3 và Ê-sai 53 được làm kiểu mẫu bởi Ru-tơ. Ru-tơ là hình bóng về những người ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời nhưng đã đến với Chúa Giê-xu. Họ là kẻ sót lại bởi sự lựa chọn của ân điển ra từ dân Y-sơ-ra-ên cũng như từ dân tộc khác trên thế giới.
Một lần nữa, bạn có nhớ trong Ô-sê chương 2 câu 2, "Hãy kiện mẹ các ngươi, hãy kiện đi; vì nó chẳng phải là vợ ta, còn ta chẳng phải là chồng nó!" nhưng rồi Ngài tiếp tục trong câu 19-23, "Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình và chánh trực, nhơn từ và thương xót. Phải, ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Ðức Giê-hô-va. Ðức Giê-hô-va phán: Trong ngày đó, ta sẽ trả lời, ta sẽ trả lời cho các từng trời, các từng trời sẽ trả lời cho đất. Ðất sẽ trả lời cho lúa mì, cho rượu mới, cho dầu, và ba thứ nầy sẽ trả lời cho Gít-rê-ên. Ðoạn ta sẽ gieo nó cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương xót cho kẻ chưa được thương xót. Ta sẽ nói cùng những kẻ chưa làm dân ta rằng: Ngươi là dân ta, và nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Ðức Chúa Trời tôi."
Chúng ta hãy ghi nhớ khúc Kinh Thánh nầy trong trí một lát và mở ra trong Rô-ma 9:24. Sứ đồ Phao lô được Ðức Thánh Linh soi dẫn bàn về cảnh ngộ của dân Y-sơ-ra-ên, ông chỉ rõ rằng có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, phần còn sót lại nầy bao gồm người ngoại và dân Giu-đa. "Ðó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong dân ngoại nữa. Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, Kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu." Ðây là lời giải thích cho Ô-sê 2:23 bày tỏ rằng kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển không chỉ trong dân Do Thái mà cả dân ngoại, "Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta".
Thực tế đây cũng là cuộc hôn nhân mà Ðức Chúa Trời nói đến trong Khải-Huyền 21:9, "Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con. Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Ðức Chúa Trời mà xuống". Bạn thấy không? Có một cuộc hôn nhân với Y-sơ-ra-ên nhưng không phải với dân tộc Y-sơ-ra-ên vì mối liên hệ đó đã bị dứt bỏ, Ðức Chúa Trời xem như đã chết đối với họ. Cây vả đã bị rủa sả cho đến đời đời.
Kinh Thánh không nói điều nầy để hạ thấp giá trị của dân Y-sơ-ra-ên. Thật vậy, họ bây giờ là một dân tộc rất thấp, một dân tộc không có hi vọng. Thật ra mỗi dân tộc trên thế giới đều ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, không có dân tộc nào được xem là dân thánh. Dân Y-sơ-ra-ên có một mối liên hệ đặc biệt với Ðức Chúa Trời khi Ngài gọi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, dẩn họ đi trong đồng vắng và mang họ vào xứ Ca-na-an. Họ là một dân tộc độc nhất có mối liên hệ đặc biệt với Ðức Chúa Trời lúc đó. Nhưng bởi vì họ tiếp tục phạm tội, tiếp tục chống nghịch lại Ðức Chúa Trời, bây giờ họ đứng trước mặt Ðức Chúa Trời cũng giống như những dân tộc khác. Họ ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời giống như dân Mỹ, dân Ðức, dân Anh, Ấn-độ, Ê-thi-ô-bi hay bất cứ dân tộc nào khác.
Nhưng giống như sự cứu rỗi có thể có cho những dân tộc khác thì cũng có thể có cho dân Y-sơ-ra-ên. Tất cả chúng ta cùng đứng chung một chỗ. Chúng ta đọc trong Rô-ma 11:30, "Lại như khi trước anh em đã nghịch cùng Ðức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ thì cũng một thể ấy, bây giờ họ đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ ra với anh em. Vì Ðức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy." Ðó là chỗ đứng của dân tộc Y-sơ-ra-ên trong vòng những dân tộc khác trên thế giới. Từ trong dân tộc Y-sơ-ra-ên có một số người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển được Ngài cưới.
Ðây là những người được Ngài đính ước trong Ô-sê 2 từ câu 14 đến 23. Ðây là đất có chồng như chúng ta đọc trong Ê-sai 62:4-5. Ðây là những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Ðây là vợ thật của Chúa Cứu Thế. Cô dâu mới nầy được làm kiểu mẫu bởi Ru-tơ. Ru-tơ bước vào gia đình của Na-ô-mi khi nàng lập gia đình với Bô-ô. Nàng là hình bóng về những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Nàng là người sẽ có được sản nghiệp, có nghĩa những ai giống Ru-tơ là người sẽ có được sự sống đời đời. Họ là người Y-sơ-ra-ên thật.
Chúng ta đọc trong Ga-la-ti 3:8, "Kinh Thánh cũng biết trước rằng Ðức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước." Nghĩa là qua dòng dõi của Áp-ra-ham sự cứu rỗi sẽ đến với dân ngoại cũng như dân Do-thái. Rồi Ngài kết luận trong câu 29: "Lại nếu anh em thuộc về Ðấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa." Ðó là hình ảnh của Ru-tơ bạn có thấy không? Nàng bắt đầu là một người ngoại, một dân ngoại bị rủa sả. Nhưng nàng đã bước vào hưởng được sản nghiệp bởi lập gia đình với Bô-ô là người làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ðây là bức tranh mà chúng ta có, Na-ô-mi là hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên, góa bụa không sản nghiệp. Ru-tơ lập gia đình với Bô-ô là hình ảnh về những người còn sót lại theo sự lựa chọn bởi ân điển đến từ mọi quốc gia bao gồm dân Y-sơ-ra-ên. Ngài vẫn còn mối liên hệ hôn nhân với dân còn sót lại là dòng giống thật của Áp-ra-ham, là người thừa hưởng cơ nghiệp theo lời hứa. Có lẽ bây giờ bạn có nhiều câu hỏi trong trí liên quan đến điều nầy, khi chúng ta học đến những câu kết luận của sách Ru-tơ có thể một vài câu hỏi đó sẽ được trả lời cho bạn.
Chúng ta đọc lại Ru-tơ 4:13, "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta đã thấy con trai nầy là người bà con, người chuộc sản nghiệp trong câu kế tiếp. Trong bài học tới chúng ta sẽ xem lại câu 13 một lần nữa. Xin ghi nhớ Na-ô-mi là bức tranh về dân Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ là hình ảnh về người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ quốc gia Y-sơ-ra-ên hay dân tộc khác trên thế giới. Ðể xem, chúng ta có thể liên kết những điều nầy với nhau được hay không.
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 43 (Ru-tơ 4:14C)
Chúng ta cố gắng kết luận loạt bài học của chúng ta trong sách Ru-tơ với mong muốn tìm kiếm được kho tàng giấu kín trong sách nầy. Chúng ta nhận biết rằng mỗi chữ, mỗi câu không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà thôi mà cũng có ý nghĩa sâu sắc tuyệt vời về thuộc linh.
Chúng ta bắt đầu khám phá ra rằng Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Họ trở nên góa bụa đối với Ðức Chúa Trời vì họ chống nghịch lại Ngài, vì họ ra đi bỏ Nhà Bánh. Họ đi theo thần tượng khác như bức tranh về Na-ô-mi đi đến xứ Mô-áp, nơi đó bà bị mất chồng. Chúng ta cũng bắt đầu thấy rằng Ru-tơ là hình bóng về những người tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta ngợi khen Chúa vì những người nầy không chỉ đến từ dân tộc Y-sơ-ra-ên mà cũng đến từ những dân tộc khác trên thế giới nữa. Chúng ta ngợi khen Chúa vì chương trình cứu rỗi đó dành cho cả thế giới.
Trước khi chúng ta trở lại sách Ru-tơ để xem xét thật cẩn thận các câu 13, 14, 15 của chương 4. Tôi chắc rằng nếu bây giờ chúng ta đi một vòng xem xét về dân tộc Y-sơ-ra-ên để xem được ứng nghiệm vào kế hoạch cứu rỗi như thế nào. Có lẽ có nhiều người trong các bạn cho rằng kết luận trong bài học vừa rồi không được ủng hộ bởi Kinh Thánh, cho rằng tôi đã nói Ðức Chúa Trời không có một tương lai rực rỡ tươi sáng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Không phải trong Rô-ma chương 9, 10 và 11 dạy rằng có một tương lai vinh hiển cho họ sao? Vì ba chương nầy trong sách Ru-tơ đi rất song song với sách Ru-tơ nên tôi muốn dành vài phút để nghiên cứu về ba chương nầy và để trả lời câu hỏi đó. Nếu chúng ta muốn tìm kiếm lẽ thật trong Kinh Thánh, chúng ta không ngại phải đối diện với mỗi và bất cứ câu nào liên quan đến câu hỏi mà chúng ta đang có.
Câu hỏi về dân tộc Y-sơ-ra-ên là một trong những câu hỏi có tính chất đặc biệt. Chúng ta thấy họ đã trở về quê hương của họ và hầu như chúng ta thấy bàn tay của Ðức Chúa Trời ban phước cho họ. Hình như sẽ có điều gì đó sáng lạng đến với họ qua điều nầy. Chúng ta hãy xem xét 3 chương nầy một chút để xem có thể thấy được điều gì mới trong những chương nầy không. Trong Rô-ma 9, 10, 11, sứ đồ Phao-lô được Thánh Linh soi dẫn đã quan tâm một cách sâu sắc đến dân tộc Y-sơ-ra-ên. Lòng của ông đầy sự đau buồn vì cớ sự không tin của họ. Ông viết trong Rô-ma 9:1-3, "Tôi nói thật trong Ðấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Ðức Chúa Trời: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Ðấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác." Ðây là cảm nghĩ của ông về họ dưới sự soi dẫn của Thánh Linh. Ông cảm thấy đau buồn về dân tộc mà ông ra từ đó. Ông thuộc dân tộc Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, phe Pha-ri-si. Ông là người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ nhưng lòng của ông thì rất đau buồn vì có rất ít người nhận ra Chúa Giê-xu là Ðấng Mê-si.
Với lòng yêu thương đối với họ ông nói rằng: "Tôi nói thật trong Ðấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Ðức Chúa Trời: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Ðấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác." Phao-lô nói như cách của một người được sanh lại thật sự bắt đầu vâng theo luật pháp của Ðức Chúa Trời. Luật đó dạy rằng chúng ta phải yêu người lân cận như mình, sẵn sàng hi sinh mạng sống cho bạn mình. Dĩ nhiên đây cũng là cách chúng ta phải đối xử với dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Là tín hữu được sanh lại chúng ta phải nặng lòng về họ vì dân tộc nầy đã thừa hưởng nhiều phước hạnh từ nơi Ðức Chúa Trời nhưng vẫn cứ ở trong sự không tin. Chúng ta phải cầu nguyện cho họ. Chúng ta phải dùng đủ mọi cách để có thể chia xẻ Tin lành cho họ bởi vì họ cũng cần đến Chúa Cứu Thế nếu họ muốn có sự sống đời đời. Trong câu 4 và 5, Ðức Chúa Trời chỉ rõ qua sứ đồ Phao-lô rằng thật sự dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu bằng những đặc quyền. Họ là dân Y-sơ-ra-ên, được làm con nuôi, được ban cho luật pháp, giao ước. Họ được hầu việc Ðức Chúa Trời và được những lời hứa. Họ được Ðức Chúa Trời lựa chọn. Họ là một dân tộc đặc biệt.
Ðức Chúa Trời đối với họ bằng tình yêu thương rất lớn. Bạn có thể xem nhiều đoạn trong Kinh Thánh nhấn mạnh về điều nầy. Nhưng đến câu 6, 7 và 8 ông chỉ tỏ rằng không phải vì họ thuộc trong dòng máu của Áp-ra-ham cho nên đặc quyền nầy sẽ tiếp tục cho đến đời đời. Câu 6, "Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên". Nói cách khác, nếu họ là người Y-sơ-ra-ên, họ thuộc dân tộc Y-sơ-ra-ên nhưng không hẳn là dân Y-sơ-ra-ên đời đời. Dân Y-sơ-ra-ên đời đời mà Ðức Chúa Trời đề cập đến khi Ngài lập lời hứa: "Ta sẽ làm Ðức Chúa Trời các ngươi đời đời". Ngài nhấn mạnh trong câu 7 và 8, "Ấy là bởi Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi gọi theo tên ngươi; nghĩa là chẳng phải con cái thuộc về xác thịt là con cái Ðức Chúa Trời, nhưng con cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng dõi Áp-ra-ham vậy."
Chúng ta đã học sơ qua điều nầy trong Ga-la-ti 4, rằng Y-sác là người được sanh ra cho người đàn bà son sẻ là Sa-ra trong lúc tuổi già, lúc bà đã qua khỏi thời kỳ có thể có con được. Bà là người bị ruồng bỏ, chỉ đến những con cháu Áp-ra-ham thật. Trong khi đó Ợch-ma-ên được sanh ra bởi A-ga, là người đàn bà nô lệ. Nàng là kiểu mẫu về những con cháu trong dòng máu của Áp-ra-ham nhưng không phải là dân Y-sơ-ra-ên thật. Cho nên Ngài phán trong câu 8, "Nghĩa là chẳng phải con cái thuộc về xác thịt là con cái Ðức Chúa Trời". Ðiều nầy nói về những con cháu trong dòng máu của Áp-ra-ham nhưng không nhận được sự sống đời đời.
Họ là những người cố gắng sống hòa thuận lại cùng Ðức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp. "Nhưng con cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng dõi Áp-ra-ham vậy". Con cái thuộc về lời hứa là những người được chọn bởi Ðức Chúa Trời trước khi sáng thế như chúng ta sẽ thấy ngay sau đây. Chúng ta tiếp tục trong Rô-ma 9:27, "Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi." Ðó là điều mà Ðức Chúa Trời đã sắp đặt trước, không cần biết dân tộc Y-sơ-ra-ên đông, lớn mạnh như thế nào thuộc về lãnh thổ chính trị. Chương trình của Ðức Chúa Trời là: "chỉ một phần sót lại sẽ được cứu".
Ðức Chúa Trời chỉ rõ trong Rô-ma 9:29 rằng: "Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, Thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy." Ngoài lòng thương xót của Ðức Chúa Trời với ân điển không tài hiểu được của Ngài, sẽ không có sự cứu rỗi cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Nhưng bởi lòng thương xót của Ngài, có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, nếu không họ cũng sẽ không được phân biệt ra khỏi dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị hủy diệt. Rồi trong câu 31, "Còn như dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy." Ông mô tả tại sao dân Y-sơ-ra-ên bị trừ bỏ, tại sao Y-sơ-ra-ên đáng bị hủy diệt giống như Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
Họ cố gắng trở nên công bình với Ðức Chúa Trời, nhưng họ không đạt đến sự công bình đó. Câu trả lời trong câu 32, "Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm." Bạn thấy không? Họ cố gắng tìm kiếm sự cứu rỗi bởi gìn giữ luật pháp. Họ cố gắng tự mình giữ không chỗ trách được. Họ nghĩ rằng họ sẽ được cứu, họ xứng đáng trước mặt Ðức Chúa Trời. Ngày nay có nhiều người sống như cách nầy, cả người Do-thái lẫn người ngoại bang. Họ vâng giữ luật pháp của Ðức Chúa Trời một cách rất cẩn thận. Họ vâng theo luật pháp một cách rất nghiêm nhặt, tin rằng làm như vậy Ðức Chúa Trời sẽ nhìn họ với lòng thương xót. Họ tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ thấy họ xứng đáng với sự cứu rỗi. Ðó là con đường chắc chắn dẫn đến sự phán xét và địa ngục. Nếu chúng ta cố gắng trở nên công bình trước mặt Ðức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp thì Ðức Chúa Trời sẽ đoán xét chúng ta bằng luật pháp và luật pháp sẽ lên án chúng ta. Bởi vì nếu tìm thấy một tội dù là rất nhỏ thì chúng ta cũng là đối tượng cho sự hình phạt đời đời.
Khi chúng ta xem thầy cả thượng phẩm trong thời Chúa Giê-xu, họ không tham dự trong việc thờ thần Ba-anh. Họ không có những tượng chạm trong đền thờ. Họ giữ luật pháp một cách rất nghiêm nhặt. Nhưng tất cả họ đều bị hủy diệt chỉ trừ "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" như Ni-cô-đem, Giô-sép A-ri-ma-thê và chỉ một ít những thầy tế lễ. Nhưng hầu hết những người thầy thông giáo của dân Y-sơ-ra-ên đều muốn trở nên công bình trước mặt Ðức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp, ngay cả Phao-lô cũng làm như vậy trước khi ông được cứu trên đường Ða-mách, họ đều bị đi vào địa ngục vì họ không thể nào tìm được sự cứu rỗi bằng cách nầy.
"Song về dân Y-sơ-ra-ên, thì rằng: Ta đã giơ tay ra cả ngày hướng về dân bội nghịch và hay nói trái." (Rô-ma 10:21). Phần trước trong chương 10 Ðức Chúa Trời phán rằng Ngài đã giảng Tin Lành cho họ, dĩ nhiên họ là người nhận tất cả những tư liệu cần thiết liên quan đến sự cứu rỗi. Họ có Ê-sai 53 cũng giống như hoạn quan Ê-thi-ô-bi và hoạn quan nầy được cứu khi ông đọc Ê-sai 53 như chúng ta thấy trong Công-vụ chương 8. Hầu hết dân Y-sơ-ra-ên cũng đọc cùng một chương đó và hơn nữa, họ còn có thêm nhiều tư liệu hơn hoạn quan Ê-thi-ô-bi nữa nhưng họ vẫn không được cứu. Ðức Chúa Trời đem Tin Lành đến với họ một cách kiên nhẫn nhưng hầu hết họ không được cứu. Tiếp tục, Rô-ma 11:1, "Vậy tôi nói: Ðức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy; vì chính tôi là dân Y-sơ-ra-ên, dòng dõi Áp-ra-ham, về chi phái Bên-gia-min. Ðức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước."
Chú ý điều được chép ở đây: "Ðức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng?... Ðức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Ai là "dân Ngài"? Chúng ta phải quyết định điều nầy. Ai là "dân Ngài"? Dĩ nhiên, dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài. Ngài đã lựa chọn họ phải không? Chúng ta hãy xem Kinh Thánh có vài điều nói về việc nầy. Bạn có nhớ trong Ma-thi-ơ chương 1 khi thiên sứ đến cùng Giô-sép để cho ông biết rằng Ma-ri là vợ của ông sẽ mang thai một con trai, thiên sứ phán cùng Giô-sép, "Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội." Tôi hiểu rồi, "dân Ngài" là chỉ về những người sẽ được cứu.
Chúng ta hãy xem dân tộc Y-sơ-ra-ên. Những vua gian ác cai trị mười chi phái của dân Y-sơ-ra-ên, có phải họ là "dân Ngài" không? Không, không có bằng chứng nào cho thấy họ được cứu. Những người chết trong đồng vắng vì sự gian ác của họ, theo ý nghĩa thuộc linh có phải họ là "dân Ngài" không? Không, họ cũng không phải là dân Ngài. Theo ý nghĩa về chính trị họ là một dân tộc ở dưới cánh bóng phước hạnh của Chúa nhưng không phải cách Ðức Chúa Trời dùng câu "dân Ngài" đối với họ. Còn về thầy tế cả thượng phẩm như Cai phe, A-na-nia và những thầy thông giáo trong nhà hội thời Chúa Giê-xu thì sao? Họ có phải là "dân Ngài" không? Không, Ngài phán về họ là con cái của Ma-quỉ cho nên Chúa Giê-xu không đến để cứu họ.
Vì vậy, Ðức Chúa Trời không nói về họ khi Ngài phán rằng Ngài sẽ không bỏ dân Ngài. Những người mà Ngài nói đến trong Rô-ma 11 là những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ dân Y-sơ-ra-ên. Họ là những người Chúa Giê-xu có ý định đến để cứu. Trong Giăng 6:37, Chúa Giê-xu nói về dân của Ngài dù Ngài không dùng chữ dân Ngài nhưng chắc chắn là nói đến dân Ngài. "Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu." Nói cách khác, Ðức Chúa Trời đã ban cho Chúa Cứu Thế Giê-xu một số người. Họ là dân Ngài. Rồi Ngài tiếp tục trong câu 39, "Vả, ý muốn của Ðấng đã sai ta đến là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt." Ðức Chúa Trời phán trong Rô-ma 11:1 rằng, "Ðức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy." Ðó là những người dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu. Vì "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" cho nên Ðức Chúa Trời tiếp tục đối xử tử tế với dân Y-sơ-ra-ên bằng lòng thương xót. Ðó là lẽ thật thứ nhất mà chúng ta thấy trong Rô-ma 11.
Bài học tới chúng ta sẽ xem xét câu hỏi trong câu 2, "Ðức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Ngài có ý gì trong câu đó? Chúng ta sẽ học thêm cho hết Rô-ma 11 xong thì sẽ trở lại sách Ru-tơ. Tôi hi vọng rằng khi học sách Ru-tơ nầy thì bạn sẽ được khích lệ, thích thú và sẽ đào sâu thêm vào Lời Chúa, so sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh, rồi bạn sẽ hiểu thêm về sự cứu rỗi tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta.
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 44 (Ru-tơ 4:14D)
Chúng ta đã đi một vòng để cố gắng hiểu được những câu kết thúc trong Ru-tơ chương 4. Ðặc biệt, trong bài học rồi chúng ta đã xem xét Rô-ma 9, 10 và 11 nói về dân tộc Y-sơ-ra-ên và tương lai của họ. Chúng ta thấy trong những đoạn nầy Ðức Chúa Trời nói về dân Y-sơ-ra-ên cố gắng giữ luật pháp để được xưng công bình vì thế họ bị cắt bỏ khỏi Ngài.
Dầu sao đi nữa Ðức Chúa Trời không từ bỏ họ tất cả. Ngài đã có ý định đến để cứu dân Ngài. Trong Rô-ma 11:2, "Ðức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Chữ "biết trước" ở đây có nghĩa gì? Có phải Ngài nói rằng Ngài sẽ không bỏ dân Y-sơ-ra-ên mà Ngài đã biết trước liên quan đến kế hoạch vinh hiển mà Ngài có cho họ không? Chữ "biết trước" ở đây giống một chữ khác được dùng trong Rô-ma 8:29. "Ðối với những người Ngài đã biết trước thì(*) Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em." Bạn thấy chữ "biết trước" ở đây được dùng liên quan đến sự cứu rỗi. Không phải dùng cho một dân tộc mà Ngài biết, nhưng liên quan đến những người Ngài định trước để được cứu.
Chúng ta cũng phải cẩn thận ở đây khi đọc Ðức Chúa Trời biết trước những người mà Ngài sẽ định trước để được cứu. Có nhiều người dạy rằng Ðức Chúa Trời biết trước những người sẽ đáp lại lời mời gọi của Tin Lành. Ngài nhìn xuống thế gian nầy trong thời gian trước và thấy rằng có những người quan tâm đến Tin Lành và đó là những người mà Ngài định trước để được cứu. Nói chung ai cũng thích lời dạy đó, về cá nhân, tôi cũng thích như vậy vì ít ra tôi cũng có chút công trạng trong sự cứu rỗi mà tôi có được. Dĩ nhiên điều đó không đúng với Lời Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh bảo cho chúng ta biết rằng: "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Ðức Chúa Trời."
Kinh Thánh cho biết chúng ta đã chết trong tội lỗi mình, chúng ta là những xác chết về thuộc linh. Cho nên ý kiến cho rằng Ðức Chúa Trời biết trước một số người sẽ đáp lại Tin Lành thì không đúng theo Kinh Thánh. Ðức Chúa Trời biết tôi từ trước khi sáng thế. Ngài biết tôi là một tội nhân tồi tàn, thối rửa. Bản chất của con người tôi là phản loạn, chống nghịch lại Ngài; là một người không quan tâm gì đến sự cứu rỗi. Ðây là cách mà Ngài biết tôi trước và cũng biết bạn trước bạn trước như vậy, dù bây giờ bạn là một tín hữu được sanh lại. Nhưng Ðức Chúa Trời trong quyền tể trị tối cao của Ngài, lấy làm vui lòng quyết định ai Ngài sẽ cứu.
Ai là người mà Ngài muốn cứu đó là việc của Ngài. Không một ai trong chúng ta xứng đáng với sự cứu rỗi. Ngài đặt tên cho những ai mà Ngài sẽ cứu. Ngài biết trước họ là những tội nhân gớm ghiếc xấu xa nhưng bất chấp điều đó, Ngài định trước cho họ được vào sự cứu rỗi. Ðó là điều Rô-ma 11:2 muốn nói khi Ðức Chúa Trời phán: "Ðức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước." Những người Ngài biết trước là những người Ngài dự định cứu. Ðức Chúa Trời ban những người đó cho Chúa Cứu Thế như chúng ta đã học bài học vừa rồi trong Giăng 6:37, 39. Những người nầy được định sẵn để được sự cứu rỗi. Ngài gọi họ, Ngài xưng công bình cho họ. Nghĩa là Ngài khiến họ được công bình trước mặt Ðức Chúa Trời bằng cách lên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho họ.
Ðức Chúa Trời tiếp tục trong Rô-ma 11 và chỉ ra rằng "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" tin Ngài trong thời của Ê-li. Ê-li tưởng rằng chỉ có một mình ông tin Ðức Chúa Trời, tưởng rằng Ngài đã từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn, sự cứu rỗi không còn nữa. "Nhưng Ðức Chúa Trời đáp lại thể nào? Ta đã để dành cho ta bảy ngàn người nam chẳng hề quì gối trước mặt Ba-anh." Trong thời Chúa Giê-xu rao giảng Tin Lành có những môn đồ, có An-ne, có Si-mê-ôn, có Ma-ri Ma-đơ-len là những người tin nhận Chúa. Ðiều nầy được nhấn mạnh trong câu 5 của Rô-ma 11, "Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển."
Bạn biết không? Ðôi khi có những người giảng muốn giảng về sự lựa chọn, về tiền định như là Ðức Chúa Trời chọn người vào trong sự phục vụ nào đó. Vâng, đúng vậy khi chúng ta được cứu, chúng ta được chọn để hầu việc Ðức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không đủ tiêu chuẩn để hầu việc Ðức Chúa Trời cho đến khi chúng ta được chọn để được cứu. Ðó là bức tranh trội hơn cả về sự lựa chọn trong Kinh Thánh. Ðức Chúa Trời lựa chọn, chúng ta là dân tộc được lựa chọn... Những ai được chọn là được chọn để được sự cứu rỗi. Chúng ta phải được cứu trước rồi mới có thể được Chúa dùng để phục vụ Ngài như là đại sứ của Ngài.
Trở lại dân tộc Y-sơ-ra-ên, Rô-ma 11:7, "Vậy thì làm sao? Ấy là dân Y-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm; song những kẻ lựa chọn thì đã được, và những kẻ khác thì bị cứng lòng". Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã đến hồi chấm dứt. Họ không còn là dân tộc được lựa chọn nữa. Bạn có còn nhớ? Cũng trong Rô-ma 11 nầy Ðức Chúa Trời vẽ bức tranh về dân Y-sơ-ra-ên là cây ô-li-ve. Ðiều gì đã xảy ra cho cây ô-li-ve nầy? Ngài phán trong câu 20, 21, "Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. Vì nếu Ðức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa."
Theo hình ảnh ở đây không phải tất cả các nhánh đều bị cắt bỏ. Sau đó Ngài phán những nhánh bị cắt bỏ đó được tháp lại. Câu 24, "Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!" Những người được tháp lại là những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển". Chú ý hình ảnh nầy, trước khi họ được tháp vào thì họ đã bị cắt bỏ, những nhánh bị cắt bỏ thì bị chết, không còn sự sống nữa.
Ðức Chúa Trời đã dứt bỏ dân Y-sơ-ra-ên. Họ trở nên góa bụa, không còn sản nghiệp trên phương diện của một dân tộc. Nhưng "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên, những nhánh nầy được tháp lại với cây ô-li-ve. Lúc đó cây ô-li-ve trở nên dân Y-sơ-ra-ên đời đời, hay dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh. Dân Y-sơ-ra-ên nầy không phải chứa đựng dân tộc Y-sơ-ra-ên nhưng chứa đựng một số từ dân Y-sơ-ra-ên và dân ngoại là những người được tháp vào. Cây ô-li-ve trước khi bị cắt được làm kiểu mẫu bởi Na-ô-mi trong sách Ru-tơ. Bà ở tại Nhà Bánh, lập gia đình với Ê-li-mê-léc, có sản nghiệp nhưng bà bị cắt bỏ, trở nên góa bụa, không sản nghiệp, giống như những nhánh bị cắt bỏ. Mặt khác, Ru-tơ giống như nhánh được tháp vào vì nàng lập gia đình với Bô-ô, là người chuộc sản nghiệp. Nàng là người sẽ nhận được sản nghiệp.
Chúng ta tiếp tục câu 25, "ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ." Sự cứng lòng vẫn cứ còn trên dân Y-sơ-ra-ên, trừ ra những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển", "cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ". Nói cách khác, cho đến khi một người ngoại bang sẽ được cứu mà chưa được cứu thì sẽ còn sự cứng lòng nơi dân Y-sơ-ra-ên. Rồi Ðức Chúa Trời giải thích tại sao có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, tại sao những nhánh nầy được tháp lại vào cây ô-li-ve, tại sao vẫn còn có người tin Chúa ra từ dân Y-sơ-ra-ên.
Ngài phán, "vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Ðấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn, Cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp". Ðiều nầy được làm kiểu mẫu bởi Bô-ô. Ông là hình bóng về Ðấng Mê-si, là Ðấng giải cứu. Ngài đến hầu cho những người "còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" có thể được cứu. Khi dân Y-sơ-ra-ên được đem ra khỏi Ai-cập, khi họ ở dưới thời cai trị của Ða-vít, Sa-lô-môn, Ðức Chúa Trời đối xử với họ rất đặc biệt. Bởi vì họ cứ khăng khăng tỏ ra công bình trước mặt Ðức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp, đồng thời họ cũng phạm tội tà dâm về thuộc linh cho nên họ bị cắt bỏ.
Ðể nhấn mạnh điều nầy và để không còn thắc mắc thêm gì nữa chúng ta xem trong câu 30-32. Ðức Chúa Trời nhìn xem dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như tất cả dân tộc khác trên thế giới. "Lại như khi trước anh em đã nghịch cùng Ðức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ, thì cũng một thể ấy, bây giờ họ đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ ra với anh em. Vì Ðức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự bạn nghịch, đặng thương xót hết thảy." Ðiều nầy có nghĩa là sẽ "có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" đến từ mọi dân tộc, dù họ thuộc dân Do-thái, Liên-xô, Trung-hoa, Mỹ hay Anh. Ðó là những nét chính mà Ðức Chúa Trời vẽ ra cho chúng ta.
Bạn biết không? Trong vòng hai ngàn năm qua, bắt đầu từ thập tự giá, chúng ta có đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên để tìm kiếm Tin Lành không? Bạn phải đối diện với câu hỏi đó. Chúng ta có đến với họ không? Dĩ nhiên là không. Năm 1948, khi dân Y-sơ-ra-ên trở về xứ của họ, chắc chắn không còn lúc nào hơn lúc đó, dân Y-sơ-ra-ên sẽ quay lại với Ðức Chúa Trời là Ðấng Mê-si của họ. Nhiều tiên tri hiện đại nói tiên tri rằng điều nầy sẽ xảy ra. Nhưng họ ở đó suốt hơn mấy mươi năm qua, trên phương diện dân tộc, họ vẫn cứ ở trong sự không tin của họ giống như họ đã làm trong lịch sử.
Nhiều người trích câu Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 24, khi nào cây vả ra lá thì Chúa gần đến. Họ nói rằng dân Y-sơ-ra-ên bây giờ đã trở lại thành một dân tộc, chúng ta sẽ thấy sự vinh hiển đến với họ. Vâng, rất đúng khi nói cây vả ra lá là nói đến dân Y-sơ-ra-ên. Tôi nhìn nhận như vậy theo lời tiên tri của Ðức Chúa Trời về sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên. Nhưng chú ý điểm nầy "Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm". ễ đây không nói đến trái phải không? Giống như lúc Chúa rủa cây vả, cây vả chỉ có lá nhưng không có trái. Nếu cây vả không có trái thì sẽ bị rủa sả nữa. Vì vậy khi cây vả có lá, chúng ta biết rằng chúng ta đang ở gần thời kỳ cuối cùng, và thực tế cây vả không có trái. Cũng vậy, hai ngàn năm qua trên phương diện quốc gia dân Y-sơ-ra-ên không có kết quả. Trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rằng họ sẽ trở lại với Cứu Chúa Giê-xu. Bởi vì Ðức Chúa Trời không còn đối xử với dân tộc Y-sơ-ra-ên theo cách đó nữa.
Ðức Chúa Trời đã cắt bỏ họ như chúng ta thấy qua nhiều cách trong bài học nầy. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi đọc trong Lu-ca 21:20, "Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến." Có nhiều người tin rằng lời tiên tri nầy đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Chúa khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bởi Titus, hoàng tử La-mã. Ðiều nầy có thể được ứng nghiệm, trước năm 1948 gần như chúng ta có thể nói như vậy. Nhưng Lu-ca 21 chép tiếp, "thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn" (Câu 24). Các kỳ dân ngoại được trọn là kỳ tận thế. Lúc đó dân Y-sơ-ra-ên không còn là một quốc gia nữa vì đó là ngày phán xét.
Thực tế nước Y-sơ-ra-ên được phục hồi lại vào năm 1948 chỉ rõ rằng lời tiên tri nầy không thể nào được ứng nghiệm vào năm 70 sau Chúa. Bởi vì ở đây nói rằng họ sẽ bị giày đạp cho đến khi tận thế, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những quốc gia xung quanh Y-sơ-ra-ên đang tìm cách tiêu diệt họ. Dĩ nhiên họ vẫn còn cứ ở trong sự phản loạn, chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Họ không quay lại cùng Chúa Cứu Thế để nhận Ngài là Ðấng Mê-si của họ. Kinh Thánh chỉ tỏ rằng những ai chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời sẽ gặt lấy sự hủy diệt.
Chúng ta hãy trở lại Ru-tơ 4:13, "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta biết theo câu Kinh Thánh nầy, đứa con trai là người chuộc sản nghiệp bởi vì trong câu kế tiếp chép rằng: "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại" , và câu 15 chỉ tỏ rằng đứa con trai nầy được Ru-tơ sanh ra.
Theo sự kiện lịch sử Ðức Chúa Trời lập một lời tuyên bố rất đơn giản: Ðức Chúa Trời ban phước cho sự kết hợp vợ chồng nầy giữa Bô-ô và Ru-tơ, một đứa trai đã được sanh ra, sẽ có cơ nghiệp cho Bô-ô và Ru-tơ. Không cần phải giải thích xa hơn. Nhưng về ý nghĩa thuộc linh chúng ta tự hỏi không biết Ðức Chúa Trời muốn nói gì khi Ngài phán, "Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai" và đứa con trai nầy là người chuộc lại sản nghiệp. Bài học tới chúng ta sẽ xem xét điều ám chỉ về thuộc linh ở đây.
(*) Trong bản dịch tiếng Việt thiếu phần trước nầy của câu 29.
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 45 (Ru-tơ 4:14E)
Chúng ta đã đánh một cái vòng thật rộng để có thể hiểu được những câu kết luận trong sách Ru-tơ. Xuyên suốt qua sách Ru-tơ chúng ta đã thấy Bô-ô là trung tâm điểm được nhắm vào để làm bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Cứu Chuộc. Nhưng khi đến những câu kết luận bắt đầu từ câu 13 chương 4, chúng ta tìm thấy rằng trọng tâm không còn nhắm vào Bô-ô là người chuộc nữa nhưng nhắm vào đứa con trai được sanh cho Bô-ô và Ru-tơ. Vì thế để tiếp tục khám phá ra ý nghĩa thuộc linh trong sách Ru-tơ, chúng ta phải xem xét thật cẩn thận những điều mà Ðức Chúa Trời thật sự muốn dạy ở đây.
Bây giờ chúng ta sẽ xem câu 13 để tìm thấy những gì Ðức Chúa Trời muốn dạy chúng ta. "Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Ðức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai." Chúng ta có bức tranh về thuộc linh ở đây. Bô-ô làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, ông là người bà con gần. Ru-tơ làm hình bóng về những người chưa được cứu trên thế gian, bởi sự thương xót của Ðức Chúa Trời họ đã được cứu, được trở nên vợ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Từ mối kết hợp vợ chồng nầy, một đứa trai được sanh ra và được gọi là người có quyền chuộc lại.
Chúng ta thấy điều nầy trong câu 14, "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Câu nói nầy giống như sợi chỉ chạy xuyên suốt trong Kinh Thánh. Bắt đầu trong Sáng-thế-ký chương 3. Sáng-thế-ký 3:15, "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người." Trong một thời gian dài khi học Kinh Thánh, tôi tự hỏi, ai là người đàn bà mà Ðức Chúa Trời muốn nói đến trong câu 15?
Chúng ta biết người đàn bà nầy không bao gồm những người không được cứu trên thế gian không liên quan gì đến Chúa Cứu Thế. Làm sao chúng ta biết được điều nầy? Thứ nhất, Sa-tan không phải là kẻ thù của những người không được cứu trên thế gian, những người chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Nó là chủ, là chúa của họ. Họ là nô lệ của nó. Những suy nghĩ và ham muốn của họ đúng theo những gì Sa-tan muốn. Không có sự thù nghịch ở đây. Nhưng có một khía cạnh về người đàn bà nầy đó là sự thù nghịch với Sa-tan. Ðiều nầy có nghĩa bao gồm những người được sanh lại, những người được trở thành con cái trong vương quốc của Chúa Cứu Thế. Vương quốc của Chúa Cứu Thế có sự thù nghịch với quyền lực của tối tăm là vương quốc của Sa-tan.
Ngay trong giây phút được cứu, chúng ta trở nên kẻ thù của Sa-tan. Sa-tan không còn làm chủ chúng ta nữa. Chúa Cứu Thế Giê-xu là chủ của chúng ta, vì thế chúng ta không còn chiến tranh cùng Ðức Chúa Trời, thay vào đó, chúng ta là kẻ thù cay đắng cho Sa-tan. Vì vậy trong Sáng-thế-ký 3:15, "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ...", "dòng dõi người nữ" có nghĩa là những người ra từ dòng giống loài người được lựa chọn bởi ân điển, những người đã trở nên công dân trong vương quốc của Ðức Chúa Trời. Ðiều nầy bao gồm mọi người từ mọi quốc gia, dân tộc, người Giu-đa lẫn người ngoại bang. Dòng dõi của Sa-tan bao gồm những người không được cứu. Chúa Giê-xu phán trong Giăng 8:44 khi nói đến một số người lúc bấy giờ có mặt tại đó, "Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra". Những người không được cứu và cứ ở trong sự không được cứu là dòng dõi của Sa-tan. Chúa Cứu Thế Giê-xu là dòng dõi của người đàn bà có sự thù nghịch với Sa-tan. Ngài đã đến trong dòng dõi của những người tín hữu được sanh lại.
Sự thù nghịch ở đây không phải nói đến toàn thể nhân loại là thù nghịch với Sa-tan, nhưng chỉ về dân tộc của Ðức Chúa Trời. Từ dân tộc của Ðức Chúa Trời, Ðấng Mê-si đã ra đời. Chúng ta thấy điều nầy được chép rất đẹp trong Khải-huyền 12:1, "Ðoạn, trên trời hiện ra một dấu lớn: một người đờn bà có mặt trời bao bọc, dưới chơn có mặt trăng, và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao." Mặt trời ở đây là nói đến Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài là mặt trời công bình. Chúng ta là phần còn sót lại bởi ân điển, được bao bọc bằng sự công bình của Ngài. Chúng ta có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao trên đầu, nghĩa là chúng ta sẽ cai trị cùng với Chúa Cứu Thế.
Chúng ta không học Khải huyền 12 ở đây, nhưng từ chương nầy chúng ta biết rằng người đàn bà sanh một con trai mà Sa-tan chực sẵn để nuốt đứa con của người đi, và trong câu 5, "người sanh một con trai, con trai ấy sẽ dùng gậy sắt mà cai trị mọi dân tộc; đứa trẻ ấy được tiếp lên tới Ðức Chúa Trời, và nơi ngôi Ngài." Con trai nầy là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến từ người đàn bà là phần sót lại bởi ân điển, bắt đầu từ A-bên cho đến Chúa Giê-xu. Sau khi Chúa Cứu Thế được đem lên trời, người đàn bà đó tiếp tục được Chúa nuôi trong đồng vắng suốt thời kỳ tân ước. Ðây là người đàn bà mà Ðức Chúa Trời muốn nói đến. Người đàn nầy được đại diện bởi mối liên hệ hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ.
Ru-tơ đại diện cho những người đã bị Ðức Chúa Trời rủa sả, không cần biết họ đến từ dân tộc nào, được lập gia đình với Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu không bởi tình thương chiếu cố của Ðức Chúa Trời ban Ðấng Mê-si cho, chúng ta sẽ không được làm phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Bởi sự lựa chọn lạ lùng của Ðức Chúa Trời, một Ðấng Mê-si ra từ dòng dõi nầy, là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi vì Ðức Chúa Trời hạ mình xuống giống như con người, đặc biệt từ dòng dõi của phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, Ðấng Mê-si, Ðấng Cứu Chuộc ra đời, đó là ý muốn nói trong câu 13 ở đây.
Bây giờ chúng ta xem câu 14, "Các người đờn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Theo sự kiện trong lịch sử thì rất dễ theo kịp. Những người bạn của Na-ô-mi rất thông cảm cho bà vì bà góa bụa, họ nói "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại." Câu nầy nghe thấy hơi kỳ một chút khi chúng ta thật sự suy nghĩ kỹ. Tại sao họ nói: "chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại."? Nếu họ có ý nói về mối liên hệ bà con, tại sao họ không nói: chẳng từ chối cho bà một người bà con; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên?
ễ đây chắc chắn là nói về đứa con trai mới được sanh ra. "Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai.", họ đang nói về đứa con trai được sanh ra cho Ru-tơ và Bô-ô. Theo bối cảnh lịch sử tốt hơn họ nên nói như thế nầy: Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một đứa cháu, một đứa nối dõi hay một người sẽ nuôi bà. Nhưng theo ý nghĩa thuộc linh chúng ta thấy tại sao Ðức Chúa Trời hướng dẫn họ chọn ngôn ngữ kỳ cục nầy: "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!".
Xin nhớ rằng Na-ô-mi là hình bóng về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng đã thấy từ nhiều cái nhìn khác nhau, dân Y-sơ-ra-ên là góa bụa. Họ bị Ðức Chúa Trời trừ bỏ, họ không còn là một dân tộc đặc biệt cho Ðức Chúa Trời. Giống như dân tộc Y-sơ-ra-ên đã đến hồi tận số, không có tương lai gì cho dân tộc nầy. Hãy suy nghĩ về lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên trước khi Chúa Cứu Thế được sanh ra. Trong vòng 400 năm sau khi các tiên tri nhỏ nói tiên tri, không có khải tượng nào được mang đến cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Kinh Thánh lúc đó chưa được chép xong. Vẫn còn thời gian cho Ðức Chúa Trời phá tan sự yên lặng giữa thế giới thần linh và thế giới hữu hình, dấy lên những tiên tri để phán cùng dân Y-sơ-ra-ên như Ngài làm sau đó qua Giăng Báp-tít, Phi-e-rơ, sứ đồ Giăng, và qua sứ đồ Phao-lô.
Nhưng trong vòng 400 năm một sự lặng yên như đá về phía Ðức Chúa Trời. Chúng ta biết điều nầy vì có một con số rất nhỏ tin nhận Ngài vào thời Chúa Giê-xu được sanh ra, vào lúc Ngài bị đóng đinh. Về phương diện dân tộc, gần như họ không có sự công bình dựa vào sự ra đời của Ðấng Mê-si. Thật vậy, trông họ thật hoang vắng, ảm đạm. Họ giống như Na-ô-mi khi trở về Bết-lê-hem, Nhà Bánh và bà nói, "Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Ðấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm." Ðó là bức tranh về dân tộc Y-sơ-ra-ên, gần như không còn hi vọng gì nữa. Nhưng bây giờ qua thực tế, Ðấng Mê-si đã ra đời. Ngài đã cưới "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" cho nên còn có hi vọng cho dân Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta đã thấy trong Rô-ma 11 chép về cây ô-li-ve, là đại diện cho vương quốc của Ðức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế, một số nhánh bị cắt bỏ và chúng ta đã thấy những nhánh bị cắt bỏ đó là dân tộc Y-sơ-ra-ên. ễ đó không nói tất cả các nhánh đều bị cắt bỏ vì vương quốc của Chúa Cứu Thế lúc nào cũng tồn tại. Nhưng dân tộc Y-sơ-ra-ên bị trừ bỏ để khi họ được nhận diện vào vương quốc của Ngài họ phải được tháp lại giống như bất cứ ai trong các dân tộc ngoại bang phải được tháp vào.
Ðức Chúa Trời đơn giản chỉ tỏ rằng Ðấng Mê-si đã đến thì dân Y-sơ-ra-ên có được hi vọng. "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại". Ðiều nầy được nhấn mạnh trong Rô-ma 11:26, "Ðấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn". Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Giải cứu đã đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ngài là Ðấng mở các nguồn hầu cho sự cứu rỗi có thể đến với những người trong dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ðây là một thực tế rất đẹp được mở ra cho chúng ta trong câu 14. Ðức Chúa Trời đã không chấm dứt sự có thể chuộc lại được cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Khi Chúa Cứu Thế đến, người đầu tiên quì gối xuống trước Chúa Giê-xu cách nay 2000 ngàn năm là người Giu-đa. Ngay cả An-ne, Si-me-ôn hay những người chăn chiên trong đêm Chúa Giê-xu được sanh ra đều nhận ra rằng Ngài là Ðấng Mê-si. Họ nhận ra rằng Ðức Chúa Trời đã không từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại.
"Nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên!" Chữ "sang trọng" ở đây trong Kinh Thánh thường được dịch là gọi hay cẩu khẩn, "nguyện danh của người được gọi nơi Y-sơ-ra-ên!" Câu "nguyện danh của người được gọi nơi Y-sơ-ra-ên!" có nghĩa gì? Trong Rô-ma 10:13 chúng ta tìm thấy một lời tuyên bố rất đẹp cho chúng ta giải đáp về câu nầy. "Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu." Kêu cầu danh Chúa có nghĩa là chúng ta đang hướng về sự cứu rỗi. Rô-ma 11:9 chép, "Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu". Vì vậy kêu cầu danh Chúa có nghĩa là miệng xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, đó là ý nghĩa của sự kêu cầu danh Chúa, nghĩa là chúng ta nhìn lên Chúa là Cứu Chúa của chúng ta.
Chúng ta đọc về Áp-ra-ham trong Sáng-thế-ký 12 và những người khác nữa trong Kinh Thánh, họ cầu khẩn danh Ðức Giê-hô-va. Có nghĩa là họ đặt sự tin cậy của họ vào nơi Chúa là Ðấng Mê-si, là Ðấng Cứu Chuộc, là Cứu Chúa của họ. Vì vậy, Ðức Chúa Trời đang phán ở đây trong Ru-tơ 4:14 rằng, Ngài không từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên một người có quyền chuộc lại, Na-ô-mi đại diện cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, nguyện danh của Chúa Giê-xu được kêu cầu nơi Y-sơ-ra-ên! Ðó có nghĩa là những người thuộc dòng máu của Áp-ra-ham cũng có thể được cứu, cũng có thể kêu cầu danh Chúa. Danh của Ngài sẽ được cầu khẩn, Ngài sẽ được nhìn xem là Ðấng Mê-si trong Y-sơ-ra-ên. Tuyệt vời thay! Ðây chính xác là cách mà Ðức Chúa Trời hé mở kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Khi Chúa Cứu Thế Giê-xu đến, khi Ngài cung cấp sự chuộc tội trên thập tự giá thì Ngài cũng cung cấp sự chuộc tội cho những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Do đó, người Giu-đa trong thời đó hay người Giu-đa trong thời nay đều có thể tìm thấy sự cứu rỗi giống như những người thuộc các dân tộc khác. Ðức Chúa Trời nhơn từ làm sao! Dù cho về phương diện quốc gia họ đã bị trừ bỏ, bị góa bụa. Xem như không còn hi vọng gì cho họ vì Ðức Chúa Trời im lặng đối với họ qua nhiều năm. Nhưng lời hứa vẫn luôn còn đó hầu cho sự cứu rỗi có thể đến với dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như những dân tộc khác trên thế giới. Ngợi khen Ðức Chúa Trời về lòng thương xót tuyệt vời của Ngài!
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 46 (Ru-tơ 4:15)
Trong bài học rồi chúng ta đã thấy một lẽ thật rất đẹp trong câu 13 và 14 rằng, Ðức Chúa Trời đã cung cấp một người chuộc lại từ dòng dõi của người đàn bà. Chúng ta thấy rằng dòng dõi của người đàn bà là "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" tồn tại trong suốt dòng lịch sử. Từ mối kết hợp giữa Ðức Chúa Trời với "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển", Ðấng Cứu Chuộc đã ra đời.
Trước hết Ðấng Cứu Chuộc nhắm vào dân tộc Y-sơ-ra-ên. Những người bạn của Na-ô-mi nói, "Ðáng ngợi khen Ðức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà", đó là chẳng từ chối cho dân Y-sơ-ra-ên, "ngày nay một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người được cầu khẩn nơi Y-sơ-ra-ên!" Có nghĩa là những ai thuộc dòng máu của Áp-ra-ham cũng có thể kêu cầu danh của Chúa Cứu Thế Giê-xu để được cứu.
Tiếp tục học câu 15 chúng ta sẽ thấy sự mở rộng của lẽ thật nầy như chúng ta đã bắt đầu thấy được trong câu 13 và 14. Câu 15, "Nó...", đây là người chuộc lại, là đứa con trai được sanh ra trong sự kết hợp giữa Bô-ô và Ru-tơ, "... sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai." Bây giờ chúng ta hãy xem sự kiện về lịch sử bởi vì lời tuyên bố nầy đã thật sự nói ra, là một phần được ghi lại trong lịch sử cách nay khoảng 3000 năm vào lúc Bô-ô cưới Ru-tơ.
Chúng ta có thể hiểu được rất nhanh tại sao họ nói, "sẽ an ủi lòng bà" (nguyên văn "người phục hồi lại cuộc đời của bà"). Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem là một người góa bụa, bà đã rất đau buồn về chồng bà và hai đứa con trai. Bà không có sản nghiệp và bây giờ qua sự kết hợp giữa Bô-ô và Ru-tơ một đứa trẻ đã ra đời trong gia đình của bà. Nói thẳng ra nó không phải là con của bà nhưng trong một ý nghĩa, bà là bà ngoại của nó vì Ru-tơ là dâu của bà. Nàng đã lập gia đình với Mạc-lôn, con trai của bà. Vì vậy đứa bé nầy thuộc về gia đình của Na-ô-mi, chắc chắn là sẽ khôi phục lại sự tin tưởng, vui mừng cho Na-ô-mi.
Bạn có thể thấy được lời chúc mừng của những người nầy khi họ nói với Na-ô-mi "dưỡng già bà", câu nầy khó hơn một chút trừ khi họ nói với bà theo sự kiện lịch sử rằng đứa cháu nầy sẽ cho bà sự ham muốn sống, một mục đích mới cho đời sống. Nó sẽ nuôi dưỡng bà, làm cho bà mạnh mẽ lên. Bà sẽ có được sự vui mừng trong lòng trở lại, rất có thể đây là ý nghĩa trong ngôn ngữ nầy. Rồi họ đến câu kế tiếp không có ý nghĩa chút nào, "vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai." Câu nầy thật không có lý chút nào.
Vâng, họ thật sự nói câu nầy với bà và có thể họ có ý nói rằng: Na-ô-mi, dầu sao thì sự việc trở nên rất tuyệt. Bà có được con dâu đã sanh ra được một người kế nghiệp cho Ê-li-mê-léc còn quí hơn bảy đứa con trai nữa. Có thể chỉ là một cách nói phóng đại. Thật ra theo ý nghĩa lịch sử thì không thể nào quí hơn bảy đứa con trai được. Nếu Na-ô-mi có được bảy đứa con trai, xin nhớ là số bảy là số trọn vẹn trong kế hoạch của Ðức Chúa Trời, trong dòng máu của bà có nghĩa là bà có được cơ nghiệp rất lớn. Thật ra trong lịch sử không có gì quí hơn là có được bảy đứa con trai. Vì vậy, một lần nữa chúng ta có cảm giác rằng có một điều gì rất quan trọng về thuộc linh cho nên Ðức Chúa Trời phán qua câu đặc biệt nầy. Theo ý nghĩa lịch sử thì nó rất kỳ cục dù chúng ta biết rằng câu nầy được nói ra một cách chính xác theo cách như vậy. Chúng ta hãy xem xét câu nầy thật cẩn thận theo ý nghĩa thuộc linh để tìm ra Ðức Chúa Trời muốn dạy gì về thuộc linh.
Chúng ta đọc lại câu 15, "Nó...", đây là người chuộc lại, người chuộc lại nầy ra đời từ cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Xin nhắc lại, Bô-ô là hình bóng về Ðức Chúa Trời, Ðấng Cứu Chuộc. Từ trong dòng dõi của "phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" Ðấng Cứu Chuộc đã ra đời là Chúa Giê-xu. Ngài là sản phẩm của mối kết hợp giữa Ðức Chúa Trời và loài người. Ngài là Ðức Chúa Trời và Con Người. Ðấng Cứu Chuộc nầy là Chúa Giê-xu sẽ trở nên người khôi phục lại đời sống của bà. Chữ "phục hồi lại" trong Kinh Thánh thường được dịch là "đem trở về". Ngài sẽ đem cuộc đời bà trở lại. Chữ nầy là cùng một chữ trong Ê-xê-chi-ên 39:25, "Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nay ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; ta sẽ thương xót cả nhà Y-sơ-ra-ên, và vì danh thánh ta mà nổi ghen."
Nhóm từ "đem... trở về" là cùng một chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ được dùng trong Ru-tơ 4:15, "nó sẽ là người phục hồi lại cuộc đời bà". Xin nhớ rằng Na-ô-mi đã đi đến xứ Mô-áp, ở đó bà trở nên góa bụa, mất chồng, trở thành tay trắng, không có sản nghiệp gì cả. Chúng ta thấy điều nầy là bức tranh về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Cũng cùng bức tranh nầy được trình bày cho chúng ta ở nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh rằng dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm nô lệ. Họ bị tan lạc ra giữa các nước khác trên thế giới, làm phu tù. Họ không còn có hi vọng gì nhưng Ðức Chúa Trời lặp đi lặp lại nhiều lần về việc đem những phu tù trở về. Ðó là những người bị đi làm phu tù sẽ được đem trở về trong sự phước hạnh của Ðức Chúa Trời.
Ðiều đó được nói đến ở đây trong Ê-xê-chi-ên 39. "Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nay ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; ta sẽ thương xót cả nhà Y-sơ-ra-ên, và vì danh thánh ta mà nổi ghen." Rồi Ngài tiếp tục sau đó, "Chúng nó sẽ mang xấu hổ...", bạn có nhớ Na-ô-mi đã mang xấu hổ, bà đã phạm tội cùng Ðức Chúa Trời, trở nên góa bụa? "...và mắc tội lỗi về mọi tội lỗi mà chúng nó đã phạm nghịch cùng ta, khi chúng nó sẽ ở yên trong đất mình, không lo sợ ai hết." Dĩ nhiên, Na-ô-mi đã trở về xứ mình, có phải vậy không? Bà đã trở về Nhà Bánh, không còn lo sợ gì nữa. "Là khi ta sẽ đem chúng nó về từ giữa các dân và thâu lại khỏi các đất của kẻ thù chúng nó, thì ta sẽ được tỏ ra thánh bởi chúng nó ở trước mắt nhiều nước. Chúng nó sẽ biết rằng ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của mình..."
Bạn có thấy? Ðể đem họ trở về có nghĩa là họ sẽ lại nhìn biết Ðức Chúa Trời của họ, "...là khi ta đã đày chúng nó làm phu tù giữa các nước rồi, và đã thâu chúng nó lại đến đất của mình, chẳng để sót một kẻ nào ở đó." Chú ý trong Ê-xê-chi-ên 39, Ðức Chúa Trời phán với chúng ta khi nào thì việc nầy sẽ xảy ra. Câu 29, "Ta sẽ không che mặt khỏi chúng nó nữa, vì ta sẽ đổ Thần ta trên nhà Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-hô-va phán vậy." Nói cách khác, Ðức Chúa Trời phán rằng khi Ngài đem những phu tù trở về đó là lúc Ngài sẽ đổ Thần Ngài trên nhà Y-sơ-ra-ên.
Khi tra xem Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy chỉ có một lần khi Ðức Chúa Trời đổ Thần Ngài ra, lần đó là lần nào? Dĩ nhiên, đó là trong Lễ Ngũ Tuần. Ðó là lúc Ðức Chúa Trời bắt đầu chương trình truyền giảng Tin Lành ra khắp thế giới. Ðó là lúc Ngài đổ Thần Ngài ra, và hiển nhiên những người đầu tiên tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là người Giu-đa. Họ thuộc về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ðây là điều Ðức Chúa Trời muốn nói khi Ngài phán với Na-ô-mi rằng, "nó sẽ trở nên người phục hồi lại cuộc đời của bà". Nghĩa là, Ngài sẽ cung cấp sự cứu rỗi cho dân tộc Y-sơ-ra-ên như chúng ta đã thấy trong Rô-ma 11 và nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh điều nầy chỉ thật sự áp dụng cho "một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Có một điều thú vị là nhóm từ "đem những phu tù trở về" được tìm thấy ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh nhưng cũng tìm thấy trong Thi-thiên, ít nhất là ba chỗ. Thi-thiên được chép trong thời của Ða-vít trước khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm phu tù. Ðiều nầy gây sự ngạc nhiên có phải vậy không? Thường thì chúng ta nghĩ câu "đem những phu tù trở về" được nói đến sau năm 722 (T.C.) khi chi phái Y-sơ-ra-ên bị tiêu diệt bởi dân Sy-ri hay sau khi dân Giu-đa bị dân Ba-by-lôn tiêu diệt năm 587 (T.C.). Nhưng mà nầy, chúng ta đọc trong Thi-Thiên 14:7, "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến! Khi Ðức Giê-hô-va đem về những phu tù của dân sự Ngài, Thì Gia-cốp sẽ mừng rỡ và Y-sơ-ra-ên vui vẻ."
Bạn thấy không? Câu nầy nói đến sự cứu rỗi ra từ Si-ôn, tất nhiên sự cứu rỗi đến từ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bất cứ khi nào bạn đọc câu "đem những phu tù trở về" bạn có thể hướng vào thập tự giá. Ðó là điều Ðức Chúa Trời muốn nói. Ngài nói đến sự cứu rỗi có sẵn cho dân tộc Y-sơ-ra-ên cũng như những dân tộc khác trên thế giới. Trong Thi-Thiên 53:6 chúng ta cũng đọc thấy một câu giống như vậy, "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến! Khi Ðức Chúa Trời đem về các phu tù của dân sự Ngài, Thì Gia-cốp sẽ mừng rỡ và Y-sơ-ra-ên vui vẻ."
Một điều làm cho tôi đau lắm khi ngày nay tôi nghe có người nói rằng Ðức Chúa Trời sẽ cung cấp sự cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên, Ðấng Giải Cứu sẽ đến. Tôi nghĩ, sao mà bạn có thể nói như vậy được? Nói vậy có nghĩa là bạn phủ nhận thực tế rằng Chúa Giê-xu đã đến. Ðấng Giải Cứu, Chúa Cứu Thế đã đến và đã cung cấp sự cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên. Có phải bạn phủ nhận việc làm của Chúa Giê-xu trên thập tự giá hay sao? Việc đến của Ngài bộ không ảnh hưởng gì đến dân tộc Y-sơ-ra-ên sao? Làm sao có thể như vậy được? Như chúng ta thấy trong Ê-xê-chi-ên 39, việc đem các phu tù trở về, phục hồi đời sống lại cho dân Y-sơ-ra-ên, như Ru-tơ 4:15 là nói đến thập tự giá. Thực tế điều nầy liên quan đến việc Thánh Linh đổ xuống và sự cứu rỗi đến với họ giống như bao nhiêu người khác.
Thi Thiên 53 nầy là Thi Thiên của Ða vít. Ông nói đến việc đem các phu tù trở về mà trong thời của ông thì không có ai đi làm phu tù. Họ là dân tộc tự do, họ được Ðức Chúa Trời ban phước cho đủ mọi mặt, nhưng ông kêu lên rằng "Ôi! chớ chi từ Si-ôn sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên đã đến!", rồi ông nói khi nào thì sự nầy sẽ xảy ra, đó là "Khi Ðức Chúa Trời đem về các phu tù của dân sự Ngài". Ông đang nói đến một sự việc lạ lùng đó là Ðấng Mê-si sẽ đến và sẽ cung cấp sự cứu chuộc. Ða vít đã thấy sự đến của Ðấng Mê-si, ông tin cậy nơi điều đó, ông là một trong những kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Một lần nữa chúng ta thấy sự đem các phu tù trở về là hoàn toàn đồng nhất với sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế đã cung cấp bằng cách lên thập tự giá.
Trong một Thi thiên khác, 85:1, 2, "Hỡi Ðức Giê-hô-va, Ngài đã làm ơn cho xứ Ngài, Ðem những phu tù của Gia-cốp trở về. Chúa đã tha gian ác cho dân sự Chúa, Và khỏa lấp mọi tội lỗi của họ." Một lần nữa, câu nầy được chép một thời gian rất lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù, nhưng Thi thiên nầy chép rằng: "Ngài Ðã làm ơn cho xứ Ngài, (Ðã) đem những phu tù của Gia-cốp trở về. Chúa Ðã tha gian ác cho dân sự Chúa". Nói cách khác, sự cứu rỗi đã có sẵn cho dân sự Ngài trong thời của Ða vít, Sa-lô-môn cũng như có sẵn cho người Giu-đa hay những dân tộc khác trên thế giới ngày hôm nay.
Bất cứ lúc nào bạn đọc Kinh Thánh thấy nói đến việc đem phu tù trở về hay đem trở về quê hương thì bạn có thể tin rằng điều nầy nói đến thập tự giá. Ðiều nầy chú trọng vào thực tế rằng Ðức Chúa Trời sẽ phục hồi lại đời sống của những ai tin cậy vào nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðiều đó được nói đến ở đây trong Ru-tơ 4:15 khi họ nói với Na-ô-mi rằng đứa con trai được sanh ra sẽ là người phục hồi lại đời sống của bà. Có nghĩa là qua Ðấng Cứu Chuộc nầy, sự cứu rỗi sẽ đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên được bà Na-ô-mi làm đại diện trong câu chuyện tình đẹp nầy.
Ðọc tiếp, "dưỡng già bà...", chữ dưỡng già có nghĩa là nuôi, cung cấp thức ăn. Về thuộc linh, bởi vì Chúa Cứu Thế đến là người chuộc vì thế dân Y-sơ-ra-ên có thể có được đồ ăn thuộc linh đem đến sự cứu rỗi. Bạn có nhớ Chúa Giê-xu phán: "Ta là bánh của sự sống", Ngài phán: "Phước cho những kẻ đói khát về sự công bình". Ðức Chúa Trời dạy chúng ta trong câu 15 nầy rằng, mặc dù dân tộc Y-sơ-ra-ên đã trở thành góa bụa, dù họ bị dứt bỏ, nhánh ô-li-ve bị cắt bỏ vì cớ sự không tin, dầu vậy, vẫn còn có sự sống thuộc linh cho họ. Ðời sống thuộc linh của họ có thể được nuôi dưỡng nếu họ đáp lại Tin Lành.
Chúa Cứu Thế không đến chỉ cho người ngoại bang. Ngài cũng đến cho dân Giu-đa nữa. Sự cứu chuộc đến với họ cũng giống như đến với dân tộc ngoại bang. Tất cả chúng ta cùng đứng chung một chỗ. Ðức Chúa Trời không tây vị ai hết. Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa, xưng nhận Ngài ra thì có thể được cứu. Bạn có được cứu chưa? Bạn có phải là người kêu cầu danh Chúa không? Bạn có phải là người được nuôi dưỡng bởi Ðấng Mê-si mà Kinh Thánh nói đến không? Bạn có phải là người được đem trở về từ sự đi làm phu tù không? Phu tù là phu tù cho tội lỗi và ma quỉ. Bất cứ ai trong chúng ta chưa được cứu có thể được đem trở về nếu chúng ta tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 47 (Ru-tơ 4:17)
Trong chương 4 của sách Ru-tơ, câu 17 chúng ta đọc được điều rất thú vị. "Những người nữ lân cận đặt tên cholà Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi. Ô-bết là cha của Y-sai, ông của Ða-vít". Chúng ta tự hỏi tại sao Ðức Chúa Trời để sự kiện đặc biệt nầy trong Kinh Thánh? Tại sao Ðức Chúa Trời nhấn mạnh về những người nữ lân cận của Na-ô-mi quan tâm về cái tên được đặt cho đứa trẻ được sanh ra cho Bô-ô và Ru-tơ.
Dĩ nhiên chúng ta thấy họ rất thích thú về cuộc hôn nhân nầy. Bô-ô là một người giàu thuộc dòng dõi của Giu-đa, chiếu cố đến người đàn bà góa Mô-áp nầy hầu cho cơ nghiệp có thể giữ lại được cho người anh em đã chết. Ðây là một trường hợp thật lãng mạn. Thường thường chúng ta không chú ý lắm về cái tên của đứa trẻ nhưng tại sao những người nữ lân cận nầy quan tâm đến. Trước hết chúng ta hãy xem cái tên được đặt cho đứa trẻ nầy. Cái tên Ô-bết trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là đầy tớ. Ðiều nầy không gây được sự thích thú phải không? Có thể bạn nghĩ những người lân cận của Na-ô-mi nên nghĩ đến một cái tên quý phái hơn. Ðầy tớ chắc chắn không phải là một cái tên cao trọng. Nhưng họ đã chọn cái tên nầy.
Dĩ nhiên chúng ta có thể đoán rằng có thể họ nghĩ đến việc Na-ô-mi bị mất chồng, mất con mà bây giờ đứa trẻ nầy được sanh ra trong gia đình họ hi vọng rằngsẽ phục vụ Na-ô-mi. Dù thế nào đi nữa chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời đã hướng dẫn họ để họ quan tâm đến loại tên nầy. Về thuộc linh dĩ nhiên chúng ta có thể thấy tại sao cái tên nầy được chọn. Xin nhớ đứa trẻ nầy là người chuộc, là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ai là Chúa Cứu Thế? Ngài thuộc hạng người gì khi đến trong thế gian? Chúng ta đọc trong Ê-sai 52:13, "Nầy, tôi tớ ta sẽ làm cách khôn ngoan; sẽ được tôn lên, dấy lên, và rất cao trọng." ễ đây Ngài phán về sự đến của Ðấng Mê-si như là đầy tớ.
Trong Ê-sai 42:1, "Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại." Chúa Giê-xu là một đầy tớ chịu khổ. Ngài đến để phục vụ con người. Ngài đến để phó sự sống làm giá chuộc nhiều người. Chúng ta đọc trong Mác 10:44,45, "Còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người." Ðây là vai trò của Ðấng Cứu Chuộc. Ngài làm một đầy tớ.
Vì vậy Ðức Chúa Trời đang bày tỏ một lẽ thật thuộc linh dưới sự kiện lịch sử chúng ta tìm thấy ở đây trong sách Ru-tơ. Ngài đã hướng dẫn những người nầy hầu cho họ giữ trước cái tên Ô-bết, đầy tớ. Tên của đứa trẻ nầy có nghĩa là đầy tớ. Chúng ta vẫn còn tự hỏi tại sao những người nầy quan tâm về cái tên của đứa trẻ hơn là Na-ô-mi và Ru-tơ nữa. Tại sao Ðức Chúa Trời lại bận tâm để thêm chi tiết hình như không quan trọng nầy vào Kinh Thánh? Những người nữ lân cận của Na-ô-mi đặt tên cho đứa trẻ và gọi tênlà Ô-bết. Thật ra khi tra xem điều nầy chúng ta tìm thấy rằng chữ "đặt" tên thường được dịch là gọi, kêu. Họ gọi tênlà Ô-bết. Họ kêu tênlà đầy tớ.
i cách khác, Ðức Chúa Trời đang dạy ở đây rằng có những khác ngoài Na-ô-mi quan tâm đến thực tế rằng đứa trẻ nầy là đầy tớ đến để phục vụ. Theo ý nghĩa thuộc linh, ai là người lân cận của Na-ô-mi? Bạn có nhớ câu chuyện về người Sa-ma-ri nhơn lành Ðức Chúa Trời dạy ai là người lân cận của chúng ta? Chúa Giê-xu phán: "Hãy yêu người lân cận như mình". Ngay tức thì chúng ta nghĩ rằng người mà chúng ta yêu như yêu mình phải là người thân yêu, những người có mối liên hệ họ hàng gần với chúng ta, những người đặc biệt mà chúng ta dành sự trìu mến cho là những người lân cận của chúng ta. Chúa Giê-xu kể thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành.
Một người đàn ông khốn khổ bị cướp và bỏ gần chết dọc đường. Có một thầy tế lễ và người Lê-vi đi ngang qua, họ là người Giu-đa, nhưng họ không quan tâm đến người nầy. Rồi có một người Sa-ma-ri đi đến, người không có quan hệ gì đối với người Giu-đa. Ông đến gần và chăm sóc cho người đàn ông nầy. Chúa Giê-xu hỏi: "Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?" Dĩ nhiên câu trả lời là người Sa-ma-ri nhơn lành. Qua thí dụ nầy và trong vòng những điều khác Chúa Cứu Thế dạy rằng người lân cận là bất cứ ai có nhu cầu. Người Sa-ma-ri nầy là người lân cận của người bị cướp. Cũng vậy, đổi ngược lại, người bị cướp là người lân cận của người Sa-ma-ri.
Dân tộc Y-sơ-ra-ên có nhu cầu không? Chắc chắn là họ có nhu cầu rất lớn, họ cần có một Cứu Chúa, một người chuộc. Chúa Cứu Thế đến làm người đầy tớ chịu khổ để thỏa mãn nhu cầu nầy của họ. Còn những người khác trên thế giới có nhu cầu không? Ðức Chúa Trời phán trong Ê-xê-chi-ên 13:26, những người Ê-díp-tô, là người lân cận của dân Y-sơ-ra-ên. Tại sao Ðức Chúa Trời dùng ngôn ngữ nầy? Dân Ê-díp-tô hay bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới đều cần có một Cứu Chúa cũng như dân Y-sơ-ra-ên. Chúa Cứu Thế đến để phục vụ cho tất cả dân tộc trên thế giới chớ không riêng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Họ cũng gọi tên Ngài là đầy tớ. Họ cũng nhìn xem Ngài như là một đầy tớ chịu khổ. Ngài đến để phục vụ, Ngài đến để phó mạng sống mình làm giá chuộc hầu cho họ được sống. Lạ lùng thay! những dân tộc khác có thể đến để gia nhập vào thân thể của Chúa Cứu Thế như Chúa Giê-xu phán: "Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cùng phải dẫnvề nữa. Chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi." (Giăng 10:16).
Ðiều nầy đã đượci trước trong Cựu ước rằng sẽ có nhiều dân đến gia nhập vào thân thể của Chúa Cứu Thế bên cạnh dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúng ta có thể đọc thấy rất nhiều câu bày tỏ điều nầy. Thí dụ trong Ê-sai 60:3-10, "Các dân tộc sẽ được nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói sáng đã mọc lên
trên ngươi. Hãy ngước mắt lên xung quanh ngươi, và nhìn xem: họ nhóm lại hết thảy, và đến cùng ngươi. Con trai ngươi đến từ xa, con gái ngươi sẽ được bồng ẵm trong cánh tay. Bấy giờ ngươi sẽ thấy và được chói sáng, lòng ngươi vừa rung động vừa nở nang; vì sự dư dật dưới biển sẽ trở đến cùng ngươi, sự giàu có các nước sẽ đến với ngươi. Muôn vàn lạc đà sẽ che khắp xứ ngươi, cả đến lạc đà một gu ở Ma-đi-an và Ê-pha cũng vậy. Nầy, hết thảy những người Sê-ba đem vàng và nhũ hương đến, và rao truyền lời ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Hết thảy bầy súc vật của Kê-đa sẽ nhóm lại nơi ngươi, những chiên đực xứ Nê-ba-giốt sẽ làm của ngươi dùng, dâng lên bàn thờ ta làm một của lễ đẹp ý, nên ta sẽ làm sáng nhà của sự vinh hiển ta. Những kẻ bay như mây, giống chim bò câu về cửa sổ mình, đó là ai? Các cù lao chắc sẽ trông đợi ta, các tàu bè của Ta-rê-si trước nhứt đem con trai ngươi từ xa về, cùng với bạc vàng của họ, vì danh của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, và vì Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, bởi Ngài đã làm vinh hiển ngươi. Các ngươi dân ngoại sẽ sửa xây thành ngươi, các vua họ sẽ hầu việc ngươi; vì khi ta giận, có đánh ngươi, nhưng nay ta ra ơn thương xót ngươi." ễ đâyi về các dân ngoại sẽ đến gia nhập vào thân thể của Chúa Cứu Thế.
Trong Ê-sai 54:5, "Vì chồng ngươi tức là Ðấng đã tạo thành ngươi; danh Ngài là Ðức Giê-hô-va vạn quân. Ðấng chuộc ngươi tức là Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, sẽ được xưng là Ðức Chúa Trời của cả đất." Ê-sai 56:6-8, "Các người dân ngoại về cùng Ðức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Ðức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước ta, thì ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hi sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa Giê-hô-va, Ðấng nhóm dân tan lạc của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân đã được nhóm lại rồi, ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng." Chúng ta có thể tiếp tục đọc hết phân đoạn nầy đến phân đoạn khác trong Cựu ước chứng minh điều nầy.
Ê-sai 49:2-6 là một lời tuyên bố rất đẹp về kế hoạch mà Ðức Chúa Trời muốn thực hiện, "Ngài đã khiến miệng ta giống như gươm bén;", câu nầyi về Chúa Giê-xu, Ngài là Lời của Ðức Chúa Trời, "lấy bóng tay Ngài mà che ta; làm cho ta như tên nhọn, và giấu ta trong bao tên. Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi tớ ta, ta sẽ được sáng danh bởi ngươi. Ta cói rằng: Ta đã làm việc luống công, đã hao sức vô ích và không kết quả. Song lẽ ngay thẳng của ta ở nơi Ðức Giê-hô-va, sự ban thưởng cho ta ở nơi Ðức Chúa Trời ta. Bây giờ, Ðức Giê-hô-va là Ðấng đã lập ta làm tôi tớ Ngài từ trong bụng mẹ, có khiến ta dẫn Gia-cốp đến cùng Ngài, và nhóm Y-sơ-ra-ên về cùng Ngài; vì ta được tôn trọng trước mắt Ðức Giê-hô-va, và Ðức Chúa Trời ta là sức mạnh ta. Ngài có phán cùng ta rằng: Ngươi làm tôi tớ ta đặng lập lại các chi phái Gia-cốp, và làm cho những kẻ được gìn giữ của Y-sơ-ra-ên lại được trở về, còn là việc nhỏ; ta sẽ khiến ngươi làm sự sáng cho các dân ngoại, hầu cho ngươi làm sự cứu rỗi của ta đến nơi đầu cùng đất." Bạn có thấy một cách lạ lùng Ðức Chúa Trời đang chỉ về thực tế rằng sự cứu rỗi sẽ đến đầu cùng đất qua Cứu Thế Giê-xu không?
Khúc Kinh Thánh đó được trưng dẫn trong sách Lu-ca. Si-mê-ôni về Ðấng Mê-si là ánh sáng cho dân ngoại. Tôi nghĩ đây là điều Ðức Chúa Trời muốni khi khi chép về những người nữ lân cận đặt tên cho đứa trẻ là đầy tớ, Ô-bết. Chúa đã ban một con trai cho Na-ô-mi, từ dân tộc Y-sơ-ra-ên Ðấng Mê-si sẽ đến, là một đầy tớ chịu khổ. Ðấng Mê-si đến cho tất cả dân tộc trên thế giới chớ không chỉ riêng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Hầu hết chúng ta không phải thuộc về dòng máu dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta là đang học bài nầy nhờ Ðức Chúa Trời có ý định là những dân tộc khác trên thế giới cũng nhận được sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta ngợi khen Chúa về lòng thương xót của Ngài vì nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với mỗi chúng ta. Bất cứ ai được cứu, được sanh lại đều nhìn xem Chúa Cứu Thế là một đầy tớ đau khổ, là Ðấng đến để phục vụ, dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người. Mong ước tất cả những người học bài học nầy đều biết được Chúa Cứu Thế Giê-xu là một đầy tớ đau khổ, biết được Ngài là Ðấng phó mạng sống Ngài hầu cho chúng ta được cứu, biết được Chúa Cứu Giê-xu phải chịu đau đớn của hình phạt địa ngục đời đời hầu cho chúng ta được cứu.
Nếu bạn chưa được cứu, nếu bạn chưa phải là con cái của Ðức Chúa Trời, xin đừng chần chờ. Lời tuyên bố của Ðức Chúa Trời về hình phạt địa ngục cho những người không được cứu rất là thật. "Tiền công của tội lỗi là sự chết" thì rất thật. Ðây không phải chỉ là câui suông. Ðức Chúa Trời sẽ thực hiện chính xác những gì mà Ngài phán. Khi Ðức Chúa Trời phán về địa ngục, về hình phạt đời đời thì Ngài có ý định làm như Ngài phán. Tôi xin khuyến khích bạn làm hòa lại cùng Ðức Chúa Trời. Xin đừng đợi! Hãy giống Ru-tơ, quyết định rằng bạn muốn được đồng nhất với dân Y-sơ-ra-ên và Cứu Chúa của họ. Bạn có nhớ khi Ru-tơ quyết định đi đến Bết-lê-hem nàngi: "Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Ðức Chúa Trời của mẹ, tức là Ðức Chúa Trời của tôi"? Ðây là mối liên hệ đẹp đẽ mà chúng ta có khi chúng ta được cứu. Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðức Chúa Trời của chúng ta mặc dù chúng ta là người ngoại bang. Ðức Chúa Trời của người Y-sơ-ra-ên tin cậy nơi Ngài cũng là Ðức Chúa Trời của những ai thuộc bất cứ quốc gia khác tin cậy nơi Ngài, bất chấp tội lỗi của chúng ta lớn và sâu đến độ nào.
Chúng ta cùng nhau chỉ là một dân. Chúng ta là vương quốc của Ðức Chúa Trời. Không có hai vương quốc của Ðức Chúa Trời, một vương quốc đặc biệt dành cho dân tộc Y-sơ-ra-ên còn vương quốc kia dành cho những người ngoại trên thế gian. Không! Không, Kinh Thánh không dạy như vậy. Chỉ có một vương quốc và vương quốc đó là vương quốc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðó là vương quốc thiên đàng, vương quốc của Ðức Chúa Trời. Vương quốc nầy là vương quốc mà chúng ta bước vào khi chúng ta được sanh lại bởi nước và Thánh Linh. Nghĩa là khi chúng ta được rửa sạch bởi Lời của Ðức Chúa Trời, Ðức Thánh Linh áp đặt huyết đã đổ ra cho đời sống chúng ta. Ðó là vương quốc chúng ta thấy khi chúng ta bước vào Chúa Cứu Thế rồi được sanh lại.
Ðây là bầy mà Chúa Cứu Thế Giê-xu chăn và vì bầy nầy mà Ngài trở thành người đầy tớ đau khổ. Thật tuyệt vời làm sao tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đã dành điều nầy để chúng ta có thể có được. Chúng ta đến đoạn kết thúc chép về gia phổ trong Ru-tơ chương 4. ễ đây chép về dòng dõi dẫn đến Ða-vít. Trong câu 17 Ðức Chúa Trời chỉ rõ rằng Ô-bết là cha của Y-sai và Y-sai là cha của Ða-vít, cho nên chúng ta biết rằng Ô-bết là ông Nội của Ða-vít. Rồi Ðức Chúa Trời kết luận sách Ru-tơ bằng gia phổ bằng việc kể ra mười cái tên. Bắt đầu là Pha-rết cho đến Ða-vít. Trong bài học tới chúng ta sẽ đối diện với câu hỏi: Tại sao lại mười cái tên nầy? Có điều gì đặc biệt trong gia phổ nầy?
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 48 (Ru-tơ 4:17)
Khi bàn thảo những câu kết luận trong sách Ru-tơ chúng ta thấy Ðức Chúa Trời đối xử rất nhẫn nại với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Vì hậu quả tội lỗi của họ, hậu quả của sự liên tục chống đối lại Ðức Chúa Trời, Ngài đã trừ bỏ họ. Ngài như đã chết đối với họ. Họ giống như người đàn bà góa. Nhưng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ðấng đã đến thế gian cách nay 2000 năm, sự cứu rỗi có thể có được cho dân Giu-đa cũng như cho dân ngoại.
Chúng ta đọc trong Ru-tơ thì thấy rằng Ðấng Mê-si ra từ dòng dõi của người đàn bà, dòng dõi của những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Ngài sẽ phục hồi nhà Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ đem những kẻ phu tù trở về. Ngài làm cho họ cũng có thể được cứu. Tội lỗi của họ cũng có thể được tha thứ. Tuổi già của Y-sơ-ra-ên cũng có thể được nuôi dưỡng. Họ có thể ăn Bánh hằng sống. Về thuộc linh họ có thể tìm thấy sự thỏa mãn cho sự đói khát công bình. Ðức Chúa Trời ban Chúa Cứu Thế Giê-xu cho họ. Thật Ðức Chúa Trời nhơn từ và thương xót biết bao trong kế hoạch cứu rỗi của Ngài!
Rồi chúng ta đọc thấy một điều không có lý chút nào theo sự kiện lịch sử như trong bài học rồi. "Vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai". Theo bối cảnh lịch sử họ nói điều nầy với Na-ô-mi là một ngôn ngữ kỳ cục. Ru-tơ và con trai của nàng không thể nào bằng bảy đứa con trai được. Có được bảy đứa con trai là một phước lớn cho người đàn bà Hê-bơ-rơ. Có nghĩa là gia đình đó có được sản nghiệp rất lớn. Theo sự kiện lịch sử có thể họ nói điều nầy để khích lệ Na-ô-mi. Có thể đây là một cách nói phóng đại hay họ nhìn về một khía cạnh tốt nhất trong hoàn cảnh đang tiến triển. Chắc chắn là Na-ô-mi trong hoàn cảnh góa bụa thì Ru-tơ trở nên bằng hay là quí hơn bảy đứa con trai nữa. Nhưng chúng ta hãy nhìn xem ý nghĩa thuộc linh.
Bạn thấy Na-ô-mi là hình ảnh về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Nếu dân Y-sơ-ra-ên có được sản nghiệp theo đúng ý nghĩa thuộc linh. Có thể nào dân tộc đó có được sản nghiệp từ chính con trai của họ không? Nghĩa là từ chính điều họ làm. Xin cho tôi minh họa điều nầy. Chúng ta thấy ngày nay quốc gia Y-sơ-ra-ên đứng trong vòng những quốc gia khác trên thế giới có vẻ như đang có được cơ nghiệp chính trị trở lại. Bề ngoài nó có vẻ như có một tương lai tươi sáng, huy hoàng giữa những dân tộc khác trên thế giới. Vì làm sao có thể được sau hai ngàn năm họ có thể đứng giữa những quốc gia khác trên thế giới?
Nhưng thực tế rằng với tất cả khả năng chính trị, sức mạnh quân sự, tất cả sự thành công khoa học hay bất cứ điều gì khác của họ có thể mang lại sự tồn tại cho dân tộc Y-sơ-ra-ên không? Tất cả những điều nầy có thể mang lại quyền lợi cho dân tộc Y-sơ-ra-ên trong thời hạn lâu dài không? Dĩ nhiên câu trả lời là: không! Không một điều nào ra từ quốc gia Y-sơ-ra-ên thuộc về chính trị nầy có được ý nghĩa đời đời. Chỉ có một con đường cho mọi dân tộc, điều nầy cũng bao gồm dân tộc Y-sơ-ra-ên, có thể có được phước hạnh đời đời đó là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Kinh Thánh tiên đoán rất rõ ràng rằng tất cả những quốc gia, dân tộc thuộc về chính trị sẽ bị hủy diệt. Chúa Cứu Thế sẽ đến lúc ngày cuối cùng. Thực tế khi chúng ta thấy cây vả ra lá, nghĩa là dân Y-sơ-ra-ên một lần nữa tồn tại giữa các dân tộc khác trên thế giới thì chúng ta có cảm giác rằng chúng ta đang ở gần ngày cuối cùng. Khi Chúa Cứu Thế đến, tất cả những quốc gia, dân tộc nào còn tồn tại cho đến ngày ấy, bao gồm dân tộc Y-sơ-ra-ên, sẽ đứng để chịu phán xét. Tất cả những người không được cứu sẽ bị quăng vào địa ngục. Không có sự phước hạnh đời đời nào có thể ra từ một dân tộc từng tồn tại trên thế giới, điều nầy bao gồm dân tộc Y-sơ-ra-ên. Nhưng qua Ðấng Mê-si, qua Chúa Cứu Thế Giê-xu phước hạnh đó có thể đến với bất cứ mọi dân tộc.
Theo ý nghĩa đời đời, bên ngoài Chúa Giê-xu không một quốc gia nào được phước. Cho nên Ðức Chúa Trời phán qua những người bạn của Na-ô-mi rằng, Ru-tơ là dâu của Na-ô-mi là một phước lớn cho bà hơn là bảy đứa con trai. Lẽ thật nầy không thể bị phủ nhận được. Bởi vì Ru-tơ là hình bóng về những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ mọi dân tộc, bao gồm những người ra từ dân Y-sơ-ra-ên, yêu thương dân Y-sơ-ra-ên. Những tín hữu được sanh lại có tình yêu thương đối với dân Y-sơ-ra-ên cũng giống như đối với bất cứ dân tộc khác trên thế giới. Ðó là mạng lệnh mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta. Qua dòng dõi còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển, Ðấng Mê-si, Ðấng Cứu Chuộc đã đến. Ðiều nầy đem đến sự phước hạnh hơn bất cứ điều gì có thể mang đến cho dân Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta nói rằng ngày hôm nay dân Y-sơ-ra-ên nhận được phước hạnh lớn không tưởng tượng được khi họ được khôi phục và trở về đất nước của chính họ vào năm 1948. Nhưng phước hạnh đó không ra gì cả khi so sánh với phước hạnh đến với họ là vì họ cũng được cứu qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ cũng có thể ăn năn tội lỗi và kêu xin với Chúa cho được sự thương xót. Con cháu trong dòng máu của Áp-ra-ham cũng được cứu giống như bao nhiêu người khác như chúng ta đã học thấy trong vài bài học rồi. Ðây là lý do tại sao những người đàn bà nói điều nầy với Na-ô-mi. Họ đang nói ra một lẽ thật rằng qua Ru-tơ, người đàn bà bị rủa sả đại diện cho tất cả các dân tộc tội lỗi trên thế giới đã được che đậy bởi huyết của Chúa Cứu Thế, Ðấng Mê-si là Chúa Giê-xu đã đến để cung cấp sự cứu rỗi cho thế giới và cũng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta đọc tiếp câu 16, "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó." Ðây là một sự thay đổi đầy thích thú trong ngôn ngữ phải không? Ðứa con trai nhỏ nầy là con của Ru-tơ. Nó không phải là con của Na-ô-mi nhưng tất cả đều tập trung nhắm vào Na-ô-mi. Chúng ta đã đi một vòng xa để thấy được tại sao lại như vậy vì điều nầy không dễ dàng nhận ra. Khi chúng ta bắt đầu thấy Na-ô-mi là hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên thì ngôn ngữ nầy bắt đầu vừa vặn, đâu vào đấy. Ở đây chúng ta thấy "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó." Một lần nữa theo sự kiện lịch sử thì dễ hiểu phải không?
Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem rất nghèo túng, góa bụa, cay đắng. Bây giờ một điều huy hoàng nhất đã xảy ra. Dâu của bà, người Mô-áp, lập gia đình với một người trong gia đình khá giả tại Bết-lê-hem và sanh một con trai. Ru-tơ đã vâng theo những lời khuyên của Na-ô-mi và tất cả những điều xảy ra đều đúng như dự đoán. Bây giờ thì Na-ô-mi bồng đứa nhỏ nầy giống như là con của chính bà. Chúng ta có thể thấy được sự vui mừng của bà vì đây là một phước hạnh rất lớn cho bà. Na-ô-mi nhận ra rằng nhờ mối liên hệ hôn nhân nầy mà sản nghiệp có thể đến cho cả gia đình bà. Ðất được chuộc lại, tất cả đều được sửa lại cho đúng dù việc làm sai lầm của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi trước kia đã bỏ Nhà Bánh ra đi. Theo lịch sử thì câu nầy rất dễ hiểu nhưng bây giờ chúng ta hãy xem ý nghĩa thuộc linh.
Na-ô-mi là hình ảnh về dân Y-sơ-ra-ên và đứa trẻ là hình ảnh về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta thấy trong câu 13 rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là dòng dõi của người đàn bà và người đàn bà là "những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" trong thế gian dù họ là người Giu-đa hay dân ngoại. Ru-tơ là hình ảnh về điều nầy và trong câu 13 Ru-tơ là trung tâm điểm được nhắm vào. Nhưng câu 15, 16 và 17 thì điểm tập trung được nhắm vào Na-ô-mi là hình ảnh về dân Y-sơ-ra-ên. Chú ý chỗ nầy: "Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi." Câu nầy song song với câu 16, "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó." Theo bối cảnh lịch sử chúng ta có thể hiểu được dù đây là cháu ngoại của Na-ô-mi nhưng bà xem như là con ruột của chính bà. Ðức Chúa Trời có ý gì về thuộc linh ở đây?
Chúa Cứu Thế Giê-xu ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên bằng một cách rất đặc biệt có một không hai. Vâng, theo Sáng-thế-ký 3:15, Khải-huyền 12:1 và Ru-tơ 4:13 điểm chính nhắm vào việc Chúa Giê-xu ra từ tất cả những tín hữu. Ðiều nầy là thật vì Ma-ri cũng ra từ những tín hữu thật, hơn nữa dòng máu của bà không hẳn chỉ thuộc dân Y-sơ-ra-ên nhưng cũng bao gồm luôn Ru-tơ người Mô-áp, là dân ngoại. Dòng máu của Ma-ri cũng gồm có dòng máu của Ra-háp là một k?#7919;, người đàn bà Ca-na-an. Cho nên Chúa Giê-xu ra từ tất cả mọi dân tộc trên thế gian. Ðó là từ "những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" đến từ tất cả các dân tộc trên thế giới. Riêng ở đây câu 16 và 17, Ðức Chúa Trời đặc biệt nhắm vào dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúa Cứu Thế ra từ dân Y-sơ-ra-ên. Hiển nhiên điều nầy rất đúng với những chỗ dạy khác trong Kinh Thánh.
Chúa Cứu Thế đến từ chi phái Giu-đa. Chúa Giê-xu là con cháu của vua Ða-vít. Sau nầy chúng ta sẽ thấy rằng Ngài cũng là con cháu của Bô-ô, một người thuộc Bết-lê-hem, một thành của người Giu-đa. Cho nên Ðức Chúa Trời đang phán ở đây rằng Ðấng Mê-si đặc biệt sẽ ra từ dân Y-sơ-ra-ên. Ngài không ra từ dân Anh, dân I-rắc, dân Ai-cập, dân Mỹ, dân Liên-xô hay bất cứ dân tộc nào khác thuộc về lãnh thổ chính trị. Ngài ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ðiều nầy được nói đến trong Rô-ma 9:5, "là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Ðấng Christ, là Ðấng trên hết mọi sự, tức là Ðức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men". Ðây là điều chúng ta thấy trong câu 16 và 17.
Dân Y-sơ-ra-ên là dân đã sanh ra Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ðấng Cứu Chuộc. Ðó là lẽ thật vinh hiển được chiếu sáng ở đây. "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó." Câu "để vào lòng mình" có nghĩa bà gần gũi với đứa nhỏ nầy càng gần càng tốt và nuôi nó. Chúng ta đã thấy điều nầy trong ý nghĩa lịch sử. Trước khi Chúa Cứu Thế được sanh ra, Ðức Chúa Trời hứa rằng qua dân Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-xu sẽ ra đời tại Bết-lê-hem. Ngài sẽ đến từ dòng dõi Giu-đa. Ngài sẽ ngồi trên ngôi Ða-vít. Ðức Chúa Trời đã sắp đặt mọi sự để từ dân tộc Y-sơ-ra-ên Ðấng Mê-si sẽ ra đời.
Vì vậy khi Chúa Giê-xu được sanh ra, Ngài được sanh ra từ một gia đình Do-thái, trong một thành của người Do-thái, dưới luật pháp của người Do-thái. Ngài chịu phép cắt bì vào ngày thứ tám. Ngài hoàn toàn gắn liền với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Bức tranh ở đây là Ðấng Mê-si ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Một con trai đã sanh ra cho Na-ô-mi. Thật vậy, trong môi trường của nước Y-sơ-ra-ên Chúa Cứu Thế được nuôi dưỡng. Ngài lớn lên tại Na-xa-rét, một làng của người Giu-đa. Ngài lớn lên trong gia đình của Giô-sép và Ma-ri là một gia đình Giu-đa. Ngài đến đền thờ Giê-ru-sa-lem vào lúc 12 tuổi và được nuôi dưỡng theo như luật pháp của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Tôi tin rằng đây là điều Ðức Chúa Trời muốn nói khi Kinh Thánh chép: "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó."
Trên phương diện quốc gia những người lãnh tụ muốn giết Ðấng Mê-si. Lúc Chúa Giê-xu mới được sanh ra vua Hê-rốt đã giết những đứa con trai tại Bết-lê-hem vì ông có ý định muốn giết vị vua mới sanh ra. Sau đó những thầy tế lễ cả muốn trừ diệt Chúa Giê-xu, muốn Ngài phải chết và cuối cùng Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá theo điều họ muốn. Họ không muốn có Ngài trên phương diện một dân tộc, nhưng dầu thế nào đi nữa một cách vô tình dân tộc đó cho ra đời Ðấng Mê-si, nuôi dưỡng Ngài lớn lên. Trong dân tộc đó có những người như Giô-sép, Ma-ri, Si-mê-ôn, An-ne là những người quan tâm đến Ðấng Mê-si, đã nuôi dưỡng Ngài lớn lên, chịu báp têm tại sông Giô-đanh bởi Giăng Báp-tít và bắt đầu công việc của Ðấng Mê-si.
Trong một ý nghĩa đặc biệt, Chúa Cứu Thế được sanh ra từ dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, "Na-ô-mi bồng đứa trẻ, để vào lòng mình, và nuôi nó." Bạn thấy đó, Ðức Chúa Trời một lần nữa đã minh họa kế hoạch cứu rỗi tuyệt vời của Ngài rằng từ trong dân Y-sơ-ra-ên, Ðấng Mê-si sẽ ra đời. Chúa Giê-xu đã thật sự ra đời. Ngài là người Giu-đa, cho nên tôi tin rằng đây là lý do Rô-ma 2 chép mỗi tín hữu là người Giu-đa vì Chúa Giê-xu là Chúa của chúng ta. Ngài là vua dân Giu-đa như cái bảng đóng trên thập tự giá của Ngài đã đề. Ngài là người Giu-đa cho nên những người tin nhận Ngài trở thành người Giu-đa theo ý nghĩa thuộc linh.
Bây giờ chúng ta đến phần cuối của bài học và vẫn còn phải xem xét câu 17, "Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi." có nghĩa gì. Rồi chúng ta sẽ xem sơ qua gia phổ bắt đầu từ Pha-rết để phân tích xem tại sao lại bắt đầu từ Pha-rết. Chúng ta sẽ xem điều nầy trong bài học tới.
"Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Ðức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều là từ Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men." Rô-ma 11:33-36
 
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 49 (Ru-tơ 4:18-21)
Chúng ta đang học đến những câu kết luận của sách Ru-tơ. Ở đây chúng ta đọc gia phổ bắt đầu từ Pha-rết đến Ða-vít. "Nầy là dòng dõi của Pha-rết: Pha-rết sanh Hết-rôn. Hết-rôn sanh Ram; Ram sanh A-mi-na-đáp; A-mi-na-đáp sanh Na-ha-sôn; Na-ha-sôn sanh Sanh-môn; Sanh-môn sanh Bô-ô; Bô-ô sanh Ô-bết; Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Ða-vít." (Ru-tơ 4:18-22) Chúng ta tự hỏi không biết tại sao Ðức Chúa Trời đặt những câu trên trong một chỗ đặc biệt nầy.
Theo một ý nghĩa thì không thích hợp vì nếu muốn xem về gia phổ thường thường chúng ta xem trong sách 1Sử-ký hay xem trong Ma-thi-ơ 1 bắt đầu cho Tân-ước là gia phổ của Giô-sép, hoặc chúng ta sẽ xem trong Lu-ca chép về gia phổ của Ma-ri. Tại sao Ngài lại đặt điều nầy trong sách Ru-tơ? Và tại sao Ngài lại bắt đầu từ Pha-rết? Tại sao không bắt đầu từ Áp-ra-ham, một người chắc chắn là xứng đáng hơn Pha-rết nhiều? Dĩ nhiên tôi không biết chắc tại sao Ðức Chúa Trời chọn những tên đặc biệt nầy và tại sao Ngài lại bắt đầu từ Pha-rết thay vì Áp-ra-ham. Nhưng tôi biết một điều: những câu nầy chính xác là những điều mà Ðức Chúa Trời chép trong sách Ru-tơ.
Trước hết chúng ta có một câu trả lời dễ nhất và nhanh nhất đó là Kinh Thánh có đầy đủ những dữ kiện liên quan đến dòng dõi từ Áp-ra-ham đến Pha-rết. Có nhiều chương dành để chép về đời sống của Áp-ra-ham và con của ông là Y-sác. Rồi đến lượt Gia-cốp, Giu-đa. Trong Sáng-thế-ký 38 có nhiều chi tiết cho chúng ta biết về sự sanh ra của Pha-rết. Nhưng khi tra xem Kinh Thánh chúng ta không tìm thấy thêm điều gì dính dáng đến dòng dõi của Pha-rết cho đến khi chép về Ða-vít. Kinh Thánh có nhiều điều chép về Ða-vít. Chúng ta có thể kết luận rằng từ Áp-ra-ham cho đến Ða-vít là một dòng dõi thẳng trực tiếp cho nên không cần phải nói thêm về Y-sác, Gia-cốp hay Giu-đa.
Rất là đầy đủ để bắt đầu từ Pha-rết, có thể đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai đó là Ðức Chúa Trời chỉ tỏ tính chất trọn vẹn trong kế hoạch của Ngài. Có mười cái tên ở đây: Pha-rết, Hết-rôn, Ram, A-mi-na-đáp, Na-ha-sôn, Sanh-môn, Bô-ô, Ô-bết, Y-sai, Ða-vít. Số mười trong Kinh Thánh biểu hiện tính chất trọn vẹn của kế hoạch Ðức Chúa Trời. Khi Ðức Chúa Trời kể ra mười cái tên nầy đặc biệt Ngài chỉ đến một thực tế rằng lời Ngài sẽ được làm trọn. Bởi vì Ða-vít là một vua lớn cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên và là một kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kinh Thánh chép "Chúa Cứu Thế ngồi trên ngôi Ða-vít" vì vậy có một mối liên hệ mật thiết giữa Ða-vít và Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ðức Chúa Trời đã lập lời hứa với Ða-vít trong 2 Sa-mu-ên 7:12,13 "Khi các ngày ngươi đã mãn, và ngươi ngủ với các tổ phụ ngươi, thì ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi, là dòng giống do ngươi sanh ra, và ta sẽ khiến cho nước nó bền vững. Nó sẽ xây một đền thờ cho danh ta, và ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó bền đổ đời đời." Dĩ nhiên dòng giống của Ða-vít là Chúa Cứu Thế Giê-xu, ngôi Ngài sẽ bền đổ đời đời. Không một con trai nào của Ða-vít ngồi trên ngôi đời đời. Dòng dõi của họ bị trừ bỏ, nhưng dòng giống của Ða-vít là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến thế gian, chịu chết và sống lại ngồi trên ngôi, là Chúa các chúa, Vua các vua như chúng ta đọc trong Ê-phê-sô 1:20-21 "... mà Ngài đã tỏ ra trong Ðấng Christ, khi khiến Ðấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa."
Nói cách khác, vương quốc của Ngài tồn tại đời đời. Ðiều đó chắc chắn kéo sự chú ý của chúng ta đến Ða-vít là một hình bóng quan trọng trong gia phổ được chép ở đây trong Ru-tơ chương 4. Lẽ dĩ nhiên số mười cũng rất hấp dẫn. Khi chúng ta xem xét tầm mở rộng của thời gian ra tỏ ra ở đây thì thấy có lẽ gia phổ nầy không được đầy đủ. Khi Kinh Thánh dùng chữ sanh như được dùng ở đây không nhất thiết người được sanh ra là con trực tiếp của người sanh. Có thể là cháu nội hoặc cháu cố. Chúng ta tìm thấy điều nầy trong Ma-thi-ơ 1 là một kiểu mẫu đầy ý nghĩa.
Ðức Chúa Trời chép về gia phổ của Giô-sép, chỗ đó cũng chép về Pha-rết cùng một tên mà chúng ta tìm thấy trong sách Ru-tơ. Gia-phổ nầy bắt đầu từ Áp-ra-ham cho đến Giô-sép nhưng khi phân tích gia phổ nầy trở xuống theo Ma-thi-ơ 1 dựa vào những chỗ còn lại khác trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy trong câu 8 của Ma-thi-ơ 1, "A-sa sanh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sanh Giô-ram; Giô-ram sanh Ô-xia". Dựa vào ngôn ngữ trong Cựu-ước chúng ta tìm thấy có ba vị vua trong dòng dõi của gia phổ nầy không được kể ra. Thật ra khoảng giữa Giô-ram và Ô-xia có A-cha-xia, Giô-ách và A-ma-xia. Bạn có thể kiểm lại điều nầy trong Cựu-ước. Thật ra Ô-xia là cháu sơ (chít) của của Giô-ram. Cho nên khi Ðức Chúa Trời phán Giô-ram sanh Ô-xia không nhất thiết có nghĩa Ô-xia là con trai của Giô-ram. Theo Kinh Thánh chúng ta biết ông là chít của Giô-ram.
Cũng vậy, ở đây chép: "Hết-rôn sanh Ram; Ram sanh A-mi-na-đáp..." không nhất thiết cho chúng ta phải tin rằng những người được sanh ra là con trai của người sanh. Họ có thể là cháu nội hoặc cháu cố. Bởi vì chúng ta biết Pha-rết được sanh ra vào khoảng gần 1900 năm trước Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an vào năm 1877 T.C. Theo những gì chúng ta tìm thấy được trong Kinh Thánh thì Pha-rết được sanh ra trước đó không lâu, khoảng năm 1890 T.C. Chúng ta cũng được biết Ða-vít được sanh ra vào khoảng năm 1007 T.C. tức là khoảng 900 năm sau. Ngay tức thì chúng ta có cảm giác rằng có một số tên bị bỏ ra ở đây.
Ðức Chúa Trời đã chọn ra mười cái tên để nhấn mạnh đến số mười là sự hoàn tất trong kế hoạch của Ngài theo lẽ thật mà Ngài ban cho ở đây trong sách Ru-tơ. Ða-vít đã đến để ngồi trên ngôi. Ông làm kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế chỉ về Chúa Giê-
xu là Ðấng chăn chiên lớn, là vua. Ða-vít là người chăn chiên và cũng là vua. Chúng ta cũng chú ý Pha-rết là một nhân vật nổi bật khi chúng ta học bài học Ru-tơ nầy. Pha-rết được sanh ra qua mối liên hệ giữa Giu-đa và Ta-ma. Con trai lớn của Giu-đa là U-rơ cưới Ta-ma và chết không con, rồi Ô-nan từ chối không chịu cưới Ta-ma vì vậy cũng qua đời. Giu-đa từ chối không chịu đưa đứa con thứ ba của mình cho Ta-ma vì vậy Giu-đa cung cấp dòng dõi cho Ta-ma khi nàng giả vờ làm một k?925; nữ.
Ông đến với nàng bằng một hành động tội lỗi nhưng qua đó cung cấp dòng dõi cho nàng cho nên ông giống như người chuộc cho nàng. Chúng ta cũng nhớ cái tên Pha-rết có nghĩa là xông đến. Dòng dõi của Y-sơ-ra-ên cho đến Pha-rết thì trong sạch. Bắt đầu từ Áp-ra-ham, Y-sác được sanh ra trong mối liên hệ hợp pháp, rồi Gia-cốp được sanh ra cũng vậy. Giu-đa được sanh ra bởi Lê-a là vợ đầu tiên của Gia-cốp cũng ngay thẳng, đáng kính trọng, dựa vào Kinh Thánh chúng ta biết được như vậy. Nhưng Pha-rết được sanh ra cho Giu-đa trên một nền tảng tội lỗi, trong một tội loạn luân. Có một hành động sai lầm ở tại đây.
Ðức Chúa Trời chỉ tỏ rằng trong dòng dõi của Chúa Cứu Thế Giê-xu có những người tội lỗi là một phần trong dòng dõi đó. Tiếp tục theo dõi dòng dõi nầy chúng ta sẽ đến Sanh-môn. Sanh-môn có vẻ như là cha của Bô-ô nhưng theo ngôn ngữ chúng ta tìm thấy trong Ma-thi-ơ có thể ông không phải là cha nhưng là ông nội hoặc ông cố của Bô-ô. Ma-thi-ơ 1:5 chép Sanh-môn cưới Ra-háp. Chúng ta không biết Ra-háp là ai nhưng khi xem xét gia phổ trong Ma-thi-ơ 1 chúng ta nghi ngờ một cách mạnh dạn rằng Ra-háp nầy là một k?925; nữ.
Ra-háp là người đàn bà Ca-na-an đã cứu mạng sống của hai người thám tử vào lúc dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị vào xứ Ca-na-an. Tại sao chúng ta nói đến điều nầy? Bạn chú ý trong Ma-thi-ơ 1, Ðức Chúa Trời chỉ ra những chỗ thuộc dòng dõi của Chúa Cứu Thế không thể được kính trọng cách đặc biệt. Pha-rết được chỉ ra và tên Ta-ma cũng được nhắc đến trong câu 3. Rất rõ ràng Pha-rết là đứa con được sanh ra trong mối liên hệ loạn luân giữa Giu-đa và Ta-ma. Rồi chỗ nầy chép tiếp Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết, dĩ nhiên Ru-tơ là người đàn bà Mô-áp bị rủa sả, và Ða-vít sanh Sa-lô-môn bởi vợ của U-ri. Vợ của U-ri là Bát-sê-ba, Ða-vít đã giết U-ri và phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba. Kết quả của mối liên hệ hôn nhân đó dòng dõi của Ða-vít tiếp tục cho đến Chúa Giê-xu.
Ðức Chúa Trời đã chọn những việc làm sai lầm, những việc khủng khiếp trong dòng dõi mà Chúa Giê-xu ra đời. Ra-háp người k?#7919; rất hợp với loại hạng như vậy. Bà cũng giống như Ru-tơ người Mô-áp vì đàn bà Ca-na-an cũng bị rủa sả bởi Ðức Chúa Trời như đàn bà Mô-áp. Có ba chỗ khác chép về Ra-háp bên cạnh câu chuyện chép về nàng trong Các-quan-xét 2. Bất cứ khi nào bạn đọc về Ra-háp trong Kinh Thánh thì luôn luôn có mối quan hệ đến trình trạng tội lỗi, đồng nhất với vương quốc của Sa-tan. Thi-thiên 87:4 nói đến Ra-háp và Ba-by-lôn, Thi-thiên 89:10 nói về Ra-háp kẻ thù bị chà nát, Ê-sai 51:9 nói về Ra-háp là hình bóng về con rồng.
Bạn thấy Sanh-môn được nói đến ở đây bởi vì ông là chồng của Ra-háp. Không nghi ngờ chi nữa Ra-háp nầy là k?925; nữ người Ca-na-an đã bước vào dòng máu của Ða-vít. Bởi vì Ra-háp sống khoảng 300 trước Bô-ô. Vì dân Y-sơ-ra-ên bước vào xứ Ca-na-an khoảng năm 1407 T.C., Bô-ô sống khoảng năm 1100 T.C. cho nên chúng ta biết Sanh-môn là tổ tiên của Bô-ô chớ không phải là cha. Dầu sao đi nữa chúng ta thấy tên của ông được kể ra ở đây. Chúng ta có gì ở đây trong cái gia phổ bắt đầu từ Pha-rết? Ðức Chúa Trời phán: Bắt đầu từ Pha-rết có những loại người tạo nên một dòng dõi mà Ðấng Mê-si sẽ ra đời.
Bạn có nhớ trong phần đầu của Ru-tơ chương 4 chúng ta đã thấy Ðức Chúa Trời đặc biệt nhấn mạnh đến hai khía cạnh của tính chất căn bản mà Chúa Cứu Thế sẽ ra từ đó. Một mặt Ngài chú trọng đến Na-ô-mi là hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên. Chúa Giê-xu ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Trong gia phổ nầy chúng ta có gia phổ của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Vì vậy Ðức Chúa Trời chỉ tỏ rằng Ðấng Mê-si ra từ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Mặt khác Ngài chú trọng đến dòng dõi của người đàn bà như trong Sáng-thế-ký 3:15. Người đàn bà là thù nghịch với Sa-tan. Chúng ta đã thấy điều nầy được ứng nghiệm nơi Ru-tơ, người đàn bà Mô-áp, là hình bóng về những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển ra từ mọi dân tộc bao gồm dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Nói cách khác Ðấng Mê-si là sản phẩm ra từ những người tín hữu được sanh lại. Chúng ta thấy trong gia phổ nầy cũng gồm có những người không phải là con cháu trong dòng máu của Áp-ra-ham. Có Ra-háp người Ca-na-an là k?#7919;, có Ru-tơ người Mô-áp. Hơn nữa, trong gia phổ nầy không phải tất cả đều là thánh khiết hay kính sợ Ðức Chúa Trời. Có tội lỗi, có mọi khuynh hướng tội lỗi ra từ thế gian như tội loạn luân của Ta-ma. Bởi vì Ða-vít cũng được kể tên ra ám chỉ cho chúng ta xem thấy Bát-sê-ba phạm tội tà dâm khi lập gia đình với Ða-vít. Ðây là loại dòng dõi mà Chúa Giê-xu ra đời. Ngài ra từ một dòng dõi của những tội nhân được cứu bởi ân điển. Trong Gia-cơ chương 2 chép Ra-háp được xưng công bình, nàng cũng được cứu. Chúng ta biết từ sách Ru-tơ, Ru-tơ cũng được cứu bất chấp tình trạng bị rủa sả của nàng. Nhìn xem những người ra từ dòng máu của Bát-sê-ba như Sa-lô-môn, Na-than chúng ta cũng có thể biết được bà là người đàn bà được cứu. Họ là những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển nhưng họ bắt đầu là những tội nhân.
Vì vậy trong gia phổ mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta ở đây Ngài chỉ tỏ mấy điều: Thứ nhất, Bô-ô là tổ tiên của Chúa Giê-xu như chúng ta đã thấy ông là hình bóng về Chúa Cứu Thế, là người chuộc. Thứ nhì, con của Bô-ô và Ru-tơ là Ô-bết được gọi là người chuộc cũng ở trong dòng máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thứ ba chúng ta thấy số mười mô tả đặc biệt một cách rất đẹp trong tính chất trọn vẹn của kế hoạch Ðức Chúa Trời ban cho một Cứu Chúa. Thứ tư, chúng ta thấy từ dân Y-sơ-ra-ên Cứu Chúa đã đến. Thứ năm, chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên bị nhiễm bởi dòng máu của người thế gian bị rủa sả.
Từ dòng dõi nầy Chúa Cứu Thế Giê-xu ra đời. Ngài ra từ những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển bao gồm tất cả những người trên thế gian bất chấp là con cháu thuộc dòng máu nào. Chúng ta đã đến phần cuối của sách Ru-tơ, còn một bài học nữa. Ðể xem chúng ta có thể tóm tắt lại tất cả những gì Ðức Chúa Trời dạy chúng ta trong sách nầy không trong bài học tới. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.
"Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." Phi-líp 2:7-8
 
 
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 50 (Tóm Tắt và Kết Luận)
Chúng ta bắt đầu học sách Ru-tơ cách nay cũng khá lâu. Khi mới bắt đầu học tôi nghĩ sẽ có được mười lăm bài là nhiều và có lẽ chỉ một vài lẽ thật thuộc linh được rút ra từ sách nầy thôi. Nhưng khi học thì chúng ta khám phá ra rằng có nhiều bài học thuộc linh thật quí báu liên quan đến Tin Lành.
Chúng ta đã khám phá ra đây là một ẩn dụ lịch sử. Một câu chuyện thật đã xảy ra trong lịch sử cách nay khoảng 1300 năm. Ðức Chúa Trời chọn từ những câu nói, những kinh nghiệm theo ý của Ngài để ghi lại trong 85 câu của sách Ru-tơ, nhờ vậy chúng ta có được những ý nghĩa thuộc linh sâu sắc tuyệt vời. Tôi tin rằng sách Ru-tơ là một minh họa cho biết chúng ta phải đến với Kinh Thánh bằng cách nào. Chúng ta phải tra xét để tìm kiếm những lẽ thật thuộc linh sâu hơn trong tất cả những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được cách dễ dàng, đôi khi chúng ta không tìm được gì cả. Nhưng chắc chắn rằng nếu chúng ta kiên nhẫn, chịu khó thì sẽ thấy rằng mỗi câu trong Kinh Thánh đều có một lẽ thật thuộc linh tuyệt vời.
Trong những bài học đầu chúng ta tìm thấy rằng Ru-tơ là hình bóng về những người nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nàng là kiểu mẫu của những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Cũng không khó lắm cho chúng ta khám phá ra chữ bà con trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng được dịch là người chuộc. Chúng ta cũng nhanh chóng nhận thấy rằng Bết-lê-hem có nghĩa là Nhà Bánh làm hình bóng về sự cứu rỗi, về sự bảo đảm chúng ta có trong Chúa Cứu Thế. Bây giờ chúng ta sẽ lướt qua sách nầy lại một lần nữa. Trong chương một, có một cơn đói xảy ra tại Bết-lê-hem. Ê-li-mê-léc và gia đình ông bao gồm Na-ô-mi, Mạc-lôn và Ki-li-ôn đi đến xứ Mô-áp và ở tại đó mười năm để tránh nạn đói. Trong khi họ ở đó, Mạc-lôn và Ki-li-ôn chết, Ê-li-mê-léc cũng chết. Na-ô-mi còn lại một mình góa bụa. Rồi bà quyết định trở về Bết-lê-hem. Hai con dâu của bà là Ru-tơ và Ọt-ba đầu tiên muốn đi với bà nhưng Ọt-ba quay trở lại. Chỉ một mình Ru-tơ đi với Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem. Bà trở về Bết-lê-hem hoàn toàn nghèo túng, không gia đình trừ ra đứa con dâu người Mô-áp bị rủa sả.
Na-ô-mi là hình ảnh về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên được bắt đầu bằng những lời hứa tốt đẹp. Họ ở tại Nhà Bánh nhưng vì cớ tội lỗi của họ, có một cơn đói kém, đói kém về thuộc linh xảy ra trong xứ. Dân Y-sơ-ra-ên thật sự rời bỏ Ðức Chúa Trời. Họ trở nên giống như góa bụa, nghèo túng về thuộc linh. Họ là vợ của Ðức Chúa Trời nhưng bị Ngài trừ bỏ vì cớ tội lỗi của họ. Một cách chính xác, họ giống như hoàn cảnh mà Na-ô-mi đã trở nên. Bà trở nên góa bụa không có một loại sản nghiệp gì. Nhưng qua Na-ô-mi, Tin Lành được mang đến cho Ru-tơ và Ọt-ba. Ru-tơ và Ọt-ba là hình bóng về người thế gian. Ọt-ba sau cùng quyết định không trở về Bết-lê-hem mà ở lại Mô-áp là hình ảnh của những người nghe Tin Lành nhưng từ chối không muốn. Mặt khác, Ru-tơ là hình ảnh của tất cả những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta có một câu rất đẹp trong Ru-tơ 1:16 khi Ru-tơ, là người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển muốn nhận diện mình giống như dân Y-sơ-ra-ên, "Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Ðức Chúa Trời của mẹ, tức là Ðức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó." Ðó là sự đầu phục đến với chúng ta khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu. Toàn bộ con người chúng ta gắn bó với Ðức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, với những lời hứa của Ngài. Chúng ta chia xẻ số phận mình với dân Y-sơ-ra-ên bởi vì họ là những người đầu tiên được Ðức Chúa Trời dùng để đem Tin Lành ra.
Rồi họ về đến Bết-lê-hem, Na-ô-mi nói: "Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Ðấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm." Ma-ra hay Ma-ri có nghĩa là cay đắng. Ðó là cảnh ngộ của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Trên phương diện dân tộc họ bị trừ bỏ vì họ đã quay khỏi Ðức Chúa Trời. Họ phạm tội và góa bụa, Ðức Chúa Trời giống không còn đối với họ. Nhưng khi Na-ô-mi trở về, qua Ru-tơ bà có được sản nghiệp, qua "kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" sản nghiệp cũng có được cho Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta tiếp tục sang chương hai và thấy Na-ô-mi có một người bà con, Bô-ô, là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông là một người giàu và có quyền thế, thuộc trong chi phái của dân Y-sơ-ra-ên. Na-ô-mi và Ru-tơ về đến Bết-lê-hem khi bắt đầu mùa gặt cho nên Na-ô-mi sai Ru-tơ đi mót lúa trong ruộng. Bà mong muốn là nàng sẽ tìm được ân sủng. Ðây là hình ảnh về dân Y-sơ-ra-ên trên phương diện dân tộc và trên cương vị của các sứ đồ vì họ là người trông giữ Tin Lành, một cách không chủ tâm họ mong muốn rằng thế gian sẽ tìm được sự cứu rỗi. Ðể tìm được sự cứu rỗi chúng ta phải đi theo những con gặt là hình ảnh của những người đã được cứu. Ðiều nầy dính liền với lời Chúa Giê-xu phán trong Tân ước, "Ngài phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình." (Lu-ca 10:2). Con gặt là những tín hữu được sanh lại, là những người quan tâm đến việc đem Tin Lành ra cho thế giới.
Ru-tơ bắt đầu mót lúa trong ruộng của Bô-ô. Nàng được Bô-ô đối xử rất tử tế. Ông nói chuyện với nàng, mời nàng uống nước. Ông khích lệ nàng rằng, nếu nàng tiếp tục trong sự trung tín của nàng thì nàng sẽ được phước. Vào bữa ăn trưa, ông ngồi với nàng và đưa cho nàng hột mạch rang và nhúng miếng nàng trong giấm. Ðồng thời, ông cũng sắp đặt để nàng có thể mót được nhiều lúa trong ngày đó. Ðây là hình ảnh của một người chưa được cứu đến với Nhà Bánh, là Bết-lê-hem, đến trước sự hiện diện của Tin Lành. Nước được nói đến trong chương nầy là hình ảnh của nước Tin Lành mà người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4 được bảo, rằng nếu chúng ta uống nước đó thì sẽ không bao giờ bị khát nữa. Ru-tơ ăn hột mạch rang là hình ảnh nàng được nhận diện với sự đổ huyết của Chúa Giê-xu được làm tiêu biểu trong lễ Vượt qua. Việc nhúng miếng trong giấm thì chúng ta đã thấy, Ru-tơ dự phần trong sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế. Vì vậy nàng không còn bị trách móc. Bô-ô nói "chớ làm xấu hổ nàng" c. 15, "chớ trách móc nàng" c.16. Nàng đã đến ở dưới sự chăm sóc của Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nàng không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Nàng không còn bị trách móc hay bị làm xấu hổ nữa. Nói cách khác nàng là hình ảnh về những người đã được cứu. Khi nàng xong một ngày làm việc, đập lúa mình đã mót và mang về cùng với phần ăn trưa còn dư cho mẹ chồng nàng là Na-ô-mi, Ru-tơ trở nên hình ảnh của người được cứu. Nàng bây giờ cũng làm việc trong đồng ruộng như con gặt. Nàng cũng dự phần trong đồ ăn và nước uống thuộc linh là Tin Lành. Bây giờ nàng trở về cùng Na-ô-mi với những gì nàng mót được. Nàng giống như người mang đến Tin Lành. Những dân tộc khác trên thế giới tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là những người ban đầu tiếp nhận Tin Lành từ dân Y-sơ-ra-ên, và bây giờ họ mang Tin Lành nầy trở lại cho dân Y-sơ-ra-ên. Ðây là kế hoạch của Ðức Chúa Trời cho nên dân ngoại trở thành chứng nhân về Tin Lành cho dân Y-sơ-ra-ên trải qua nhiều thế hệ và tiếp tục cho đến ngày nay.
Khi học sách Ru-tơ chúng ta biết được sách nầy đồng nhất một cách chính xác với tất cả những điều dạy khác trong Kinh Thánh. Khi nàng trở về cùng Na-ô-mi, nàng kể cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra. Na-ô-mi bảo nàng tiếp tục mót trong ruộng nầy, Bô-ô cũng bảo nàng như vậy. Ðiều nầy ngụ ý rằng Tin Lành đã đến với Ru-tơ nên cần tiếp tục ở lại trong vương quốc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong chương ba chúng ta thấy một kế hoạch rất thú vị. Na-ô-mi bày cho Ru-tơ đến với Bô-ô để xin ông cưới nàng. Nàng đến sân đạp lúa xem chỗ Bô-ô nằm đợi lúc ông ngủ, vào lúc nửa đêm thì vào giở mền và nằm dưới chân ông. Khi Bô-ô phát giác ra nàng thì nàng sẽ xin ông làm người chuộc cho nàng. Nàng làm điều nầy một cách hợp pháp vì Bô-ô là người bà con và ông có thể cung cấp sản nghiệp cho Na-ô-mi và Ru-tơ. Trong điều nầy chúng ta thấy được dân Y-sơ-ra-ên, được Na-ô-mi làm đại diện, có một kế hoạch để chúng ta có thể được cứu. Ðức Chúa Trời ban Kinh Thánh cho chúng ta qua dân Y-sơ-ra-ên, trong đó Ngài cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta được cứu. Ru-tơ thực hiện một cách chính xác những gì Na-ô-mi bảo nàng làm. Ðó là hình ảnh của những người tín hữu được sanh lại. Họ sẽ rất trung tín vâng theo những Kinh Thánh tuyên bố. Chúng ta cũng đã thấy trong hành động nằm dưới chân của Bô-ô. Ông là hình ảnh về Ðấng Mê-si lên thập tự giá khi nằm xuống, hình ảnh về Chúa Giê-xu chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Giở mền dưới chân ông ra là hình ảnh của sự phơi bày sự lỏa lồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta. Ru-tơ nằm dưới chân ông bày tỏ hình ảnh của chúng ta, những tín hữu được sanh lại, được nhận diện trong kinh nghiệm thập tự giá của Ngài. Chúng ta cũng nằm xuống với Ngài. Qua việc nầy Bô-ô thề với Ru-tơ rằng ông sẽ làm người chuộc sản nghiệp cho nàng. Chúa Cứu Thế hứa rằng Ngài sẽ là người chuộc chúng ta. Phần kết luận của chương ba nói đến việc Bô-ô cho nàng sáu đấu lúa mạch để đem về cho bà gia của nàng. Ðây là hình ảnh về chúng ta khi được cứu bước vào sự yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, biểu hiện trong sáu ngày làm việc dựng nên vũ trụ của Ngài rồi kế đến là ngày nghỉ.
Trong chương bốn chúng ta thấy sự giáp mặt của Bô-ô với người bà con khác gần hơn Bô-ô. Trước khi Bô-ô có thể cung cấp sản nghiệp cho Ru-tơ, cơ hội ưu tiên được dành cho người bà con khác. Chúng ta cũng thấy người bà con kia được minh họa trong sách Ru-tơ là đại diện cho toàn thể nhân loại. Chúng ta gần với nhau hơn là Chúa Giê-xu gần với chúng ta. Ðể làm người chuộc chúng ta, Chúa Giê-xu phải trở nên giống như chúng ta. Ngài phải mang lấy thân xác con người còn chúng ta thì đã mang thân xác con người. Chúng ta được ra lệnh rằng phải yêu thương lẫn nhau, phải phó mạng sống mình cho nhau, phải yêu kẻ thù nghịch mình. Chúng ta được ra lệnh phải tìm cách chuộc lại những người xung quanh mình, nhưng với bản chất tự nhiên con người chúng ta không muốn làm điều nầy, không muốn làm cho sản nghiệp mình bị hủy hoại. Nghĩa là chúng ta không muốn từ bỏ sự ích kỷ riêng của mình. Chúng ta muốn cái gì mình có, muốn làm điều gì mình muốn làm. Giống như người bà con kia từ chối làm người chuộc cho Ru-tơ để cung cấp sản nghiệp cho nàng, chúng ta cũng không muốn cung cấp sản nghiệp cho nhau. Chúng ta đã thấy vì cớ việc nầy nên người bà con kia bị rủa sả. Giày bị lột ra chỉ tỏ rằng ông cũng ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, bị Ngài rủa sả vì không chịu vâng theo điều răn làm người chuộc.
Cũng vậy, con người chúng ta ở dưới sự rủa sả của Ðức Chúa Trời, bị Ngài lên án vì cớ chúng ta từ chối làm người chuộc cho đồng loại mình. Rồi chúng ta thấy một bức tranh rất đẹp, Bô-ô là người bà con, người chuộc, cưới Ru-tơ, người đàn bà bị rủa sả, làm vợ mình. Thật lạ lùng làm sao! chúng ta là những người bị rủa sả bởi Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi mình nhưng có một người chuộc cho chúng ta. Chúng ta được Ngài cưới hầu cho có được sản nghiệp. Dĩ nhiên, sản nghiệp là sự sống đời đời và tất cả những điều cặp theo. Chúng ta thấy tình yêu thương của Ðức Chúa Trời cho chúng ta được mô tả rất đẹp ở đây. Rồi chúng ta thấy trong phần sau của chương nầy điểm trọng tâm được đổi sang Na-ô-mi. Na-ô-mi bây giờ có được sản nghiệp, được xem giống như mẹ của đứa trẻ nầy. Rồi đến lượt đứa trẻ nầy được xem như người chuộc. Chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu được nhìn thấy ở đây khi nói về Ô-bết là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Ô-bết có nghĩa là đầy tớ. Chúa Cứu Thế là người đầy tớ chịu khổ. Từ mối liên hệ hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ Chúa Cứu Thế đã đến. Khúc Kinh Thánh nầy được kết thúc bằng một gia phổ bắt đầu từ Pha-rết, Bô-ô rồi cuối cùng đến Ða-vít.
Khi làm tóm tắt nầy tôi bị hấp dẫn muốn quay trở lại sách Ru-tơ ở những phân đoạn mà chúng ta đã xem qua để đào sâu hơn nhưng chúng ta không nên làm vậy mà phải tiếp tục học sách khác nữa. Tôi muốn cám ơn bạn đã rất kiên nhẫn với tôi để học xuyên qua loạt bài học nầy. Tôi biết có lúc chúng ta không biết rõ ràng tất cả những điều mà Ðức Chúa Trời muốn dạy vì sự hạn chế trong con người xác thịt của tôi. Nhưng tôi hi vọng rằng khi học qua sách nầy với nhau chúng ta có một cảm kích mới về sự giàu có trong Lời của Ðức Chúa Trời. Về tình yêu của Ngài không thể tưởng được, về ân điển lạ lùng mà Ngài ban cho chúng ta.
Bạn có thể biết được rằng dù chúng ta ở trong tội lỗi lâu cỡ nào. Dù chúng ta sống phản nghịch Ðức Chúa Trời bao lâu hay là tội lỗi của chúng ta có sâu và khủng khiếp chừng nào. Nếu chúng ta trở lại với Ngài cách khiêm nhường như Na-ô-mi và Ru-tơ thì sự cứu rỗi sẽ có. Thật tuyệt vời làm sao một Ðức Chúa Trời nhơn từ mà chúng ta có được! Ôi ước mong sao cả bạn nữa, bạn cũng biết chắc chắn rằng bạn được cứu, biết chắc chắn rằng Chúa Cứu Thế là Chúa và Cứu Chúa của bạn. Nếu có một người đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu và người đó là bạn bởi vì bạn nhận ra rằng bạn giống Ru-tơ, giống Na-ô-mi, bạn phải trở về Nhà Bánh thì cũng làm cho sự học bài nầy trở nên đáng giá. Chúa Cứu Thế Giê-xu, Nhà Bánh, là sự cứu rỗi lạ lùng mà Ðức Chúa Trời đã ban cho. Cám ơn bạn rất nhiều đã cho tôi vinh dự được học với bạn bài học trong sách Ru-tơ nầy. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

1 nhận xét:

  1. Là người theo đạo hay không đều cần cái đức, tâm tốt và sống chân tình với mọi người

    Trả lờiXóa