Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

TRIẾT HỌC DUY VẬT PHÁP THẾ KỶ XVIII

Trần Đức Thảo 
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRƯỚC MARX
Nxb. Khoa học xã hội, 1995
--- o0o ---
 
TRIẾT HỌC DUY VẬT PHÁP THẾ KỶ XVIII
 
 
I - Bối cảnh lịch sử.
II - Tư tưởng duy vật Pháp thế kỷ XVIII
III - Các hướng tư tưởng khác trong thế kỷ XVIII của Pháp.
 
*
 
I - BỐI CẢNH LỊCH SỬ:
 
Tình hình đấu tranh giai cấp ở Pháp thế kỷ XVIII:
Đối tượng cách mạng là chế độ phong kiến quý tộc.
Phong trào tiến bộ thì bao gồm những thành phần phức tạp.
 
Trên có tư sản quý tộc hóa và đại tư sản. Tư sản quý tộc là những nghị sĩ do mua chức tước mà được quyền vị. Nghị viện Pháp lúc đó là toà [1] án thượng cấp có  ít nhiều quyền chính trị. Đại tư sản là bọn thầu thuế với nhả vua để kiếm lãi, ngân hàng và bọn kinh doanh lớn.
 
Đại biểu cho tư sản quý tộc hóa là Montesquieu [2].
Đại biểu cho đại tư bản là Voltaire [3].
 
Những người này có tính chất tiến bộ, nhưng họ cũng đã có nhiều đặc quyền về chính trị và kinh tế, liên quan với chế độ quân chủ.
 
Sau đến là tư sản thườngtức là tư sản công thương, đại biểu là những nhà duy vật chủ nghĩa: Lamettrie [4], Helvétius [5], Diderot [6], Holbach [7]. Holbach là một người Đức sang Pháp rồi Pháp hóa, đã mang cho tư tưởng Pháp một tính chất khoa học của tư tưởng Đức, tuy có phần nặng nề nhưng có hệ thống và chính xác.
 
Dưới tư sản là đại bộ phận tiểu tư sản, đối lập với chế độ phong kiến, nhưng thực tế không có điều kiện để nắm chính quyền, trong khi đó lại bị phương thức sản xuất tư sản đe dọa, đi đến phá sản. Tiểu tư sản đối lập với chiều đi lên của lịch sử. Tư sản lên, làm tiểu tư sản phá sản, do đó mà họ có hướng đi tới cộng sản chủ nghĩa. Đại biểu cho tầng lớp tiểu tư sản là Rousseau [8], Mably [9], Morelly [10].
 
Ngoài những nhà văn học, triết học trên, còn có một học thuyết kinh tế học đại biểu cho tư sản địa chủ hóa (mua ruộng đất, khai thác theo kiểu tư sản). Đại biểu cho tầng lớp này là những nhà tư tưởng thuộc phái kinh tế học «tự nhiên chủ» [11], nghĩa là lấy tự nhiên làm chủ; tự nhiên đây là ruộng đất. Nên địa chủ này tiến bộ vì kinh doanh theo kiểu tư sản, nó có tính toán, có tổ chức sản xuất, khác với địa chủ cũ chỉ biết thu tô. Đại biểu cho phái «tự nhiên chủ» là Quesnay [12], Turgot [13].
 
Nói chung, về mặt đấu tranh xã hội thì chế độ phong kiến là kẻ thù chủ yếu, nhưng riêng về mặt tư tưởng thì kẻ thù trực tiếp chính là Giáo hội, vì Giáo hội là tổ chức tư tưởng để phục vụ, bảo vệ chế độ phong kiến. Chống Giáo hội theo lập trường nào thì do thành phần giai cấp quyết định.
 
Phái kinh tế học «tự nhiên chủ», đại biểu cho tư sản địa chủ, bộc lộ rõ ràng mục đích thiết thực của cuộc đấu tranh lúc bấy giờ của giai cấp tư sản nói chung. Phái này có tính chất hai mặt: một mặt là phong kiến tư sản hóa, một mặt là tư sản phong kiến hóa. Nội dung của phái kinh tế học có tính chất tiến bộ ở chỗ nó đã đặt vấn đề tính toán nguyên liệu, nhân công, vốn, lãi trong nông nghiệp. Ngày trước nông dân thì chưa biết tính toán. Địa chủ phong kiến thì chỉ biết lấy tô. Trái lại, đây là lần đầu tiên giai cấp tư sản địa chủ hóa đặt vấn đề tính toán trong nông nghiệp. Hạng này bóc lột bằng cách thuê nhân công, hoặc cho thuê ruộng cho bọn quản lý phú nông thuê nhân công. Trong sản xuất, bỏ vốn ra thì có lãi. Lãi ấy ở đâu mà ra.
 
Trả lời là do tự nhiên, do đất mà ra. Vì lẽ đó mà gọi là «tự nhiên chủ». Cái lãi đó có tính chất tư sản, vì cũng chính là thặng dư giá trị. Nó tư sản ở chỗ có tính toán. Nó tiến bộ vì nó có tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất trong nông nghiệp. Nhưng nó phong kiến hơn ở chỗ nó nhận định rằng lãi đó là do ở đất mà ra.
 
Với ta, thì món lãi đó là do sức lao động làm nên. Nhưng với bọn tư sản thì không cho như thế. Theo chúng, lãi đó là do ở lao động trí óc, do tính toán giỏi mà có. Đó cũng là chỗ khác với tư sản phong kiến hóa.
 
Phái «tự nhiên chủ» thì chủ trương rằng lãi đó là do đất mà ra, nên đối với họ các nghề công thương căn bản là không có lời, do đó họ chủ trương rằng Nhà nước không có quyền đánh thuế công thương. Chỉ có quyền đánh thuế ruộng đất mà thôi. Ý nghĩa của chủ trương đó là:  đánh thuế ruộng đất thì bọn địa chủ quý tộc thiệt, vì chúng không có tổ chức sản xuất, nên năng suất kém. Do đó, không đủ tiền đóng thuế thì phải bán ruộng đất cho hạng tư sản địa chủ hóa. Trái lại, bọn địa chủ tư sản nhờ có tổ chức sản xuất để tăng năng suất được thì dù có phải đóng thuế cũng không can gì. Mặt khác, công thương không phải đóng thuế thì tư sản lại càng dễ dàng phát triển mạnh.
 
Chủ nghĩa kinh tế học về «tự nhiên chủ» là thuyết đầu tiên có tính chất tư bản chủ nghĩa hẳn hoi, vì trước kinh tế học mới có tính chất thương nghiệp chủ nghĩa. Tầng lớp tư sản địa chủ hóa có tính chất tiến bộ, vì nó có tác dụng chống lại quí tộc. Nhưng về mặt chính trị, nó cũng chưa đặt vấn đề đánh đổ nhà vua, vì nó còn cần mua ruộng đất. Thực tế, nó mới chỉ muốn cải tiến phần nào chế độ quân chủ bằng cách chỉ đánh đổ bọn quý tộc cũ: mục đích đấu tranh của tầng lớp này được thể hiện và phát triển trong phạm vi tư tưởng, đại biểu là Montesquieu và Voltaire. Montesquieu đứng trên lập trường một nhà luật học, tức là một nghị sĩ để đấu tranh. Voltaire thì đại biểu cho bọn tư sản, đứng về phương diện văn học, triết học để tranh đấu.
 
Trên cơ sở luật học, đối tượng đấu tranh là chế độ độc đoán của bọn quí tộc chung quanh nhà vua. Trong chế độ quân chủ độc đoán có hai mặt:
 
- Bộ máy hành chính do tư sản xây dựng thì có tính chất tiến bộ, tuy cũng dựa vào nhà vua.
 
- Tiêu biểu cho mặt phản động là bọn quí tộc ăn bám bằng cách dựa vào thế lực nhà vua. Montesquieu kịch liệt công kích, đấu tranh chống bọn này. Ông chủ trương dứt khoát với chế độ độc đoán, xây dựng một chế độ quân chủ trong đó bộ máy hành chính tư sản được đề cao. Moutesquieu nhằm xây dựng một chế độ quân chủ đúng đắn, có kỷ luật (tất nhiên là theo quan niệm Montesquieu), khác với chế độ quân chủ độc đoán đương thời.
 
II - TƯ TƯỞNG DUY VẬT PHÁP THẾ  KỶ XVIII
 
Chủ nghĩa duy vật Pháp do La Mettrie (1709-1751), Holbach (1732-1789), Diderot (1713-1784), Helvétius (1715-1771) là đại biểu, tiêu biểu cho tư tưởng giai cấp tư sản Pháp. Giai cấp tư sản Pháp lúc bấy giờ đã có năng lực lên nắm chính quyền, do đó nó đã xây dựng được một hệ thống tư tưởng trực tiếp đối lập với truyền thống tôn giáo cựu truyền, nghĩa là trực tiếp đối lập với tư tưởng của chế độ phong kiến. Nhưng sự đối lập ấy thể hiện trong thế giới quan thì lại không hoàn toàn trong nhân sinh quan và đặc biệt trong những chủ trương chính trị, vì giai cấp tư sản lúc ấy tuy đã có thể nắm được chính quyền, bảo đảm chính quyền, nhưng với lực lượng bản thân của nó, nó lại không có đủ năng lực để đánh đổ chế độ phong kiến. Chủ lực quân đánh đổ chế độ phong kiến là nhân dân, đa số gồm nông dân, công nhân, tiểu công, tiểu thương, dân nghèo. Quyền lợi của giai cấp tư sản không phù hợp với những tầng lớp này; nó lại còn đối lập với quần chúng nữa. Cho nên chủ trương chính trị và xã hội của giai cấp tư sản Pháp đã mất lập trường duy vật, chuyển sang duy tâm, thậm chí lại có hướng phần nào dựa vào phong kiến. Quá trình Cách mạng Pháp từ 1789-1802 (khi Nã - phá - Luân [14]lên cầm quyền) đã chứng minh điều đó: đối với cách mạng tư sản Pháp nói chung do giai cấp tư sản Pháp lãnh đạo, nhưng lúc gay go nhất, lúc thử thách quyết định (đánh đổ nhà vua chẳng hạn) thì tư sản không lãnh đạo được mà phải có bộ phận tiểu tư sản, gần quần chúng hơn, huy động quần chúng mới đánh đổ được chế độ quân chủ.
 
Tính chất không triệt để của cách mạng tư sản Pháp đã thể hiện trong triết học thế kỷ XVIII như thế nào?
 
- Một mặt, vũ trụ quan của triết học là duy vật nhưng máy móc;
 
- Mặt khác, nhân sinh quan (tư tưởng đạo đức, chính trị, xã hội) có phần máy móc, lại có phần duy tâm.
 
A - Vũ trụ quan của các nhà duy vật Pháp
 
l - Về vũ trụ quan, các nhà duy vật Pháp có quan niệm duy vật. Đó là quan niệm vật chất của Descartes, nhưng có cải tiến nhờ những phát minh khoa học ở thế kỷ XVIII, do đấy vật chất không thể định nghĩa đơn thuần bằng tính căng dãn và vận động trong căng dãn, mà bằng bản chất của nó là nguyên tử và phân tử. Cái mà Descartes gọi là thể chất tinh thần hay linh hồn, thì cái ấy trong vũ trụ quan duy vật máy móc được quan niệm là do một cấu tạo đặc biệt của vật chất gây ra. Tư tưởng của ta có thể so với một bài nhạc do một cây đàn tự nhiên gẩy. Sự gẩy này là do ảnh hưởng của những vật xung quanh đàn tác động làm đàn gẩy (sự vật khách quan tác động cho ta cảm giác, và trong óc ta nảy ra tư tưởng). Đàn gẩy có thể có những bài hay và không hay. Đứng về phương diện này, Diderot giải thích tư tưởng duy tâm chủ quan của Berkeley, cho tư tưởng ấy là hoàn toàn do bộ óc của người ta mà ra. Berkeley cho rằng tư tưởng của các nhà duy vật cũng là do chủ quan (điểm cao nhất của triết học duy tâm chủ quan). Nhưng Diderot lại quan niệm rằng có những bản đàn do cấu tạo nội bộ mà có, cho những âm điệu của bài đàn là hoàn toàn do bản thân nó mà có. Nó không phản ánh một tí khách quan nào hết, những bài đàn có ý nghĩa là hoàn toàn tự túc (tự ngã), như thế là đã giải thích tư tưởng duy tâm của Berkeley (cảm giác, tư tưởng hoàn toàn chủ quan) cũng do một cái máy (dàn máy tự nhiên) sản sinh ra. Đó là mức cao nhất của duy vật máy móc, giải thích tư tưởng duy tâm trên cơ sở duy vật máy móc. Đó là phần tích cực của nó.
 
2) Phần tiêu cực: đã nhận rằng vận động là thuộc tính căn bản và tự nhiên của vật chất, nhưng không quan niệm vận động đi từng bước từ thấp lên cao, có những trình độ khác nhau, mà chỉ quan niệm có biến lượng không có biến chất. Do đó, nó quan niệm quan hệ giữa tinh  thần và vật chất không có đến một giải pháp duy vật, nói rằng cảm tính, ý thức là một thuộc tính của vật chất, nhưng lại quan niệm duy vật một cách máy móc, không phân biệt được trình độ biến chuyển của vật chất, cho nên cho rằng từ vật vô cơ đến hữu cơ, đến người đều có cảm tính. Nó không quan niệm cảm tính là do một sự xuất hiện đột biến trong quá trình tiến triển của vật chất mà có, mà nó cho bất cứ một vật chất nào cũng có cảm tính. Nó vô tình đi đến duy tâm, vì chỉ phân biệt mơ hồ giữa tinh thần và vật chất, cho rằng cái gì cũng có tinh thần cả.
 
B - Quan niệm về xã hội - chính trị của các nhà duy vật Pháp
 
l - Đi sâu vào vấn đề tư tưởng thì lý luận máy móc của chủ nghĩa duy vật thế  kỷ XVIII lại càng chuyển sang duy tâm. Ví dụ:
 
- Tư tưởng người ta ở đâu mà ra?
 
- Vì sao mà người ta xấu hay tốt?
 
Trên lập trường duy vật máy móc, các nhà duy vật Pháp cho là do ảnh hưởng khách quan, do điều kiện xã hội, do sự giáo dục mà ra. Đó là vì họ quan niệm ảnh hưởng một cách máy móc, thành ra không nắm được cái cơ sở và cái thực chất của cái ảnh hưởng ấy. Họ có mộng ảo nếu thay đổi phương pháp giáo dục người ta sẽ tốt, cho nên muốn làm cách mạng chỉ cần đấu tranh tư tưởng và giáo dục tư tưởng thì thay đổi con người. Thay đổi được con người thì thay đổi được xã hội. Mác đã phê bình những nhà duy vật Pháp: Nói người ta là do ảnh hưởng của giáo dục, nhưng vấn đề là ai giáo dục những nhà giáo dục? Đặt vấn đề như vậy, vì thực ra chính những nhà giáo dục ấy đã được chế độ ấy giáo dục. Các nhà triết học Pháp không nắm được điểm này, vì tư tưởng của họ xuất phát từ quyền lợi của giai cấp tư sản. Họ có thể thay đổi được sự cần thiết thay đổi phương pháp giáo dục, nhưng không thể thay đổi được cơ sở của phương pháp giáo dục.
 
2) Cũng do quan điểm duy tâm trên mà các nhà tư tưởng Pháp đã phê bình các nhà tư tưởng phong kiến một cách máy móc, cho cái gì của phong kiến cũng là tuyệt đối xấu: tôn giáo là hoàn toàn mê tín, do ở tình trạng ngu dốt mê muội của nhân dân và thủ đoạn lừa dối của bọn thống trị mà ra. Họ duy tâm vì họ không thấy cơ sở của tôn giáo của xã hội phong kiến nó có một khách quan nào đấy xây dựng. Đó là do quyền lợi giai cấp trong xã hội mà nó phải bảo vệ. Cho nên cũng có những người rất thành thực đã hy sinh cho tôn giáo. Những nhà duy vật Pháp không hiểu như thế mà cho là tính điên của con người.
 
3) Họ có những chủ trương duy tâm và máy móc. Chế độ mới có tính cách duy lý, xã hội bảo vệ cá nhân, bảo vệ tự do và hạnh phúc cho mỗi người. Quan niệm ấy như một lý tưởng mà giáo dục cho mỗi người thấm nhuần là thực hiện được thôi. Họ không thấy một chủ trương xã hội phải căn cứ vào quyền lợi giai cấp, chứ không do một trí óc thông minh nào đấy có chủ trương giáo dục khôn khéo. Xét về nội dung, họ khởi điểm từ quyền lợi cá nhân. Mọi người đều ham muốn khoái lạc cá nhân, đều tha thiết đến hạnh phúc của mình. Nếu người ta hiểu được rằng chỉ có giúp đỡ lẫn nhau mới thực hiện được nguyện vọng đó, hiểu rằng lợi ích của mình liên quan đến lợi ích xã hội, mà giúp đỡ nhau thực hiện, mỗi người đều góp phần xây dựng một xã hội tự do hạnh phúc, thì hạnh phúc cá nhân được bảo đảm. Như thế là duy tâm, vì thực tế những lợi ích cá nhân cộng lại thì không xây dựng được hạnh phúc xã hội, mà cũng không phải là cứ nói cho mỗi cá nhân hiểu như thế mà họ hiểu và thực hiện quyền lợi xã hội.
 
4) Về phần chính trị: họ hy vọng ở một minh quân lấy quyền độc tài mà giáo dục nhân dân, xây dựng một xã hội tốt đẹp.
 
Nói tóm lại, tư tưởng duy vật Pháp là duy vật máy móc. Họ có dứt khoát về mặt vũ trụ quan, nhưng về mặt nhân sinh quan họ không triệt để. Sở dĩ họ có cái mâu thuẫn ấy là vì quyền lợi giai cấp của tầng lớp công thương Pháp bấy giờ có tính chất đối lập với quyền lợi giai cấp phong kiến, nhưng một mặt khác, bản thân nó lại không đủ sức đánh đổ phong kiến; mà đối với nhân dân, động lực của cách mạng, quyền lợi của nó lại đối lập. Cho nên đối với nhân dân, nó chỉ có những quan niệm, những chủ trương duy tâm thôi. Muốn thực hiện một xã hội mới mà không dựa vào nhân dân, thì chỉ còn dựa vào minh quân mà thôi.
 
III - CÁC HƯỚNG TƯ TƯỞNG KHÁC tRONG THẾ KỶ XVIII CỦA PHÁP
 
Về tư tưởng, có 3 hướng:
 
l) Hướng tự nhiên thần luận có tính chất tư sản (Montesquieu, Voltaire);
 
2) Hướng vô thần (duy vật máy móc) của tư sản;
 
3) Hướng bình quân chủ nghĩa đi đến xã hội chủ nghĩa không tưởng của tiểu tư sản, Rousseau, Mably, Morelly. Hướng này, về mặt vũ trụ quan thì trở lại tự nhiên thần luận, nhưng về nhân sinh quan và cả chủ trương về xã hội, nó đối lập với Voltaire. Chủ trương của Rousseau là chủ trương của những người tiểu nông, tiểu công phát triển đều đều, tự túc, không bóc lột ai. Hướng này chống sự bóc lột, nhưng chỉ đi đến lý tưởng bình quân, chưa phải là xã hội không tưởng. Nó chủ trương sản xuất cá thể, cho nên nó được phản ánh trong vũ trụ quan tự nhiên thần luận. Vì sao lại thế: vì ai phối hợp những sản xuất cá thể? Trên cơ sở tiểu tư sản, không có một cái căn bản nào để phối hợp các cá thể ấy, cho nên phải quan niệm một ông Thượng đế. Nhưng đứng về mặt đấu tranh giai cấp trong toàn bộ xã hội, thì chính tầng lớp tiểu tư sản giữ vai trò quyết định vì nó là một lực lượng quan trọng chống phong kiến, chống những tư tưởng có phần lạc hậu, mơ mộng trở lại quá khứ, lý tưởng hóa dĩ vãng.
 
Rousseau thì còn là bình quân. Nhưng đến Mably và Morelly thì đã có hướng xã hội chủ nghĩa không tưởng. Đó là nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội không tưởng sau này.
 

 
GHI CHÚ
 
l) Thế nào là quy luật noã lực (inertie)?: là quy luật nói vật nào vận động cứ vận động, vật nào ngưng lại là do lực lượng khách quan bên ngoài, bản thân nó không đứng lại. Định luật này có tính chất biện chứng, vì nó lấy cái vận động làm tuyệt đối.
 
2) Thế nào là cái lý do sung túc của Leibnitz?
 
Leibnitz đặt ra là để bổ sung cho những quy luật của luận lý học (logique). Đứng về mặt lý tính, luận lý học đã có thể áp dụng xây dựng khoa học lý tính, nó có khả năng sắp xếp các khái niệm, suy diễn thành một số lý luận. Có ba luật luận lý hình thức: luật đồng nhất, không mâu thuẫn, bài trung. Quy luật này hình như đầy đủ để xây dựng một khoa học như toán pháp, nhưng thật ra chỉ suy diễn ra được một khoa học có tính chất hình thức thôi. Ông Leibnitz nói cần phải bổ sung để đi sâu vào giải thích sự vật về nội dung. Quy luật luận lý hình thức cần thiết nhưng chưa đầy đủ, chưa sung túc. Bổ sung theo ông quan niệm có hai hướng:
 
+ Cơ lý: có đủ điều kiện, nguyên do vật lý thì hiện tượng xuất hiện. Như hôm nay mưa (hơi nước gặp lạnh thì mưa: lý do vật chất).
 
+ Câu hỏi: «Tại sao mưa?» có ý nghĩa: «mưa có mục đích gì?, phục vụ ai?» - có hiểu cái điểm thứ hai thì mới hiểu đầy đủ. Ông đặt cái quy luật này là quy luật tồn tại của sự vật. Một vật không có mục đích thì không có lý do để tồn tại.
 
3) Tự nhiên thần luận là gì? Ông thần này được quan niệm gần như tự nhiên. Họ quan niệm có thần, nhưng quan niệm theo lý tính tự nhiên chứ không phải là thần linh báo (phản tự nhiên). Thần linh báo là một ông thần phản tự nhiên mà bắt buộc người ta phải nhận. Có một uy tín siêu nhiên làm người ta phải nhận, có một lịch sử, có một giáo hội để bảo đảm ông thần này cũng có cá tính, có một uy tín quyền lực siêu nhiên để bảo vệ. Giai cấp tư sản đương lên chống Giáo hội, chống ông thần linh hóa, nhưng với hướng quý tộc hóa của nó, nó lại công nhận ông thần quan niệm theo lý tính do suy diễn lý luận mà có, phủ nhận giáo hội, lấy triết gia thay cho tăng lữ.
 
- Cổ điển: theo sách giáo khoa Pháp, duy tâm trước Kant [15]là Cổ điển. Nhưng đối với chúng ta, tất cả cái duy tâm, trước Mác đều là Cổ điển.
 
Duy tâm Cổ đại và Cận đại:
 
Cổ đại trình bày duy tâm một cách khách quan, ý niệm của Platon hay hình thức của Aristote có vẻ khách quan.
 
Cận đại cũng có khách quan và chủ quan, nhưng đặc điểm là nó đặt trọng tâm vào vấn đề ý thức (Descartes: Je pense donc je suis,  Berkeley: tôi tri giác). Sách tư sản cho rằng sở dĩ ý thức được đề cao ở thời cận đại là vì ảnh hưởng Gia tô (cứu thế linh hồn). Thực tế là do phương thức sản xuất tư sản tất yếu đề cao cá tính, đề cao chủ quan một cách tuyệt đối (ngày nay cũng cần đề cao nhưng bằng cách khác).
 
- Tự nhiên thần luận của Rousseau hướng về cảm tính và Voltaire hướng về lý tính.
 
- Nhân văn và lý tính thống nhất, vì Raison đề cao lý tính là đề cao con người (có khi Rousseau đề cao cả cảm tính).
 
Lý tính ở đây không siêu nhiên như đối với thế kỷ 17, nhưng ở đây kết hợp chặt chẽ kinh nghiệm (tuy quan niệm kinh nghiệm còn hẹp) với lý luận. Nó dùng lý tính này đả phá tôn giáo và những linh hồn bất diệt và tồn tại Thượng đế (khác với lý tính của huyền học thế kỷ XVII trở lại tôn giáo - Descartes).
 
Lý tính thế kỷ XVIII dứt khoát với tôn giáo vì giai cấp tư sản Âu châu đã trưởng thành, nó bỏ huyền học.
 
- «Duy vật của thế kỷ XVIII có tính chất trực quan» (Mác). Trực quan đây trái với vận động, và quan niệm vận động của nó chỉ trong không gian và thời gian.
 
-  Mác cho rằng quan niệm vật chất của các nhà duy vật thế kỷ XVIII là vật chất mà ta quan niệm trong nhận thức trực quan thụ động. Nếu ta quan niệm trong quá trình lao động sản xuất, thì nó không thể máy móc được: đối tượng lao động được thay đổi và người lao động - cũng là vật chất - được thay đổi đào tạo trong sự hoạt động.
 
- Máy móc là giai đoạn của cái nhìn chỉ thấy đối tượng chứ không thấy con người sản xuất ra.
 
Thế giới quan máy móc không có con người, hay có chỉ như những cái máy thôi. Vì thế, trước Marx, triết học chia hai phái: duy vật máy móc không nắm được chủ quan, và duy tâm chủ quan không nắm được thực tế khách quan.
 
- Diderot: hoàn cảnh cá nhân nghèo nàn, sống dựa vào tư sản giàu có nhanh chóng; tư tưởng Diderot nhiều yếu tố biện chứng nhất (trong duy vật máy móc), biện chứng tự phát và bị động (biểu lộ, chứ chưa diễn tả - Le Neveu de Rameau [16]- Rameau  bộc lộ mâu thuẫn của tư sản).
 
- Sản xuất cá thể không thể phối hợp nhau được, do đó phải quan niệm có một Thượng đế sắp xếp, khác Thượng đế phong kiến nhưng là Thượng đế linh báo cho mỗi người cái phải làm. Lương tâm là bản năng thần thánh (Oh ! conscience, instinct divin) [17]. Tư sản không thể quan niệm một Thượng đế ở trên ra lệnh - cá nhân chủ nghĩa -, chỉ nhận cái lương tâm do Thượng đế linh báo trong mỗi con người.
 
Trần Đức Thảo
(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 374-385)
 

Nguồn: Trần Đức Thảo. 1995. Lịch sử tư tưởng trước Marx. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. Bản điện tử: http://amvc.free.fr  


[1]
 In nhầm là «toàn án». Đã sửa lại trong bài.
 
[2] Charles-Louis de Secondat, baron de la Brède et de Montesquieu (1689-1755), nhà chính trị, nhà văn, triết gia Pháp. Tác phẩm chính:  Lettres Persanes (1721), L’Esprit des Lois (1748).
 
[3] Voltaire (François Marie Arouet, 1694-1778), nhà văn và triết gia biểu trưng cho thế kỷ Ánh Sáng ở Pháp. Tác phẩm chính:  Candide (1759), Lettres philosophiques hay Lettres Anglaises (1734), Essai sur les mœurs et l'esprit des nations (1756), Dictionnaire philosophique (1764)...
 
[4]  Julien Offroy de La Mettrie (1709-1751), y sĩ và triết gia Pháp. Tác phẩm chính:  L’Homme machine (1748).
 
[5]  Claude Adrien Helvétius (1715-1771), triết gia Pháp. Tác phẩm chính:  De l’Esprit  (1758), De l’Homme, de ses facultés intellectuelles et de son éducation (1772).
 
[6]  Denis Diderot (1713-1784), nhà văn và triết gia biểu trưng cho thế kỷ Ánh Sáng ở Pháp. Xuất bản chung với Jean Le Rond d’Alembert Encyclopédie hayDictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers(1751-1772). Tác phẩm chính: Pensées philosophiques (1746), Lettre sur les aveugles à l'usage de ceux qui voient(1749), Le Neveu de Rameau (xb 1805)...
 
[7]  Paul Henri d’Holbach (1723-1789), triết gia Pháp gốc Đức. Tác phẩm chính: Système de la nature(1770).
 
[8]  Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà văn và triết gia Pháp. Tác phẩm chính: Discours sur les sciences et les arts (1750), Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les hommes (1755), Du contrat social (1762), Émile ou De l'éducation (1762), Les Confessions (1765-1770)...
 
[9]  Gabriel Bonnot de Mably (1709-1785), sử gia và triết gia Pháp. Tác phẩm chính: Entretiens de Phocion sur le rapport de la morale et de la politique (1763), Observations sur l'histoire de France (1765), De la législation ou Principe des lois (1776)...
 
[10]  Etienne - Gabriel Morelly (1717- ?), triết gia Pháp. Tác phẩm chính: Code de la Nature (1755).
 
[11]  Tiếng Pháp là physiocratie, theo từ nguyên Hy Lạp có nghĩa là «cai trị bằng tự nhiên», hay tự nhiên trị. Trường phái kinh tế Trần Đức Thảo gọi là «tự nhiên chủ» ngày nay được gọi đơn giản hơn là phái «trọng nông».
 
[12]  François Quesnay (1694-1774), y sĩ và nhà kinh tế Pháp. Tác phẩm kinh tế chính: Tableau économique (1758).
 
[13]  Anne Robert Jacques Turgot (1727-1781), nhà chính trị và kinh tế Pháp. Tác phẩm kinh tế chính: Réflexions sur la formation et la distribution des richesses (1766).
 
[14]  Napoléon Bonaparte (Napoléon Ier, 1769-1821), danh tướng, kẻ chinh phục, Tổng tài (1799-1804) và Hoàng đế Pháp (1804-1814).
 
[15]  Immanuel Kant (1724-1804), triết gia Đức biểu trưng cho thế kỷ Khai Sáng. Tác phẩm chính: Critique de la raison pure (1781,  1787), Prolégomènes à toute métaphysique future qui voudra se présenter comme science (1783), Idée d'une histoire universelle d'un point de vue cosmopolitique (1784), Réponse à la question: «Qu'est-ce que les Lumières?» (1784), Fondation de la métaphysique des mœurs (1785), Critique de la raison pratique (1788), Critique de la faculté de juger (1790).
 
[16]  Đối thoại triết lý tưởng tượng giữa hai nhân vật: Tôi (triết gia) và Hắn (Jean-François Rameau, cháu của nhà soạn nhạc và nhạc lý trứ danh Jean-Philippe Rameau, 1683-1764). Thực ra, đây là cuộc độc thoại của Diderot về vai trò và ảnh hưởng của triết gia trong xã hội: Tôi đề cao lý trí, đức hạnh, tài năng, lương thiện), và sống như kẻ lạ trong xã hội của mình; trong khi Hắn (nhân vật độc đáo, ngông nghênh, kỳ quặc, đầy mâu thuẫn) trâng tráo bênh vực nếp sống hưởng thụ vật chất, và có cuộc sống thích nghi với xã hội nhưng trống rỗng và vô ích.
 
[17]  Đoạn văn nói về ý thức đạo lý của con người. Trong nguyên bản: «Conscience! conscience! instinct divin, immortelle et céleste voix... » = «Ôi, lương tri! lương tri!, bản năng linh thiêng, bất diệt và tiếng nói thiên thần»... (Trích dẫn từ: Jean-Jacques Rousseau, đoạn La profession de foi du vicaire savoyard, trg : Emile ou de l’Education).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét