Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic của cái hiện tại sống động (Kỳ 6)

Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic của cái hiện tại sống động (Kỳ 6) ([1])

Về chương 3 của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động
Ở hai chương đầu của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động, Trần Đức Thảo đã chỉ rõ logic của cái hiện tại sống động chính là sự khắc phục của tư duy siêu hình về khái niệm thời gian của Aristotle, vì ở đó Aristotle chỉ nêu lên được những mối tương giao khái quát của sự vật, chứ không nói lên được bản chất của sự vật. Và Trần Đức Thảo cũng xác nhận những ưu điểm của tư tưởng Husserl về mối tương giao mang tính hiện thực của sự vật trong cái khoảnh khắc sống động của thời hiện tại. Ông cho đó là một tiến bộ lớn của Husserl, nhưng trong định nghĩa của Husserl về thời gian thì vẫn rơi vào trừu tượng, chưa chỉ rõ được bản chất trong mỗi khoảnh khắc của cái hiện tại sống động là cái gì, làm sao để hiểu chúng và phân tích chúng.
Từ đó, Trần Đức Thảo nêu lên quan niệm của mình: vấn đề không phải chỉ là nghiên cứu mối tương giao giữa các sự vật, bởi như thế thì sự vật cũng chỉ có thể hiểu một cách trừu tượng trong mối tương giao giữa nó với các sự vật khác. Trần Đức Thảo chỉ rõ, cái thời hiện tại của những khoảnh khắc sống động chính là sự vật tự vận động, tự chuyển hóa trong bản thân chúng với những khoảnh khắc hiện tại sống động của chính chúng. Như vậy sự vật sẽ hiện lên như chính bản thân nó, và tư duy về sự vật gắn liền với sự  chuyển hóa của chính bản thân sự vật. Đây là sáng tạo lớn của Trần Đức Thảo, vì ông đã hoàn toàn khắc phục tính khách quan trong khi lý giải bản chất của sự vật mà ông đứng ở vị trí chủ quan của chính bản thân sự vật để nhìn nhận sự phát triển của sự vật. Ở đó, tính chủ quan và tính khách quan thống nhất, làm cho sự vật trong từng khoảnh khắc hiện lên đúng bản chất của nó. Rõ ràng ba lối tư duy: tư duy siêu hình của Aristotle, tư duy hiện tượng học của Husserl về thời gian, và tư duy phủ định biện chứng  của Trần Đức Thảo được đặt kề nhau đã làm nổi bật tính khoa học, tính dự báo của tư duy Trần Đức Thảo về cái gọi là logic của cái hiện tại sống động trong từng khoảnh khắc. Vậy nên mỗi thời gian của khoảnh khắc hiện tại sống động là một lát cắt của lịch sử của chính sự vật đặt trong mỗi một lát cắt của lịch sử chung mang tính tổng quát. Chính vì lẽ đó, Trần Đức Thảo nói, logic biện chứng của cái khoảnh khắc hiện tại sống động là hình thức tổng quát của vận động của thời gian trong từng khoảnh khắc, bởi vì bất kỳ sự vật nào cũng bắt đầu từ cá thể tính.
Từ quan điểm trên về thời gian, Trần Đức Thảo đi sâu vào nghiên cứu sự hình thành các cá thể tính trong khoảnh khắc ấy của vận động thời gian, được thể hiện trong chương 3, La Théorie du Présent vivant comme Théorie de  l’individualité (Lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về cá thể tính), với các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, lý thuyết về cái hiện tại sống động đặt ra một nhiệm vụ vốn chưa bao giờ có thể quan sát thấy trong lịch sử triết học và lịch sử khoa học trong suốt 3.000 năm nay. Trong suốt 3.000 năm phát triển của triết học và khoa học, loài người đã đạt được những thành tựu phi thường trong nỗ lực giành lấy quyền làm chủ tự nhiên, con người tự nhận mình là đấng sáng tạo ra tự nhiên. Nhưng con người đã không tiến lên được dù chỉ một bước đối với vấn đề cá thể tính của sự tồn tại đó, một sự tồn tại bị quy giản đến mức trở thành trừu tượng. Kết quả là sự vật hiện tượng chỉ có thể được biết đến bởi những mối quan hệ của chúng, do vậy, mỗi sự vật hiện tượng tự nó không thể được xác định bởi sự tương giao bởi vô số các mối quan hệ có thể có. Tuy nhiên, cá nhân, trong mối quan hệ với cái riêng, thì vẫn mang tính tổng quát. Cá nhân, tự nó, không bao giờ là cái riêng. Chỉ đến khi bước sang một thế giới đầy biến động của thế kỷ XX, triết học Husserl mới có thể vượt qua được những giới hạn trong logic hình thức và siêu nghiệm. Triết học Husserl đã kết hợp với những phân tính cơ bản về cái hiện tại sống động, hướng tới chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa hiện thực lịch sử.
Thứ hai, Trần Đức Thảo đã đưa ra những kiến giải đầu tiên về cái hiện tại sống động trong sự hình thành và phát triển của cá thể tính. Trước hết, về cơ bản, cái hiện tại sống động là cá thể tính của sự hiện hữu cá thể cụ thể - cái cá thể tính mà được xác lập tại mỗi khoảnh khắc trong sự vận động hướng nội của chính khoảnh khắc ấy, một sự vận động hướng nội mà đi kèm theo nó là sự hoàn thiện của sự chuyển qua của khoảnh khắc đó tới khoảnh khắc kết tiếp.
Sau đó, Trần Đức Thảo đã phân tích về khoảnh khắc sinh học như là một ví dụ cho biện chứng hướng nội này của cái hiện tại sống động. Ông cho rằng:
“Tại bất kỳ khoảnh khắc nào, khi mà cá thể tính mang tính sinh học trỗi dậy như là một hệ thống các chức năng được thừa hưởng từ quá khứ, thì cái đã được lắng đọng trong quá khứ và vẫn đang được lưu giữ ấy sẽ được hòa trộn hoàn toàn trong cái Hiện tại bây giờ. Cái hệ thống của các chức năng sinh học này, vốn đang được giữ lại trong cái Hiện tại trong mối liên kết đồng thời với cái Bây giờ - cái hệ thống đó sẽ sản sinh ra một áp lực. Cái áp lực này được sản sinh ra từ sự chuyển hóa hoạt động của các chức năng đó, hay là một sự phóng chiếu vào tương lai sắp xảy ra”. ([2])
Trần Đức Thảo cho rằng, sự đối lập giữa chức năng hiện có với sự vận động hướng tới tương lai sắp xảy ra đã tạo ra sự mâu thuẫn nội bộ của cá thể tính mang tính sinh học. Tình trạng mâu thuẫn này có sự thống nhất trong sự đồng bộ hóa của nó, một sự đồng bộ hóa giúp tái tạo cái cá thể tính mang tính sinh học trong sự tồn tại trong Hiện tại của nó. Vào cùng thời điểm đó, tính thống nhất của sự mâu thuẫn này liên hệ đến sự đấu tranh giữa các mặt đối lập của nó, đó là sự sụp đổ hay loại trừ mà hướng vào chính cái cá thể tính mang tính sinh học ấy trong quá trình biến mất của nó. Trong sự chuyển qua từ trạng thái tồn tại tới trạng thái không tồn tại, cá thể tính mang tính sinh học chỉ mất đi một trong những đặc tính của nó, cái đặc tính bị mất đi này sẽ được phục hồi lại trong quá trình đồng hóa, đồng thời cấu trúc chức năng của cái đặc tính bị mất đi này sẽ được kết lắng như là sự tái sản sinh của nó trong dòng chảy của sự vận hành của cái Hiện tại phóng chiếu đến tương lai. Tóm lại, cá thể tính không còn tồn tại nữa, đồng thời nó vẫn còn tồn tại.
Thứ ba, Trần Đức Thảo đã đi sâu phân tích về biện chứng của sự vận động hướng nội của cá thể tính mang tính sinh học. Theo ông, một sự kết lắng ngay lập tức nhằm tạo ra sự phục hồi của cấu trúc sinh học trong quá trình đồng hóa được thể hiện như là sự phóng chiếu vào quá khứ mang tính hướng nội của chức năng sinh học – một sự phóng chiếu được truyền dẫn bởi cùng chính cái dòng chảy của sự kết lắng. Sự vận động hướng nội của cá thể tính mang tính sinh học trong khoảnh khắc hiện tại được xác định như là một sự chuyển dịch từ chức năng sinh học – cái chức năng đang được giữ lại trong trạng thái hiện thời của cái Hiện tại phóng chiếu đến tương lai, trong sự mâu thuẫn hướng nội giữa chức năng và sự vận hành sinh học của cá thể tính. Sự thống nhất của cái mâu thuẫn hướng nội này được xác định như là sự đồng hóa và kiểm soát cái đối nghịch của nó – một sự đối nghịch mang chức năng phân hủy và loại trừ.
Sự chuyển qua của sự kết lắng mang tính hướng nội này trong hoàn cảnh Bây giờ thì xuất hiện như là cái Nisus ([3]) phóng chiếu tới tương lai. Cái Nisus phóng chiếu tới tương lai này tồn tại như là một động lượng trong cái cá thể tính sống động, và cái Nisus này tự hoàn thiện cùng với cái kết lắng tức thời của sự đồng hóa hướng nội trong suốt quá trình tái lập của chức năng sinh lý, do đó cái chức năng sinh lý này được tái lập và lập tức được kết lắng trong cái phóng chiếu vào quá khứ mang tính hướng nội của nó – một sự phóng chiếu vào quá khứ mang hình thức của cái tương lai sắp xảy ra. Cái động lượng tồn tại ở trong Nisus, và sẽ kết thúc với sự đòi hỏi phải chuyển hóa thành cái Appetitus ([4]). Cái Appetitus là nơi mà cá thể tính mang tính sinh học trong khoảnh khắc hiện tại có thể hoàn tất sự vận động của nó trong quá trình chuyển qua khoảnh khắc kế tiếp.
Thứ tư, trên cơ sở tổng hợp những thành tựu của các khoa học, nhằm làm rõ các khái niệm quan trọng của sinh học hiện đại như: cấu trúc và chức năng sinh học, chuyển hóa, đồng hóa, phân hủy, loại bỏ, cùng với sự tái lập của cấu trúc chức năng, và trên cơ sở kết hợp dữ kiện của các khoa học thực chứng khác, Trần Đức Thảo đã chỉ rõ, sự vận động hướng nội của cá thể tính trong khoảnh khắc hiện tại là tổng hợp của: sự phóng chiếu vào quá khứ, sự phóng chiếu đến tương lai, sự thống nhất của mâu thuẫn hướng nội và sự đấu tranh của các mặt đối lập của cá thể tính, sự tái tạo cá thể tính và sự kết lắng của cái phóng chiếu vào quá khứ vào bên trong cá thể tính - nơi mà cá thể tính hướng nội có thể tự hoàn thiện trong quá trình chuyển qua các khoảnh khắc kế tiếp.
Trên cơ sở đó, Trần Đức Thảo đã xây dựng khái niệm cái biện chứng của khoảnh khắc sinh học: cái khoảnh khắc sinh học phải được kế thừa trong sự vận động của nó trong khoảnh khắc hiện tại – cái khoảnh khắc tự hoàn thiện chính nó khi chuyển qua khoảnh khắc kế tiếp. Một tri thức toàn diện về cái khoảnh khắc sinh học cho phép chúng ta nắm bắt đặc tính thực và sự thống nhất của cá thể tính mang tính sinh học trong sự phóng chiếu vào tương lai tại khoảnh khắc hiện tại của nó – một quá trình mang tính hướng nội tự hoàn thiện và tự làm mới mình tại khoảnh khắc hiện tại để chuyển qua khoảnh khắc kế tiếp, nhằm duy trì cá thể tính của chính nó trong dòng chảy thời gian. Sự tồn tại của một cá thể thì bị giới hạn, nhưng di sản của nó thì được truyền đi trong dòng chảy của nó tới cá cá thể tiếp theo, và sự kế thừa di sản này là cơ sở tạo ra sự đa dạng và phong phú của sinh giới trong quá trình tiến hóa.
Thứ năm, Trần Đức Thảo đã khẳng định, logic biện chứng của khoảnh khắc sinh học trong vận động thời gian sẽ giúp giải quyết những bế tắc trong quá trình nhận thức về cá thể tính trong quá trình tiến hóa từ Metazoaire (các động vật đa bào đầu tiên) tới ý thức con người. Các động vật đa bào đầu tiên này là tiền đề của sự vận động có chủ đích, trên cơ sở đối lập của trương lực (phasic) và pha (tonic) – một sự đối lập mà đã trở thành nguồn gốc cho sự ra đời của loài động vật ruột khoang, và thúc đẩy sự tiến hóa không ngừng, hướng tới sự ra đời của ý thức con người.  
Tóm lại, trung thành với chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác - Ắng-ghen, Trần Đức Thảo đã phân tích một cách khoa học sự phát triển của cá thể tính con người, đứng về phương diện sinh học là cái nền tảng để xây dựng sự phát triển của ý thức con người bằng cách chỉ rõ con người trước hết là một cá thể sinh động và sống động trong mối tương giao với những cá thể khác cũng mang tính sinh động và sống động. Chính vì vậy mới có quá trình biến đổi theo xu hướng nội độngngoại động, trong từng khoảnh khắc một, để cho cái cá thể luôn luôn là nó và là cái khác trong sự vận động. Không thể hiểu nổi sự vận động của xã hội nếu không quan tâm, thậm chí phủ nhận cái cá thể tính trong sự vận động của lịch sử. Ý nghĩa nhân bản của triết học Trần Đức Thảo là ở chỗ đó. Ông đã kế thừa được tư tưởng của Husserl, nhưng ông khác Husserl ở điểm: luôn luôn khẳng định cái cá thể tính trong sự vận động của lịch sử, như Mác nói: con người làm ra lịch sử thì trước hết là những con người cá nhân cá thể sống làm ra chính lịch sử ấy. Tất nhiên Mác cũng chỉ rõ, cái hoàn cảnh lịch sử mà con người tiếp nhận để làm ra lịch sử thì là kết quả của một cộng đồng, trước hết là kết quả của một lực lượng sản xuất nhất định, của một phương thức sản xuất nhất định. Tức là, cái xã hội có trước, và cái cá nhân có sau. Nhưng những cá nhân có tiếp nhận được những giá trị của cái lịch sử nói chung đem lại hay không, thì còn tùy thuộc vào sự tự quyết định của cá nhân đó trong sự vận động nội tại. Chính cái hướng nội của mỗi cá nhân sẽ tạo ra nét đặc thù mang tính chủ quan để cá nhân có thể hướng ngoại.
Như vậy, vai trò của cá thể tính mang tính chủ quan đặc thù là yếu tố quyết định để cho mỗi cá nhân vận động theo đúng quy luật. Nó thống nhất hai mặt chủ quan và khách quan của vận động cá nhân trong mỗi khoảnh khắc của thời hiện tại sống động.
Mở rộng ra cả xã hội cũng vậy. Mỗi phương thức sản xuất khi mới xuất hiện phải mang trong nó những giá trị của quá khứ, và những giá trị ấy vừa tiếp nhận cái của quá khứ để lại, vừa nảy sinh sáng tạo những giá trị mới trong quan hệ xã hội mới. Ở đây, đến lượt những giá trị mới lại phải tuân theo quy luật phủ định của phủ định, nghĩa là những cái mới chưa hoàn toàn khẳng định được mình, và bị lấp đầy bởi những yếu tố tiêu cực của quá khứ. Ví dụ, chế độ Xô-viết, với những giá trị dân chủ của nó, chưa thể thực hiện một cách trọn vẹn, thì nó bị những yếu tố phản dân chủ, phản tự do, phản nhân quyền lấp đầy. Bởi vậy, không có con đường nào khác, chế độ Xô-viết phải vận dụng di sản của văn hóa quá khứ, đã trở thành bản lĩnh của nhân dân, để khôi phục những mặt tích cực nhất của những quan niệm, quan hệ về tự do, về nhân quyền như Lênin đã làm, nhằm thực hiện thành công sự đổi mới xã hội, giải phóng về mặt ý thức cho quần chúng để đưa xã hội tiến lên. Điều này Mác và Ăng-ghen đã dự báo một cách thiên tài trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gô-ta.
Điều đặc biệt có ý nghĩa quan trọng là Trần Đức Thảo đã xây dựng lý thuyết về cái trung giới, để cho con người có thể đi từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai mà không phải mò mẫm, bởi vì con người có thể tận dụng những giá trị của quá khứ, tạo ra động lực đổ về hiện tại lần thứ nhất, và tiếp đó lần thứ hai con người vận dụng những giá trị của thời quá khứ ngay trong thời hiện tại để đẩy nó về phía tương lai như một quy luật vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính dự báo. Ví dụ như trong Chính sách kinh tế mới (NEP), Lênin chủ trương để cho người nông dân tận dụng tối đa về chế độ sở hữu tư nhân, để từ đó từng bước một dẫn dắt người nông dân ra khỏi chế độ tư hữu và hướng tới chế độ tập thể hóa.
Chính trong thời kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã chủ trương phát huy lòng yêu nước của nhân dân trên cơ sở khôi phục những giá trị yêu nước của thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Cũng vậy, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông đã khẳng định: “Đối với người làm nghề thủ công, và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước” ([5]).
Tư tưởng sáng tạo trên đây của Trần Đức Thảo vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính lý thuyết chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Vận dụng tư tưởng ấy của Trần Đức Thảo thành công nhiều hay ít phụ thuộc vào sự nhận biết quy luật lịch sử của các lực lượng lãnh đạo xã hội.

(còn tiếp)

TP. Hồ Chí Minh ngày 1/11/2011

2 nhận xét: