Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Tản mạn về Nam bộ


Nghệ thuật Cải Lương


Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ XX. Nguồn gốc của Cải lương là những bài hát lý, ca nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ. Từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ. Ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch cải lương sau này. Khi mới ra đời cải lương gắn với người những dân Nam bộ, do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam bộ ca cải lương rất "mùi mẫn". Dần dần cải lương phát triển rộng ra cả nước.
Cũng như các nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc (không kể kịch bản tích trò). Dàn nhạc cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà đàn ghi ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo.
Mặc dù sinh sau nhưng sân khấu cải lương nhanh chóng tạo cho mình khối lượng kịch mục phong phú. Nhiều vở diễn được các tác giả cho ra đời đã nhanh chóng được công chúng đón nhận:
Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, sau này chuyển từ đề tài lịch sử, xã hội mở ra các vở diễn chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn đương thời có nhiều tình tiết ly kỳ, hoặc các lớp "Nhảy cửa sổ đấu dao găm"...
Sân khấu cải lương hình thành, đáp ứng thị hiếu của công chúng đô thị và ngày càng pháp triển mạnh mẽ. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ thuật cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình kịch hát dân tộc đàn anh. Trong tiến trình hoàn thiện và pháp triển, cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương?
Gần đây, trong một buổi gặp gỡ các bạn trẻ sinh viên yêu thích cải lương và âm nhạc truyền thống, các bạn có đặt câu hỏi: "Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang, vậy ông có phải là ông tổ của ngành cải lương không?". Bài viết sau đây cung cấp thêm một số thông tin về nhạc sĩ họ Cao cũng như về bản Dạ cổ hoài lang...
Ông Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Năm 1901, ông Cao theo gia đình đến lập nghiệp tại Bạc Liêu rồi ở luôn tại đây cho đến hết đời (ông qua đời ngày 13/8/1976). Thuở nhỏ, ông học chữ nho rồi học chữ quốc ngữ đến "lớp nhì năm thứ hai" (Cours moyen 2e année) tức lớp bốn ngày nay; sau đó quy y tại chùa Vĩnh Phước - Bạc Liêu. Sau khi rời cửa Phật, ông học nhạc lễ và là một trong những môn đệ giỏi về nhạc lễ của nhạc sư Lê Tài Khị (Nhạc Khị). Ông sử dụng rành rẽ đờn tranh, cò, kìm và trống lễ. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến bản Dạ cổ hoài lang (1919) được xem là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Ông viết bản nhạc trên gồm 20 câu, nhịp 2 để trút cạn nỗi niềm tâm sự.
Nỗi niềm ấy ra sao? Nhiều lần ông thổ lộ với bạn tri âm: "Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ tôi. Năm tôi viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con. Tam niên vô tử bất thành thê. Vợ chồng ăn ở với nhau trong 3 năm, vợ không sanh con, chồng được quyền bỏ để cưới người khác hầu có con nối dõi tông đường. Thời phong kiến có những quan niệm chưa đúng. Người ta cho rằng vợ chồng không sanh con là do lỗi của người đàn bà. Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ vợ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu, xót thương cho vợ chồng tôi gặp phải cảnh đau lòng mà cho ở đậu qua ngày với hy vọng vợ chồng tôi sẽ có con và chiến thắng một quan niệm khắc nghiệt, lạc hậu, chịu ảnh hưởng nặng đạo lý thời phong kiến”. Trong thời gian dài phu thê phải cam chịu cảnh “Đêm đông gối chiếc cô phòng", tâm tư nặng trĩu u buồn nên nhạc sĩ Sáu Lầu đêm đêm mượn tiếng đờn nắn nót đôi câu để bớt cơn phiền muộn. Ông thừa hiểu người bạn đời cũng đau xót như ông. Bản Dạ cổ hoài lang ra đời trong bối cảnh như thế
Nói cho rõ hơn, trong thời gian tác phẩm chưa hoàn toàn hoàn chỉnh, nhạc sĩ Sáu Lầu cùng anh em tài tử địa phương đờn tới đờn lui bản này để lấy ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp về phương diện sáng tác. Chuông, trống "công phu" ngân vang khiến anh em nhạc sĩ đất Bạc Liêu nhớ lại hồi chín, mười tuổi ông Sáu Lầu quy y làm "Sa di" tại chùa Vĩnh Phước. Chú tiểu từng đánh trống, dộng chuông công phu hai buổi sớm chiều. Do đó, anh em đề nghị thêm hai chữ "Dạ cổ" (tiếng trống về đêm) cho ý nghĩa thêm sâu đậm. Ông Sáu hoan nghênh nên bản nhạc có tên hoàn chỉnh là "Dạ cổ hoài lang", tức "Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng".
Từ "Dạ cổ hoài lang" đến vọng cổ
Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Đó là đứa con của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng khi "Dạ cổ" hòa nhập vào sân khấu cải lương thì hai soạn giả tiền phong góp công đầu để biến bản nhạc này từ nhịp 2 trở thành nhịp 4 là Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) và Mộng Vân (Trần Tấn Trung). Tiếng nhạn kêu sương là bản "Vọng cổ hoài lang" nhịp 4 đầu tiên do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (1907 - 1964) sáng tác vào năm 1925. Trên những chặng đường phát triển, khi bản "Vọng cổ hoài lang" được nâng lên nhịp 8 (từ khoảng năm 1934 đến 1944) thì nó có tên mới là "Vọng cổ" (không còn cái đuôi "hoài lang"). Từ khoảng 1944 - 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16; thời kỳ kế tiếp: 1955 - 1964: tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.

Hậu thế đã nhận định như sau: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Bản "Vọng cổ" từ nhịp 4 trở đi, trên những chặng đường phát triển, thuộc công trình chung của tài tử tứ phương. Còn ông tổ cải lương dứt khoát không phải là Cao Văn Lầu. Bản Dạ cổ hoài lang chào đời năm 1919, trong khi sân khấu cải lương ra đời khoảng năm 1916.
Ông tổ cải lương là ai? Nhiều nhà nghiên cứu đã xác định ngành cải lương thờ chung một ông tổ với hát bội.
Đi sâu nghiên cứu,chúng tôi thấy có nhiều tư liệu khác biệt:
1) Theo NSƯT, nhạc sĩ Vũy Chỗ xác định cụ thể: Chính Thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ, với sự đồng ý của nhạc sĩ Sáu Lầu, viết bài ca Từ phu tướng, đồng thời có chấn chỉnh một vài chữ nhạc ở câu thứ nhất và thứ bảy cho sắc sảo hơn (Báo Sân khấu số 333 ngày 26/5/1997).
2) Theo nhà nghiên cứu Hoài Ngọc, trong biên khảo "Sân khấu cải lương" (chưa xuất bản), tác giả viết theo lời kể của NS Sáu Lầu: "...Chừng mấy tháng sau, tôi nghe người ta có đặt bài ca cho bản Dạ cổ hoài lang của tôi rồi, và ca cho tôi nghe, thật đúng y như chữ đờn..." (người ta ở đây là nhóm tài tử Sài Gòn - ghi chú của NV).
3) Qua bài viết của ông Trần Phước Thuận, đồng hương với nhạc sĩ Sáu Lầu, xác nhận "Bản Dạ cổ hoài lang, cả nhạc lẫn lời đều do ông Cao Văn Lầu sáng tác" (Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 2 (40) 2003, trang 37).




Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây
Đờn ca tài tử là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người Nam Bộ xưa nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần con người đất phương Nam.
Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa vùng đất phương Nam. Ban đầu ĐCTT chỉ là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch của con người đi khẩn hoang. Về sau, ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Hai chữ "tài tử" là để chỉ người tài. ĐCTT là hoạt động văn hóa, giải trí của một nhóm người tài, có giọng ca thiên phú cùng sự đam mê luyện tập, ứng đối tốt. "Tài tử" thường đi với "giai nhân". Tài tử sánh với giai nhân là tri âm tri kỷ.
Thời sơ khai của ĐCTT (trải dài suốt triều Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX), ĐCTT là thú chơi của tầng lớp quan lại, quý tộc. Các nhóm ĐCTT tiếng tăm như ban của ông Tư Triều và Hai Triều ở Mỹ Tho, Tiền Giang thường được giới quý tộc săn đón, mời mọc biểu diễn. Dân chúng mê ĐCTT, theo ĐCTT như một thứ bùa. Đã mê rồi, họ không dứt ra được.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ĐCTT là linh hồn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở Nam Bộ. Một số bản nhạc tài tử thời kỳ đó trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại, Lưu thủy trường, Xuân tình v.v...
Tài tử, giai nhân một thời vang bóng
Thành phố Cần Thơ là vùng đất nổi tiếng của phong trào ĐCTT xưa nay. (Thời xưa, vùng đất Cần Thơ có tên là Cầm Thi. Hoạt động đờn ca trên sông nước ở đây đã làm nên giai thoại Cầm Thi Giang nức tiếng một thời). Đất tài tử hàng đầu ở Cần Thơ phải kể đến huyện miệt vườn Phụng Hiệp.
Trong số các lão tài tử từng nổi tiếng thời chống Pháp còn sống đến hôm nay, cụ Lưu Văn Thuần (Ba Thuần) ở ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp được coi như một "gia tài sống" về ĐCTT. Nhà cụ Thuần nằm bên bờ một dòng kênh nhỏ. Người dân ở đây gọi cụ Thuần là "cụ Ba tài tử". Cụ còn rất trẻ và khỏe so với tuổi 82 của mình. Con đường trở thành tài tử của cụ Ba quả cũng lắm công phu.
Cụ kể: "Hồi xưa tui mê đờn ca nên được ba má tui mời thầy về dạy. Thầy dạy tui là tài tử Bảy Tàu ở ấp Láng Sen, xã Phụng Hiệp. Lớp học có 6 người, học vào ban đêm, vừa học đờn, vừa học ca. Sau hai năm theo học, thầy bảo: Các con giờ đã ca hay, đờn giỏi, nhớ lấy tiếng ca, tay đờn để mua vui cho đời. Được như vậy thì tâm hồn sảng khoái, sống lâu. Những lần đi làm ăn buôn bán xa quê, tụi tui thường tụ tập đờn ca. Từ đó, tui quen với ông Trần Văn Thành, một tài tử rất nổi tiếng ở Sóc Trăng. Con gái ông Thành là Trần Thị Lan mê tiếng ca, tay đờn của tui nên đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ tui"...
Với chất giọng trời phú, Ba Thuần trở thành một trang tài tử nổi tiếng khắp miệt vườn. Ba Thuần gia nhập đoàn văn nghệ của huyện đi biểu diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng Long Điền, Phụng Hiệp... Ông lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám, chỉ điểm. Chúng tổ chức mật phục, truy lùng ông ráo riết với mục đích triệt hạ giọng ca tài tử. Bị giặc bắt, giam tù, tra tấn dã man, ra tù Ba Thuần tiếp tục gia nhập các nhóm đờn ca phục vụ kháng chiến. Con trai hy sinh trong kháng chiến, vợ mất, Ba Thuần sống cùng với người con gái duy nhất. Cụ Ba Thuần là thương binh hạng 4/4. Hiện nay, cụ Ba và các thành viên trong nhóm ĐCTT chỉ đi hát mua vui, không lấy tiền thù lao.
Cách Phụng Hiệp một chuyến đò ngang, mảnh đất Phong Điền cũng có một lão giai nhân vang bóng một thời về đờn ca và nay cũng đang say sưa bầu nhiệt huyết ấy, đó là cụ Phan Thị Thanh Liên (Năm Liên). Cụ Năm Liên năm nay đã 72 tuổi nhưng lời ca vẫn rất mượt, trong và sáng. Cụ Ba Thuần và cụ Năm Liên đều chung nguyện vọng, đó là được truyền nghề cho lớp con cháu. Những lão tài tử, giai nhân một thời vang bóng như cụ Ba Thuần, cụ Năm Liên hiện còn rất ít.
Đờn ca tài tử không chỉ để mua vui
Vào cái thời bùng nổ nhạc rock, nhạc rap... nhịp sống cuồn cuộn, lớp trẻ vùng sông nước miệt vườn cũng bị cuốn theo. Những năm gần đây, khi ĐCTT được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Bộ cần phải được bảo tồn, phát triển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thường xuyên tổ chức các đợt liên hoan ĐCTT, liên hoan ca cổ. Trung bình mỗi xã có từ 1-3 câu lạc bộ ĐCTT. Ngoài ra, ĐCTT còn phát triển trong các quán nhậu. Tại các đô thị, hầu như ở khu phố nào cũng có quán nhậu ca cổ, ĐCTT.
Nếu nhìn vào những biểu hiện ấy, có thể thấy ĐCTT đang dần trở lại thời vàng son. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Tại các cuộc liên hoan ca cổ và liên hoan ĐCTT gần đây, số lượng các diễn viên trẻ tham gia rất ít. Nghệ sỹ ưu tú Trúc Linh, một trong những cây đại thụ của làng ca cổ hiện nay, đã phát biểu rất tâm huyết rằng: Lớp trẻ nhiều cháu có chất giọng rất tốt nhưng ca hời hợt quá. Ca cổ, ĐCTT mà phong cách cứ như hát nhạc trẻ. Thế này thì khó mà "lớn" được.
Nói về hướng đi cho ĐCTT, Giáo sư, nhạc sỹ Trần Văn Khê cho rằng: ĐCTT là hồn cốt của văn hóa Nam Bộ. Nó không bao giờ mất đi. Điều quan trọng là trong quá trình duy trì, phát triển, không được để nó biến tấu theo những khuynh hướng xô bồ, tùy tiện. Để làm được điều đó phải tạo cho ĐCTT có những "sân chơi" phù hợp. Chỉ dừng lại ở mấy cuộc liên hoan, thi thố thì chưa đủ.
Ngày xuân tiết trời se se, lênh đênh qua những tuyến kênh rạch dưới không gian xanh ngút mắt, thưởng thức hương vị trái cây mát lịm, ngồi trên nhà hàng nổi thả hồn du dương theo âm thanh ĐCTT... là thú vui của du khách muôn phương khi đến vùng đất sông nước miệt vườn. Hy vọng ngày càng có nhiều "sân chơi" như thế để ĐCTT lại tiếp tục được mê đắm, được mời mọc.




Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh - Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương

Đài truyền hình TPHCM vừa thực hiện chương trình Những cánh chim không mỏi (NCCKM) dành cho NSND Tám Danh.

NSND Tám Danh tên thật là Nguyễn Phương Danh, sinh năm 1901, tại Cần Thơ. Ông mất năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất. Đó điều đau xót cho một người con của cái nôi cải lương chưa kịp trả nợ với quê hương... và là điều tiếc rẻ cho vùng đất Nam bộ. Bởi vì, ông là một cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương nhưng học trò của ông đa số là học sinh miền Nam tại đất Bắc hoặc học sinh miền Bắc mới có diễm phúc để ông truyền nghề.
Chương trình NCCKM nói về NSND Tám Danh như một thước phim “quay ngược”, vì các cô-cậu học trò ngày ấy... bây giờ đã “răng long đầu bạc, công thành danh toại” như: Công Thành, Tú Lệ, Lê Thiện, Ca Lê Hồng, Thanh Vy, Thanh Hạp, Xuân Hiểu, Hoàng Khanh...
NSƯT Tú Lệ nói: “Hồi bác Tám Danh còn ở miền Bắc, tôi gầy nhom, ai cũng gọi tôi là con Xẩm, còn anh Công Thành cứ trêu tôi là con Xẩm khùng. Buồn lắm à nhen. Thấy tôi tội nghiệp, bác Tám Danh gọi tôi đến dạy hát cải lương và cho vào vai Võ Thị Sáu, đó là vai diễn đầu tiên của tôi. Sau này giọng tôi yếu quá nên chuyển sang kịch nói Nam Bộ”. NSƯT Thanh Vy vốn là một cô gái Bắc nhưng hát cải lương rất thành công, khi vô Nam đã từng “làm mưa làm gió” với Nàng Xê Đa cùng với ngôi sao giải Thanh Thanh Tâm-Phương Quang trên sân khấu cải lương miền Nam. Thời gian ở miền Bắc, NSƯT Thanh Vy đã có diễm phúc học hát cải lương với thầy Tám Danh và nhờ vai Võ Thị Sáu mà chị đã được Bác Hồ mời diễn cho Bác xem. Đến với chương trình NCCKM của NSND Tám Danh, dù ở vào cái tuổi lục tuần vậy mà diễn vai Võ Thị Sáu tung tăng hái hoa, bắt bướm, bỗng dưng nghe tiếng ngựa xổng chuồng, Võ Thị Sáu vội chạy theo bắt chú ngựa lại... với lối vũ đạo mềm mại, uyển chuyển, NSƯT Thanh Vy đã diễn đạt đến tuyệt vời, người xem nhìn chị diễn mà cứ ngỡ đang bắt ngựa thật. Diễn trích đoạn xong, chị mệt phờ và chỉ kịp nói: “Đó là vũ đạo của thầy Tám Danh đã dạy cho tôi dùng cho tuồng xã hội...”.
Thầy giáo Xuân Hiểu cũng là chàng trai miền Bắc nhưng học ca bằng giọng Nam, lúc nói chuyện giọng Bắc, lúc hát giọng Nam nên ai cũng cười, vì ông hát “khá” quá. Nhưng khá hơn là lúc ông dùng vũ đạo diễn đạt vai con hạc trong vở cải lương “Hạc trắng” mà ngày xưa thầy Tám Danh đã dạy... Cô học trò trường CĐ.SK&ĐẢ diễn vai hạc trắng không ra, ông phải thị phạm lại cho mọi người xem. Mái tóc bạc đốm bạc nhưng từng nét vũ đạo thật điêu luyện, tuyệt vời. Ông nói: “Hồi chúng tôi học, làm gì biết đến ba lê nhưng thầy Tám Danh đã biết dạy cho chúng tôi múa con hạc trắng cho giống Việt Nam, không phải thiên nga. Nghĩa là: dù hạc biến thành người nhưng lúc diễn thỉnh thoảng phải lộ cốt hạc bằng “chiếc mỏ” và “đôi cánh”. Lúc hạc bị thương thì phải vỗ nhè nhẹ vào đôi vai, lúc đi trong đau đớn đôi chân phải kéo về phía sau và bấu xuống sàn diễn như gà bới, vì đó là hạc Việt Nam”. Những hình ảnh mà NSND Tám Danh truyền đạt cho học trò của mình chính là những điều ông gặt hái từ sự quan sát thiên nhiên quanh ông ta, quả là bậc nhân tài. Những năm đầu của thế kỷ 20, làm gì sân khấu của chúng ta có điều kiện tiếp cận với sân khấu thế giới, vậy mà thầy Tám Danh lại soạn ra được một chuyên đề để dạy cho bộ môn cải lương và chúng ta dùng nó ở trường đại học sân khấu Hà Nội cho đến cao đẳng trong Nam. Những danh từ thầy tám Danh dạy như: diễn có thần sắc, bây giờ người ta gọi là tâm lý-hình thể bên trong và bên ngoài, bế chiến là chú ý... Vậy mà từ xưa thầy đã nói nôm na để cho học trò hiểu, còn bây giờ thì khoa học ngôn từ nên thấy khác chứ thật ra là một. Năm 1966, ông còn đề xuất cách tân cải lương bằng cách kết hợp âm nhạc, vũ đạo, nội dung để tạo ra hình thức mới cho cải lương đã tạo nên một cuộc tranh luận dữ dội giữa các nghệ sĩ chuyên môn trong bộ môn cải lương như Út Du. Cuối cùng mọi người yêu cầu dựng thể nghiệm vở Ánh lửa, câu chuyện chưa ngã ngũ thì có lệnh sơ tán đi chiến đấu chống Mỹ... và việc cải cách cải lương cũng bỏ lửng từ đó. Điều này đang được UBND TPHCM chỉ đạo ngành chức năng đưa ra dự án nâng cấp cải lương.
THANH TÚ




Dân ca

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhất trí đánh giá Bến Tre là một trong những cái nôi dân ca Nam Bộ mang đậm dấu ấn vùng sông nước và đồng bằng sông Cửu Long. Ở Bến Tre có nhiều làn điệu dân ca như: hát ru, hò, lý, nói thơ, nói vè, đồng dao, hát huê tình, hát đối đáp, hát sắc bùa... Căn cứ vào nội dung và giá trị nghệ thuật, ở đây chỉ giới thiệu 4 thể loại dân ca tiêu biểu của tỉnh
-         
-         
-          nói thơ Vân Tiên
-          hát sắc bùa..
Phát triển trên vùng đất 3 cù lao nằm giữa các nhành sông Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, hò Bến Tre hình thành theo hai hệ thống: hò trên sông nước và hò trên cạn. Cũnh như vôn văn nghệ dân gian nói chung, hò Bến Tre có cội nguồn từ miền đất cũ do những thế hệ lưu dân người Việt mang theo cùng với hành trang khác của mình trên đường di chuyển để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn về phương Nam.
Hò trên sống nước gồm có:
-          Hò chèo thuyền (chèo ghe)
-          Hò mái đoản (mái cụt)
-          Hò mái trường (mái dài)
Hò trên cạn gồm có:
-          Hò cúng chùa
-          Hò bản đờn
-          Hò lờ
-          Hò cấy lúa
-          Hò đối đáp.
Dù hò trên sông hay hò trên cạn, tiếng hò Bến Tre, do những điều kiện làm ăn sinh sống và do khung cảnh thiên nhiên qui định, nên có phần thanh nhàn và ung dung hơn so với hò miền Trung hay miền Bắc với tiết tấu khỏe, gấp rút, vội vàng. Là một loại hình nghệ thuật dân gian, hò Bến Tre cũng có lề lối diễn xướng riêng. Hò trong lao động, hò giải trí trong lúc nghỉ ngơi, hò trong lễ hội, hò để đua tài cao thấp, hò trong môi trường vui chơi mỗi độ xuân về.
Hò cấy thường diễn ra ngay trên đồng ruộng, có thể kéo dài từ sáng cho đến chiều tối. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô, vừa lao động, vừa trổ tài đối đáp. Xưa kia, mỗi vạn cấy thường tập trung từ 20 đến 30 người, đứng đầu là một anh "trùm vạn" - người làm trung gian giữa chủ ruộng và thợ cấy. Những thợ cấy hò giỏi, hò hay thường được mọi người trọng vọng, công xá bao giờ cũng được nhận phần cao hơn so với các người khác trong vạn.
Hò cấy được phân bố hầu như khắp địa bàn trong tỉnh, nhưng phổ biến nhất là ở miệt ruộng của huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày, Bình Đại.
Ở Thạnh Phú cũng thịnh hành hò chèo thuyền, Bình Đại có hò lờ, hò cúng chùa, hò bản đờn. Dọc theo sông Hàm Luông, ven vàm Tân Hương lại rất phổ biến hò mái đoản, hò mái trường, hò chèo ghe (chèo thuyền).
Trong dân gian, thuật ngữ hò rơi dùng để chỉ trường hợp hò lẻ một mình, chẳng có ai bắt, ai luận, ai gài, ai gỡ, dù có một hoặc nhiều người hò cũng vậy. Trong khi đó, hò kết lại có người bỏ, người bắt, người luận, người gài, người bẻ, tức là có đối có đáp.
Hò mép (hoặc hò bắt quàng) là loại hò ngẫu hứng, đòi hỏi nghệ nhân phải có trình độ nhạy cảm và có năng lực đối đáp ngay lúc biểu diễn trước cảnh và tình xung quanh.
Hò văn, hò thơ, hò truyện đòi hỏi người hò phải am hiểu chữ nghĩa, sử dụng thành thạo các thành ngữ, tục ngữ, nhất là những thành ngữ Hán Việt, phải thuộc nhiều thơ Nôm, thơ lục bát, nhất là các truyện thơ (Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, Phạm Công – Cúc Hoa), biết nhiều điển tích trong các truyện Tàu như Tam quốc, Tây du, Đông Chu liệt quốc, Thủy hử.
Hò quốc sự ra đời muộn màng hơn so với các loại hò trên, cùng lúc với các phong trào đấu tranh chống xâm lược, giải phóng đất nước.
Hò đối đáp vốn là một loại hình dân ca phổ biến khắp ba miền đất nước, có lề lối sinh hoạt nghệ thuật giống nhau, đồng thời ở mỗi vùng lại có những tục lệ riêng. Hò đối đáp Bến Tre trải qua 3 giai đoạn diễn xướng. Mở đầu là hò rao, hò mời, hò hỏi thăm. Lời hò ở giai đoạn này chủ yếu là để tìm hiểu đối phương, cho nên thường khiêm nhường, từ tốn, lịch sự. Giai đoạn hai - phần chính của cuộc hò – là lúc thi tài cao thấp, phân định thắng bại, cho nên sôi nổi, căng thẳng, hồi hộp, gay cấn, nhưng cũng là giai đoạn lý thú và hào hứng nhất. Giai đoạn thứ ba mang tính chất kết thúc với những lời hò giã từ, tiễn đưa, hò hẹn, tạm biệt, có khi là sự luyến tiếc, vương vấn, buồn thương, cảm phục...
  
Bến Tre, qua kết quả sưu tầm được, có hơn 70 điệu lý khác nhau. Trong “vườn lý” ngát hương của xứ dừa, chúng ta đã từng nghe các điệu lý chim chuyền, lý đươn, (đan) đệm, lý lu là, lý con cua, lý con cúm núm, lý con sáo, lý con quạ, lý ngựa ô, lý cảnh chùa... Lý có nhiều khả năng diễn đạt, đề cập, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thiên nhiên và xã hội, sự vật, sự việc chung quanh, vì vậy đề tài của lý vô cùng phong phú. Lý là tiếng nói của tình yêu lứa đôi hồn nhiên và mộc mạc, lý là ước mơ trong sáng, lạc quan, lý là khúc hát ngọt ngào của người bình dân ngợi ca cuộc sống, lý biểu lộ sự bất bình, sự phản đối trước những hiện thực bất công, chướng tai gai mắt, lý cũng là tiếng nói đồng tình, đồng chí dạt dào tin yêu... Người Bến Tre cũng đã chọn nhiều kiểu, nhiều cách để đặt tên cho các điệu lý như:
- Lấy nội dung của lời hát (ca dao) để đặt tên cho điệu lý: lý cái phảng, lý cảnh chùa, lý trái bắp, lý con cún, lý đươn đệm...
- Lấy ngay mấy chữ đầu câu hát (ca dao) mà đặt tên cho lý: lý dừa tơ, lý con cua, lý ông hương, lý ba xa kéo chỉ, lý nàng dâu, lý chim chuyền, lý con ác.
- Lấy tiếng đệm lót, tiếng láy đưa hơi mà đặt tên cho lý: lý lu là, lý hố mơi, lỳ kỳ hợi, lý bằng lưu thủy, lý bằng răng, lý giọng ứ, lý hố khoan...
Lời của lý là những câu ca dao ở thể lục bát. Âm bậc trầm bổng của lời ca tạo ra cốt cách của âm nhạc, và ngược lại do yêu cầu của thẩm mỹ, âm nhạc lại tác động tới lời ca. Đó là mối quan hệ qua lại rất đặc biệt, sinh động của lý.
Trong thể loại lý Bến Tre có hệ thống tiếng đệm lót, tiếng đưa hơi, tiếng láy, hệ thống này đóng vai trò như "gia vị" cho món ăn giai điệu, những tiếng đệm lót, tiếng đưa hơi này đều không có nghĩa cụ thể, nó có tác dụng làm cho giọng hát lên bổng xuống trầm một cách thoải mái, do đó mà cơ cấu giai điệu được tự nhiên, lời ca được tô điểm đậm đà và bay bướm hơn.
Người ta phân biệt được các điệu lý ngoài cấu trúc, đường nét giai điệu và lời ca, như ở tiếng đệm lót đặc thù của nó.
Với tính năng động của nội dung với sự phong phú của đề tài, với hình thức nghệ thuật nhiều màu vẻ, tiết tấu sinh động, dồi dào về điệu thức... thể loại lý đạt trình độ cao về thẩm mỹ, nên đã có mặt ngay từ buổi đầu trong phong trào ca nhạc tài tử và là nguồn bổ sung vô tận cho âm nhạc sân khấu cải lương Nam Bộ.
Nói thơ Vân Tiên
Nói thơ Vân Tiên là một loại hát kể mang tính chất ngâm ngợi, phù hợp với giọng thổ của nam giới. Nội dung là truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu – tác phẩm Lục Vân Tiên - được diễn đạt theo nhịp điệu không buông rơi đều đặn như hát bài chòi, hoặc hát sắc bùa, mà luôn luôn thay đổi từ khoan thai đến dồn dập. Giai điệu thường bắt đầu ở âm khu cao của đầu điệp khúc rồi lên xuống giữa âm khu trung và âm khu trầm và chậm dần để kết thúc mỗi điệp khúc. Khác với hiện tượng “cưỡng âm” ở lý, sáu thanh điệu của ngôn ngữ lời thơ trong nói thơ Vân Tiên bao giờ cũng được tôn trọng. Các dấu giọng (hỏi, ngã, nặng) đều được luyến láy rõ lời. Nói thơ Vân Tiên không sử dụng tiếng đệm lót, hãn hữu mới thấy tiếng "mà" giặm vào, hoặc tiếng đưa hơi "ơ ớ" tùy theo lối ngâm của từng người.
Theo nhạc sĩ Lê Nhất Vũ, căn cứ vào thang âm và điệu thức nói thơ Vân Tiên ở Bến Tre sử dụng điệu thức nam (hơi ai), trong khi đó nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Hia Miêng, nói thơ Bạc Liêu thường diễn xướng trên điệu khúc oán.
Khi phong trào ca nhạc tài tử ra đời, tiếp theo là ca nhạc sân khấu cải lương thịnh hành và trở thành thời thượng, thì nói thơ Vân Tiên cũng bị phai nhạt dần. Vả chăng nhịp điệu nói thơ chỉ phù hợp với đời sống xã hội nông nghiệp cổ, không còn thích ứng với tâm lý con người trong thời đại công nghiệp, thời đại của ”mốt”, của tốc độ. Về phương diện thẩm mỹ, công chúng ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, không chấp nhận sự lặp đi lặp lại những hình tượng nghệ thuật cũ kỹ, dù cho nó đã từng một thời làm say mê lòng người. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Bến Tre, trong các làng quê vẫn còn những cụ già nằm lắc lư theo nhịp võng, vừa vuốt râu ngâm ngợi say mê điệu nói thơ Vân Tiên trong buổi trưa hè, hay giữa buổi chiều êm ả, tĩnh mịch: "dữ răn việc trước, lành dè thân sau...".
Hát sắc bùa
Hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha trộn với ma thuật Đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đôi khi hát sắc bùa Phú Lễ cũng được tổ chức vào dịp cúng đình hàng năm ở ngay tại đình làng.
Tục hát sắc bùa có địa chỉ hẳn hoi là xã Phú Lễ, nhưng kết quả điều tra thực tế cho thấy địa bàn hoạt động của nó rộng lớn, gồm các xã lân cận như các xã Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức, An Bình Đông, Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm).
Tục hát sắc bùa chúc Tết là một tục lệ có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam: Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình trị Thiên và một số tỉnh miền Nam Trung Bộ từ Phú Yên trở ra. Như vậy hát sắc bùa không phải là nơi sản sinh ra tục hát sắc bùa. Trong khi đi tìm nguồn gốc của nó, một số nhà nghiên cứu, sau khi so sánh những yếu tố tương đồng giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa của một số địa phương (kể cả tục hát xéc bùa của người Mường) đồng thời có liên hệ đối chiếu với hàng loạt gia phả của một số gia đình, dòng họ ở đây, đã đi đến bước đầu kết luận rằng hát sắc bùa Phú Lễ có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Nam Trung Bộ về các phương diện: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục, hình thức văn học, đặc điểm âm nhạc...
Đội hát sắc bùa thường được tổ chức từ 4 đến 6 có khi lên đến 8 người, có một ông bầu điều khiển. Đội hát được coi là đầy đủ phải có 6 nghệ nhân biết chơi 6 nhạc cụ. Một cuộc hát thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng giúp vui có tính chất thiên về sinh họat văn nghệ. Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tập thể, có xướng có xô, có nhạc cụ phụ họa và nhịp phách rõ ràng. Lời hát là những câu thơ dân gian thuộc thể sáu tám hoặc thơ 4 chữ.
Về nội dung, gạt ra một bên những câu hát nặng tính chất xưng tụng, nghi lễ xen lẫn với những phù chú "tống quĩ trừ ma" (chủ yếu ở phần đầu), lời hát sắc bùa phản ánh những ước mơ của người lao động trong dịp đầu năm mới: người làm ruộng mong "mùa màng bội thu", "cây trái tốt tươi", người dệt vải "làm không kịp bán", thợ nề, thợ mộc được “người ta năng rước”, xã hội “trăm nghệ tân phát”, “người yên, vật thịnh"...
Theo xu hướng và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội, nội dung của hát sắc bùa Phú Lễ đã có nhiều thay đổi, ngày càng gắn với hiện thực của đời sống hơn, trong khi phần tập tục, nghi lễ mang tính chất ma thuật phai nhạt dần.



Vua" vọng cổ Viễn Châu - Người khai sinh "tân cổ giao duyên"


Nửa thế kỷ qua, nghệ sĩ Viễn Châu đã sáng tác hơn 50 vở cải lương và 2.000 bài ca vọng cổ. Ông là cây đại thụ hiếm hoi của nền nghệ thuật cổ truyền dân tộc thế kỷ XX còn lại đến hôm nay.

Mặc dù đã có một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, nhưng đến nay lão nghệ sĩ vẫn không ngừng sáng tác. Ông xuất hiện thường xuyên trong các chương trình cổ nhạc hay làm giám khảo thi tuyển giọng ca cải lương.

Nhớ về thời tuổi trẻ, ông cho biết, gia đình chính là chiếc nôi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho mình: "Cha tôi là hương cả trong, làng, biết Hán văn, lại rất mê cổ nhạc. Anh em chúng tôi vừa lớn lên được ông nội và cha dạy cho Hán văn và khuyến khích chơi nhạc. Tôi rất thích chơi đờn tranh tài tử. Chính nhờ ngón đờn tranh đã nuôi sống tôi trong thời gian đầu lang thang lên Sài Gòn chơi nhạc".

Bên cạnh việc chơi nhạc tài tử khi còn ở quê nhà, Viễn Châu còn tập viết văn, làm thơ. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên ông có truyện ngắn Chàng trẻ tuổi và bài thơ Thoi mộng được đăng trên nhật báo Dân mới và Tổng xã báo.

Nghệ sĩ Viễn Châu nhớ lại: "Khi thấy bài mình in trên báo, tôi sướng lắm. Máu nghệ sĩ nổi lên, tôi quyết chí giang hồ, trốn nhà lên Sài Gòn chơi nhạc. Nhưng mới hơn một năm thì anh tôi lên tìm bắt về. Mấy năm sau, tôi mới lên lại Sài Gòn lần thứ hai cùng chơi nhạc với các danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ. Nghệ danh Bảy Bá cũng có từ đó".

Năm 1950, được sự khuyến khích của bậc đàn anh Năm Châu (tức NSND Nguyễn Thành Châu), Viễn Châu đã hoàn thành vở cải lương đầu tay Nát cánh hoa rừng. Ngay sau đó, vở tuồng này được chính nghệ sĩ Năm Châu cho dàn dựng biểu diễn trên sân khấu Việt kịch ở Sài Gòn và gây được tiếng vang.

Từ sự khởi đầu thuận lợi đó, Viễn Châu tiếp tục sáng tác hàng chục vở, tiêu biểu như: Hoa Mộc Lan, Đời cô Nga, Tình mẫu tử, Bông ô môi, Cưới vợ cho vua, Ai điên ai tỉnh, Sau bức màn nhung, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Hai nụ cười xuân... Thời đó, Viễn Châu còn sáng tác hàng nghìn bản vọng cổ nhưng vẫn không kịp cung ứng cho các hãng, đĩa cổ nhạc. Những bản vọng cổ của ông khi lãng mạn trữ tình, khi bi hùng ai oán: Tình anh bán chiếu, Cô hàng chè tươi, Lá trầu xanh, Lan và Điệp, Gánh nước đêm trăng, Hán Đế biệt Chiêu Quân...

Theo đánh giá của giới nghệ sĩ nếu như bậc tiền bối Cao Văn Lầu có công khai sinh bản vọng cổ thì Viễn Châu lại góp công lớn làm cho nó hay hơn, đẹp hơn, nâng lên một tầm vóc mới.

Giống như sự cách tân trong hội họa hay thi ca, kể từ năm 1964, Viễn Châu đã thổi một luồng sinh khí mới vào làng cổ nhạc khi ông công bố những bản "tân cổ giao duyên" bằng thể nghiệm ghép tân nhạc vào bản vọng cổ truyền thống, làm cho nó phong phú hơn, linh động hơn.

"Tân cổ giao duyên" - cái tên đáng yêu do chính Viễn Châu đặt ra cũng nhanh chóng trở nên quen thuộc với khán thính giả như chính bài ca vọng cổ cách tân đã nhanh chóng được chấp nhận. Sức sống của tân cổ giao duyên trong gần 40 năm qua đủ minh chứng cho sự thành công của soạn giả Viễn Châu.

Nghệ sĩ Viễn Châu tâm sự: "Điều cốt yếu là thời trước anh em chúng tôi sống gắn liền với sân khấu, lấy sân khấu làm nhà, nghệ sĩ với nhau như anh em ruột thịt. Tôi thích cổ nhạc từ nhỏ, ước mơ mang tiếng đờn đi chơi để kết nối tình bạn, chớ không nghĩ nó là nghề sinh kế" .

Ông cũng tỏ ra hết sức lo lắng cho nên âm nhạc cổ truyền dân tộc hiện nay: "Cổ nhạc hiện có nhiều anh em trẻ giỏi, những chơi hơi thiếu cái hồn nhạc. Hình như do cuộc sống xô bồ nên nét nhạc của họ ít truyền cảm đi. Muốn giỏi, người nghệ sĩ cần phải có tâm nhạc".




1 nhận xét: