Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Ký của Tô Hoài

Ký của Tô Hoài

Với gần nửa thế kỉ lao động nghệ thuật Tô Hoài đã có những đóng góp rất quan trọng cho nền văn học nước nhà ở cả giai đoạn trước và sau cách mạng Tháng Tám. Con số gần 200 tác phẩm đã xuất bản chứng tỏ ở Tô Hoài một sức sáng tạo mạnh mẽ, dài hơi, kiên nhẫn, đều đặn và liên tục, đủ để đưa ông trở thành một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. Ở mảng sáng tác nào, ông cũng có những thành công và ghi được dấu ấn riêng. Riêng ở thể hồi kí, ông cũng đã khẳng định được tài năng và sức sáng tạo mãnh liệt của mình. Tìm hiểu năm tập hồi kí: Cỏ dại, Tự truyện, Những gương mặt – chân dung văn học, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ta thấy hồi kí Tô Hoài có những đặc trưng về cảm quan nhân bản, về con người và sự kiện được nhớ lại và cả về nghệ thuật trần thuật.

Cảm quan nhân bản đời thường là cái nhìn xuyên suốt, bao trùm trong suốt trong năm tập hồi kí. Dù viết về ai, những người bạn nghệ sĩ, những con người bình thường hay chính bản thân mình, Tô Hoài cũng xuất phát từ quan niệm: “người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ”1. Có sao viết vậy, cả tốt xấu dở hay, cả những thói tật, những chuyện “bí mật riêng tư”, nhà văn cũng không hề né tránh. Chính vì thế, đọc hồi kí của ông, chúng ta một lần nữa được biết thêm rất nhiều điều thú vị về chính nhà văn, về tuổi thơ, những gì ông phải trải qua trong cuộc đời. Đó là một Tô Hoài phải lớn lên “giữa những buồn vui, những gian truân trong mọi tập tục thói quen của tầng lớp tuổi tôi ở làng”. Đó là một ông ngoại yêu thương cháu hết mực nhưng cũng có nhiều lúc đối xử rất tàn nhẫn với bà, là thầy giáo Tỏi khắt khe với học trò nhưng hoàn cảnh cũng rất đáng thương, là ông Ngải thật thà chịu khó với những thói quen chẳng bao giờ thay đổi: uống nước chè vò đặc sánh thay cho bữa ăn sáng, ngủ ngoài bụi tre… Đến tuổi trưởng thành, Tô Hoài phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Có những lúc cũng rơi vào bế tắc, thậm chí định làm tiền cả những cô gái làm tiền! Chính trong hoàn cảnh đó, ông đã được tận mắt chứng kiến sự buồn thảm, đen tối của xã hội khiến sự xót thương những con người cùng khổ bất hạnh và nỗi thương chính bản thân mình trong con người nhà văn từng ngày lớn dần lên, thấm ra ngọn bút và biến thành niềm khát khao đổi thay. Để có được Tô Hoài như ngày hôm nay, suốt một hành trình dài gần một thế kỉ, Tô Hoài đã trải qua bao khó khăn và phải luôn tự đấu tranh để chiến thắng chính mình, kể cả những lúc ông vấp ngã. Điều đáng nói là xuyên suốt các hồi kí, Tô Hoài luôn thể hiện cái nhìn chân thực về chính bản thân mình. Càng có tuổi, lời tự bạch của ông về những quãng đời đã qua càng thấm thía và sâu sắc hơn. Nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Bàng bạc trên những trang viết là một cách cảm riêng về cuộc đời, một niềm tâm sự đau đáu” 2 của Tô Hoài!

Trong cảm quan về hiện thực của nhà văn còn có chân dung những người nghệ sĩ mà ta rất yêu mến. Với cái nhìn nhân bản đời thường ấy, nhà văn đã rút ngắn đến mức thấp nhất khoảng cách giữa người đọc với người kể, giúp chúng ta được tiếp cận, được bước vào một thế giới đời thường phía sau thế giới nghệ thuật lung linh, huyền ảo mà ta vẫn thường biết đến qua tác phẩm của những nhà văn. Điều đáng nói ở đây là ngay cả khi viết về những thói tật của những người nghệ sĩ lớn, Tô Hoài vẫn viết bằng tất cả tấm lòng chân thành của một nghệ sĩ chân chính, bằng cái nhìn cảm thông chân tình nên chúng ta không cảm thấy nhà văn hạ thấp họ hay cố tình “đập vỡ” những thần tượng của bạn đọc. Trái lại, càng hiểu về cuộc đời riêng của họ, ta càng cảm thấy cần phải cảm thông, chia sẻ, hiểu người để từ đó hiểu văn của họ nhiều hơn, như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính....

Hồi kí là lối văn nói về chính cái tôi, nói về bản thân tác giả. Song với Tô Hoài, hồi kí của ông còn là rất nhiều những cuộc đời, những phong tục riêng ở những vùng miền mà nhà văn có dịp được đến, là cuộc sống của người nông dân có cả thời kì cải cách ruộng đất, có cả không khí sáng tác văn học rất căng thẳng thời kì Nhân văn giai phẩm… Tất cả những chuyện ấy đâu phải là chuyện của riêng ông. Đó là chuyện cuộc đời. Như thế, với Tô Hoài, qua những kỉ niệm và hồi tưởng của bản thân, ông đã nhằm nói về cuộc đời chung. Những chuyện về cuộc đời riêng mà ông kể trong hồi kí bao giờ cũng gợi ra một điều gì đáng nói của cuộc đời. Chính vì thế, có người cho rằng, khó mà nói trong các mạch nguồn làm nên dòng sông chữ nghĩa của Tô Hoài, mạch nào là chìm, mạch nào là nổi. “Có chìm có nổi, nhưng nổi hoặc chìm đều dồi dào trữ lượng và mang sự sống riêng, sự sống Tô Hoài”3. Sự hoà nhập những câu chuyện riêng của đời ông vào cuộc đời chung đã làm nên đặc trưng phản ánh hiện thực của hồi kí Tô Hoài. Mỗi lần viết hồi kí là mỗi lần đấu tranh tư tưởng để nói ra sự thật. Tô Hoài đã đấu tranh, đấu tranh để vượt lên chính mình, để mở rộng tầm mắt cho tất cả sự thật ùa vào, để dũng cảm nói ra sự thật, kể cả những sự thật tưởng như chỉ có thể “đào sâu chôn chặt”. Ông viết Cỏ dại khi ông hơn hai mươi tuổi, viết Tự truyện khi năm mươi tuổi, viết Những gương mặt - chân dung văn học, Cát bụi chân ai và Chiều chiều khi đã ở vào trên dưới cái tuổi “thất thập”. Có người cho rằng ông nói ra những sự thật ấy là bởi ông đã già nhưng thực ra không phải như vậy. Có lẽ ông viết sự thật là xuất phát từ quan niệm của riêng mình “sự thật đã là đẹp rồi”4. Và đã là đẹp rồi thì cần gì phải thêm bớt, tô vẽ làm gì sự thật ấy. Vượt lên chính mình để trung thành với sự thật, Tô Hoài đã tạo ra được một tiếng nói riêng ở thể hồi kí, không thể lẫn với bất kì một nhà văn nào.

Ai đã từng đọc hồi kí Tô Hoài, hẳn không thể không ấn tượng với một Tô Hoài hóm hỉnh mà thông minh. Rất tự nhiên, ông đi hết từ chuyện này sang chuyện khác, có chỗ tưởng như “lan man kề cà nhưng lại không hề vô vị”5. Từng câu nói, từng tiếng cười, giọng điệu của từng nhân vật, từng con người ngoài đời như thế nào thì ông để cho thật tự nhiên đi vào tác phẩm như thế. Tất cả những điều ấy thể hiện một nghệ thuật trần thuật đặc sắc ở hồi kí Tô Hoài. Từ ngay chất liệu rất “tươi mới” của đời thường, nhà văn có một cách riêng khi xây dựng cốt truyện. Cỏ dại và Tự truyện được xây dựng theo trật tự thời gian từ lúc ấu thơ ở làng Nghĩa Đô cho đến khi trưởng thành đi khắp nơi kiếm sống và tìm đến với cách mạng, đến với nghề văn của nhà văn. Những gương mặt – chân dung văn học là từng chân dung những nghệ sĩ cụ thể được phân chia rất rõ ràng nhưng đến Cát bụi chân ai và Chiều chiều, nhà văn đã sử dụng một kết cấu vòng tròn rất hiệu quả.

Các câu chuyện được kể theo một mạch hồi tưởng rất tự nhiên như dòng chảy của cuộc đời thực, nhớ đến đâu nhà văn kể đến đó bằng một thứ ngôn ngữ dung dị, đời thường bằng sự kết hợp rất nhiều giọng điệu, vừa hài hước, dí dỏm, tinh quái, vừa suồng sã, tự nhiên vừa trữ tình, thấm thía tạo nên sự phức điệu trong hồi kí.

Suốt một đời văn, Tô Hoài đã tạo cho mình một phong cách riêng, một “thương hiệu” nghề nghiệp riêng đáng kính trọng. Tuy vậy, trong suốt hành trình hơn nửa thế kỉ ấy, cũng có lúc nhà văn phải nếm trải sự bùi ngùi khi không phải tác phẩm nào cũng thành công. Đó cũng là những thử thách bản lĩnh nghề nghiệp đối với một nhà văn. Tô Hoài đã vượt qua được những thử thách đó. Gần 70 năm cầm bút của ông thực sự là một cuộc chạy đua đường trường mà ông phải hết sức nỗ lực. Vị trí của ông trong lòng bạn đọc và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996) cao quý mà ông vinh dự được nhận chính là minh chứng sinh động nhất cho một cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi, suốt đời phấn đấu, suốt đời cống hiến hi sinh cho đời.

Đánh giá về Tô Hoài và văn nghiệp của ông không phải là công việc làm một lần bởi một người là có thể hoàn tất. Bởi văn Tô Hoài nói chung và hồi kí nói riêng thực sự là những tác phẩm có giá trị, như một mạch ngầm trong lòng đất, càng khơi càng trong, càng ngọt ngào bất ngờ và thú vị, nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Dường như cả cuộc đời từng trải đã chuẩn bị cho những trang viết hôm nay của ông. Hồi kí là nơi cả con người tác giả cùng cái triết lí ông mơ hồ cảm thấy và đã theo đuổi suốt đời cả hai đã có dịp bộc lộ” 6

Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam

1 nhận xét: