Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHIM TRUYỆN LỊCH SỬ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHIM TRUYỆN LỊCH SỬ


Điện ảnh và truyền hình nước ta vốn ra đời muộn, cho tới nay cũng còn nhỏ yếu nên dòng phim lịch sử cũng mỏng về cả chất lượng và số lượng. Hiện nay nhu cầu sản xuất phim lịch sử đang tăng lên do điều kiện vật chất khá hơn trước và khán giả cũng có yêu cầu cao hơn trong thưởng thức, khám phá lịch sử dân tộc. Ở nước ta, như thông lệ, trước các ngày lễ kỷ niệm lớn cần có một vài phim lịch sử là ý muốn khá bức thiết của các phía do lợi thế quảng bá, đặc biệt là càng tiện lợi qua truyền hình. Với kinh nghiệm sơ khởi và các yếu tố khác nhỏ lẻ vốn có, như: đầu tư, tay nghề…, điện ảnh và truyền hình Việt Nam thường đã và sẽ gặp khó khăn khi bắt tay làm loại phim này.

Một số đường nét thể tài và tiểu thể loại

Đây là thể loại phim lịch sử, có nội dung nói về các sự kiện, nhân vật đặc biệt tạo nên hoặc tham gia nổi bật vào một thời kỳ lịch sử. Phim chiếu rạp, dựa trên công nghệ sản xuất phim nhựa với những yêu cầu cao đặc thù về đầu tư, sáng tác, quảng bá.
Phim truyện lịch sử trong truyền hình là thể loại có nội dung về con người và sự kiện lịch sử, nhưng làm theo công nghệ truyền hình.
Phim chính sử là phim lịch sử lấy các nhân vật, sự kiện có ghi trong sử sách, hoặc có thể chưa ghi nhưng được công nhận là có thật làm chất liệu thể hiện.
Chính sử là dòng sử chính thống của một chế độ, thời kỳ được lưu trên các công cụ phổ biến sách, báo, các phương tiện truyền thông khác và nhiều trong số đó đã được các tổ chức có trách nhiệm duyệt thông qua để làm tài liệu phục vụ. Như, thời phong kiến có các sử quan chuyên viết sử cho các triều vua hay ngày nay có các cơ quan lưu trữ, biên soạn lịch sử…
Phim dã sử lấy chất liệu làm phim từ các câu chuyện dân gian truyền kỳ, các nhân vật mang màu sắc truyền thuyết, giai thoại nửa thực nửa hư. Dã sử là nguồn lịch sử phi chính thống, các dữ liệu và chi tiết không có căn cứ cụ thể qua sách báo hay tác giả nào kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, quần chúng sống bằng niềm tin vào các câu chuyện có tính truyền thuyết cho nên dã sử cũng có sức sống và tính thuyết, phục nhất định.
Những nhánh thể loại khác: trong phim lịch sử có nhiều tiểu loại như lịch sử chiến tranh cách mạng, lịch sử danh nhân - phim tiểu sử, lịch sử cổ trang, lịch sử ngành nghề (rất hiếm khi làm)… Ở đó, bên cạnh cái chung, đều phản ánh lịch sử.

Sử thi và lịch sử

Sử thi khởi thủy là những sáng tác truyền khẩu hoặc văn tự có tính kể chuyện, ngợi ca về những anh hùng, các sự kiện lịch sử nổi tiếng mang màu sắc huyền thoại. Sử thi ngày nay hàm nghĩa rộng hơn nhưng vẫn giữ đặc điểm chính là đan quyện các yếu tố và bản chất lịch sử quan trọng, với tính tưởng tượng sáng tạo bay bổng giàu cảm hứng thẩm mỹ về cái cao cả…
Có một thực tế hiển nhiên là nhiều phim chứa đựng các yếu tố lịch sử khá đặc trưng như: chiến tranh, chuyện và nhân vật ngày xưa…nhưng các phim đó chỉ kể chuyện quá khứ mà không nhằm nêu bật sự kiện hay con người có thật hoặc tin là có thật, thuộc sử sách cũng như đại chúng từng truyền tụng. Chúng khó được coi là phim lịch sử thuần chất.
Khi làm phim có yếu tố lịch sử mà được làm hay, chân thật thì nó cũng có tác dụng phản ánh cao. Và như vậy, không nhất thiết làm phim truyện lịch sử cứ phải gò chặt chẽ vào tính thực kiểu nệ thực. Nên kết hợp hài hòa giữa phần thực và hư cấu trong mức độ đảm bảo bản chất và tùy yêu cầu nhiệm vụ của phim. Nhà điện ảnh học Nga X. Freylik nói: "Cần kết hợp hài hòa giữa phần tư liệu chính xác với sự hư cấu sáng tạo trong làm phim lịch sử. Sự kết hợp này cuối cùng sẽ đảm bảo cho việc thể hiện vừa có tính lịch sử cụ thể, vừa có trình độ nghệ thuật cao. Không có những phẩm chất đó, không thể tái tạo một bức tranh điển hình về thời đại đã qua"(1).

Mối tương đồng giữa phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình đề tài lịch sử

Giai đoạn tiền kỳ: chuẩn bị kịch bản và các yếu tố nền tảng cho sản xuất phim.
Cả hai loại phim đều xuất phát ban đầu từ ý tưởng khả thi và sau đó là kịch bản, bao gồm: khả năng thực hiện, tính cần thiết cho thời điểm, ý nghĩa phục vụ… Kịch bản phim lịch sử của cả 2 loại phim đều xây dựng cốt truyện dựa vào sự kiện và con người trải qua những tình huống đặc biệt và họ đã vượt qua thử thách như thế nào trong một số thời điểm. Câu chuyện không nhất thiết phải là người thật, việc thật mà chỉ là hư cấu trên cơ sở bối cảnh lịch sử và sự kiện.
Giai đoạn quay phim: đều thực hiện các công việc sáng tác như dàn cảnh, diễn xuất, thu hình, tiếng (nếu là thu đồng bộ)… và tiến hành vận trù theo trình tự hợp lý của bảng phân cảnh và kế hoạch sản xuất… Vai trò đạo diễn cả điện ảnh cũng như truyền hình đều là tổng chỉ huy sao cho phim được quay có chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật cao nhất…
Giai đoạn hậu kỳ: tiến hành các công việc như dựng phim, thu tiếng thoại, nhạc, tiếng động sau đó hòa âm và in bản đầu hoàn chỉnh.

Tương đồng về sáng tạo nghệ thuật và kỹ thuật

Chủ yếu do các nghệ sĩ và cộng sự kỹ thuật trực tiếp tạo nên, trong đó tính sáng tạo cá nhân kết hợp chặt chẽ với tính sáng tạo tập thể. Cá nhân nghệ sĩ với tay nghề, phong cách, sở thích… riêng, đưa ý tưởng của mình vào khâu phụ trách và luôn phải tuân thủ guồng máy chung, hệ thống ý tưởng của phim do các khâu khác cùng phối hợp. Đây cũng là tính đặc thù của nghề làm phim so với nhiều nghề nghệ thuật khác mà ở đó hoàn toàn là sáng tạo cá nhân như: viết văn, làm thơ, vẽ tranh…Có lẽ, chỉ có dàn nhạc, dàn hợp xướng cũng mang tính tập thể trên cơ sở sáng tạo của các cá nhân. Nhưng phối hợp sao cho nhuần nhuyễn, thống nhất cao mà không mất đi đặc trưng cá nhân là điều khó và nghệ sĩ cũng như đoàn làm phim cần tuân thủ tính chất này nhằm ít nhất không rơi vào tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược... Trong thực tế nghề làm phim điện ảnh và truyền hình, nhìn chung vấn đề này được mặc định tự do sáng tác trong khuôn khổ ý tưởng và kế hoạch sản xuất đã được hãng và cấp hữu quan thông qua. Điện ảnh nước ta có phim chỉ do khâu in tráng kém, hỏng mà phải quay lại, tốn kém hàng trăm mét phim và cũng không ít lúc phần nhạc át, lệch làm hỏng cảnh, phần dựng chưa hiệu quả, lồng tiếng kém gây phản cảm… Như vậy vai trò đạo diễn là tổng chỉ huy khâu sáng tác còn yếu, chưa được tôn trọng, bất cập…
Các bộ môn nghệ thuật đều sử dụng kỹ năng và tài năng đặc thù để hoàn thành phần việc của mình. Nhà biên kịch phải tìm chất liệu phục vụ ý tưởng, xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình huống, chi tiết… Hai loại phim đều có nét chung lớn nhất: là hợp thành của nghệ thuật và công nghệ kỹ thuật, trong đó về kỹ thuật, trước hết, đều dùng chung các nguyên lý như: sử dụng ánh sáng, bắt sáng, thu hình, thu thanh dao động sóng âm vào vật mang (băng phim, đĩa hình), sử dụng kỹ xảo để tạo nên hình và tiếng; về nghệ thuật, trước hết phải có tài năng và tay nghề làm phim ở tất cả các khâu…

Tương đồng về tính chất phục vụ và phổ biến phim

Cả hai loại phim đều có công tác quảng cáo tiếp thị phim qua các phương tiện truyền thông, lựa chọn thời điểm phát hành phù hợp, thu lợi nhuận. Và mục đích phục vụ đều lấy các tiêu chí: chân, thiện, mỹ, hiệu quả xã hội, kinh tế, nghệ thuật, giao lưu văn hóa, đặc biệt là quảng bá về lịch sử đất nước, như một nhiệm vụ đặc hữu của thể loại. Những mối tương đồng hiện diện ở trên cho thấy tuy là hai loại phim nhưng có nhiều yếu tố sử dụng qua lại và làm tăng khả năng phục vụ của nhau, mặt khác, có thể khắc phục điểm yếu của nhau. Chẳng hạn: sử dụng chung bối cảnh quay hoặc đạo cụ, phục trang… nếu là phim cổ trang hay phim chiến tranh. Phim truyền hình có thể dùng câu chuyện một tập của phim điện ảnh để làm nhiều tập hoặc ngược lại. Đội ngũ nghệ sĩ hai lĩnh vực hoàn toàn cộng tác tốt với nhau. Các phương tiện công nghệ có thể hợp đồng thuê mướn sử dụng của nhau. Phim điện ảnh sau khi chiếu rạp được đưa lên sóng và cả hai loại phim đều phổ biến qua đĩa tiện lợi…

Những khác biệt giữa phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình đề tài lịch sử

Về dung lượng, phim điện ảnh thường dài 90 đến 120 phút hoặc tối đa khoảng 3 tập, phim truyền hình không hạn chế, từ 1 đến hàng trăm tập
Về hình thức kịch bản cũng như phim: phim điện ảnh yêu cầu súc tích, cốt truyện dựa vào các tình huống đặc biệt, thậm chí ấn tượng mạnh và khai thác các trạng huống tâm lý và hành động sâu sắc, lời thoại chỉ ở mức sáng tỏ câu chuyện… Ngôn ngữ điện ảnh chắt lọc và giàu biểu cảm. Nội dung cũng có nét nâng cao, đào sâu tinh tế về nhân vật. Phim truyền hình, loại đặc hữu dài tập diễn tả câu chuyện qua thoại là chủ yếu (qua thoại mà hiểu sự việc, biết thông tin…), hạn chế cảnh hành động lớn tốn kém, ít cần thiết, thường đi vào diễn tả tâm lý qua thoại và hành vi nhỏ…
Về bối cảnh: phim điện ảnh thường có bối cảnh lớn, giàu chi tiết vì khung hình rộng và sâu, nét hơn phim truyền hình. Do đó tạo dựng bối cảnh phim điện ảnh lâu công và phức tạp hơn bội phần so với độ dài tương đương của phim truyền hình.
Về quay phim: phim điện ảnh dùng thoải mái các cỡ cảnh và phát huy góc quay xa lớn vẫn đảm bảo độ nét như toàn cảnh hay đại cảnh; phim truyền hình, do phục vụ màn ảnh nhỏ, chiều sâu hình kém hơn nên hạn chế toàn cảnh và phát huy cảnh cận, cảnh trung. Như vậy góc quay cho phim truyền hình hẹp và gần hơn.
Về diễn xuất: phim điện ảnh thường đa dạng về bối cảnh cũng như hoạt động của nhân vật cho nên diễn viên di chuyển qua nhiều địa điểm quay; trong phim truyền hình dài tập, diễn viên và các hoạt động chỉ di chuyển trong nội thất trường quay là chính. Trong khắc họa nhân vật của diễn viên phim điện ảnh cũng thường có nhiều khoảnh khắc khó so với diễn tả nhân vật phim truyền hình. Phim điện ảnh quan tâm tới các trạng huống và khoảnh khắc đặc biệt cô đọng biểu cảm hoặc phải vận động mạnh như chiến đấu, đuổi bắt. Vai diễn và cảnh phim điện ảnh thường hoàn thành lâu hơn so với phim truyền hình. Với phim truyền hình, một ngày có thể quay ít nhất vài ba chục cảnh nhưng điện ảnh thì không thể. Phim điện ảnh dài 90 phút thường phải quay trong 3 đến 6 tháng, cùng thời gian đó có thể quay đến 50, thậm chí 100 tập phim truyền hình.
Về sử dụng thiết bị công nghệ, kỹ thuật sáng tác : phim điện ảnh sử dụng máy quay, đèn chiếu, máy thu, máy in phim, máy dựng phim… khác với phim truyền hình; đặc biệt là một bên dùng phim nhựa và một bên dùng máy thu hình vào băng đĩa kỹ thuật số, và thiết bị kỹ thuật điện ảnh.
Và từ mấy khác biệt trên, thấy rõ phim điện ảnh giá thành đắt hơn nhiều lần so với phim truyền hình cùng thời lượng.
Về truyền bá và tiếp thu: phim điện ảnh chiếu rạp phục vụ khán giả đông người nơi công cộng, cho nên mỗi phim như một cuộc chiêu đãi thưởng thức đặc sản (dù rằng không phải phim nào cũng hay). Tâm lý tiếp thu của người xem là háo hức và chăm chú do đã được nghe quảng bá giới thiệu, thậm chí nghe đồn miệng. Vì vậy phim cần đặc sắc, rạp văn minh, tiện lợi, ấm cúng và máy chiếu chất lượng cao. Phim truyền hình thì được ví như món ăn bình dân hàng ngày phải có và phục vụ xem tùy hứng kiểu tại gia.
Phim điện ảnh phục vụ cùng một nhóm lượt khán giả, một sản phẩm cao cấp về hình và tiếng (ngày nay đã là âm thanh vòm và cả hình 3 chiều…) làm cho hiệu quả tiếp thu khá đồng đều và phản ứng tích cực hay tiêu cực dễ thấy ngay trong và khi xem phim (cười, khóc…) ; phim truyền hình thì mỗi nhà, thậm chí mỗi phòng một máy TV nên chất lượng hình, tiếng khác nhau, ý thích xem khác nhau và hiệu quả tiếp thu cũng khác nhau. Sức lây lan cảm xúc của phim truyền hình yếu hơn của phim điện ảnh chiếu rạp
Phim điện ảnh khi chiếu sẽ nhanh chóng cho thấy rõ ràng đầu cuối câu chuyện khi hết giờ chiếu; phim truyền hình thì co kéo khán giả hàng tuần, hàng tháng thậm chí là năm này qua năm khác. Vì vậy cũng có tác động mạnh yếu khác nhau tới khán giả
Những khác biệt trên quy định chỗ đứng và thế mạnh, yếu của hai loại phim đang bàn. Chẳng hạn, cùng một câu chuyện và đề tài, có thể lúc nào thì làm phim điện ảnh hay phim truyền hình sao cho thích hợp khả năng và thời điểm. Khả năng tiện lợi nhanh và chi phí thấp phục vụ đại trà là của phim truyền hình nên được phát huy để làm phim lịch sử thường xuyên. Với phim nhựa chỉ khi có ý tưởng và kịch bản độc đáo, khả thi, ê kíp làm phim tài năng cộng với nền tảng tài chính kỹ thuật phương tiện vật chất hỗ trợ thích đáng thì hãy làm. Kinh nghiệm trước đây của điện ảnh nước ta cả thành công và thất bại cho thấy điều đó; thành công thì phim lịch sử (kể cả sử dụng kịp thời kỷ niệm ngày lễ) cũng có giá trị nhiều mặt và lâu dài, thất bại thì bị gọi là phim cúng cụ

2 nhận xét: