Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Trương Tửu Một quan niệm về văn chương


  Trương Tửu Một quan niệm về văn chương
Chúng tôi tôn thờ sự sống, mãnh liệt và đầy đủ, sự sống bản chất ở sức mạnh, phát triển ở tranh đấu, cứu cánh ở tiến bộ, sự sống mà hình thức biểu thị tốt nhất, cao nhất, thuần túy nhất là xã hội loài người.

Chỉ có xã hội loài người là đáng phụng sự.

Chỉ có tiến bộ là đáng tín ngưỡng.

Chỉ có tranh đấu là đáng sùng mộ.

Chỉ có sức mạnh là đáng ca ngợi.

Vì chỉ có sự sống là đáng yêu, đáng quý, đáng vun xới, đáng khuếch xung, đáng tôn thờ. Sự sống thiết thực của loài người trên mặt địa cầu, không bận rộn về lẽ huyền bí của vô tận, không dính dáng đến thế giới siêu hình; sự sống tự nó là một vinh quang, một toàn thắng.

Văn chương phải lấy sự sống làm nguồn, phải tắm gội trong hào quang rực rỡ của nó, phải giúp nó chiếu thẳng đến tim óc mọi người, phải phụng sự nó không rụt rè, không nhu nhược.

Tóm lại, văn chương phải mô tả sự sống để đánh dấu nó trên con đường phát triển vô cùng tận, qua các biến thiên của thế kỷ.

Không phải mô tả sự sống vụn vặt như mọi nghệ sĩ thiển cận thường nhìn và sao chép. Phải mô tả sự sống tổng hợp, trong các giai đoạn thành lập, biến hóa và đi tới của nó. Phải mô tả nó từ lúc chia phân ra các nguyên tố biệt lập đến lúc tập trung vào một đại thể duy nhất, theo sức chi phối của luật biện chứng duy vật đời đời.

Sự sống này là cái khuôn, cái đích của tất cả những công trình phá hoại và kiến thiết trong lịch sử mà chiến sĩ là NGƯỜI, mặt trận là XÃ HỘI.

*

Chiều theo cái đà tiến bộ không ngừng của sự sống, người và xã hội luôn luôn hô hấp trong không khí cải thiện. Nói khác đi, người và xã hội luôn luôn tranh đấu để biến đổi, biến đổi để phát triển, phát triển để đi tới.

Mỗi lần trong xã hội, cái "hạt giống biến đổi" đến thì giờ nảy nở, lập tức bao nhiêu tổ chức đang thông dụng bị phá hoại để nhường chỗ cho những tổ chức mới, thích hợp với hoàn cảnh mới gây ra sự phát sinh của những điều kiện kinh tế mới.

Liền đó, cá nhân sống trong xã hội ấy, bị luật ảnh hưởng lôi cuốn, thay đổi hết các tình cảm, tư tưởng, tín ngưỡng đang có.

Và cũng liền đó, cá nhân có thêm những cần dùng mới, nguyện vọng mới. Nếu tổ chức mới của xã hội đủ thỏa mãn nó thì đoàn thể được sống điều hòa cho đến thời kỳ biến đổi khác. Nếu tổ chức mới của xã hội không đủ thỏa mãn nó thì ngọn lửa tranh đấu trong đoàn thể không thể nào dập tắt được.

Đó là nguyên tắc và pháp luật thiết yếu của các cuộc cách mạng trong lịch sử. Mà nó cũng là điều kiện và hình thức độc nhất của tiến bộ.

*

Không có gì giúp người cầm bút đủ tự hào để phấn đấu, đủ can đảm để thắng, đủ an ủi để ngã, bằng nhận thấy rằng trong các công trình phá hoại và kiến thiết vinh quang nhất của xã hội loài người, bao giờ nhà văn cũng đứng mạnh dạn vào hàng ngũ tiên phong. Bao giờ nhà văn cũng vui vẻ, hăng hái giữ nhiệm vụ tên lính cảm tử phất cao ngọn cờ tranh đấu, dắt xã hội chạy tìm những chân trời mới và đẹp trên con đường gay go của hạnh phúc.

Mỗi khi hai lực lượng thuận và phản tiến bộ xung đột nhau, báo tin những giông tố hãi hùng, nhà văn, nhờ một linh khiếu - một trực giác - đặc biệt, lập tức dẫn đạo tư tưởng của đoàn thể đi vào cuộc tranh đấu và không bao giờ quên ủng hộ mặt trận nào hy sinh để làm toàn thắng lý tưởng và hạnh phúc. Giờ phút ấy nhà văn hòa vận mạng mình vào vận mạng của xã hội tương lai, viết bằng chữ máu vào trang giấy sáng sủa của thế kỷ một lời tiên tri, loài người sắp đi thêm được một bước.

Nhà văn chính là tâm thức của thời đại, sứ giả của tiến bộ. Nhà văn là vinh dự của loài người.

Phận sự của nhà văn thiêng liêng như vậy, nên không thể coi văn chương là một món trò giải trí lúc trà dư tửu hậu. Văn chương phải là khí cụ phát biểu và lưu hành tư tưởng, tình cảm mạnh và đẹp. Văn chương, phải có tinh thần tranh đấu và lý tưởng.

Không đủ những tính cách ấy, văn chương tự truất địa vị mình, tự hoại giá trị mình và trở nên một sức phản tiến bộ đáng bài trừ. Mà nhà văn nào phụ họa vào nó sẽ bị coi như kẻ thù của xã hội.

*

Đó là đại cương những quan niệm của chúng tôi về nhân sinh, về văn chương, về sứ mệnh nhà văn. Căn cứ vào những quan niệm ấy, chúng tôi nghiên cứu và phê bình văn chương hiện đại.

Từ năm 1932 đến bây giờ, chúng ta thường được nghe những tiếng “văn học phục hưng”, “văn nghệ phồn thịnh” dùng để mệnh danh cái đà phát triển của văn chương hiện đại. Những danh từ ấy, một vài người nông nổi ném ra, rồi một vài người nông nổi a dua nhắc lại, om sòm trên báo chí. Sự ồn ào trống rỗng này đã làm nhiều người cạn nghĩ tin rằng văn chương Việt Nam hiện thời là mẫu mực tuyệt mỹ tuyệt hảo rồi. Người ta nhắm mắt vỗ tay hoan nghênh những văn phẩm chỉ có độc một đặc điểm là làm điếm nhục nghệ thuật và bại hoại đạo lý. Người ta ca tụng một cách mù quáng những văn sĩ thi sĩ mà đáng lẽ người ta phải cảnh cáo để họ đi vào con đường thuận tiến bộ.

Phải phá đổ sự tin nhầm ấy. Phải đem các tác phẩm được hoan nghênh sàng lại theo phương pháp phê bình khách quan và quan niệm tranh đấu về văn chương. Phải soát lại ngôi thứ các nhà văn. Phải chỉnh đốn dư luận.

Chúng tôi, vì tương lai của văn chương Việt Nam, tình nguyện lĩnh cái nhiệm vụ gai góc ấy, không ngại ngùng những lời chê bai của kẻ hèn, không ngừng bước trước sự mai mỉa của kẻ yếu, không nản chí trước sức phản động của kẻ nghịch.

Chúng tôi sẽ lần lượt bài trừ một cách vô tư, nhưng tàn nhẫn tất cả những ngọn cỏ tai hại trong khu ruộng văn chương để những nhà văn tâm huyết có đất gieo những hạt giống tốt, thuận với mưa, nắng của thế kỷ hai mươi, gây một mùa màng đẹp cho đất nước.

Những cỏ tai hại ấy không ít. Theo chúng tôi thấy, chúng có thể chia làm bốn loại:

1. Văn chương phóng đãng

2. Văn chương ủy mị

3. Văn chương bi quan

4. Văn chương xu nịnh

Bốn thứ này họp lại thành một ung độc trong văn chương và xã hội Việt Nam. Chúng phản tiến bộ.

Phải diệt chúng đi. Diệt chúng như diệt những trùng độc. Có thể văn chương Việt Nam mới phát triển theo nguyên tắc tranh đấu được. Có thế sức tiến thủ của dân tộc Việt Nam mới bùng được.

Lúc này chính là lúc mạnh được yếu thua. Không được phép mơ màng, hoài nghi, nô đùa, bi quan, chán nản. Phải khỏe. Thân khỏe, hồn khỏe mới không bị nghiến nát trong guồng máy cạnh tranh.

Tất cả những phần tử trẻ trung thông minh tâm huyết của nòi giống Việt Nam phải cố công luyện lấy một tinh thần tranh đấu thật cứng cỏi để tự bảo vệ, để chống họa diệt vong nó đang đón chờ những dân yếu hèn ở các ngã ba lịch sử.

Không muốn bị diệt vong, chúng ta phải mạnh. Ngày nào tất cả người Việt Nam biết lấy sức mạnh làm tôn giáo, lấy tranh đấu làm luân lý, lấy hy sinh làm vinh dự; ngày nào cha dạy con, vợ dạy chồng, anh dạy em nên gắng gỏi làm người cho ra người, làm dân cho ra dân; ngày ấy chúng ta mới có quyền sống những phút vinh quang, hạnh phúc.

Văn chương Việt nam phải nhận mệnh nhào nặn cái ngày quý báu đó. Trong giờ phút nghiêm trọng này nhà văn lương tâm không can đảm ngồi mơ mộng, ca hát những cái phù phiếm, tán tụng những cái xa xỉ.

Nhà văn Việt Nam của thế kỷ hai mươi phải đảm lĩnh cái trọng nhiệm xây dựng tư tưởng Việt Nam trên những nền tảng mới, dìu dắt dân tộc Việt Nam đến một vận mệnh mới.

Những nhà văn nào làm trái trọng nhiệm ấy,

ta phải đánh đổ. Những tác phẩm nào phản khuynh hướng ấy ta phải thiêu đốt. Những dư luận nào ngược tư trào ấy, ta phải đả đảo.

Làm như vậy tức là làm trọn nghĩa vụ một người thờ sức mạnh, một công dân thờ Tổ quốc, một nhà văn thờ nghệ thuật.



TT.

1 nhận xét: