Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM ĐÃ SẴN SÀNG CHO MÔ HÌNH NÀO?

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM ĐÃ SẴN SÀNG CHO MÔ HÌNH NÀO? 



1. Thiếu mô hình chiến lược phát triển lâu dài

Trong nhiều năm, chúng ta đã bàn nhiều và kỹ về nguyên nhân cũng như giải pháp khả thi để tạo động lực và tạo đà cho nền điện ảnh vốn dĩ không thiếu năng lực nội sinh để phát triển.
Thời kỳ bao cấp, vấn đề của điện ảnh được tư duy bó hẹp trong phạm vi thị trường nội địa, các nước XHCN cùng một số nền điện ảnh dân chủ, nhân văn hoặc trung lập, có động thái ủng hộ cho sự lựa chọn hướng đi của Việt Nam. Tính chất của nền điện ảnh ấy là: năng lực cạnh tranh thấp; chưa có thị trường mua bán vốn là yếu tố giúp thẩm định đúng đắn các giá trị thật và rởm, cung cầu chưa phải là nhân tố thúc đẩy tự thân để điện ảnh phát triển; quá ít kinh nghiệm thực tiễn để tự nhận thức và làm mới mình; cơ chế xin cho trở thành nếp tư duy, hành xử phổ biến; tính nhất quán trong phản ánh hiện thực, tiếp cận vấn đề cuộc sống là nét đặc trưng cơ bản chi phối mọi hoạt động điện ảnh.
Hệ quả của lối vận hành ấy tạo nên một cơ thể điện ảnh ít khả năng tự điều chỉnh để thích nghi và tự vệ, chỉ phù hợp và tồn tại trong một kiểu cơ chế nhất định, mang tính đặc thù trong một giai đoạn và điều kiện lịch sử đặc thù. Nó thiếu tính phổ quát để trở nên giàu sức sống và đủ khả năng tạo nên ảnh hưởng cũng như giao lưu bình đẳng đối với các nền điện ảnh khác.
Mặc dù chịu nhiều hạn chế trong giao lưu, đối thoại văn hóa với phần còn lại của thế giới, đặc biệt với tư duy phương Tây trong suốt một thời gian dài, tuy nhiên, một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam vẫn được không ít nhà nghiên cứu, bình luận và công chúng các nước đánh giá cao. Các giá trị nhân loại, khát khao giành quyền tự chủ, tự quyết cho dân tộc, quyền được sống và được tôn trọng, bình đẳng đã trở thành những chuẩn mực phổ biến, được thế giới tiến bộ đồng tình, chia sẻ.
Vấn đề là các giá trị ấy đến giai đoạn mở cửa, đổi mới, hội nhập lại thiếu sức sống, thiếu cách tân để có thể đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Điện ảnh Việt Nam cho đến tận hôm nay vẫn còn dò dẫm thử nghiệm và vay mượn khá nhiều môtip, biểu tượng của không ít dòng phim đang có ảnh hưởng lớn đối với thị trường và thị hiếu người xem thế giới. Thế nhưng nó vẫn chỉ tạo được những cơn sốt nhất thời. Chưa có tác phẩm nào thực sự trở thành thương hiệu Việt Nam, lắng đọng và kết tinh những giá trị, biểu tượng tinh thần và văn minh vật chất Việt độc đáo, từng được thế giới thừa nhận. Những đại diện được đánh giá là xuất sắc và nổi trội hơn cả ở trong nước như Cánh đồng bất tận, Long thành cầm giả ca, Tâm hồn mẹkhông thể có tầm vóc cũng như đạt tới tầm thông điệp, biểu tượng văn hóa quốc gia dân tộc như Cao lương đỏ, Cúc Đậu, Kinh Kha thích Tần vương, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục... của Trung Quốc; Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, Quái vật sông Hàn của Hàn Quốc hay Mùi vị anh đào, Những đứa trẻ trên thiên đường, Quả táo, Những con rùa có thể bay... của điện ảnh Iran gần đây (1).
Một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên tuy có khác biệt với Việt Nam nhưng cũng từng trải qua sự lựa chọn các giá trị cho văn nghệ và hệ tư tưởng. Mâu thuẫn cơ bản nhất của các quốc gia ấy vẫn là làm thế nào để có thể cân bằng giữa truyền thống, lợi ích quốc gia với mục tiêu phát triển, hội nhập sâu rộng. Một quốc gia như Trung Quốc, cường quốc thứ hai về kinh tế của thế giới, vẫn nhận thấy rằng để tồn tại trong môi trường và điều kiện hiện nay, cách khôn ngoan và đảm bảo nhất không phải là vũ khí, súng đạn mà là phương thức vận hành văn hóa để tạo sức ảnh hưởng với bên ngoài, với khu vực.
Xét riêng trong lĩnh vực đầu tư và sản xuất phim ảnh, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong khu vực và cả thế giới (2).

2. Mô hình có thể tham khảo và xây dựng là gì?

Trước hết, thử xem xét các mô hình gần gũi với Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với Trung Quốc, sau giai đoạn đại cách mạng văn hóa thập niên 60, 70 TK XX, văn nghệ nói chung và điện ảnh nói riêng đã có nhiều tổng kết về đường lối chiến lược. Rõ ràng, hiệu quả khai thác vốn liếng truyền thống và sức mạnh văn hóa rất thấp. Phương thức và tư duy tuyên truyền tồn tại những bất cập và không đáp ứng được nhu cầu mới (phương Tây luôn dựa vào bản thể nhân văn nên ít lúng túng hơn, dễ quảng bá và có sức thuyết phục cộng đồng thế giới hơn).
Có lẽ, bước ngoặt đã đến với Trung Quốc chính từ sau những khủng hoảng sâu sắc của cách mạng văn hóa. Thế hệ đạo diễn thứ 5, với đại diện là Trương Nghệ Mưu, thực sự làm thay đổi diện mạo và tính chất của điện ảnh Trung Quốc, giúp nó nhanh chóng hội nhập vào dòng chảy thế giới.
Từ chỗ chỉ quen đề cập đến những chuyện vĩ mô, đến cái chung, cái cộng đồng, những bộ phim của đạo diễn họ Trương đã phản ánh hầu hết những ngóc ngách, giá trị, vấn đề, cả nỗi đau và niềm tự hào truyền thống, cả trải nghiệm và tự nhận thức của một thế hệ công dân Trung Quốc trong chuyển đổi mô hình phát triển theo màu sắc Trung Quốc. Không quá ngạc nhiên khi những giá trị, thông điệp ấy nhanh chóng được người xem trong khu vực và quốc tế sẻ chia, công nhận. Cái riêng, cái duy nhất đã vươn mình trở thành cái đặc sắc mang tính nhân loại và phổ quát. Và cũng nhanh chóng, thế giới thấy lại ánh hào quang, giá trị bền vững của một dân tộc vĩ đại. Niềm tự hào Trung Quốc đã được đánh dấu qua một thế hệ những đạo diễn - nhà cách tân và nhà tư tưởng như thế. Cũng không khó hiểu khi đạo diễn họ Trương một mặt được tôn sùng hết mực ở phương Tây (từ Cannes đến Hollywood, từ Venies, Toronto đến Béclin… thì mặt khác vẫn bị giới kiểm duyệt trong nước tỏ ra khe khắt trong bình xét giá trị tác phẩm.
Có thể khái quát mô hình mà Trung Quốc đang vận dụng là: kỹ nghệ phương Tây + mô hình (công thức) biểu diễn Hollywood + các tổ hợp code (mã) văn hóa truyền thống đã được vay mượn một hình thức biểu đạt hấp dẫn, mang phong cách thời đại. Tiêu biểu cho công thức này là Thập diện mai phụcAnh hùng, những tác phẩm vừa đạt doanh thu khổng lồ vừa tích hợp nhiều biểu tượng văn hóa bản địa, đồng thời vươn tới một đẳng cấp trình diễn phù hợp với thị hiếu công chúng quốc tế (các ứng xử theo thuyết chính danh quân tử, hình tượng rừng trúc, cuộc đấu trí trên bàn cờ vây, sự lý giải thâm sâu, huyền diệu về nguyên lý tinh, khí, thần trong võ đạo, nghệ thuật thư pháp…) đạt đến độ đặc sắc, tinh tế, có sức hấp dẫn không cưỡng nổi.
Việt Nam có thể vận dụng khá nhanh chóng các yếu tố kỹ thuật phương Tây, công thức trình diễn từ mô hình này. Cái quyết định nhất, khó khăn nhất lại chính là sự vận dụng các tổ hợp mã văn hóa sao cho đúng lúc, đúng chỗ theo nguyên tắc trúng, đúng, hay (3).
Với điện ảnh Hàn Quốc, việc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài trong những năm 90 TK XX và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước có cạnh tranh với các tập đoàn truyền thông, nghe nhìn lớn đã nhanh chóng có hiệu quả. Cốt lõi của mô hình điện ảnh Hàn Quốc là tập trung vào các giá trị gia đình, lấy gia đình làm chuẩn và là điểm tựa cho định hướng sáng tác nói chung. Trước những đổ vỡ của truyền thống cùng thách thức của lối sống thực dụng, tôn sùng giá trị cá nhân mà phương Tây đã mắc phải, Hàn Quốc đã sớm biết tự điều chỉnh và tìm ra chiến lược phát triển riêng. Gia đình chính là căn cứ địa, là nơi trú ẩn an toàn nhất cho con người... Những phim cổ trang, lịch sử, võ thuật, hài hành động dù có những thành tựu khá nổi bật nhưng vẫn chịu sự chi phối của dòng chảy này (4).

3. Phải chăng con người và năng lực nội sinh là yếu tố để cất cánh?

Thử điểm lại 17 phim truyện nhựa tranh giải Bông sen vàng LHP lần thứ 17, ta thấy không thiếu các thể loại và phong cách khác nhau từ kinh dị, giải trí đến nghệ thuật, lịch sử và chiến tranh.
Long thành cầm giả ca: công phu trong dàn dựng, diễn xuất khá tinh tế, tạo được không khí thời đại (cái rất yếu và rất thiếu trong phim lịch sử - cổ trang hiện nay) nhưng không đi đến tận cùng số phận nhân vật; vẫn bị loãng bởi sự kiện lịch sử... (những biến động lớn của thời cuộc và chính trị xã hội thời nhà Nguyễn suy tàn, kiêu binh và nội chiến nổi lên khắp nơi).
Cánh đồng bất tận: tạo hình ấn tượng, bắt mắt. Diễn xuất của vai diễn phụ gây dấu ấn với người xem. Chuyển thể từ tác phẩm văn học khá nổi tiếng, tuy nhiên, đạo diễn đã không có tư duy phù hợp khi xử lý nguyên mẫu văn học. Cái kết gượng ép với mâu thuẫn đỉnh điểm giả tạo, khuôn sáo giết chết hình tượng (1 trong 3 kẻ vô lại đã lãnh trọn một đòn dao phay chí mạng giữa lưng vẫn hùng hổ rượt đuổi cô con gái rồi hãm hiếp trước mặt người cha). Mạch phim không giữ được vai trò chủ đạo (trường đoạn mô tả, kể lể chi tiết về dịch gia cầm, hình ảnh tiêu hủy đàn vịt, cô chị đi tìm em)… Đoạn phim giải thích sự thù hằn đàn bà của ông Võ (vợ ngoại tình với một gã lái buôn người Hoa) giống một lớp tuồng minh họa cho hành động căng cứng và thiếu tính biện chứng. Đó là những lỗi khó có thể chấp nhận với một đạo diễn làm phim ở TK XXI cả về nghệ thuật lẫn vốn sống, phông văn hóa.
Để Mai tính: phim hài hành động, phản ánh hiện trạng đồng giới trong xã hội nhưng sa đà vào trình diễn mảng miếng, tung hứng tấu hài, thông điệp không rõ ràng, phù hợp với thị hiếu của giới học đòi, trưởng giả. Về mặt nghệ thuật không có đóng góp gì độc đáo, mới mẻ. Đặc biệt khoảng 80% thoại trong phim, khán giả không hiểu nhân vật nói gì. Để Mai tính thuộc dòng phim thị trường nhưng thực sự thị trường cũng không tiêu hóa nổi.
Tâm hồn mẹ: vấn đề đặt ra rất hiện đại, nhân văn. Đạo diễn đã ấp ủ thực hiện bộ phim từ cách đây 20 năm. Tác phẩm đi sâu mô tả, lý giải tâm thế và thân phận của những con người cô đơn trong thế giới hiện đại thèm khát được yêu thương và che chở, nhưng đôi chỗ vẫn khiên cưỡng, thiếu sự khốc liệt cần có và sự lột tả đến cùng của một kiếp người...
Có thể nói, về cách đặt vấn đề và góc độ phản ánh hiện thực, phim Việt Nam khoảng hơn chục năm trở lại đây không hề thua sút tư duy các nước có nền điện ảnh tiên tiến. Điều đáng buồn là hồn vía, nhịp điệu không gắn kết hữu cơ với nội dung thể hiện và vì vậy, dòng phim nghệ thuật của Việt Nam vẫn chưa thể tìm được một vị trí khả dĩ trong lòng người mộ điệu điện ảnh cả nước.
Các phim Cô dâu đại chiến, Hot boy nổi loạn, Hoa đào, Khi yêu đừng quay đầu lại, Vũ điệu đam mê, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa tuổi teen và ngũ hổ tướng thuộc dòng phim thị trường, khai thác những thị hiếu đang hot của giới trẻ, kịch bản thường thêm thắt một số giá trị như tình cảm gia đình, trách nhiệm và đạo đức nghệ sĩ, tình người trong xã hội cạnh tranh gay gắt... nhưng khá hời hợt và giản đơn. Ngoại trừ phim của Vũ Ngọc Đãng có đặt ra vấn đề sâu hơn về xã hội và nhận thức, các phim đều ở một mặt bằng chung: đang trong giai đoạn thử nghiệm, tìm hiểu thị trường hoặc nhái lại đề tài của phim nước ngoài ăn khách. Các phim trên hoàn toàn lúng túng và không làm chủ được công nghệ sản xuất phim thị trường - giải trí.
Các phim Mùi cỏ cháy, Nhìn ra biển cả, Những bức thư từ Sơn Mỹ, Tây Sơn hào kiệt, Vượt qua bến Thượng Hải thuộc dòng phim lịch sử, truyền thống, có những đóng góp nhất định cần được xã hội, giới làm nghề và công chúng trân trọng. Tuy nhiên, không phim nào không có điểm yếu mà chủ yếu vẫn là vấn đề tiếp cận hiện thực lịch sử.
Mùi cỏ cháy có kịch bản đặc sắc, nhiều tình tiết khá cảm động và chân thực. Câu chuyện diễn ra trong một không gian đòi hỏi thể hiện nhiều tình huống khốc liệt của chiến tranh nhưng khâu dàn dựng và bối cảnh lại không lột tả được... Sự đối đầu giữa 2 chiến tuyến cũng chưa được thể hiện và đầu tư đến cùng.
Nhìn ra biển cả, Vượt qua bến Thượng Hải nói về hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nghệ thuật vẫn chỉ dừng lại ở mức độ minh họa, khó đem đến những rung cảm thẩm mỹ và nhận thức sâu sắc hơn cho cuộc đời và sự nghiệp vốn đã hết sức đặc sắc và có tầm nhân văn cao cả như Hồ Chí Minh.
Những bức thư từ Sơn Mỹ lấy cảm hứng từ những bức thư của nạn nhân, nhân chứng trong vụ thảm sát tại Mỹ Lai (1968), phản ánh khá sinh động sự mất nhân tính của Mỹ bên cạnh tấm lòng nhân ái bao la của con người Việt Nam chất phác. Tuy nhiên, đạo diễn Lê Dân chưa làm nên một thành công nổi bật cho một tác phẩm lấy ý tưởng từ một sự kiện thảm sát kinh hoàng trong chiến tranh.
Tây Sơn hào kiệt là một trường hợp đáng tiếc khác. Đây là dự án phim tư nhân với số vốn đầu tư rất lớn cho một phim lịch sử. Rất đáng khen ngợi nỗ lực về dàn dựng, bối cảnh, việc khắc họa những nhân vật lịch sử giai đoạn 3 anh em nhà Tây Sơn nổi binh phò Lê diệt Trịnh cùng những sự kiện quan trọng như Nguyễn Huệ về quê nội tuyển quân, Nguyễn Huệ kéo quân thần tốc ra Thăng Long, đòi hỏi quy mô và đầu tư về đạo cụ, nhân công, vật lực, thuê mướn. Nhưng song hành với những cố gắng đó vẫn tồn tại điểm yếu thường trực của bộ phim này, và dòng phim lịch sử, ở nhiều cảnh đánh đấm, kỹ xảo ngô nghê, thoại và diễn xuất ảnh hưởng kịch nói…
Sau hơn 2 thập kỷ tìm phương thức vận hành mới điện ảnh Việt Nam gặt hái được thành quả và bài học gì.
Về kỹ năng làm phim: Đây là yếu tố dễ nắm bắt và hội nhập. Ở Hà Nội và TP.HCM, với điều kiện hiện nay, không ít nhà làm phim đã tự trang bị được kỹ năng này. Vấn đề đồng bộ của hệ thống thiết bị, sản xuất cũng không còn quá phức tạp và qúa lớn như trước đây bởi xu thế hiện nay là làm phim HD (giả nhựa); các hãng phim nhỏ có thể trang bị và mua sắm được các thiết bị khép kín khoảng vài chục đến vài trăm ngàn USD là đủ để làm phim. Tuy kỹ năng làm phim là yếu tố cơ bản nhất để có người đủ tay nghề làm phim, nhưng nó hoàn toàn chưa nói lên điều gì. Một nước giàu như A rập Xê út có thể đầu tư hàng tỷ USD một sớm một chiều để có được những thiết bị hiện đại nhất, thợ làm phim chuyên nghiệp nhất, nhưng không thể mua được bằng tiền một nền điện ảnh với những thành tựu trên nhiều mặt.
Về xây dựng thị trường: Hơn 20 năm vận hành theo cơ chế mở nhưng khả năng nắm bắt và làm chủ thị trường của điện ảnh Việt Nam gần như không được cải thiện. Ngay cả những ông bầu như Phước Sang, Đào Thu, Hai Nhất, Lý Huỳnh… cũng không thể bắt mạch được nhu cầu của công chúng các giới. Hiện tượng Long ruồi thu về hơn 40 tỷ trên toàn quốc (5) có chút tín hiệu mừng nhưng hoàn toàn không báo hiệu một thị trường bền vững và phát triển. Chính vì không nắm bắt được giá trị xuyên suốt (vượt không gian và thời gian) của các biểu tượng văn hóa truyền thống mà các nhà đầu tư, các nhà sản xuất phim vẫn loay hoay với bài toán thị hiếu và nhu cầu khán giả. Thực ra, biết giải mã và khai thác mã văn hóa truyền thống một cách hợp lý, đặt nó vào bối cảnh phù hợp hoặc tìm ra những ẩn dụ sinh động tất sẽ thu hút được người xem. Phim Long ruồi hội đủ các yếu tố thị trường và thị hiếu (hài, đuổi bắt, kịch tính cao, bất ngờ đến phút chót, vấn đề giới tính, quảng cáo bài bản…) nhưng không có thông điệp và ẩn dụ văn hóa nào đủ lắng đọng trong tâm thức khán giả, chưa kể các nhà làm phim vẫn vấp phải những lỗi sơ đẳng trong xử lý tình huống, nắm bắt diễn biến tâm lý nhân vật .
Về các giá trị cốt lõi và tư duy phản ánh hiện thực: Việt Nam hiện nay đã thử nghiệm các loại đề tài, phong cách và phương thức trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật điện ảnh. Ngoài dòng phim chiến tranh, phim đề cập mâu thuẫn và bi kịch của con người trong xã hội chuyển đổi sang cơ chế thị trường; phim về công, nông, binh, trí thức, người nghèo..., đã xuất hiện ngày càng nhiều dạng phim mang tính trình diễn, giải trí có tiết tấu nhanh, ấn tượng hình ảnh mạnh kiểu Hollywood; phim tâm lý xã hội phục vụ thị dân lấy nước mắt các bà, các cô kiểu Hàn Quốc; phim kinh dị toát mồ hôi lạnh thông qua các hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng, âm thanh; phim ca nhạc, sitcom, 3D, ngắn, triết luận, ấn tượng, thể nghiệm theo kiểu châu Âu; phim mang nhiều dấu ấn sex pha trộn Âu và Mỹ… Có thể nói, phim Việt Nam hiện phát triển khá ấn tượng về số lượng, thể loại, đề tài, phương diện phản ánh nhưng còn yếu về giá trị nhân văn và nghệ thuật.
Về yếu tố con người, phải nhìn nhận rằng, chúng ta chưa xây dựng và đào tạo được một thế hệ nghệ sĩ đúng nghĩa (hiểu theo nghĩa rộng tức đào tạo để có nhân cách hoàn thiện trước khi được trang bị hay tự trang bị những xúc cảm cần thiết để làm nghệ sĩ đích thực: biết tự trọng với bản thân, đồng thời tôn trọng xã hội, tôn trọng khán giả.
Đã đến lúc không nên đổ lỗi cho cơ chế bởi nó có những giá trị và vai trò trong lịch sử. Đòi hỏi thay đổi cơ chế không thể một sớm một chiều. Chỉ có những người duy ý chí đến mức cực đoan hoặc vô trách nhiệm nhưng thích đại ngôn mới hay đặt vấn đề như vậy. Vấn đề ở đây chính là sự thiếu cẩn trọng, nghiêm túc khi nhận thức và nhận thức lại vốn văn hóa. Có người, có trường hợp sai từ nhận thức vốn liếng văn hóa. Có người và trường hợp lại sai trong cách vận dụng vốn liếng ấy, không đủ lịch lãm và trải nghiệm văn hóa để có thể trang bị, bồi đắp cho các mã văn hóa một hình thức mới, một phong cách mới thu hút công chúng.
Vấn đề tiếp theo, đó là làm cách nào phát huy nguồn nội lực tự thân ấy trong mỗi nghệ sĩ.
Chỉ một việc đổ xác trà cũ để pha bình trà mới cũng đủ nói lên cốt cách và giá trị Nhật Bản: từ đứa trẻ cũng biết phải đào hố chôn trà cẩn thận để tránh vương vãi xác trà trên mặt tuyết. Bởi nếu không sẽ làm hoen ố vẻ đẹp tinh khiết của cánh đồng tuyết trắng, một hình ảnh thiên nhiên đã trở thành biểu tượng tinh thần cao đẹp, hiện thân của lòng tự trọng và danh dự của người Nhật.
Dân tộc Việt Nam không thiếu những phẩm chất kiên cường và tinh tế như dân tộc Nhật Bản và các dân tộc có tính tự lập, tự cường khác. Khi nào mỗi người dân bình thường luôn biết ứng xử bằng danh dự, niềm tự hào vào truyền thống văn hóa dân tộc, biết rung động và tôn trọng vẻ đẹp thiên nhiên, con người, xứ sở như chính máu thịt, phẩm giá của mình, khi đó ta sẽ có những tác phẩm hay, sâu sắc, có sức lan tỏa ra khu vực và thế giới… Đừng quá lo lắng về công nghệ, vốn, tay nghề hay công thức, bởi khi đã có con người với đầy đủ những phẩm chất cần có, tự khắc sẽ có những sản phẩm tử tế, tốt đẹp và thu hút nhân tâm. Nếu không thì vẫn mãi chỉ là lối làm phim không theo kế hoạch, đặt hàng thì cũng chợ búa, xôi thịt, hàng nhái hàng giả. Khá hơn thì cùng lắm cũng chỉ đạt tới kỹ năng làm ra những sản phẩm mà tâm huyết thì có thừa nhưng hiệu quả nghệ thuật và biểu tượng văn hóa thì sống sượng, chắp vá, vô hồn và mất gốc. Và điều cuối cùng là bản thân người sáng tác phải tự biết giáo hóa mình như một lẽ phấn đấu tự thân, để không những là một công dân tốt, dũng cảm trước thời cuộc mà còn là một đại diện văn hóa xứng đáng của cộng đồng, dân tộc và thời đại.
_______________
1. Một số phim của tác giả người Việt kiều tuy có ngôn ngữ và tư duy gần gũi với nghệ thuật đương đại, nhưng không thể đại diện cho gương mặt điện ảnh Việt Nam hiện nay.
2. Các phim bom tấn của Trung Quốc hiện nay đã được xếp vào hàng khá của Hollywood với hàng chục triệu USD/1 phim. Hàn Quốc hiện là nước châu Á duy nhất xuất khẩu phim sang các nước vốn là cường quốc và có truyền thống về điện ảnh như Ý, Đức, Ba Lan và cả Mỹ…
3. Trúng vấn đề phản ánh (thị hiếu, nhu cầu xã hội hiện tại); đúng nguyên lý tiếp cận vấn đề của tác phẩm (từ những giá trị phổ quát nêu được cái riêng, đặc sắc của dân tộc hoặc ngược lại: xử lý cái dân tộc đang xảy ra khái quát thành cái nhân loại; tuyệt đối tránh tư duy đi ngược lại nguyên lý này: cái dân tộc, cái đặc thù trở thành cái tủn mủn, vụn vặt, sự kiện hóa những vấn đề toàn cầu có giá trị nhân văn sâu sắc); thể hiện những giá trị ấy bằng thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ...
4. Bộ phim hành động Quái vật sông Hàn (The Host) ăn khách nhất mọi thời đại, dù vận dụng nhiều yếu tố ăn khách và kỹ xảo hình ảnh vẫn xoay quanh một câu chuyện gia đình. Tỷ lệ phim liên quan đến gia đình chiếm hơn 70% đầu phim mỗi năm. Đề tài gia đình cũng chiếm tỷ lệ rất cao trong phim truyền hình Hàn Quốc.
            5. Theo số liệu tổng hợp của các hãng phát hành phim tư nhân, tháng 8-2011.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012

2 nhận xét: