Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

SỨC MẠNH VÀ VẺ ĐẸP NGÔN NGỮ



NGUYỄN TRỌNG TẠO
Bạn thử tưởng tượng rằng, bỗng một ngày nào đó, tiếng nói và chữ viết đột nhiên như có đôi cánh nhiệm màu rời khỏi loài người vốn đã sáng tạo ra nó, bay đến một thiên hà xa xôi nào khác… Thật là một tai hoạ khủng khiếp! Chỉ nhớ lại cái cảm giác bất lực đến khó chịu trước một người bất đồng ngôn ngữ hay một người câm mà mình đã tiếp xúc, bạn cũng đã thấy ớn lạnh lắm rồi. Khi loài người ngày nay không còn tiếng nói và chữ viết, thế giới của chúng ta sẽ giống hệt một thế giới những người câm, và, bạn sẽ còn ớn lạnh đến chừng nào khi biết mình đang sống giữa thế giới đó mà chính mình cũng là một người câm? Lúc đó con người mất đi khả năng phản ánh ý thức (con người có khả năng phản ánh ý thức nhờ ngôn ngữ – Marx-Engels), mà ý thức vốn là một nguyên nhân của sự xuất hiện loài người.
Rõ ràng là, ngôn ngữ giữ một vai trò quan trọng trong sự duy trì tồn tại và phát triển của loài người. Nó là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là một hệ thống tín hiệu tinh vi và phức tạp, gắn chặt với tư duy (nhưng không đồng nhất), với chức năng cơ bản nhất là một công cụ giao tế giữa con người với con người. Vì vậy, sự chính xác là một yêu cầu rất lớn đối với ngôn ngữ. Nhà văn Gorki là người ý thức được tầm quan trọng nói trên của ngôn ngữ, và hơn một lần, ông kêu gọi: “Một lần nữa tôi khuyên các bạn: Hãy chú ý đến ngôn ngữ, hãy giành giật lấy từ nó sự chính xác, điều này sẽ đem lại cho nó sức mạnh và vẻ đẹp !” Lời kêu gọi của Gorki không chỉ có giá trị đối với các nhà văn mà đối với tất cả mọi người. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng, công cụ của nhà văn không còn gì khác ngoài ngôn ngữ mà họ dùng đến, thì chúng ta càng thấy lời khuyên của Gorki đối với họ quan trọng đến chừng nào, bởi vì, “bằng ngôn ngữ (… ), nhà văn có thể tác động trực tiếp đến tri giác, thính giác, xúc giác của người đọc, làm cho họ cảm giác được nhân vật một cách vật chất” – (Gorki), và “bằng ngôn ngữ, nhà văn với tác phẩm của mình có thể làm cho con người thay đổi thế giới” – (Nguyễn Đình Thi)…
Ngôn ngữ vốn là những qui ước mà thôi. Sự qui ước của ngôn ngữ tự thân nó chỉ có tính chính xác tương đối. Đứa trẻ trong làng chỉ có thể hình dung sau khi nghe tiếng “cái nhà” với những cái nhà trong làng mà nó đã thấy, còn người khác, có thể hình dung tới những cái nhà trên thế giới mà họ đã được biết. Nhưng con người sẽ kém cỏi biết chừng nào khi họ lạm dụng tính chính xác tương đối ấy của ngôn ngữ. Trong thực tế, có người chỉ đường giỏi khiến cho người hỏi đường nhanh chóng tới nơi mình muốn và có kẻ chỉ đường tồi khiến cho người hỏi đường phải mất nhiều công tìm kiếm thêm. Người chỉ đường giỏi là người đã biết sử dụng những ngôn ngữ có tính chính xác cao. Đối với văn học, nhà văn giỏi bao giờ cũng là người chỉ nhanh cho người đọc đi tới những gì mình muốn mang đến cho họ. Nhưng sự chính xác của ngôn ngữ văn học đòi hỏi chức năng biểu cảm thẩm mỹ cao, và điều quan trọng là nó phải miêu tả được trạng thái tâm hồn của con người (của nhà văn và của nhân vật). Nguyễn Du là nhà thơ đã làm cho ngôn ngữ có sức mạnh và vẻ đẹp thật tuyệt vời với nghệ thuật sử dụng những ngôn ngữ đến độ chính xác khó có thể thay thế được. Đây là đoạn ông tả Thuý Kiều tắm:
Buồng the phải buổi thong đong
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên!
Tả một việc rất thô, mà lời văn thật nhanh nhã. Ngôn ngữ chính xác đến nỗi như là dựng lên trước người đọc một pho tượng khoả thân tuyệt mỹ, chứ không hề có cảm giác nhục dục. Thật khó mà tìm được những từ ngữ để thay thế chút ít trong bốn câu thơ trên cho nó có thể hay hơn nữa, thậm chí, để cho nó ngang bằng cũng đã là một việc quá khó. Do một sự vô tình hay cố tình nào đó, hai chữ “Dầy dầy” trong câu thứ tư được đổi thành “Rành rành” trong một bản in ở miền Nam, làm người đọc bỗng cảm thấy thật khó chịu, bởi nó không lột tả một cách chính xác tâm hồn bên trong của nhân vật Thuý Kiều với sự phát triển lô – gíc của nó.
Trong các nhà thơ của phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử không phải là một nhà thơ quá ý thức chơi chữ, chơi ngôn từ, nhưng thơ ông là cả một thành tựu của sự sáng tạo ngôn từ thật “đắt”:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!
Hoặc:
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Thật khó mà thay các từ “nằm sóng soãi”, “lả lơi”, “ngây tình”, “trần truồng”, “khuôn vàng”, “đáy”… bằng những từ khác cho hay hơn. Ngôn ngữ khi đã được dùng chính xác rồi trong văn cảnh của nó, tất cả mọi sự thêm thắt, thay đổi đều thành xuyên tạc cái hay của nó mà thôi.
Đối với nghệ thuật thơ, sự chính xác của ngôn ngữ không thể xét một cách “ngang bằng sổ thẳng”, bởi nếu chỉ chính xác theo kiểu đó, nó không còn là thơ nữa. Đấy là thứ ngôn ngữ “chính xác mà không chính xác !” Ngôn ngữ thường đạt hiệu quả cao khi tưởng như nó “Không chính xác mà rất chính xác”. Ví dụ câu thơ: “Những con đường bảng lảng hoàng hôn” chẳng hạn. Sẽ làm nghèo đi ý nghĩa câu thơ này, khi ta cố cắt nghĩa là “bảng lảng” bổ nghĩa cho “con đường”, hoặc cho “hoàng hôn”. Hai chữ bảng lảng ở đây thực ra dùng cho cả “con đường” và “hoàng hôn”, nhưng điều quan trọng hơn là nó có giá trị phản ánh tâm hồn, tâm trạng nhà thơ trước không gian và thời gian mà câu thơ gợi lên. Sự chính xác của ngôn ngữ ở đây chính là tạo ra hiệu quả cái có lý từ cái vô lý.
Đối với ngôn ngữ văn học, âm điệu câu thơ câu văn đều có đóng góp không nhỏ tới việc truyền cảm chính xác những điều mà nhà thơ nhà văn muốn miêu tả. Việc ngắt câu thật ngắn gọn trong văn xuôi thường tạo nên một cảm giác gấp gáp, khẩn trương, việc kéo dài câu văn tạo nên cảm giác nặng nề hoặc êm đềm. Những câu thơ toàn âm bằng thường gây được hiểu quả đáng kể khi tả những tâm trạng vẩn vơ, man mác:
Trời buồn làm gì trời rầu rầu
Anh yêu em xong anh đi đâu…
(Lê Ta – tức Thế Lữ)
Và đặc biệt là khi dùng những từ láy đôi, câu thơ thường mang lại những sức mạnh và vẻ đẹp lớn cho rung cảm người đọc, người nghe:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
(Hàn Mặc Tử)
Ở đây, âm điêu thực chất là nội dung của ngôn ngữ. Nếu chỉ coi âm điệu là trang điểm cho ngôn ngữ, nhà văn chỉ mới sử dụng được một nửa tác dụng của thứ vũ khí này.
* *
*
Trong công việc viết văn, làm thơ, có nhiều thứ làm cho người viết khổ tâm, nhưng điều khổ tâm mà chắc chắn người viết nào cũng gặp và gặp thường xuyên, đó là khi anh muốn diễn tả một điều gì đó mà không tìm ra được cái từ diễn đạt nó một cách chính xác nhất, cái từ “đắc địa” nhất, nghĩa là gọi đúng tên bản chất sự vật. Ai nghèo nàn về vốn từ ngữ, đều rất mất thời giờ với sự lúng túng ấy. Nhưng cũng có người lại chịu mất thì giờ với nó bởi sự kỳ công văn chương. Chả thế mà có nhà văn từng chọn trong hàng trăm từ để lấy một từ dùng vào câu văn của họ. Có khi, từ họ chọn không hẳn là “đắc địa” theo quan niệm của người khác, nhưng nó lại rất “đắc địa” trong cái hệ thống cấu trúc ngôn ngữ riêng của họ, đấy là thứ ngôn ngữ riêng nhà văn ấy tạo nên, thứ ngôn ngữ của phong cách văn chương. Nguyễn Tuân là nhà văn bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ với phong cách rất riêng biệt, ngoài việc kỳ công tìm kiếm chữ nghĩa độc đáo, dễ gây ấn tượng, ông còn kỳ công làm cho từ ngữ bình thường bỗng toát lên những ý nghĩa mới. Đọc văn Nguyễn Tuân, ta luôn luôn được hưởng sự thú vị của chữ nghĩa, hết dòng này tới dòng khác, hết trang này sang trang khác mà không nhàm chán. Có thể nói, ông là nhà văn của ngôn từ. Theo ông nói, không phải tự nhiên mà có được những chữ dùng thú vị, ông cũng có nhiều giây phút khổ tâm để tìm kiếm sự thú vị cho nó. Chắc ông phải kỳ công hơn nhiều nhà văn khác trong khi sử dụng ngôn ngữ văn chương. (? )
Trong quá trình sáng tác, ai mà chẳng chịu nhiều sự khổ tâm trong việc tìm tên gọi chính xác cho bản chất sự vật mà mình miêu tả trong thơ. Tôi nghiệm ra rằng, sự chính xác của của từ ngữ không bao giờ đạt hiệu quả cao trong sự diễn đạt cầu kỳ. Ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng hay nhất trong sự giản dị của nó. Sự giản dị làm cho ngôn ngữ luôn trở nên hiện đại nhất. Nhà thơ chạy theo chủ nghĩa ngôn từ sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu, và sự nhanh chóng lạc hậu của ngôn từ chứng tỏ tính chính xác thấp của nó.
Có thể nói rằng, sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn chứ chưa nói đến thành nhà văn lớn khi anh không chú ý đến ngôn ngữ. Nhưng sự chú ý đến ngôn ngữ mà để người đọc luôn nhận ra sự “chú ý” ấy, thì đấy mới chỉ là một nhà văn xoàng

1 nhận xét: