Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 13]


QUYỀN LỰC
[Phần 13]
 
Chương XIV
SỰ CẠNH TRANH
 
 
    Vào thế kỷ 19, vì ý thức được những nguy hiểm của quyền lực độc đoán, người ta đã kiếm được một phương thế hầu tránh tai họa này: sự tự do cạnh tranh. Họ Stuart và ngay cả Elizabeth đã ban cho những cận thần những độc quyền béo bở, nhưng hành động ngu xuẩn này là nguyên nhân của Nội chiến. Vào thời phong kiến, các lãnh chúa bắt nông dân mang lúa đến xay ở lâu đài của mình; trước năm 1848 những chế độ quân chủ Âu châu, đầy rẫy những tự do cạnh tranh dã man. Những hạn chế này không có lợi chi cho cả nhà sản xuất lẫn kẻ tiêu thụ mà chỉ phục vụ cho vua chúa và địa chủ. Trái lại, ở Anh quốc thế kỷ 19, còn có nhiều hạn chế bất tiện cho cả địa chủ lẫn tư bản. Thí dụ như luật quy định lương tối thiểu, và sự cấm đoán chia khu đất công. Cho nên ở Anh trước khi có Luật Bắp (Corn Law) địa chủ và tư bản đều đồng ý cổ võ chính sách can thiệp trong lĩnh vực kinh tế.
 
    Những lĩnh vực mạnh mẽ ở Âu châu cũng tán thành cạnh tranh tự do trong lĩnh vực dư luận. Tuy nhiên từ 1815 đến 1848, các Giáo hội và Nhà nước Âu châu tìm mọi cách liên kết với nhau chống lại những tư tưởng mới mẻ của cuộc Cách Mạng Pháp. Ở Đức và ở Áo chế độ kiểm duyệt vừa gay gắt vừa khôi hài. Heine đã viết một đoạn văn châm biếm như sau:
 
“Các kiểm duyệt viên Đức… những kẻ ngu ngốc…”
 
    Ở Pháp và ở Ý chính quyền gạt bỏ huyền thoại Nã phá Luân và lòng ái mộ cách mạng nơi dân chúng. Ở Tây Ban Nha và những quốc gia thuộc Giáo hội (The Stater of The Church) tư tưởng tự do bị cấm đoán, ngay cả những hình thức ôn hòa nhất. Vào thời kỳ ấy, chính quyền Vatican còn công khai tin tưởng ở thuật phù thủy. Ở Ý, Đức hay Áo Hung người ta cấm bảo vệ nguyên tắc quốc tịch. Nói chung ở khắp nơi, người ta tìm cách duy trì những quyền lợi phong kiến chống lại dân quê, cũng như người ta cố tình ủng hộ bọn vua chúa dốt nát và bọn quí tộc lười biếng; các lực lượng phản động phong kiến ngăn chặn tự do doanh thương. Trong những hoàn cảnh này, bỏ mặc là thái độ hợp lý vì nghị lực bị ngăn cấm trong những hoạt động chính đáng.
 
    Sau đó, những thứ tự do mà các đảng viên Tự do mong muốn đã thành tựu ở Mỹ sau khi dành được độc lập; ở Anh tự do nẩy nở trong thời kỳ từ 1824 đến 1846: ở Pháp năm 1871; ở Đức trong các giai đoạn từ 1848 đến 1918; ở Ý trong thời Risorgimento; và ngay cả ở Nga trong một giai đoạn ngắn, vào thời kỳ Cách mạng tháng Hai. Nhưng kết quả không như ước vọng của những đảng viên Tự do ước định; trong kỹ nghệ một số dự tri của Marx đã thành sự thực. Mặc dù có truyền thống tự do lâu dài nhất. Mỹ quốc là nước đầu tiên mới đây bước vào thời đại tổ hợp sản xuất (trusrs), nghĩa là những độc quyền kinh tế không do Nhà Nước thời trước nữa mà do kết quả tự nhiên của tự do cạnh tranh. Phe tự do Mỹ phẫn nộ vì sự kiện này nhưng bất lực; dần dần sự phát triển kỹ nghệ ở các nước khác cũng ngả theo đường lối của Rockefeller. Cao đến giờ người bừng mắt thấy rằng tự do cạnh tranh, trừ khi được duy trì một cách giả tạo, sẽ kết thúc bằng sự toàn thắng của một kẻ cạnh tranh nào đó.
 
    Tuy nhiên điều này không hẳn đúng với mọi hình thức cạnh tranh. Nói đại khái nó đúng với những nơi mà kích thước của tổ chức và sự hữu hiệu của tổ chức trong lãnh vực xã hội gia tăng theo tỷ lệ thuận. Như vậy ta còn hai câu hỏi phải trả lời: Thứ nhất, cạnh tranh tự do phí phạm nếu xét về phương diện kỹ thuật trong những loại trường hợp nào? Thứ hai, cạnh tranh trở nên tốt đẹp vì những lý do phi kỹ thuật trong những trường hợp nào?
 
    Nói một cách đại cương, nếu người ta chuyên chú vào kỹ thuật họ dễ khuếch đại tổ chức liên hệ đến một vấn đề nhất định. Vào thế kỷ 17, xây cất đường xá là việc của những xứ đạo; hiện nay đó là thẩm quyền của những Hội Đồng Quản Hạt được sự tài trợ của Quốc gia. Điện lực nay cũng được đặt vào đúng tầm mức của nó bằng cách trao nó vào tay một cơ quan có thẩm quyền lưu tâm tới những khu vực rộng lớn, nhất là ở những nơi có các nguồn năng lực quan trọng thí dụ như ở Niagara. Công trình xây cất đập Asvan cũng vậy; nó cần được trao cho các tổ chức qui củ biết chắc rằng một công trình như vậy phải được thực thi cho một vùng rộng lớn, vì phí tổn xây cất quá cao có thể làm nản lòng người. Những nền kinh tế sản xuất quy mô cũng phải có thị trường rộng lớn v.v…
 
    Cho tới nay trong nhiều phương diện người chưa tận dụng được hết những năng lực trong phạm vi rộng lớn. Người ta có thể khởi đầu bằng cách cải tiến giáo dục cấp tiểu học để làm cho nó vui tươi bằng phim ảnh giáo dục cũng như bằng chương trình phát thanh học đường của đài BBC. Tốt hơn nữa nếu những phim ảnh và bài học được sửa soạn bởi một ủy ban quốc tế, dù rằng hiện nay điều mơ ước này vẫn còn quá viễn vông. Hàng không dân sự (cho tới lúc này) vẫn còn trì trệ vì chưa được quốc tế hóa. Ta cũng nhận trong nhiều mục tiêu, những quốc gia lớn có nhiều lợi điểm hơn những nước nhỏ, và không quốc gia nào có thể hoàn tất thỏa đáng nhiệm vụ chính yếu bảo vệ các công dân trừ khi nó bao trùm toàn thể thế giới.
 
    Tuy nhiên những khu vực nhỏ có nhiều lợi điểm: thủ tục hành chánh ít chậm trể hơn, các quyết định mau hơn, và dễ thích ứng với các nhu cầu, tập quán địa phương hơn. Giải pháp hiển nhiên là thiết lập một nền hành chánh địa phương tuy không có toàn quyền nhưng được ủy nhiệm một số quyền hạn rõ rệt, và chịu sự kiểm soát trung ương về một số vấn đề quan trọng, mà trung ương phải sẵn sàng yểm trợ tài chánh khi có đủ lý do chính đáng. Tuy nhiên không muốn bàn thêm những chi tiết ở đây.
 
    Vấn đề cạnh tranh khó khăn hơn. Ta đã bàn cãi nhiều về cạnh tranh trong phạm vi kinh tế, nhưng trong lĩnh vực quân sự và tuyên truyền tầm quan trọng của cạnh tranh cũng rất lớn. Trong khi quan điểm tự do cổ võ tự do cạnh tranh về kinh doanh và tuyên truyền, những người Phát xít Ý và Đức Quốc xã lại bày tỏ ý kiến trái nghịch hoàn toàn, khi cho rằng cạnh tranh luôn luôn xấu trừ khi nó có hình thức cạnh tranh quốc gia. Họ cho đó là hoạt động nhân sinh cao thượng nhất. Những người Phát xít chỉ đả kích sự đấu tranh giai cấp mà thôi. Nếu tôi không nhầm, Plato chỉ coi trọng một thứ cạnh tranh, đó là sự cố gắng bảo toàn danh dự giữa các đồng đội, mà theo ông điều này được tăng cường bởi đồng tính luyến ái.
 
    Trong lãnh vực sản xuất, sự cạnh tranh giữa hàng ngàn hãng nhỏ đã nhường chỗ cho sự cạnh tranh giữa các đại tổ hợp của các ngành sản xuất quan trọng nhất, mỗi tổ hợp cộng sinh với ít nhất một quốc gia. Chỉ có một trường hợp khác thường duy nhất là Đại Tổ Hợp sản xuất vũ khí; những đơn đặt hàng của một hãng là nguyên nhân đơn đặt hàng của một hãng khác. Nếu một quốc gia võ trang, các nước khác cũng sẽ đua theo và như vậy nguyên động lực của cạnh tranh không có. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt này, cạnh tranh về kinh doanh vẫn có, nhưng là cạnh tranh giữa các quốc gia mà chỉ chiến tranh mới phân định được thắng bại. Điều xấu hay tốt của sự cạnh tranh kinh doanh hiện đại do đó cũng như sự cạnh tranh giữa các quốc gia.
 
    Tuy nhiên ta thấy còn một hình thức cạnh tranh kinh tế vẫn luôn khốc liệt đó là cạnh tranh kiếm công ăn việc làm. Bắt đầu là những kỳ thi xin học bổng ở nhà trường (hoặc gần gũi với người Việt hơn cả là nhưng kỳ thi vào lớp 1 Lê Quý Đôn hoặc những kỳ thi vào các lớp 6 những trường công lập chẳng hạn; sự tranh dành này tiếp diễn suốt một đời người. Ta có thể giảm thiểu hình thức cạnh tranh này nhưng không thể dẹp hẳn được. Ta dễ nhạn thấy điều này vì ngay cả khi mọi diễn viên được hưởng lương đồng đều, người ta vẫn thích đóng vai Hamlet hơn vai Thủy Thủ Đệ Nhất (The First Sailor). Có hai điều ta phải lưu tâm quan sát: làm thế nào cho những kẻ thất bại không phải chịu những đau khổ đáng lẽ tránh được; hai, thành công phải là phần thưởng cho một tài năng đích đáng, không phải do nịnh bợ hay gian xảo. Đáng lẽ những người theo chủ nghĩa xã hội phải chú trọng đến điều kiện thứ hai nhiều hơn. Tôi không muốn bàn thêm vì sợ đi quá xa đề tài.
 
    Ngày nay sự cạnh tranh quan trọng nhất đang xảy ra giữa các quốc gia, nhất là những cường quốc. Sự cạnh tranh này đã trở thành gay gắt, nhằm tranh quyền lực, sự giàu có, lòng tin và hơn hết chính ngay đời sống, vì họ  quan niệm cướp đoạt đời sống kẻ khác là phương tiện chính yếu đưa tới thành công. Hiển nhiên chỉ có cách duy nhất có thể chấm dứt tình trạng cạnh tranh bi đát này là dẹp bỏ chủ quyền quốc gia và quân lực, và thay vào đó bằng một chính phủ quốc tế duy nhất với độc quyền sử dụng quân lực. Nếu nhân loại không thực thi giải pháp này, một phần lớn dân số các nước văn minh sẽ chết, và các kẻ sống sót sẽ lâm cảnh khốn cùng và bán khai. Nhưng mỉa mai thay nhân loại hiện nay xem chừng thích giải pháp thứ hai hơn.
 
    Trên lý thuyết những người chủ trương tự do tán đồng, tự do tuyên truyền, mà sự cạnh tranh này đã trở nên liên quan tới sự cạnh tranh giữa các quốc gia có võ trang. Nếu anh tuyên truyền chủ nghĩa phát xít, hậu quả quan trọng nhất là bạn đã tăng cường sức mạnh của Đức và Ý; nếu bạn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tuy không chắc bạn làm cho chủ nghĩa cộng sản thành tựu, nhưng bạn có thể giúp nhiều cho cuộc chiến tranh của Nga trong trận chiến sắp tới; nếu bạn đòi hỏi chế độ dân chủ, bạn có thể ủng hộ chính sách liên minh với Pháp để bảo vệ Tiệp Khắc. Sự kiện Nga, Ý, Đức đã lần lượt gạt bỏ nguyên tắc tự do tuyên truyền không đáng ngạc nhiên, vì chính sự chấp nhận nguyên tắc này đã giúp các chế độ hiện hữu lật đổ những chính phủ trước, và nếu bây giờ chấp nhận tuyên truyền họ sẽ không thể thực thi chính sách của họ. Thế giới ngày nay khác với thế kỷ 18 và 19 đến nỗi những lý luận của phái Tự do biện minh cho sự tự do tuyên truyền có phần nào giá trị phải được duyệt lại kỹ càng. Tôi tin những lập luận này còn nhiều giá trị, nhưng chúng có nhiều giới hạn. Đây là điều quan trong ta phải biết.
 
    Lý thuyết của những người Tự do như John Stuart Mill chẳng hạn trong cuốn Tự do luận (On Liberty) không cực đoan như ta thường nghĩ. Con người phải được tự do chừng nào hành động của họ không phương hại tới người khác, nhưng khi nào hành động của họ có liên quan tới người khác họ cần bị Nhà nước hạn chế. Một người có thể xác tín là phải ám sát Nữ hoàng Victoria, nhưng chắc Mill sẽ không thuận cho anh ta truyền bá ý kiến này. Đây là một trường hợp cực đoan nhưng trong thực tế thì hầu như ý kiến nào đáng được bênh vực hay chỉ trích chắc chắn phải có ảnh hưởng hại đến một người khác. Quyền tự do ngôn luận chẳng còn nghĩa gì trừ khi nó gồm có những quyền nói những điều có thể khiến một số cá nhân hay giai cấp khó chịu. Vì vậy nếu cần phải đặt giới hạn cho tự do tuyên truyền, phải có những nguyên tắc mạnh hơn của Mill mới biện minh được.
 
    Chúng ta có thể xét vấn đề này theo quan điểm dân thường, quan điểm chính quyền, hay dưới quan điểm của những kẻ nhiệt tín đòi phải canh tân xã hội, hay các triết gia. Chúng ta hãy bắt đầu với những quan điểm chính quyền, chúng ta thấy có hai nguy hiểm dọa các chính quyền: cách mạng bùng nổ hay gặp khi chiến bại (trong một nước theo chế độ đại nghị, phía đối lập công khai là một phần của chính quyền). Những nguy hiểm này khích động bản năng sinh tồn, và chắc chắn chính phủ sẽ tìm mọi cách để thoát hiểm. Theo quan điểm nay, câu hỏi là: mức tự do tuyên truyền tới đâu thì mang lại ổn định nhất để chống lại các nguy hiểm nội bộ và ngoại nhập? Dĩ nhiên câu trả lời tùy thuộc tính chất của chính quyền và hoàn cảnh thời đại. Nếu chính quyền cách mạng còn mới, và dân chúng có nhiều bất mãn, tự do chắc chắn sẽ mang lại thêm xáo trộn. Ta thấy những hoàn cảnh tương tự ở pháp vào năm 1793, ở Nga vào năm 1918 và ở Đức năm 1933, trong cả ba trường hợp chính phủ đều cấm chỉ tuyên truyền. Nhưng khi chính quyền đã trở nên truyền thống và hoàn toàn kinh tế của dân chúng không đến nỗi quá tuyệt vọng, tự do là cái nắp an toàn và làm giảm bất mãn. Mặc dầu chính phủ Anh đã cố gắng ngăn chặn tuyên truyền cộng sản, nhưng đây không phải là lý do khiến cộng sản thất bại ở Anh, và chính phủ sẽ khôn ngoan hơn nếu để cộng sản hoàn toàn tự do tuyên truyền. Tuy nhiên tôi không tin một chính phủ sẽ cho phép tuyên truyền hô hào một điều kỳ quái chẳng hạn như việc ám sát một cá nhân nào đó, vì thế nào cũng có một vài kẻ nhẹ dạ ngu xuẩn nhúng tay vào máu. Nhà nước có bổn phận phải bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, trừ khi kẻ bị kết án tử hình. Nhưng nếu có sách động đòi ám sát một người nào đó thì bảo vệ kẻ đó không phải là chuyện dễ. Cộng hòa Đức đã quá lỏng lẻo trong khía cạnh này. Về phần tôi, tôi nghĩ rằng một chính phủ ổn định phải cấm đoán sự xách động bênh vực một loại người nào đó có thể bị kết án tử hình, vì sự xách động như vậy không có đe dọa gì tới pháp lý.
 
    Về mặt chính phủ không thể viện dẫn lý do nào để ngăn cản những ý kiến không có nguy hại đến sự tồn tại của quốc gia. Nếu có người cho trái đất là phẳng hay thứ bảy là chúa nhật, ta phải để cho hắn đước toàn quyền tự do tuyên truyền theo ý hắn. Nhà nước không được quyền coi mình là kẻ bảo vệ Chân lý trong các lãnh vực khoa học, siêu hình học hay luân lý. Trong quá khứ nhà nước đã xuẩn động, cũng như hiện nay ở Đức, Ý, Nga. Nhưng nhà nước yếu, những quốc gia ổn định chẳng cần phải làm như vậy.
 
    Nói đến những người dân thường, ta thấy hắn rất dửng dưng với quyền tự do tuyên truyền trừ những trường hợp tuyên truyền có sức mạnh đe dọa ngay sự sống còn của các chính phủ. Chính phủ có thể không cùng quốc tịch và tôn giáo với dân chúng; nó cũng có thể thay mặt nhà vua đối đầu với giới quý tộc, giới quý tộc với bọn trưởng giả, bọn trưởng giả với những kẻ nghèo khổ; nó cũng có thể thiếu lòng ái quốc, giống như Charles II và những chính phủ cầm quyền tại Đức sau chiến tranh (thế chiến I). Trong những hoàn cảnh như vậy, người dân thường muốn tham gia những cuộc xách động chống lại chính phủ, và sẽ hại tới nguyên tắc tự do ngôn luận khi các lãnh tụ tranh đấu bị bắt giam. Nhưng đây là hoàn cảnh thời tiền cách mạng, lúc mà chính phủ phải chấp nhận phản tuyên truyền, nghĩa là phải từ chức. Theo chính quan điểm của họ, điều này cũng đúng, vì từ chức chỉ mất quyền thôi, còn nếu cố chịu đấm ăn xôi họ sẽ mất đầu. Tiếc là ít chính phủ chịu khôn ngoan. Những điều này không phải lúc nào cũng đúng khi một nước mạnh lấn nước yếu:
 
Ôi xứ sở đáng thương
Chưa bao giờ hiện hữu
Chúng treo cổ đàn ông
Đàn bà mang áo lục.
 
    Anh quốc đã theo đuổi chính sách này đối với Ái Nhĩ Lan trong tám thế kỷ, mà sau rốt chỉ mất ít tiền bạc và nhiều uy tín. Trong tám thế kỷ, chính sách Anh thành công vì địa chủ thì giàu có trong khi dân quê chết đói.
 
    Tự do tuyên truyền, trong trường hợp dân thường thích thú dễ mang đến cách mạng đổ máu hoặc mang lại tự do, nói đúng ra là tự do lựa chọn chính phủ. Tự do này ràng buộc với dân chủ và có liên hệ nhiều tới tự trị của những cộng đồng không thỏa mãn với lề thói cai trị cũ. Tóm lại, tự do tuyên truyền là quyền thủ đắc một cách hòa bình những điều mà đáng lẽ chỉ có cách mạng mới đem lại được. Đây là một quyền quan trọng, và sự công nhận quyền này rất quan trọng cho nền hòa bình thế giới.
 
    Bây giờ chúng ta xét tới quan điểm của những kẻ canh tân nhiệt tín, ta có thấy lấy một tín đồ Gia tô thời Tiền Constantine chẳng hạn, hoặc một tín đồ thời Luther hay một đảng viên cộng sản hiện nay. Những người này là những kẻ ít tin vào lợi ích của tự do ngôn luận. Họ là những kẻ sẵn sàng chịu chết vì lý tưởng cũng như sẵn sàng gieo rắc chết chóc cho kẻ khác. Như trong quá khứ, lịch sử đã từng chứng minh những người cương quyết vẫn có thể tự do phát biểu ý kiến bất chấp chính quyền hà khắc. Tuy nhiên ngày nay những chính quyền hiện đại đã hữu hiệu hơn thời xưa trong nhiều lãnh vực dân sinh và do vậy mà sự đòi hỏi thay đổi tận căn các định chế xã hội khó xảy ra được. Mặt khác chiến tranh có thể hoặc tạo ra cách mạng hoặc gây nên tình trạng vô chính phủ, khiến cho người ta phải làm lại mọi việc từ đầu, nên những người cộng sản vẫn khấp khởi mừng thầm chờ đợi một cuộc chiến mới.
 
    Những kẻ canh tân nhiệt tín thường là những kẻ tin chắc vào thời đại hoàng kim của con người; hắn tin rằng nếu mọi người cùng chia sẻ quan điểm của hắn, thời đại huy hoàng sẽ đến. Có điều ta nên biết là dù ngay lúc này hắn là một kẻ cổ võ cách mạng, ta có quyền tin trong tương lai hắn sẽ là một tên bảo thủ hạng nặng. Hắn bảo phải đạt tới một Chính quyền toàn hảo, và Chính quyền này phải được bảo vệ bằng mọi giá. Hắn sẽ chấp nhận bạo động trên đường mưu tìm Chính quyền toàn hảo hay bảo vệ chính quyền này; hắn là kẻ chuyên khủng bố, phá hoại khi ở vào vị thế đối lập; nhưng khi hắn đã nắm được Chính quyền hắn là kẻ truy nã rành nghề. Dĩ nhiên những kẻ đối lập với hắn rồi cũng tin ở bạo động như hắn; khi họ nắm được Chính quyền họ sẽ truy nã hắn, khi đối lập sẽ âm mưu ám sát hắn. Và không phải ai cũng hài lòng với thời đại hoàng kim của hắn đâu; sẽ có bắt bớ, gián điệp, và trại tập trung. Nhưng phần hắn chẳng thấy việc này có chi xấu cả, hệt như anh chàng Tertullian.
 
    Thực ra cũng có những người canh tân ít cuồng tín hơn. Họ tin là giá trị tâm mới là điều cao cả và quyền lực áp chế bên ngoài bất lực trong việc hoàn thiện con người. Đây là quan điểm của Hội Liên Hữu. Họ tin ảnh hưởng bền chỉ có thể quan trọng và hữu ích nếu chúng thể hiện bằng từ tâm và thuyết phục ôn hòa, chứ không trong hình thức giết hại hay giam cầm. Loại người này có thể chấp nhận tự do tuyên truyền mặc dầu họ là những nhà canh tân nhiệt thành.
 
    Một loại người canh tân khác chỉ mới có từ khi thuyết hóa trở nên hợp thời; ta có thể kể trường hợp Sorel vào thời kỳ tranh đấu cho nghiệp đoàn. Những người thuộc nhóm này cho rằng đời người phải là một tiến bộ liên tục, không phải là tiến đến một mục tiêu có thể xác định rõ ràng trong khi cuộc tiến bộ còn tiếp diễn, nhưng là một tiến bộ được thăng hoá. Dĩ nhiên nhìn thấy ánh sáng tốt hơn là đui mù, nghe được âm thanh hơn là điếc đặc… nhưng khi mà mọi vật còn mù lòa thì ta không thể cho rằng nhìn được là cải cách sắp tới. Tuy nhiên, bảo thủ quá đáng là sai lầm. Lý thuyết như trên khiến ta phải khích lệ mọi canh tân, vì biện pháp canh tân nào đó sẽ thể hiện tinh thần tiến hóa.
 
    Chắc chắn quan điểm trên có phần đúng, nhưng nó dễ biến thành chủ nghĩa tôn sung tiến bộ thiển cận, và nó không thể làm căn bản cho chính trị thực tiễn được vì quá mơ hồ. Nhiều kẻ canh tân quan trọng trong lịch sử đã tin sẽ có thiên đường tại thế; nhờ vậy họ đoạt được vương quốc cho họ chứ không phải thiên đàng tại thế như họ tin.
 
    Sau đây tôi muốn bàn đến quan điểm của triết gia về tự do tuyên truyền. Khi đề cập đến tinh thần khoan dung thời cổ, Gibbon viết: “Những hình thức sùng kính khác nhau trong thế giới La Mã được rất nhiều coi là thật, trong khi các triết gia coi là giả trá và những phán quan coi là hữu ích”. Triết gia của tôi không cực đoan đến độ coi mọi tín niệm nào cũng có phần sai lầm, và khả năng tinh thần con người sẽ phân biệt được chân ngụy. Đối với những kẻ tuyên truyền thiếu khôn ngoan, ta thấy có phần nào sự tuyên truyền của chính hắn, tuyên truyền chân lý, tuyên truyền đối nghịch và tuyên truyền giả trá. Nếu hắn tin là cần cho phép cả hai thứ tuyên truyền đối nghịch, chỉ là vì hắn sợ tuyên truyền của mình có thể là thứ bị cấm đoán. Đối với kẻ khách quan, vấn đề không hoàn toàn như vậy.
 
    Vậy đối với triết gia, tuyên truyền có công dụng gì? Triết gia không thể nói như cán bộ thông tin: “Xưởng kim gút là để chế tạo kim gút, và xưởng ý kiến để sản xuất ra những ý kiến. Nếu những ý kiến chế ra giống nhau thì có sao đâu, miễn là chúng là những ý kiến tốt? Và nếu sự độc quyền giúp ta sản xuất đại quy mô mà hàng rẻ hơn là nhỉ ra từng chút một, thì ta cũng nên độc quyền lắm chứ. Chưa hết đâu còn lý do nữa: thường ra, một xưởng ý kiến cạnh tranh, không giống như một xưởng ý kim gút cạnh tranh, không chế những ý kiến có thể tốt như vậy vì nó chế tạo những ý kiến nhằm mục đích làm hại những ý kiến của xưởng tôi, và như vậy gia tăng số lượng công việc khủng khiếp để cung cấp sản phẩm của tôi cho người ta. Do đó phải cấm chỉ những xưởng cạnh tranh”. Tôi muốn nhắc lại người triết gia không chấp nhận quan điểm này. Ông ta phải cho rằng bất cứ mục đích hữu ích nào của tuyên truyền cũng có thể tạo nên một ý kiến mà ta theo cách mù quáng và tin tưởng cách mù quáng có phần chắc là sai lầm. Nhưng trái lại tuyên truyền phải mục đích tăng cường phán đoán, tạo ra những nghi ngờ có tính cách triết học và khả năng cân nhắc những nhận xét trái ngược nhau; nhưng tuyên truyền chỉ có thể phục vụ mục đích này nếu có tự do cạnh tranh giữa các loại tuyên truyền. Triết gia sẽ so sánh dư luận như một vị quan tòa lắng nghe cả hai bên, và cho rằng độc quyền tuyên truyền cũng vô lý như trong một phiên tòa đại hình chỉ có công tố viên hoặc luật sư được phát biểu ý kiến mà thôi. Gạt bỏ sự tuyên truyền đông nhất, triết gia sẽ hô hào mọi người nên nghe mọi ý kiến về mọi vấn đề. Thay vì cho ra nhiều tờ báo của mọi phe phái, hắn sẽ cổ võ việc xuất bản một tờ độc nhất mà mọi phe đều có quyền bày tỏ ý kiến. Tự do tranh luận có nhiều lợi về phương diện tri thức không nhất thiết bao hàm những tổ chức cạnh tranh nhau. Thí dụ đài BBC cho phép cạnh tranh tự do. Hội Hoàng Gia vẫn bàn cãi những lý thuyết khoa học mâu thuẫn. Nói chung, những học hội không chủ tâm tuyên truyền tập thể mà nhằm tạo cho các đoàn viên cơ hội trình bày những thuyết riêng của họ. Nhưng những bàn luận như vậy chỉ có thể xảy ra nếu ta đã thỏa thuận với nhau về căn bản tranh luận; không có nhà Ai Cập học nào muốn kêu gọi quân đội đè bẹp một nhà Ai Cập học đối nghịch vì ông này có những thuyết ông ta không thích. Khi một cộng đồng đã đạt tới sự thỏa thuận căn bản về hình thức chính quyền, ta thấy co thảo luận tự do; nhưng nơi nào chưa có thảo luận căn bản này, tuyên truyền chỉ là giai đoạn mở đầu cho xử dụng vũ lực; và kẻ nào có võ lực sẽ là kẻ dành lấy độc quyền tuyên truyền. Khi những khác biệt không quá sâu sắc đến độ bác bỏ hẳn sự cộng tác hòa bình dưới một chính phủ, việc tuyên truyền tự do có thể thi hành được. Vào thề kỷ 16, các tín đồ Thệ phản và Gia tô không thể cộng tác về phương diện chính trị vì họ đều quá cực đoan trong quan niệm của họ về cứu cánh tôn giáo trong phạm vi xã hội, nhưng qua thế kỷ 18 và 19, họ đã cộng tác được với nhau; giữa hai thời kỳ trên, niềm bao dung tôn giáo đã nảy sinh. Một khuôn mẫu chính quyền ổn định là điều kiện thiết yếu của tự do tinh thần; nhưng cái điều không may là chính khuôn mẫu ổn định này cũng có thể trở nên guồng máy chính yếu của bạo quyền. Giải pháp của vấn đề khó khăn này tùy thuộc phần lớn vào hình thức của chính quyền.
 
    (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét