Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 10]


QUYỀN LỰC
[Phần 10]
 
 
Chương XI
TỔ CHỨC DƯỚI NHÃN QUAN SINH VẬT HỌC
 
 
    Cho tới nay chúng ta đã xét những tình cảm vốn là nguồn gốc tâm lý quan trọng nhất của quyền lực truyền thống, nhất là sự kính trọng tăng sĩ và vua chúa, sự sợ hãi và tham vọng cá nhân, nguồn gốc của bạo lực; sự lấy một tín niệm mới thay cho tín niệm cũ, nguồn gốc của quyền lực cách mạng; và những ảnh hưởng qua lại giữa các tín niệm và các nguồn gốc khác của quyền lực. Giờ đây chúng ta xét đến một khía cạnh mới của vấn đề: sự nghiên cứu những tổ chức từ đó quyền lực xuất phát. Chúng ta sẽ coi những tổ chức là những cơ quan có đời sống riêng, rồi xét tới chúng trong tương quan với những hình thức quản trị của chúng, và sau hết là ảnh hưởng của chúng đối với những cá nhân nằm trong tổ chức. Trong phần này chúng ta sẽ cố gắng hết sức không nói đến mục đích của tổ chức: cách nói khác, chúng ta sẽ xét đến con người theo nhãn quan cơ thể học và sinh hóa học.
 
    Chúng ta nhận thấy một tổ chức cũng là một cơ quan có đời sống riêng, có khuynh hướng tăng trưởng và suy tàn. Sự cạnh tranh của các tổ chức tương đương với sự cạnh tranh của thú vật, của thảo mộc, và có thể giải thích ít nhiều theo thuyết Darwin. Nhưng đừng đưa sự tương tự này đi xa quá, nó có thể gợi ý và soi sáng nhưng không dùng để chứng minh được. Thí dụ chúng ta chẳng thể cho rằng không tổ chức xã hội nào tránh được suy tàn.
 
    Quyền lực tùy thuộc ở tổ chức trong phần chính yếu nhưng không hoàn toàn. Quyền lực thuần túy tâm lý như của Plato hay Galileo có thể hiện hữu mà không có định chế xã hội tương xứng nào. Nhưng thường thì một quyền lực như thế không quan trọng trừ khi nó được truyền bá bởi một giáo hội, một đảng chính trị hay một cơ quan xã hội tương tự nào đó. Trong phần này tôi sẽ bỏ qua quyền lực nào không có liên quan đến tổ chức.
 
    Một tổ chức là một nhóm người liên kết với nhau bởi những hoạt động hướng đến các mục tiêu chung. Tổ chức có thể có tính cách hoàn toàn tự nguyện như một hội ái hữu; có thể là một nhóm sinh lý tự nhiên như một gia đình hay một dòng họ; có tính cách cưỡng chế, như một quốc gia; hay có thể là một hỗn hợp phức tạp như một công ty hỏa xa. Mục đích của tổ chức có thể hiển nhiên hay ẩn tàng, ý thức hay vô thức; mục đích của tổ chức có thể là quân sự hay chính trị, kinh tế hay tôn giáo, giáo dục hay thể  thao…
 
    Mỗi tổ chức, bất kể tính chất hay mục đích, bao hàm sự tái phân quyền lực. Phải có một ban quản trị để đưa ra những quyết định nhân danh cả tổ chức, và có quyền lực hơn các phần tử, để đạt tới những mục đích, vốn là lý do hiện hữu của tổ chức. Những lợi ích của việc kết hợp càng rõ ràng hơn vì con người ngày càng trở nên văn minh và kỹ thuật càng ngày trở nên phức tạp hơn. Những sự kết hợp luôn luôn bao hàm sự mất độc lập; chúng ta có thể có nhiều quyền lực đối với kẻ khác, nhưng họ cũng có quyền đối với những kẻ khác, nhưng họ cũng có quyền lực đối với chúng ta. Càng ngày những quyết định quan trọng càng trở nên là của tập thể, không phải của các cá nhân đơn lẻ. Và những quyết định của các tập thể, ngoại trừ đối với những tập thể ít nhân số, chỉ có thể đạt tới qua những ban quản trị. Như vậy vai trò của quản trị trong đời sống một cộng đồng văn minh tân tiến lớn trong những xã hội tiền kỹ nghệ nhiều.
 
    Ngay cả một ban quản trị hoàn toàn dân chủ - giả thiết như thế - cũng bao hàm sự tái phân quyền lực. Nếu mỗi người có tiếng nói đồng đều trong các quyết định chung, và giả thiết có một triệu đoàn viên, mỗi người có một phần triệu quyền lực chung của một triệu đoàn viên, thay vì anh ta chỉ có quyền đối với chính mình và không có quyền lực nào đối với người khác, như anh ta sẽ có nếu anh ta là một con vật cô đơn. Tâm lý của một cộng đồng đoàn ngũ hóa không giống như một nhóm cá nhân vô chính phủ. Và thường bao giờ cũng vậy, ở đâu sự quản trị không hoàn toàn dân chủ, ảnh hưởng tâm lý sẽ gia tăng. Những đoàn viên trong ban quản trị sẽ có nhiều quyền lực hơn các người khác, ngay cả trong trường hợp họ được bầu lên một cách dân chủ, và điêù này được đúng với những viên chức  được một chính phủ dân chủ bổ nhiệm. Tổ chức càng lớn thì quyền lực của ban tổ chức càng nhiều. Như vậy khi tổ chức càng mở rộng, những bất bình đẳng về quyền lực càng sâu sắc hơn vì một mặt sự độc lập của các đoàn viên thường bị thu hẹp, một mặt quyền hành động của ban quản trị gia tăng. Một người thường tuân phục vì họp đoàn sẽ làm nhiều việc hơn là đứng riêng rẽ. Và người ham muốn quyền lực mạnh mẽ vui mừng vì có cơ hội tốt  – trừ trường hợp mà chính phủ hình thành do thế tập, hay là cá nhân ham muốn quyền lực này thuộc vào một nhóm bị kỳ thị (trường hợp người Do Thái tại nhiều quốc gia).
 
    Sự cạnh tranh để đạt tới quyền lực có hai loại: sự cạnh tranh giữa các tổ chức, và sự dành quyền lãnh đạo giữa các cá nhân cùng ở một tổ chức. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức chỉ xảy ra khi những tổ chức có những đối tượng giống nhau ít nhiều, nhưng không dung hòa; sự cạnh tranh có thể trong lĩnh vực kinh tế, hay quân sự hay bằng tuyên truyền, hay gồm tất cả các phương thế này. Khi Napoléon III tìm cách tự phong Hoàng đế, ông ta phải tạo nên một tổ chức để phục vụ quyền lợi riêng, và giữ tổ chức này ở vị thế ưu thắng. Để đạt tới mục đích này ông cho một số người xì gà đây là biện pháp kinh tế, ông cho một số người khác biết ông là cháu Napoléon - biện pháp tuyên truyền. Sau hết ông bắn một số địch thủ - biện pháp quân sự[1]. Trong khi đó các địch thủ của ông chỉ ca ngợi thể chế Cộng hòa và không màng đến xì gà và coi thường súng đạn. Kỹ thuật biến đổi nền dân chủ thành độc tài đã thông dụng từ thời Hi Lạp, và luôn luôn có hối lộ, tuyên truyền và bạo động. Tuy nhiên đây không phải là đề tài chương sách này. Chúng ta trở lại việc nghiên cứu tổ chức dưới nhãn quan sinh vật học.
 
    Các tổ chức khác nhau về hai khía cạnh quan trọng: kích thước và mật độ của quyền lực, tạm gọi thế vì ta muốn nói mức kiểm soát các đoàn viên. Do sự yêu thích quyền lực thường thấy nơi các viên chức quan trọng trong chính quyền, mỗi tổ chức sẽ gia tăng về kích thước và mật độ của quyền lực trong trường hợp không có phản động lực nào. Những nguyên nhân nội tại có thể làm ngưng cả hai sự tăng trưởng trên. Thí dụ một hội chơi cờ quốc tế có thể gồm đủ các cao thủ, và chỉ lưu ý đến tài đánh cờ của các hội viên mà bỏ qua những hoạt động khác. Một viên thư ký đắc lực có giúp hội truyền bá hiệu quả thú chơi cờ, song điều này khó xảy ra nếu ta muốn viên thư ký giỏi chơi cờ, và nếu điều này có tới, những cao thủ có thể bỏ đi làm hội tan rã. Nhưng đây chỉ là những trường hợp bất thường, chừng nào mục tiêu của tổ chức có đủ hấp lực đối với mọi người, thí dụ sự giàu sang hay quyền lực chính trị sự tăng trưởng kích thước chỉ có thể bị ngừng lại vì áp lực của các tổ chức khác, hay vì chính tổ chức sắp trở nên bao trùm thế giới, và chỉ có lòng ham muốn độc lập quá mạnh mới làm ngưng được sự gia tăng mật độ quyền lực.
 
    Quốc gia là một thí dụ hiển nhiên nhất. Mỗi quốc gia đều nghĩ đến việc chinh phục nước ngoài khi đủ mạnh, những thí dụ trái ngược xảy ra khi một quốc gia tự biết mình không thực mạnh do kinh nghiệm, hay không tự biết sức mạnh vì thiếu kinh nghiệm. Luật chung là một quốc gia phải chinh phục đến đâu hay đến đó, và chỉ ngưng lại khi tới một biên giới có áp lực của một hay nhiều quốc gia khác cũng hùng mạnh chẳng kém. Anh quốc không xâm lăng A Phú Hãn vì ở đó Nga cũng mạnh như Anh, Napoléon bán Louisiana cho Mỹ vì không đủ sức mạnh bảo vệ miếng đất xa xôi này. Nói về những động lực nội tại mỗi quốc gia có khuynh hướng bao trùm thế giới. Nhưng quyền lực của một quốc gia ít nhiều bị chi phối bởi hoàn cảnh địa lý: nó thường tỏ ra từ một trung tâm điểm, càng ra xa càng yếu đi. Vì vậy, ở một khoảng cách nào đó nó tính từ trung tâm, quyền lực của một quốc gia cân bằng với một quyền lực của một quố gia khác. Chỗ này là biên giới, trừ khi có sự can thiệp của truyền thống.
 
    Những điều vừa nói quá trừu tượng nên ta cần thay đổi chút ít cho phù hợp với thực tế. Những quốc gia nhỏ bé tồn tại không phải do thực lực của chúng mà vì các cường quốc tranh ăn nhau. Thí dụ xưa Bỉ quốc tồn tại vì Anh và Pháp muốn vậy. Bồ Đào Nha có những thuộc địa lớn vì những đại cường không biết chia phần ra sao. Không phải mỗi lúc, lại gây chiến với một quốc gia nhỏ có thể giữ được đất lâu dài. Các lực lượng nhỏ bé rút cục cũng không ngăn được quyền lực tàn bạo hoành hành.
 
    Người ta thể viện Mỹ quốc là trường hợp ngoại lệ. Rõ ràng Mỹ có thể chinh phục Mễ Tây Cơ và toàn thể Châu Mỹ La Tinh không khó khăn gì lắm. Tuy nhiên có nhiều lý do đi ngược lại cuộc xâm lăng. Trước cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam đã chiếm được một lãnh thổ rộng lớn nhờ chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Sau cuộc Nội Chiến, nhân lực và tài lực quốc gia bị thu hút vào công cuộc khai khẩn và phát trển kinh tế miền Tây. Ngay sau khi miền Tây tạm ổn, khuynh hướng đế quốc đã làm chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha bộc phát vào năm 1898. Nhưng sau việc sáp nhập đất đai mang lại nhiều bất tiện cho Hiến Pháp Hoa Kỳ: có thêm cử tri và vùng thương mại tự do nội địa mở rộng, điều này không có lợi về phương diện kinh tế. Người ta quay về lý thuyết Monreo cổ vũ sự bảo hộ Mỹ Châu La Tinh. Cuộc chinh phục chính trị chắc chắn xảy ra nếu có lợi về phương diện kinh tế.
 
    Những kẻ cai trị luôn tìm cách gia tăng sự tập trung quyền lực trong lĩnh vực chính trị còn những kẻ bị trị thì chống lại. Sự tập trung quyền lực hoàn toàn ở các nước đế quốc thời cổ hơn trong một chế độ độc tài nhất hiện thời, nhưng trong thực tế, những điều kiện kỹ thuật giới hạn sự tập trung này. Chẳng hạn di động tính là vấn đề khẩn thiết của các vua chúa thời xưa. Ở Ai Cập và Balylonia có nhiều công lớn, nhưng sự thịnh vượng của đế quốc Ba Tư tùy thuộc ở đường bộ. Sử gia Herodotus đã mô tả con đường hoàng gia vĩ  đại dài 1500 dặm từ Sardis đến Susa; thời kỳ có các kỵ mã đưa thư, thời loạn là đường chuyển quân cho binh đội hoàng gia. Ông nói: “Dọc theo con đường có rất nhiều trạm và những khách điếm tuyệt hảo dành cho các đoàn du hành, con đường xuyên qua những vùng hoang vu, an toàn… Rời Phrygia ta phải vượt qua Halys. Một lực lượng mạnh trấn giữ nơi này … Ta phải dùng thuyền vượt qua dòng Euphrates, biên giới ngăn cách Cilia và Armenia. Ở Armenia có 15 trạm nghỉ, trên một lộ trình khoảng 180 dặm. Có một nơi có lính canh. Trong vùng có bốn dòng suối lớn phải vượt qua bằng thuyền… Tổng cộng các trạm lên tới 111” Ông tiếp tục: “Phải mất đúng 90 ngày mới đi hết với tốc độ 159 furlong một ngày (khoảng tốc độ của một quan đội)”[2].
 
    Một con đường như vậy đã giúp đế quốc bao la tồn tại, nhưng nhà vua không kiểm soát được trấn xa kỹ lưỡng. Một kỵ mã có thể mang tin từ Sardis đến Susa trong một tháng nhưng đạo quân phải mất ba tháng trời. Khi dân Ionian nỗi loạn chống Ba Tư họ biết sẽ được thảnh thơi ít tháng mới phải đánh nhau với binh đội không ở sẵn ở Tiểu Á. Mọi đế quốc cổ đều phải dẹp loạn, nhiều khi do các trấn thủ (provincial governors), và ngay cả khi không có nổi loạn thật sự, quyền tự trị địa phương không tránh được trừ khi cuộc chinh phục còn mới mẻ, và với thời gian, tự trị sẽ đưa tới độc lập. Khó mà cai trị nếu thiếu phương tiện di chuyển mau chóng.
 
    Những người Ba Tư, rồi Macedonian đã dạy Đế quốc La Mã cách tăng cường chính quyền trung ương bằng đường xá. Những xứ giả Hoàng gia có thể vượt trung bình mười dặm một giờ ngày đêm suốt vùng Tây Âu, Nam Âu, Bắc Âu và Tây Á. Nhưng vị chỉ huy quân sự kiểm soát trạm tại mỗi tỉnh nên ông ta có thể cho quân của mình di chuyển mà người ngoài không biết được. Sự nhanh chóng của các binh đoàn và sự chậm trễ tin tức thường làm lợi cho các kẻ phản loạn chống đối Hoàng Đế ở La Mã. Kể lại cuộc chuyển quân của Constantine từ Bắc Gaul xâm lăng Ý Đại Lợi, sử gia Gibbon làm nổi bật sự dễ dàng của Constantine so với khó khăn của Hannibal như sau:
 
    “Khi Hannibal đưa quân từ Gaul vào Ý, trước tiên ông ta phải khám phá, rồi mở một con đường qua núi non và qua vùng của những bộ lạc dã man chưa từng cho bất cứ quân đội chính quy nào vượt qua. Lúc bấy giờ vùng núi Alps do thiên nhiên phòng vệ. Bây giời người ta dùng nghệ thuật chiến tranh để lập đồn lũy kiên cố. Nhưng trong những giai đoạn chuyển tiếp sau này các viên tướng đi qua ít khi gặp khó khăn nào. Vào thời Constantine, những người dân miền núi là những kẻ đã văn minh và thần phục, vùng quê đầy lương thực và các con đường La Mã xây ngang dãy Alps mở nhiều trục giao thông nối Gaul và Ý Đại Lợi. Constantine thích con đường Cottian Alps, nay là núi Cenis, và chuyển quân nhanh chóng đến nổi tới đồng bằng Piedmont trước khi triều đình Maxentius ở La Mã nhận được tin tình báo xác nhận ông đã khởi hành từ sông Rhine”
 
    Kết quả là Maxentius thua trận và Thiên Chúa giáo trở nên quốc giáo. Bộ mặt thế giới có thể khác nếu người La Mã có đường xấu hơn hay một phương pháp truyền tin mau chóng hơn.
 
    Trong thời đại hiện đại các chính phủ có thể hành xử quyền hành tới những vùng xa xôi nhờ tàu thủy, tàu hỏa và máy bay. Bây giờ ta có thể dẹp tan một cuộc nổi loạn ở Sahara hay Mesopotamia trong vòng vài giờ; trong khi một trăm năm trước đây phải mất nhiều tháng mới đưa quân đội đến được, chưa kể đến vấn đề nước uống khó khăn, như trường hợp binh sĩ của Alexander chết khát ở Baluchistan.
 
     Sự truyền tin nhanh chóng cũng có tầm mức quan trọng như di động tính của nhân sự và hàng hóa. Trong cuộc chiến tranh năm 1812 trận New Orlcans xảy ra sau khi hòa bình ký kết, cả hai bên không hay biết chi cả. Vào cuộc chiến bảy năm quân đội Anh chiếm được Cuba và Phi Luật Tân nhưng các nước Châu Âu chỉ biết sau khi hòa bình được ký kết. Trước khi phát minh ra điện tín các đại sứ thời bình và tướng lãnh thời chiến phải tự mình hành động vì những chỉ thị cho họ không thể đề cập đến những biến cố mới nhất. Những phái viên (agent) của một nhóm chính phủ ở xa thường phải hành động theo phán đoán riêng, và như vậy có quyền nhiều hơn ta tưởng.
 
    Sự truyền tin nhanh chóng quan trọng, mà sự kiện đưa tin đi nhanh hơn người còn quan trọng hơn. Cho tới cách đây hơn 100 năm một chút, không có gì nhanh hơn ngựa được. Một tên cướp có thể trốn vào thành phố lân cận trước khi người ta được nghe tin tức về tội ác của hắn. Bây giờ vì tin tới trước, việc lẩn trốn khó khăn hơn. Vào thời chiến chính phủ kiểm soát mọi phương tiện giao thông nhanh chóng và nhờ vậy quyền lực gia tăng.
 
    Kỹ thuật hiện đại, nhờ đó ta có thể truyền tin mau chóng, và sử dụng đường xe lửa, điện tín, xe cộ và tuyên truyền chính quyền, khiến các đế quốc ổn định hơn thời xưa. Các satraps Ba Tư và Tổng đốc La Mã có thể nỗi loạn dễ dàng vì mức độc lập cao. Khi Alexander chết đế quốc của ông tan rã. Nhưng đế quốc của Atrila và Jenghis Khan không bền vững, và các dân tộc Âu Châu mất hầu hết thuộc địa ở Tân Thế giới. Nhưng ngày nay nhờ kỹ thuật hiện đại phần lớn đế quốc khá an ninh trừ trường hợp bị ngoại xâm, và cách mạng chỉ có thể xảy ra khi một quốc gia bại trận.
 
    Ta phải để ý rằng những nguyên do kỹ thuật không hoàn toàn giúp sự hành xử quyền hành của nhà nước ở nơi xa dễ hơn, về một vài khía cạnh chúng có tác dụng trái ngược.
 
    Binh đội của Hannibal tồn tại trong nhiều năm mà không cần giao tiếp với bên ngoài trong khi một đạo quân hiện đại lớn không sống hai ba ngày trong những hoàn cảnh tương tự. Khi chỉ sử dụng các tàu buồm, các đội Hải quân có thể hành động ở khắp thế giới, hiện nay, vì chúng phải tái tiếp tế nhiên liệu luôn luôn chúng không thể hoạt động quá lâu xa căn cứ. Vào thời Nelson, nếu Anh quốc làm chủ mặt biển một vùng; sẽ làm chủ khắp nơi; hiện nay, dù Anh quốc làm chủ hải phận của mình, lực lượng họ yếu ở Viễn Đông và không dám lai vãng đến bể Baltic.
 
    Tuy nhiên, lệ chung là hành xử quyền hành ở những điểm xa trung tâm hiện nay dễ hơn xưa. Kết quả là sự gia tăng cường độ cạnh tranh giữa các quốc gia.
 
    Xét về phương diện kỹ thuật một quốc gia toàn cầu có thể tạo dựng được mà chủ nhân ông sẽ là kẻ chiến thắng trong một trận thế chiến quan trọng hay quốc gia trung lập hùng mạnh nhất.
 
    Những câu hỏi liên quan tới mật độ của quyền lực rất phức tạp và quan trọng. Ở những quốc gia văn minh hiện nay, Nhà nước hiếu động hơn thời trước rất nhiều. Nhà nước tham dự vào hầu hết lãnh vực hoạt động như ở Nga, Đức và Ý chẳng hạn. Vì con người yêu chuộng quyền lực và bình thường mà nói, những người tạo được quyền lực càn ham quyền lực hơn, chúng ta thấy trong hoàn cảnh bình thường những người kiểm soát guồng máy Nhà nước thường muốn gia tăng những hoạt động quốc nội (internal activities) cũng như mở rộng lãnh thổ (solid reasons) để gia tăng những nhiệm vụ của Nhà Nước, người dân thường như đã được sửa soạn để tuân theo những ý muốn của chính phủ trong phạm vi này. Tuy nhiên, con người hẳn vẫn muốn độc lập mà tinh thần này có lúc đủ mạnh để ngăn chận sự gia tăng mật độ của tổ chức dù chỉ tạm thời thôi. Kết quả là lòng yêu độc lập của người dân và lòng yêu quyền lực của viên chức chính quyền sẽ tương đương nhau khi tổ chức đã đạt tới trình độ khả quan, cho nên nếu tổ chức gia tăng thì lòng yêu độc lập mạnh hơn và nếu tổ chức suy giảm lòng yêu quyền lực mạnh hơn.
 
    Trong hầu hết trường hợp lòng yêu độc lập không phải là ghét bỏ mơ hồ sự can thiệp bên ngoài, nhưng là chán ghét một hình thức kiểm soát nào đó của chính quyền – chẳng hạn như ngăn cấm, quân dịch, sự đồng loạt về tôn giáo v.v… Một đôi khi những tình cảm này có thể dần dần gạt bỏ bằng tuyên truyền và giáo dục, vì chúng làm suy yếu ý hướng mưu tìm sự độc lập cá nhân. Nhiều động lực liên kết để tạo nên hiện tượng đồng loạt trong những cộng đồng hiện nay; nhà trường, báo chí, điện ảnh, phát thanh, luyện tập (drill) v.v… Mật độ dân số cũng đem tới hậu quả này. Tình trạng thăng bằng tạm thời giữa tình cảm độc lập và lòng yêu quyền lực đang nghiêng dần về phía quyền lực trong đời sống hiện nay, đưa đến khuynh hướng tạo dựng những chế độ độc tài. Giáo dục có thể làm suy yếu lòng yêu độc lập đến mức độ khó lường nổi. Không thể biết mức độ nhà nước gia tăng từ quyền lực nội bộ đến đâu thì có nổi loạn; nhưng chúng ta tin là với thời gian nó có thể gia tăng vượt xa mức hiện thời của những quốc gia độc trị (autoratre) nhất.
 
    Những tổ chức không phải là nhà nước cũng tuân theo những luật chúng ta vừa xét, ta cần lưu ý là những tổ chức này không thể dùng sức mạnh. Tôi không xét những tổ chức như hội ái hữu vì chúng không bao hàm sự thôi thúc của quyền lực. Những tổ chức quan trọng nhất ở đây là đảng chính trị, giáo hội và các tổ hợp kinh doanh. Đa số giáo hội nhằm đến toàn thế giới kể cả những giáo hội không đáng kể; các giáo hội cũng muốn can dự vào những nhiệm vụ riêng tư nhất của tín đồ, như hôn nhân và việc giáo dục con cái. Khi nào có thể được, các giáo hội chiếm hữu cả những nhiệm vụ của nhà nước ở Tây Tạng và lãnh địa thánh Phê-rô và ít nhiều ở khắp Đông Âu cho đến thời Cải cách (the Reformation). Trừ ra một vài trường hợp, tham vọng của các giáo hội chỉ bị giới hạn bởi sự thiếu cơ hội, và sự sợ hãi những cuộc nổi loạn dưới hình thức tà giáo hay ly khai. Tuy nhiên chủ nghĩa quốc gia đã giảm thiểu rất nhiều quyền lực của các giáo hội tại nhiều nước và nhiều tình cảm khi xưa có lối thoát ở tôn giáo thì nay được nhà nước giải tỏa (1.tr.206). Sự giảm thiểu sức mạnh của tôn giáo một phần là nguyên do, một phần là hậu quả của chủ nghĩa quốc gia và sức mạnh gia tăng của các quốc gia có chủ quyền.
 
    Mãi cho đến gần đây các đảng chính trị là những tổ chức rất lỏng lẻo không cố gắng là bao trong việc kiểm soát các hoạt động của đoàn viên. Suốt thế kỷ 19 các dân biểu nhiều khi bỏ phiếu chống lại các lãnh tụ đảng nên ta khó mà tiên liệu được các hành vi chính trị của họ. Các chính trị gia Walpole, North và Pitt (the younger Pitt) dùng tiền bạc kiểm soát các ngươi ủng hộ; nhưng sau khi tiền bạc không còn dồi dào và chính trị hãy còn tính cách trưởng giả các chính quyền lãnh tụ các đảng vô phương gây áp lực hữu hiệu. Hiện nay nhất là trong đảng Lao Động Anh, các đảng viên tuyên thệ theo đúng đường lối chính thống và kẻ nào bội hứa coi như sự nghiệp chám dứt và phải hao tài tốn của. Người ta đòi hỏi hai loại trung thành: sự trung thành với chương trình, trong ý kiến phát biểu; và sự trung thành với lãnh tụ, trong các hành xử hằng ngày. Chương trình được quyết định theo lề lối bề ngoài có vẻ dân chủ, nhưng thực ra do ảnh hưởng của một thiểu số những kẻ giật dây. Quyền quyết định, là của các lãnh tụ với những hoạt động ở nghị trường hay trong chính quyền. Nếu họ quyết định không thi hành, bổn phận của các người theo họ là bỏ phiếu chấp thuận, trong khi luôn luôn rêu rao trong các diễn từ là chương trình đã được thực thi nghiêm chỉnh. Chính hệ thống này giúp các lãnh tụ coi rẻ các đảng viên thường (rank-and-file supporters) và hô hào những cải cách mà không thi hành gì cả.
 
    Nhưng mặc dầu mật độ tổ chức trong các đảng chính trị đã gia tăng nhiều, những đảng dân chủ thua xa các đảng Cộng sản; Phát xít và quốc xã. Dưới nhãn quan lịch sử và tâm lý, các đảng sau này không phải là thối thân của đảng chính trị mà là của hội kín. Dưới một chế độ độc tôn, những người muốn cải cách triệt để phải lui vào bí mật, và khi họ hoạt động chung với nhau, sự lo sợ bị phản bội đưa tới kỷ luật rất chặt chẽ. Phải có một lối sống rất đặc biệt mới ít bị gián điệp phát giác. Sư nguy hiểm, sự bí mật, sự đau khổ hiện tại và lòng hi vọng chiến thắng tương lai tạo nên một lòng nhiệt thành cuồng tín, và hấp những kẻ có khuynh hướng nồng nhiệt. Vì lẽ đó trong một hội kín cách mạng, ngay cả khi hội này có mục đích tạo nên tình trạng vô chính phủ, lề lối sinh hoạt của hội rất ư là khắc nghiệt và nhất cử nhất động đều bị dòm ngó, xét nét. Sau khi Napoléon bại trận, Ý Đại Lợi có rất nhiều hội kín, một số theo lý thuyết cách mạng, một số tham gia những hoạt động tội ác. Ở Nga Sô khủng bố gia tăng. Cả những người Cộng Sản Nga và phát xít Ý thấm nhuần sâu xa tâm thức hội kín, và các đảng viên quốc xã được rập khuôn y hệt. Khi các lãnh tụ của họ nắm được chính quyền, họ cai trị quốc gia với cùng một tinh thần như khi điều hành đảng. Và người ta đòi các người theo họ phải phục tùng triệt để.
 
    Sự gia tăng kích thước của các tổ chức kinh tế đã gợi cho Marx những ý niệm của ông ta về động học lực quyền lực (the dynamics of power). Phần lớn những điều ông nói đã được chứng minh, nhưng những điều này đúng cho tất cả mọi tổ chức giúp giải tỏa được sự thúc đẩy của quyền chứ không chỉ cho các tổ chức kinh tế. Về tổ chức sản xuất chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều tổ hợp của một cường quốc và các chư hầu, nhưng chúng ta sẽ ít thấy những tổ hợp toàn cầu (worldwide trust) ngoại trừ trong khu vực sản xuất vũ khí. Kinh doanh lớn liên kết chặt chẽ với Nhà nước vì hàng rào quan thuế (tariffs) và các thuộc địa. Sự xâm lăng trong lĩnh vực kinh tế tùy thuộc vào sức mạnh quân sự của quốc gia gốc tổ hợp. Đã hết thời cạnh tranh kinh tế thuần túy. Tương quan giữa đại kinh doanh và Nhà nước chặt chẽ và rõ ràng ở Ý và Đức hơn trong các nước dân chủ, nhưng chúng ta không thể cho rằng đại kinh doanh dưới chế độ Phát xít kiểm soát Nhà nước (chi phối) nhiều hơn ở các quốc gia Anh, Pháp hay Mỹ. Trái lại ở Ý và Đức, Nhà Nước đã đưa ra chiêu bài chống cộng sản phá hoại để nắm lấy toàn quyền kiển soát đại kinh doanh cũng như mọi lĩnh vực khác, thí dụ ở Ý, tư bản bị kiểm soát chặt chẽ trong khi thế lực tư bản đã bóp ngẹt một biện pháp tương tự nhẹ hơn do đảng Lao động Anh đưa ra.
 
    Khi hai tổ chức với những mục tiêu khác biệt nhưng không xung khắc kết hợp lại, chúng ta sẽ có một tổ chức mới mạnh hơn cả hai tổ chức cũ. Trước chiến tranh tàu Đại Bắc (Great Northern) chạy từ Luân Đôn đến York, tàu Đại Đông (North Eastern) từ York đến Newcastle, và Bắc Anh (North British) từ Newcastle đến Edinburgh, nay thì tàu xuyên dương (Liner) chạy mọi lộ trình và rõ ràng mạnh hơn cả ba công ty xưa hợp lại. tương tự như vậy trong toàn ngành kỹ thuật thép sẽ có lợi nhiều hơn nếu một tổ hợp duy nhất điều khiển mọi công việc liên quan đến thép, từ giai đoạn khai quặng đến đóng tàu. Vậy khuynh hướng tự nhiên là tiến tới kết hợp (combination), và sự kiện này vượt qua khỏi cả lĩnh vực kinh tế nữa. Theo tiến trình tự nhiên, tổ chức mạnh nhất, thường là nhà nước, phải nắm tất cả mọi tổ chức lẻ tẻ khác. Như vậy rồi chúng ta sẽ thấy Quốc Gia Toàn Cầu được thành lập, nếu như mục đích của các quốc gia không xung khắc nhau. Nếu mục đích của quốc gia là giàu có, sức khỏe, thông thái hay hạnh phúc của công dân, thì sẽ không có xung khắc, nhưng vì những mục tiêu này, xét riêng và chung, không được coi quan trọng ngang nhau với quyền lực quốc gia, những mục tiêu của các quốc gia xung đột với nhau, và kết hợp thành một khối duy nhất chỉ làm tình hìn them trầm trọng. Như vậy Quốc Gia Toàn Cầu chỉ có được nếu có quốc gia nào chinh phục được thế giới, hoặc là khi toàn thế giới chấp nhận một tín niệm siêu quốc gia như chủ nghĩa xã hội cộng sản.
 
    Một quốc gia không tăng trưởng quá một giới hạn nào đó vì chủ nghĩa quốc gia, chính trị đảng phái và tôn giáo cũng có giới hạn nào thôi. Tôi đã gắng sức nghiên cứu các tổ chức như là chúng có một đời sốn biệt lập với mục đích của chúng. Chúng ta cần để ý là có thể nghiên cứu theo đường lối này đến một mức độ nào đó thôi. Quá mức này, chúng ta còn phải xét tới đam mê mà tổ chức kêu gọi tới.
 
    Chúng ta có thể coi các ham muốn của cá nhân xếp thành nhóm, mỗi nhóm gọi là một tình cảm (sentiment). Nhưng tình cảm quan trọng về phương diện chín trị gồm có lòng yêu quê hương, gia đình, xứ sở, lòng yêu quyền lực, lòng yêu hưởng thụ v.v… còn phải kể những tình cảm ghét bỏ, thí dụ như lòng sợ đau đớn, lười biếng, ghét người ngoại quốc, sự thù ghét các tín niệm xa lạ v.v… Vào bất cứ lúc nào, những tình cảm của con người là sản phẩm phức tạp của bản tính anh ta, quá khứ và những hoàn cảnh hiện tại. Môt tình cảm mà mọi người thích cảm thấy chung với người khác hơn là riêng rẽ, sẽ tạo ra một tổ chức hay nhiều tổ chức hỗ trợ họ, nếu có cơ hội. Lấy ví dụ tình gia đình (family sentiment) đã làm phát sinh nhiều tổ chức lo về nhà ở, giáo dục, bảo hiểm nhân mạng – những gia đình thấy quyền lợi của họ được bảo đảm bởi nhữn tổ chứ trên. Nhưng gia đình cũng tạo ra những tổ chức phục vụ quyền lợi của một gia đình chống lại những gia đình khác (gia đình họ Montague và Capulet). Nhà Nước thế tập (dynastic) là một tổ chức loại này. Quý tộc là những tổ chức tạo nên đặc quyền cho một số gia đình song làm thiệt hại đến cộng đồng. Những tổ chức như vậy luôn luôn bao hàm những tình cảm sợ, ghét, khinh v.v… Khi những tình cảm này mạnh mẽ quá, chúng gây trở ngại cho sự tăng trưởng của tổ chức.
 
    Chúng ta hãy tìm một vài trường hợp trong lịch sử tôn giáo. Ngoại trừ ở một vài thế kỷ vào đầu kỷ nguyên Ky tô Giáo (Christian era), người Do Thái không hề muốn cải giáo những người ngoại (Gentiles); họ hài lòng được là Dân chọn (chosen People). Thần đạo khó hấp dẫn người ngoại quốc vì theo đạo này thì Nhật Bản có trước mọi nước khác. Mọi người biết truyện Auld Lichts khi tới Thiên Đàng, bị ngăn không cho gặp các người khác đã ở đó vì người ta sợ hắn sẽ phá đám họ. Ta có thể thấy tình cảm này trong một hìn thức thê thảm hơn: kẻ bách hại thấy công việc của mình thích thú đến độ hắn không sao chịu được một thế giới không có kẻ điên rồ. vậy Hitle và Mussoloni vốn đã cho rằng chiến tranh là hành động cao quý nhất, sẽ không vui khi đã chinh phục xong toàn thế giới vì lúc đó không còn kẻ thù nào khác để chiến đấu. Cũng vì lý do tương tự, chính trị đảng phái sẽ hết hào hứng ngay khi có một đảng nắm được một ưu thế hiển nhiên.
 
    Như vậy, một tổ chức dùng những chiêu bài như lòng kiêu hãnh, ghen ghét (envy), thù ghét, khinh khi hay thú vị ganh đua[3] để hấp dẫn cá nhân khó mà còn hấp lực nếu nó trở nên bao trùm toàn cầu.
 
    Trong thế giới đầy tham sân si hiện nay, một tổ chức sẽ tan rã khi lan tràn toàn cầu, vì nó đã mất nguyên động lực (motive force).
 
    Chúng ta đã tìm hiểu tình cảm của các đoàn viên thường trong các tổ chức hơn là của các chính quyền (governments) hay ban chỉ huy (ban quản trị). Bất kể mục đích của một tổ chức là gì đi nữa, ban quản trị của nó thấy thích thú được có quyền lực và không cảm nghĩ giống như các đoàn viên thường. Ban quản trị có ý muốn chinh phục thế giới mạnh hơn các đoàn viên.
 
    Tuy nhiên có một sự khác biệt quan trọng giữa động học về các tổ chức là hiện thân những tình cảm được thỏa mãn do sự cộng tác và động học về các tổ chức mà mục đích chính yếu bao hàm sự xung đột. Đây là một đề tài lớn, hiện tôi chỉ muốn nêu ra những giới hạn của việc nghiên cứu các tổ chức mà không xét đến mục đích của chúng.
 
    Tôi đã nói đến sự tăng trưởng của một tổ chức, và sự cạnh tranh giữa các tổ chức. Để nói hết thuyết Darwin áp dụng vào đề tài này tôi sắp bàn tới sự suy tàn của tuổi già. Sự kiện mọi người phải chết, tự nó, không phải là lý do khiến mọi tổ chức chết đi, nhưng thực ra, đa sô tổ chức suy tàn. Đôi khi chúng suy tàn thê thảm vì bên ngoài, nhưng tôi chưa muốn xét tới sự kiện này. Đề tài nghiên cứu bây giờ của tôi là sự yếu ớt và chậm chạp của những tổ chức già nua, tương tự như các ông già bà cả. Chúng ta hãy quan sát Trung Quốc trước cuộc cách mạng 1911. Khi đó, Trung Quốc có một chính quyền xưa nhất thế giới; người Trung Hoa cũng tỏ ra có tài về quân sự vào thời vinh quang của La Mã và thời Caliphate; Trung Quốc có truyền thống văn minh cao liên tục và trong chính quyền gồm có những nhân viên tài giỏi đã được tuyển chọn qua những kỳ thi khó khăn. Sức mạnh của truyền thống, và sự áp chế của tập quán qua bao thế kỷ, là nguyên nhân của sự sụp đổ. Giới nho sĩ không thể hiểu rằng muốn đương đầu với các quốc gia Âu Châu thì phải canh tân. Tập quán dựa trên thành công khiến tổ chức trở nên già nua; khi hoàn cảnh đổi khác, người ta không dứt bỏ tập quán nổi. Vào những thời buổi rối loạn, những người quen chỉ huy nhận ra là người khác không còn vâng lời họ khi đã quá muộn. Hơn nữa những người muốn người khác kính trọng mình để củng cố uy quyền, với thời gian trở nên có lối sống cứng nhắc ngăn trở họ hành động, cũng như làm họ mất sự nhìn xa trông rộng, vốn là điều kiện để thành công. Vua chúa không dẫn quân ra trận được vì họ đã được thần thánh hóa; không ai dám cho vua chúa biết những sự thật chua chat, vì vua chúa sẽ cho chém đầu lập tức. Chẳng bao lâu, vua chúa chỉ còn là những biểu tượng, và người ta sẽ nhận biết là những biểu tượng này chẳng có chút giá trị gì, rất nhanh chóng.
 
    Tuy nhiên, không có lý do nào giải thích tại sao mọi tổ chức phải chết. Hiến pháp Hoa-Kỳ không đòi hỏi sự tôn kính đối với bất cứ cá nhân hay nhóm người nào đến mức làm họ trở thành ngu dốt và bất lực, và cũng không cổ vũ sự tích lũy tập quán và nguyên tắc có thể ngăn chặn việc thích ứng với hoàn cảnh (ngoại trừ định chế Tối Cao Pháp Viện một phần nào). Không có lý do giải thích tại sao một tổ chức như vậy không tồn tại mãi. Ho nên tôi nghĩ rằng, mặc dầu đa số tổ chức sẽ chết đi không chóng thì chầy, hoặc do sự tê liệt hay vì các nguyên nhân ngoại lai, chúng ta không thấy có lý do nội tại và khiến cho sự suy tàn của một tổ chức không thể tránh được. Công cuộc nghiên cứu các tổ chức sẽ sai lạc nếu chúng ta đưa nhãn quan sinh vật học đi quá xa.
 
    (còn tiếp)
 

Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn và Đàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
  Xem The Rise of Louis Napoléon của Simpson.
[2]  201, 16437 m Quyển V, chương 52, 53. Bản dịch Rawlinson.
[3]  Tôi không nói tới những cuộc thịnh diễn thể thao ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét