Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

PHÂN TÍCH BÀI THƠ “TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC” (TRONG TẬP “ĐAU THƯƠNG”) CỦA HÀN MẶC TỬ TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC.


PHÂN TÍCH BÀI THƠ “TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC” (TRONG TẬP “ĐAU THƯƠNG”) CỦA HÀN MẶC TỬ TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC.
                                                            Nguyễn Thị Phương Thùy
   Hàn Mặc Tử là một tài năng tương đối nổi bật trong phong trào thơ Mới. Đã có không ít người bình luận về thơ Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn Mặc Tử là thơ yêu đến mức cuồng si, “thơ điên”…Nhưng đó là cuồng si tài hoa và trí tuệ, là “điên tình” mê man bất tuyệt trong sự hết mình, tận lòng tận tâm với tình đời, tình người. Dường như có một sự bù đắp giữa linh hồn và thể xác. Những trắc trở, bất hạnh trong cuộc đời như một nguồn nội lực mãnh liệt tiếp sức cho ngọn lửa thơ Hàn Mặc Tử không âm ỉ mà bùng cháy với sức sáng tạo tuôn chảy.
      Thơ Hàn Mặc Tử vừa quằn quại thương đau, vừa khóc ai oán cho thân xác bệnh hoạn vừa đau đáu một niềm khát khao sống, khát khao vượt lên bất hạnh. Sau nỗi đau là cái tôi muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh không may mắn, sau đau thương là cái tôi muốn phá lệ, muốn quay cuồng không gì ràng buộc được. Dù thế, cũng có lúc thơ Hàn lại đầy chất lãng mạn, trữ tình, êm đềm như ru lòng người vào cõi thiên thu, cõi mơ cho những khúc nhạc vĩnh hằng tấu lên cho tan niềm uất hận, để chỉ còn lòng người, tình người quấn quyện với thiên nhiên, với đất trời êm dịu. Thơ Hàn muôn màu muôn vẻ, khắc họa rõ từng đường nét, màu sắc.
       Xét về phương diện chủ đề, thi hứng theo góc độ văn học, thơ Hàn Mặc Tử là một cái mới độc đáo đáng lưu tâm trong tổng thể một giai đoạn thơ Mới. Nếu xét từ góc độ ngôn ngữ học và thi pháp học, từ cấu trúc để khám phá bước cách tân trong thơ Hàn Mặc Tử sẽ thấy sự đóng góp của Hàn Mặc Tử vào phong trào thơ Mới ở nhiều góc độ hơn. Để tìm ra sự đột phá ở thơ Hàn Mặc Tử, nên bàn thêm đến thơ ông từ phương diện ngôn ngữ học chứ không chỉ đơn thuần từ phương diện văn học. Các công trình nghiên cứu theo hướng này tuy đã có trên thi đàn nhưng chưa thật nhiều và còn bỏ ngỏ không ít các vấn đề thú vị.
    Bài viết này phân tích bài “Trăng vàng trăng ngọc” trong tập “Hương thơm” thuộc tập “Đau thương” của Hàn Mặc Tử theo một cách tìm hiểu mới từ góc độ ngôn ngữ học: cách bố cục bài thơ, khổ thơ, trình tự kết hợp sự tình giữa các câu thơ được thể hiện qua các kiểu hành động ngôn trung chứa trong lời thơ, lời thoại đậm chất diễn ngôn, tự sự trong thơ để phần nào thấy được sâu hơn các ý nghĩa trong bài:
“Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
        Ai mua trăng tôi bán trăng cho
        Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
        Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
        Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

        Không, không không! Tôi chẳng bán hòn Trăng!
        Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
        Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
        Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

        Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
        Trăng sáng trắng sáng khắp mọi nơi,
        Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi.
        Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi,
        Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.

        Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”
    Mở đầu bài thơ là lời thoại rao bán “trăng”. Trăng là một chủ đề quen thuộc trong thơ truyền thống. Trăng được thi nhân thời xưa ca ngợi, nâng niu, trân trọng, tôn thờ. Bởi trăng ở trên trời cao lồng lộng, toả sáng muôn nơi. Ai cũng có trăng mà chẳng ai có trăng cả. Chẳng ai bán một thứ như vậy. Thế nhưng, trăng lại đi vào thơ Hàn Mặc Tử với vóc dáng rất đời thường: trăng được nhà thơ rao bán. Câu thơ mở đầu bài có đến 6/7 từ là từ trăng, như một điệp khúc, như một điểm nhấn day đi day lại, có vẻ dàn trải. Rao bán trăng. Thật bất ngờ song không vô lí vì trăng là của chung mà cũng là của riêng mỗi người. Rao bán trăng để ngân nga lên tiếng lòng thủy chung với cái tình cái nghĩa: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho; Không bán đoàn viên, ước hẹn hò”. Sang khổ thơ thứ hai, người đọc càng bất ngờ hơn vì ý thơ đã chuyển ngoắt 180 độ: “Không, không, không! Tôi chẳng bán hòn Trăng!”. Vừa rao bán rất nhiệt tình xong, đã có ngay sự phủ định quá đột ngột. Lý do rất đơn giản! Vì “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang”. Trăng không chỉ là trăng của mọi người mà trăng là nguồn ánh sáng, là cái Đẹp, đáng được để nâng niu, để gìn giữ, đâu có thể bán được. Nếu bán làm sao đành lòng đây? Hẹn ước thủy chung chẳng ai muốn bán. Trăng tỏa dịu ánh sáng thiên nhiên đem lại cho màn đêm ánh sáng, là nguồn sáng, là sức sống, là hy vọng và khát vọng để vươn tới những điều tốt đẹp, thiêng liêng làm sao bán được? Trăng hướng lòng người, hướng tâm hồn và cả hồn thơ Hàn Mặc Tử tới cái thiện, tới cái đẹp khôn cùng. Cả bài thơ là ân sâu, là nghĩa nặng với Trăng, là sự nâng niu tôn thờ, cầu nguyện cho trăng. Sẽ là bình thường nếu bài thơ kết thúc bằng câu “Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi; Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.”. Cái hay là ở chỗ bài thơ kết thúc bằng một ám  ảnh về trăng, bằng một lời gọi được thốt lên mải miết trong niềm day dứt đau đáu, như rất xa mà cũng như quá gần: “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”. Kết thúc bằng câu ấy. Và cũng mở đầu bằng câu ấy. Câu mở đầu thì như là lời rao, như là lời kể chuyện, như là lời gọi mời, như là lời “khoe” về trăng. Câu kết thúc như là lời gọi trăng về để giữ trăng vì sợ mất trăng, như sợ không còn níu giữ được trăng, như vọng lên một cách tự nhiên sự “khát trăng”, yêu trăng, giữ trăng ở bên mình, gọi trăng, kêu trăng, nhắc đến trăng để tan trong trăng, hoà vào trăng, để biết và chắc chắn Trăng Vàng Trăng Ngọc ấy vẫn đang hiện hữu bên mình, nhập trong mình và bất tử vĩnh viễn. Cách kết thúc bằng khổ thơ chỉ có 1 câu đã phá vỡ cái cấu trúc “chính thống” của 3 khổ 7 chữ phía trên, phá vỡ sự chỉn chu đáng lẽ ra sẽ tròn trịa là thể thơ 7 chữ với mô hình có nhiều khổ, mỗi khổ có 4 câu của cả bài thơ. Chỉ 1 câu kết thúc ấy thôi cũng đủ để làm nên một sự đột phá, sự vùng vẫy thoát ra khỏi cái tưởng như cố hữu hoặc “có quán tính” của một bài 7 chữ đang có xu hướng đều đặn, cân đối với cấu trúc có nhiều khổ 4 câu/ khổ. Bài thơ được cách tân chính là nhờ cách kết thúc bằng một câu duy nhất ấy. Trăng ấp ủ trong Hàn Mặc Tử, trăng giằng xé trong thơ ông, thổi vào thơ ông cả hồn trăng thao thức, trăn trở: Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
    Bài này còn hay ở chỗ là thơ nhưng chất chứa nhiều ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ tự sự, trần thuật. Cả bài thơ là sự đan xen, pha trộn đủ các cuộc thoại, thoại với người đời, thoại với chính mình (chính nhà thơ). Bài thơ bắt đầu bằng lời “rao” rộn ràng: “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”. Rồi đến lời hỏi + rao: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Sau đó là lời “ra điều kiện”, khẳng định cách suy nghĩ, cách làm của nhà thơ bằng cấu trúc phủ định: “Không bán đoàn viên, ước hẹn hò”. Có sự hẹn gặp về mặt thời gian: “Bao giờ đậu trạng vinh quy đã” (= hành động giao hẹn), rồi yêu cầu ngay lập tức: “Anh lại đây tôi thối chữ thơ”. Ai nghĩ rằng một khổ thơ lại là một đoạn đối thoại với đủ các cung bậc tình cảm, với đủ các cấp độ tâm trạng, với không ít các hành động trực tiếp như thế: rao trăng, mời mua trăng (có thêm cả hành động “bán” trăng kèm theo), hỏi, phủ định, hẹn thời gian gặp, yêu cầu người khác thực hiện hành động chuyển động lại phía mình. Dù khổ thơ linh hoạt và “động” như thế nhưng nhịp thơ vẫn uyển chuyển, mềm mại mà dứt khoát, dẻo dai bền bỉ chứ không thô ráp, khô cứng!
    Khổ thứ hai bắt đầu bằng câu phủ định: “Không, không, không! Tôi chẳng bán hòn Trăng!”. Nhất quyết làm theo ý mình, không thay đổi quyết định! Đó là quyết định nhất quyết không bán trăng. Phủ định xong rồi mỉm cười xoa dịu “khách mua trăng” bằng lời giải thích: “Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng”. Để rồi nhận xét ngay về khách mua trăng qua lời bày tỏ sự tình, bày tỏ nỗi lòng và lời khuyên của nhà thơ “Tôi nói thiệt, là anh dại quá: Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang”. “Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang” là một câu hỏi, hỏi để mà khẳng định: không đành lòng bán trăng được= không thể/ không bao giờ bán trăng! Khổ 2 như một cuộc “mặc cả” nhanh chóng về chuyện “mua- bán” trăng, đôi co về việc bán hay không bán, thực ra là lời giải thích “không bán trăng”. Vì nhà thơ đã “lỡ lời đùa vui” rao bán trăng nên “mặc cả” với “khách mua trăng” là thôi không bán trăng nữa. Khung cảnh đối thoại được tạo dựng có đầy đủ cả người nói và người nghe.
    Nhưng sang khổ thứ 3, người đọc thấy như chìm vào không gian của sự hân hoan, dành trọn tấm lòng cho trăng:
        “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
        Trăng sáng trắng sáng khắp mọi nơi,
        Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi.
        Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi,
        Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.”.
Không còn là đối thoại nữa mà chỉ có lời độc thoại. Khổ thơ thứ 3 bắt đầu với lời reo vui, sự phấn chấn tắm mình trong trăng, nhập hồn vào trăng của nhà thơ, đồng thời đó cũng là lời kể chuyện, miêu tả: “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng! (reo vui); Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi” (reo vui, kể chuyện, miêu tả). Rồi nhà thơ lại thủ thỉ, như an ủi, như vỗ về. Các câu thơ còn lại trong khổ thứ 3 giàu chất tự sự, trần thuật, như lời tâm tình, chia sẻ của nhà thơ với trăng, mà cũng chính là chia sẻ hồn thơ với hồn trăng: “Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi. Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi, Trăng mới là trăng của Rạng Ngời”.
    Thực ra đâu có khách mua trăng! Khổ 1 và khổ 2 là lời đối thoại thật nhưng là đối thoại trong tưởng tượng, đối thoại với “khách mua” thực chất là đối thoại với chính mình. Còn khổ thứ 3 như lời giãi bày tâm sự, độc thoại trong nội tâm. Cái mới, cái tố chất phá phách, “nghịch ngầm” với thơ ca, cái thoát xác, bùng nổ, cái bứt rứt, trăn trở xé rào, băng qua thơ cũ ào ạt như thác cuốn của cả bài thơ chính là chất khẩu ngữ và chất tự sự trữ tình được sử dụng với mật độ dày đặc, ngày càng tăng tiến và biến đổi đột ngột qua từng khổ thơ. Vừa là lời rao đã chuyển sang lời mời, lời hỏi, chuyển sang phủ định, giao hẹn, yêu cầu, đột ngột phủ định, giải thích, nhận xét, khuyên nhủ, dùng câu hỏi tu từ để khẳng định, reo vui, kể chuyện, miêu tả, lời vỗ về, an ủi, tâm sự, chia sẻ, cầu nguyện…Trong một đoạn văn xuôi thông thường, để biểu đạt ngần ấy hành động, ngần ấy sắc thái tình cảm cho hấp dẫn, lôi cuốn, thật không dễ dàng. Đưa một khối lượng hành động và tâm trạng như thế dồn nén trong 3 khổ thơ như Hàn Mặc Tử không chỉ không dễ để tạo sự cuốn hút mà còn là việc trước đó rất ít, nếu không nói là gần như không có trong thơ cũ. Không trau chuốt, không vòng vèo! Tất cả đều là lời trực tiếp. Dòng thơ vẫn chảy đi không vướng bận điều gì, tự nhiên như nỗi lòng nhà thơ, chân thật như tâm hồn nhà thơ, đẹp và “động” như hồn thơ của ông! Nhà thơ “đảo lộn” cái không khí trang nghiêm cổ kính của thơ cũ bằng việc “rao bán hàng” trong thơ. Nhà thơ “khuấy trộn” đủ các bậc tâm trạng, hành động sống của đời thường vào thơ. Nhưng bài thơ không mất đi vẻ hoa mĩ, không mất đi chất thơ bởi nó được chảy từ nguồn “trăng”, từ nguồn của cái Đẹp, từ sự rung động chân thành, tận lòng tận tâm với cái Đẹp, từ sự tôn thờ và gìn giữ cái Đẹp của trăng đến mức ám ảnh, day dứt mãi khôn nguôi: “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!” (khổ 1), “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!” (khổ 2), “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!” (khổ 3).
    Cấu trúc từng câu thơ, từng khổ thơ và cấu trúc cả bài thơ theo hướng “tự do hoá” trong “Trăng Vàng trăng Ngọc” rõ ràng là một “khẩu đại bác” bắn những luồng đạn “đột phá” vào thơ cũ, như thác nước cuốn trôi đi những “khuôn vàng thước ngọc” được bảo tồn trong thơ cũ. Ở một mặt nào đó thì bài thơ vẫn vương vấn chút gì đó của thơ xưa: bài thơ được làm theo thể 7 chữ. Chủ đề trăng là chủ đề cổ điển. Nhưng việc mở rộng chủ đề thành “bán-mua trăng”, “lần tràng chuỗi cầu nguyện cho trăng” thì quá mới, quá hiện đại. Ngôn ngữ thơ giàu chất khẩu ngữ tự nhiên, đượm chất tự sự, trần thuật nhưng thơ vẫn giàu tính nhạc, giàu chất thơ.
        Như vậy, có thể nói, chỉ xét riêng về cấu trúc cũng thấy thơ Hàn Mặc Tử đầy sự sáng tạo. Điều đó thể hiện tố chất sáng tạo tài hoa và trí tuệ, thể hiện cả sự “liều lĩnh” dám vượt lên cái cũ, thăng hoa đến với mảnh đất mới mẻ, để thổi vào thơ ca luồng sinh khí tràn đầy nhiệt huyết và nhựa sống sục sôi, khát khao được sống, khát khao làm hồn thơ Mới sống và trụ vững qua thời gian. Đó cũng là bản lĩnh phong cách riêng của nhà thơ, đến mức mà vào thời kỳ 1932-1945, thời kỳ mà phong trào thơ Mới làm sôi cả thi ca đất Việt, chấp nhận và thúc đẩy cho những cái Mới nảy nở và nhân giống trong thơ ca, thời kỳ mà giới thi nhân đều muốn vùng vẫy, thoát xác trên một hành trình mới, quen thuộc với cái Mới mà vẫn còn phải thốt lên rằng thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là Mới như các nhà thơ Mới mà còn mới đến mức vượt giới hạn thông thường: thơ ông đã từng được xếp hạng vào thơ điên, thơ thuộc “trường loạn”. Phải chăng, những quả bộc phá về cấu trúc trong thơ ông cùng với nguồn thi hứng và chủ đề thơ mới mẻ đã hun đúc nên một phong cách thơ Hàn Mặc Tử như thế? Chắc không thể khác thế được!

4 nhận xét:

  1. PHân tích chán èo, đọc chẳng thấy thích thú gì hết. Giọng văn sáo rỗng khuôn thước kiểu phân tích văn thời THPT. Nói chung đọc hết bài chẳng rút ra được cái gì. NẢN.

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ cần tóm cái váy lại thì tâm trạng cả tác giả lúc đó là vui hay buồn. Tui thấy dài dòng mà không muốn đọc lun

    Trả lờiXóa
  3. Cũng được. Hơi sáo rỗng nhưng vẫn có ích

    Trả lờiXóa