Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Văn chương Truyện Kiều (3)

Văn chương Truyện Kiều (3)
Chương II - Nghệ sĩ và tác phẩm

Tại sao ông Hoài Thanh lại chủ trì rằng chất thơ của Truyện Kiều và thiên tài của Nguyễn Du không thể phân tích giảng giải được?

Tại ông tin đó là những thực thể thần bí có cội rễ ở vật chất.

Có thực thế không? Có thực hai cái “tinh thần” ấy tồn tại độc lập ngoài vật chất không?

Trước hết, ta phải nhận rằng bản thể và biến thái của những sự kiện mà người ta mệnh danh là sự kiện tinh thần đó quả có bầy ra một tính cách uyển chuyển, phức tạp không thể lấy những định luật cơ khí mà hiểu thấu đáo được. Nhưng nhận như thế không phải là nhận rằng những sự kiện tinh thần không thể dùng những phương pháp và khí cụ khoa học mà phân tích. Từ giữa thế kỉ XIX, đến nay nhờ có một phương pháp cực kỳ hiệu nghiệm là biện chứng pháp duy vật, các nhà khoa học đã khám phá ra được hầu hết những định luật chi phối cuộc sống sinh hoạt tinh thần của con người và của xã hội. Bao nhiêu kế ngách u ẩn của tâm lý đều đã ghi dấu vết khám phá đắc thắng của bàn tay các nhà sinh lý học, tâm lý học, thần kinh bệnh học, xã hội học. Đến ngày hôm nay, kết quả rực rỡ của khoa học là đã đĩnh đạc đi tới quan niệm duy vật về con người về xã hộI – quan niệm mà những nhà triết học Feuerbach, Karl Marx, Engels đã cân tác nên từ khoảng giữa thế kỷ 19 ở Âu châu.

Ngày nay không có người nào đã theo kịp những kiến thức khoa học mà lại còn dám chủ trương rằng linh hồn con người là một tinh anh tồn tại biệt lập với thể chất con người. Ngày nay ai cũng hiểu rằng cái mà các nhà tôn giáo xưa gọi là linh hồn chỉ là thuộc tính của một vật hữu cơ thể được tổ chức cách nào đó. Phá hủy vật thể ấy đi, linh hồn sẽ tiêu tan. Năng lực nội tại của “linh hồn” tùy theo sự cấu tạo của cơ thể mà tinh tế hay thô kệch. Những khiếu của linh hồn (thông minh, ký ức, sáng tác) đều bị lệ thuộc mật thiết vào cuộc sinh hoạt của những nội hạch (endocrines) những bộ phận riêng trong thần kinh hệ con người. Tóm lại, quan niệm “linh hồn” đã phải nhường chỗ cho một quan niệm khoa học hơn: quan niệm “phân tích ý thức” (personnalité conscience).



Những ý thức ấy không phải vì thế mà có thuần một bản chất tâm lý thuộc về Người (người viết bằng chữ hoa). Nó còn là kết tinh phẩm của những mối tương quan xã hội trong đó con người sinh trưởng và tồn tại. Không có một bản thể người nào tuyệt đối cả. Chỉ có những con người cụ thể sống trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Trong quá trình tiến hóa, con người vì phải tác động đến ngoại giới để thay đổi nó mà đồng thời cũng thay đổi cả bản thể của mình. Cho nên, bản thể của con người thái cổ không giống bản thể của con người hiện đại. Cái gọi là bản thể con người đó chỉ là sản vật của những tương quan xã hội. Và những tương quan này ta có thể nghiên cứu một cách rất thực nghiệm được.



Con người là một vật hữu cơ thể vì được tổ chức một cách đặc biệt mà có ý thức được về bản ngã mình và ngoại giới. Ý thức ấy nẩy nở ra trong khi con người hành động, và bao nhiêu hình thái thay đổi của nó qua thời gian và không gian đều do đời sống xã hội cấu tạo nên. Không có cơ thể không có ý thức. Mà không có xã hội thì ý thức con người cũng im lìm thô kệch, không thành hình. Ý thức của con người (tức là linh hồn) – dù là một con người tài năng lỗi lạc – tựu chung chỉ là sản phẩm kết tinh của cơ thể cá nhân và của tổ chức xã hội.



Trong tập sách luận về Nghệ thuật xét quan điểm xã hội học[1] ông Guyan có lập một giới thuyết về nghệ sĩ như sau đây: “Là nghệ sĩ tức là quan sát sự vật theo một thị dạ[2] kỳ đặc trong nội giới, tức là không đứng cùng một góc với bất kỳ ai để quan sát sự vật. Thường thường trung tâm thị dạ của một người là cái bản ngã, cái mớ trạng thái ý thức của người ấy, mà bản ngã lại là một hệ thống ý tưởng và hình ảnh phối hợp với nhau theo một cách thức nào đó – cho nên quan sát một vật tức là đem hình ảnh vật ấy gia nhập vào phạm vi một hệ thống phối hợp riêng, đem bọc nó trong một cơn lốc hình ảnh và ý tưởng” (trang 81).



Nhưng cái gì cấu tạo ra bản ngã ấy? Tại sao nghệ sĩ lại có một cách phối hợp những tương quan của sự vật khác hắn người thường? Sức mạnh nào đã nhào nặn cho nghệ sĩ một hệ thống phối hợp tâm lý riêng biệt?



Các nhà tâm lý học duy tâm sẽ trả lời chúng ta rằng sức mạnh đó là cái linh tính của nghệ sĩ do trời phú bẩm cho từ thuở lọt lòng. Nói theo W. Stenu, thì đó là một ơn huệ huyền bí của đấng thiêng liêng ban cho con người – một cái mystérium.



Các nhà tâm lý học duy vật – bắt đầu từ H. Taine – đã phá đổ quan niêm lạc hậu ấy. Họ dựa vào những kết quả chắc chắn của các khoa sinh lý học, nội hạch học, thần kinh bệnh học, tâm thần bệnh học… để khám phá những định luật đã chi phối sự cấu thành cái mà họ gọi là cá tính, ý thức của con người. Họ khởi điểm sự nghiên cứu từ những nguyên tắc căn bản này:



1. “Dù bản chất huyền diệu đến đâu, dù cách phát hiện tế toái đến đâu, những hiện tượng thuộc về sinh vật cũng phải nằm trong phạm vi chi phối của luật nhân quả chứng nghiệm (Claude Bernard).



2. “Tư duy là thuộc tính của cơ thể” (Feuerbach).

3. “Đời sống tinh thần bắt rễ ở yếu tố sinh lý mà phát triển lại ở ngoài xã hội” (Th. Ribot)



4. “Tinh thần con người là kết tinh của các tương quan xã hội” (K. Marx)



5. Sự tiến hóa ở đâu đâu cũng bầy ra tính cách vượt bực theo quy luật lượng đổi chất đổi” (Hegel).



Đó là năm cái công chuẩn họ đã dùng làm phương pháp (postulats méthodologiques) để nghiên cứu cá tính con người. Năm công chuẩn ấy càng ngày càng được minh chứng rực rỡ trong các phòng thí nghiệm khoa học về sinh vật và xã hội[3].



Theo lý thuyết mới nhất của các nhà tâm lý hướng nghiệp học về nhân tính thì ở mỗi người chúng ta cơ thể và thần kinh hệ được tổ chức một cách riêng. Cho nên mỗi người cũng phải có những sắc thái tinh thần riêng biệt. Cái tổ chức cơ thể và thần kinh hệ riêng ấy là một sản vật tổng hiệp của những yếu tố sinh lý di truyền rất phức tạp. Bởi là sản vật tổng hiệp nên có nhiều tính cách mới mà các yếu tố cấu tạo ra nó không có. Hiện tượng phối hóa này rất thường thấy trong các phòng thí nghiệm hóa học, không có gì là huyền bí cả.



Cái tổ chức cơ thể và thần kinh hệ của cá nhân lại phải chịu ảnh hưởng quyết định của hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh xã hội. Nó chứa đựng những năng khiếu tiềm tàng, sơ nguyên bất thành dạng. Cá tính của một người chính là kết quả của thể cách phối trí các năng khiếu sơ nguyên ấy. Mà “cái xu thế phát triển và thành hình của mỗi năng khiếu đó, cái hình thức chi phối trong đó năng khiếu kia bị hút vào tại phần lớn bị thuộc lệ vào giáo dục và thưởng là bị tùy thuộc vào những điều kiệu sinh hoạt của hoàn cảnh xã hội” (Hoffding; Psychologie).



Bởi vậy, cá tính một người tuy gốc ở yếu tố sinh lý mà bổ chất, dạng thái và xu thế phát triển lại do xã hội chỉ định.

Vì thế, dù cá tính ấy có đặc sắc đến đâu cũng vẫn chứa một thành phần xã hội rất to, một tính cách chung với đẳng cấp của nó.



“Victor Hugo, Eugène Delacroix và Hector Berlioz mỗi người sở trường về một ngành nghệ thuật khác hắn nhau. Ba người, kể về tâm tính và sở thích, lại xa nhau lắm. Đại khái, Victor Hugo không ưa âm nhạc, mà Delacroix lại miệt thị những nhạc sĩ lãng mạn. Vậy mà các người đồng thời với họ đều mệnh danh họ là bộ ba lãng mạn (Trinité romantique). Trong tác phẩm của ba người đều bộc lộ ra một tâm lý giống nhau. Người ta có thể nói rằng bức họa Dante et Virgile của Delacroix biểu hiện cùng một trạng thái tâm hồn với vở kịch Hernani của Victor Hugo và bản đàn Symphonie fantastique của Berlioz… Cái tâm lý của trào lưu lãng mạn Pháp chỉ có thể hiểu được khi ta nhìn nhận nó là tâm lý của một đẳng cấp nhất định sinh hoạt trong những điều kiện xã hội và lịch sử nhất định” (Plékhanov).



Cho nên muốn hiểu cá tính một nghệ sĩ, phải khảo xét đến những điều kiện xã hội, lịch sử, đẳng cấp, địa dư, di truyền đã dự phần vào sự cấu tạo ra nó. Lại phải xét đến cái khả năng hoạt động, phản động, và thích ứng của cơ thể và của thần kinh nghệ sĩ cùng những trường hợp ảnh hưởng qua lại của cá thể nghệ sĩ với cuộc sống chung quanh.



Hẵng cho ta biết nghệ sĩ có một cơ thể cấu tạo như thế nào, một bộ thần kinh tổ chức như thế nào, một di truyền gia tộc như thế nào, và hấp thọ một nền giáo dục như thế nào, thuộc vào một đẳng cấp nào ở một xã hội nào trong giai đoạn lịch sử nào ta sẽ có thể tiên đoán được tất cả các hệ thống ý thức (tư tưởng, tình cảm, tâm lý) của nghệ sĩ và cả cái vận mạng nghệ thuật của hắn nữa. Thiên tài có phải là một hiện tượng phi thường gì đâu. Nó cũng được thai nghén, được cấu tạo, được phát triển, được thành tựu rồi cũng tàn héo tiêu vong như bất kỳ một vật nào trong thế giới vật chất xã hội.



Tóm lại, “linh hồn” của con người, - dù là của một thiên tài – dưới mắt nhà khoa học, cũng không còn là một tinh anh huyền bí nữa. Nó là một khối trạng thái ý thức bị lệ thuộc chặt chẽ vào cơ thể cá nhân và hoàn cảnh xã hội. Nó đã được nhà khoa học phân tích bằng những khí cụ rất tinh tế. Vẫn hay rằng công trình phân tích này đang “đi tới’, và chưa đạt được những kết quả thật mỹ mãn. Nhưng nếu vì thế mà phủ nhận khả năng của khoa học thì thật là tự bịt lấy mắt không cho hiểu nữa.



Chương III - Nghệ sĩ và tác phẩm (tiếp theo)



Cái “thiên tài” của Nguyễn Du, ta đã có thể phân tích ra từng yếu tố thì cái “chất thơ bàng bạc trong Truyện Kiều”, “cái đẹp của Truyện Kiều” ta cũng có thể mổ xẻ đến nội tạng của nó được. Cái “chất thơ” kia đâu có phải là một thực thể thiêng liêng ở trên không rơi xuống nhập vào những lời thơ của Truyện Kiều. Nó chỉ là một sáng tạo phẩm của một con người có thực – là Nguyễn Du. Mà tinh hoa của một thi phẩm là gì nếu không phải là tinh túy ý thức của chính thi nhân? Tinh túy chứ không phải phản ảnh thô sơ.



Tác phẩm không phải là một cái gì ở nhân tính của nghệ sĩ xuất phát ra theo một trực tuyến. Nó là một vật kết tinh chứ không phải một tiểu sử. Vừa kiến thiết nó, nghệ sĩ cũng vừa kiến thiết luôn cả chính hồn thể mình nữa. Nó là một phương tiện để nghệ sĩ thỏa mãn những nhu cầu riêng, mà cũng là một khí cụ nghệ sĩ dùng để phóng ra ngoài và truyền lan đến người khác cá tính của mình, tác phẩm là sự thể hiện của cuộc đời tâm giới, là cách tóm bắt những mộng tưởng bằng các hình thức vật chất. Nói theo các nhà tâm phân bệnh học thì tác phẩm là một cái gì u ẩn bị dồn ép trong tâm khảm được thực hiện ra ngoài (V. Feldman: L’ esthetique francaise contemporaine, tr. 46 - 47).



Như vậy, “chất thơ bàng bạc trong Truyện Kiều” chỉ là phản ánh chất tình cảm của thi sĩ Nguyễn Du – không phải cái cung bực tình cảm “hiện tại” của tâm hồn thi sĩ, mà là cái cung bực u ẩn, bị dồn ép, chưa phát xuất ra được. André Gide đã có lần tự thú: “Những tác phẩm của chúng ta không phải là những chuyện thực của đời chúng ta mà chính là những ao ước rền rĩ, sự mong mỏi một cuộc sống đang bị cấm đoán, sự mong mỏi những hành vi mà xã hội không cho phép làm. Và mỗi tác phẩm chỉ là một lần tìm cách khác để vươn đến sự ao ước đó” (Le Retour de l’enfant prodigue).



Chất sống tình cảm của Nguyễn Du vươn đến một thế giới mong ước nào? Trả lời được câu hỏi này tức là tìm được đến cội rễ của “chất thơ bàng bạc trong Truyện Kiều”. “Tìm được bản tính của chất thơ ấy, ta sẽ cắt nghĩa được dễ dàng “cái đẹp của Truyện Kiều”. Ta không cần phải “im hơi, nhẹ bước mới hòng nhận thấy “cái đẹp khi dịu dàng thùy mị khi tráng lệ huy hoàng” của Đoạn trường tân thanh.



Cái đẹp hay cái chất thơ của Truyện Kiều, ta cũng chỉ có thể thưởng thức bằng phương pháp khoa học, bằng khí cụ khoa học. Muốn “cảm” thấy một “cái đẹp” hay một “chất thơ” ta vẫn phải dùng đến – dù là vô tình – trí tuệ nhiều hơn các năng khiếu khác. Nhiều người tưởng rằng lúc họ “cảm” cái đẹp là lúc trí tuệ họ không dự phần vào. Những người ấy không hiểu gì về quá trình thành tựu của một hiện tượng ý thức cả. Thực ra khi họ tiếp xúc với một tác phẩm mỹ thuật bằng ngũ quan thì lập tức trí tuệ họ đã can thiệp ngay vào cái quá trình biến những cảm giác thô sơ ấy thành trạng thái mỹ cảm rồi. Theo sự nghiên cứu của nhà tâm lý học Th. Ribot ở một người thường, tổng số các trạng thái ý thức rất ít so với tổng số các kích động thần kinh. Bởi vậy nhân tính ý thức của một người không thể là biểu tượng của tất cả những sự trạng xảy đến ở các trung khu thần kinh của người ấy. Nó chỉ là một chất tinh túy rút ở đó ra một hình thái thư lại của các sự trạng ấy”.



Mà trong quá trình của sự thu hút ấy, trí tuệ đóng vai trò quan hệ nhất. “Cơ thể chúng ta luôn luôn bị kích thích vì những giác cảm do ngũ quan chuyển vào. Nhưng cách thức những cảm giác ấy đi được đến cõi ý thức và cái giá trị ban cho các hình ảnh bên ngoài thì ở mỗi người lại một khác. Phân tích đến kỳ cùng, ta nhận thấy rằng giá trị mà ta ban cho các hình ảnh tùy thuộc vào những loại kiến thức của ta trong đó ta đậu những hình ảnh kia…” (M. Lahy Houllebecque).



Một người nhà quê Việt Nam đi qua một cây đa có những bình vôi ở dưới gốc, đột nhiên “cảm” thấy một thành kính sợ hãi, ấy là bởi từ cái nhìn của mắt (thấy cây đa và bình vôi) đến cái trạng thái tình cảm kia (thành kính sợ hãi) đã có một cái tam lăng (prisme) nằm ở giữa. Tam lăng ấy là cái loại kiến thức, khái niệm mà người nhà quê mê tín đã học được từ xã hội, cho rằng “thần cây đa ma cây đề”, hễ người trần mắt thịt đi qua đó gặp “ngài”, thì sẽ bị ngài bắt mất vài cái “vía”, v.v. Bao nhiêu cảm giác của mắt hắn thu nhận được muốn vào đến cõi ý thức hắn phải biến tính theo tính chất của “loại kiến thức” có sẵn trong óc hắn.



Một thí dụ ấy đủ hình dung cái quá trình phát sinh ra mỹ cảm. Một cảm xúc mỹ thuật đồng thời vừa là kết quả của một tinh tác trí tuệ (elaboration intellectuelle) vừa là kết quả của một thể trừu tượng hóa về tình cảm (abstraction sentimentale). Nó vừa có tính chất xã hội vừa có tính chất cá nhân.



Vả lại, cái đẹp trong nghệ thuật vốn là một loại quan niệm hoàn toàn do con người sáng tác ra. Đó là một giá trị kỹ thuật chứ không phải một giá trị tự nhiên. “Thế giới tự nhiên chỉ có giá trị nghệ thuật khi nó được nhìn qua một nghệ thuật, được phổ vào tiếng nói của những tác phẩm do một khối óc đã dùng một kỹ thuật để sáng tạo ra” (Lalos, Esthétique). Kỹ thuật đó cũng là một sản vật xã hội. Cá nhân biệt tài (nghệ sĩ) là người biết chiều theo cái xu thế mật thiết của cá tính mình mà vận dụng khéo léo cái sản vật xã hội đó ấy tự thực hiện ra bằng những hình thức. Ngay trong kỹ thuật, thị hiếu mỹ thuật của xã hội đã dự phần vào rất nhiều rồi. Đến khi tác phẩm thành hình thì xã hội lại dùng thị hiếu mỹ thuật ấy để định giá, hoan nghênh hay bài trừ. Mà sở dĩ sự hoan nghênh hay sự bài trừ thường rất kịch liệt là bởi thị hiếu và tình cảm mỹ thuật là một yếu tố căn bản trong hệ thống ý thức của xã hội. Nó là người phương diện của sự sống.



Bởi lẽ đó, cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật một phần là sản phẩm của cá tính nghệ sĩ, và một phần nữa cũng là sản phẩm của kỹ thuật và của thị hiếu mỹ thuật xã hội. Ba cái đó chế hóa với nhau rồi cấu tạo ra tác phẩm. Đã phân tích được cá tính nghệ sĩ, đã phân tích được kỹ thuật và thị hiếu mỹ thuật của xã hội thì cái đẹp của tác phẩm không còn là một con sư thân (sphynx) huyền bí nữa. Ta có thể phân tích nó như các nhà bác sĩ phân tích một “chất” trong phòng thí nghiệm – chỉ khác một điều là cái đẹp kia bắt rễ ở một vật sống luôn luôn vận chuyển và biến hóa. Muốn tránh khỏi tật “máy móc” trong khi phân tích cái đẹp của một tác phẩm thì ta phải thông hiểu cả đến những định luật của sự vận chuyển biến hóa thường xuyên của sự vật nữa. Ta phải có một phương pháp xây trên hai quan niệm duy vật và biện chứng về cái đẹp, về tác phẩm, về nghệ thuật.



Với phương pháp này thì bao nhiêu bí mật của “thế giới tinh thần” sẽ phải hiện trần trụi ra trước mặt ta - chưa hiện hôm nay thì ngay mai cũng phải hiện ra, vì cái phức tạp, cái biến hóa của “thế giới tinh thần” ấy cũng đều có một cội rễ vật chất mà ta có thể dùng khí cụ hóa học đo được, nhìn được, ăn được, tính toán được, điều khiển được.



Không công nhận những kết quả rực rỡ của khoa học hiện tại, không tán thành và áp dụng biện chứng pháp duy vật, cứ khư khư cố chấp ôm lấy những quan niệm đã lỗi thời về linh hồn, về thiên tài, về cái đẹp, về nghệ thuật: đó là thái độ của những người phản động.



Thi sĩ Goethe đã có câu “Tất cả những thời kỳ phản tiến hóa đều thiên về chủ quan luận”. Nhà văn hào Henri Barbusse cũng đã viết “Xu hướng thoái hóa bao giờ cũng lấy căn cứ địa ở “tâm giới” để tránh xa các sự kiện cụ thể, vì rằng ở địa hạt tâm giới, người ta dễ ngụy biện, dễ không đàm khoát luận muốn nói trắng nói đen thì nói, khó biết lấy tiêu chuẩn gì mà kiểm sát được”.



Quan niệm của ông Hoài Thanh về thiên tài, về cái đẹp, và lòng hoài nghi của ông đối với khoa học cũng đều có tính cách duy tâm, chủ quan – nghĩa là cũng thoái bộ và phản động vậy[4].



Cái đẹp của một tác phẩm có thể phân tích được, “chất thơ” của một áng thi ca có thể giải thích được, “thiên tài” của một nghệ sĩ, linh hồn của một xã hội có thể đem mổ xẻ ra được. Những công việc mổ xẻ, giải thích, phân tích ấy, ta chỉ có thể làm được mỹ mãn mà không phạm vào tật “máy móc” khi nào ta lĩnh hội được và khéo biết áp dụng biện chứng pháp duy vật. Chỉ có dùng biện chứng pháp duy vật mới có thể hiểu được “chất thơ” kia, thưởng thức được cái đẹp kia, cảm thông được linh hồn kia, đánh giá được thiên tài kia.



Đó là những định lý căn bản mà tôi dùng làm kim chỉ nam trong khi đi tìm “chân giá trị” của Truyện Kiều.



Chương IV - Chất thơ là gì?



Ông Hoài Thanh đã nói đến “chất thơ bàng bạc” trong Truyện Kiều; ông Nguyễn Mạnh Tường nói đến “thi vị” chứa chan của nó. Một mặt nữa, ông Hoài Thanh cũng như bao nhiêu nhà phê bình khác lại nói đến “cái đẹp” của tập thơ “tuyệt diệu” ấy, “cái đẹp khi dịu dàng thùy mị, khi tráng lệ huy hoàng… cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên”. Ông Đào Duy Anh cũng ca tụng “cái hay” của Truyện Kiều và thú nhận rằng: “Cái hay của Truyện Kiều không ai là không cảm thấy. Nhưng hiểu biết cho hết cái hay ấy là một điều rất khó, mà giải thích cho ra hết cái tinh vi uẩn áo ấy là một điều khó nữa” (Tựa – Khảo luận về Kim Vân Kiều).



Truyện Kiều hay, Truyện Kiều đẹp, Truyện Kiều đầy thi vị, Truyện Kiều súc tích chất thơ: những câu phẩm bình dị ấy ta thường được nghe nhắc đến luôn luôn hoặc trên mặt báo chí hoặc trong các buổi diễn thuyết kỷ niệm thi sĩ Tố Như. Nhưng chất thơ kia là gì? Cái đẹp, cái hay kia là gì? Những yếu tố chủ quan hay khách quan nào làm thành chất thơ đó, cái đẹp đó? Thì tuyệt nhiên, không có ai đề cập đến.



Luận về một vấn đề mà không lập giới thuyết minh bạch cho những khái niệm cơ bản quan hệ mật thiết với vấn đề ấy thì lời bàn sẽ phải hồ đồ, viển vông, không bổ ích gì cho sự học vấn cả. Không định nghĩa những danh từ dùng đến: đó là thông tật của hầu hết các bình giả xứ ta. Khuyết điểm này đủ tỏ rằng ta chưa lập được những thói quen khoa học, chưa có một tinh thần phương pháp chu đáo trong khi nghiên cứu, suy luận và phô diễn. Trong một bài báo viết từ năm 1935[5] ông Phạm Văn Hùng đã phàn nàn về khuyết điểm ấy và kết luận:



“… Sự cần phải định nghĩa là sự cần chung cho mọi xứ, mọi thời mọi khi suy luận và tư tưởng. Không định nghĩa, không biết định nghĩa bao giờ cũng là một điều bất lợi cho sự truyền đạt tư tưởng và cảm tình… Cho nên cần phải định cho rõ rằng cái nghĩa của chữ mình dùng trong văn chương, trong nghị luận…” (trang 44 và 49).



Theo đúng nguyên tắc ấy, trước khi phân tích và phê bình chất thơ cùng cái đẹp của Truyện Kiều, chúng ta phải định nghĩa thế nào là chất thơ, thế nào là đẹp. Hai tính cách này vốn có liên lạc nhân quả với nhau như đã giảng qua ở chương III. Thường thường khi các bình giả nói đến cái đẹp của Truyện Kiều là họ muốn chỉ thị cái tài khéo về sự dùng chữ, sự vận dụng âm hưởng và nhịp điệu lời thơ, sự tả cảnh tả tình tổng hiệp mà có dư ba phong phú; tóm lại theo ý họ cái đẹp của Truyện Kiều là sự thành công về kỹ thuật hành văn của Nguyễn Du.



Nhưng sở dĩ kỹ thuật đó thành công – nghĩa là khiến được người đọc văn phải cảm phục – là bởi nó kiến thiết được một hệ thống tương quan chặt chẽ: bao nhiêu “vật liệu” làm cái “chất” cho kỹ thuật ấy nhào nặn đều được một ý thức, một năng lực sáng tạo đem tổ chức, phối trí, đem hỗn hóa lại thành một cơ cấu (structure) vững vàng thích hợp với thị hiếu mỹ thuật của các người thưởng ngoạn nó. Cái ý thức chỉ huy đó, cái năng lực sáng tạo đó là cá tính của Nguyễn Du. Mà tinh túy của cá tính này không phải là tư tưởng, không phải là tình cảm, không phải là cảm giác, không phải là hành động[6]. Tinh túy của cá tính Nguyễn Du là một chất thơ. Chất thơ này làm ra thi năng của Nguyễn Du. Thi năng này làm ra cái đẹp và cái thi vị của Truyện Kiều. Cho nên muốn hiểu cái thi vị và cái đẹp của Truyện Kiều, trước hết phải khám phá ra cái chất thơ của Nguyễn Du.



Nhưng trước hết, thế nào là chất thơ? Nếu chúng ta đã hiểu biết rằng bao nhiêu khái niệm, bao nhiêu danh từ đều là những sản vật của lịch sử tiến hóa thì không bao giờ chúng ta lại còn tin ở một giới thuyết tuyệt đối của “chất thơ”. Muốn định nghĩa “chất thơ”, ta phải dò tìm đến những yếu tố cấu thành nó ở một giai đoạn lịch sử nhất định nào trên con đường tiến hóa của loài người.



Về đời thái cổ, con người vì kỹ thuật sản xuất thấp kém quá nên không hiểu tí gì về ngoại giới cũng như về bản thân mình. Đối với sự vật họ có một thái độ tòng phục, sợ hãi. Ở con mắt người thái cổ, không một vật nào, một hiện tượng nào có tính cách thơ cả. Trong các khái niệm cơ bản của xã hội thái cổ cấu tạo ra để tác động đến ngoại giới, chưa hề có khái niệm thơ. Như vậy đủ tỏ rằng “chất thơ” không phải là một chất “tiên thiên” của “linh hồn” con người. Suốt thời thái cổ, loài người chỉ vì có sự sống hàng ngày nên ở mỗi vật mỗi hiện tượng họ chỉ cố rút ra một kết quả hữu ích trực tiếp. Trí tuệ họ là một trí tuệ hoàn toàn thực tiễn.



Về sau, nhờ có kỹ thuật tiến bộ, đời sống của loài người ta thời nông nghiệp trở đi bắt đầu bước đến trạng thái sung túc, nhàn rỗi. Sống bằng sự phục dịch của đa số nô lệ hoặc nông nô, đẳng cấp thống trị được dư nhiều thì giờ để vun xới “tinh thần” sáng tác “nghệ thuật” sau khi ăn no mặc ấm. Đối với những người ở đẳng cấp này, tính cách hữu ích của sự vật không được chú ý nhiều và tha thiết bằng tính cách trang hoàng.



Thái độ thực tiễn khi xưa đã nhường chỗ ưu du. Quan niệm hành động để tranh sống lụi đi để quan niệm “hưởng thụ” nẩy nở ra. Cuộc đời giàu sang của các người thống trị được khuôn đúc mãi trong những quan niệm mới ấy dần dần biến đối cả tính chất sinh lý và tâm lý của họ. Theo định luật “cơ quan nào được dùng đến luôn sẽ phát triển, cơ quan nào không được dùng đến sẽ tiêu mòn” cái chất người của họ cũng biến hóa theo với những điều kiện sinh hoạt mới kia. Vì không phải lao lực, thân thể họ thanh tao đi; vì thường tiếp xúc với một thế giới cảm giác tế nhị (hương thơm, mầu đẹp, tiếng thanh…) giác quan họ mất dần sự thô kệch và trở nên tinh tế, trang nhã. Vì phải vận dụng luôn luôn những cách nghĩ và cảm xúc nhẹ nhàng để trang hoàng cuộc sống xã giao quý tộc, thần kinh hệ họ hóa ra tinh nhuệ, xảo điệu. Cử chỉ của họ nhiễm dần tính phong nhã, đài các, ẻo lả, óng chuốt – tính “đàn bà”.



Thêm vào những biến thái ấy, cái ý thức của đẳng cấp thống trị kia về uy lực của họ đối với thiên nhiên (kỹ thuật đã giúp họ điều khiển được ngoại giới có hiệu quả hơn thời xưa) với đồng loại; ta có thể biết được bản chất tâm lý của những người ở giai cấp đó phải chuyển dịch theo xu hướng nào. Bản chất ấy mỗi ngày một chuyển đến trạng thái của những vật ký sinh, nghĩa là càng ngày tâm lý họ càng xa tính cách thiết thực, hữu dụng và chiến đấu, “linh hồn” họ nhẹ mãi đi, bay cao mãi lên khỏi cuộc sống hoạt động, chỉ “ngự” ở các thế giới “đẹp” “cao siêu” “thoát tục”. Đến lúc đó, khái niệm “thơ” mới có thể xuất hiện được: “chất thơ” là một chất quý tộc. Yếu tố nền móng của “chất thơ” là cuộc đời ký sinh, thống trị. Đặc tính căn bản của nó là không thiết thực, là mơ hồ, là ưu du, là mộng. Xét theo con mắt nhà bệnh thái học thì chất thơ là sầu muộn, buồn bã, khóc lóc, tính khí yếu mềm, dễ hoảng hốt. Biến thái cuối cùng của chất thơ là một trạng huống bại hoại về thần kinh hệ mà nhà thần kinh bệnh học Pierre Janet mệnh danh là psychasthénie. Đó là tâm trạng huống của những người “thiếu hẳn sự nhất quyết, sự quả cảm, sự chú ý, sự tin tưởng, khi đứng trước một cảnh ngộ nào trong đời không đủ bình tĩnh để nhận định rõ cảnh ngộ ấy; tóm lại thiếu hẳn năng lực xử trí thực tại”. (Janet, Les névroses).



Về phương diện hành động và tình cảm thì như thế, còn về phương diện trí thức thì chất thơ là thù địch của sự nhận xét chứng nghiệm, của sự rõ ràng minh bạch của sự “thực tại” – của khoa học. Trong một bài báo bàn về khoa học đăng trong Thanh Nghị số 98 (13.1.1945) ông Nguyễn Mạnh Tường có viết:



“Trong con người ta, cần phải có bí mật, trong đời ta phải có tình cờ, trong thế giới cần phải có giời đất quỷ thần thì ta mới muốn sống. Ảo tưởng là sự cần dùng thiết yếu của ta. Ta chỉ có thể sinh hoạt được ở trong bầu không khí đầy những sương mù… Nếu nhờ khoa học mà ta hiểu được thiên cơ và tới được địa vị hóa công thì quang cảnh giời xanh buồn tẻ và bóng tối của đêm hôm vô vị… Khoa học là sự nghiệp của trí khôn. Trí không có thể hiểu và cắt nghĩa được ngoại giới dưới quyền ngũ quan mà thôi. Còn như nội giới của nhân loại hay là ẩn giới của tạo hóa phải để dành cho tri giác. Đây là vương quốc của nhà thi sĩ và triết học” (Bài: “Vấn đề khoa học”).



Quan niệm đó đã phân chia ranh giới cho chất thơ và tinh thần khoa học. Khoa học là khám phá, là điều kiện, là chứng nghiệm. Chất thơ là ảo tưởng, là sương mù, là siêu lý. Người có óc khoa học lấy sự hiểu biết đầy đủ cặn kẽ làm mục đích, người có chất thơ lấy sự không hiểu biết cặn kẽ đầy đủ làm lẽ sống. Óc khoa học là khí cụ tiến hóa của một đẳng cấp đang đi tới, trẻ và mạnh. Óc thơ là khí giới tự vệ của một đẳng cấp tàn tạ, cằn cỗi và ốm yếu.



Tóm lại, chất thơ là ý thức kết tinh của một cơ cấu (structure) sinh lý và tâm lý đang ở vào trạng huống suy đồi. Nó là sự trầm muộn thê thảm, sự mơ mộng vẩn vơ, sự tê liệt của khiếu hành động, sự sợ hãi những cách hiểu biết sáng suốt và đầy đủ. Vượt ra ngoài phạm vi cá nhân thì chất thơ là trạng thái tinh thần của một đẳng cấp quản trị ký sinh đã bắt đầu có tính cách phản tiến hóa. Còn vượt ra ngoài cả phạm vi một đẳng cấp thì chất thơ là trạng thái tinh thần của một xã hội đang bị khủng hoảng trên con đường phát triển, đang bị lịch sử tiến hóa dồn gần đến một thế “vượt bực” mà chưa đủ năng lực nội tại để giải quyết lấy sự mâu thuẫn trong tạng phủ.



Nhà văn học sử Gustave Lanson cho rằng “thơ là một phương pháp thiên bẩm của linh hồn cũng như khoa học vậy, một cái “khiếu” nhờ đó linh hồn đột nhập vào sự vật và tác động đến sự vật một cách thình lình cũng như nó vẫn tác động đến sự vật bằng ngũ quan và trí tuệ” (Sách Pages choisies de Anatole France – Bài tựa: trang 9).



Chủ trì như vậy tức là nhìn nhận chất thơ là một cái gì tiên thiên, bất biến của bản thể linh hồn, một năng lực nhận thức và tác động “thường” của con người “thường”. Đó là một cách tư tưởng mà các nhà triết học biện chứng gọi là “siêu lý” (métaphysique). Tư tưởng một cách siêu lý nghĩa là cắt một vật (hay một khái niệm) rời hẳn toàn khối sự vật trong không gian và thời gian, coi nó như một thực thể bất biến trước sao sau thế, không sinh thành, dịch hóa, tiêu vong. Theo lối tư tưởng ấy, người ta vẫn nghĩ rằng “lương tâm” “lòng thương người” “khiếu luân lý” ,“cảm năng mỹ thuật”, sự hoài bão đến điều thiện”, … những vật ấy, những sự trạng ấy đều là tiên thiên của con người muôn thuở. Người ta có biết đâu rằng bao nhiêu khái niệm, bao nhiêu tiêu chuẩn luân lý, bao nhiêu năng khiếu trí tuệ của con người đều có một lịch sử, đều là những sản vật xã hội có nguồn gốc có trưởng thành và biến hóa trước khi đến được những hình thức hiện tại mà người ta tưởng là thiên bẩm.

(còn tiếp)

Nguồn: Văn chương Truyện Kiều. Khảo luận của Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu). Tạp chí Văn mới, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội 1945. Bản điện tử: talawas thực hiện.









[1] L’act au point de vue sociologique – J. M Guyan - Nhà Felix Alcan xuất bản (1923).

 


[2] Perspective.

 


[3] Hiện giờ, đã thành hình khoa học tâm lý hướng nghiệp (psychotechnique) chuyên nghiên cứu về nhân tính (personnalité humane) theo phương pháp khoa học chứng nghiệm. Ở kỳ Hội nghị quốc tế của các nhà tâm lý hướng nghiệp học kỳ thứ 8, trong một bài diễn thuyết đề tài Les fondements de la psychotechnique (những nền móng của khoa tâm lý hướng nghiệp học) sau khi trình bầy và phê bình những quan niệm thần bí và duy tâm của các ông H. Dilety, Spranger, William Stern, Müller–Freienfels về nhân tính – các ông này đều cho rằng linh hồn là một cái gì bí mật (un mystérium) nó điều khiển cuộc sống của con người – ông J. M. Laky đã kết luận: “Công trình nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm thần kinh bệnh học và hóa học sinh vật đã lượm được nhiều tài liệu để củng cố quan niệm duy vật về “linh hồn” con người”.



 


[4] Lòng hoài nghi khoa học có nhiều nguyên nhân phức tạp lắm, xin xem lại cuốn Nhân loại tiến hóa sử của Nguyễn Bách Khoa. Dưới đây, chúng tôi trích một ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Tường về một nguyên nhân tâm lý của lòng hoài nghi đó:



“Nếu phương pháp khoa học có thể vạch tỏ ra cái khuất khúc của tâm lý thì trong người ta hết bí mật. Nếu các nhà bác sĩ khám phá được thực tại của cái chết thì đời ta hết nghĩa lý. Nếu nhờ khoa học mà ta hiểu được thiên cơ và tới được địa vị Hóa công thì quang cảnh giời xanh buồn tẻ và bóng tối của đêm hôm vô vị. Nếu trong người ta, ta biết rõ những cơ quan của thân thể, những tính tình của tâm trạng thì ta không muốn ở với ta nữa, ta chán ta vô cùng. Nếu ta biết ngày mai kia sẽ xẩy ra sự gì, ta không chắc ta có can đảm sống đến mai không. Nói tóm lại, trong người ta cần phải có bí mật, trong đời ta phải có tình cờ, trong thế giới cần phải có giời đất quỷ thần thì ta mới muốn sống. Ảo tưởng là sự cần dùng thiết yếu của ta. Ta chỉ có thể sinh hoạt được ở trong bầu không khí đầy những sương mù…



“… Nếu khoa học không đủ thế lực phá tan bí mật của vũ trụ, nếu nhân loại chưa hiểu chết là gì, nếu trên giới còn có Hóa công, nếu trong người ta còn linh hồn còn cảm giác, nếu trên đường đời tương lai còn mù mịt, nếu quang cảnh êm đềm của ngôi sao lóng lánh trong đêm thanh vắng còn làm ta mê man trong giấc mộng, thì ta chưa đến nỗi thất vọng.



… Khoa học là sự nghiệp của Trí khôn. Trí khôn có thể hiểu và cắt nghĩa được ngoại giới dưới quyền ngũ quan mà thôi. Còn như nội giới của nhân loại, hay là ẩn giới của tạo hóa phải để dành cho trí giác. Đây là vương quốc của các nhà thi sĩ và triết học…” (Nguyễn Mạnh Tường – Bài “Vấn đề khoa học…” Thanh nghị số 98 ra ngày 13.1.45).



1 nhận xét: