Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

LÀM PHIM TRUYỆN LỊCH SỬ - CỔ TRANG, DỄ HAY KHÓ?

LÀM PHIM TRUYỆN LỊCH SỬ - CỔ TRANG, DỄ HAY KHÓ? 
Các chuyên gia điện ảnh Trung Quốc: đạo diễn Viên Thế Kỷ (người đã hợp tác với Việt Nam thực hiện bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông) cùng nhà biên kịch Lâm Tây Bình, đạo diễn Trịnh Hoa (Điện ảnh Quảng Châu) đã đến Hà Nội và TP.HCM cùng trao đổi với nhiều nhà làm phim Việt Nam về nghiệp vụ và kinh nghiệm làm phim truyện lịch sử - cổ trang.

Làm thế nào để tạo ra cảm xúc lịch sử trong các bộ phim về đề tài lịch sử - cổ trang?

Theo đạo diễn Viên Thế Kỷ, mỗi khi xem phim lịch sử, cổ trang trên màn ảnh, người ta thường để ý trước tiên đến tạo hình thiết kế mỹ thuật. Thật thế, việc chọn và dàn dựng tái tạo bối cảnh, thiết kế phục trang, hóa trang cho các nhân vật, đạo cụ trang trí và diễn xuất… là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, việc tạo được không khí lịch sử thông qua bộ phim lại quan trọng hơn.
Kinh nghiệm cho thấy, người làm phim cần nắm vững hai nội dung chủ yếu khi sản xuất phim là xây dựng (gồm tổ chức, lên kế hoạch, thiết kế, dàn dựng) và sáng tạo (gồm tái tạo, chế tạo, đào tạo). Trong thời hiện đại, ta không thể trở về quá khứ hoặc lặp lại nó bằng cách đảo ngược thời gian. Do đó chỉ có thể là sáng tạo, tái tạo cho người xem cái không khí lịch sử của thời đại đã qua. Đó chính là việc thể hiện trong phim cảm xúc lịch sử và vì thế với nhiều người làm phim, thật khó tránh khỏi tư duy áp đặt chủ quan. Có nhiều khi càng cố gắng khách quan bao nhiêu lại càng sa vào chủ quan bấy nhiêu.
Có thể nói, việc sáng tạo ra không khí lịch sử là sáng tạo mang tính chủ quan và chịu sự dẫn dắt chủ quan. Điều này rất dễ xảy đến không chỉ với người sáng tác mà ngay cả các sử gia cũng rất dễ mang dấu ấn chủ quan. Chính kinh nghiệm, sự từng trải đòi hỏi con người phải nêu cao ý thức trách nhiệm với sản phẩm do mình tạo ra.
Khi làm phim lịch sử - cổ trang, người nghệ sĩ thường hay có xu hướng làm cũ tất cả mọi thứ, từ đạo cụ, trang phục đến bối cảnh… cho ra vẻ cổ xưa. Thật ra cách nghĩ này không phải lúc nào cũng đúng. Vấn đề là ở chỗ phải tìm được những điển hình đặc trưng cho từng giai đoạn, tìm ra phong cách, đặc điểm lịch sử của thời đại mà bộ phim nhắm tới. Thí dụ, trong một cảnh phim diễn ra ở thời hiện đại có bối cảnh nhà từ đường họ tộc xưa để lại, khi đưa lên phim phải thấy được sự đã cũ. Ngược lại, khi làm một phim lịch sử - cổ trang, bối cảnh ngôi nhà mới của đôi vợ chồng vừa cưới phải làm sao thật mới, thật đẹp mới phù hợp với yêu cầu nội dung.
Rõ ràng nếu như những đóng góp của thiết kế mỹ thuật cung cấp điều kiện đầu tiên để tạo nên không khí và cảm nhận có tính chất lịch sử thì vai trò của đạo diễn với sự phối hợp đồng điệu sẽ tạo nên không khí lịch sử hoàn chỉnh.
Diễn xuất trong phim lịch sử - cổ trang khẳng định rõ vai trò của diễn viên, thành phần đặc biệt quan trọng trong đội ngũ sáng tạo của đoàn làm phim. Nghệ thuật biểu diễn chính là linh hồn của việc sáng tạo nên không khí lịch sử. Tất cả tâm huyết, năng lực, cố gắng của mọi thành phần làm phim, cuối cùng vẫn phụ thuộc vào diễn xuất của diễn viên thông qua hình tượng nhân vật trên màn ảnh. Do đó, người diễn viên phải đọc sách, gặp gỡ với thái độ tôn trọng các chuyên gia, bạn đồng nghiệp và tôn trọng chính mình; không ngừng thâm nhập thực tế để hóa thân vào vai diễn, hình dung được hành động và cách biểu cảm trạng thái nội tâm, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo.
Tư liệu lịch sử để lại cho hậu thế là các di chỉ khảo cổ, tranh vẽ, phù điêu, tượng tròn và sách vở... Người làm phim phải biết biến những cái khô cứng, những con chữ chết… thành hiện thực sống động với người xem. Thái độ học hỏi, tham khảo kinh nghiệm và thành tựu của người khác nhưng không sao chép một cách rập khuôn mà biết phát huy sáng tạo cá nhân là điều cần thiết.

Xác định rõ ngôn ngữ biểu đạt khi làm phim lịch sử - cổ trang

Kho tàng lịch sử thường bao gồm chính sử, dã sử, điển cố, truyền thuyết… Mỗi thời đại lịch sử có ngôn ngữ khác nhau. Sự độc đáo của nghệ sĩ là tạo ra mùi vị lịch sử thể hiện đúng ngôn ngữ của thời kỳ đó. Người làm phim có quyền dùng cổ văn, nhưng phải làm cho người xem thời nay cũng phải hiểu được. Ngôn ngữ phim lịch sử - cổ trang nằm giữa bạch thoại và văn cổ, tạo cho người xem có cảm giác đó là cổ xưa. Trong phương thức tạo hình, có thể chọn hình thức tả thực hoặc tượng trưng sao cho phù hợp.
Ngôn ngữ các nhân vật trong phim lịch sử - cổ trang là biểu hiện tính cách của các nhân vật, mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật kia. Vì thế mỗi giai tầng khác nhau trong xã hội nói gì, nói như thế nào rất cần nhận diện để phân biệt rõ. Ngôn ngữ có mối liên quan mật thiết với tiết tấu phim. Thời đại khác, ngôn ngữ và tiết tấu khác nhau. Ngay cả chữ viết, ngôn ngữ nói… đều có những hàm ý khác nhau. Nhân vật lịch sử là người đóng vai, được xây dựng từ những căn cứ lịch sử hoặc có tên trùng với nhân vật lịch sử… Một bộ phim hay là nhờ những chi tiết đắt giá, những sự kiện điển hình từng được truyền tụng hàng trăm năm, vậy có thể làm theo cách nhìn mới, có sáng tạo ít nhiều nhưng đừng quá lạm dụng hư cấu, tùy tiện sửa đổi.
Đối với các đề tài đụng chạm đến những giai đoạn lịch sử lớn của dân tộc, không phải cứ có nhiều tiền đầu tư mà làm được. Trước hết, dự án phải được sự đồng thuận của các cấp quảnnhà nước, phải kiểm tra nội dung kịch bản và năng lực đội ngũ làm phim. Khi tìm chọn diễn viên, phải căn cứ vào khả năng trình độ hoàn thành vai diễn, ảnh hưởng của uy tín và sự hâm mộ của tên tuổi đó đối với người xem trong nước như thế nào. Tất nhiên đôi khi có diễn viên ngoại hình và khả năng diễn xuất phù hợp với vai diễn, nhưng lại chưa có tiếng tăm và ngược lại.
Đạo diễn Trịnh Hoa trao đổi về ngôn ngữ biểu đạt phim truyện, trong đó có đề tài lịch sử - cổ trang, nhấn mạnh việc tạo hình bối cảnh, đạo cụ, nhân vật (hóa trang, phục trang, hành động võ thuật…) và tạo hình ống kính. Theo ông, những quang cảnh tự nhiên mang màu sắc Á Đông như rừng trúc (ở Quảng Tây, Quế Lâm), tre, dừa, cọ, quế, hồi… cùng các công trình kiến trúc ở Tân Cương, Cam Túc…, hệ thống trường quay phong phú tại Hoành Điếm, Diên Hoa, Hà Nam, Ngân Xuyên… là môi trường vô cùng thuận lợi cho các cảnh quay. Những động tác võ thuật, cung kiếm gần như là đặc sản của Trung Quốc cùng màu sắc, ánh sáng… như cách biểu đạt ký hiệu của đạo diễn, họa sĩ, quay phim, diễn viên… và những người làm phim tạo nên ấn tượng thị giác đối với người xem.
Phim lịch sử - cổ trang hấp dẫn rất cần các cảnh quay thực xen lẫn với những cảnh hư cấu. Việc tham gia của kỹ xảo từ công nghệ vi tính tạo thêm cho ta hiệu quả vạn năng nhờ quá trình thao tác dây chuyền (quay hình ảnh, sơ khảo trên máy tính, tạo hình trên máy, gia công hiệu quả kỹ thuật số trên máy, phối kết hợp những cảnh đã quay, chỉnh ánh sáng, màu sắc, chỉnh tiêu cự cho mờ ảo, tổng hợp hoàn thành cảnh quay). Tuy nhiên không nên lạm dụng kỹ xảo nhiều quá sẽ làm cho thị giác khán giả mệt mỏi.

Tìm chọn phương thức sáng tác phù hợp với phân kỳ lịch sử

Theo biên kịch Lâm Tây Bình, với điều kiện và hoàn cảnh của mình, các nhà làm phim Trung Quốc rất coi trọng việc phân kỳ lịch sử để chọn lựa phương pháp sáng tác. Từ triều đại Mãn Thanh năm 1911 trở về trước gọi là phim lịch sử và cổ trang. Từ 1911 đến khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 gọi là lịch sử cận đại. Từ 1949 đến nay được xem là hiện đại.
Mỗi thời kỳ lịch sử đòi hỏi phương thức sáng tác riêng, nhưng dù ở thời nào cũng cần có kịch bản hay và nhân vật sinh động. Khi làm phim lịch sử và cổ trang thường dễ bị xăm soi, phê bình là thiếu chân thực, hoặc lợi dụng lịch sử bôi xấu hiện tại, hoặc không đúng không khí lịch sử, hoặc nặng hơn là có vấn đề về sai lầm về tư tưởng cần uốn nắn. Do đó, việc minh định rõ giữa quan hệ lịch sử và phim đề tài lịch sử như thế sẽ giúp người làm phim có phương pháp sáng tác tương ứng, vừa giúp người làm phim biết tránh những khô cứng khuôn sáo, nhưng đồng thời lại biết chủ động hư cấu sáng tạo nghệ thuật để hướng tới khán giả.
Vì thế, giới điện ảnh Trung Quốc xác định rõ phương thức làm phim một cách khoa học.
Một là, loại phim chính sử nghiêm túc nói về người thật việc thật lấy bối cảnh thật và nhân vật thật của lịch sử trong đó 70% là thật và 30% là hư cấu nghệ thuật. Loại phim này thường tận dụng bối cảnh thật và nhân vật thật của lịch sử, thông qua thủ pháp biểu hiện, đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh để tái hiện lịch sử. Vì thế phải có cơ sở vững chắc về mỗi nhân vật, từng sự kiện và rất nghiêm cẩn trong việc khảo nghiệm những tư liệu lịch sử, không thể mơ hồ, tùy tiện sáng tạo và không được phép thay đổi những sự kiện lịch sử lớn. Loại phim này đòi hỏi những chuẩn mực kinh điển và nghệ thuật thể hiện cao, thông qua những trải nghiệm lịch sử để giải đáp những quan tâm của thời hiện đại nhằm tìm hiểu và phát hiện những giá trị về nhận thức lịch sử, đưa vào tác phẩm giá trị nghệ thuật và nhận thức cao, đưa đến cho người xem sự trân trọng và yêu mến lịch sử. Thí dụ phim Khổng Tử được các nhà làm phim tái hiện bối cảnh và diện mạo nhân vật với phục trang, đạo cụ và không khí lịch sử cách đây hơn 2000 năm, thông qua giai đoạn lịch sử để nhận thức xã hội ở mức độ cao. Với chi phí sản xuất hơn 100 triệu nhân dân tệ (NDT), bộ phim đã đạt doanh thu bán vé trên 230 triệu NDT.
Hai là, loại phim lịch sử - cổ trang hư cấu nửa thật nửa giả trên nền lịch sử nhất định, hoặc nhân vật thật, người thật nhưng sự kiện hư cấu, hoặc sự việc có thật nhưng nhân vật hư cấu, với tỷ lệ 30% thật, 70% hư cấu. Các phim này thường hướng đến việc đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cao, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và yếu tố thương mại để phim có thể dễ dàng bán được, có doanh thu cao. Thí dụ, phim Trận Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm xây dựng trên cơ sở sự kiện có thật thời Tam Quốc nhưng những nhân vật trong phim đều được hư cấu. Hay phim Quan Vân Trường vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị thương mại, đạt doanh thu trên 200 triệu NDT.
Ba là, loại phim có bối cảnh lịch sử mơ hồ, câu chuyện hoàn toàn sáng tạo bằng sự tưởng tượng bởi tất cả các nhân vật, sự kiện đều được hư cấu với khoảng 90% hư cấu và 10% hoặc rất ít là sự kiện lịch sử có thật. Cả nghệ thuật thể hiện lẫn sự hấp dẫn về nội dung đều tuân thủ đòi hỏi của thị trường với mục đích giải trí. Thí dụ, phim Tam thương bức án truyền kỳ, đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựa hẳn vào cốt truyện của một bộ phim hình sự của Mỹ cách đây 30 năm, để chuyển thể thành phim lịch sử cổ trang.
Trên thực tế loại phim thứ nhất đã nêu trên đây luôn đòi hỏi tiêu chuẩn nghệ thuật cao, vừa hoành tráng, kinh điển, công phu nhưng lại không được phép khô cứng; loại phim thứ hai kết hợp giữa đòi hỏi thị trường và yếu tố nghệ thuật hấp dẫn; loại phim thứ ba đáp ứng đòi hỏi thị trường từ nội dung và hình thức thể hiện nghệ thuật. Với cách phân loại rõ ràng như thế, nếu như dùng nhân vật và tình tiết hư cấu cho loại phim thứ nhất chắc chắn sẽ là sai lầm và dễ bị phê phán. Hoặc nếu dùng người thật, việc thật để xửhoàn toàn hư cấu, quá nhấn mạnh tính lịch sử và yêu cầu thị trường thì rất khó thành công.

Giải quyết mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và nghệ thuật tưởng tượng (hư cấu)

Ngoài việc căn cứ vào những tư liệu lịch sử, khi sáng tác, người làm phim còn phải dựa vào năng lực hư cấu. Một bộ phim lịch sử không thể biểu hiện như một cuốn sách lịch sử. Phim phải có xung đột, phải có chi tiết biểu hiện mà nhiều khi ngay cả trong sách giáo khoa lịch sử cũng không có. Đề tài lịch sử - cổ trang phải cần đến hư cấu, nhưng cần phải xác định rõ là lấy tư liệu lịch sử làm chính hay hư cấu nghệ thuật làm chính và chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.
Ở loại phim người thật việc thật 70% và 30% hư cấu, những người làm phim cần coi chân thực lịch sử quan trọng hơn hư cấu nghệ thuật và coi đó là nguyên tắc trong sản xuất, thẩm định và đánh giá. Chỉ hư cấu những chi tiết nhỏ, không hư cấu những sự kiện lịch sử quan trọng. Không tùy tiện thay đổi diện mạo, hình thức của những nhân vật chính.
Ở loại phim 30% là thật, 70% hư cấu thì cốt truyện lại quan trọng hơn sử liệu. Loại này tương đối phù hợp với phim dã sử. Có thể sử dụng những giai thoại, truyền thuyết dân gian xưa để sáng tạo. Loại này luôn cần cốt truyện hay chứ không cần tư liệu lịch sử chính xác, nhưng vẫn đảm bảo phim phải có không khí, đặc điểm lịch sử thời đó. Không thể đem không khí lịch sử cách đây 300 năm trước vào thời cách đây 800 năm, không thể lấy trang phục nhân vật, kiểu cách xưng hô… của thời này cho thời kia để tùy tiện sáng tạo. Tuy nhiên, có những đạo diễn giỏi như Trương Nghệ Mưu trong bộ phim Anh hùng đã tự biết tạo cho mình một không gian sáng tạo lớn khi định vị tư liệu và giai đoạn lịch sử mà bộ phim nhắm tới, rồi mặc sức tự do sáng tạo, chủ động đưa vào những yếu tố thị trường.
Ở loại phim hư cấu 90% người giả, việc giả, 10% là lịch sử, những người làm phim có thể khoác lịch sử vào những nhân vật và sự kiện hư cấu. Nghĩa là từ không có gì có thể tưởng tượng sắp đặt ra gần như toàn bộ hoặc từ câu chuyện hiện đại mà cổ trang hóa với nguyên tắc: vui, hấp dẫn không cần cao nhã; dễ xem, thỏa mái có tính hài hước khi dung tải những câu chuyện hư cấu; mượn cổ nói kim; thông qua hài để thỏa mãn nhu cầu bình dân; kết hợp ca ngợi cái thiện, đả kích, lên án cái ác; mượn chuyện người khác, nói chuyện mình…

Giải quyết mối quan hệ giữa quan điểm lịch sử và quan điểm nghệ thuật

Làm phim là để cho người xem. Thực tế cho thấy, có những bộ phim lịch sử rất chân thực nhưng chưa chắc đã bán được và có đông người xem. Nếu không có khán giả thì dù phim có cao siêu đến mấy cũng là thất bại. Vì thế quan điểm lịch sử trong phim phải phù hợp, hữu ích với xã hội hiện đại. Lịch sử là tấm gương phản chiếu, là công cụ giúp cho người xem phản tỉnh, nhận thức xã hội và tự điều chỉnh. Tất nhiên, không phải lúc nào mọi giá trị lịch sử đều có ích cho hiện đại, vì lịch sử là cái đã qua, có thể không còn phù hợp với hiện tại, đôi khi trở thành hủ bại, lạc hậu nên khi tiếp nhận cũng cần tỉnh táo phê phán. Nghĩa là, không phải mọi vua, chúa, quan lại… đều có thể đưa lên màn ảnh. Thí dụ, phim Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu hoàn toàn là giải trí thương mại với những âm mưu, thủ đoạn, tham vọng, dã tâm đen tối và chém giết đẫm máu. Bộ phim được dàn dựng hoành tráng, công phu với mức đầu tư khá lớn, đạt doanh thu cao nhưng hiệu quả về tuyên truyền, giáo dục đạo đức xã hội yếu vì quá ít yếu tố lành mạnh và vì thế chưa thể gọi là một bộ phim hay.
Như vậy, cảm giác tao nhã, đẹp đẽ phải được đề cao, yếu tố giáo dục và lan truyền tác động xã hội phải được nhấn mạnh. Dù vui vẻ, hài hước, phim cũng cần đưa người xem đến hào hứng, phấn khởi, hướng tới những tình cảm lành mạnh.
Người xem luôn luôn thích sự mới mẻ, mạo hiểm, thỏa mãn sự hiếu kỳ với những câu chuyện hấp dẫn, những nhân vật có da có thịt, có tính cách, phẩm chất con người, mà không thích cách trình bày sáo mòn với hình tượng khô cứng.
Những đối tượng khán giả có trí tưởng tượng phong phú luôn đòi hỏi ở bộ phim mình xem những ấn tượng thị giác mạnh mẽ bởi những hình ảnh xung động mạnh, những khuôn hình đặc tả ấn tượng và sức hấp dẫn lớn từ âm nhạc mà mình chưa bao giờ được xem. Do đó, muốn làm phim lịch sử - cổ trang thu hút người xem, người ta thường chú ý đến việc: chọn đề tài có sức truyền cảm lan rộng, nhân vật có tính thời đại và đang được thời đại quan tâm, hình thức thể hiện mà quần chúng ưa thích, những diễn viên ngôi sao mà khán giả đang mến mộ…

Cần nhận thức tỉnh táo

Không nên áp đặt các giá trị đạo đức hiện đại đối với người xưa và các nhân vật lịch sử, không nên chiều chuộng bằng mọi giá khẩu vị của người xem thời hiện tại mà bất chấp các sự kiện lịch sử, không nên đi ngược lại quan điểm duy vật lịch sử.
Cần thận trọng nếu như có ý định làm một việc không nên là đánh giá lại lịch sử và kết luận, phán xét lại lịch sử vì hầu như tất cả những sự kiện lớn đều đã được đánh giá, kết luận. Có nhiều nhà điện ảnh không chấp nhận những cái đã có mà muốn nhìn nhận lại lịch sử theo quan điểm của mình, thậm chí muốn lật lại những giá trị cũ, là điều cần hết sức tỉnh táo. Cần có sự kiến giải thông minh của người làm nghệ thuật không phải là việc xét lại lịch sử mà là biết bảo lưu quan điểm của mình với tinh thần trách nhiệm.
         Bằng kinh nghiệm trừng trải, đạo diễn Viên Thế Kỷ và nhà quay phim Triệu Hoa đã mạnh dạn thừa nhận là các nhà làm phim Trung Quốc thường tránh không dùng tác phẩm của mình để đánh giá lại, hay kết luận lại lịch sử, vì đó là công việc của những sử gia. Nếu định vị sáng tác sai, phim rất khó thành công, thậm chí dễ bị phê phán hoặc khó được kiểm duyệt. Không thể nhân danh lịch sử, cổ trang để làm ra những sản phẩm độc hại, không có tác dụng giáo dục, phê phán hay đề cao đạo đức nhân văn. Cũng không nên áp đặt một cách thô thiển các giá trị đạo đức hiện đại đối với lịch sử và người xưa, lại càng không thể mang khoản đầu tư lớn để làm phim rồi phải cất vào kho vì phim bị cấm chiếu.

1 nhận xét:

  1. Dễ hay khó là tùy thuộc vào đạo diễn; có nhiều kinh nghiệm sẽ rất dễ

    Trả lờiXóa