Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít

Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít




Vào đầu thế kỷ 20 này, Marx, Einstein và Freud có ảnh hưởng lớn trong việc thay đổi nhãn quan của con người đối với tự nhiên và xã hội. Thật vậy, Einstein với thuyết Tương Đối đã đặt cơ sở mới cho Vật Lý Học và Vũ Trụ Học, Freud với Phân Tâm Học mở đầu cho việc khai phá chiều sâu tâm lý con người, và Marx làm đảo lộn xã hội khi đưa ra chủ nghĩa Duy Vật Lịch Sử.
Tất nhiên, trong khoa học tự nhiên không phải chỉ có Einstein nhưng Einstein đã làm cách mạng nền tảng khoa học khởi từ Newton. Trong việc nghiên cứu và trị liệu con người, Freud không những khám phá ra vị thế của vô thức, luận điểm Mặc Cảm Oedipe của ông đặt định cấu trúc quan hệ con người một cách triệt để. Khi nghiên cứu xã hội bằng khoa kinh tế chính trị, Marx tìm ra quy luật phát triển của lịch sử con người trong vận động thực tiễn. Những khám phá của Einstein, Freud và Marx đã mang những chiều kích mới về tự nhiên, con người và xã hội; quả thật những lý luận đó có tính cách mạng, phân biệt hẳn với những lý luận và những nhân vật khác trong lịch sử tri thức nhân loại ở thế kỷ này. Nhưng Freud và Marx còn một điểm chung khác: sự phát triển lý luận của họ rộng lớn trong sinh hoạt xã hội đã đi đến chỗ cực đoan, giáo điều: những hiệp hội phân tâm học quốc tế và những đảng CS quốc tế trở thành những tổ chức thế quyền củng cố những giới luật chặt chẽ chẳng khác những hệ thống giáo quyền.
Phân tâm học của Freud cũng như chủ nghĩa Mác đã kinh qua những luận giải của các môn đệ, phát triển ra nhiều hệ phái. Cho nên việc đọc lại Freud hay đọc lại Marx đặt thành vấn đề: Có phải trở về “Freud nguyên thủy” hay “Marx nguyên thủy” ngõ hầu tìm ra những tư tưởng chân thực của họ?
Đặt vấn đề như vậy, chắc hẳn sẽ gặp những ý kiến khác biệt như sau:
      - Những tư tưởng trung thực của chính Marx so với những phát triển của chủ nghĩa Mác về sau, điều đó còn có nghĩa là Marx không chịu trách nhiệm về những thành quả của chủ nghĩa Mác (hay chủ nghĩa Cộng sản) trong quá trình lịch sử.
      - Không thể quan niệm một chủ nghĩa Mác thuần túy tách biệt khỏi thực tiễn lịch sử, bởi về mặt lý luận, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra một lý luận thực tiễn, không phải đi giải thích thế giới mà vấn đề là phải biến đổi nó. Chủ nghĩa Mác đã gắn liền với quyền lực chính trị.
Thế nên, đọc Marx như thế nào? Có thể đọc Marx từ cái nhìn của một người Việt nam?
Đã có người thử đặt vấn đề nhìn Marx từ quan điểm của nước Mỹ, như Clinton Rossiter với Marxism: The View from America (1960). Khi đối chiếu chủ nghĩa Mác với truyền thống nước Mỹ, Rossiter đã muốn chỉ ra rằng chủ nghĩa Mác không bao giờ có cơ hội thắng lợi ở Mỹ, vì từ cơ bản, chủ nghĩa Mác có tính nhất nguyên, trong khi truyền thống Mỹ với lý tưởng của chủ nghĩa tự do có tính đa nguyên. Tại sao ở một nước công nghiệp tân tiến nhất như nước Mỹ, môi trường thuận lợi cho quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và sau đó tiến lên chủ nghĩa Cộng sản như Marx tiên đoán, lại có rất ít người theo chủ nghĩa Mác? Rossiter đã kể ra, ít nhất bảy nguyên do về sự thất bại của chính Marx: như Marx đã không có khiếu trình bày các luận diểm cơ bản trong lý thuyết của ông, mặc dầu ông được nhiều người đọc, những định nghĩa về “ý thức,” “vật chất,” những khái niệm như “quan hệ sản xuất” trong học thuyết Mác không rõ ràng, những sự kiện ông dẫn ra đã không cập nhật, khi phá đổ trật tự xã hội cũ, ông đã không có một đề cương xây dựng xã hội mới cũng như quan điểm của ông rất cực đoan một chiều về con người, xã hội cũng như lịch sử.
Vấn đề đặt ra là “chủ nghĩa Mác có thích hợp với các xã hội phương Đông?” Chính Marx đã phân chia những giai đoạn lịch sử nhân loại trên cơ sở chế độ kinh tế, theo như ông nói là những phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư bản. Ba phương thức sau áp dụng vào xã hội Tây phương, tạo thành một nhóm. Như vậy phương thức sản xuất châu Á ở một phạm trù khác. Tuy nhiên Marx và Engels không có cơ hội để đi sâu vào việc tìm hiểu phương thức sản xuất này. Trong quá trình vận động lịch sử đi từ chủ nghĩa tư bản qua chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản, có một khoảng cách - đề ra vấn nạn về sự thống nhất của quá trình lịch sử.
Nếu phương thức sản xuất châu Á mang tính đặc thù khác hẳn với phương Tây, có một khả năng về tiến trình lịch sử theo một con đường khác, như vậy chiều hướng lịch sử có tính đa nguyên; hơn nữa, nếu bản chất của phương thức sản xuất châu Á không diễn ra trong vận động biện chứng của lịch sử từ cổ đại qua phong kiến, tư bản, hiểu theo nghĩa lịch sử của xã hội hiện hữu là lịch sử đấu tranh giai cấp, có phải những xã hội theo phương thức sản xuất châu Á đi theo một tiến trình khác? Như vậy chủ nghĩa Mác không có một thực tiễn, nói khác đi, không áp dụng vào những xã hội châu Á? Điều đó có nghĩa, hoặc không thể đọc Marx từ quan điểm châu Á, hoặc phủ nhận những giá trị của học thuyết Mác.
Như đã trình bày ở trên, người ta không thể đọc Marx về mặt kinh tế chính trị dưới nhãn quan phương Đông. Vì lý thuyết kinh tế chính trị của Marx không thể áp dụng vào xã hội phương Đông, nếu chúng ta hiểu Marx chỉ giải quyết những vấn đề trong những tiền đề lý luận ông đưa ra. Nhưng chắc hẳn điều đó không có nghĩa là phủ nhận học thuyết Mác một cách đơn giản. Trên thực tế, nếu học thuyết Mác không có những giá trị quan trọng hơn, chủ nghĩa Mác đã không có sức thu hút một số đông đảo những người tin theo như ở phương Đông vậy.
Mặt khác, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa Mao cũng xác định chủ nghĩa Cộng sản đã áp dụng vào một phần xã hội châu Á.
Đọc Marx như thế nào là một nhân tố quan trọng trong việc xác định vị thế của người nghiên cứu đối với chủ nghĩa Cộng sản, vì tác động hai mặt: hiểu Marx theo quan niệm “chính thống” của người Cộng sản, hoặc có một cái nhìn khác về Marx, những phát triển của chủ nghĩa Mác ở ngoài quỹ đạo Xô viết.
Đọc Marx với những hệ luận phức tạp đó, phải chăng vì Marx có những khuyết điểm như Rossiter đã nêu ra.
Thật sự, hình thành tư tưởng của một con người còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau. Ở trường hợp Marx, ngoài yếu tố ông được đào tạo từ môi trường triết học và từ lãnh vực này, Marx chuyển hướng nghiên cứu kinh tế chính trị học, những tác phẩm chủ đạo của Marx đều chưa trọn vẹn, như tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học; Khởi Thảo Những Nguyên Lý Kinh Tế Chính Trị Học; và Tư Bản. Hơn nữa, những tác phẩm Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học cũng như Khởi Thảo Những Nguyên Lý là những bản thảo chỉ được xuất bản vào thập niên 30 và 40 của thế kỷ 20, đánh dấu những chiều hướng giải thích chủ nghĩa Mác mới lạ và khác biệt, gây ra nhiều tranh luận.
Cuộc đời và tác phẩm của Marx có những quan hệ, gắn bó với hoạt động của những phong trào công nhân và trào lưu xã hội chủ nghĩa, do đó những bản viết của Marx cũng có tác động hai mặt đối với thực tiễn.
Những yêu cầu thực tiễn đã thúc đẩy Marx đi vào con đường phê phán triệt để, với một giọng vẫn đầy chất lửa gây hấn. Những tác phẩm của Marx đều khởi từ cơ sở phê phán, cho nên ngay từ những tác phẩm thời trẻ như Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel; Phê Phán Triết Học về Nhà Nước của Hegel (1843) đến những tác phẩm thời trưởng thành, cơ bản là tập Tư Bản cũng mang một tiêu đề phụ là Phê Phán Kinh Tế Chính Trị (1867). Chính qua tính phê phán này, có những học giả phân biệt “chủ nghĩa Mác phê phán” với “chủ nghĩa Mác khoa học.”
Sự phân biệt này không chỉ thuần túy dựa vào những vấn đề của Marx, còn chỉ ra tư tưởng Marx biến chuyển một cách cơ bản. Cũng trong chiều hướng đó, người ta còn phân biệt Marx thời trẻ và Marx thời già, sự phân biệt này cũng không chỉ nêu ra tiến trình của tư tưởng Marx mà còn phân biệt triệt để như trường hợp nhà mác-xit Pháp L. Althusser khi ông quan niệm “có một sự đoạn tuyệt nhận thức luận” trong học thuyết Mác. Điều này có nghĩa là tư tưởng Marx thời trưởng thành đã đoạn tuyệt với tư tưởng thời trẻ, rũ bỏ hẳn những tàn dư của chủ nghĩa duy tâm. Lập trường này còn đối lập một Marx/nhà lý luận khoa học với một hình ảnh Marx của chủ nghĩa nhân đạo như một số học giả khác quan niệm.
Thật sự, những lý giải khác nhau về học thuyết Mác cũng phân định ba lập trường:
       1. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời trẻ mới thực sự quan trọng vì nó mang tính nhân đạo và thuần tuý của Marx.
       2. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời già mới tiêu biểu cho chủ nghĩa Cộng sản vì nó dựa trên cơ sở kinh tế chính trị học, như Louis Althusser cho rằng Marx đã khám phá ra một lý luận về lịch sử, tức chủ nghĩa Duy vật lịch sử - đó là bước đầu đoạn tuyệt triết học ý thức hệ - để xây dựng một triết học mới, tức chủ nghĩa Duy vật biện chứng.
       3. Những người quan niệm tư tưởng Mác thống nhất và xuyên suốt giai đoạn trẻ đến lúc trưởng thành, như vậy chỉ có một học thuyết Mác. Nếu chỉ có sự khác biệt giữa những tác phẩm thời già với thời trẻ chỉ là sự sử dụng từ thay đổi, những cơ sở lý luận không thay đổi.
Ba khuynh hướng lý giải tư tưởng Mác không những chỉ khác biệt về mặt nhận thức, chủ yếu còn khác biệt về mặt chính trị, mở ra những chiều hướng ý thức hệ mới. Chẳng hạn, khai phá lý luận về tha hóa trong tác phẩm Mác thời trẻ phù hợp với trào lưu tư tưởng hiện đại của chủ nghĩa Hiện sinh đã mở đường cho nhiều học giả nghiên cứu vấn đề này. Những lý giải khác nhau dẫn đến sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác chính thống và chủ nghĩa xét lại trong việc đọc Marx. Quả thật Marx là một trong những tác giả gây ra nhiều tranh luận nhất, phần vì Marx diễn đạt tư tưởng không được minh xác, Marx lại không thống nhất với chính mình về những khái niệm ông đưa ra, chẳng hạn như khái niệm “giai cấp.” Mặt khác, chủ nghĩa Mác dựa vào quyền bính đã là cơ sở cho những đường lối giải thích tùy tiện vào những người theo Marx. Sự đối lập nghiêm trọng nhất là chủ nghĩa Mác-Stalin với những lý giải khác của chủ nghĩa Mác. Quả thật kể từ khi đảng Cộng sản bôn-sê-vích nắm quyền ở Nga, chỉ có một chủ nghĩa Mác giáo điều theo Lênin và Stalin. Tư tưởng Mác trở thành một bộ phận kinh điển của chủ nghĩa Mác Xô viết. Những phản ứng của trường phái Zagreb (Nam Tư) và những người mác xít Tây Âu chứng tỏ chủ nghĩa Mác đã biến dạng và phân hóa.
Đặt vấn đề đọc lại Marx bao hàm cả mặt triết lý lẫn chính trị. Marx khởi sự là một triết gia, song quan điểm của ông thật triệt để khi ông đòi hỏi triết học phải biến đổi thế giới (trong Luận Cương Feuerbach 11, Marx viết: Những triết gia chỉ đi giải thích thế giới, song vấn đề thực ra là phải biến đổi nó/Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretiert, es konnt darauf an, sie zu verandern). Đó là điểm khác biệt giữa Marx và những triết gia đi trước. Mặt khác, cũng như trường hợp Hegel, những môn đệ theo Marx còn triệt để trong quan niệm: triết học Marx chấm dứt giòng lịch sử triết học, nghĩa là sau Marx, người ta không thể vượt khỏi chủ nghĩa Mác. Về mặt chính trị, đọc Marx phải khởi từ một chỗ đứng rõ rệt, hoặc chấp nhận Marx, hoặc chống Marx (đó là ý nghĩa “tính đảng” như người cộng sản quan niệm).
Tuy nhiên đứng ở một vị trí cực đoan như vậy đối với chủ nghĩa Mác chỉ có nghĩa chủ trương một chủ nghĩa Mác giáo điều, đóng kín mọi ngả đường phát triển học thuyết Mác, biến tư tưởng Mác thành những tín điều tuyệt đối. Đọc Marx một cách sinh động là nhìn nhận có một tiến trình tri thức trong tư tưởng Marx với những nét đặc thù của nó.
Những tranh luận về tư tưởng Mác mang hai mặt đối lập: hoặc sử dụng Mác trong ý đồ biến đổi thế giới, hoặc sử dụng Mác trong ý đồ bảo trì trật tự hiện hữu; hoặc biện hộ tính chính thống như chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Stalin, hoặc đề ra tính công chính của chủ nghĩa Mác để chống lại những chủ nghĩa này như một số nhà triết học Đông Âu chủ trương; hoặc chấp nhận lý luận về lịch sử mà phủ nhận biện chứng về tự nhiên, hoặc phủ nhận triết học và khẳng định chủ nghĩa Mác là một khoa học.
Xét tiến trình hình thành tư tưởng Mác dựa trên những tác phẩm Marx đã hoàn tất hay mới khởi thảo:
Giai đoạn 1: Những tác phẩm thời trẻ, tính cho đến năm 1845, ngoài luận án tiến sĩ, là:
       - Năm 1844, khởi thảo Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel.
       - Năm 1844, tập Bản Thảo Kinh tế và Triết học.
       - Viết chung với Engels năm 1845, Hệ Tư Tưởng Đức và   
 Gia Đình  Thần Thánh.
       - Năm 1845, Luận cương Feuerbach.
Giai đoạn 2:
       - Năm 1848, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
       - Năm 1847, Sự Nghèo Nàn của Triết Học.
         - Hai năm 1857-1858, Những Nguyên Lý Phê Phán Kinh Tế
         Chính Trị Học.
Giai đoạn 3: 
         - Tư Bản tập 1 và tập 2, 3 do Engels xuất bản; Lý Luận về
Giá Trị Thặng Dư do Kautsky xuất bản.
- Năm 1975, Phê Phán Đề Cương Gotha.
Một cái nhìn toàn diện cho thấy ngay từ những bài viết thời trẻ, Marx vẫn tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề ông đưa ra trong Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel, khám phá ra sứ mạng lịch sử đặc biệt của giai cấp vô sản cũng như ý tưởng “cách mạng” không phải từ động lực bên ngoài mà xuất phát từ thành tựu xu hướng nội tại của nó. Có một khâu xuyên suốt quá trình biện chứng trong học thuyết Mác, do đó khi phân chia những tác phẩm của Marx theo ba giai đoạn nêu trên không có nghĩa là cắt đứt khâu biện chứng đó, hay chối bỏ một giai đoạn nào cả.
Vấn đề đọc Marx còn khởi từ một vấn nạn: một bên học thuyết Mác là một lý luận toàn diện và duy lý, mặt khác chủ nghĩa Mác lại là cơ sở cho những tổ chức, đảng và Nhà nước của giai cấp công nhân, điều đó hàm ngụ sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như người cộng sản quan niệm? Một vấn nạn khác: đứng trên quan điểm nào xét chủ nghĩa Mác trong sự đối lập giữa bình diện cộng đồng (gemainschaft) và văn hóa (kultur) với bình diện xã hội (gesellschaft) và văn minh (Zivilization) như người Đức quan niệm?
Đọc Marx còn khởi từ vấn đề tác phẩm: khi người ta nhìn Marx như một nhà tư tưởng nhân bản cuối cùng của nhân loại, tác phẩm chủ đạo của ông phải là tập Bản Thảo Kinh Tế Triết Học. Nhìn Marx như một nhà xã hội học tiền phong, tất cả những bản viết khác của Marx đều phụ thuộc vào tác phẩm chính là tập Tư Bản.
Marx xuất thân từ môi trường triết học và hành trang lý luận của ông chứng tỏ ông thừa kế một di sản văn hóa, đồng thời cũng có những kế thừa. Một luận điểm chung của những người cộng sản như Engels và Lênin đã coi ba nguồn gốc đồng thời với ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Vấn đề đặt ra là triết học Đức nào? Có phải Marx vẫn chưa ra khỏi ảnh hưởng triết học duy tâm Hegel? Hay ảnh hưởng của Kant và Fichte? Chính từ những tranh luận đó đã phát sinh những chiếu hướng giải thích Marx theo chủ nghĩa Kant mới, chủ nghĩa Hegel, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cấu trúc luận, mặc dầu người cộng sản muốn phân định một ranh giới rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
Những suy luận từ đọc Marx qua tập Bản Thảo Kinh Tế Triết Học sẽ xây dựng một hình ảnh Marx nhân bản của chủ nghĩa cá nhân, hoặc ngược lại đọc Marx qua Tư Bản với sự đoạn tuyệt tri thức luận sẽ dẫn đến một hình ảnh Marx/nhà khoa học vượt lên trên những giá trị của con người đối lập với tự nhiên và xã hội. Cả hai hình ảnh về Marx đều phiến diện. Một lý luận về tha hóa trong học thuyết Mác phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đó là lý do Marx đã tốn nhiều năm vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị học, với một đối tượng cụ thể là vấn đề “tư bản” và quá trình sản xuất của xã hội tư bản. Mặt khác, quan niệm đó đã phủ nhận mối quan hệ gắn bó nhất quán giữa những tác phẩm triết học thời trẻ với những tác phẩm kinh tế chính trị thời trưởng thành của Marx.
Ngày nay, mặc dầu toàn bộ sách vở của Marx chưa được tập đại thành song những tác phẫm xuất bản vào thế kỷ 20 đã chỉnh đốn những lý giải thiên lệch về chủ nghĩa Mác.
Cũng nhờ đó, nó soi sáng phần nào những nguyên tắc giáo điều thống trị trong khối cộng sản từ nhiều thập niên qua, cũng như mở đường hứa hẹn cho một nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Mác có thể dẫn đến chủ nghĩa hư vô như K. Axelos quan niệm, nhưng tư tưởng của Marx không phải khởi từ một viễn tượng hư vô chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác gắn liền với quyền bính, nó suy thoái khi toàn bộ hệ thống cộng sản sụp đổ, song tư tưởng Mác vẫn còn giá trị viễn tượng hứa hẹn trên bình diện nhân văn. Đó là vị thế duy nhất của Marx trong lịch sử văn hóa nhân loại.
Những Đóng Góp của Engels:
Vị trí của Engels trong việc hình thành chủ nghĩa Mác thật quan trọng và phức tạp:
- Engels là người cộng sự của Marx trong việc hợp tác trí thức viết ra những tác phẩm nổi tiếng của chủ nghĩa Mác như Hệ Tư Tưởng Đức; Gia đình thần thánh; Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
- Engels là người đồng chí tận tụy sát cánh với Marx trong cuộc sống cũng như hoạt động của phong trào công nhân quốc tế.
- Engels là người có công quảng bá những luận điểm của chủ nghĩa Mác và có ảnh hưởng lớn rộng trong tư tưởng, chiến lược và sách lược cho những lý luận của chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Engels chính là người sáng lập ra những “chủ nghĩa duy vật lịch sử” và “chủ nghĩa duy vật biện chứng,” là cơ sở của những chủ nghĩa Mác hiện đại (chủ nghĩa Lênin, Trốtkít, Stalin và Mao).
Mặc dầu chính Engels tự nhận là người cộng sự thứ yếu bên cạnh Marx trong việc xây dựng cơ sở chủ nghĩa Mác, ông có những tác phẩm riêng và tư tưởng của ông có những điểm dị biệt với tư tưởng Mác. Ngoài ba tác phẩm viết chung với Marx trước năm 1850, Engels đã trước tác những tác phẩm quan trọng như Chống Duhring (1878); Nguồn Gốc của Gia Đình, Tư Hữu và Nhà Nước (1884), Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức (1888) và một di cảo đã xuất bản là Biện Chứng của Tự Nhiên.
Những điểm dị biệt này đã không được đặt thành vấn đề nghiêm trọng có thể do hai mặt:
- Sinh hoạt trí thức và chính trị của những học viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác trong thế giới cộng sản vẫn chính thức coi chủ nghĩa Mác với hai cơ sở “chủ nghĩa duy vật lịch sử” và “chủ nghĩa duy vật biện chứng,” rút ra từ những tác phẩm của Engels là những cơ sở chính thống của chủ nghĩa Mác.
- Phần lớn những học giả phương Tây nghiên cứu chủ nghĩa Mác có nghi vấn hoặc nhìn ra những dị biệt giữa Marx và Engels thường không tìm hiểu bản chất sự dị biệt này, hoặc chỉ tìm hiểu Marx và không quan tâm đến Engels, hoặc coi quan điểm của Marx và Engels thống nhất với nhau, hoặc chấp nhận những chú giải của Engels về Marx như những chú giải chính thức của Marx.
Ngày nay việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa Marx và Engels vì :
- Khuynh hướng quan niệm biện chứng của lịch sử xác định vai trò chủ thể trong lịch sử, quan hệ giữa cá nhân và xã hội và biện chứng là tác động qua lại giữa chủ thể và khách thể.
- Khuynh hướng quan niệm biện chứng của tự nhiên xác định những quy luật chung của tự nhiên ứng dụng vào lịch sử con người, cho nên hành động và ý hướng của con người về mặt đại thể phải tuân theo những vận động khách quan của lịch sử, độc lập với việc con người thực hiện hay không thực hiện.
Sự đối lập giữa hai khuynh hướng này cũng chỉ ra những tranh luận về chủ nghĩa Mác phê phán và chủ nghĩa Mác khoa học, chủ nghĩa Mác nhân đạo và chủ nghĩa Mác giáo điều, chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa tất định kinh tế.
Ở đây tôi không đi sâu vào những tranh luận giải thích và phê phán về Marx với Engels, vì những tranh luận này ngay từ những thập niên đầu thế kỷ hai mươi đến nay đã dẫn đến một văn kiện tài liệu đồ sộ và phức tạp của những người mácxit cũng như những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Ngay trong khuynh hướng chấp nhận biện chứng lịch sử cũng không hẳn nhất trí, chẳng hạn quan điểm của Sartre không hẳn đồng nhất với quan điểm của Lukács (trong giai đoạn “Lịch sử và ý thức giai cấp”), còn phải kể đến vô số những quan điểm khác nhau của I. Fetscher, H. Lefebvre, T. Adorno . . . Trong phần nhận định những đóng góp của Engels vào chủ nghĩa Mác, người viết muốn chỉ ra những nét chính yếu trong lý luận của Engels như quan niệm nhận thức là phản ánh thực tại, tính tương đối của tri thức, những quy luật về biện chứng của tự nhiên đã là cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác “chính thống,” hay còn gọi là chủ nghĩa Mác-Xôviết, khởi từ đó, những quan điểm về nhà nước, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa xã hội cũng như những lý luận về khoa học tự nhiên và xã hội trong những tác phẩm chính của Engels đã là mẫu mực cho một ý thức hệ cộng sản ở giai đoạn đảng cộng sản nắm quyền bính:
1. Về quan hệ hợp tác trí thức giữa Marx và Engels : người cộng sản thường ca ngợi mối quan hệ hợp tác trí thức cũng như tình bạn vĩ đại giữa Marx và Engels, nhưng ngày nay một số học giả cũng như những người nghiên cứu tiểu sử Marx và Engels phát hiện những điểm không rõ rệt như khi Engels viện dẫn lập luận cho rằng Marx và ông nhất trí với nhau về mọi điều cơ bản, hay Marx đã đọc và đồng ý với những luận điểm trình bày trong tác phẩm Chống Duhring, hay trong Biện Chứng của Tự Nhiên (vì những điều này Engels chỉ nêu ra sau khi Marx đã mất).
2. Về cơ sở triết học: Trong tác phẩm Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức (1888), Engels đã đưa ra một lập trường khẳng định về chủ nghĩa duy vật làm cơ sở triết học cho thế giới quan và nguyên tắc tính đảng của Lênin sau này trong Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán. Đó là sự phân cách rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, quan niệm chỉ có một thực tại là thế giới vật chất, khả thị cảm xúc, tư duy và ý thức của con người là sản phẩm của óc, bộ phận vật chất. Engels viện dẫn Feuerbach để xác định một chủ nghĩa duy vật với quan niệm “vật chất không phải là một sản phẩm của tinh thần, nhưng chính tinh thần là một sản phẩm cao nhất của vật chất. “ (Die Materie ist nicht ein Erzeugnis des Geistes, sondern der Geist ist selbst nur das hochste Produkt der Materie. )
Sự phát hiện và xuất bản tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học năm 1844, cũng như Hệ tư tưởng Đức chỉ được thực hiện sau thời đại của Kautsky và Lênin, đã mở ra một con đường mới phát triển nhận thức về chủ nghĩa Mác- sự phát hiện quan trọng này khiến nhiều học giả đặt vấn đề về thái độ của Engels đối với những tập bản thảo mà ông là người có trách nhiệm sở hữu. Quả thực Engels đã xác định lập trường trong lời mở đầu tác phẩm dẫn trên (Ludwig Feuerbach und der Augang der klassischen deutschen Philosophie) đề ngày 21 tháng hai năm 1888: “Phần viết về Feuerbach không nghiêm túc. Phần hoàn tất nhằm trình bày quan niệm duy vật lịch sử chứng tỏ kiến thức về lịch sử kinh tế của chúng tôi trong giai đoạn này thiếu sót. Nó không có phần phê phán học thuyết Feuerbach, vì thế nó không cần thiết trong mục đích hiện nay. “ Đó là nguyên do Engels đã giữ lại bản thảo Hệ tư tưởng Đức (viết chung với Marx, mà phần lớn là công trình của Marx) để cho ra đời tác phẩm L. Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức.
Nếu so sánh giữa hai bản văn, phần luận về Feuerbach trong Hệ Tư Tưởng Đức và phần tóm lược trong tác phẩm dẫn trên của Engels, không có điểm chung nào cả. Tuy Engels có viện dẫn ý kiến của Marx trong lời mở đầu tác phẩm Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học xuất bản năm 1859, nội dung đoạn văn của Marx cũng chỉ ra rõ ràng là vì “tình thế thay đổi nên tác phẩm đã không được in ra,” nhưng Marx cũng nhấn mạnh đã hoàn tất được mục tiêu chính là “tự soi sáng làm cho dễ hiểu” quan điểm của họ đối lập với quan điểm ý thức hệ của triết học Đức trong khoảng mùa xuân năm 1845.
Quan điểm của Marx trong giai đoạn này được trình bày rõ ràng trong bản thảo 1844 và Hệ tư tưởng Đức 1845. Những phân tích về sự dị biệt giữa Marx và Engels của nhà triết học Nam tư Ante Pazanin trong Mác và Chủ Nghĩa Duy Vật (Marx i materijalizam), 1972, và nhà triết học Pháp Michel Henry trong Mác, một triết học về thực tại (Marx, une Philosophie de la Réalité), 1976, đã đưa ra mấy luận điểm quan trọng:
a. Quan niệm thống nhất tự nhiên và lịch sử của Marx đã vượt lên khỏi sự phân biệt của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, là chân lý thống nhất của hai chủ nghĩa này.
b. Tư tưởng triết học của Marx chỉ ra trong Hệ tư tưởng Đức đã lật đổ khái niệm về hữu thể thống trị giòng lịch sử triết học phương tây bắt nguồn từ thời cổ đại Hy lạp.
Michel Henry nhận định: “tư tưởng nơi Marx là thị kiến về hữu thể, mà cấu trúc nội tại của nó không thể giản lược vào cấu trúc nội tại của thị kiến này, cũng không thể giản lược vào lý luận, nó chính là thực tiễn. “
Trong lời mở đầu Phê Phán về Quyền của Hegel, Marx đã viết một câu bất hủ: “Anh không thể thủ tiêu triết học nếu không thực hiện nó.” (Ihr konnt die Philosophie nicht aufheben, ohn sie zu verwirklichen) Khái niệm thủ tiêu (aufheben) triết học chỉ ra:
- Ý nghĩa của hoạt động cách mạng, thực tiễn phê phán (die Bedeutung der revolutionaren, der praktisch kritischen Tatigkeit) trong Luận Cương Feuerbach I và sự phê phán triệt để chủ nghĩa duy vật và biện chứng trong Hệ Tư Tưởng Đức.
- Vận động triệt để này thay thế sự giải phóng thông qua một hình thái tư tưởng khác bằng sự giải phóng thông qua biến đổi xã hội, ngõ hầu cùng lúc triết học vừa thành tựu vừa triệt huỷ.
- Tác nhân thực hiện nó là giai cấp vô sản. Trong bản văn dẫn trên, Marx đã viết: “triết học không thể tự thực hiện nếu không thăng hóa được vô sản và vô sản không thể tự thăng hóa nếu không thực hiện triết lý. “ (Die Philosophie kann sich nicht verwirklichen ohne die Aufhebung des Proletariats, das Proletariat kann sich aufheben ohne die Verwirklichung der Philosophie. )
Trong Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức, Engels đã bổ sung quan niệm duy vật về lịch sử bằng việc đặt lại vấn đề triết học như sau:
“Vấn đề cơ bản lớn nhất của mọi triết học, đặc biệt của triết học hiện đại là vấn đề về quan hệ giữa tư duy và hữu thể. “ (Die grosse Grundfrage aller, spezielle neueren Philosophie ist die nach dem Verhaltnis von Denken und Sein. )
Ở một đoạn kế tiếp, ông viết: “Vấn đề quan hệ giữa tư duy và hữu thể, giữa tinh thần và tự nhiên là vấn đề tột đỉnh của toàn thể triết học. Tùy vào những giải đáp mà các triết gia trả lời vấn đề này đã phân chia thành hai phe lớn. Những triết gia nào khẳng định tinh thần có trước tự nhiên thuộc về phe duy tâm. Những người nào coi tự nhiên có trước, thuộc vào những trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật. “
Đối chiếu với quan điểm của Marx, có thể coi Engels như người đầu tiên theo “chủ nghĩa xét lại” trong giòng lịch sử của chủ nghĩa Mác. Song quan điểm của Engels thật quan trọng vì nó là cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng ở đầu thế kỷ hai mươi, từ Plekhanov, Lênin đến Stalin.
Mặc dầu trong tác phẩm dẫn trên, Engels quan niệm “chủ nghĩa duy vật không là gì khác hơn sự nghiên cứu thế giới thực,” song ông không vượt khỏi vòng rào của truyền thống siêu hình cổ điển. Thay vì nhận thức thế giới lịch sử cụ thể, ông đã khai triển theo chiều hướng duy nghiệm của thế kỷ 18. Trong tác phẩm Chống Duhring, Engels còn xác định:
“Cái thống nhất thực của thế giới dựa vào tính vật chất . . . do sự phát triển lâu dài của triết học và khoa học tự nhiên.“ Cũng trong tác phẩm này, Engels đã phát biểu sự thăng hoa triết học theo ý nghĩa “không còn triết học nữa nhưng là một thế giới quan đơn giản chỉ hình thành và chứng thực qua những khoa học thực nghiệm. “
3. Về biện chứng của tự nhiên: Trong phần lý luận về tư bản, tôi sẽ phân tích tính biện chứng trong bộ Tư bản của Marx cũng như chính ông đã xác định phép biện chứng đó về bản chất “có tính cách phê phán và cách mạng,” không những phân biệt với phương pháp của Hegel, thậm chí còn đối lập trực tiếp vì:
“Dưới hình thức huyền bí, phép biện chứng trở thành thời thượng ở nước Đức, nó có vẻ tô điểm và vinh danh thực trạng hiện hữu. Trong hình thức hợp lý, nó là một sự xúc phạm ghê gớm đối với giai cấp tư bản và những giáo sư lý luận của giai cấp này, bởi vì nó cũng nhận thức khẳng định về thực trạng hiện hữu, đồng thời nó cũng nhận thức về sự phủ định thực trạng này, với sự tan rã không thể tránh khỏi; vì nó quan sát mọi hình thái xã hội phát triển về mặt lịch sử trong vận động lưu chuyển của nó, và do đó nó xét đến tình trạng nhất thời cũng như sự hiện hữu tạm thời của thực trạng này. “
Theo Hegel, thế giới thực chỉ là hình thức hiện tượng bề ngoài của “Ý Tưởng”, trong khi Marx đưa ra một luận điểm đảo ngược:” Ý Tưởng không là gì khác hơn thế giới vật chất được phản ánh trong tinh thần con người và diễn dịch thành hình thái tư duy. “ (. . . bei nur ist das Ideele nichts anderes als das am Menschenkopf umgesetze und ubersetzte Materielle. )
Marx cũng chỉ ra ông sử dụng phép biện chứng như một “phương pháp trình bày;” ông không đưa ra môt phép lý luận về phép biện chứng và ông chưa hề nói đến “chủ nghĩa duy vật biện chứng. “ Từ ngữ này được coi là do Engels đặt ra. Trong lời tựa Chống Duhring xuất bản lần thứ ba, Engels khẳng định “Marx và tôi hầu như là những người duy nhất đã cứu vãn phép biện chứng có ý thức thoát khỏi triết học duy tâm Đức và đem áp dụng vào quan niệm duy vật về tự nhiên và lịch sử. “
Engels phân tích phép biện chứng của Marx chỉ ra những mối quan hệ qua lại và phạm trù trong khoa học, phân biệt với những đường lối tư duy siêu hình cổ điển. Phương pháp biện chứng đó là hình thức phát triển thực duy nhất của tư duy, không rơi vào cạm bẫy tư tưởng duy tâm. Tuy nhiên trong Hệ Tư Tưởng Đức Marx đã đưa ra quan điểm thống nhất của tự nhiên và lịch sử, cũng như ông không chấp nhận một quan niệm về lãnh vực tự nhiên ở bên ngoài con người, ít ra về mặt thực tiễn. Mối quan hệ giữa tự nhiên và con người tạo thành một toàn bộ thống nhất, như Marx đã viết: “Toàn bộ lịch sử thế giới không là gì khác hơn . . . sản xuất của con người thông qua lao động, sự phát triển của tự nhiên dành cho con người. “ Trong Hệ tư tưởng Đức, ông cũng chỉ rõ: “Chúng ta chỉ biết một khoa học, khoa học về lịch sử. Lịch sử có thể xét từ hai mặt . . . nó có thể chia thành lịch sử tự nhiên và lịch sử con người. Nhưng cả hai mặt này không thể tách rời nhau. Bao lâu con người tồn tại, thì tự nhiên và lịch sử vẫn là những điều kiện tiên quyết đối với nhau. “
Tính biện chứng trong lịch sử con người ở chỗ Marx nhận ra mặt phủ định thực tại là một điều kiện lịch sử được áp dụng vào thực tiễn như một hành động lịch sử giải phóng giai cấp vô sản, trong đó thực tại xã hội và ý thức tác động lẫn nhau. Cho nên trong lời Bạt quyển Tư Bản xuất bản lần thứ hai (tiếng Đức), gần ba mươi năm sau, Marx đã trở lại đề cập vấn đề biện chứng rút ra từ phép biện chứng của Hegel. Tuy nhiên ông không trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ về phép biện chứng này như thế nào, đã gây nhiều tranh luận cho những người mácxít về sau. Sự khác biệt giữa hai quan niệm biện chứng: một đằng chỉ ra mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, một đằng chỉ ra vận động và quan hệ liên kết không chỉ thuần túy tranh luận trên bình diện nhận thức, nhưng xác định về mặt thực tiễn chính trị - mâu thuẫn đối kháng giữa quan điểm nhất nguyên và đa nguyên trong sinh hoạt chính trị, sách lược và chiến lược đấu tranh chính trị.
Quan niệm về tự nhiên của Engels xây dựng trên lý luận tiến hóa được lý giải dưới ánh sáng biện chứng. Engels cho rằng Marx và ông đã chỉ ra được một chủ nghĩa duy vật mới bao hàm những khám phá mới nhất của khoa học tự nhiên. Trong quyển Chống Duhring, ông định nghĩa: Biện chứng không là gì khác hơn khoa học về những quy luật chung của vận động và sự phát triển của tự nhiên, xã hội con người và tư duy.
Engels quan niệm “Tự nhiên là kiểm tra của biện chứng. “ (Die Natur ist die Probe auf die Dialektik) và thông qua những khoa học tự nhiên hiện đại, phép biện chứng đã đem lại những thành quả phong phú cho tự nhiên và chứng thực là trong tự nhiên, phân tích cho cùng, mọi vật diễn ra không phải theo tính cách siêu hình mà theo tính biện chứng. “. . . tự nhiên không vận động trong một tuần hoàn chu kỳ lập lại không ngừng, nhưng diễn ra một quá trình lịch sử thực sự. “ (. . . dass sie sich nicht im ewigen Einerlei eins stets wiederholten Kreises bewegt, sondern eine wirkliche Geschichte durchmacht. )
Lịch sử ở đây không phải theo ý nghĩa của Marx dẫn ra ở trên, thăng hoa trong lịch sử con người - mà ở đây là một lịch sử tự nhiên, với toàn bộ thực tại là vận động phát triển không ngừng của vật chất theo những quy luật chung của biện chứng. Engels nhận định trong tự nhiên có những lực tác động mù quáng không có ý thức và quy luật chung của biện chứng diễn ra trong tác động qua lại này. Cho nên trong lịch sử xã hội, dầu con người hành động một cách ý thức, có chủ đích nhất định, điều đó cũng chỉ quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử những đặc tính và thời đại cá biệt, song quá trình diễn biến của lịch sử vẫn xác định bởi những quy luật chung nội tại.     
Engels cũng khẳng định một quan điểm duy vật về tự nhiên “. . . không là gì khác hơn quan niệm về tự nhiên một cách tự tại, không thêm bớt gì ở bên ngoài vào. “ Những điểm chính yếu trong lý luận biện chứng về tự nhiên của Engels có thể tóm lược như sau:
1. Tính thuần nhất của thế giới căn cứ vào tính vật chất của nó.
2. Những hình thái cơ bản của mọi hiện hữu ở bên ngoài không gian và thời gian.
3. Vận động là phương thức hiện hữu của sự vật. Tự nhiên là một phức hợp bao gồm những quá trình, với vô số những hình thái biến đổi.
Trong Biện Chứng của Tự nhiên, Engels đã lập lại những quy luật biện chứng của Hegel:
- Quy luật biến đổi từ lượng sang chất và ngược lại.
- Quy luật tác động qua lại của những mặt đối lập.
- Quy luật phủ định của phủ định.
Sự khác biệt với Hegel, theo Engels, ở chỗ Hegel quan niệm những quy luật trên là quy luật của tư duy trong khi những quy luật biện chứng này là những quy luật thực sự của phát triển tự nhiên và do đó có giá trị trong mọi khoa học tự nhiên.
Trong Chống Duhring, Engels cũng đã viện dẫn Marx để bảo đảm cho quan niệm triết lý duy vật này: “Khi Marx định nghĩa quá trình là phủ định không phải Marx thử chứng nghiệm tính tất yếu lịch sử của nó, mà ngược lại sau khi chứng tỏ về mặt lịch sử, quá trình đó diễn ra và cũng có thể diễn ra trong tương lai, Marx đã định nghĩa nó như một quá trình phù hợp với quy luật đặc biệt của biện chứng. “
Những quy luật biện chứng nêu trên được phân tích trong tập di cảo “Biện chứng của tự nhiên” (chưa hoàn tất và xuất bản lần thứ nhất vào năm 1925) cũng như trong “Chống Duhring” đã phác họa một lý luận về tự nhiên của Engels :
- Nhận thức những quy luật của thế giới tự nhiên độc lập với ý chí và tinh thần con người.
- Một lý luận về sự phát triển không ngừng của tự nhiên. Sự vật diễn ra theo một vận động tất yếu, dầu con người chưa nhận thức được.
- Quy luật biến đổi chỉ rõ sự đối lập với chủ nghĩa duy vật máy móc ở chỗ, vận động của tự nhiên biến đổi từ lượng qua chất, không phải chỉ là những chất phụ thuộc đơn thuần, sản phẩm của tri giác, nhưng tạo ra những chất mới, đồng thời những chất cũ mất đi. Quy luật tác động qua lại giữa những mặt đối lập chỉ rõ tự nhiên là một hệ thống những xung đột và áp lực. Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra sự phủ định không phải chỉ thuần tuý huỷ diệt, nhưng là một vận động phát triển trong khi huy diệt, lại bảo toàn và phát triển ở mức độ cao hơn. Vận động này được mô tả như một phát triển theo đường vòng trôn ốc.
Ảnh hưởng biện chứng tự nhiên của Engels rất phổ biến trong chủ nghĩa cộng sản hiện đại :
- Người cộng sản thường sử dụng từ “biện chứng” đối lập với từ “siêu hình” để gán cho những tư tưởng đối nghịch. Phép biện chứng trở thành một từ ngữ then chốt để chỉ một hình thái tư duy, một hệ tư tưởng chuyên chính, một triết học mang tính đảng. Trong khi Marx quan niệm thăng hoa triết học thì ngược lại qua việc xây dựng một thế giới quan duy vật, Engels đã trở lại những vấn đề cổ điển của triết học, mở đường cho hệ thống triết học chính thống Xô viết qua “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin và “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử” của Stalin.
- Trong: Chống Duhring, Engels quan niệm ngoại trừ lý luận về tư duy và những quy luật của tư tưởng (luận lý hình thức và phép biện chứng) còn tất cả những điều khác phải sát nhập vào trong khoa học thực nghiệm của tự nhiên và lịch sử, dẫn đến quan niệm của người cộng sản nhằm xây dựng một “thế giới quan khoa học”. Trong Biện Chứng của Tự Nhiên, Engels chỉ nhắc đến Marx một lần trong việc áp dụng phương pháp biện chứng vào khoa kinh tế chính trị học. Dựa trên những kiến thức của khoa học tự nhiên ở thời đại của ông, Engels đến gần với Hegel thời già qua giai đoạn Wissenschaft der Logik, những kiến thức này phần lớn đã lỗi thời – tuy nhiên, những nét chính yếu trong tư tưởng của ông như khuynh hướng tự nhiên, nhận thức là phản ánh thực tại, tri thức có tính tương đối, tự nhiên có những quy luật biện chứng độc lập với tư tưởng con người vẫn được coi là những mẫu mực của triết học cộng sản hiện đại. Bản chất “khoa học” trong phép biện chứng như Engels trình bày qua hai tác phẩm Chống Duhring và Biện Chứng của Tự Nhiên có khả năng thâu nhận mọi thành quả khoa học, song điều đó không có nghĩa là triết học của ông đóng góp vào việc phát triển khoa học. “Phương pháp biện chứng” như Engels quan niệm không phải là một phương pháp có khả năng phát hiện những thành quả mới cho khoa học tự nhiên. Quả thật “Biện chứng của tự nhiên” của Engels chứa đựng nhiều điển hình về một suy luận thuần túy trong những phiêu lưu kiến thức của ông đối với các khoa học tự nhiên và toán học. Giới hạn trong phép biện chứng, Engels đã loại bỏ hai khám phá lớn nhất ở thời đại của ông là nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học và lý luận chọn lọc tự nhiên (Xem “Triết học và Khoa học” của ĐPQ, xb. năm 1972). Nhà sinh vật học người Pháp J. Monod gọi khoa biện chứng duy vật này là một “phóng chiếu vật linh”. Quả thật, Engels không giải quyết được lưỡng luận đề ra trong mối quan hệ giữa hệ thống và phương pháp: một đằng ông quan niệm những khái quát triết lý không có giá trị nếu không xây dựng trên kinh nghiệm khoa học, mặt khác khi phê phán chủ nghĩa duy nghiệm, ông lại cho triết học giữ vai trò kiểm soát đối với thực nghiệm.
- Sở dĩ những người cộng sản sau này như Lênin và Stalin chấp nhận toàn bộ lý luận biện chứng tự nhiên của Engels vì quan niệm một lý luận phát triển từ trình độ thấp lên trình độ cao có giá trị thực tiễn về mặt chính trị trong mục tiêu đấu tranh của người cộng sản như xác quyết tính ưu việt của xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa, trong khi thay thế xã hội này mà vẫn bảo toàn những giá trị to lớn của văn hóa vật chất và trí thức kết tập ở những phát triển về trước, phân biệt mâu thuẫn đối kháng trong xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa và những xã hội về trước với mâu thuẫn không đối kháng trong xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa và xã hội cộng sản, khẳng định tỷ suất trung bình của lợi tức quốc gia trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa cao hơn so với xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa. Khi đề cao những quy luật của biện chứng, người cộng sản tiến đến chỗ tuyệt đối hóa những giá trị của quy luật và đem phép biện chứng trở lại tính cách huyền bí như chính Marx đã phê phán biện chứng của Hegel.


Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít

Chủ nghĩa cộng sản trong mấy thập niên trở lại đây không những suy sụp về mặt thực tiễn, còn chứng thực khủng hoảng về mặt lý luận.
Tuy phong trào nghiên cứu chủ nghĩa Mác phát triển, song chủ nghĩa Mác "chính thống" - với những danh xưng khác nhau như chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội khoa học (từ ngữ này nguyên ủy đề xuất từ Proudhon) đã trên đà suy thoái, thông qua những hiện tượng:
- Tính "khoa học" trong chủ nghĩa Mác xây dựng trên một số tiền đề: nhìn nhận lịch sử xã hội là một lịch sử những đấu tranh giai cấp, nhìn nhận tri thức và thực tiễn con người là một thể thống nhất, ngõ hầu những phương tiện lý luận và thực tiễn nhằm đạt tới cứu cánh đồng nhất với chính cứu cánh (cho nên sự thành công của một phong trào xã hội đặc thù chứng thực "chân lý" một cách khoa học), nhìn nhận cơ sở của một khoa học lịch sử đã thành tựu, nhìn nhận lịch sử xã hội diễn ra theo quá trình "hình thành xã hội" như Marx dự kiến. Thực ra, tính "khoa học" chỉ phản ánh xu hướng chung "tôn thờ khoa học" của thời đại Marx và Engels.
 - Mối quan hệ khăng khít và duy nhất của chủ nghĩa Mác với sự thể hiện qua lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Lênin và Stalin. Điều đó chỉ ra chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn nắm quyền bính đã thể hiện chủ nghĩa Mác như một hệ tư tưởng độc đoán.
 - Trong thực tiễn xã hội cộng sản, chủ nghĩa Mác thông qua Đảng và Nhà nước cộng sản không còn là một lý luận nhằm giải thích hay biến đổi thế giới - chủ nghĩa Mác không chỉ biến dạng thành một khoa kinh điển giáo điều, còn là một khoa diễn tập những khẩu hiệu, chiêu bài trong mục tiêu chính trị.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ngày nay chỉ ra về mặt thực tế những biến chuyển phức tạp của phong trào công nhân thế giới. Sự tan rã của hầu hết các nước trong khối "xã hội chủ nghĩa" đã dẫn đến "một khúc quanh lịch sử" chứng thực hai trào lưu diễn ra trong phong trào công nhân thế giới, như người cộng sản nhìn nhận là "trào lưu cộng sản" và "trào lưu dân chủ xã hội" có thể đánh dấu từ thời điểm thành lập Quốc Tế Cộng sản Ba vào năm 1919:
  -  Sự chuyển hướng theo "chủ nghĩa xã hội dân chủ.”
  -  Cách tân xã hội thông qua con đường "xã hội chủ nghĩa không cộng sản.”
Trong quá trình lịch sử vào những thời điểm khủng hoảng, người cộng sản đặt lại vấn đề "bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin như một chủ nghĩa xã hội khoa học," chỉ ra những khái niệm và tổ chức khác nhau của phong trào dân chủ xã hội quốc tế nhằm phân biệt những quan niệm của đảng xã hội hữu khuynh, đảng dân chủ xã hội, đảng quốc tế xã hội chủ nghĩa, đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Về mặt lịch sử phong trào công nhân thế giới, người cộng sản đặt lại vấn đề nghiên cứu sự giải thể cộng sản Quốc tế Ba vào năm 1943 (do mục tiêu của cuộc đấu tranh chống phát-xít và hình thức tổ chức quốc tế cộng sản không còn đáp ứng yêu cầu vận động thời đại) với sự hình thành lớn mạnh của Quốc tế Xã hội sau thế chiến thứ hai (những lực lượng Quốc Tế Xã Hội bành trướng và thắng thế trong những cuộc bầu cử tại Pháp, Đức v. v... ) với hội nghị đầu tiên tại Frankfurt vào năm 1951. Khi nhìn nhận thực thể của phong trào Quốc tế Xã hội phân biệt với phong trào Quốc tế Cộng sản là trở lại cuộc tranh luận từ đầu thế kỷ của những xu hướng lý luận phân hóa, khởi nguồn từ chủ nghĩa Mác.
Điểm phân biệt chủ yếu của Quốc Tế Xã hội với Quốc tế Cộng sản ở chỗ những người dân chủ xã hội loại bỏ những khái niệm nguyên tắc của "chủ nghĩa xã hội khoa học" (nghĩa là chủ nghĩa Mác-Lênin) về quan niệm đấu tranh giai cấp, vai trò chuyên chính vô sản, và đề cao nền dân chủ đại nghị, hệ thống chính trị đa đảng và chủ nghĩa đa nguyên tư tưởng.
Khởi điểm của thế kỷ XX đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của lực lượng công nhân, so với thời kỳ Marx và Engels đưa ra Tuyên ngôn của đảng Cộng sản (1848).
Chủ nghĩa Mác trở thành một lý luận chủ đạo của những phong trào công nhân.     
Sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trong giai đoạn này biểu hiện những mặt khác biệt:
a. Lý luận gắn liền với thực tiễn chỉ đạo phong trào công nhân nhằm đạt tới mục tiêu thực hiện Cách mạng, giành quyền lực đã gây phân hóa giữa những người Mácxít. Những tranh luận phê phán, chỉ trích giữa những người Mácxít với nhau còn dữ dội hơn đối lập với kẻ thù.
b. Sự tiến triển của xu hướng dân chủ, sự phát triển những đảng và công đoàn đã làm tinh thần cách mạng suy thoái và chủ nghĩa Mác đã xoay chiều hướng từ những xã hội công nghiệp phương tây xâm nhập những xứ nông nghiệp phương đông.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã đưa đảng CS bônsêvích lên nắm chính quyền và lý luận của Lênin trở thành chủ đạo của phong trào cộng sản thế giới.
Vấn đề đặt ra là đọc Lênin như thế nào? Có phải chủ nghĩa Lênin là sự phát triển duy nhất của chủ nghĩa Mác hiện đại? Hay chủ nghĩa Lênin là hiện thân của một chủ nghĩa Mác đặc thù (như H. Marcuse gọi là chủ nghĩa Mác Xô viết)?
Những biến đổi giá trị tư tưởng trong thời đại quá độ từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 đánh dấu một hiện tượng đặc sắc của thời đại: mối quan hệ giữa triết học và phi triết học. Bản chất của mối quan hệ này chi phối toàn diện tư tưởng của con người hiện đại.
Vấn đề của chủ nghĩa Mác là: Nhà triết học từ trước đến nay chỉ đi giải thích thế giới trong khi thực sự phải biến đổi nó. Có phải Marx đã đoạn tuyệt với con người triết học thời trẻ để trở thành một nhà lý luận hành động cách mạng?
Có phải Lênin cũng đứng trên vị thế phi triết học - hay là một nhà tư tưởng đưa ra một thực tiễn mới về triết học (như Louis Althusser quan niệm)?
Cũng như Marx, những di cảo của Lênin để lại nhiều tranh luận. Tập Bút ký triết học của Lênin trong những năm 1914 - 15 (in trong Leninski Sbornik, 1929) đã đặt lại quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Hegel, giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật - những ý tưởng khác biệt với những luận điểm trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908). Những ý tưởng cơ bản về nhận thức luận và phép biện chứng dẫn đến một cơ sở triết học mới cho những bài viết sau 1915 của Lênin về triết học, chính trị, kinh tế và sách lược tổ chức mà cơ bản tập trung quanh vấn đề biện chứng (biện chứng của lịch sử cách mạng, vấn đề tự quyết dân tộc và cách mạng thế giới), khẳng định một nhận thức về Hegel (những tác phẩm của Hegel có tính duy tâm nhất lại ít duy tâm nhất và mang nhiều tính duy vật nhất).
Trong lịch sử triết học, Lênin không được chú ý nhưng trong khối cộng sản, Lênin được coi là một nhà tư tưởng lớn. Nghịch lý này biểu hiện về mặt thực tại lịch sử, sự xung đột giữ chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Mác Tây Âu, mặt khác sự độc quyền của một tư tưởng trở thành ý thức hệ. Ngay sau thời đại Stalin, người cộng sản vẫn bảo thủ quan niệm "chủ nghĩa Lênin không phải là một lý giải của chủ nghĩa Mác" mà là "sự phát triển của chủ nghĩa Mác ở giai đoạn Lênin.” Vấn đề này mang một ý nghĩa triết lý đặc biệt, chỉ ra "khoảng cách giữa chân lý và ý thức" (Merleau -Ponty).
Vấn đề ý thức như một phản ánh mà lịch sử là bản chất thứ hai (tính khách quan - trong phép biện chứng duy vật đã biến thực tại xã hội thành một bản chất thứ hai) biểu hiện tác động qua lại giữa những phạm trù của triết học và kinh tế trong chủ nghĩa Mác theo Lukács (Der junge Hegel), có thể nói nó cũng biểu hiện tác động qua lại giữa những phạm trù của triết học và chính trị trong chủ nghĩa Lênin.
Đứng trên quan điểm nhận thức triết học, Lênin không đi giải quyết những vấn đề triết lý, vì theo ông, mọi vấn đề triết học cơ bản đã được Marx và Engels giải quyết rồi. Vấn đề triết học trong chủ nghĩa Lênin gắn liền với vấn đề chính trị qua hai giai đoạn:
a. Thời kỳ ông viết Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) với tiểu đề: Những bình luận phê phán về một triết học phản động. Tác phẩm này được hình thành sau sự thất bại của Cách mạng Nga 1905, sự phân hóa trong nội bộ đảng về chủ trương tham dự hay tẩy chay Nghị viện Duma kỳ ba, và những thảo luận về triết học của chủ nghĩa Mác do nhóm bônsêvích Bogdanov, Bazarov, Lunacharsky... đề xuất.
b. Thời kỳ ông viết Bút ký triết học (trong khoảng 1914 -15) gồm những ghi chú khi đọc bộ Lôgic và những Bài giảng về triết học lịch sử của Hegel và những tiểu luận (được in ra) Lênin viết về chủ nghĩa Mác. Thời kỳ này đánh dấu sự khủng hoảng của Quốc Tế Cộng sản Hai mở đầu Thế chiến thứ nhất (người cộng sản gọi là chiến tranh đế quốc).
Mục tiêu của Lênin trong thời kỳ thứ nhất khi đề cập đến mặt thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng (chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học Mác) nhằm chỉ ra tính đảng trong triết học, gắn liền với cương lĩnh chính trị và ý tưởng về một đảng cách mạng trên con đường giành quyền lực. Những cơ sở lý luận của Lênin đã được nêu ra trong những tác phẩm chính trị như Làm gì? (Chto delat?) và Hai sách lược của Đảng dân chủ Xã hội trong Cách mạng dân chủ.
Một nguyên tắc cơ bản mà Lênin đề ra như một mẫu mực về ý thức cách mạng của hoạt động cách mạng là không thể có phong trào cách mạng nếu không có một lý luận cách mạng.
Nguyên tắc này nhằm chỉ ra sự kiện là giai cấp công nhân để tự nó bộc phát không thể đạt tới ý thức về sự đối lập cơ bản giữa giai cấp của nó với hệ thống xã hội hiện hữu - như Lênin khẳng định:
"Chúng ta đã phát biểu không thể có ý thức dân chủ xã hội trong giới công nhân. Ý thức ấy chỉ có thể du nhập từ ngoài vào. Lịch sử của mọi nước chỉ ra rằng giai cấp công nhân để tự nó, chỉ có khả năng phát triển ý thức công liên, nghĩa là niềm tin vào sự tất yếu tổ chức công đoàn tranh đấu với giới chủ nhân, bắt buộc chính quyền phải thông qua đạo luật lao động cần thiết. ... Tuy nhiên, lý luận về chủ nghĩa xã hội phát sinh từ những lý luận kinh tế, lịch sử và triết lý được phát triển bởi những đại biểu có học của những giai cấp hữu sản, bởi những người trí thức. Đứng về mặt cương vị xã hội, ngay chính những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại, Marx và Engels, cũng thuộc về giới trí thức.”
Trên nguyên tắc này, một ý thức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể đến từ một cơ sở có lãnh đạo tổ chức, trang bị bằng một lý luận. Khởi từ đó, Lênin đã đưa ra khái niêm nhất định về một đảng tiền phong của giai cấp công nhân:
"Tổ chức của những người cách mạng trên hết phải dựa vào những người coi hoạt động cách mạng là chuyên nghiệp. Đứng trên quan điểm của đặc tính chung giữa những thành viên của một tổ chức như vậy, mọi phân biệt giữa công nhân và trí thức phải được xóa bỏ.”
Và ông chỉ rõ một nguyên tắc về tính đảng (partiinost):
"Một khi không có vấn đề về một hệ tư tưởng độc lập do chính quần chúng lao động tạo nên trong quá trình vận động của họ, chỉ có một chọn lựa duy nhất - một là hệ tư tưởng tư sản, hai là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có con đường ở giữa - vì nhân loại không có tạo ra một hệ tư tưởng thứ ba, và trong một xã hội bị xâu xé bởi những đối kháng giai cấp thì không thể nào có hệ tư tưởng phi giai cấp hay đứng bên trên giai cấp được.”
Nguyên tắc tính đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lý luận của chủ nghĩa Lênin. Một nhận thức về xã hội, theo Lênin, từ bản chất đã mang tính giai cấp và tính đảng trong một xã hội vẫn còn tồn tại giai cấp. Ngay từ một trong những tác phẩm đầu của ông Nội dung kinh tế của "những người bạn dân" và phê phán nó trong quyển sách của Struve 1895, Lênin đã khẳng định:
"Có thể nói chủ nghĩa duy vật bao gồm tính đảng và thừa nhận trực tiếp, công khai về một quan điểm của một nhóm xã hội nhất định trong mọi đánh giá những biến cố xảy ra.”
Quyển sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩ kinh nghiệm phê phán được viết ra trong thời gian Lênin nghiên cứu vài tháng ở British Museum vào tháng 5 năm 1908, trực tiếp công kích lý luận của Bogdanov và những người khác trong phong trào Dân chủ Xã hội. Mục tiêu của Lênin không phải để giải quyết đơn giản những vấn đề lý luận mà nhằm một thực tiễn chính trị triệt để đả phá những người đồng chí đi ngược với quan điểm cách mạng của ông. Lênin bộc lộ phản ứng rõ rệt khi viết:"Chắc chắn là những người mácxít bình thường chúng ta không được đào tạo về triết học, song tại sao người ta lại mạ lỵ chúng ta bằng mớ lý luận trình bày trước mắt chúng ta như triết học của chủ nghĩa Mác.”
Lênin cũng khẳng định quan điểm về tính đảng khi viện dẫn: "Marx và Engels là những người mang tính đảng trong triết học từ đầu đến cuối, có thể phát hiện ra những sai lạc đối với chủ nghĩa duy vật và sự đầu hàng trước chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa tín ngưỡng của mọi trào lưu cận đại.”
Theo ông, "triết học cận đại cũng mang tính đảng như triết học hai ngàn năm về trước.” Điều đó có nghĩa là từ thời cổ đại đến nay, triết học phân chia làm hai chiến tuyến rõ rệt: chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Không có con đường nào khác. Lênin viết tiếp: "Khi đi theo con đường của lý luận Mác, chúng ta tiến gần đến chân lý khách quan... song nếu đi theo bất kỳ con đường nào khác, chúng ta chẳng đi tới đâu ngoại trừ sự lầm lạc và dối trá.”
Lênin đã viện dẫn J. Dietzgen: "Bây giờ để có thể theo con đường chân lý, không bị lầm lạc với những điều tầm xào của triết học và tôn giáo, thiết yếu cần phải nghiên cứu con đường sai lạc nhất trong những con đường sai lạc (der Holzweg der Holzwege), đó là triết học.” Điều này có ý nghĩa gì? Triết học là công cụ của đấu tranh giai cấp. Cho nên Lênin cũng dẫn một ý tưởng khác của Dietzgen: "Triết học không phải là khoa học, nhưng là một phương tiện phòng vệ chống lại khuynh hướng Dân chủ xã hội.” Và chính Lênin đi tới nhận định: "Những kẻ không có tính đảng trong triết học thì cũng xuẩn động như trong chính trị.”                              
Thế nên, về mặt chính trị, Lênin khẳng định quyết liệt chỉ có một chọn lựa giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, không có hệ tư tưởng thứ ba. Nói theo ngôn ngữ triết học, chỉ có nhất nguyên, không có đa nguyên. Triết học trong chủ nghĩa Lênin về cơ bản là chính trị. Có thể nói chính trị là một thực tiễn của triết học và triết học đó là chủ nghĩa duy vật
Lênin đưa ra một định nghĩa về bản chất của chủ nghĩa duy vật, phù hợp với quan niệm của Engels trong những tác phẩm Chống Duhring và Phép biện chứng của tự nhiên:
"Chủ nghĩa duy vật hoàn toàn nhất trí với khoa học tự nhiên là vật chất có trước và ý thức, tư duy, cảm xúc có sau.”
Khởi từ một quan niệm như vậy, Lênin cũng xác định:
"Vật chất là một phạm trù triết học xác định thực tại khách quan mà con người có thể nhận biết nhờ những cảm giác của mình, thực tại ấy được ghi nhận, chụp lại và phản ánh qua những cảm giác của chúng ta, trong khi nó hiện hữu độc lập với những cảm giác này.”
Lý luận cơ bản trong triết học duy vật của Lênin là thuyết phản ánh: "Sự vật tồn tại ở ngoài chúng ta. Tri giác và tư tưởng của chúng ta là những hình ảnh của sự vật. Chứng thực những hình ảnh này, phân biệt những hình ảnh đúng và sai chỉ có thể thông qua thực tiễn.”
Quan niệm vật chất và lý luận phản ánh của Lênin mang một ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận vì nó chỉ ra: thực tiển là cơ sở, nguồn gốc và tiêu chuẩn cho chân lý của nhận thức nơi con người. Nếu thế giới hiện hữu tuân theo những quy luật khách quan và con người có thể nhận thức được những quy luật này, học hỏi cách sử dụng chúng một cách có ý thức trong công cuộc chiến đấu để đạt tới mục tiêu thì không có nhiệm vụ nào con người không thể thực hiện.    
Một quan niệm như vậy biểu hiện phong cách lạc quan về lịch sử, ít ra là về mặt thực tiễn nó dẫn khởi hoạt động tiến tới mục tiêu theo đuổi. Quan niệm lạc quan lịch sử đó tạo cho quần chúng lao động và giai cấp công nhân niềm tin tưởng tất thắng cuối cùng cho lý tưởng giải phóng giai cấp và sát cánh nhau trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù về mặt ý thức hệ.
Mặt khác, nó biểu hiện sự lạc quan về quá trình tiến bộ vì: "Một khi chúng ta nhận thức được những quy luật của tự nhiên, chúng ta làm chủ được tự nhiên. Làm chủ tự nhiên biểu hiện trong thực tiễn của con người là một thành quả của sự phản ánh một cách khách quan đứng đắn trong óc con người về hiện tượng và những quá trình của tự nhiên.”
Lý luận về vật chất và phản ánh xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác, theo Lênin với đặc tính rõ rệt của nó là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ngay từ lời tựa lần xuất bản thứ nhất quyển Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin xác định: Marx và Engels đã nhiều lần mệnh danh quan điểm triết học của các ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng. (Trong lời tựa lần thứ hai, Lênin lại chỉ ra một lần nữa là quyển sách ông viết ra nhằm "sử dụng như một phương tiện làm quen với triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng.” Trong sáu chương sách đã viết ra, ba chương đầu đối chiếu nhận thức luận của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chương 6 đối chiếu chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với chủ nghĩa duy vật lịch sử). Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và biện chứng trong triết học Mác được phân tích và triển khai qua lý luận duy vật biện chứng về phản ánh và những phạm trù cơ bản trong nhận thức luận của chủ nghĩa Mác chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Hegel. Ngay từ tác phẩm Làm gì?, Lênin đã lập lại quan điểm của Engels là: "Không có triết học Đức dẫn khởi, đặc biệt là triết học Hegel, chủ nghĩa xã hội khoa học Đức không bao giờ có thể thành hình.”
Trong tiểu luận trình bày chủ nghĩa Mác (1914), Lênin đã viết: "Marx và Engels đã coi phép biện chứng của Hegel là sự thành tựu vĩ đại nhất của triết học cổ điển Đức.”     Trong Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, Lênin xác định: Marx đã làm phong phú triết học với sự thành tựu của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống Hegel dẫn đến chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Sự thành tựu cơ bản là phép biện chứng, nghĩa là "học thuyết và sự phát triển trong hình thái toàn diện, sâu sắc và dễ hiểu nhất, học thuyết về sự tương đối của nhận thức nơi con người đã cung cấp cho chúng ta với một phản ảnh về vật chất phát triển vô hạn.”
Khi xác định bản chất của triết học Mác, Lênin muốn chỉ ra một điều là Marx đã phát triển quan niệm duy vật biện chứng về thế giới đến một quan niệm về xã hội với chủ nghĩa duy vật lịch sử là mặt chủ yếu và là bộ phận cốt cán của quan niệm duy vật biện chứng, Lênin viết:
"Triết học Mác là một chủ nghĩa duy vật triết lý hoàn bị đã cung cấp cho nhân loại, đặc biệt là giai cấp công nhân với những công cụ đầy quyền năng về nhận thức.”
Quan niệm này giúp cho chủ nghĩa Mác khám phá "ngay trong xã hội vây quanh chúng ta, những lực lượng – có thể từ vị trí xã hội của chúng - phải cấu tạo quyền lực có khả năng xóa bỏ cái cũ và xây dựng cái mới" (Ba nguồn gốc và bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác).
Điều đó biểu hiện về mặt thực tiễn chính trị, khả năng của chủ nghĩa Mác như một vũ khí lý luận của giai cấp vô sản, xóa bỏ sự nô lệ tinh thần mà giai cấp vô sản đã phải chịu đựng dưới hình thức người bóc lột người.
Thái độ xác tín của Lênin được khẳng định rõ ràng về một chủ nghĩa Mác chiến đấu. Nhưng có một chuyển biến tư tưởng trong sự tiến triển nhận thức của Lênin - cơ sở cấu thành nhận thức đó là phép biện chứng của Hegel trong khi Lênin bắt đầu "khám phá" Hegel.
Tập Bút ký triết học đánh dấu thời kỳ thứ hai, có thể nói trong khi đọc và nghiên cứu Hegel, những suy nghĩ từ thời điểm này mang những phát triển quan trọng xây dựng lên một lý luận cách mạng mác-xít với những tác phẩm sau đó như Nhà nước và Cách mạng; Chủ nghĩa đế quốc; giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản, Cách Mạng Vô Sản và Tên Phản Bội Kautsky v. v...
Tại sao lại đặt vấn đề về mối quan hệ giữa Hegel và Lênin? Thật ra, tư tưởng của Hegel đã du nhập nước Nga vào khoảng 1835. Những nhà tư tưởng tiền phong của chủ nghĩa xã hội dân chủ Nga đã coi Hegel như người thổi luồng gió mới cách mạng trong tư tưởng đương thời. Herzen nhiệt liệt ca ngợi nhà tư tưởng Ba lan Cieszkowski với tác phẩm Prolegoma zur Historiosophie đã dẫn dắt ông đi vào con đường tìm hiểu Hegel. Theo Cieszkowski, Hegel đã chỉ ra cho nhân loại tự ý thức được rằng sự nhận thức những quy luật chi phối sự phát triển của lịch sử. Triết lý về lịch sử trở thành một hiện thực khách quan, hữu hiệu về chân lý của nhận thức. Trong tự nhận thức chỉ ra sự thống nhất giữa thực tiễn và hành động:
"Con đường tương lai của triết học nói chung là phải trở thành triết học thực tiễn, hay đúng hơn triết học về thực tiễn, mà hiệu quả cụ thể nhất đối với những quan hệ về đời sống và xã hội là sự phát triển chân lý trong hoạt động cụ thể.” Herzen đã đón nhận tư tưởng này và gọi phép biện chứng của Hegel là "khoa đại số học của cách mạng.”
Khi viết quyển Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) để tranh luận với nhóm Bogdanov, Lênin chỉ đọc Hegel qua Marx và Engels. Từ bài tiểu luận viết ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Herzen (1912), Lênin ca ngợi Herzen đã đi thẳng tới "chủ nghĩa duy vật biện chứng," đã lãnh hội được phép biện chứng của Hegel. Lênin cũng nhấn mạnh: "Khi tưởng niệm Herzen, giai cấp vô sản học hỏi được từ nơi ông sự đánh giá cao vai trò quan trọng của lý luận cách mạng.”
Như đã nói ở trên, Lênin quan niệm vấn đề biện chứng là một nhân tố tất yếu trong sự nghiệp cách mạng.
Trong khoảng thời gian 1913 -1914, Lênin đã viết một loạt bài khai triển những cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng sắp tới qua nhiều khía cạnh khác nhau và đề ra những giải pháp về mặt triết học cũng như về mặt chiến lược và sách lược nhằm sửa soạn thực hiện cuộc cách mạng này. Cơ sở của cương lĩnh cách mạng đã được phác họa trong Bút ký triết học qua ba mặt của vấn đề duy vật biện chứng:
a. Bản chất của biện chứng là một lý luận của sự phát triển thế giới vật chất, trong những hình thức khái quát nhất.
b. Sự thống nhất giữa biện chứng, lý luận nhận thức và lôgíc trong chủ nghĩa Mác.
c. Ý nghĩa của biện chứng duy vật là cơ sở lý luận cho mọi hoạt động thực tiễn của quần chúng.
Khi mô tả bản chất của phép biện chứng duy vật, Lênin đã khái quát thành một nguyên lý: "Phép biện chứng có thể được định nghĩa như một học thuyết về sự thống nhất những mặt đối lập.”
Những phạm trù cơ bản đối lập gồm ba nhóm:
1. Phép biện chứng khách quan về tự vận động nội tại của vật chất;
2. Phép biện chứng về tác động qua lại giữa những sự vật và hiện tượng;
3. Phép biện chứng chủ quan, nghĩa là quá trình trong đó thế giới vật chất được phản ánh trong ý thức của con người.
Lênin đã phát biểu quy luật về sự nhẩy vọt biện chứng khi xác định: "Cái gì phân biệt quá độ biện chứng với quá độ phi biện chứng? Sự nhẩy vọt. Sự mâu thuẫn. Sự gián đoạn cái tăng dần. Thống nhất giữa hữu và vô hữu.” (trong Bàn về Vấn Đề Biện Chứng). Quy luật đó được xác định như một quy luật về sự thống nhất và đấu tranh giữa những mặt đối lập. Về mặt chính trị, nó biểu hiện sự tồn tại của cái cũ bên cạnh cái mới trong mối quan hệ qua lại nhất định, cho nên trong bài viết Bàn về khẩu hiệu hô hào liên hợp các nước châu Âu (1915), Lênin đã đi đến nhận định về khả năng của chủ nghĩa xã hội thắng lợi trước hết trong một nước, sách lược chung của chủ nghĩa xã hội thế giới trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, về một chính sách thi đua kinh tế hòa bình giữa hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa, cũng như sự chung sống hoà bình giữa những nước khác nhau về chế độ chính trị, xã hội.
Ở một chỗ khác, ông định nghĩa gọn hơn: "Phép biện chứng là lý luận nhận thức (của Hegel) và chủ nghĩa Mác.”
Khi đọc Hegel, Lenin đã khẳng định:
"Không thể nắm vững hoàn toàn tác phẩm Tư bản của Marx, đặc biệt là chương thứ nhất nếu người ta không nghiên cứu và hiểu thấu toàn bộ tác phẩm Khoa Luận Lý Học (Wissenschaft der Logik) của Hegel. Thực thế, không một người mác-xít nào từ nửa thế kỷ nay hiểu thấu được Marx.”
Theo Lenin, Marx đã tiếp thu và phát triển mặt cách mạng này của triết học Hegel và áp dụng phương pháp biện chứng của Hegel trong hình thái thuần lý vào khoa kinh tế chính trị. Lenin đã chỉ ra phương pháp biện chứng đó như sau: "Trong Das Kapital, Marx đã sử dụng khoa luận lý, phép biện chứng và nhận thức luận của chủ nghĩa duy vật như một khoa học duy nhất, rút ra mọi điều giá trị từ Hegel và phát triển hơn lên.”         
Trong lời bạt của ấn bản tiếng Đức lần thứ hai, Marx đã xác nhận mối quan hệ về mặt phương pháp biện chứng của ông đối với Hegel: "Phương pháp biện chứng của tôi không những khác với phương pháp biện chứng của Hegel mà nó còn đối lập trực tiếp. Đối với tôi lý tưởng không là gì khác hơn thế giới vật chất phản ánh bởi tinh thần của con người và diễn dịch thành những hình thái tư duy. ... Vì thế tôi công khai thú nhận tôi là học trò của nhà tư tưởng vĩ đại này, và hiển nhiên đây đó, trong chương sách luận về giá trị, tôi đã làm dáng với những mô thức diễn tả đặc biệt của Hegel.”
Lenin đã trung thành với nhận thức này khi trình bày học thuyết kinh tế của Marx trên hai vấn đề: giá trị và giá trị thặng dư. Ông dẫn lời Marx: "Mục tiêu tột cùng của công trình này là phơi trần ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại" - vì trong xã hội tư bản, sản xuất ra hàng hóa chiếm ưu thế, do đó Marx khởi sự phân tích từ việc phân tích hàng hóa trong chương thứ nhất.
Cũng trong lời bạt nói trên, Marx giải thích rõ: Trong hình thái hợp lý của nó, phép biện chứng bao gồm cả nhận thức tích cực về những sự vật hiện hữu đồng thời nhận thức cả sự phủ định, sự phá hủy tất yếu những mặt hiện hữu này (In ihrer rationellen Gestalt... (sie) in dem positiven Verstandnis des Bestehenden zugleich auch das Verstandnis seiner Negation, seines notwendigen Untergangs einschliesst).
Trong Bút ký triết học, Lenin mô tả mặt phủ định biện chứng tích cực này - nghĩa là một giai đoạn của mối quan hệ, một giai đọan của sự phát triển - như một nhân tố quan trọng cao cấp của phép biện chứng.
Mặt khác, Lenin dẫn lời Hegel: "Chỉ có một sự việc trong thế giới là tuyệt đối, đó là phương pháp hay khái niệm về quá trình, chính nó tuyệt đối" để chỉ ra ý nghĩa cách mạng trong triết học Hegel: "Niềm tin của Hegel vào lý trí con người và quyền năng của nó. ... Luận cương cơ bản trong triết học Hegel là vũ trụ trải qua một quá trình kiên trì về biến đổi và phát triển.”
Chính Marx cũng nhận định: Cái vĩ đại trong Hiện tượng luận của Hegel và kết quả tột cùng của nó là - biện chứng của phủ định như nguyên tắc chuyển dịch và sản xuất - đơn giản là vì Hegel đã nắm được sự tự phát triển của con người như một quá trình (Das Grosse an der Hegelschen Phanomenologie und ihrem Endresultate - der Dialektik der Negativitat als dem bewegenden und erzeugenden Prinzip - ist also einmal, dass Hegel die Selbsterzeugung des Menschen als einen Prozess fasst).     
Từ ngữ quá trình trở thành một từ then chốt trong biện chứng pháp mác-xít. Trong OP Manuskripte, Marx đã so sánh quan điểm duy vật nghèo nàn của Feuerbach với chủ nghĩa duy tâm của Hegel ở chỗ: Chủ nghĩa duy tâm khởi từ hoạt động - Hegel đã nhận ra con người không phải thuần túy là sinh vật, mà tự sản sinh ra trong lịch sử và đời sống xã hội, cũng tự tạo ra mình trong một quá trình.
Căn cứ vào đó, Lenin lý giải mối quan hệ giữa tư tưởng và khách thể theo nhận thức của Hegel là một quá trình trùng hợp:
"Tư tưởng (=con người) không thể tưởng tượng ra chân lý trong hình thái tĩnh chết, trong hình thái một bức tranh trần (hình ảnh) nhợt nhạt, không có sự thúc đẩy, không có động lực, như một thiên tài, như một con số, như tư duy trừu tượng.”
Qua thực tiễn con người chứng nghiệm sự đúng đắn khách quan của những ý tưởng, khái niệm, nhận thức khoa học của con người. Ở đây lý luận phản ánh đã khai triển theo hướng tích cực: Tri thức của con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan nhưng còn sáng tạo ra nó... điều đó có nghĩa là thế giới không chỉ thỏa mãn con người mà con người quyết định biến đổi nó bằng hoạt động của con người.
Trong khi đọc Hegel, Lenin đã thu tập được một số nhận thức về Marx tuy không để lại một khoa Luận lý, nhưng đã để lại Luận lý về Tư bản/những tác phẩm có tính duy tâm nhất lại chứa ít chủ nghĩa duy tâm mà chứa chủ nghĩa duy vật nhất/phê phán Plekhanov (người thày duy vật của Lenin) hoàn toàn là con số không về tư tưởng biện chứng.
Những tranh luận hiện đại về tập Bút ký triết học, mối quan hệ giữa Lenin và Hegel diễn ra hai chiều hướng đối nghịch vì nó mang tính cách quyết định về quan điểm triết lý (nói như Irving Fetscher: Hãy nói cho tôi biết bạn xác định mối quan hệ giữa Marx và Hegel như thế nào, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đã chọn loại chủ nghĩa Mác nào):
Quan điểm của Louis Althusser: Khởi từ "đoạn tuyệt tri thức" trong tiến trình tư tưởng của Marx, Althusser khẳng quyết sự khác biệt giữa Marx và Hegel, nói khác đi, phương pháp biện chứng của Marx khác biệt với phương pháp biện chứng của Hegel. Tuy nhiên, Althusser không thể phủ nhận một điều là sau khi chối bỏ ảnh hưởng của Hegel, Marx vẫn chịu một mối nợ quan trọng với Hegel vì ông là người đầu tiên nhận thức lịch sử như một quá trình không chủ thể.
Trước hết, Althusser chỉ ra một điều trong Lenin và triết học, bài diễn thuyết trước Hội Triết học Pháp vào năm 1968, lý do Lenin đọc Hegel vì Hegel là người quán triệt toàn bộ lịch sử triết học nên đọc Hegel là một phần trong thực tiễn triết lý của Lenin.
Trong tác phẩm tập thể Lire le Capital viết chung với J. Rancière, P. Macherey, E. Balibar và R. Establet, Althusser xác định cách đọc mà ông gọi là hội chứng những tác phẩm của Marx và của chủ nghĩa Mác, nhưng đọc Lenin chỉ khả hữu với điều kiện đề xuất từ những bản văn này vấn đề lý luận mà những bản văn chỉ ra giải đáp tích cực.
Trong một tiểu luận đặt vấn đề Lenin đối với Hegel, Althusser cho rằng Lenin đã đọc Hegel trên quan điểm duy vật biện chứng đó là lý do Lenin đã đọc một cách nhiệt tình chương viết về Ý Tưởng Tuyệt Đối trong bộ lôgic của Hegel vì hai căn cứ (một, chủ thể phải bị phủ định ngay từ khi đặt để, hai, Ý Tưởng Tuyệt Đối đơn giản chỉ là phương pháp tuyệt đối) và Lenin đã đề ra luận điểm: chỉ có một sự việc tuyệt đối trong thế giới, đó là phương pháp hay khái niệm về quá trình, tự nó là tuyệt đối, điều đó có nghĩa là cái tuyệt đối là quá trình không chủ thể, trong thực tại cũng như trong nhận thức khoa học - điều này được phát hiện trong tác phẩm Tư bản của Marx.
Quan điểm của Raya Dunayevskaya và Kevin Anderson: Trong hai tác phẩm Marxism and Freedom và Philosophy and Revolution, Raya Dunayevskaya (viết dưới tên Freddie Forest trong nhóm Johnson-Forest) đã coi Bút ký triết học của Lenin như một trong những tác phẩm Mác-xít quan trọng nhất về mặt triết học cũng như lý luận kinh tế chính trị và tổ chức. Trong tác phẩm nghiên cứu phê phán Lenin, Hegel and Western Marxism, chịu ảnh hưởng của Dunayevskaya, Kevin Anderson đã dành một phần để lược duyệt những thảo luận chung quanh tập Bút ký triết học của Lenin từ những thập niên 20 đến nay, với những tên tuổi như Karl Korsch, Lukács, Ernst Bloch, Lefebvre, Lucio Coletti, Fetscher, Althusser và Dunayevskaya. Tựu chung, hoàn cảnh lịch sử đã không cho phép những người Mác-xít như Lukács hay Korsch thấy tầm quan trọng của tập Bút Ký triết học. Anderson phê phán Althusser đã dẫn sai lạc những đoạn văn của Lenin khi cho rằng Lenin đã chỉ ra sai lầm của Engels và Plekhanov trong việc áp dụng biện chứng của Hegel để giải thích thực tại. Chỉ từ những thập niên 70, Dunayevskaya tiếp tục công trình khai phá luận điểm của Lenin khi chỉ ra chủ nghĩa duy vật và duy tâm bổ xung lẫn nhau và tri thức không chỉ phản ánh thế giới mà còn sáng tạo ra nó, tuy vậy Lenin cũng như những người Mác-xít khác đã quan niệm thực tiễn cao hơn lý luận nên rơi vào chủ nghĩa ý chí. Sự khác biệt giữa những quan điểm Mác-xít trong vấn đề biện chứng là cơ sở trong những tranh luận triết lý sau này.


Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp là ba nguồn gốc của chủ nghĩa Mác. Điều này phù hợp với tiến trình sinh hoạt của Marx, xuất thân từ môi trường đại học Đức, quá trình hoạt động chính trị tại Pháp và Bỉ, và sau cùng là giai đoạn học hỏi kinh tế chính trị học khi Marx cư ngụ tại Luân Đôn từ năm 1849. Tuy nhiên việc phân chia ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác như Lenin và một số người Mác-xít khác đã làm là: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, chỉ có tính cách tiện lợi về mặt phổ thông tuyên truyền và không có giá trị về mặt học thuyết.

Những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Marx sẽ chỉ ra sự tổng hợp giữa các mặt lý luận. Mặt khác, Marx cũng không giải quyết những vấn đề triết học về vật chất, tinh thần v. v. . . như Engels sau này trong tác phẩm viết dở dang Phép Biện Chứng Của Tự Nhiên hay Lenin trong Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán. Từ luận án triết học cho đến những bản viết về sau, ông bận tâm với những vấn đề phê phán, ông khẳng định "phê phán trời phải biến thành phê phán trần gian, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp luật, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị," trong những tác phẩm viết chung với Engels như "Hệ tư tưởng Đức" "Gia đình thần thánh," họ đối phó với những vấn đề của nhóm Hegel khuynh tả như Feuerbach, Bruno Bauer, Max Stirner.

Phần lớn quãng đời còn lại của Marx tập trung vào việc hoàn tất tác phẩm Tư Bản như Marx viết trả lời một người bạn: "Trong khi tôi còn khả năng làm việc, tôi phải dành tất cả thời giờ để hoàn tất tác phẩm của tôi, tôi phải hy sinh sức khoẻ, hạnh phúc sống và gia đình của tôi cho điều đó. " Cũng không thể đơn giản phân biệt những vấn đề triết lý với những vấn đề kinh tế chính trị vì khởi từ những tác phẩm thời trẻ, như Phê phán Triết học về Nhà nước, về Quyền của Hegel, Bản thảo Kinh tế Triết học, Marx đã phân tích sâu sắc những vấn đề về lao động, vận động kinh tế Hegel đề ra trong những tác phẩm về Thần học và Triết học quyền bính của Hegel. Marx đã đọc dưới nhãn quan của "triết gia", những tác phẩm của các nhà kinh tế cổ điển như Smith, Ricardo, Mill, Say, Malthus và những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp như Pecqueur, Proudhon, Anh như Owen, và Đức như Moses Hess và Weitling. "Phê phán trần gian" như Marx quan niệm đã biến nhập vào "phê phán chính trị kinh tế", Marx cũng mới chỉ phác họa những nét đơn giản về một chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vấn đề then chốt trong tư tưởng Marx được soi sáng và phát triển trong thế kỷ này là vấn đề tha hóa.

 Lý luận về tha hóa là một trong những nét phân biệt giữa Marx và Engels. Hơn nữa, vấn đề tha hóa còn xác định:
 1. Những điểm sinh động tồn tại của tư tưởng Marx ở thời đại này.
 2. Tính cách nhân bản của chủ nghĩa Mác so với những giải thích khác về chủ nghĩa cộng sản.
 Về điểm thứ nhất, vấn đề tha hóa chỉ ra nhiều viễn tượng: ngay khái niệm về từ ngữ "tha hóa" cũng rất mới mẻ về mặt triết học. Hegel và Marx là những người đã sử dụng từ Entfremdung và Entausserung trong những bản viết quan trọng của họ, nhưng chính những khái niệm này không được chú ý trong thời đại của họ. Phải đợi tới những phát triển lý luận ở thế kỷ 20 này, khái niệm tha hóa mới được coi là ý tưởng then chốt trong triết học của Hegel và Marx. Tại sao vậy ? Có phải những ý tưởng như tha hóa là những ý tưởng hiện đại được khám phá trong triết học của Hegel và Marx? Nói cách khác, tha hóa phải chăng là một dẫn giải hiện đại về chủ nghĩa Hegel và chủ nghĩa Mác?

 Quả thật, về mặt lịch sử, một khái niệm tha hóa chỉ đặc biệt được chú ý đến sau thế chiến Hai, mặc dầu Hegel đã sử dụng từ ngữ này nhiều lần trong những tác phẩm thời trẻ, và trong tác phẩm lớn quan trọng của ông là Hiện tượng luận về Tinh thần, Hegel đã dành hơn một trăm trang sách để phân tích vấn đề "Tinh thần bị tha hóa tự tại. " Tuy vậy ngay những học giả chuyên nghiên cứu Hegel như Hermann Glockner trong bộ Hegel-Lexikon (1935-39) cũng như J. Hoffmeister trong Worterbuch der philosophischen Begriffe (1952) đã không liệt kê từ ngữ tha hóa trong những phạm trù triết học Hegel.

 Marx đã phân tích vấn đề tha hóa trong Bản Thảo Kinh Tế Triết Học, trong Khởi Thảo Những Nguyên Lý Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học, song những tác phẩm này mới chỉ được phát hiện ở khoảng giữa thế kỷ này. Trong Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản, Marx và Engels coi khái niệm tha hóa của nhân loại là một sản phẩm của những nhà văn Đức (deutschen Literaten) du nhập tư tưởng Pháp, và họ coi khái niệm này là "một điều vô nghĩa về mặt triết lý".

 Phải chăng đó là điều mâu thuẫn ngay trong tư tưởng Marx? Hay vì chịu ảnh hưởng Engels, Marx đã từ bỏ quan niệm tha hóa như một hạt nhân lý luận trong tư tưởng của ông?

 Như đã nói ở trên, tha hóa trở thành một vấn đề triết học cơ bản hiện đại. Cho nên phải trở lại nguồn gốc của nó. Phần lớn những tác giả nói đến vấn đề này đều nhìn nhận vấn đề tha hóa bị quên lãng từ lâu, chỉ mới được đặt lại lần đầu trong tác phẩm Lịch sử và Ý thức giai cấp của nhà triết học người Hung G. Lukács. Tiểu luận thứ tư trong tác phẩm này đã đưa ra vấn đề Verdinglichung như một khái niệm cơ bản để phân tích vấn đề hàng hóa mà Lukács coi là "biểu hiện trong mọi mặt cuộc sống cho vấn đề then chốt, cơ cấu của xã hội tư bản"(als zentrales, strukturelles Problem der kapitalistischen Gesellschaft in allen ihren Lebensausserungenerscheint) trong học thuyết Mác. Tuy nhiên, Lukács không đưa ra một phân tích định nghĩa về khái niệm này. Một đệ tử của Lukács, nhà triết học Lucien Goldmann đã phát hiện từ ngữ Verdinglichung được nhắc đến hai lần trong một tác phẩm triết học quan trọng khác của thế kỷ này là Sein und Zeit của Heidegger. Có thể nói, điểm gặp gỡ chung của hai trào lưu tư tưởng hiện đại là chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Hiện sinh chính là vấn đề tha hóa, dầu nhìn dưới nhiều góc cạnh khác biệt.

 Về điểm thứ hai, ta nên chú trọng đến những thảo luận sau đây:
 1. Giới triết học Liên Xô dưới sự chi phối của thời đại Stalin đã chấp nhận quan điểm "tha hóa" của Marx và Engels trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, coi như một quan điểm thuần túy duy tâm.
 2. Khái niệm "tha hóa" gắn liền với một nhãn quan "khoa học" để giải thích chủ nghĩa Mác.
 3. Chấp nhận khái niệm "tha hóa" như một quan niệm triết lý xã hội trong lý luận về lao động và xã hội dẫn đến vấn nạn về sự tồn tại của vận động này trong xã hội XHCN. Do đó những tranh luận sôi nổi về vấn đề "hiện tượng tha hóa có còn tồn tại trong những xã hội tiến lên chủ nghĩa CS", cũng như một khái niệm đối lập "giải trừ tha hóa" được đề ra.

 Những nghiên cứu về vấn đề tha hóa đều chú trọng đến những tác phẩm thời trẻ của Marx, như nhận định của Erich Thier: "Marx thời trẻ là một khám phá của thời đại chúng ta" (trong Das Menschenbild des Jungen Marx, 1957). Hai quan điểm đối lập chính trong những nghiên cứu vấn đề có xu hướng dẫn giải về mặt tâm lý hoặc về mặt xã hội.
 Những tác giả đứng trên quan điểm tâm lý đã khảo sát vấn đề tha hoá của Marx đối chiếu với những lý luận phân tâm học và tâm bệnh học, hoặc đi từ lý luận tha hóa của Marx đến những hệ luận đạo đức. Những tác giả đứng trên quan điểm xã hội đã liên kết vấn đề tha hóa của Marx với những hệ luận xã hội (những lý tưởng xã hội phân biệt với thực tại xã hội).

 Tựu trung khởi sự vấn đề có thể từ tha hóa là một khái niệm tâm lý xã hội (cá nhân), hoặc tha hóa là một khái niệm triết lý xã hội (tập thể xã hội).

 Những phát triển lý luận về tha hóa có thể dẫn vấn đề đi khá xa, chẳng hạn Kostas Axelos trong Marx, Penseur de la Technique: De l Aliénation de l Homme à la Conquête du Monde và Istvan Meszaros trong Marx s Theory of Alienation đưa ra những mặt kinh tế chính trị, bản thể và đạo đức, thẩm mỹ học, coi tha hóa như một ý tưởng then chốt cho mọi vấn đề. Một quan điểm tâm lý như R. C. Tucker có thể đi đến những kết luận cực đoan: "Sự xung đột bên trong của con người bị tha hóa với chính nó, trong trí tưởng Marx trở thành một xung đột xã hội giữa "lao động" và "tư bản," và cái tự ngã chủng loại bị tha hóa trở thành xã hội phân chia giai cấp. Sự tự tha hóa được phóng chiếu thành một hiện tượng xã hội, và một hệ thống tâm lý nguyên ủy của Marx trở thành một hệ thống trưởng thành ngoài mặt có tính xã hội học" (Philosophy and Myth in K. Marx).

 Việc đọc ngay chính văn của Marx cũng dẫn tới nhiều suy luận khác biệt, chẳng hạn như R. Schacht cho rằng Marx không phủ nhận triệt để quyền tư hữu trong Bản thảo Kinh tế chính trị. Vấn đề thực ra không phải vậy nếu đọc kỹ bản viết của Marx. Khi khảo sát vấn đề tha hóa với một số lượng chính văn của Marx tất nhiên có nhiều điểm tương trùng và khác biệt giữa các tác giả không những ở chỗ nhìn hạn chế vấn đề, còn cả ý hướng và thành quả đặt trong nội dung học thuyết của chủ nghĩa Mác.

 Cho nên phải phân biệt những lưỡng luận sau đây:
 1. Tha hóa nhìn dưới góc độ một giai đoạn nhất định của lịch sử (giai đoạn xã hội tư bản chủ nghĩa) hoặc tha hóa trong chiều hướng cơ bản của lịch sử.
 2. Tha hóa như một biểu hiện của đời sống thực (cơ sở), hoặc tha hóa như một vận động của tự thức (thượng tầng kiến trúc).
 Lưỡng luận thứ nhất chỉ ra: Một, nếu tha hóa chỉ là một hiện tượng nhất định Marx phát hiện ra trong vận động của xã hội tư bản, nó mang những đặc chất riêng của xã hội đó, và dưới những mặt nhất định nào, tha hóa vẫn còn biểu hiện trong xã hội XHCN? Hai, nếu tha hóa được quan niệm như một biểu hiện của bản tính con người, nó chỉ ra một quan niệm về lịch sử nhất định trong học thuyết Mác, đó là chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vượt khỏi khó khăn của lưỡng luận này không phải đơn giản. Trong những tranh luận giữa Fetscher và Sitnikov, giữa Adam Schaft và L. Althusser, những phân tích hiện tượng tha hóa trong xã hội XHCN của trường phái Zagreb chứng tỏ hiện tượng tha hóa nhất định trong xã hội TBCN vẫn còn tồn tại trong xã hội XHCN, đồng thời nó lại chỉ ra đặc tính nội tại của tha hóa trong lao động, nghĩa là một mặt của tự nhiên.

 Lưỡng luận thứ hai không phải chỉ phân biệt tha hóa kinh tế với những mặt biểu hiện chính trị, xã hội của tha hóa, phân biệt mặt thực tại của tha hóa với mặt tinh thần của tự thức bị tha hóa, nhưng còn chỉ ra tác động giữa lực lượng xã hội với quan hệ xã hội, giữa cá nhân và xã hội, sự hàm hồ giữa những quan hệ kinh tế và những định chế xã hội, mặt lý luận và thực tiễn, khi Marx quan niệm triết học là đầu não của giải phóng con người (der Kopf dieser Emanzipation ist die Philosophie), trong khi giai cấp vô sản là lực lượng thể hiện.

 Những lưỡng luận trên đây chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng Mác ở thời đại của ông và những vấn đề đặt ra sau Marx ở thế kỷ này, sự hiện diện của con người trong xã hội, dưới bất kỳ hình thái xã hội nào, tính cách áp bức của xã hội và tự nhiên có thể bị tiêu hủy v. v. . . . Đặt để vấn đề tha hóa còn hàm ngụ giải pháp vượt lên khỏi tha hóa, cho nên Marx hy vọng: "Chúng ta biết hình thái mới của sản xuất xã hội, để hoàn thiện đời sống, chỉ cần con người mới," như ông viết trong Die Revolution von 1848 und das Proletariat. Làm thế nào để xây dựng con người mới - những người cộng sản hiện đại tưởng đã đặt đúng vấn đề, vì một lẽ đơn giản, thực hiện cách mạng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi những áp bức của "người bóc lột người," xây dựng một xã hội mới, "xã hội cộng sản" như niềm mơ ước của người cộng sản, tất nhiên phải có mẫu người mới với phong thái và nhãn quan hoàn toàn mới của chiều hướng lịch sử, chấm dứt thời tiền lịch sử. Nhưng "con người có phải là toàn bộ những quan hệ xã hội?" gắn liền với những điều kiện thực tiễn của xã hội, của đời sống thực, và những mâu thuẫn giữa con người/xã hội, tự nhiên/lịch sử, vật chất/tinh thần. . . . Một nhận thức về con người và những ràng buộc xung đột của cá nhân trong xã hội và tự nhiên, đó là lý do vấn đề tha hóa cần thiết phải được đặt ra.

 Trong ngôn ngữ về tha hóa, Marx dùng những từ như Entfremdung, Entausserung, Verausserung. Về mặt ngữ nguyên, từ aussern để chỉ tính biểu hiện, trong khi từ veraussern chỉ tính mại hóa. Ngay trong những bản văn của Kant, người ta đã thấy sự phân biệt này. Kant viết: "Sự chuyển nhượng tài sản từ người này qua người khác là mại hóa"(Die Ubertragung seines Eigentums an einen anderen ist die Verausserung). Trong ý nghĩa đó, người ta có thể giải thích được đoạn văn sau của Marx trong Zur Judenfrage: Die Verausserung ist die Praxis der Entausserung (Mại hóa là thực tiễn của tha hóa). Tha hóa như vậy được phát hiện ngay trên bình diện kinh tế. Mặt khác, khi phân tích lao tác của con người, Marx đã đưa ra một ý niệm tha hóa, sự xa lạ (Entfremdung) đối với con người, xã hội và tự nhiên.

 Đối tượng của Marx về tha hóa là con người, không phải chỉ riêng tinh thần như trong triết học Hegel. Marx viết: Biểu hiện của đời sống con người (Lebenausserung) là sự ngoại hướng của đời sống (Lebensentausserung), sự thực hiện nó (Verwirklichung) là sự đánh mất thực tại (Entwirklichung), là một thực tại tha hóa.

 Tuy nhiên khởi điểm của vấn đề vẫn bắt nguồn từ ảnh hưởng của tư tưởng Hegel trong thời đại. Chẳng hạn khởi điểm suy tư của Feuerbach từ hình ảnh con người bị tha hóa trong hình ảnh con người tạo ra. Tha hóa tôn giáo là một ý niệm Marx đã thừa hưởng từ học thuyết Feuerbach, khi Feuerbach áp dụng khái niệm tha hóa của Hegel vào sự khách thể hóa của con người (con người đã tự biến thành khách thể, đối tượng của ý thức, và Thượng đế chính là sự phóng chiếu của con người trong vận động khách thể này). Feuerbach đã đưa phạm trù tha hóa từ mặt ý thức áp dụng vào bình diện nhân loại. Marx không giới hạn ý niệm tha hóa trong chiều hướng tự nhiên đó, ông phê phán lý luận tôn giáo của Feuerbach không xiển minh được vị thế của con người trong thế giới, quan niệm về bản chất con người theo Feuerbach chỉ là một trừu tượng cố hữu trong con người cá thể riêng biệt, trong khi bản chất đó là một toàn bộ những quan hệ xã hội. Đó là sự khác biệt giữa chủ nghĩa duy vật cổ điển (như Feuerbach) với chủ nghĩa duy vật của Marx. Một đằng chỉ xét cá nhân trong xã hội "công dân" trong khi con người phải được xét trong xã hội nhân loại, nghĩa là một nhân loại xã hội hóa.

 Cho nên Marx đã phát biểu về tôn giáo như sau: Sự lầm than tôn giáo đồng thời là một biểu hiện của sự lầm than thực và là một phản kháng lại sự lầm than thực. Tôn giáo là tiếng thở dài của sinh vật bị áp bức, tình cảm của một thế giới nhẫn tâm, cũng như nó là tinh thần của những điều kiện phi tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân (Das religiose Elend ist in einem der Ausdruck des wirklichen Elendes und in einem die Protestation gegen das wirkliche Elend. Die Religion ist der Seufzer der bedrangten Kreatur, das Gemut einer herzlosen Welt, wie sie der Geist geistloser Zustande ist. Sie ist das Opium des Volks). Điều này chỉ ra một tư tưởng của Marx thường bị xuyên tạc là triệt hủy tôn giáo, thực ra chỉ là một tiền đề xã hội học về vai trò tôn giáo đối với dân chúng sống dưới những điều kiện kinh tế xã hội lầm than. Marx quan niệm phê phán trời phải trở thành phê phán trần gian, phê phán tôn giáo trở thành phê phán pháp luật. Quả thực phê phán tôn giáo là một điều kiện tất yếu dẫn đến việc tìm hiểu sự tha hóa của con người. Marx quan niệm: Nhiệm vụ tức thời của triết học là phát hiện sự tha hóa của con người trong hình thức thế tục, một khi nó đã được phát hiện trong hình thái thiêng liêng của nó (Es ist zunachst die Aufgabe der Philosophie, die im Dienste der Geschichte steht, nach den die Heiligengestalt der menschlichen Selbstentfremdung entlarvt ist, die Selbstentfremdung in ihren unheiligen Gestalten zuentlarven).

 Con người trong vận động ngoại hướng theo Marx là một "con người bị mất nhân tính" (entmenschter Mensch), bởi vì hoạt động sản xuất của con người bị chi phối dưới luật lệ của một "trung gian xa lạ" (fremder Mittler), thay vì chính con người là trung gian của con người (statt dass der Mensch selbst der Mittler fur den Menschen sein sollte). Lao động chính là hình thức của một "trung gian tha hóa" (entausserte Vermittlung) bởi vì "đối tượng của lao động là sự khách thể hóa đời sống phát sinh của con người. " Marx so sánh tha hóa tôn giáo với tha hóa lao động:
 "Cũng như trong tôn giáo, con người càng tận tụy cho thượng đế, con người càng kém chủ động. Đời sống của con người phục vụ cho khách thể trở thành một lực lượng thù nghịch và xa lạ với chính con người. "
 Khách thể đó chính là tư bản, và mặt chủ yếu của tha hóa chính là tha hóa kinh tế. Irving Fetscher nhận xét về lập trường phê phán của Marx: "Phê phán kinh tế chính trị học bao hàm phê phán kinh tế tư bản chủ nghĩa và phê phán thuyết tự thức lý luận tương ứng. " Cho nên tha hóa kinh tế là mặt chủ yếu trong lý luận của Marx, xuyên suốt từ Bản thảo kinh tế triết học qua Tư bản. Khi xét hiện tượng tha hóa của con người trong lĩnh vực kinh tế, Marx đã có những lý do để phê phán Feuerbach cũng như các lý thuyết duy vật trước Marx là chỉ xét sự vật dưới hình thái khách thể, không quan niệm như hoạt động thực tiễn cảm thụ mang tính cách con người, cũng như phê phán quan niệm "lao động" của Hegel chỉ là một lao động trừu tượng tinh thần. Cho nên Marx phát hiện tha hóa xảy ra cụ thể trong xã hội tư bản, ở đó lao động là đời sống chủng loại của con người, nhưng tư bản thuộc về lao động tích lũy được vật chất hóa, biến thành một khách thể độc lập, biến dạng thành tư hữu. Marx xác định: "Sản xuất là sự đặc thù tự nhiên của cá nhân ở trong và thông qua một cơ cấu xã hội nhất định. " Trong khuôn khổ xã hội tư bản chủ nghĩa, đời sống chủng loại đối lập mãnh liệt với đời sống cá nhân. Lao động là bản chất của con người, nhưng tư hữu đã buộc người lao động "biến bản chất của họ thành một phương tiện để bảo đảm sự tồn tại của mình. "


 Tha hóa có ý nghĩa: người lao động không nhận biết được tự thân trong quá trình sản xuất bởi vì "đối tượng mà lao động sản xuất ra đối lập với lao động như một sự vật xa lạ. "
Như vậy tha hóa không những chỉ thấy nơi kết quả, nhưng ngay chính trong hành động sản xuất, bởi vì:
 - Những phương tiện tồn tại phụ thuộc vào kẻ khác
 - Đối tượng khát vọng của con người là sự chiếm hữu không toại nguyện của kẻ khác, sinh hoạt của tôi là một sự vật khác. Nói tóm lại, quyền năng phi nhân đã thống trị quá trình hoạt động của con người. Quá trình tha hóa diễn ra như sau:
 1. Người lao động xa lạ với hoạt động của mình
 2. Sự vật sản xuất ra bởi lao động trở thành một sự vật xa lạ, một quyền lực độc lập với người sản xuất.
 3. Mối quan hệ với thế giới bên ngoài cụ thể trở thành một thế giới xa lạ, thù nghịch.
 4. Người lao động xa lạ với thế giới xã hội của họ vì con người xa lạ với tha nhân và cũng trở nên xa lạ với đời sống con người.
 Tại sao hiện tượng tha hóa diễn ra như vậy? Marx đưa ra ba nguyên nhân:
 - Tư hữu (Privat Eigentum)
 - Trao đổi hàng hóa (Austausch)
  - Phân công lao động (Teilung der Arbeit)
 Trong tập Bản thảo kinh tế triết học 1844, Marx xác định "tư hữu là sản phẩm, là hậu quả tất yếu của lao động bị tha hóa," Marx còn khai triển rộng ra ý nghĩa của tư hữu như một biểu hiện cảm thụ, vật chất của đời sống con người bị tha hóa, bởi vì chỉ trong giai đoạn tột cùng của sự phát triển tư hữu mới phát hiện được bí mật của nó, một mặt là sản phẩm của lao động bị tha hóa, mặt khác là những phương tiện để lao động bị tha hóa, tóm lại tư hữu chính là "sự thực hiện tha hóa này. "
 Cũng trong Bản thảo kinh tế Triết học, Marx coi phân công lao động và trao đổi là những biểu hiện tha hóa của hoạt động con người.
 Trong Những Nguyên lý Phê phán Kinh tế Chính trị học (1857-58), Marx cũng khẳng định "đối tượng do lao động sản xuất ra, tức là sản phẩm, bây giờ trở thành đối lập với nó như một sự vật xa lạ, như một quyền lực đối lập với người sản xuất.

. . . Người lao động quan hệ với sản phẩm lao động của mình như với một khách thể xa lạ. " Chính vì vậy thế giới con người bị mất dần giá trị so với thế giới sự vật tăng dần giá trị. Lao động chính là để sản xuất ra sự vật mang giá trị sử dụng, giờ đây lại trở thành lao động để tạo ra sản phẩm mang giá trị trao đổi. Marx viết: "Trong thế giới hiện đại, những quan hệ con người rõ ràng chỉ được coi như những biểu hiện thuần túy của những phương thức sản xuất và trao đổi. "

 Trong Tư bản Marx gọi hiện tượng vật hóa ấy dưới một từ ngữ đặc biệt tính sùng bái hàng hóa (Fetischcharakter der Ware): "Sự huyền bí của hình thái hàng hóa căn cứ trên điều này - đối với con người, nó phản ánh tính xã hội trong lao động của họ, như tính khách quan của chính những sản vật lao động, như những phẩm tính tự nhiên có tính xã hội của những sự vật này (gesellschaftlichs Naturreigenschaften) và do đó nó phản chiếu những quan hệ xã hội của những sản xuất đối với toàn thể lao động như một quan hệ xã hội giữa những sự vật hiện hữu ở bên ngoài họ" (Das Geheimnisvolle der Warenform besteht also einfach darin, dass sie den Menschen die gesellschaftlichen Charaktere ihrer eignen Arbeit als gegenstaendliche Charaktere der Arbeitsprodukte selbst, als gesellschaftliche Natureigenschaften dieser Dinge zuruckspiegelt, daher auch das gesellschaftliche Verhaeltnis der Produzenten zur Gesamtarbeit als ein ausser ihnen existierendes gesellschaftliches Verhaetnis von Gegenstaenden). Quan hệ sản xuất biến thành quan hệ xã hội giữa hàng hóa. Tính cách phóng thể của lao động – Entausserung - bao hàm khái niệm vật hóa (Verdinglichung) như Lukács sau này quan niệm.

 Nhân tố thứ ba trong hiện tượng tha hóa chính là phân công lao động, một bên là nhà tư bản, một bên là công nhân, ở đó Marx đã phân tích một phần lao động chứa trong hàng hóa là lao động được trả công, một phần khác là lao động không được trả công, "chính vì thế khi bán hàng hóa với giá trị của họ, là sự tích tụ của toàn thể lượng lao động để thực hiện món hàng này và nhà tư bản bắt buộc phải bán nó với một số lời. Ông ta bán không những chỉ phần ngang giá, nhưng ông ta còn bán cả những cái ông không mất gì cả, nhưng cái đó mang phần lao động của công nhân. " Trong một chương sách không in ra của tập I Tư bản (1867), Marx chỉ rõ: sự thống trị của nhà tư bản đối với công nhân là "sự thống trị của sự vật đối với con người, của lao động chết đối với lao động sống, của sản vật đối với người sản xuất. " Quá trình đó chính là sự vật hóa diễn ra như sau:
 1. Công nhân bị tư bản cố định thống trị vì họ trở thành một vật phụ thuộc vào máy móc.
 2. Gia tăng sự thống trị về mặt lượng của tư bản đối với lao động.
 3. Lao động chết (tư bản) thống trị lao động sống.
 Nếu trong tập Bản thảo kinh tếẾtriết học Marx đã đặt ra những cơ sở đầu tiên phân tích hiện tượng tha hóa về mặt kinh tế, tuy những phân tích này chưa chỉ rõ ra được động lực cưỡng bách sự lao động biến con người công nhân phụ thuộc vào máy móc, trở thành hàng hóa, chính là sự "tích luỹ tư bản," thì những tác phẩm thời trưởng thành từ Những Nguyên lý phê phán Kinh tế chính trị học đến Tư bản, tư tưởng chủ yếu của Marx vẫn là minh chứng sự khác biệt giữa quan điểm kinh tế cổ điển, coi cứu cánh của sản xuất là con người, và quan niệm kinh tế tư bản chủ nghĩa coi cứu cánh của sản xuất là sự giàu có và cứu cánh của con người là sản xuất. Ông chỉ ra đặc tính tàn bạo của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là "người lao động hiện hữu vì quá trình sản xuất chứ không phải quá trình sản xuất vì người lao động. "

 Sự tiến triển trong tư tưởng Marx có thể chỉ ra: ở tác phẩm thời trẻ, Marx phân biệt giai cấp chiếm hữu (giàu có) và giai cấp vô sản (nghèo khó), thì ở những tác phẩm thời trưởng thành như Những Nguyên lý và Tư bản, điểm chủ yếu chính là đặc tính vật hóa, phi nhân hóa của lao động trong sản xuất TBCN, ở đó tha hóa có tính tất yếu, bởi vì "phương thức sản xuất này lần đầu tiên tạo ra đồng thời với sự tha hóa tổng quát của cá nhân đối với tự thân cũng như tha nhân, tính phổ quát và toàn diện của những quan hệ và khả năng của con người" (Những Nguyên Lý). Trong Tư bản ông xác định "về mặt lịch sử, mối quan hệ đảo nghịch (Verkehrung) - giữa chủ thể và khách thể, tức là người sản xuất và sản vậtẾxuất hiện như một giai đoạn quá độ tất yếu. " Marx đã phát hiện ra được vị trí của giai cấp vô sản và giai cấp chiếm hữu cùng biểu hiện sự tha hóa của con người, tư tưởng này được trình bày trong tác phẩm thời trẻ: giai cấp chiếm hữu tự bằng lòng ở trong tình trạng tha hóa này bởi vì chính trong tha hóa, giai cấp này tự xác định và nhận biết quyền năng của mình, cũng như có một ảo tưởng về sự hiện hữu làm người của mình, thì ngược lại giai cấp vô sản cảm thấy sự tha hóa trong tình trạng tha hóa này, nhận ra sự bất lực và thực tại của đời sống phi nhân (Thánh gia/Die Heilige Familie) thì ở tác phẩm thời trưởng thành Das Kapital tư tưởng đó vẫn không thay đổi khi ông viết: Trong quá trình tha hoá của lao động con người, công nhân ở vị trí cao hơn nhà tư bản, bởi vì con người tư bản cắm rễ trong quá trình tha hóa này và cảm thấy an tâm tuyệt đối, trong khi giai cấp côngnhân đồng thời cũng là nạn nhân của quá trình này, trước hết cảm thấy phải nổi loạn chống đối và coi đó là một hành vi nô lệ hóa. Cũng trong tác phẩm thời trẻ Deutsche Ideologie Marx còn chỉ ra vai trò của giai cấp vô sản (ông coi giai cấp này là phần tử phá hủy trong khi giai cấp tư hữu là phần tử bảo thủ) là thực hiện cách mạng bởi vì cuộc cách mạng này tất yếu không những vì giai cấp thống trị không thể bị lật đổ bằng con đường nào khác, mà còn vì giai cấp lật đổ nó chỉ có thể thông qua cách mạng mới thành công trong việc thoát khỏi sự trì đọa của mọi thời đại để xây dựng xã hội mới. Qua Tư bản Marx chỉ ra sự phát triển sản xuất xã hội và sáng tạo ra những điều kiện vật chất của sản xuất mới có thể xây dựng được cơ sở thực tế cho một điển hình xã hội cao hơn, trong đó nguyên lý cơ bản là sự phát triển toàn diện và tự do của mỗi cá nhân. Đó chính là chìa khóa của sự giải phóng tha hóa cho con người.

 Tóm lại lý luận về tha hóa được trình bày qua những tác phẩm của Marx chỉ ra:
 a. Tất cả những mặt khác biệt của tha hóa và giải phóng tha hóa đều tập trung vào mặt chủ yếu là phưong thức hiện hữu xã hội như Marx viết: Tôn giáo, gia đình,nhà nước, luật pháp, đạo đức, khoa học, nghệ thuật v. v. . . chỉ là những phương thức sản xuất đặc thù và đều bị chi phối dưới những luật lệ chung. Sự giải phóng tích cực tư hữu như một đắc thủ đời sống con người, vì thế là sự giải phóng tích cực mọi tha hóa - điều đó muốn nói, con người từ tôn giáo, gia đình, nhà nước v. v. . . trở lại phương thức hiện hữu xã hội, nghĩa là hiện hữu nhân tính của mình. Marx đã chỉ ra mối quan hệ giữa cá thể và xã hội cùng mặt tích cực của con người.
 b. Trong giai đoạn thời trẻ, Marx đi tìm phương thức giải phóng tha hóa cho con người khi ông phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp vô sản trong nhiệm vụ thủ tiêu tư hữu (khái niệm "tất yếu lịch sử" trong tư tưởng Marx hàm ngụ sự tất yếu tiêu hủy/verschwindende Notwendigkeit). Marx cũng phê phán những thuyết cộng sản thô sơ đã phủ nhận nhân cách của con người trong mọi lãnh vực vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quyền lực tư hữu, cho nên sự giải phóng (Aufhebung) phải có tính cách triệt hủy tích cực để xây dựng chủ nghĩa cộng sản được quan niệm như "một chủ nghĩa tự nhiên phát triển toàn diện, đó là chủ nghĩa nhân bản, đồng thời chủ nghĩa nhân bản phát triển toàn diện cũng là chủ nghĩa tự nhiên. "
 c. Phân tích hiện tượng tha hóa chỉ ra sự phát hiện tính cách bóc lột con người lao động trong xã hội TBCN, đó là lý do Marx đã đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực kinh tế chính trị để tìm ra nguyên ủy của vấn đề: tư bản.
 Trong Những Nguyên Lý Marx loan báo: Đây là ảnh hưởng văn minh lớn lao của tư bản. Nó đưa xã hội đến một trình độ mà tất cả những thời đại đi trước chỉ được coi như cục bộ mang những dấu ấn sùng bái tự nhiên.
 Trong Tư bản ông xác định: Tư bản là phương thức sản xuất duy nhất ở đó mọi sản phẩm hay ít ra phần lớn sản phẩm mang hình thái hàng hóa . . . và điều đó chỉ xảy ra trong một phương thức sản xuất hoàn toàn đặc biệt.

 Mặt khác: Phương thức sản xuất TBCN được coi như tất yếu lịch sử để biến đổi lao động đơn lẻ thành lao động xã hội, nhưng trong tay tư bản, sự xã hội hóa lao động này chỉ gia tăng những lực lượng sản xuất nhằm bóc lột lao động ngõ hầu có nhiều lợi nhuận hơn.
 Cho nên lý luận tha hóa đã được nghiên cứu trong một chiều hướng chuyên biệt về phương thức sản xuất TBCN đến nỗi người ta tưởng chừng Marx từ bỏ lý luận tha hóa của con người để đi sâu vào lĩnh vực tất định kinh tế trong lý luận về tư bản.


Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác vẫn là bộ Tư bản. Marx đã giành phần lớn cuộc đời cho việc nghiên cứu và hoàn tất tác phẩm này. Quả thật nếu chủ nghĩa Mác không có cơ sở của Tư bản, nó đã bị rơi vào quên lãng như nhiều học thuyết xã hội khác. Việc nghiên cứu kinh tế chính trị xuyên suốt những tác phẩm của Marx qua ba giai đoạn (từ Bản thảo Kinh tế và Triết học 1844, Sự nghèo nàn của Triết học (1847), Những nguyên lý phê phán kinh tế chính trị học (1857/58), đến ba quyển Tư bản (1867/1885/1894)) cho thấy: phải chăng Marx như một triết gia đã chọn lĩnh vực kinh tế làm mặt chủ yếu (thông thường triết gia đều chọn một đối tượng chủ đạo trong học thuyết của mình) cho nên có người quan niệm Marx đã đưa ra những phân tích hiện tượng luận, hoặc hiện sinh về Kinh tế học, mặt khác có người cho rằng Marx đã đi vào con đường nghiên cứu kinh tế với tư cách một nhà kinh tế học thuần túy (những phân tích giá trị, trao đổi, bóc lột, giá trị thặng dư và lợi nhuận thuần tuý được xét về mặt kinh tế, không chứa đựng suy luận triết lý).

  Những mặt đối lập này chỉ ra việc đọc Marx có những nghịch lý không thể hòa giải. Về điểm thứ nhất, Marx với những nghiên cứu kinh tế chính trị vẫn còn chịu ảnh hưởng Hegel (kể cả những vấn đề kinh tế trong học thuyết Hegel), phân biệt với những nhà kinh tế cổ điển Anh, song nhận định về Marx như vậy phải chăng mâu thuẫn với chính lập trường của Marx đã đề ra trong Luận cương Feuerbach 11 (là đoạn tuyệt với một viễn tượng triết học chỉ đi giải thích thế giới, thay vì biến đổi nó). Mặt khác quan niệm Marx với những nghiên cứu thuần tuý kinh tế là xác định Marx đã dứt khoát với triết học để chọn lựa thuyết tất định kinh tế cũng mâu thuẫn với một Marx ngay trong đầu bài Tựa quyển I Tư bản (1867) đã viết "tác phẩm này là một công trình tiếp nối tác phẩm Góp phần phê phán kinh tế chính trị học xuất bản năm 1859" và cuối cùng ông khẳng định "hoan nghênh mọi ý kiến xây dựng trên tinh thần phê phán khoa học". Trên bình diện phê phán, Marx muốn chỉ ra sự sai lầm của những nhà kinh tế cổ điển khi quan niệm những quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa có giá trị phổ quát, trong khi thực ra mỗi chế độ kinh tế có những quy luật kinh tế riêng của nó. Cũng trong bài Tựa này ông còn xác định những cá nhân như nhà tư bản hay địa chủ chỉ là "những nhân cách hoá của những phạm trù kinh tế, thể hiện những quan hệ và lợi ích giai cấp đặc thù".

  Vấn đề đọc lại những tác phẩm kinh tế của Marx như bộ Tư bản với Louis Althusser và những người cộng sự (thường được coi là xu hướng cấu trúc luận trong những tác phẩm tập thể Lire le Capital của L. Althusser, J. Rancière, P. Macherey, E. Balibar, R. Establet, 1965) hay với Harry Cleaver trong Reading Capital politically, 1979, Antonio Negri và những bài giảng về tác phẩm Grundrisse Marx oltre Marx, 1978 đã chỉ ra những tranh luận theo nhiều chiều hướng khác biệt từ khi xuất hiện bộ Tư bản.

  Harry Cleaver trong sách dẫn trên đã phân tích ba chiều hướng khác biệt mà ông gọi là cách đọc bộ Tư bản về mặt kinh tế chính trị, triết học và chính trị:
 1. Đọc Tư bản về mặt kinh tế chính trị đã có một truyền thống lâu đời. Engels và những môn đệ đã giải thích Tư bản như một phân tích khoa học và xác thực nhất về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ trao đổi, phân phối dựa trên sự phân định cơ sở (kinh tế) với thượng tầng kiến trúc (luật pháp, chính trị). Những tranh luận của Bernstein, Rosa Luxemburg, Rudolf Hilferding, Bukharin, Fritz Sternberg chung quanh lý luận về sự khủng hoảng tư bản và sự hình thành chủ nghĩa đế quốc chỉ quan tâm về sự tích luỹ và phát triển của chủ nghĩa tư bản, độc lập với sự đóng góp sáng tạo của giai cấp công nhân. Những lý thuyết gia này chỉ nhìn thấy mặt phát triển vô chính phủ cũng như bản chất bóc lột của tư bản và không thấy trong tác phẩm Tư bản của Marx một lý luận về chính trị. Cleaver nhận định việc nghiên cứu Tư bản không còn được quan tâm đến sau Cách mạng 1917 ở Liên Xô vì chủ nghĩa Lênin tập trung vào việc củng cố quyền lực Đảng, và mục tiêu ý thức hệ của người cộng sản này tránh né đề cập đến mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những đồng dạng của hai hệ thống về tính cách đàn áp của nhà nước và đấu tranh của giai cấp công nhân. Những lãnh tụ cộng sản còn biến việc giải thích Marx thành một vũ khí chống lại giai cấp công nhân.
Một xu hướng Cleaver mệnh danh là "chủ nghĩa Keynes cộng sản" ở Liên Xô và các nước Cộng sản Đông Âu cũng như một số nhà kinh tế mác-xít phương tây như Kalecki, Joan Robinson, Paul Sweezy và Paul Baran đã đưa lý luận phát triển kinh tế của Keynes với những phương thức "tích luỹ tư bản", tăng lương như một động lực thúc đẩy kinh tế ứng dụng vào việc điều hành quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thậm chí còn có người loại bỏ lý luận lao động về giá trị của Marx.
 2. Truyền thống đọc Marx như một triết gia cũng lâu đời như coi Marx là một nhà kinh tế học, nhất là trào lưu làm sống lại việc nghiên cứu Marx vào những thập niên 60 và 70. Một xu hướng "chính thống" của những người Macxít cộng sản dựa trên "chủ nghĩa duy vật biện chứng" cũng bắt nguồn từ Engels với nhóm cấu trúc luận Althusser đã "đọc bộ Tư bản" theo chiều hướng lý giải câu nói của Marx trong bài Tựa lần xuất bản thứ hai là "biện chứng của Hegel đứng bằng đầu" và "phải đảo ngược lại nếu người ta muốn khám phá hạt nhân hợp lý trong cái vỏ huyền bí như thể biện chứng Hegel là một phương pháp (hạt nhân hợp lý) cần phải tách bỏ cái vỏ huyền bí (tức chủ nghĩa duy tâm Hegel) để áp dụng vào khuôn khổ của chủ nghĩa duy vật hình thành ra "chủ nghĩa duy vật biện chứng". Cleaver chỉ ra sự sai lầm của Engels và những môn đệ là đã tách rời biện chứng khỏi tư bản trong lý luận của Marx như vậy đã chối bỏ khả năng của giai cấp công nhân trong việc phá huỷ chủ nghĩa duy tâm tư bản. Một xu hướng khác của chủ nghĩa Mác phương tây với trường phái Frankfurt cũng chỉ dẫn đến phê phán hệ tư tưởng và coi nhẹ sự trưởng thành và phát triển quyền lực của giai cấp công nhân .
 3. Chiều hướng đọc Tư bản về mặt chính trị khởi từ nhận thức về những hạn chế của hai khuynh hướng trên, nhằm đưa ra một phân tích chiến lược về mô thức phát triển quyền lực của giai cấp công nhân theo H. Cleaver là "cơ sở có khả năng nhất để trả lời câu hỏi làm thế nào quyền lực này có thể gia tăng". Một phân tích như vậy đòi hỏi khởi sự đánh giá về những đấu tranh thực sự của giai cấp công nhân: nội dung những cuộc đấu tranh, làm thế nào có thể phát triển và đi về đâu. H. Cleaver dẫn ra khuynh hướng Johnson-Forest, nhóm mácxít tập trung quanh tạp chí Socialisme ou Barbarie(1944-1965) và nhóm tả phái mới ở Ý với những tổ chức như Potere Operaio, Il Manifesto và Lotta Continua, những nhà lý luận như Panzieri, Montaldi, Bologna, Tronti và A. Negri. Những tư tưởng mới này nhằm chỉ ra vai trò tự trị của cuộc đấu tranh công nhân trong lòng tư bản, nhấn mạnh đến sự đối lập giữa tư bản sử dụng giai cấp công nhân như một lực lượng lao động thuần tuý và sự đấu tranh công nhân tự khẳng định như một giai cấp tự tại độc lập, phá vỡ hệ thống tự tái sản xuất của tư bản. Chiều hướng này chú trọng đến lý luận về khủng hoảng của Marx, chỉ ra sự khủng hoảng tư bản chỉ có thể giải thích thông qua những quan hệ tiềm lực giai cấp, một bên sự đấu tranh của giai cấp công nhân áp đặt sự khủng hoảng trên tư bản, mặt khác tư bản nỗ lực biến cuộc khủng hoảng thành vũ khí chống lại giai cấp công nhân để tái lập quyền thống trị.

  H. Cleaver dẫn lời Marx để chỉ ra không những Marx quan niệm tư bản là một quan hệ xã hội về những giai cấp, ông còn minh thị trên bình diện giai cấp, những quan hệ kinh tế thực sự là những quan hệ chính trị:     
  "Mọi vận động trong đó giai cấp công nhân xuất hiện như một giai cấp chống lại những giai cấp thống trị và mưu toan kiềm chế chúng bằng áp lực từ bên ngoài là một vận động chính trị. Chẳng hạn nỗ lực trong một công nghiệp đặc biệt nhằm áp lực tư bản đình công đòi hỏi thâu ngắn ngày làm việc là một vận động thuần tuý kinh tế. Song vận động nhằm đưa ra luật đòi hỏi làm việc tám giờ một ngày là một vận động chính trị. Và theo đường lối này, ngoài những vận động kinh tế riêng biệt của công nhân còn có một vận động chính trị, có thể coi như một vận động giai cấp với mục tiêu hoàn tất những lợi ích trong một hình thái chung, trong một hình thức có sức mạnh xã hội thúc bách chung"(Thư cho Bolte ngày 23/11/1871).
  Tóm lại đọc Tư bản có tính cách chính trị chỉ ra hai giai đoạn:
 a. Mỗi phạm trù và quan hệ tương ứng với bản chất của đấu tranh giai cấp.
 b. Những phương thức chiến lược chính trị của giai cấp công nhân.
  H. Cleaver cho rằng mục tiêu nguyên thuỷ của Marx khi viết bộ Tư bản là nhằm tạo ra một vũ khí trao vào tay giai cấp công nhân, cho nên ông đã đưa ra một phân tích tỉ mỉ về những động lực cơ bản của cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với tư bản.
  Chiều hướng đọc Tư bản về mặt chính trị còn là một phản ứng chống lại chủ nghĩa Lênin, như lời Tựa của báo cáo State Capitalism and World Revolution trong Đại hội Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa năm 1950:
  "Những kết luận chính trị của phê phán kinh tế này có thể tóm lược vào việc phủ nhận toàn diện lý luận và thực tiễn của lý luận về Đảng tiền phong của Lênin trong thời đại chúng ta".
  Không phải chỉ riêng nhóm mácxít Ý và H. Cleaver, cả nhóm cấu trúc luận mácxít của Althusser cũng nhấn mạnh đến tính cách chính trị trong việc nghiên cứu lý luận Tư bản. Điều này chỉ ra rằng :
 - Tư bản là một tác phẩm kinh tế chính trị học có giá trị hạn chế về mặt kinh tế, không còn thích hợp với sự phát triển của xã hội và khoa kinh tế học.
 - Tư bản là một vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh của người cộng sản, có tác dụng về mặt chính trị vì tính cách hệ thống hóa phân tích và phê phán chủ nghĩa tư bản và xã hội tư bản chủ nghĩa.
  Hai luận điểm vừa nêu có thể bênh vực giá trị và sự tồn tại của Tư bản vì một lý giải kinh tế về lịch sử (ở chủ nghĩa Mác gắn liền với chủ nghĩa duy vật lịch sử) không hẳn là một lý luận kinh tế. Nhóm cấu trúc luận Althusser cũng đồng ý với điều này khi quan niệm Tư bản mở ra một con đường mới triệt để trong "bản chất sai biệt về đối tượng của nó" (nature différentielle de son objet). Họ quan niệm: Marx đã đưa ra một lý luận kinh tế mới/một đoạn tuyệt tri thức với những tác phẩm thời trẻ cũng như những lý luận kinh tế cổ điển – lý luận kinh tế mới xây dựng trên cơ sở nào?

  Phép biện chứng như Marx xác định "một phương pháp về mặt bản chất có tính cách phê phán và cách mạng" (Bạt Das Kapital lần xuất bản thứ hai,1873).

  Những phạm trù kinh tế có tính đối lập hai mặt: một lý luận lao động về giá trị (Arbeitswertlehre) chia ra giá trị sử dụng và giá trị trao đổi; tư bản cố định và tư bản lưu động; thời gian lao động gồm thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư; lao động cụ thể và lao động trừu tượng.

  Một viễn quan mácxít về toàn bộ xã hội dưới dạng một quá trình gồm những quan hệ, ở đây là những quan hệ sản xuất trên cơ sở kinh tế như một khán trường không có chủ thể (những quan hệ sản xuất ở đây không phải là những quan hệ nhân tính).
  Tuy hai xu hướng dẫn trên nhấn mạnh đến tính chính trị trong lý luận kinh tế của Marx song có khác biệt ở chỗ một đằng nhấn mạnh đến tác nhân chính trị là vận động của giai cấp công nhân, một đằng đề ra những cấu trúc tất định trong một toàn bộ phức hợp; một đằng chỉ ra sự liên tục giữa những tác phẩm kinh tế thời trẻ gắn liền với toàn bộ Tư bản, một đằng khởi từ viễn quan lịch sử, ở đó kinh tế là một quá trình những quan hệ phi chủ thể.

  Bộ Tư bản gồm ba quyển: quyển I nghiên cứu quá trình sản xuất tư bản (xuất bản năm 1867), quyển II bàn về lưu thông tư bản (Engels xuất bản năm 1885) và quyển III lý luận về tiến hóa của chế độ tư bản chủ nghĩa (Engels xuất bản năm 1894). Quả thật Marx đã tập trung phần đời còn lại của ông để nghiên cứu một vấn đề: cơ chế vận động của chủ nghĩa tư bản trong mấy ngàn trang sách, với tiểu đề phê phán khoa kinh tế chính trị học, cho nên tác phẩm của ông chứa đựng vô số những trích dẫn từ những tác phẩm kinh tế chính trị học khác trong chiều hướng phê phán. Phương pháp như Marx đã chỉ ra là phương pháp biện chứng, trang bị một vũ khí nhận thức luận mới mẻ để khai phá vấn đề tư bản.
  Tính biện chứng của bộ Tư bản có thể biểu hiện qua:
  Phân biệt bản chất với hiện tượng: đối tượng kinh tế xét về mặt động, biến đổi và hoạt động kinh tế của con người không phải dựa trên tiền lương nhưng chủ yếu là lao động.
  Tính đối lập giữa toàn thể và cục bộ: trong quyển II đã chỉ ra vận động của tư bản xã hội gồm toàn bộ nhửng vận động của các bộ phận, cho nên phải nhìn ra mỗi thành phần riêng biệt quan hệ của toàn thể như lợi nhuận của nhà tư bản tỷ lệ với phần đóng góp của toàn bộ tư bản xã hội, không phải chỉ dựa trên cấu trúc cơ hữu của tư bản trong chuyên ngành sản xuất của ông ta.

    Tính đối lập giữa cụ thể và trừu tượng: Marx xác định "cái cụ thể là cụ thể vì nó là kết tụ của nhiều tất định, nghĩa là sự thống nhất những mặt khác biệt", khi phát hiện ra tính hai mặt của lao động - "cái bản lề mà khoa kinh tế chính trị học xoay quanh" - chỉ có thể nghiên cứu mặt lao động trừu tượng trong quá trình sản xuất tư bản để xác định được tại sao có thể trao đổi hàng hoá ngang giá.

    Quan hệ giữa ý thức và quá trình lịch sử: khác với Hegel quan niệm lý tưởng là thế giới vật chất được phản ánh trong tinh thần con người diễn đạt thành những hình thái của tư tưởng, lý luận tư bản của Marx phản ánh những lợi ích của giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện từ sự quan sát hoàn cảnh biến đổi của công nhân. Phép biện chứng là ý thức của công nhân khi biết được thân phận của mình đối lập với xã hội tư sản, đã nhận thức ra toàn thể chức năng của xã hội này và toàn bộ lịch sử quá khứ như một quá trình của sự nổi dậy và giải quyết những mâu thuẫn.

  Những quy luật kinh tế Marx phát hiện được giả định như "quy luật tự nhiên" của lịch sử nghĩa là "không thể tránh được". Do đó khác với những nhà kinh tế cổ điển, Marx đã chỉ ra sự biến đổi của vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa tự nơi quy luật huỷ thể của huỷ thể để dẫn đến một nền kinh tế cao hơn: kinh tế xã hội chủ nghĩa.

  Khác với những nhà kinh tế cổ điển, Marx phát hiện ra bản chất của sự bóc lột trong vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở lý luận giá trị. Tuy nhiên, Marx vẫn kế thừa lý luận kinh tế của Ricardo về giá trị khi chú trọng đến tính hai mặt của lao động và hai hình thá6i của giá trị. Có sự khác biệt trong những khái niệm của Ricardo và Marx: Ricardo phân biệt tư bản nhất định và tư bản lưu thông, biểu hiện lượng thời gian trong quá trình sản xuất trong khi Marx phân biệt tư bản cố định (nguyên liệu, máy móc) với tư bản lưu động (tiền lương) biểu hiện rõ rệt sự đối lập giữa nhà tư bản với người lao động và Marx gọi tỷ số của tư bản cố định với tư bản lao động (c/v) là cấu trúc cơ hữu của tư bản. Quan niệm cơ bản Marx nhấn mạnh đến là người lao động không bán lao động, nhưng bán sức lao động (Arbeitskraft); điểm khác biệt nữa với Ricardo ở chỗ lao động không phải chỉ là mức đo lường giá trị, còn là nguồn gốc của giá trị (sự phân biệt này quan trọng ở chỗ khi quan niệm mọi vật trong kinh tế tư bản chủ nghĩa đều là hàng hóa, thậm chí sức lao động mang tính cách giá trị trao đổi cũng là hàng hóa, điều đó còn có nghĩa, người lao động không là gì khác hơn một hàng hóa trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa: "Điều biểu thị cho thời đại tư bản chủ nghĩa là sức lao động đòi hỏi người lao động cũng mang hình thái một hàng hóa"). Điều này chỉ ra một cách rõ ràng:
 - Marx sử dụng một khái niệm trừu tượng là sức lao động để giải thích vận động trao đổi hàng hóa trong lưu thông tư bản chủ nghĩa: vận động trao đổi không thể dựa trên giá trị sử dụng của mỗi vật, mà dựa trên giá trị trao đổi (vì mọi hàng hóa có một phẩm tính: sản vật của lao động và lao động này là lao động trừu tượng); giá trị trao đổi của một hàng hóa xác định bằng số lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất.
 - Khác với những chế độ sản xuất trước như chế độ sở hữu nô lệ hay phong kiến, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, người lao động làm việc được trả lương nên ngoài mặt (hiện tượng) có tự do, bán sức lao động cho người sở hữu tư liệu sản xuất, song thật sự (từ bản chất) ngoài phần giá trị trả cho người lao động để tồn tại, có một phần giá trị không được trả, Marx gọi là giá trị thặng dư (Mehrwert).
  Như vậy, một sản vật bao gồm ba yếu tố; tư bản cố định, tư bản lưu động và giá trị thặng dư (c, v và m).
  Marx gọi tỷ suất thặng dư:
      
       giá trị thặng dư   giá trị thặng dư
  m/v = ------------------ = --------------------
       tư bản lưu động   giá trị sức lao động
      lao động thặng dư   phần không được trả lương
     = --------------------  = ----------------------
      lao động cần thiết  phần trả cho người lao động     
           
Những tỷ lệ này biểu hiện cùng một quan hệ dưới những hình thái khác nhau. Tỷ suất trên còn được gọi là tỷ suất bóc lột "biểu hiện chính xác mức độ bóc lột sức lao động bởi tư bản hay bóc lột người lao động bởi nhà tư bản" (Das Kapital, Bd I). Marx phát hiện tỷ suất này là 100 %:
  Tỷ suất giá trị thặng dư hay tỷ suất bóc lột này được tính bằng giờ lao động sang tính toán bằng tiền qua thí dụ:
       
          6 giờ lao động thặng dư
     m/v = --------------------------                
          6 giờ lao động cần thiết
         giá trị thặng dư là 3 shillings
       = -----------------------------------

         tư bản lưu động là 3 shillings
       =  100%
Marx đưa ra công thức về khối lượng giá trị thặng dư:
     M = (m/v) x V
trong đó m : giá trị thặng dư tính theo lao động cá nhân
   v : sức lao động cá nhân
   V : tổng thể tư bản lưu động
còn được tính theo công thức:
     M = p x (a /a x n)
trong đó p : sức lao động trung bình
    a : lao động thặng dư
    a : lao động cần thiết
    n : số lượng lao động sử dụng    

Marx khẳng định trong sản xuất tư bản chủ nghĩa "sản xuất ra giá trị thặng dư hay tạo ra lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này" (Produktion von Mehrwert oder Plusmacherei ist das absolute Gesetz dieser Produktionsweise).
Tỷ suất lợi nhuận được tính bằng tỷ số của giá trị thặng dư với toàn thể tư bản sử dụng:
    r = m/(c + v).
  Khi phát hiện ra quan hệ bóc lột và lợi nhuận trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx phải giả định :
- Hàng hóa trao đổi theo giá trị lao động
- Tỷ số c/v phải bằng nhau trong mọi khu vực sản xuất.
Marx hiểu rằng trên thực tế, hàng hóa có thể bán theo giá cả không tương ứng với giá trị của nó, song ông lý luận giá trị thặng dư cũng như việc chuyển hóa từ tiền qua tư bản không tùy thuộc vào việc hàng hóa bán trên hay dưới giá trị của chúng:
  "Việc chuyển hóa từ tiền qua tư bản phải được giải thích trên cơ sở những quy luật điều hòa sự trao đổi hàng hóa, theo một cách nào đó mà khởi điểm là sự trao đổi ngang giá".
  Trong lý luận lao động về giá trị của Marx, phát hiện ra lợi nhuận phải dựa trên cơ sở lao động là bản chất của giá trị. Có quan niệm như vậy, Marx mới chỉ ra được mối quan hệ giữa lao động và tư bản, giữa công nhân và nhà tư bản, mối quan hệ chủ yếu trong sản xuất và lưu thông TBCN là mối quan hệ bóc lột, trong đó lợi nhuận không phải xuất phát từ giá cả tự nhiên, nhưng bắt nguồn từ sự bóc lột lao động. Tuy nhiên những tiền đề nêu trên cho thấy Marx chỉ có thể giải thích vận động sản xuất TBCN trên bình diện lý luận.
  Phát hiện thứ ba trong lý luận kinh tế của Marx là tích lũy tư bản. sản xuất tư bản chủ nghĩa theo Marx gồm có ba nhân tố:
 1. tách biệt tư bản với lao động
 2. nhà tư bản nắm độc quyền tư liệu sản xuất
 3. phân công lao động chia xã hội thành hai giai cấp rõ rệt:
một bên là tư bản sở hữu tư liệu sản xuất, một bên là giai cấp công nhân ngày càng đông đảo, bán sức lao động, đó là giai cấp vô sản.
  Giai cấp tư bản không phải là những con người tư bản đơn lẻ, nhà tư bản chỉ là tư bản được nhân cách hóa, linh hồn của ông ta là linh hồn tư bản. Song tư bản chỉ có một động lực sống đơn giản: đó là khuynh hướng tạo ra giá trị và thặng dư, làm thế nào để với nhân tố cố định (tư liệu sản xuất), nó thu hút được số lượng giá trị thặng dư lớn nhất. Marx ví Tư bản - một thứ lao động chết, như con đỉa chỉ sống nhờ hút lao động sống và nó càng sống dai khi nó hút được nhiều lao động.
  Biểu hiện này là cơ sở của lý luận tích lũy tư bản: nhà tư bản chính là tác nhân của sự tích lũy tư bản. Marx gọi tích lũy nguyên thủy của vận động kinh tế TBCN là lịch sử của tội nguyên tông kinh tế, bởi vì nhà tư bản chỉ tuân theo một nguyên động lực là tích lũy vì tích lũy, sản xuất vì sản xuất, khai thác bóc lột sức lao động của giai cấp vô sản. Ông mô tả hiện tượng đó như sau: "Từ tội nguyên tông này đánh dấu sự nghèo khổ của đại đa số quần chúng, bất chấp lao động của họ, chẳng còn gì ngoài việc bán sức lao động của mình và sự giàu có của một thiểu số gia tăng, mặc dầu từ lâu những kẻ này không còn lao động nữa".
  Marx vẽ lên hai hình ảnh: một bên, vô sản chỉ là một bộ máy sản xuất giá trị thặng dư và một bên, nhà tư bản chỉ là một bộ máy để tư bản hoá giá trị thặng dư này.
  Marx cũng chỉ ra mối quan hệ giữa lý luận về giá trị thặng dư và tích lũy tư bản: "Mọi phương pháp dùng để sản xuất giá trị thặng dư đồng thời cũng là những phương pháp tích lũy" và "mọi sự mở rộng tích lũy lại trở thành phương tiện cho sự phát triển những phương pháp này. Do đó tương ứng với tư bản tích lũy, số phận của người lao động dầu được trả lương cao hay thấp cũng trở nên tệ hơn. "
  Mục tiêu nghiên cứu tư bản của Marx không giống như những nhà kinh tế học đi trước là chỉ nghiên cứu thuần túy vận động của tư bản, áp dụng lý luận về giá trị vào việc tìm hiểu sự phân phối sản xuất quốc dân - Marx đưa lý luận này đến chỗ phát hiện ra bản chất của sự bóc lột trong một xã hội dự trên chiếm hữu tư nhân, tương ứng với quan điểm duy vật lịch sử của ông. Das Kapital góp phần cấu thành lý luận về lịch sử Ế nói như Althusser, Marx phát hiện ra "một khoa học về lịch sử".
  Có thể nói phát hiện thứ tư trong lý luận về tư bản của Marx là quy luật về sự bần cùng gia tăng, nó gắn liền với sự xuất hiện một đạo quân trừ bị công nghiệp trong xã hội, nghĩa là những người lao động thất nghiệp, sự tiêu diệt dần mòn những giai cấp giữa, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những khủng hoảng của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa. Marx viết: "Rốt cuộc tầng lớp cùng khổ của giai cấp công nhân và đạo quân trừ bị công nghiệp càng lớn thì hiện tượng bần cùng chính thức càng tăng. Đó là quy luật chung tuyệt đối của tích lũy tư bản" (Je grosser endlich die Lazarusschichte der Arbeiterklasse und die industrielle Reservearmee, desto grosser der offizielle Pauperismus. Dies ist das absolute, allgemeine Gesetz der kapitalistischen Akkumulation).
  Tuy nhiên, lý luận về sự bần cùng không có tính cực đoan tuyệt đối như một số người mácxít ở thế kỷ hai mươi này khẳng định. Nếu trong những tác phẩm thời trẻ như Lohnarbeit und Kapital (1849) hay Manifesto (1848), Marx quan niệm sự cùng khổ tới chỗ tuyệt đối, tiền lương của công nhân được ấn định sao theo một nguyên tắc ban phát cho họ mức sống tối thiểu thì ở trong những tác phẩm về sau, tư tưởng của ông có phần ôn hòa hơn, như trong Grundrisse (1857/58), giá trị lao động phần nào được xác định bởi những nhân tố văn hoá, đời sống công nhân có những nhu cầu gia tăng, và đến Das Kapital, Marx không chủ trương lý luận cùng khổ tuyệt đối mà phân tích những yếu tố:
 - toàn thể lương công nhân biến đổi theo tỷ lệ nghịch với sản lượng toàn dân.
 - lợi tức trung bình của công nhân thường trực biến giảm so với lợi tức của tư bản trung bình.
 - công nhân kiếm được một lợi tức giảm so với nhu cầu gia tăng.
  Marx còn phát hiện một quy luật khác là quy luật tỷsuất lợi nhuận giảm xuống mang tính mâu thuẫn nội tại phổ biến của sản xuất tư bản chủ nghĩa, kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản vì khoa học kỹ thuật tiến bộ, tổng thể tư bản cố định tăng, lao động thiết yếu để sản xuất cùng một số lượng sản phẩm giảm xuống, do đó tỷ số của tư bản lưu động đối với tư bản cố định cũng giảm kéo theo sự giảm tỷ suất lợi nhuận trung bình xuống.
  Tỷ suất lợi nhuận giảm là một trở ngại thường xuyên cho sự phát triển lực lượng lao động sản xuất. Đó là một trong những nhân tố xác định sự mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
  Những mâu thuẫn này được biểu hiện:           
  1. người lao động vừa là người mua hàng hóa (trên thị trường) đồng thời lại là người bán sức lao động để sản xuất ra hàng hóa (với mức lương tối thiểu, so với biến thiên của thị trường);                                   
  2. trong chế độ tư bản chủ nghĩa có những thời kỳ sản xuất thặng dư: việc bán hàng hóa, thực hiện tư bản hàng hóa và giá trị thặng dư bị hạn chế không những bởi yêu cầu tiêu thụ của xã hội nói chung nhưng còn do những yêu cầu tiêu thụ của một xã hội trong đó đại đa số luôn luôn nghèo khổ và phải chịu mức nghèo khổ như vậy.
  Trong quyển II bộ Tư bản, Marx ghi nhận: những cuộc khủng hoảng xảy ra ngay cả sau những thời kỳ phồn thịnh tương đối và tiền lương được tăng vì có sự mâu thuẫn giữa trình độ khoa học kỹ thuật và những điều kiện xã hội của tiến bộ kỹ thuật, giữa lực lượng sản xuất và hệ thống hoạt động của những lực lượng này. Thật vậy, ngay từ quyển I, Marx đã khẳng định: "Việc tập trung những tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động sau cùng đi tới chỗ chúng không thể phù hợp với lớp vỏ tư bản chủ nghĩa. Lớp vỏ này sẽ vỡ tung ra. Chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã rung hồi chuông báo tử. Những kẻ chiếm hữu bị chiếm đoạt". Marx còn chỉ ra trong quyển III hiện tượng của sản xuất càng mang tính cách xã hội hóa, chiếm hữu tư nhân những thành quả lao động cũng trở nên lỗi thời: mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất nói chung trong đó một bên, tư bản phát triển với một bên, quyền năng của những cá nhân tư bản trở thành không thể hòa giải được nữa, nó mang mầm mống giải quyết hoàn cảnh dưới dạng biến đổi những điều kiện sản xuất thành những điều kiện xã hội chung và toàn diện.
   Làm thế nào để vượt khỏi những mâu thuẫn này? Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những giai đoạn khủng hoảng dư thừa định kỳ, cho nên nó mang sẵn tính sản xuất vô chính phủ, với mục đích duy nhất là tăng giá trị trao đổi, nghĩa là chiếm hữu giá trị thặng dư được nhiều.
   Trong quyển III này, Marx nhận xét: "Tư liệu – phát triển vô điều kiện của những lực lượng sản xuất của xã hội - thường xuyên đối nghịch với mục tiêu giới hạn, sự tự phát
triển (Selbstverwertung) của tư bản hiện có". Điều này giải thích:
  - Mối quan hệ của lực lượng cấu thành khái niệm tư bản là trở ngại thực sự của sản xuất tư bản chủ nghĩa.
  - Lý luận tỷ suất lợi nhuận giảm xuống.
 Trong tất cả những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn cơ bản là sự đối nghịch giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã được đề ra trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (Zur Kritik der politischen Oekonomie,1859) thường được dẫn đến nhiều nhất, biểu hiện quan điểm duy vật lịch sử của Marx:
 "Trong sản xuất xã hội của đời sống con người đi vào những quan hệ sản xuất nhất định, thiết yếu, độc lập với ý chí của họ, những quan hệ sản xuất tương ứng với một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất vật chất. Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội - nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái đặc thù của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức con người quyết định sự hiện hữu của mình mà ngược lại, sự hiện hữu xã hội quyết định ý thức con người. Ở một giai đoạn phát triển nhất định, những lực lượng sản xuất vật chất trong xã hội đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có - hay diễn tả về mặt pháp lý - đó là mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu chúng đã hoạt động trước đó. Từ những hình thái phát triển những lực lượng sản xuất những quan hệ này trở thành những xiềng xích của chúng. Đó là khởi sự của thời đại cách mạng xã hội. " (In der gesellschaftlichen Produktion ihres Lebens gehen die Menschen bestimmte, notwendige, von ihrem Willen unabhangige Verhaltnisse ein, Produktionsverhaltnisse, die einer bestimmten Entwicklungsstufe ihrer materiellen Produktivkrafte entsprechen. Die Gesamtheit dieser Produktionsverhaltnisse bildet die oekonomische Struktur der Gesellschaft, die reale Basis, worauf sich ein juristischer und politischer Ueberbau erhebt, und welcher bestimmte gesellschaftliche Bewusstseinsformen entsprechen. Die Produktionsweise des materiellen Lebens bedingt den sozialen, politischen und geistigen Lebensprozess uberhaupt. Es ist nicht das Bewusstsein der Menschen, das ihr Sein, sondern umgekehrt ihr gesellschaftliches Sein, das ihr Bewusstsein bestimmt. Auf einer gewissen Stufe ihrer Entwicklung geraten die materiellen Produktivkrafte der Gesellschaft in Widerspruch mit den vorhandenen Produktionsverhaltnissen oder, was nur ein juristischer Ausdruck dafur ist, mit den Eigentumsverhaltnissen, innerhalb deren sie sich bisher bewegt hatten. Aus Entwicklungsformen der Produktivkrafte schlagen diese Verhaltnisse in Fesseln derselben um. Es tritt dann eine Epoche sozialer Revolution ein. )
  Tại sao lại dẫn đến cách mạng? Lý luận về đảo nghịch (Verkehrung) trong Tư bản đã dẫn nơi chương 3 chỉ ra quá trình khách thể hóa biểu hiện:
 a. Về mặt lao động, là quá trình mất quyền sở hữu.
 b. Về mặt tư bản, là quá trình chiếm đoạt lao động tha hoá.
  Quan hệ đảo nghịch này là một tất yếu lịch sử, một tất yếu cho sự phát triển những lực lượng sản xuất chỉ xuất phát từ một quan điểm lịch sử đặc thù tự khởi điểm, hay cơ sở, nhưng không hẳn là một tất yếu tuyệt đối của sản xuất. 
  Trong Những nguyên lý (Grundrisse) Marx ghi nhận đến cường điệu không dựa trên tình trạng khách thể hoá, nhưng ở tình trạng bị tha hoá, mất sở hữu, bị mại hoá (Der Ton wird gelegt nicht auf das Vergegenstandlichtsein, sondern das Emfremdet-Entaussert-Verausserertsein).
  Nó chỉ ra sản phẩm của lao động là sở hữu tha hoá, và giá trị cấu tạo thành quyền lực tha hoá, đối lập với lao động sống - có nghĩa là sự đối lập giữa lao động và tư bản. Cho nên quy luật về những khủng hoảng không phải chỉ dẫn đến sự suy sụp của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, còn phải gắn liền với quy luật đấu tranh giai cấp. Có như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Marx khoác cho giai cấp vô sản một sứ mạng lịch sử. Cái khác biệt và lớn lao của bộ Tư bản so với những tác phẩm kinh tế cổ điển như J. Schumpeter nhận xét là Marx đã đề ra mục tiêu vĩ đại: phá hủy nền kinh tế cũng như xã hội tư bản chủ nghĩa, đồng thời đề nghị một mô hình tổ chức xã hội mới.
  Trước khi qua vấn đề ý thức hệ của chủ nghĩa Mác, chúng ta hãy xét đến một số nhận định sơ khởi:
  Lý luận tha hóa liên kết với lý luận tư bản trong toàn bộ tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Chỉ có điều này mới giải thích được sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản như Marx quan niệm trong cuộc đấu tranh giai cấp.
  Toàn bộ lý luận về tư bản của Marx như hai mặt đối lập của giá trị lao động, giá trị thặng dư, quy luật về sự bần cùng gia tăng và quy luật tỷ suất lợi nhuận giảm xuống dựa trên cơ sở lý luận giá trị để chỉ ra mối quan hệ xã hội tư bản/vô sản.
  Phần lớn những phê phán chủ nghĩa Mác đều tập trung vào vấn đề: khả năng của giá trị thặng dư.
  Một bên, phái bênh vực Marx cho rằng sự phát hiện giá trị thặng dư chỉ ra tính cách bóc lột của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, khởi từ viễn quan kinh tế đó,vận động của giai cấp công nhân là một tất yếu lịch sử.
  Tuy nhiên, phái này cũng chỉ ra những mâu thuẫn chung quanh giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Chẳng hạn như Antonio Negri khi phân tích Những nguyên lý (Grundrisse) đã phủ nhận giai đoạn quá độ, bởi vì chủ nghĩa xã hội không thể khả hữu. Ông viết:
 "Chủ nghĩa Mác trong Những nguyên lý quả thật là sự tương phản của chủ nghĩa xã hội: khi chủ nghĩa xã hội ca ngợi sự tương đẳng và công lý của những quan hệ xã hội (xây dựng trên quy luật giá trị) thì chủ nghĩa Mác cũng đã chỉ ra quy luật giá trị và chủ nghĩa xã hội gắn bó với nhau. "
  Song không thể quan niệm giá trị mà không có sự bóc lột. Trong Những Nguyên Lý, Marx đã ý thức việc tích lũy tư bản của chủ nghĩa xã hội cũng không khác tích lũy tư bản chủ nghĩa cho nên "nếu một số nhà xã hội chủ trương chúng ta cần tư bản nhưng không cần những nhà tư bản là một điều sai lầm".
  A. Negri quan niệm chủ nghĩa cộng sản như vậy đồng thời vừa là sự triệt hủy quy luật giá trị, triệt hủy chính giá trị, triệt hủy những luận điểm khác nhau của chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cộng sản là sự triệt hủy bóc lột và giải phóng lao động sống. Liệu viễn tượng một chủ nghĩa cộng sản như vậy có thể khả hữu?
  Một bên, phái đả kích lý luận lao động về giá trị của Marx nêu ra những sai lầm của Marx như:
 - Lý luận giá trị không giải thích được hoạt động của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, vì giá trị không phải là một đơn vị đo lường, nghĩa là không thể định giá hàng hóa bằng đơn vị của thời gian lao động cần thiết.
 - Lý luận lao động chỉ ra được tính phi nhân hóa của sự vật trong một hệ thống kinh tế (quan niệm mọi sự vật đều có thể bán) gắn liền với lý luận tha hóa. Tuy nhiên sự phát triển và phân phối của cải xã hội không có quan hệ với lý luận coi lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị.
  Trong Tư bản Marx xác định lợi nhuận, địa tô, tiền lời đều là giá trị thặng dư. Trong Những Nguyên lý Marx cũng viết:"lợi nhuận không là gì hơn hình thức khác của giá trị thặng dư, một hình thức được khai triển hơn trong ý nghĩa của tư bản".
  Song giá trị thặng dư chỉ là một khái niệm lý luận, không đi vào thực tiễn. Nếu đem so sánh hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp, chẳng hạn ngành trồng bắp với ngành lọc dầu, áp dụng vào cấu trúc cơ hữu của tư bản, ta thấy nông nghiệp phải dùng một số lượng lớn lao động so với nguyên liệu, máy móc và dụng cụ, trong khi công nghiệp sử dụng lượng lao động rất ít so với tư bản cố định. Như vậy tỷ suất lợi nhuận sẽ rất nhỏ trong ngành lọc dầu và rất lớn trong nông nghiệp, nhà tư bản ắt phải đầu tư vào ngành trồng bắp để rút ra được một số lượng giá trị lao động thặng dư hơn. Song trên thực tế, nhà tư bản không quan tâm đến cái gọi là giá trị lao động thặng dư, ông chỉ quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận dựa trên vận động tư bản xuất nhập, mà tác nhân là giá cả hàng hóa.
  Trong Tư bản Marx giả định: tổng số lợi nhuận trong mọi khu vực sản xuất phải bằng toàn thể giá trị thặng dư và tổng số giá cả sản xuất của toàn thể sản vật xã hội phải bằng tổng số giá trị của nó. Những tiền đề này không có ý nghĩa vì một đằng, giá trị thặng dư được tính bằng đơn vị giờ lao động còn lợi nhuận tính bằng tiền; Marx đã không giải quyết được vấn nạn cơ bản trong kinh tế học cổ điển về giá cả tự nhiên.
  Lý luận về lao động của Marx cũng không giải thích hợp lý được những vấn nạn về lượng sức lao động vì không nhận ra sự khác biệt giữa công nhân có tay nghề với công nhân không có tay nghề, thế nào là một lao động sản xuất vì có nhiều hình thái lao động, sản xuất ra của cải vật chất hay không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất,lao động sinh ra tư bản và lao động sáng tạo ra những giá trị của những loại không tùy thuộc vào điều kiện xã hội.
  Một vấn nạn khác là Marx có đi đến chủ nghĩa tất định kinh tế?
  Trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học có một đoạn đã dẫn ở trên:
 "Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội Ế nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái nhất định của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định (bedingt) những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tri thức nói chung (uberhaupt). "
 Ý nghĩa của từ ngữ bedingt phải được hiểu theo thời đại Marx, mặt khác trong căn nguyên của nó chứa đựng ý nghĩa sự vật, nó xác định mối quan hệ với lý luận tha hóa của sự vật.
  Trong Misère de la philosophie, Marx viết ra để tranh luận với Proudhon vào năm 1847 có đoạn:"Khi đắc thủ những lực lượng sản xuất mới, con người thay đổi phương thức sản xuất và trong khi thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi đường lối kiếm sống, họ thay đổi toàn bộ quan hệ xã hội. Chiếc máy xay bằng tay đem lại xã hội với lãnh chúa phong kiến, chiếc máy xay bằng hơi nước đem lại xã hội với tư bản công nghiệp" (En acquérant de nouvelles forces productives, les hommes changent leur mode de production, et en changeant le mode de production, la manière de gagner leur vie, ils changent tous leurs rapports sociaux. Le moulin à bras vous donnera la société avec le suzerain, le moulin à vapeur, la société avec le capitalisme industriel). Điều này xác định khi cho một phương thức sản xuất nhất định sẽ có một kiến trúc thượng tầng nhất định về những quan hệ xã hội, đó là ý nghĩa của chủ nghĩa kinh tế kinh tế.
  Tuy nhiên, vai trò nhân tố kinh tế cũng được xác định như trong thư của Engels gửi Joseph Bloch (21 tháng 9 năm 1890): Theo quan niệm duy vật lịch sử, yếu tố quyết định tột cùng trong lịch sử là sản xuất và tái sản xuất của đời sống thực. Cả Marx lẫn tôi đều không xác quyết gì khác ngoài điều này. Vì thế nếu có ai bóp méo điều này bằng cách nói nhân tố kinh tế là nhân tố xác định duy nhất, người đó đã biến đổi mệnh đề này thành một câu nói vô nghĩa, trừu tượng, vô lý. Hoàn cảnh kinh tế là cơ sở, song những thành phần khác nhau của kiến trúc thượng tầng - những hình thái chính trị của đấu tranh giai cấp và những hậu quả tai hại của nó, những hiến chế rút ra từ giai cấp thắng lợi sau cuộc chiến thành công v. v. . những hình thái pháp chế, và ngay cả những phản ánh của mọi cuộc đấu tranh thực sự trong tinh thần của những người tham gia, những lý luận chính trị, pháp luật, triết lý, những quan điểm tôn giáo và những phát triển về sau thành những hệ thống giáo điều - cũng gây ảnh hưởng trong cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp xác định hình thái của chúng một cách đặc biệt. . . Chúng ta làm ra lịch sử, song trước hết, dưới những điều kiện và giả thiết nhất định, trong đó những điều kiện, giả thiết kinh tế có tính cách quyết định tối hậu.       
  Trong những tranh luận hiện đại, như Alvin Gouldner (The Two Marxisms, 1980) với Norman Levine (The Tragic Deception: Marx contra Engels, 1975) chỉ ra sự phân biệt chủ nghĩa tất định riêng phần với chủ nghĩa tất định phổ quát.
  Xét trên quan điểm tất định riêng phần, Marx phát hiện những quy luật sắt của kinh tế tư bản chủ nghĩa, điều đó có nghĩa là một xã hội nào tiến lên kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng phải kinh qua những khủng hoảng của phương thức sản xuất này, bao gồm những bóc lột, tất yếu dẫn đến cách mạng.
  Xét trên quan điểm tất định phổ quát, Marx phát hiện những quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử xã hội loài người nói chung. Trong đoạn dẫn trên từ Misère de la philosophie, Marx đã đưa ra nhân tố kinh tế - kỹ thuật xác định sự tiến hóa của những mô hình xã hội.
  Trong thư tín liên hệ đến cách mạng của nước Nga, Marx đã phải giải đáp những vấn đề về đường lối tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (có cần thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa?). Marx loại bỏ ý tưởng chủ nghĩa tư bản bắt buộc phải xuất hiện ở mọi nơi, song ông cũng quan niệm khi chủ nghĩa tư bản phát triển thì vận động xã hội không thể ra khỏi những quy luật sắt của nó. Trong một lời tựa cho Tuyên ngôn Cộng sản, Marx viết: Nếu cuộc cách mạng Nga trở thành tín hiệu cho cuộc cách mạng công nhân ở phương tây thì cuộc cách mạng này có thể hỗ trợ cho cuộc cách mạng kia, và hình thái hiện tại của sở hữu đất đai ở nước Nga có thể là khởi điểm cho aự phát triển cộng sản (dann kann das heutige russische Gemeineigentum zum Ausgangspunk einer kommunistichen Entwicklung dienen). Điều đó được coi như một tiền đề để cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có khả năng ở một nước nông nghiệp, không thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để làm cách mạng xã hội. Chính ở điểm này, một số học giả cho rằng Marx khác Engels về chủ trương tất định thuyết, tuy nhiên xét trên toàn bộ, Marx cũng không đưa ra một dự kiến nào về hình thái thực hiện cách mạng ngoài ý kiến vào cuối đời để trả lời câu hỏi của Vera Sassoutlich về nước Nga.
  Nếu Engels trong thư gửi Bloch dẫn trên nhìn nhận là ông và Marx đã gây ra một định kiến cho những người theo họ qua quan niệm nhân tố kinh tế như một nhân tố duy nhất quyết định, điều đó vẫn không ngăn được cả một thế hệ những người mác xít kế tiếp trong Đệ Nhị Quốc Tế đặt tất cả trọng tâm vào việc nghiên cứu kinh tế. Những tác phẩm chính của Kautsky (Lý luận kinh tế của Marx, 1887), Rosa Luxemburg (Tích lũy tư bản, 1912), R. Hilferding (Tư bản tài chính, 1910), Lenin (Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, 1899) chỉ ra một điều: những người mác xít ở giai đoạn này đi theo con đường tất định kinh tế mà họ coi là cơ sở của chủ nghĩa Mác khoa học. Tuy nhiên, những công trình đóng góp này vào học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác cũng vẫn giới hạn ở bình diện phê phán chủ nghĩa tư bản như Marx đã thực hiện, không đưa ra được những nguyên tắc xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa khi cách mạng xã hội thành công.
  Những mâu thuẫn giữa tính tất định và lịch sử đã khiến những dự kiến trong bộ Tư bản của Marx không còn giá trị về mặt khoa học. Chiều hướng đọc Das Kapital về mặt chính trị nhấn mạnh đến vai trò của giai cấp công nhân và đấu tranh giai cấp nhằm chỉ ra sự tồn tại của lý luận tư bản nơi Marx là một lý luận kinh tế chính trị. Luận điểm này có thể giải thích khả năng của "cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể xảy ra ở một nước", khả năng của cách mạng ở những nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, luận điểm này phải xây dựng trên cơ sở lý luận giá trị và điều đó diễn ra trong vòng luẩn quẩn không thể giải quyết. Những vấn đề mới đặt ra trong vận động kinh tế-xã hội (cách mạng không xảy đến ở những nước tư bản công nghiệp tiên tiến, xã hội hóa tư liệu sản xuất không xóa bỏ được quan hệ chủ/tớ và guồng máy bàn giấy, biến đổi ý thức hệ của các giai tầng lao động v. v..) là những điều Marx không thấy, cũng như không thấy khả năng tiến hóa của xã hội vượt khỏi những dự kiến ban đầu của Marx.



Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Lý luận tha hóa và tư bản là hai mặt của chủ nghĩa Mác, vừa đối lập lại vừa thống nhất vì nó chỉ ra: một mặt, chủ nghĩa Mác mang tính nhân bản (như một số học giả gọi là chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người - socialism with a human face), mặt khác, nó lại mang tính khoa học (trong từ ngữ mác- xít, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học). Tuy nhiên, nếu toàn bộ học thuyết Mác chỉ tập trung ở những lý luận này, Marx chỉ có thế giá của một triết gia hoặc một kinh tế gia thuần túy của thế kỷ XIX, không mang hình ảnh của một nhà lý luận tiền phong cách mạng đã khai sinh ra hệ tư tưởng cộng sản nhằm biến đổi thế giới và xây dựng xã hội mới. Hệ tư tưởng ấy trở thành cơ sở của một thực tiễn cách mạng dưới những dạng biến thái khác nhau hiện đại. Cho nên lý luận về ý thức hệ là một mặt chủ yếu khác của chủ nghĩa Mác, kết hợp tư tưởng Marx và Engels đồng thời chỉ ra sự đóng góp chuyển hướng của Engels vào chủ nghĩa cộng sản thời kỳ sau Marx. Mặt khác, hệ tư tưởng ấy còn là đầu mối của sự phân hóa thế giới hiện đại.

 Trước hết, Marx đã đưa ra một học thuyết về lịch sử, nói như L.Althusser, một khoa học lịch sử với tầm vóc quan trọng như những cuộc cách mạng tri thức nhân loại cổ đại với Platon và Galilée. Cơ sở đó thường được gọi là chủ nghĩa duy vật lịch sử.Lý giải vận động của lịch sử theo quan niệm duy vật ở Marx đã liên hệ những vấn đề:
  - Sự tha hóa của con người hiện đại.
  - Tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
  - Thực tại xã hội và ý thức.
  - Quá trình tiến hóa của lịch sử.
  - Giai cấp và đấu tranh giai cấp.
  - Những chức năng của nhà nước và quá trình thủ tiêu nhà nước.
  - Cách mạng và sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản.
  Tìm hiểu cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và những động lực của quá trình lịch sử nơi Marx cũng chỉ ra sự thống nhất giữa những giai đoạn của tiến trình hình thành tư tưởng từ:
  - giai đoạn 1 với Hệ tư tưởng Đức và Gia đình thần thánh
  - giai đoạn 2 với Tuyên ngôn của đảng cộng sản
  - qua giai đoạn 3 với Tư bản và Phê phán đề cương Gotha
  Có nhìn thấy sự liên tục của tiến trình tư tưởng Marx mới nhận ra những điểm tồn tại và những điểm lỗi thời của chủ nghĩa Mác, cũng như những chiều hướng khác nhau của các trào lưu mác xít hiện đại. Những nhà triết họa Đông Âu ở Ba Lan như Leszek Kolakowski, ở Nam Tư với nhóm Praxis đã nỗ lực khai thác mặt nhân bản của chủ nghĩa Mác, và chính ở phương diện này, quan điểm về lịch sử của Marx mang tính cách nhân bản hơn hẳn như một triết gia phương Tây, M.Heidegger nhận định: Marx qua kinh nghiệm về tha hóa của con người hiện đại đã nhận thức được chiều hướng cơ bản của lịch sử, nên quan điểm lịch sử mác xít hơn hẳn mọi quan điểm khác (Brief uber den Humanismus).

  Heidegger nêu ra một điều trong đoạn kế tiếp mà ít người lưu ý: "Nhưng kể cả Husserl - và đến nay như tôi thấy - lẫn Sartre đều không nhận ra sự quan trọng chủ yếu của tính lịch sử trong Hữu thể cũng như cả hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh không đi vào chiều hướng này, ngõ hầu trước tiên có thể đối thoại hữu ích với chủ nghĩa Mác".

  Thư luận về chủ nghĩa nhân bản được viết từ năm 1947, khi thế chiến thứ hai vừa kết thúc, thế giới phân hóa rõ rệt thành hai khối, những khủng hoảng trầm trọng của thời hậu chiến khiến con người hoang mang về thân phận con người, vấn đề con người bị tha hóa trong một thế giới đổ vỡ được đề ra. Những cuộc chiến cục bộ trong những thập niên kế tiếp đánh dấu những tiến trình lịch sử như giải phóng dân tộc, kháng chiến giải thực, chiến tranh ý thức hệ. Tình trạng căng thẳng giữa hai khối qua cuộc chiến tranh lạnh thể hiện qua chủ nghĩa Mc Carthy ở Mỹ và chủ trương thách đố "ai thắng ai? (kvo kto?) của cộng sản. Trong thời đại này, ba trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức phương Tây là hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Mác. Nhận định của Heidegger quả khác thường ở chỗ đã khai phá một chiều hướng mới:
  - Trước đó trong sinh hoạt tư tưởng đại học, người ta đánh giá thấp chủ nghĩa Mác. Cho nên Heidegger viết tiếp: "Để cho cuộc đối thoại như vậy khả hữu, chắc chắn thiết yếu cần phải từ bỏ những khái niệm ngây thơ về chủ nghĩa duy vật cũng như những phủ nhận rẻ tiền chống lại nó. Bản chất của chủ nghĩa duy vật không dựa trên lập luận là mọi sự đơn giản chỉ là vật chất mà dựa vào một xác định siêu hình, theo đó mọi hữu thể xuất hiện như một chất liệu của lao động".Ở một đoạn khác, ông còn nói rõ: "Những ai chỉ coi chủ nghĩa cộng sản như một đảng hay một thế giới quan (Weltanschauung) thì đã suy nghĩ quá thấp kém".
  - Những môn đệ của Heidegger từ Karl Lowith, Herbert Marcuse đến Kostas Axelos, Jurgen Habermas đã đi vào con đường khai phá cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác theo chiều hướng lịch sử như Heidegger đã chỉ ra. Những nhà triết học chịu ảnh hưởng của ông như Sartre và Merleau-Ponty cũng đã nỗ lực tìm ra cái khả hữu của một cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác trong những tác phẩm về sau.
  - Bản chất tha hóa của con người không phải tìm lại giá trị của một chủ nghĩa nhân bản cố hữu. Heidegger đã chỉ ra nơi Marx tính nhân bản của con người (der menschliche Mensch) tìm thấy nơi xã hội, cho nên chủ nghĩa nhân bản của Marx không tất yếu phải bắt nguồn từ quan niệm cổ đại (Marx đã viết: chủ nghĩa nhân bản phát triển toàn diện cũng là chủ nghĩa tự nhiên).

  Nhà triết học Nam Tư Ivan Urbancic cũng đã nhìn ra nhận định của Heidegger, tuy nhiên ông xét về mặt phê phán tính đạo đức trong tư tưởng Marx - sự khác biệt giữa cơ sở triết học từ Descartes đến Husserl dựa trên sự tự quyết tuyệt đối của ý thức đối với ý thức dựa trên cơ sở xã hội nơi Marx.

  Tại sao lại đặt vấn đề khả hữu của một cuộc đối thoại với chủ nghĩa Marx? Đối thoại có nghĩa là đương đầu ở vị thế đối diện, nhưng trên một bình diện toàn thể, nơi Heidegger chỉ ra là bình diện hữu thể lịch sử, nói theo ngôn ngữ mác xít là một lý giải lịch sử, có nghĩa là một chủ nghĩa duy vật lịch sử.

  Chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng là hai bộ phận trong triết học mác xít thật ra chỉ được quan niệm trong thời đại Lênin và Stalin nắm chính quyền, đề ra một thứ "triết học chính thống" của chủ nghĩa Mác. Một quan niệm như vậy nhằm chỉ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng được áp dụng vào lĩnh vực sinh hoạt xã hội của con người. Sự phân biệt đó gây ra những lưỡng luận:
  - một đằng là nhận thức luận, một đằng là xã hội học.
  - một đằng là khoa học, một đằng là triết học.
  - một đằng là tri thức, một đằng là thực tiễn.
  Marx không bận tâm với những lưỡng luận này. Trong sinh hoạt trí thức của thời đại ông, các khoa học tập trung vào việc nghiên cứu con người qua những hiện tượng sống, nói và lao động. Đó là phát triển của khoa ngữ học, sinh học và kinh tế học. Cho nên khi tán dương Marx, Engels đã so sánh Marx với Darwin: "Nếu như Darwin đã khám phá ra những quy luật phát triển bản chất hữu cơ thì Marx cũng khám phá ra quy luật phát triển của lịch sử loài người".
  Trong tập sách nhỏ bàn về Sự vận động của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, Engels đề cao Marx đã phát hiện ra hai khám phá lớn: quan niệm duy vật về lịch sử và sự khám phá ra bí mật cuả sản xuất tư bản chủ nghĩa nhờ vào giá trị thặng dư.
   Chủ nghĩa duy vật lịch sử hay quan niệm duy vật về lịch sử như Engels xác định là "quan điểm về tiến trình lịch sử, tìm kiếm nguyên nhân tận cùng và quyền lực biến chuyển lớn lao của mọi biến cố lịch sử quan trọng trong sự phát triển kinh tế của xã hội, trong những biến chuyển về phương thức sản xuất và trao đổi, trong sự phân chia xã hội thành những giai cấp phân biệt và trong những cuộc đấu tranh giai cấp liên hệ".

   Engels giải thích rõ ràng hơn trong tác phẩm dẫn trên, để chỉ ra cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử:
  "Quan niệm duy vật lịch sử khởi từ luận điểm cho rằng sản xuất và kế tiếp sản xuất, là sự trao đổi những sản vật, là cơ sở của toàn thể cấu trúc xã hội, và trong mọi xã hội đã xuất hiện trong lịch sử, sự phân bố những sản vật và cùng với nó, sự điều hợp xã hội thành những giai cấp hay những trật tự thì phụ thuộc vào cái gì được sản xuất ra, phương thức sản xuất cũng như trao đổi sản vật. Vì thế, không phải trong đầu óc con người, hay trong nhận thức phát triển của chân lý và công bằng vĩnh cửu mà trong biến đổi của phương thức sản xuất và trao đổi cần phải tìm hiểu nguyên nhân tột cùng của mọi biến đổi xã hội và cách mạng chính trị, cần phải tìm kiếm những nguyên nhân này không phải trong triết học , nhưng trong kinh tế học của mỗi thời đại".  

     Về phần Marx, quan điểm của ông được chỉ ra trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học:
  "Những quan hệ sản xuất tương ứng với một giai đoạn đặc thù phát triển những lực lượng sản xuất vật chất. Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội - nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái đặc thù của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tri thức nói chung.Không phải ý thức con người quyết định sự hiện hữu của mình mà ngược lại, sự hiện hữu xã hội quyết định ý thức con người".

  Những đối lập cơ bản mang tính biện chứng là: cơ sở (Unterbau) và kiến trúc thượng tầng (Oberbau); lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
  Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã xác định:
  Một khoa học duy nhất: khoa học lịch sử.
  Lịch sử có thể xét ở hai mặt và chia ra: lịch sử về tự nhiên, lịch sử về con người (hỗ trợ lẫn nhau).
  Quan điểm duy vật lịch sử được khẳng định rõ rệt về mặt triết học như sau: "Đối lập với triết học Đức từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta đi từ mặt đất lên trời. Nói cách khác, chúng ta không thể khởi từ những gì con người nói, suy nghĩ, tưởng tượng, biểu tượng về con người để dẫn đến những con người thực; chúng ta khởi từ những con người thực sự hoạt động và chính bởi quá trình sống thực, chúng ta có thể biểu tượng sự phát triển những phản ánh hệ tư tưởng và những tiếng vọng hệ tư tưởng của quá trình sống này..Không phải ý thức xác định đời sống, nhưng chính đời sống xác định ý thức/Nicht das Bewusstsein bestimmt das Leben, sondern das Leben bestimmt das Bewusstsein".
  Những nét cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử có thể chỉ ra như sau:

  a.Tính biện chứng: Quan điểm lịch sử của Marx phản ánh tư duy biện chứng có nghĩa là nắm vững vận động lịch sử, trong đó "mọi hình thái bề ngoài có tính cách tĩnh chỉ là những sản phẩm lịch sử và quá độ" - tất cả những gì hiện hữu chỉ là sản phẩm của một sinh thành, một vận động liên tục gia tăng những lực lượng sản xuất. Trong lời bạt của Das Kapital lần xuất bản thứ hai, Marx khẳng định biện chứng "chủ yếu mang tính phê phán và cách mạng" bởi vì về mặt thuần lý, phép biện chứng là một đe dọa cho những giai cấp thống trị, trong vận động nó luôn luôn mang theo sự phá hủy tất yếu.
  (Đối với những người mác xít về sau, phép biện chứng lại mang tính cách huyền bí vì luôn luôn họ dựa trên tiêu đề này để phủ nhận những phê phán về sự vật hiện hữu bất biến trong ý thức hệ mác xít - nói như Marx, phép biện chứng trở thành một thời thượng để ca ngợi những thành quả hiện hữu trong chủ nghĩa Marx).

  b.Tính duy vật: Trong luận cương về Feuerbach, Marx đã chỉ rõ quan điểm duy vật là xã hội loài người, thực tại cảm thụ là một sinh hoạt của con người mang tính thực tiễn: Sự trùng hợp giữa thay đổi hoàn cảnh và sinh hoạt con người hay biến đổi tự thân chỉ có thể quan niệm và hiểu được một cách thuần lý như là thực tiễn cách mạng (Das Zusammenfallen des Anderns der Umstande und der menschlichen Tatigkeit oder Selbstveranderung kann nur als revolutionare Praxis gefasst und rationell verstanden werden).

  c.Đấu tranh giai cấp: Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx và Engels đã đưa ra một khẳng định ngay ở phần đầu:"Lịch sử của mọi xã hội hiện hữu đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp". Những nhà xã hội trước Marx như Bazard, Considérant, Karl Grun đã nhận thức điều này, song Marx và Engels phân biệt với những người tiên khu ở quan niệm biện chứng về phủ định tính cách mạng được thể hiện nơi giai cấp bị bóc lột.Kautsky cho rằng Marx là người đầu tiên đã coi đấu tranh giai cấp như nguồn động lực của lịch sử - song điểm quan trọng chủ yếu là Marx nhận ra nơi giai cấp bị bóc lột, "mặt xấu của xã hội" đã làm ra vận động lịch sử - và điểm hấp dẫn của chủ nghĩa Marx là đã khoác cho giai cấp bị bóc lột - "giai cấp vô sản" - lần đầu tiên trong lịch sử loài người nhiệm vụ khởi cuộc vận động để giải phóng xã hội con người, mà những giai cấp bị bóc lột trong các xã hội có mâu thuẫn đối kháng trước đó không thực hiện được.

   d.Cách mạng: Sự phân chia giai cấp trong lịch sử đã dẫn đến những cuộc tương tranh chí tử Ế những nhà xã hội trước Marx cũng nhận thức điều này - song Marx là người tiền phong khẳng định cuộc đấu tranh này một mặt dẫn đến sự biến chuyển cách mạng toàn xã hội, mặt khác đồng thời thủ tiêu cả hai giai cấp đối kháng, vận động này thực sự chỉ diễn ra trong xã hội công nghiệp hiện đại. Đó là cơ sở của một quan niệm duy vật lịch sử, trước hết nhận thức sự cáo chung của thời tiền sử.
  Trên đây tôi đã phác họa bốn đặc tính cơ bản quan điểm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác.Điều này còn chỉ ra: Sự khác biệt về chủ nghĩa Mác và "những nhà xã hội không tưởng" ở chỗ đấu tranh giai cấp là động lực của xã hội, tất yếu phải dẫn đến cách mạng xã hội, theo như nguyên tắc của Marx "không phải phê phán nhưng cách mạng mới chính là động lực của lịch sử" - mặt khác sự nhất trí giữa Marx và Engels về vận động lịch sử.
  Chủ nghĩa duy vật lịch sử khởi từ một số tiên đề:
  - Quan niệm lịch sử vận động theo chiều tiến hóa, được khẳng định như một quy luật tiến bộ.
  - Quá trình biện chứng của vận động tự nhiên và xã hội theo những quy luật nội tại.
  Chủ nghĩa duy vật đề ra một bức tranh xã hội trong đó:
  - Quan niệm xã hội luôn luôn bao gồm hai thế lực đối lập: người tự do và nô lệ, quí tộc và bình dân, lãnh chúa và nông nô, chủ phường và thợ, tư sản và vô sản.
  - Quan niệm xã hội theo năm hình thái sản xuất: phương thức sản xuất châu Á, cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa.
  Trong lời bạt của bộ Tư bản, Marx xác định quan điểm về "sự hình thành kinh tế của xã hội là một quá trình của lịch sử tự nhiên". Cách mạng xã hội diễn ra sự thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội. Marx viết:"Ở một giai đoạn phát triển nhất định, những lực lượng sản xuất vật chất trong xã hội đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có - hay diễn tả về mặt pháp lý, đó là mâu thuẫn của những quan hệ sở hữu chúng đã hoạt động trước đó".
   Khi nghiên cứu vận động kinh tế của xã hội tư bản, Marx chỉ ra xã hội này mâu thuẫn với sự phát triển của những lực lượng sản xuất.
   Mặt khác, tiến bộ kỹ thuật dẫn đến sự phá hủy xã hội tư bản và chế độ tư hữu.
   Marx và Engels trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản đã chỉ ra nhiệm vụ của giai cấp vô sản là chỉ tự mình giải phóng đồng thời giải phóng toàn bộ xã hội. Tự do về mặt chính trị phải gắn bó khăng khít với giải phóng kinh tế.
  Quá trình vận động kinh tế - xã hội xác định chủ nghĩa xã hội là thành quả tất yếu của những quy luật lịch sử và mang theo những đặc tính:
 - Thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân về những tư liệu sản xuất.
 - Từ nền kinh tế vô chính phủ dẫn đến một nền kinh tế có kế hoạch.
 - Thủ tiêu sự phân chia giai cấp và đối kháng xã hội.  
 - Xóa bỏ nhà nước và những phân biệt về thành thị và nông thôn.
 - Quyền lực chính trị thay thế bằng quản lý kinh tế.
  Chủ nghĩa Mác sở dĩ có ưu thắng với những "chủ nghĩa xã hội không tưởng" khác ở chỗ khám phá và đề cao tuyệt đối vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, khi quan niệm:
 - Giai cấp vô sản là một giai cấp phổ quát, như Marx nhận định "bởi vì giai cấp này mang một đặc tính phổ quát do sự phổ quát của những gánh chịu đau khổ mà không dựa trên những quyền lợi đặc thù nào, vì sự bất công nó gánh chịu không phải là cái riêng mà là cái chung".
 - Giai cấp vô sản ý thức những nhu cầu đòi hỏi tiến bộ.
 - Giai cấp vô sản tái lập tính phổ quát của xã hội loài người.
 - Giai cấp vô sản xóa bỏ những nguồn gốc đối kháng xã hội, và trước hết giương cao ngọn cờ cách mạng như khẩu hiệu đề ra trong Tuyên ngôn "Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại"(Proletarier aller Lander, vereinigt Euch!).
  Khám phá tác nhân của động lực lịch sử để biến đổi thế giới và giải phóng xã hội là giai cấp vô sản và chủ trương cách mạng bạo động. Tuyên ngôn của đảng cộng sản trở thành một văn kiện hấp dẫn những phong trào xã hội sau này.
  Sự tồn tại của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi trước hết như một ý thức hệ, nó chủ động tư tưởng trong xã hội đảng cộng sản thống trị và đề xuất những cuộc chiến bạo động mệnh danh chiến tranh ý thức hệ.
  Song, thế nào là ý thức hệ? Ở Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels nói đến "ý thức hệ" theo một nghĩa xấu - nó đồng nghĩa với "ngụy thức"(falsches Bewusstsein). Theo Engels,"ý thức hệ là một quá trình do một người được gọi là nhà tư tưởng hoàn tất một cách có ý thức, nhưng thật ra là ngụy thức".Người mác xít thường đối lập "ý thức hệ" cũng như "không tưởng" với "khoa học". Tuy nhiên, trong thuật ngữ mác xít, nhiều từ có tính hàm hồ, khi thì mang nghĩa xấu, khi lại có giá trị quan trọng, và "ý thức hệ" là một trong thuật ngữ đó. Ở thời đại của Lenin và Stalin, hai hệ tư tưởng đối lập nhau rõ rệt là ý thức hệ tư sản và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.Mặc dầu nói đến ý thức hệ, người ta thường nghĩ đó là vấn đề của chủ nghĩa Mác, nhưng thật sự ý thức hệ là một thuật ngữ trong thời kỳ cách mạng Pháp do Destutt de Tracy đề ra để chỉ "môn khoa học về ý tưởng"(science des idées) nghiên cứu nguồn gốc và những quy luật phát triển của tư tưởng (từ ngữ "những nhà tư tưởng/idéologues) để chỉ những học giả như de Tracy, Cabanis, Volney, Dauron trong truyền thống nhóm Bách khoa Pháp, mặt khác Napoléon dùng từ ngữ này để chế nhạo những nhà lập thuyết chống đối lại đế chế chuyên chính của ông.Marx cũng sử dụng thuật ngữ này để chỉ Feuerbach và những môn đệ Hegel khuynh tả như Bruno Bauer, Max Stirner.Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã viết:
Chúng ta phải nghiên cứu khoa học về con người, bởi vì hầu như toàn bộ hệ tư tưởng nhằm đưa ra một quan niệm bị xuyên tạc về lịch sử con người, hoặc dẫn đến một sự trừu tượng toàn diện khởi từ quan niệm ấy. Chính ý thức hệ là một mặt của lịch sử này.
  Một khái niệm về ý thức hệ có thể bắt nguồn sâu xa từ trước chủ nghĩa Mác, trong truyền thống triết học Platon phân biệt tư duy (doxa) với tri thức thực (epistémè), trong những thuyết duy nghiệm với Bacon, Condillac và Holbach khi quan niệm tư kiến (idola) xác định bởi môi trường xã hội. Hans Barth trong tác phẩm Wahrheit und Ideologie đã chỉ ra "ý thức hệ như vậy không những chỉ có một ý nghĩa lý luận, nhưng ngay từ khởi thủy đã có một ý nghĩa thực tiễn, chính nó đã chuyên chở nền tảng của những khoa học chính trị, đạo đức và giáo dục"(Die Ideologie besitz aber nicht nur eine theoretische, sie hat von allem Anfang an eine praktische Bedeutung; denn sie allein vermittelt die tragfahige Grundlage der politischen, moralischen und padagogischen Wissenschaften).
  Cho nên trong chủ nghĩa Mác, vấn đề ý thức hệ có hai mặt:
 1.Ý thức hệ là toàn bộ thượng tầng kiến trúc, những mặt sinh hoạt về tư tưởng, tuy nhiên con người không ý thức được mối quan hệ giữa tư tưởng của con người với những điều kiện sống.Những nhà ý thức hệ đã đi vào con đường sai lầm khi quan niệm những ảnh hưởng của luận lý và tri thức ảnh hưởng quá trình vận động tinh thần mà không biết đến những động lực vật chất điều khiển chúng.
 2.Ý thức hệ bao gồm mọi hình thái ý thức xã hội quan hệ tới đời sống xã hội; việc nghiên cứu ý thức hệ nhằm khai thác những xung đột và cấu trúc xã hội đứng từ vị thế tri thức, phụ thuộc vào những hoàn cảnh xã hội xác định chúng. Phê phán của Marx và Engels về những nhà ý thức hệ Đức khởi từ chỗ, trong khi những nhà tư tưởng này cho rằng nhân loại bị chi phối bởi những tư tưởng giả trá và sức mạnh của triết học là phát hiện và triệt hủy những giả tưởng này trong một cuộc cách mạng tư tưởng xã hội, thì Marx và Engels chỉ ra những tư tưởng ấy bắt nguồn từ những điều kiện xã hội.

  Mối quan hệ giữa ý thức là một hữu thể ý thức được xác định bởi thực thể xã hội phải được hiểu theo quan niệm duy vật lịch sử về ý thức hệ là một quan niệm toàn diện; điều đó còn có nghĩa chính những điều kiện của chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng phải được áp dụng vào chính bản thân của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

   Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx được hình thành và phát triển trong những điều kiện nhất định của thời đại. Chủ nghĩa ấy chỉ ra một ý thức hệ làm đầu não chỉ đạo cho một lực lượng tiến hành cuộc cách mạng xã hội mệnh danh là cuộc cách mạng của giai cấp công nhân, dưới quyền điều động của một đảng tiền phong. Những khái niệm về đảng, giai cấp, chuyên chính vô sản chỉ được đặt ra từ chủ nghĩa Mác và chứa đựng những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa Mác.

  Trong Phê phán kinh tế chính trị học, Marx viết:"khi nói về sản xuất luôn luôn có nghĩa là nói về một giai đoạn đặc thù của phát triển xã hội". Những nghiên cứu kinh tế chính trị của Marx đều tập trung vào một xã hội: xã hội tư bản chủ nghĩa.Phân tích quá trình vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa và sản xuất tư bản chủ nghĩa, không những Marx phát hiện những quy luật kinh tế riêng của xã hội tư bản chủ nghĩa, ông còn đưa ra những dự kiến về sự phát triển của lịch sử - những quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

  Qua những tác phẩm của Marx, những dự kiến của một "chủ nghĩa xã hội khoa học" đã được phác thảo ngay từ những tác phẩm thời trẻ, trong Bản thảo kinh tế chính trị 1844, Hệ tư tưởng Đức và Tuyên ngôn của đảng cộng sản, khám phá ra sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản trong việc hoàn thành cách mạng xã hội, khẳng định xã hội tư bản chủ nghĩa đi đến chỗ triệt hủy, giai cấp tư sản tất yếu sản xuất ra những người đào huyệt chôn nó, mô tả một xã hội cộng sản tương lai, Marx đã đưa ra những suy luận thuần lý trước khi nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa để đưa ra những quy luật phát triển xã hội.

  Trong Luận cương Feuerbach, Marx đã chỉ ra:"Con người hoạt động thực sự được xác định bởi sự phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất của họ" và sinh hoạt ấy chứa đựng trong "toàn bộ những quan hệ xã hội".

  Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, khởi đầu bằng một nhận định khoa trương:"Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu - bóng ma của chủ nghĩa cộng sản". Trên thực tế vào những năm 40 của thế kỷ 19, liên đoàn cộng sản khắp nơi chỉ có khoảng hai, ba trăm đoàn viên. Cũng trong tác phẩm này, Marx đã chỉ ra nhiệm vụ của người cộng sản: "Một đằng về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận tiên tiến và quyết tâm nhất của những đảng giai cấp công nhân ở mọi nước, bộ phận này thúc đẩy những bộ phận khác, một đằng về mặt lý luận, những người cộng sản có thuận lợi hơn đại đa số giai cấp vô sản ở chỗ nhận thức được rõ hướng đi, những điều kiện và những hậu quả chung tột cùng của phong trào vô sản".

  Khi xác định mối quan hệ đảng/giai cấp giữa người cộng sản và quần chúng vô sản, Marx đã đưa ra những chỉ đạo khái quát về vai trò của đảng công nhân và nhiệm vụ của người cộng sản - tuy khái niệm về "đảng" còn khá mơ hồ (trong thư gửi Freigrath, Marx bày tỏ nhận thức về đảng trong "ý nghĩa lịch sử lớn lao của từ này") song quan niệm của ông rõ rệt là:
 - Không tách rời vai trò của người cộng sản như một nhóm cách mạng chuyên nghiệp nhân danh giai cấp công nhân để đấu tranh.
 - Không quan niệm đảng là một bộ phận ở bên trên lãnh đạo quần chúng.
  Ở những tác phẩm nghiên cứu lịch sử như Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp (1850), Ngày 18 Brumaire của Louis
Bonaparte (1852), Cuộc nội chiến ở nước Pháp (1871), những tác phẩm chính trị như Phê phán cương lĩnh Gotha (Marx) và Phê phán cương lĩnh Erfurt (Engels), qua thư từ và những bài báo trên New York Tribune đã thành hình một ý thức hệ mác xít: lý luận về xã hội, chương trình hành động mà những tác phẩm nghiên cứu kinh tế chính trị về sau không thay đổi những nét lớn mà chỉ minh họa bằng những phân tích đặc thù, kết tập thành một cấu trúc lý luận đại thể của chủ nghĩa Mác.Khi những phong trào xã hội và lý luận xã hội tiến triển, những quan điểm của Marx về chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận về giai cấp, về cách mạng cũng được giải thích khác nhau - đó là định lệ chung đối với mọi hệ tư tưởng, không riêng nơi chủ nghĩa Mác.
  Ý thức hệ mác xít vượt hẳn những lý luận xã hội khác ở chỗ nó đã kết thành một lực lượng thực trong chính trị và phát triển xã hội, nhất là khi những đảng cộng sản nắm chính quyền.Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển hệ tư tưởng mác xít, vấn đề đặt ra là: liệu có một ý thức hệ duy nhất? Hay có nhiều ý thức hệ nẩy nở trong những điều kiện xã hội khác nhau?

  Ở đây vấn đề không phải là đi tìm những giải đáp mà là nhận định cơ sở của hệ tư tưởng mác xít:
  a.Trước hết về đối lập cơ bản giữa cơ sở và kiến trúc thượng tầng.Phê phán sự đối lập này có nghĩa là phê phán quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác.(Ở chương 4 nhận định lý luận về tư bản của Marx, tôi đã chỉ ra những mâu thuẫn giữa tính cách tất định và lịch sử khiến những dự kiến trong bộ Tư bản của Marx không còn giá trị về mặt khoa học).Xét về mặt ý thức hệ, những nguyên lý của Marx đã chỉ ra:
 - Cấu trúc kinh tế của xã hội là nền tảng thực sự cho sự nẩy nở kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị cũng như những hình thái xã hội nhất định của tư duy tương ứng.Như vậy toàn bộ kiến trúc thượng tầng biến đổi khi có sự biến đổi cơ sở kinh tế.
  Trong Phê phán kinh tế chính trị (1859), Marx còn chỉ rõ:
 - Một hệ thống xã hội không thể mất đi trước khi những lực lượng xã hội phát triển đúng mức và những quan hệ sản xuất mới và cao hơn chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất tạo ra chúng chín muồi trong lòng xã hội cũ.
  Những hoàn cảnh xã hội diễn ra sau Marx đã chứng thực những nguyên lý của Marx đề ra không ứng dụng vào thực tế, không giải thích được sự xuất hiện của những cuộc đấu tranh lịch sử và biến đổi xã hội hiện đại. Quả thực cấu trúc kinh tế của một thời đại nhất định không giải thích được hiện trạng của thời đại này, ông chỉ có thể lý giải được những biến đổi của thời đại trước nó. Như vậy chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ có tính lý giải, không phải là giải thích tất định hay nhân quả một chiều.Lý giải sự kiện xã hội,lịch sử có tính cách hấp dẫn về mặt tuyên truyền, không phải là những dự kiến tất yếu cho vận động lịch sử như Marx quan niệm. Do đó, những hiện tượng cách mạng năm 1917 ở Nga, "việc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại một nước" không phải tuân theo những nguyên lý tất định của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
  b.Quan niệm đấu tranh giai cấp như nguồn động lực của lịch sử cũng xây dựng trên cơ sở tất định của chủ nghĩa duy vật lịch sử.Ở đây tôi không bàn về những khái niệm khác nhau trong từ ngữ "giai cấp" Marx sử dụng.Về mặt ý thức hệ, một định nghĩa đơn giản nhất dẫn ra trong Hệ tư tưởng Đức là "những cá nhân khác nhau chỉ tạo thành một giai cấp khi họ có một trận tuyến chung chống lại giai cấp khác" - điều này hàm ngụ giai cấp tạo ra những mâu thuẫn ý thức hệ, cũng như nếu không có ý thức hệ chung thì không phải là giai cấp. Tuy nhiên, Marx cũng nhận xét: "Sự xuất hiện giai cấp là một sản phẩm của tư sản" và mục tiêu nghiên cứu của ông nhằm chỉ ra sự hiện hữu của những giai cấp gắn liền với "một giai đoạn lịch sử đặc thù trong lịch sử sản xuất" và khẳng định lịch sử xã hội cho đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx khái quát hóa cuộc đấu tranh giai cấp này phân chia hai giai cấp đối kháng: tư sản và vô sản.Trong Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp (1850), Marx đã nêu ra chuyên chính vô sản là một điểm quá độ không thể tránh khỏi, dẫn đến sự thủ tiêu khác biệt giai cấp nói chung, xóa bỏ toàn bộ những quan hệ sản xuất là cơ sở của sự phân chia giai cấp này, dẫn đến sự xóa bỏ toàn bộ những quan hệ xã hội tương ứng với những quan hệ sản xuất này, dẫn đến cách mạng hóa "toàn thể những tư tưởng rút ra từ những mối quan hệ xã hội này".
  Như vậy nguồn gốc của những biến đổi có thể dựa trên những mặt: biến đổi kỹ thuật học (những quan hệ sản xuất), biến đổi đường lối tổ chức sản xuất (những quan hệ xã hội) dẫn theo những biến đổi tư duy và ý thức hệ.Từ Tuyên ngôn của đảng cộng sản đến Tư bản, quan niệm về sự biến đổi xã hội của Marx chỉ rõ hệ thống xã hội hiện hữu không bị tiêu diệt trước khi những lực lượng sản xuất phát triển, những quan hệ sản xuất mới, cao hơn không ra đời trước khi những điều kiện vật chất phát triển trong lòng xã hội cũ.Điều đó có nghĩa là khi những lực lượng sản xuất phát triển mà những quan hệ tương ứng không còn thích hợp nữa, tất yếu phải dẫn đến sự hủy diệt - nói cách khác, những điều kiện khoa học - kỹ thuật tiến bộ trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa không còn phù hợp nữa, tất yếu có khuynh hướng dẫn đến biến đổi toàn diện và trong tiến trình lịch sử, cũng như xã hội tư bản chấm dứt xã hội phong kiến, xã hội tư bản phải tự triệt nhường chỗ cho xã hội xã hội chủ nghĩa.
  "Đấu tranh giai cấp" là một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Trong phần lý luận về tư bản, tôi đã đề cập đến xu hướng chính trị hiện đại đọc Tư bản trên cơ sở đấu tranh giai cấp.L.Althusser khi tự phê cũng quan niệm sai lầm của ông là coi nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp. Vấn đề này có tính cách then chốt trong việc xác định lập trường của người mác- xít.Cho nên chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ ra hai mặt:
  1.Những nghiên cứu kinh tế chính trị của Marx nhằm trình bày quá trình tiến hóa của lịch sử, ở đó chủ nghĩa tư bản xuất hiện và tất yếu phải dẫn đến chủ nghĩa xã hội.
  2.Giai cấp vô sản tất yếu thắng lợi trong quá trình đấu tranh giai cấp.
  Những vấn nạn đặt ra đối với quy luật duy vật lịch sử là: nếu quan niệm như một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi - nghĩa là những quan hệ sản xuất không chứa đựng được nội dung (lực lượng sản xuất) tất phải bùng nổ để triển khai ra một hình thái xã hội mới, đó là tiến hóa hay cách mạng? Đấu tranh giai cấp có thể xây dựng bằng con đường hòa bình hay bắt buộc phải là bạo động?
  Những vấn nạn đặt ra chung quanh vấn đề "giai cấp" và "đấu tranh giai cấp": trước hết, tại sao sứ mạng lịch sử phải giao cho giai cấp vô sản, không phải những giai cấp khác, dựa trên một tiền đề xã hội của Marx là ở giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, xã hội phân hóa chỉ còn lại hai giai cấp: tư sản (sở hữu tư liệu sản xuất) và vô sản (tức là những người lao động được trả lương)? Trên thực tế, lý luận về giai cấp của Marx không thích hợp với mọi hình thái phân chia giai tầng xã hội.Sự phân hóa giữa tư sản và vô sản ngay trong những nước công nghiệp tiên tiến cũng không mở rộng như Marx tiên đoán, vận động hiện đại hóa tại các nước công nghiệp phương tây cho thấy những giai tầng trung gian phát triển mạnh và không có hiện tượng bần cùng hóa tuyệt đối hay tương đối tại các nước tư bản.Quá trình lịch sử thế giới cũng diễn ra sự xung đột giữa các quốc gia và ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trầm trọng và quyết định hơn mâu thuẫn đối kháng giai cấp.
 c.Ý thức hệ mác xít còn là nguồn gốc của những lý luận chính trị thừa kế chủ nghĩa Mác, với những ý niệm cơ bản về chính đảng, nhà nước và chuyên chính vô sản. Tất cả những lý luận thừa kế chủ nghĩa Mác đều xây dựng trên một số những nét chung:
 - Ý thức về giai cấp đồng thời phải là ý thức giai cấp cách mạng.
 - Thời cơ cách mạng chín muồi khi những điều kiện khách quan và những chuẩn bị chủ quan trùng hợp.
 - Lãnh vực tất yếu phải dẫn đến lãnh vực tự do.
 - Nhà nước như một công cụ khống chế của giai cấp cầm quyền sẽ bị xóa bỏ dần dần và công việc cai trị người sẽ nhường bước cho việc quản trị sự vật.
  Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx đã chỉ ra ý thức hệ chủ đạo của xã hội như sau: "Những tư tưởng của giai cấp thống trị trong mọi thời đại là những tư tưởng thống trị, nghĩa là giai cấp nào đang là lực lượng vật chất thống trị của xã hội cũng đồng thời là lực lượng trí thức lãnh đạo".
   Thế nào là tư tưởng thống trị? Marx giải thích ở một chỗ khác: những tư tưởng thống trị này chính là những "thăng hoa tất yếu" của quá trình đời sống vật chất được kiểm chứng một cách thực nghiệm và gắn bó với những tiền đề vật chất.
Điều này giải thích tại sao Marx đã từng quan niệm "sự xuất hiện giai cấp là một sản phẩm của tư sản". Sự xung đột giai cấp tạo ra những mâu thuẫn ý thức hệ, dẫn đến những biến đổi xã hội lịch sử. Như vậy, cách mạng xã hội gắn liền với trật tự luận lý của những diễn biến xã hội và Marx muốn chỉ ra lần đầu một cách rõ rệt là cách mạng gắn liền với đại đa số quần chúng, với sự thống nhất những mặt hành động của đấu tranh giai cấp, "không còn là những cuộc tấn công bất ngờ, hay những cuộc cách mạng do một thiểu số có ý thức nắm đầu quần chúng vô thức".
   Những đặc tính này giải thích:
  - Tại sao giai cấp vô sản có sứ mạng lịch sử làm cách mạng, giải phóng nhân loại. Trong bước đầu cách mạng, giai cấp vô sản phải chủ động để giữ vai trò của giai cấp lãnh đạo.
  - Công cuộc giải phóng không chỉ có ý nghĩa là giải phóng chính trị.
   Trong Ngày 18 Brumaire của Louis Bonaparte, Marx đã viết:"Con người làm ra lịch sử, song không phải theo ý thích của mình". Trên căn bản những mâu thuẫn của đời sống vật chất, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - cuộc cách mạng xã hội "tất yếu...không những vì giai cấp thống trị không thể bị lật đổ bằng con đường nào khác, nhưng còn vì giai cấp lật đổ nó chỉ có thể thông qua một cuộc cách mạng, thành công trong việc vượt lên khỏi những trì trệ của thời đại và trở nên thích hợp trong việc xây dựng xã hội mới".Đó là một quá trình thuần lý:
  1.Xã hội mới là xã hội cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là hủy thể của hủy thể và trong giai đoạn kế tiếp của phát triển lịch sử, đó là giai đoạn thực sự tất yếu của sự giải phóng và phục hồi giá trị con người. Đến giai đoạn cộng sản chủ nghĩa, những tiến hóa xã hội không còn là cách mạng chính trị nữa.
  2.Song trước khi tiến đến giai đoạn xã hội cộng sản là bước quá độ để cho giai cấp vô sản nắm quyền trở thành giai cấp thống trị. Tiến hành công cuộc cách mạng, nhiệm vụ của giai cấp vô sản là tổ chức hàng ngũ nhằm hành động giành chính quyền, nắm giữ guồng máy nhà nước để ổn định xã hội, Marx đưa ra khái niệm "chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản". Marx đề cập đến khái niệm này trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản và trong Phê phán cương lĩnh Gotha (1875):
  "Giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản có một giai đoạn biến đổi cách mạng từ xã hội này qua xã hội kia, tương ứng với một thời kỳ biến đổi chính trị, trong đó nhà nước không là gì khác hơn chuyên chính vô sản cách mạng".
  Khái niệm "chuyên chính cách mạng vô sản" nhằm đối lập với "chuyên chính tư sản" vì guồng máy nhà nước tất yếu phải xây dựng trên cơ sở thống trị. Engels lý luận: khi giai cấp vô sản vẫn còn duy trì guồng máy nhà nước, nó không nhằm lợi ích tự do, nhưng nhằm khống chế kẻ thù của nó và khi nào có thể nói đến tự do, nhà nước không còn lý do hiện hữu nữa.
  Khi quan niệm nhà nước là công cụ cưỡng bách của giai cấp thống trị thì lý ưng, chuyên chính là một đặc tính cơ bản của nhà nước.trong thư gửi J.Weydemeyer (ngày 5 tháng 3, 1852), Marx chỉ ra những phát hiện mới của ông như sau:
 - Sự hiện hữu của giai cấp gắn liền với những giai đoạn lịch sử đặc thù của phát triển sản xuất.
 - Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản.
 - Chuyên chính vô sản tự nó chỉ là bước quá độ dẫn đến thủ tiêu mọi giai cấp và dẫn đến xã hội vô giai cấp.
  Trong Phê phán cương lĩnh Gotha, Marx lập lại quan điểm chỉ có "giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng thực sự", cho nên giai cấp này nắm vững chuyên chính vô sản nhằm:
 - chống lại phản cách mạng
 - tiêu diệt tận gốc giai cấp tư sản
 - xóa bỏ nhà nước tư sản
 - xã hội hóa tư liệu sản xuất
 - giáo dục nhân dân để xây dựng xã hội mới.
  Nhà nước vô sản khác biệt cơ bản đối với những nhà nước về trước ở chỗ, giai cấp vô sản thực hiện cách mạng triệt để nhằm xóa bỏ giai cấp thống trị và bị thống trị, thực hiện chuyên chính vô sản vì đại đa số quần chúng.
  Khái niệm chuyên chính vô sản cũng như một số khái niệm khác chỉ được Marx đưa ra khá mơ hồ, gây nhiều tranh luận giữa những người mác xít, quan trọng hơn cả là tranh luận giữa Kautsky và Lenin. Kautsky cho rằng quan niệm chuyên chính vô sản của Marx chỉ có tính nhất thời, quan hệ là chủ nghĩa xã hội của Marx vẫn gắn liền với dân chủ. Kautsky chống lại quan niệm chuyên chính của nhà nước độc đảng, trong khi Lenin chủ trương chuyên chính vô sản cách mạng có tính triệt để và không tương nhượng.
  Như vậy trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, cuộc cách mạng vô sản có tính cách quyết liệt, dưới bất kỳ hình thức bạo động hay ôn hòa vì nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị. Quan niệm chuyên chính không thể hàm ngụ dân chủ, vì khái niệm dân chủ "lồng trong ý thức hệ tư sản," Marx và Engels đã viết trong thư gửi Liên đoàn cộng sản:
  "Trong khi giai cấp tiểu tư sản dân chủ muốn mang cuộc cách mạng đến một kết cuộc mau chóng càng tốt và hoàn tất tối đa những yêu cầu trên thì nhiệm vụ và mối quan tâm của chúng ta là thực hiện cách mạng thường trực, bởi vì cách mạng vô sản không phải chỉ phân hóa tư hữu mà là thủ tiêu tư hữu, không phải làm hòa dịu những đối kháng giai cấp mà nhằm thủ tiêu giai cấp, không phải chứng thực xã hội hiện hữu mà đi xây dựng một xã hội mới"(Ansprache der Zentralbehorde an den Bund vom Marz 1850).
  Trong thời đại của Marx, quan niệm chuyên chính có thể được giải thích rõ ràng hơn qua ý kiến của Engels:
 - Chống lại Blanqui về quan niệm tất yếu của chuyên chính thông qua cách mạng là thành quả của một nhóm thiểu số cách mạng, như vậy chuyên chính đó chỉ là chuyên chính của một thiểu số, không phải chuyên chính của tất cả giai cấp cách mạng.
 - Trong lời tựa cho tác phẩm Cuộc nội chiến ở nước Pháp, Engels xác định: "Hãy nhìn vào Công xã Paris. Đó là chuyên chính vô sản."
 - Theo Engels, nền cộng hòa dân chủ cũng là "hình thái đặc thù của chuyên chính vô sản."
  Quan niệm "chuyên chính vô sản" như vậy gắn liền với những vấn đề sau đây:
 1. Đó là một hình thái chính quyền hay đó chỉ là những điều kiện trong giai đoạn nắm chính quyền để tiến tới xây dựng xã hội cộng sản?
 2. Chuyên chính vô sản như Marx đã xác định tương ứng với thời kỳ quá độ chính trị: thời kỳ này kéo dài bao lâu? Ai thực hiện: một chính đảng do giai cấp vô sản tổ chức, hay những ủy ban nhân dân? Xây dựng trên cơ sở nào?
  Ngay cả khi Marx đặt câu hỏi: Đâu là những quy luật, về mặt chính trị cũng như kinh tế, để xây dựng chủ nghĩa xã hội một khi những người theo xã hội chủ nghĩa nắm quyền? ông cũng không giải đáp vì, theo ông, quả thực chỉ có một giải đáp là phê phán chính vấn đề này. Trong thư viết cho Domela Nieuwenhuis ngày 22 tháng Hai năm 1881, Marx cho rằng "dự kiến lý thuyết và thiết yếu không tưởng về cương lĩnh hành động cho một cuộc cách mạng tương lai chỉ làm lạc hướng cuộc chiến đấu hiện tại."
 3. Ngay trong thời đại Marx, một nhà hành động và là thành viên của Quốc Tế Cộng sản I, Bakunin đã nêu ra khái niệm chuyên chính vô sản che dấu sự độc quyền của thiểu số lãnh đạo, núp dưới danh nghĩa ý chí của toàn dân, trong khi Marx cho rằng "dưới chế độ sở hữu tập thể, ý chí toàn dân biến đi nhường chỗ cho ý thức thực sự của những hợp tác viên", đã mở ngỏ con đường lý giải cho những người cộng sản sau này như Lenin và Stalin.


Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Khái niệm vật hóa (Verdinglichung) đã được nói đến trong chương 3 khi bàn về lý luận tha hóa. Nó xuất phát từ quan niệm về hiện tượng sùng bái hàng hóa - như Marx đã chỉ ra trong chương đầu của bộ Tư bản. Tuy tính cách phóng thể của lao động bao hàm khái niệm vật hóa nhưng phải đợi tới khi Georg Lukács phát hiện từ bài học rút ra trong tác phẩm vừa dẫn của Marx, nó trở thành cơ sở cho cái gọi là chủ nghĩa Mác phương Tây. Khái niệm này được đưa vào chủ nghĩa Mác thông qua tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi cũng như trong chính hành trạng tư tưởng của Lukács: Lịch sử và Ý thức giai cấp (Geschichte und Klassenbewusstsein).
     Sau khi Marx và Engels mất, lịch sử tư tưởng của chủ nghĩa Mác thực sự chỉ tiếp nối từ Lukács, mặc dù đó là một bi kịch vì chính tác giả tác phẩm kể trên đã phủ nhận nó dưới một hình thức (lần đầu tiên xuất hiện trong hành trạng lý luận của nhân lọai) - đó là hình thức tự phê qua những áp lực chính trị. Tuy nhiên, cũng như số phận của bất kỳ hình thức sáng tạo nào của con người, tác phẩm vẫn có giá trị tự thân của nó. Đó cũng là ý nghĩa câu nói bất hủ của Galilée: E pur, si muove áp dụng cho bất kỳ sự vật hiện hữu, thể tính hay tinh thần.
     Lịch sử và Ý thức giai cấp (GuK) là một tập hợp những bài viết sau khi Lukács gia nhập đảng Cộng sản vào tháng chạp năm 1918, như Chủ nghĩa Mác chính thống là gì ?(1919), Rosa Luxemburg với tư cách một người Mácxít (1921), Ý thức giai cấp (1920), Vật hóa và Ý thức của giai cấp vô sản, Chức năng biến đổi của chủ nghĩa duy vật lịch sử (1919), Hợp pháp và bất hợp pháp (1920), Những nhận định phê phán tác phẩm �Phê phán Cách mạng Nga của Rosa Luxemburg (1922), Luận bàn về vấn đề tổ chức (1922) và hai bài tựa . Trong bài tựa lần đầu (1922) khi xuất bản GuK, Lukács xác định mục tiêu của cuốn sách là thúc đẩy cuộc thảo luận về những điểm nào mà những phạm trù của Hegel chứng tỏ nhất định đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng như nhũng sở cứ chung của Hegel và Marx. Lukács nhấn mạnh là “toàn bộ những phạm trù cốt cán thường được sử dụng của phương pháp trực tiếp bắt nguồn từ Luận lý của Hegel”(eine ganze Reihe der stets angewendeten entscheidenden Kategorien der Methode direkt aus der Logik Hegels stammt). Trong khi viện dẫn Engels, Plechanow và Lenin để xác định vị trí của phương pháp biện chứng Hegel, Lukács chỉ ra bản chất của phương pháp này là những khái niệm sai lạc về mặt trừu tượng được thăng hóa. Quá trình thăng hóa này thiết yếu phải triển khai không ngừng những khái niệm phiến diện, trừu tượng và sai lạc này; những khái niệm này đắc thủ ý nghĩa chân thực không phải qua định nghĩa nhưng qua chức năng có phương pháp như những thời khoảng được thăng hóa trong tổng thể (Es gehort zum Wesen der dialektischen Methode, dass in ihr die - in ihrer abstrakten Einseitigkeit - falschen Begriffe zur Aufhebung gelangen. Dieser Prozess des Aufhebens macht aber zugleich notwendig, dass dennoch ununterbrochen mit diesen - einseitigen, abstrakten und falschen - Begriffen operiert wird; dass die Begriffe weniger durch eine Definition, als durch die methodische Funktion, die sie als aufgehobene Momente in der Totalitat erhalten,zu ihrer richtigen Bedeutung gebracht werden). Trong bài tựa tái bản năm 1967 - sau khi GuK đã là cái đích cho những phê phán gay gắt của Cộng sản Quốc tế đánh vào “chủ nghĩa xét lại” ngay từ những năm 1924 và Lukács trong những bài tự phê đã phủ nhận quyển sách và coi nó là “một tổng hợp của nhiều xu hướng “ như chủ nghĩa duy tâm từ Kant đến Hegel, chủ nghĩa công đoàn cực tả hay đánh giá nó là “phản động vì mang tính duy tâm, lý giải sai lạc lý luận phản ánh, bác bỏ biện chứng trong tự nhiên” - Lukács xác định một trong những thành quả lớn lao của GuK là tái lập phạm trù tổng thể vào vị trí then chốt xuyên suốt những công trình của Marx. Lukács dẫn lại trong bài tựa 1967 một đoạn trong bài viết về Rosa Luxemburg: “Không phải ưu thế của những động lực kinh tế trong việc giải thích lịch sử quyết định sự phân biệt chủ nghĩa Mác với khoa học tư sản, mà chính quan điểm về tổng thể tạo ra sự phân biệt này”. Theo ông muốn trở về với những truyền thống cách mạng của Marx bắt buộc phải phục sinh những truyền thống của Hegel:”Lịch sử và Ý thức giai cấp” tiêu biểu cho ý đồ triệt để trong việc phục hoạt cách mạng của Marx thông qua việc phục sinh và triển khai biện chứng và phương pháp luận của Hegel (GuK bedeutet den damals vielleicht radikalsten Versuch, das Revolutionare an Marx durch Erneuerung und Weiterfuhrung der Hegelschen Dialektik und seiner Methode wieder aktuell zu machen). Như vậy là sau gần nửa thế kỷ, Lukács vẫn bảo lưu xu hướng Hegel ban đầu. Ông viết:
     “Điều quan trọng là sự tha hóa của con người là một vấn đề cốt cán của thời đại chúng ta và được cả hai phe tư tưởng tư sản cũng như vô sản, cánh tả cũng như cánh hữu nhận rõ…Không còn ngờ vực gì nữa là vấn đề của Hegel và Marx này đã được một người cộng sản đặt lại đã khiến cho quyển sách có ảnh hưởng tác động ngoài những giới hạn của đảng…Trước hết là cái cơ sở triết lý tột cùng của nó là xây dựng chủ thể-khách thể thống nhất tự diễn ra trong quá trình lịch sử. Hiển nhiên là ở nơi Hegel, nó bắt nguồn từ hình thái luận lý triết học khi giai đoạn cao nhất của tinh thần tuyệt đối đạt tới trong triết học thông qua việc thủ triệt tha hóa với việc trở về với chính tự thức để thực hiện thống nhất chủ thể-khách thể. Trái lại trong GuK, quá trình này có tính xã hội-lịch sử và đạt tới cao điểm khi giai cấp vô sản thể hiện được giai đoạn này trong ý thức giai cấp - chuyển biến thành chủ thể-khách thể thống nhất trong lịch sử.”
     Trong khi tự đặt mình cách biệt với những tác phẩm thời trẻ như GuK này (nhất là sau khi đã tự phê nhiều lần), Lukács xác định mối quan hệ giữa việc nghiên cứu Hegel thông qua dự phóng công trình nghiên cứu kinh tế và biện chứng dẫn đến việc nghiên cứu một khoa hữu thể luận về bản thể xã hội - đó là kết quả của một tác phẩm di cảo chưa hoàn tất vào cuối đời Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins.
     Trường hợp Lukács (sinh năm 1885 tại Budapest, Hung) là một trường hợp đặc biệt, trước khi trở thành một người mác-xít, đã có một quá trình hình thành trí thức chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hoá Đức qua nhiều nguồn tư tưởng như Khoa học tinh thần/Geisteswissenschaft nơi Wilhelm Dilthey, lý luận xã hội học của Max Weber hay Georg Simmel, quan điểm triết học của Heinrich Rickert, Wilhelm Windelband, Emil Lask. Trong giai đoạn này (1909-1920), ông đã viết Lịch sử phát triển kịch hiện đại (A modern dráma fejlódésének torténete, tiếng Hung), Những nhận định về lý luận lịch sử văn học (Megjegyzések az irodalomtorténet elméletéhez, tiếng Hung), Tâm hồn và hình thái (A lélek és a formák, tiếng Hung), Lý luận về tiểu thuyết (Die Theorie des Romans, tiếng Đức).
     Trong bài tựa 1967 GuK, chính Lukács nhìn nhận ở giai đoạn này ông đọc Marx như một nhà xã hội học qua lăng kính Simmel và Max Weber. Cho nên không thể phủ nhận ảnh hưởng của Weber và Simmel (nhất là với tác phẩm Triết lý về tiền/Philosophie des Geldes) trong lý luận vật hóa của Lukács - những khái niệm như “hợp lý hóa”, “khách thể hóa đời sống”(Versachlichung des Lebens), “vật hóa”, lượng lấn át phẩm, phương pháp khoa học mất dần mối quan hệ mật thiết với con người và ngày trở nên khách quan và phi nhân. Sự kết hợp của quá trình đào tạo tri thức và con đường dẫn đến chủ nghĩa Mác đã hình thành một lý luận khá phức tạp trong GuK, và đó cũng là lý do tại sao phải đặt vấn đề lý luận về vật hóa:
Có khác biệt nào giữa tha hóa, vật hóa, ngụy thức và bái vật hóa ? Vật hóa có phải là một vấn đề nhận thức của thời quá độ sau chủ nghĩa Mác ?
Vật hóa và ý thức vật hóa trong khung cảnh tư tưởng của giai đoạn chuyển tiếp đầu thế kỷ hai mươi diễn ra sao ?
Ý thức giai cấp về mặt lý luận và thực tiễn là gì ? Tại sao lại gắn liền với vấn đề vật hóa ?
     Như đã nói đến ở chương 3, không có một định nghĩa nhất định về những khái niệm tha hóa, vật hóa và ngụy thức. Trong GuK, Lukács dẫn một đoạn trong Tư bản tập 1 về “sự huyền bí của hình thái hàng hóa” để chỉ ra là Marx đã miêu tả hiện tượng cơ bản của vật hóa. Trong chính văn của Marx, từ ngữ “vật hóa” chỉ được nói tới một lần trong Tư bản tập 3: “sự huyền bí hóa của phương thức sản xuất tư bản, sự vật hóa của những quan hệ xã hội” (die Mystifikation der kapitalistischen Produktionsweise, die Verdinglichung der gesellschaftlichen Verhaeltnisse). Trong lời tựa 1967, Lukács ghi nhận là hiện tượng vật hóa quan hệ mật thiết với hiện tượng tha hóa, tuy nhiên về mặt xã hội cũng như khái niệm không đồng nhất (Dass auch das Phanomen der Verdinglichung, der Entfremdung nahe verwandt, aber weder gesellschaftlich noch begrifflich mit ihr identisch), nhưng hai từ này được bàn đến hầu như đồng nghĩa khi ông xác định là vấn đề tha hóa lần đầu tiên kể từ Marx đã được coi như vấn đề then chốt đối với việc phê phán có tính cách mạng về chủ nghĩa tư bản và có căn nguyên lý luận cũng như phương pháp rút từ biện chứng của Hegel. Ông cũng nhận xét là mấy năm sau khi tác phẩm Sein und Zeit (Hữu thể và Thời tính) của Heidegger xuất bản vào năm 1927 thì vấn đề này trở thành trung tâm của những tranh luận triết lý. Khi chỉ ra vị thế của tha hóa trong khung cảnh hiện đại, Lukács muốn nhắc đến việc đặt lại vấn đề do Lucien Goldmann nêu ra ảnh hưởng của GuK đối với Heidegger (Goldmann dẫn hai đoạn trong SuZ đề cập đến vật hóa của ý thức’: “Tình trạng sự vật hàm ngụ trong vật hóa như vậy phải có nguyên ủy hữu thể luận được chứng thực cho người ta có thể hiểu một cách tích cực bởi hữu thể không bị vật hóa của chủ thể, hồn, ý thức, tinh thần, con người.” Và một đoạn khác cuối sách:”Chúng ta đã biết từ lâu là hữu thể luận cổ điển bàn đến “những khái niệm vật hóa” và mối hiểm nguy của “ý thức vật hóa”). Nhưng vật hóa mang ý nghĩa gì ? Nó phát xuất từ đâu ? Thực ra khái niệm “vật hóa của ý thức”(Verdinglichung des Bewusstsein) đã là vấn đề được nói tới trong triết học của Emil Lask (người có ảnh hưởng đến cả Lukács và Heidegger) khi Lask nói tới mối đe dọa của vật hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa tự nhiên của thế kỷ 19. Từ ngữ “vật hóa” cũng được Max Weber dùng trong tác phẩm Kinh tế và Xã hội (Wirtschaft und Gesellschaft) khi nói đến những khái niệm bị vật hóa. Khái niệm vật hóa như Jacques Lacan chỉ ra là mối quan tâm của thời đại trong Hội luận (Le Séminaire, livre VII, L éthique de la psychanalyse, 1959-60).
     Trong GuK, tiểu luận Vật hóa và Ý thức của giai cấp vô sản (Die Verdinglichung und das Bewusstsein des Proletariats) chiếm một phần ba sách ghi một dấu mốc quan trọng trong lý luận mác-xít vì:
Vấn đề vật hóa trở thành một chủ đề đặc sắc của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi, phân biệt “chủ nghĩa Mác phương tây” với “chủ nghĩa Mác-Lênin” .
Quan niệm tự nhiên là một phạm trù xã hội và chỉ có một phương pháp biện chứng lịch sử khả hữu, trái với quan niệm của Engels áp dụng vào tự nhiên.
Chỉ ra những nghịch lý của tư tưởng của giai cấp tư sản vì triết học hiện đại bắt nguồn từ cấu trúc vật hóa của ý thức.
Khái niệm tổng thể là cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và giai cấp vô sản là một thực tại xã hội chủ thể hành động thống nhất hai mặt khách thể-chủ thể.
     Khởi từ những phân tích kinh tế của Marx, ý hướng nghiên cứu bản chất của cơ cấu hàng hóa của Lukács không phải ở chính vấn đề kinh tế nhưng từ tính chất sùng bái hàng hóa để phát hiện những vấn đề ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản.
     Hiện tượng vật hóa bắt nguồn từ những phân tích cấu trúc hàng hóa - do đó vật hóa là vấn đề cơ cấu then chốt của xã hội tư bản về mọi mặt. Trong xã hội tư bản, những phạm trù kinh tế như hàng hóa và lao động tương ứng với hình thái biểu hiện trực khởi của những điều kiện kinh tế. Trong Tư bản (Kapital I), Marx đã mô tả hiện tượng cơ bản của vận động này qua nhận xét hàng hóa trở thành một sự vật huyền hoặc vì tính cách xã hội trong lao động của con người đối với họ như một tính cách khách thể in dấu ấn trên sản xuất lao động, nên quan hệ của người sản xuất với toàn bộ lao động của họ biểu hiện như một quan hệ xã hội, không phải giữa họ mà là giữa những sản phẩm lao động của họ, nghĩa là hàng hóa và quan hệ con người chỉ là quan hệ sự vật. Như vậy không phải từ một khái niệm về tha hóa được triển khai, mà chính từ ý niệm về tính sùng bái hàng hóa, Lukács đã phân tích vấn đề vật hóa. Trong phát triển khái niệm này, rõ rệt là những phân tích về hợp lý hóa lao động, tha hóa chất thành lượng, thời tính không gian hóa, tha hóa lao động trong vận động trừu tượng của lao động như Lukács ghi nhận:
     “Như vậy tính phổ biến của hình thái hàng hóa xác định về cả hai mặt khách quan và chủ quan một sự trừu tượng hóa lao động của con người, hiện thể trong hàng hóa”(Die Universalitat der Warenform bedingt also sowohl in subjektiver wie in objektiver Hinsicht eine Abstraktion der menschlichen Arbeit, die sich in den Waren vergegenstandlicht).
     Về mặt khách quan, vật hóa có nghĩa là tạo ra một bản chất thứ hai của những sự vật giả này. Về mặt chủ quan, lao động của con người bị tha hóa trong hành tác vật hóa này. Như vậy quan hệ vật hóa và tha hóa mật thiết nhưng không phải là một. Trừu tượng hóa lao động là nguyên lý đích thực quản lý quá trình sản xuất cụ thể ra hàng hóa, còn hợp lý hóa trong công nghiệp hiện đại khởi từ đầu thế kỷ hai mươi là xu hướng thủ tiêu dần dà những thuộc tính cá thể, có phẩm chất con người nơi người lao động (immer starkere Ausschaltung der qualitativen, menschlich-individuellen Eigenschaften der Arbeiters). Thế giới vật hóa là một thế giới của lượng, ở đó nguyên tắc hợp lý hóa xây dựng trên cái gì có thể tính toán được. Như Marx đã chỉ ra trong Sự lầm than của triết học (Misère de la philosophie): Phẩm không còn quan trọng, chỉ có lượng quyết định mọi sự. Khái niệm lao động trừu tượng nơi Marx tương ứng với khái niệm thuần lý hóa hình thức nơi Max Weber. Quá trình hợp lý hóa làm việc có nghĩa là phân tán đối tượng sản xuất, cũng như làm manh mún chủ thể sản xuất, điển hình của thời đại mới này là hệ thống làm việc kiểu Taylor. Cơ hữu hóa, khả năng tính toán, chuyên biệt hóa, thư lại hóa, mọi bộ diện của đời sống được chuẩn tiêu và giản trừ vào những thành tố, có nghĩa là toàn bộ hoạt động của con người như vậy đã bị tha hóa. Quan điểm này phản ảnh phản ứng chung của nhiều xu hướng tư tưởng đầu thế kỷ này. Tuy nhiên Lukács nhìn ra điểm chủ yếu là “trong khi hệ thống tư bản tiếp tục sản xuất và tái sản xuất chính nó về mặt kinh tế trên những cấp độ ngày càng cao hơn thì cấu trúc vật hóa càng chìm ngập sâu xa, thảm hại và nhất định hơn trong ý thức của con người”. Những hiện tượng như công nhân trở thành một người chứng kiến cá thể, thụ động trong quá trình hoạt động manh mún của họ là đối tượng của một quá trình họ chỉ có thể quan sát, chứ không thể kiểm soát hay biến đổi được. Thế giới vật hóa xuất hiện rõ ràng là thế giới khả hữu duy nhất đối với con người. Cũng chính trong viễn quan đó, “triết học phê phán hiện đại bắt nguồn từ cấu trúc vật hóa của ý thức” (aus der verdinglichten Strukture des Bewusstseins ist die moderne kritische Philosophie entstanden) mở đầu phần thứ hai những nghịch lý trong tư tưởng tư sản của bài viết về vật hóa trong GuK. Triết học phê phán hiện đại Lukács nói đến ở đây là triết học khởi từ Kant (trong khung cảnh thời đại của Lukács, triết học tân-Kant đang ngự trị tư tưởng tây phương). Triết học này giới hạn trong việc tìm hiểu “những điều kiện khả hữu”(Bedingungen der Moglichkeit) của giá trị những hình thái ở đó hiện hữu biểu hiện, triết học này ở trong cùng một quan hệ với những khoa học đặc thù, như Lukács nhận định không vượt khỏi giới hạn của thế giới vật hóa, nghĩa là mất tổng thể, mất bản thể có năng động lịch sử. Ở đây mục tiêu của Lukács không phải đi trình bày một lịch sử về triết học hiện đại, nhưng muốn phác thảo mối liên hệ toàn bộ (Zusammenhang) giữa những vấn đề cơ bản của triết học này với cơ sở hữu thể khởi từ đó xuất phát những vấn đề này và nỗ lực quay về bằng phương tiện nhận thức.
     Trước tiên là viễn tượng thế giới, một thế giới vật hóa ở đó tính thuần lý như thế lý tính triển khai của thế giới tư bản tạo ra những bái vật, giá cả như thể sinh hoạt của con người. Khi đi phân tích triết học cận hiện đại, Lukács nhằm lý giải mặt khả hữu chủ quan của biện chứng về vật hóa. Những nghịch lý hàm chứa trong triết học này khởi từ Kant với khái niệm vật-tự-thân chỉ ra bản chất không thể xâm nhập của sự vật qua nhận thức và sự bất lực của những phạm trù nhận thức nhằm tổng hợp cái toàn thể thuần lý. Fichte và Hegel đã có những nỗ lực phá bỏ khái niệm chủ thể trong triết học thực tiễn của Kant trong biện chứng lịch sử khi cụ thể hóa chủ thể lịch sử, tuy nhiên cái khái niệm tinh thần dân tộc (Volkgeister) chỉ là công cụ của một tinh thần thế giới (Weltgeist) mang tính huyền hoặc. Nếu lịch sử là công trình của một chủ thể tuyệt đối thì nó xa lạ với lý trí nhân loại và làm vật hóa chủ thể là con người. Cho nên những nghịch lý trong tư tưởng tư sản dẫn đến những yêu cầu về một khái niệm thuần lý mới. Cũng như Marx và Engels đã nhận định là phong trào công nhân kế thừa di sản của triết học cổ điển Đức, Lukács khi đi phân tích triết học này đã chỉ ra phương pháp biện chứng là phương pháp thực sự đã thống nhất chủ thể và khách thể mà vai trò lịch sử của nó là giai cấp vô sản:
     Cái ưu thế lớn lao vượt khỏi Hegel được tạo bởi quan điểm khoa học của giai cấp vô sản thể hiện nơi chủ nghĩa Mác dựa vào việc từ chối xem trong những phạm trù phản ánh như một giai đoạn “thường trực” của tri thức nhân loại và trong việc nhấn mạnh đến điều là những phạm trù này thiết yếu cho mẫu mực của cả tư tưởng và đời sống trong xã hội tư bản, trong vật hóa tư tưởng và đời sống.(Der grosse Schritt, den der Marxismus als wissenschaftlicher Standpunkt des Proletariats hier uber Hegel hinaus vollzieht, besteht darin, dass er die Reflexionsbestimmungen nicht als eine “ewige” Stufe des Erfassens der Wirklichkeit uberhaupt, sondern als die notwendige Existential- und Denkform der burgerlichen Gesellschaft, der Verdinglichung des Seins und des Denkens begreift und damit in der Geschichteselbst die Dialektik entdeckt)
     Triết học cổ điển như Lukács chỉ ra là không thể giải quyết những nghịch lý, tuy nhiên sự liên tục của vận động này ít ra về mặt phương pháp đã khởi sự chỉ ra một con đường vượt khỏi những hạn chế, đó là “phương pháp biện chứng như một phương pháp lịch sử thực giành cho giai cấp có thể phát hiện trong nó trên cơ sở kinh nghiệm-đời sống chủ thể-khách thể đồng nhất vốn là, chủ thể của hành động, cái “chúng tôi” của khởi sinh: giai cấp vô sản.”(Die fortsetzung jener Wendung ihres Weges, die wenigstens methodisch uber diese Schranken hinauszuweisen begann, die dialektische Methode als Methode der Geschichte ist jener Klasse vorbehalten geblieben, dia das identische Subjekt-Objeckt, das Subjekt der Tathandlung, das “Wir” der Genesis von ihrem Lebensgrund aus in sich selbst zu entdecken befahigt war: dem Proletariate).
     Tại sao lại là vô sản? Bởi vì giai cấp vô sản đúng ở tiêu điểm của quá trình xã hội hóa. Trong khi lao động chuyển hóa thành hàng hóa, những yếu tố người đã bị tước đọat từ sự hiện hữu trực tiếp của giai cấp vô sản; mặt khác cũng sự phát triển này tiêu hủy mọi mối giây liên hệ hữu cơ với tự nhiên. Chính trong sự khách thể hóa, thuần lý hóa và vật hóa mọi hình thái xã hội đã làm nổi bật những quan hệ giữa người với người chỉ ra: một là, con người vốn là cơ sở cốt lõi của mọi quan hệ bị vật hóa chỉ được phát hiện khi thủ tiêu sự trực tiếp của những quan hệ này; hai là những biểu hiện này không phải là những cách thế tư tưởng mà là những hình thái trong đó xã hội tư sản hiện đại bị khách thể hóa, do đó sự xóa bỏ những biểu hiện này phải có tính cách thực tiễn; mặt khác thực tiễn này gắn liền với nhận thức. Nếu như Hegel quan niệm biện chứng là quá trình nội tại của siêu vượt, thì biện chứng ở đây không phải từ bên ngoài đưa vào lịch sử mà bắt nguồn từ lịch sử có ý thức và vô sản thể hiện quá trình ý thức này. Lukács nhận định, giai cấp vô sản như Marx đã nói chỉ việc giải phóng những thành tố của xã hội mới đã có mầm mống từ sự tan rã của xã hội tư bản, mặt khác phải đòi hỏi một thành tố mới, đó là ý thức của giai cấp vô sản phải trở thành hành động. Đối với giai cấp tư sản, thế giới vật hóa xuất hiện như thế vĩnh viễn, còn đối với giai cấp vô sản, vật hóa không là một hạn chế nhất định mà chỉ có tính lịch sử, với mối quan tâm là làm thế nào giải phóng chính nó. Cho nên sự hiện hữu xã hội của giai cấp vô sản hàm chứa khả năng khách quan siêu vượt lên trên vật hóa. Biến ý thức thành hành động một khi ý thức ở đây không phải là nhận thức về một khách thể dối lập mà là tự thức “đem lại một sự biến đổi cấu trúc khách quan trong đối tượng nhận thức” (vollbringt eine gegensatandlische struktive Veranderung am Objekt ihrer Erkenntnis). Lukács nhấn mạnh, chỉ có ý thức giai cấp thực tiễn của vô sản mới có khả năng biến đổi mọi sự:
     “Bất kỳ biến đổi nào cũng chỉ có thể là do hành động tự do của chính vô sản”(Diese Verwandlung selbst kann aber nur die - freie - Tat des Proletariats selbst sein),
     Lý luận biện chứng về ý thức giai cấp của Lukács đem lại điều gì mới cho chủ nghĩa Mác ? Như đã nói đến ở phần trên, khi phân tích hiện tượng vật hóa Lukács đã làm nổi bật một khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác về tha hóa, ngụy thức và khái niệm tổng thể là cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mặt khác ông đã phân tích những nét cơ bản trong lý luận về giai cấp xã hội mà Marx chưa triển khai trên bình diện hữu thể luận. Lukács xác định: giai cấp trở thành cả chủ thể lẫn đối tượng của nhận thức và trong đường lối đó đã nắm được lý luận trực tiếp và chính đáng trong quá trình cách mạng của xã hội. Lukács cũng phê phán Engels triệt để trong bài Chủ nghĩa Mác chính thống là gì? khi chỉ ra là Engels đã không nhìn ra mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể và khách thể trong quá trình lịch sử. Chính vì thế Engels đã sai lầm khi khai triển phương pháp biện chứng áp dụng vào lãnh vực tự nhiên, trong khi thực ra những thành tố cốt lõi của phương pháp biện chứng không có được từ nhận thức của chúng ta về tự nhiên (in der Naturerkenntnis nicht vorhanden sind). Do đó có sự khác biệt cơ bản giữa lý luận xã hội triệt để và khoa học tự nhiên: Lý tưởng nhận thức của khoa học tự nhiên đem áp dụng vào tự nhiên thực sự đã thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học. Nhưng khi đem áp dụng vào xã hội, nó trở mặt thành một vũ khí tư tưởng cho giai cấp tư sản.(Das Erkenntnisideal der Naturwissenschaften, das auf die Natur angewendet bloss dem Fortschritt der Wissenschaft dient, erscheint auf die gesellschaftliche Entwicklung gerichtet als ideologisches Kampfmittel der Bourgeoisie). Ở đây Lukács muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa phương pháp biện chứng với những chủ nghĩa duy vật thông tục, đặc biệt là chủ nghĩa Mác trong phong trào Quốc tế Hai. việc tách rời khoa học tự nhiên và xã hội, đi ngược với quan niệm của Engels, chịu ảnh hưởng sâu sắc Dilthey và nhiều nhà tư tưởng cùng thời đại. Tuy nhiên trong phần cuối tiểu luận Vật hóa và Ý thức vô sản Lukács trở lại quan điểm của Hegel khi phân định biện chứng tíêu cực với biện chứng tích cực, do đó thiết yếu diễn giải sự tách rời những biện chứng khách quan của tự nhiên với biện chứng của xã hội, bởi vì “trong biện chứng của xã hội chủ thể được bao gồm trong quan hệ hỗ tương, trong đó lý luận và thực tiễn trở thành biện chứng khi đối chiếu lẫn nhau”. Để giải quyết nghịch lý này, Lukács quan niệm “tự nhiên là một phạm trù xã hội”(Natur ist eine gesellschaftliche Kategorie) trong Chức năng biến đổi của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho nên trong đoạn dẫn trên, ông ghi nhận sự phát triển của nhận thức về tự nhiên là một hiện tượng xã hội và như vậy bao gồm trong loại biện chứng xã hội. Một quan niệm như vậy giả định là khoa học tự nhiên như một tri thức gắn liền với xã hội, ở đây là xã hội bị vật hóa - một khi thủ tiêu được hiện tượng vật hóa tất phải có một khoa học mới? Sự biến đổi xã hội cũng như giải quyết những “nghịch lý của tư tưởng tư sản” không thể chỉ bằng một lý luận khác, mà phải nhờ vào cách mạng xã hội cách mạng vô sản để giải quyết những vấn đề tri thức này?

Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Những người Mác-xít như Lukács, Louis Althusser đều coi Marx đã xây dựng một lý luận mới về lịch sử làm cơ sở cho chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tuy nhiên sự khác biệt trong quan niệm thế nào là lịch sử đã phân định rõ rệt hai hướng đi của những người thừa kế Marx: một bên là những người chịu ảnh hưởng phương pháp biện chứng Hegel, một bên là những người phủ nhận biện chứng Hegel.
   Trong xu hướng thứ nhất, phải kể Lenin, Lukács, K. Korsch, E. Bloch, Henri Lefebvre, Kojève, H. Marcuse với quan điểm không có biện chứng pháp Hegel, không thể có chủ nghĩa duy vật lịch sử Mác-xít. Có thể nói đặc điểm chung của chủ nghĩa Mác phương tây là bắt nguồn từ mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác với Hegel, như Iring Fetscher đã nhái một câu nói của Fichte: "hãy nói cho tôi biết bạn xác định quan hệ giữa Marx và Hegel ra sao, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đã theo loại chủ nghĩa Mác nào".
   Trong xu hướng thứ hai, những người Stalinít như R.O. Gropp, những người Mácxít Ý như G. Della Volpe, Lucio Coletti hay theo cấu trúc luận như Louis Althusser lý giải trong khi phê phán Hegel, Marx đã đối lập với tư tưởng của Hegel. Della Volpe trong Khoa luận lý như một khoa học thực nghiệm/Logica come scienza positiva trích dẫn lời Lenin trong Những người bạn dân là gì và họ đã chiến đấu những người dân chủ xã hội ra sao? đả kích "những lý luận về triết học lịch sử [của những tư tưởng tư sản Anh và tiểu tư sản dân chủ Nga] bùng lên và nổ như những bọt xà bông...[trong khi] Marx đã thực hiện bước tiến vĩ đại trong việc nhận thức được những mối quan hệ xã hội thực rõ ràng ở chỗ ông đã loại bỏ những lý lẽ của họ về xã hội và tiến bộ nói chung trong khi xây dựng một phân tích khoa học về một xã hội và một tiến bộ - tư bản chủ nghĩa", và chống lại lý luận của những nhà duy vật vẫn còn xây dựng phép biện chứng trên cơ sở tam thế [đề-phản đề-hợp đề] là tàn tích của chủ nghĩa Hegel. Della Volpe khái quát phê phán của Marx về phương pháp biện chứng huyền hoặc nơi Hegel đã chỉ ra, một là khái niệm về cái thống nhất nguyên ủy là tiêu chuẩn cơ bản giáo điều của biện chứng Hegel (vì nó dẫn đến khái niệm về một cái thống nhất hình thức, trừu tượng chỉ tạo ra phức hợp hình thức trong quá trình hủy thể của hủy thể), hai là quan niệm giáo điều này về cái thống nhất bất động, thần học huyền bí không là gì khác hơn một phân rã triết lý của thế giới kinh nghiệm. Do đó cần có một biến đổi triệt để trong phương pháp triết lý. Lucio Coletti lý giải nếu Marx có rút ra được những bài học từ nơi Hegel, đó là một cảm quan sâu sắc về sự thống nhất của quá trình luận lý và quá trình thực, nghĩa là nguyên lý về thống nhất của tư duy và hữu thể, điều mà Hegel đã ngăn trở từ khởi đầu về sự khu biệt thực sự. Trong Chủ nghĩa Mác và Hegel/Il Marxismo e Hegel Coletti phê phán quan niệm về "biện chứng vật chất" mà Engels và Lenin lý giải trên tư tưởng Hegel vì khi Lenin thử đọc Hegel trên "bình diện duy vật" ngay trên vị trí mà Hegel phủ nhận vật chất - một sai lầm đã làm cơ sở cho gần một thế kỷ lý luận của chủ nghĩa Mác.
   Louis Althusser cũng bắt đầu từ Những người bạn dân là gì của Lenin như Della Volpe khi khẳng định "phương pháp của Marx là đối lập trực diện với phương pháp của Hegel" và sự phi lý của những luận điểm nào quy kết chủ nghĩa Mác vào phép biện chứng của Hegel. Trong những tác phẩm Vì Marx (Pour Marx 1965), Đọc Tư bản (Lire le Capital 1965/68), Lenin và triết học (Lénine et la philosophie 1969) và bài thuyết trình Về quan hệ Marx với Hegel trong Hội luận của Jean Hyppolite năm 1968 Althusser đưa ra năm đề cương nói về mối hợp nhất giữa phong trào công nhân và lý luận mác-xít, phát hiện khoa học của Marx trong xây dựng một khoa học lịch sử làm biến đổi triết học và sự đoạn tuyệt của Marx với chủ nghĩa nhân bản lý thuyết. Những kết luận về một cuộc cách mạng trong khoa học như Marx đã hình thành nên một khoa học lịch sử khả hữu trên phương diện hình thức và cách mạng trong triết học khi chỉ ra khái niệm lịch sử như một quá trình không chủ thể, không phải ngẫu nhiên mà là những thành tựu qua một diễn tiến trí thức lâu dài.
   Thật vậy, khởi sự của luận điểm phủ nhận vai trò của Hegel trong quan hệ tư tưởng với Marx và Lenin là công trình đọc và nghiên cứu rốt ráo về tư tưởng của Hegel. Louis Althusser khởi thảo một luận án Về nội dung trong tư tưởng của Hegel vào năm 1947.
Được đào tạo trong trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm, Althusser đã chịu ảnh hưởng của những người thày như J. Hyppolite và đặc biệt là Trần Đức Thảo làm trợ giáo (caiman) trong thời gian Althusser theo học với những bài viết như Biện chứng Hegel và nội dung thực của nó đăng trong Les Temps Modernes (1948). Thảo quan niệm "chính vì nội dung trong tư tưởng Hegel bao dung hầu như toàn bộ lịch sử thế giới bắt nguồn chủ yếu từ thực tại khách quan và nói cho cùng hàm ngụ một chủ nghĩa duy vật dấu mặt mà Hegel có thể phát triển quan niệm về chuyển biến và phương pháp biện chứng làm những tiền đề thực sự cho tư tưởng mác-xít."(C est précisement parce que le contenu de la pensée hégélienne, enveloppant la presque totalité de l histoire mondiale, tire son origine essentiellement de la réalité objective et implique en dernière analyse un matérialisme caché que Hegel a pu élaborer la conception du devenir et la méthode dialectique, qui furent les prémisses de fait de la pensée marxiste). Trong luận án nói trên, Althusser muốn chỉ ra rằng mặc dầu vào thời đại ông "Hegel sống lại trong chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện sinh và phát-xít, còn cái hình xác những chân lý của Hegel chỉ là cái thi thể trong lịch sử phơi bày sự tan rữa của nó như một hiện hữu không có khái niệm , một nội dung không hình thức". Nỗ lực cách mạng trong phong trào mác- xít có thể coi như sự tái chiếm "những phạm trù kinh tế bằng gia bội vật chất nhân tính nghĩa là chiếm hữu hình thức bằng nội dung". Đó là lý do phong trào mác-xít là một chủ nghĩa duy vật, chủ trương vật chất ngự trị, "nhưng đồng thời cũng là một chủ nghĩa nhân bản, vì vật chất này là vấn đề người, chiến đấu chống những hình thái phi nhân". Tuy nhiên Althusser tiên liệu khi kết luận là tương lai ở nơi những vận động bí mật của nội dung hiện tại, hãy còn trong toàn vùng tăm tối cần được soi sáng.
   Từ năm 1950 sau khi gia nhập đảng cộng sản, Althusser đưa ra một cái nhìn phê phán về hiện tượng trở về với Hegel khi nhận xét là những lý giải tư sản về Hegel trong hình thái tạo biện chứng trở thành huyền hoặc nhằm biến dạng cái hiện hữu khả dĩ có thể gọi nô dịch là tự do, bóc lột là lương tri, gây chiến là bảo vệ con người, thậm chí nhìn nhận chiến tranh bạo động là cơ sở chân thực của biện chứng huyền hoặc. Althusser bài bác những luận điểm phục hồi ảnh hưởng của Hegel trong chủ nghĩa Mác và đưa ra một lý luận xây dựng chủ nghĩa Mác hoàn toàn lại bỏ những đối chiếu với học thuyết của Hegel. Ông lý luận:
   "Con người đi bằng đầu, rốt cuộc đi bằng chân cũng vẫn cùng là một người! Và một triết học dẫu có đảo ngược chỉ có thể coi không gì khác hơn triết học nghịch đảo bởi một ẩn dụ lý luận: quả thực cấu trúc của nó, những vấn đề, ý nghĩa của những vấn đề của
nó vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi cùng vấn tính đề ra (même problématique)."
   Để giải quyết những nghịch lý đề ra ngay trong những bản văn của Marx như vấn đề "hạt nhân hợp lý", "vỏ huyền bí" khi liên hệ đến triết học và biện chứng Hegel, Althusser quan niệm phải có "một sự đoạn tuyệt lớn lao với những nguồn gốc, một cuộc đấu tranh anh hùng chống lại những ảo tưởng Marx thừa kế từ nước Đức nơi ông sinh ra". Cái vấn tính Althusser nói đến là cấu trúc tiềm tàng xác định cái thống nhất của một hệ tư tưởng mà sự tách rời một nhân tố cá thể sẽ làm sai lạc ý nghĩa của nó. Sự đoạn tuyệt với tư tưởng "thời Marx trẻ", Althusser gọi là một "đoạn tuyệt nhận thức", nhờ đó Althusser có thể quan niệm khác biệt giữa lý luận của Marx và biện chứng Hegel có tính cách nội tại, nghĩa là một đằng thuần lý còn một đằng là huyền hoặc. Như vậy cấu trúc của biện chứng mác-xít khác với biện chứng của Hegel: những cấu trúc cơ bản của biện chứng Hegel như hủy thể, hủy thể của hủy thể, tính đồng nhất giữa những mặt đối lập, mâu thuẫn... nơi Marx có một cấu trúc hoàn toàn khác. Lấy một thí dụ như khái niệm về mâu thuẫn như luận điểm của Lenin về nước Nga là khâu yếu nhất trong chuỗi những nước đế quốc là vì "nó tích tụ một lượng số lớn nhất những mâu thuẫn có thể khả hữu"(elle cumulait la plus grande somme de contradictions alors possibles). Sự khác biệt giữa mâu thuẫn trong biện chứng Hegel với Marx ở chỗ một đằng đơn giản, còn một đằng có tính siêu quyết định (surdéterminé):
   "Mâu thuẫn không thể tách rời với cấu trúc của toàn thể bộ phận xã hội mà nó diễn ra trong đó, không thể tách rời với những điều kiện hình thức về sự hiện hữu của nó cũng như ngay chính những trường hợp nó chi phối,...nó cũng bị ảnh hưởng bởi những trường hợp và điều kiện này ngay trong lòng mâu thuẫn, xác định và bị xác định trong cùng một vận động, và bị xác định bởi những mức độ khác nhau và những trường hợp khác nhau trong hình thái xã hội mà nó điều động: có thể nói nó bị siêu quyết định trong nguyên tắc của nó."(La contradiction est inséparable de la structure du corps social tout entier, dans lequel elle s exerce, ins“parable de ses conditions formelles d existence, et des instances même qu elle gouverne,...elle est donc elle-même, en son coeur, affectée par elles, déterminante mais aussi déterminée dans un seul et même mouvement, et déterminée par les divers niveaux et les divers instances de la formation sociale qu elle anime: nous pourrions la dire surdéterminée dans son principe).
   Trong thí dụ đề cập nơi trên, Althusser nhận định Lenin đã đúng khi nhận ra những điều kiện khách quan của cuộc cách mạng Nga vì trong hoàn cảnh cách mạng, Nga là khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích đế quốc, đồng thời nó cũng là nước lạc hậu và tiên tiến nhất, nên một mâu thuẫn lớn lao không thể tránh khỏi cũng như không thể giải quyết, giữa một cuộc cách mạng tư sản xảy ra ngày hôm trước cách mạng vô sản, thúc đẩy những điều kiện chủ quan để thực hiện hai cuộc cách mạng. Toàn bộ kinh nghiệm cách mạng mác-xít chứng tỏ mâu thuẫn chung như mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất hiện thể nơi mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng tự nó không đủ để tạo cách mạng, cho nên tất yếu nó phải phối hợp với những mâu thuẫn khác trong một thể thống nhất cấu tạo bởi chính bản chất và kỳ thành của chúng. Mọi mâu thuẫn trong một hình thái xã hội đều có tính siêu quyết định như thế. Mâu thuẫn của Hegel không bao giờ thực sự có tính siêu quyết định vì những hình ảnh của ý thức và những thế giới tiềm tàng tương ứng với những hình ảnh này không là những xác định kỳ thành khác biệt với ý thức mà chỉ là "những tiếng vọng của những gì nó trở thành như thể những dự kiến của chính nó". Lấy thí dụ ngay trong chính Triết học về Lịch sử của Hegel. Mọi xã hội lịch sử được cấu tạo bởi vô số những tất định cụ thể, từ luật lệ chính trị đến tôn giáo qua mọi thể chế kinh tế, phong tục, giáo dục, văn nghệ...nhưng những tất định này chủ yếu không ở ngoài những cái khác vì tất cả cấu thành một tổng thể cơ hữu, được phản ánh trong một nguyên lý tự nội duy nhất, là chân lý của những tất định cụ thể này. Sự giản lược tổng thể này vào một nguyên lý tự nội duy nhất chỉ khả hữu trên điều kiện tuyệt đối là làm tha hóa (Entausserung-Entfremdung) toàn bộ đời sống cụ thể của một dân tộc vào một nguyên lý tinh thần tự nội, hình thái trừu tượng nhất của ý thức của thời đại, chính là hệ tư tưởng của nó. Đó là lý do tại sao cái "vỏ huyền bí" tác động vào "hạt nhân" cũng như tại sao Hegel có thể biểu thị lịch sử hoàn vũ từ cổ đại phương Đông đến hiện tại có tính "biện chứng" điều động bởi một nguyên lý mâu thuẫn "đơn giản". Theo Althusser, Hegel giải thích đời sống vật chất, lịch sử cụ thể của mọi dân tộc bằng một biện chứng của ý thức, trong khi đối với Marx, đời sống vật chất của con người giải thích lịch sử của họ. Với Hegel, chính trị-tư tưởng là bản chất của kinh tế còn đối với Marx, kinh tế là bản chất của chính trị-tư tưởng. Marx không còn sử dụng những từ ngữ theo kiểu Hegel nữa mà cả từ ngữ lẫn quan hệ đều biến đổi từ bản chất lẫn ý nghĩa. Do đó những khái niệm về xã hội công dân không xuất hiện trong tác phẩm của Marx nữa, thực tại kinh tế trừu tượng chỉ là hậu quả của một thực tại cụ thể sâu sắc hơn, đó là phương thức sản xuất của một hình thái xã hội nhất định. Mức độ phát triển của những lực lượng sản xuất, tình trạng của những quan hệ sản xuất từ nay là những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác, cũng như khái niệm về giai cấp xã hội biến đổi bản chất của Nhà nước, bởi đây là công cụ của giai cấp thống trị.Cho nên những khái niệm như "đảo nghịch"(Verkehrung), "thăng hoa"(Aufheben) không mang cùng ý nghĩa nơi Hegel và Marx. Với tính siêu quyết định của bất kỳ mâu thuẫn và nhân tố cấu thành nào của một xã hội hàm ý là một cách mạng trong cấu trúc tự bản thân không biến đổi những thượng từng cấu trúc và đặc biệt là những hệ tư tưởng cùng lúc vì chúng có đủ kiên trì để tồn tại, cũng như xã hội mới do Cách mạng tạo ra có thể vẫn bảo đảm sự tồn tại của những nhân tố này thông qua những thượng từng cấu trúc và những "hoàn cảnh" mới. Một sự phục hoạt như vậy hoàn toàn không thể quan niệm được bởi một biện chứng không có tính siêu quyết định.
   Để kết thúc cho bài viết về Mâu thuẫn và siêu quyết định trong tập Vì Marx, Althusser nghĩ là một quan niệm chân xác về những khái niệm và sự phát triển của chủ nghĩa Mác cần phải thoát ra những bóng ma, mà "hơn bao giờ hết phải nhìn thấy trong hiện tại một trong những bóng ma đầu tiên là bóng ma Hegel. Cần phải thêm một chút ánh sáng nữa trên Marx để cho bóng ma này trở lại đêm tối."(plus que jamais il importe de voir aujourd hui qu un des premiers fantômes est l ombre de Hegel. Il faut un peu plus de lumière sur Marx, pour que ce fantôme retourne à la nuit).
  Sau khi đã loại ảnh hưởng của Hegel khỏi chủ nghĩa Mác, có nghĩa là ảnh hưởng của những tư trào thời đại với những lý luận về tha hóa, nhân bản, Althusser muốn chứng tỏ về mặt lý luận "chủ nghĩa Mác từ cùng một vận động cũng như từ cơ sở đoạn tuyệt nhận thức là một chủ nghĩa chống nhân bản, chống duy sử". Ông coi Spinoza là tiền nhân duy nhất trực tiếp của Marx khi ông chỉ ra là Marx đã áp dụng lối nghiên cứu thuần lý, toán học vào nghiên cứu xã hội, phân biệt đối tượng của tư duy với đối tượng thực (Spinoza đã cảnh báo chúng ta là đối tượng của nhận thức tự nó tuyệt đối phân biệt với đối tượng thực, như ý tưởng của vòng tròn, là đối tượng của nhận thức thì không thể lẫn lộn với vòng tròn, vốn là đối tượng thực). Althusser dẫn ra trong Grundrisse của Marx, phê phán
"Hegel rơi vào ảo tưởng quan niệm cái thực (das Reale) là kết quả của tư tưởng tự thâu tập, tự đào sâu và tự vận động nơi tự thân, trong khi phương pháp đi từ trừu tượng lên đến cụ thể mới chính là phương thức để tư duy chiếm hữu cái cụ thể và tái sản xuất nó như một cụ thể tinh thần (Hegel geriet daher auf die Illusion das Reale als Resultat des sich in sich zusammenfassenden, in sich vertiefenden, und aus sich selbst sich bewegenden Denkens zu fassen, wahrend die Methode vom Abstrakten zum Konkreten aufzusteigen, nur die Art fur das Denken ist, sich das Konkrete anzueignen, es als ein geistig Konkretes zu reproduzieren. Grundrisse der Kritik der Politischen Oekonomie). Để chống lại sự lẫn lộn này, Marx chủ trương phân biệt giữa đối tượng thực (objet réel) (cái tổng thể thực tồn tại trong sự độc lập của nó, trước cũng như sau, bên ngoài đầu óc) với đối tượng của nhận thức, sản phẩm của tư duy tạo ra nó trong chính nó như một tư duy-cụ thể (Gedankenkonkretum), như một tư duy-tổng thể (Gedankentotalitat), nghĩa là như một đối tượng của tư duy (objet de pensée), tuyệt đối phân biệt với đối tượng thực.
  Để đọc Marx, Althusser đề nghị một cách đọc mới, ông gọi là đọc theo triệu chứng (lecture symptômale) để chống lại kiểu đọc văn chỉ thấy trong những lý lẽ sự liên tục của bản văn. Khái niệm này Althusser mượn lại của Freud (trong phân tâm học, đó là cách lý giải những giấc mộng và những hiện tượng trong khoa tâm trị liệu của đời sống hàng ngày) vì đọc không phải đi kiểm tra và nhìn mà là xây dựng lại những điều kiện của chính thị giác trong trường của một vấn tính và ghi nhận những nguyên nhân cấu trúc (causes structurales) của giới hạn cũng như sự triển khai của nó:"Chỉ kể từ Freud, chúng ta mới bắt đầu nghi ngờ điều gì nghe cũng như nói (và giữ im lặng) muốn nói gì; và cái muốn nói (vouloir dire) này của nói và nghe vén mở bên dưới cái vô tội của nói và nghe là cái chiều sâu tội lỗi của một diễn ngôn thứ hai, hoàn toàn khác, diễn ngôn của vô thức". Vì vậy trong Đọc bộ Tư bản Althusser ghi nhận:
   "Marx không suy nghĩ về mặt lý luận, dưới một hình thức chính đáng và phát triển, khái niệm và những hàm ngụ lý luận trong tiến trình cách mạng về mặt lý luận."
   Trong tác phẩm này của Marx có những chỗ khuyết, "những lầm lẫn lý thuyết" cho nên:
   "Cần một bản đọc có triệu chứng để những lầm lẫn này dễ nhận ra và để nhận diện" cái diễn ngôn hiển lộ của bản văn là cái diễn ngôn thầm lặng liên kết những "triệu chứng" của vô thức chôn dấu dưới mặt diễn ngôn đầu. Ông phân biệt hai trình độ đọc Marx,
"không những chỉ ở điều Marx nói mà ở điều Marx làm, chúng ta có thể nắm được sự chuyển nhượng từ một ý tưởng và thực tiễn của việc đọc ban đầu sang một thực tiễn đọc mới, cũng như sang một lý luận về lịch sử khả dĩ cung cấp cho chúng ta một lý luận mới về đọc". Cho nên khi Marx đọc Smith hay Ricardo, không phải ông chỉ nhìn ra những quan điểm của họ mà Marx đưa ra một chiều hướng phương pháp luận mới: phê phán, "phê phán kinh tế chính trị học ở đây không có nghĩa là phê phán hay sửa đổi một vài điều không chính xác hoặc một vài chi tiết trong khoa học này...mà là đối đầu nó với vấn tính mới và đối tượng mới, nghĩa là tra hỏi chính đối tượng của kinh tế chính trị học."
   Điều đó có nghĩa là mở ra một con đường mới trong việc đặt những vấn đề. Althusser muốn nói đến bản chất sai biệt của đối tượng khi nhận định:"Sự sai biệt này của đối tượng chủ yếu nằm trong nguyên tắc khu biệt cái thực và tư duy" ngõ hầu "thủ tiêu tất cả những gì cho phép lẫn lộn cái thực với cái được tư duy". Khoa học theo quan điểm của Althusser không phải là "phản ánh" đơn giản của thực tại mà là một quá trình diễn ra trong tư duy và mối quan hệ của nó với thực tại là một quan hệ của nhận thức. Ông xác định triết học là "điều kiện tri thức của chính đối tượng của một khoa học/condition d intelligibilité de l objet même d une science." Triết lý có nghĩa là nghiên cứu trong những điều kiện nào và theo những điều kiện nào những vấn đề khoa học được đặt ra.
   Bộ Tư bản đối với phái Althusser là một lý luận khoa học về kinh tế chính trị bởi nó bao hàm toàn bộ triết học mác xít vì như chính Marx khẳng định:"phương pháp phân tích của (ông) không khởi sự từ con người mà từ giai đoạn xã hội nhất định về mặt kinh tế". Cho nên phải xây dựng khái niệm mác xít về lịch sử khởi từ "quan niệm mác xít về toàn bộ xã hội". Duy có điều phân biệt với quan niệm toàn bộ xã hội hiểu theo những người phái Hegel như Lukács, toàn bộ đây là "một toàn bộ mà đơn vị thống nhất được cấu thành bởi một loại phức thể, đơn vị của một toàn bộ được cấu trúc, bao gồm những gì có thể gọi là những trình độ hay trường hợp khác nhau và tương đối tự trị cùng tồn tại trong nhất thể cấu trúc phức hợp này, trong khi kết hợp với nhau theo những phương thức xác định đặc biệt, rốt cuộc được cố định qua trình độ hay trường hợp của kinh tế."
   Điều đó có nghĩa là đối với mỗi phương thức sản xuất, có một thời điểm và một lịch sử riêng về phát triển những lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất, về chính trị, triết học, khoa học v.v...Mỗi lịch sử này có nhịp điệu đặc thù của nó, nhưng kết hợp phụ thuộc vào toàn bộ. Một khái niệm lịch sử như vậy có tính sai biệt, nói theo ngôn từ của Althusser là điểm chiến lược số một của triết học mác-xít, như ông xác định trong bài thuyết trình tại Hội luận nói đến ở trên là:
   "Tương lai của khoa học chiến lược số một của thời đại mới là khoa học về lịch sử và tương lai của triết học gắn liền với khoa học này là chủ nghĩa duy vật biện chứng."
   Trong quan điểm của Althusser, chủ nghĩa Mác bao gồm hai bộ phận: khoa học là chủ nghĩa duy vật lịch sử và triết học là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo đề cương thứ ba, Marx đã xây dựng một khoa học mới: khoa học lịch sử về những hình thành xã hội, đánh dấu một đại lục mới, nếu xét trên phương diện không gian lý luận, so với đại lục toán học của người hy lạp, và đại lục vật lý của Galilée. Tiếp theo đề cương thứ tư, Althusser nhấn mạnh: Mọi phát hiện khoa học lớn đều gây ra một chuyển biến lớn trong triết học như khai sinh ra triết học cổ đại trong đại lục thứ nhất, triết học mới với Descartes trong đại lục thứ hai. Cho nên "triết học mác-xít hay chủ nghĩa duy vật biện chứng không thể trì trệ đối với khoa học lịch sử". Như vậy phát hiện khoa học của Marx ở chỗ nào?
   "Không phải con người làm ra lịch sử...mà là quần chúng trong những quan hệ đấu tranh giai cấp", nói đúng ra những quan hệ đã vượt khỏi tầm mức của những cá thể thực nghiệm. Chính vì vậy, Engels hay Lênin không đặt để những vấn đề theo nghĩa lịch sử cá thể mà là lịch sử của những lý luận trên một khán trường với ba nhân vật: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp.
   Nhân vật ở đây như những khái niệm nhân vật của Deleuze-Guattari không phải là con người mà là nhân vật lý luận. Lần đầu tiên Về quan hệ của Marx với Hegel trong những bài viết của Althusser cũng như Trả lời John Lewis, Althusser nói đến quan niệm lịch sử như một quá trình không chủ thể. Ông biện luận như sau: Đối với Hegel, lịch sử là một quá trình tha hóa, nhưng quá trình này không có con người làm chủ thể mà là tha hóa của Tinh thần.
Chủ thể nếu có chính là viễn đích luận (téléologie) của quá trình. Khi bỏ đi quan niệm viễn đích này thì chỉ còn một phạm trù triết học Marx kế thừa Hegel, đó là phạm trù quá trình không chủ thể.
Song kế thừa này chỉ có tính cách hình thức vì xét đến những điều kiện trong quá trình lịch sử thì Marx không chịu ảnh hưởng Hegel khi ông nhận thức là chỉ có quá trình dưới dạng những quan hệ: những quan hệ nói đến ở đây là những quan hệ sản xuất, hay những quan hệ khác như quan hệ chính trị, quan hệ tư tưởng...
   Những quan hệ sản xuất này không thể giản lược vào quan hệ của con người, vì theo Althusser như thế là làm tổn thương tư tưởng của Marx vì cái sâu sắc trong tư tưởng này chứng tỏ "những quan hệ sản xuất không thể giản lược vào mọi liên chủ thể nhân học
- vì chúng kết hợp những tác nhân và đối tượng trong một cấu trúc đặc thù của phân phối quan hệ, địa điểm và chức năng do những đối tượng và tác nhân sản xuất này chiếm giữ". Ông ví kinh tế như một khán trường không tác giả.
   Để biện minh cho một quan niệm đặc sắc này khi chứng tỏ chủ nghĩa Mác có tính chống nhân bản, Althusser dẫn những chứng cớ như trong những bài viết cuối đời của Marx, Những ghi chú bên lề tác phẩm "Lehrbuch der politischen Ökonomie" của Adolph Wagner, Marx viết: Phương pháp phân tích của tôi không khởi sự từ con người nhưng từ giai đoạn xã hội nhất định về mặt kinh tế. Cũng như trong bộ Tư bản, Marx dùng từ Traeger để chỉ con người không là gì khác hơn trợ cụ của những quan hệ sản xuất, hay nhân cách hóa những quan hệ sản xuất xã hội này như một đoạn trong Tư bản: những nhân vật xuất hiện trên sân khấu kinh tế chỉ là những nhân cách hóa quan hệ kinh tế hiện hữu giữa chúng với nhau". Theo Althusser, như vậy không phải con người mà là những quan hệ sản xuất phân phối những vai trò cho con người thực hiện. Chính từ quan niệm này, Althusser được coi như một đại biểu của tư trào cấu trúc luận của thời đại có đặc tính chung là chống nhân bản, loại bỏ những quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh hay trường phái tân Hegel về một biện chứng dựa trên vai trò chủ thể là người.  
   Lịch sử có phải là một huyền thoại phương tây, như một nhà phê bình, Vincent Descombes nhận xét. Một phát biểu như vậy là một phê bình lịch sử, hiểu theo nghĩa của xu hướng hiện sinh trong chủ nghĩa Mác liên kết giữa sự tồn tục những biến cố của nhân loại từ lúc có lịch sử đến tận cùng của lịch sử với kinh nghiệm chủ quan của cá thể. Điều đó có nghĩa là chân lý của đấu tranh giai cấp và lẽ tất yếu của cách mạng dựa trên kinh nghiệm cá thể khi ý thức hiện hữu mang tính cách bóc lột hay bị bóc lột và việc tự do lựa chọn mang ý nghĩa đấu tranh diễn ra giữa những ý thức chống hay theo xã hội dựa trên sự nhìn nhận phổ biến. Một quan niệm như vậy không phải chỉ riêng Althusser mà nhiều nhà lý luận cấu trúc luận khác như Lévi-Strauss phê phán loại bỏ. Althusser muốn chỉ ra là có sự phân cách giữa kinh nghiệm (ông gọi là ý thức hệ biểu hiện mối quan hệ sống của con người cá thể với những điều kiện sinh tồn) và nhận thức, sự đối lập giữa ý thức và khái niệm. Khi phân biệt chủ nghĩa duy vật lịch sử như một khoa học với chủ nghĩa duy vật biện chứng như một triết học xây dưng khoa học này, chủ ý của Althusser là chỉ ra điều là triết học phải đáp ứng diễn ngôn khoa học. Ông gọi đó là lý luận thực tiễn. Vòng luẩn quẩn trong lý luận này làm thế nào giữ được tính cách biện chứng trong khi phủ nhận sự kế thừa biện chứng Hegel ngay trong lý luận bộ Tư bản của Marx. Mặt khác Althusser cũng nhìn nhận vòng luẩn quẩn của việc đọc theo triết lý bộ Tư bản chỉ khả hữu như một áp dụng nó chính là đối tượng của việc nghiên cứu triết học mác xít. Đọc Tư bản của Althusser và những người theo ông là một lý giải, nhưng nói như Foucault "lý giải không bao giờ mang đến một chung cuộc, chỉ vì không có gì để lý giải". Những tiền đề của Althusser nằm trong cái chung là tổng thể duy vật lịch sử, nói đến trong chương kế tiếp.



Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Marx là một trong những khuôn mặt lớn ngự trị thế giới tư tưởng thế kỷ XX. Tuy nhiên, so với những nhà tư tưởng khác, vị thế của Marx hơn hẳn vì tư tưởng Marx gắn liền với một chủ nghĩa - chủ nghĩa ấy lại được chuyên chở qua một chính đảng thống trị hơn một phần ba địa chí chính trị gần một trăm năm (đến tận cuối-thế-kỷ/1990, không kể đến sự tồn tục của một số quốc gia sẽ nói đến ở chương sau). Cho nên Mihailo Markovíc, một trong những triết gia của Trường Hạ Korcula và tạp chí Praxis vào những thập niên 60s đã phát biểu: "Khi lý luận của Marx trở thành hệ tư tưởng của cả một phong trào quốc tế đầy quyền lực, và để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này thì nó phải chịu vật hóa và mang những phẩm chất huyền thoại thiêng liêng không được xúc phạm." Hệ tư tưởng ấy thống trị suốt chiều dài lịch sử thế kỷ, cho nên khi đặt vấn đề cáo chung của lịch sử nổi lên từ một số những nhà lý luận vào cuối thế kỷ như Lutz Niethammer, Francis Fukuyama, Perry Anderson, Keith Windschuttle đều hàm ngụ sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - hợp đồng với sự sụp đổ của "chế độ cộng sản". Như vậy còn có thể nói đến Marx? 
Câu hỏi có thể bắt đầu từ một thách đố: Trong phần dẫn nhập Về vấn đề phương pháp của cuốn Phê phán lý trí biện chứng xuất bản vào năm 1960, Jean-Paul Sartre cho rằng nếu triết học phải là tổng thể hóa của tri thức, phương pháp, tư tưởng điều hợp, vũ khí tấn công và cộng đồng ngôn ngữ thì chỉ có ba thời kỳ sáng tạo triết học: "thời" của Descartes và Locke, của Kant và Hegel, và sau cùng là "thời" của Marx. Theo ông, những triết học sau Marx, chống Marx hay vượt Marx chỉ là trở lại thời tiền Marx, kể cả xu hướng "xét lại" cũng chỉ là vòng luẩn quẩn phi lý. Chính ông coi tư trào hiện sinh cũng chỉ như một giai đoạn cá thể nằm trong cái tổng thể của chủ nghĩa Mác. Quan điểm này của Sartre mang tính kinh viện, đưa ra vào lúc cấu trúc luận đang ngự trị trên diễn đàn tư tưởng như mở đường cho tư tưởng khai phá mọi lĩnh vực nhân văn. Tuy nhiên Sartre xác tín lý giải duy nhất có giá trị về Lịch sử là chủ nghĩa duy vật lịch sử: "Chủ nghĩa Mác là chính Lịch sử chuyển biến ý thức chính nó, nếu nó có giá trị là vì nội dung vật chất của nó, điều không phải tra hỏi cũng như có thể tra hỏi." 
Vấn đề đặt ra là dựa trên cơ sở nào chủ nghĩa duy vật lịch sử có thể xác định sự hiển nhiên của chính nó? Làm thế nào nhận thức được một Lịch sử duy nhất khả hữu? 
Trước hết, xét xem nhận định dẫn trên của Sartre có xác đáng? Hỏi như vậy có nghĩa là xét xem Marx có phải là một triết gia theo đúng nghĩa của nó? Gajo Petrovíc đã đặt lại vấn đề khi bàn về chủ nghĩa duy vật biện chứng và triết lý Karl Marx. 
Trong những tranh luận về vấn đề Marx có là một triết gia đúng nghĩa có thể chia ra theo những luận cứ như: Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx viết là "khi miêu tả thực tại, triết học như một nhánh độc lập của hoạt động đã mất trung gian tồn tại", và sau đó Marx đã ngừng làm công việc triết lý mà chú trọng đến việc nghiên cứu kinh tế, lịch sử, chính trị và những công tác thực tiễn cách mạng. Theo Petrovíc, ngay trong thời kỳ viết Tư bản, ông vẫn sử dụng cách diễn đạt triết lý. Có luận cứ cho rằng Marx quan niệm không thể thủ tiêu thân phận vô sản nếu không thực hiện triết học, song triết học chỉ thực hiện khi thủ tiêu chính nó, thực hiện toàn diện triết học hàm nghĩa cáo chung của lịch sử. Luận cứ thuyết phục nhất là Marx đã phê bình những nhà triết học chỉ đi giải thích thế giới thay vì phải biến đổi nó. Có phải ý định căn bản của Marx là lao vào thực tiễn cách mạng biến đổi? Như vậy nếu coi Marx là triết gia, phải chăng làm giảm tính mới mẻ chủ yếu trong thông điệp của ông? Petrovíc kết luận: "Tính mới mẻ trong tư tưởng của Marx cũng như trong toàn bộ chắc chắn bị xâm phạm do đòi hỏi triết học dứt khoát phải thực hiện và thủ tiêu . Một hòa giải nhất định của tư tưởng và thực tại chỉ khả hữu như một đầu hàng dứt khoát của tư tưởng cách mạng trước thực tại phản động. Thủ tiêu triết học nhất định chỉ có thể tưởng tượng được như một chiến thắng nhất định của những lực lượng kinh tế hay bạo lực chính trị mù lòa. Như thế thì không thể tưởng tượng được." 
Một người Mác xít khác, Karel Kosik trong Biện chứng cụ thể/Dialektika konkrétniho đã khai triển vấn đề này khi hỏi: Làm thế nào người ta có thể thủ tiêu triết học, và đã thủ tiêu ra sao trong tác phẩm của Marx? Vấn đề chỉ có thể đặt ra theo trình tự: Triết học bị thủ tiêu trong khi thực hiện; triết học chỉ thủ tiêu, khi chuyển biến thành lý luận biện chứng của xã hội; triết học thủ tiêu khi tự tan rã và chỉ còn là một khoa học thặng dư: luận lý hình thức và biện chứng.
Nếu triết học trong khi thực hiện sẽ tự thủ tiêu chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa triết học và thực tại. Trong mối quan hệ này, triết học phải hoàn tất hai nhiệm vu: thông qua những phạm trù triết học, những giai cấp ý thức được chính mình và những hình thái khái niệm trong triết học những phương tiện của thực tiễn lịch sử. Thực tại tìm ở trong triết học hình thái lịch sử của một nhận thức cũng như của chính vận động thực tại và giải quyết những mâu thuẫn. Khi phát biểu "sự thủ tiêu triết học nhờ vào sự thực hiện" có nghĩa là vận động xã hội thông qua ý thức và trui luyện trong ý thức những hình thái khái niệm của việc thực hiện chính nó. Trong định thức triệt để của việc thủ tiêu triết học qua tự thực hiện, người ta không thấy chân lý của triết học hay của thực tại mà chỉ có những mâu thuẫn muốn tạo ra một phản ảnh thực tại. Ý thức triết lý coi thực tại như một phản ảnh, và triết học hiện hữu như một biểu hiện của thực tại tha hóa. Cho nên xóa bỏ tha hóa trong vận động biện chứng có nghĩa là tạo thực tại thuần lý, và thực hiện đồng thời thủ tiêu, như Marcuse nhận định "kiến tạo triết học của lý trí sẽ xóa bỏ do tạo ra được xã hội thuần lý". Điều này hàm chứa triết học cáo chung khi nhân loại tổ chức được một cách thuần lý. Vấn đề đặt ra là, phải giả định một triết học công chính đối lập với một triết học nhất định, hay những hệ tư tưởng trong lịch sử. Thủ tiêu triết học là một giả tưởng. 
Triết học có thể coi như biểu hiện tha hóa của một thế giới đảo ngược (chữ của Hegel) khi quan niệm triết học bao giờ cũng là triết học có giai cấp, do lý giải lịch sử xã hội luôn luôn là một lịch sử của những đấu tranh giai cấp. Điều đó có nghĩa là mỗi giai đoạn lịch sử của con người được biểu hiện và thống trị của một giai cấp. Nhân loại có một nội dung lịch sử thực liên hệ với giới hạn lịch sử trong khi cụ thể hóa những điều kiện xã hội nhất định. Triết học như vậy biểu hiện cho những điề? kiện này, không thể là chân lý của thực tại. Như vậy triết học ở thời đại tư sản đồng nhất với toàn bộ xã hội tư sản? Và nếu như xã hội tư sản là triết học nhập thể của thời đại tư sản thì sự sụp đổ của chế độ tư bản sẽ là cáo chung của triết học này? 
Một cách thế thủ tiêu triết học khác là biến đổi triết học thành một "lý luận biện chứng của xã hội" như Herbert Marcuse trình bày trong Phần Hai tác phẩm Lý trí và Cách mạng/Reason and Revolution. Tuy nội dung sách nhằm đi lý giải lại triết học của Hegel để chứng minh là những khái niệm cơ bản của Hegel nghịch lại với những xu hướng thời đại dẫn đến lý luận và thực tiễn phát xít (sách xuất bản lần đầu năm 1941), nhưng phần hai nhằm trình bày những phát triển tư tưởng, chủ yếu là lý luận của Marx. Marcuse chỉ ra sự chuyển tiếp từ triết học sang lý luận xã hội, "ảnh hưởng của triết học Hegel tới lý luận xã hội và chức năng đặc thù của lý luận xã hội hiện đại không thể hiểu được trừ phi đi từ hình thái mở ra trong triết học Hegel và những xu hướng phê phán dẫn đến lý luận của Marx." Marx xuất hiện đối diện với Hgel như một nhân tố thủ tiêu triết học và xây dựng lý luận biện chứng của xã hội, như Marcuse nhận định: "Lịch sử trưởng thành/Entstehungsgeschichte của nhân loại mà Marx gọi là tiền lịch sử, là lịch sử của xã hội có giai cấp. Lịch sử thực sự của con người chỉ bắt đầu khi xã hội này bị thủ tiêu. Biện chứng Hegel cho hình thái luận lý trừu tượng của phát triển tiền sử, biện chứng của Marx là vận động cụ thể thực." Tuy nhiên, trong những thập niên sau, Marcuse không quan niệm "sự lật ngược" Hegel theo chủ nghĩa duy vật của Marx là quá độ từ triết học sang lý luận xã hội nữa mà là "nhận thức được những gì mà những hình thái đã thiết lập của đời sống đạt tới giai đoạn phủ định lịch sử". 
Thật sự những trào lưu tư tưởng ở thế kỷ XX chứng thực khi phê phán và phá đổ hệ thống Hegel đã chỉ ra chân lý của một tư trào mới xuất hiện một cách biện chứng trên cái cũ có tính lịch sử và tương ứng với một chân lý luôn luôn phải xây dựng lại, và những tư trào ấy phát triển độc lập với cơ sở nguyên ủy. Lập luận của Sartre không có cơ sở về nhiều mặt: triết học Marx không phải là thành quả của thủ tiêu triết học, hay quá độ từ triết học này sang triết học khác (bởi điều này hàm ngụ một tiến hóa nội tại của những ý tưởng), không thể quan niệm về mặt biện chứng sự tồn tại vĩnh cửu của hệ thống triết học, dầu duy tâm (Hegel) hay duy vật (Marx), bởi mỗi triết học mang một nội dung xã hội, cũng như chủ thể phát triển triết học là một con người lịch sử cụ thể (trừ phi nhìn nhận lập luận của cấu trúc luận xét trên quan hệ xã hội đối lập với hệ thống, thay vì xã hội với cá thể). 
Người ta có thể nói đến phát triển của chủ nghĩa Mác, vì đó là một lịch sử những tư trào bắt nguồn từ lý luận của Marx phong phú và đa dạng trong suốt thế kỷ XX, mà trong hai chương 7 và 8 đã nói đến hai đại diện tiêu biểu, đặt để những vấn đề then chốt: vật hóa và quá trình lịch sử không chủ thể. Cho nên có thể nói đến nhiều chủ nghĩa Marx, điều mà Raymond Aron gọi là những chủ nghĩa Mác tưởng tượng. Những tư trào đó phát triển tư tưởng nguyên ủy, lý giải hoặc thông diễn học thuyết của Marx, bổ khuyết những sai lầm hoặc lỗi thời, nhưng vẫn là những phụ thuyết của chủ nghĩa Mác. Bên cạnh đó, những trường phái như Lý luận Phê phán cũng bắt nguồn từ một số vấn đề của Marx, nhưng đã vượt ra khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa Mác mà phát triển theo những chiều hướng khác. Quá trình lịch sử tư tưởng thế kỷ XX cho thấy nhận định của Sartre chỉ là một phản ứng ngược giòng.
Chính Marx cũng là một nhà tư tưởng ở trong những điều kiện nhất định của thời đại, kể cả khi ông trung thành với quan điểm duy vật về lịch sử. Như quan niệm của Marx về sự tiến hóa của lịch sử, khiến ông đứng về phía tiêu cực, phi nhân bản của sự tiến hóa. Ít ra đã có hai học giả phát hiện ra lập trường của Marx về vấn đề khai hóa thực dân, như khi ông tán thành đường lối cai trị của nước Anh khi bảo hộ Ần độ. 
Trong tác phẩm Đông phương luận/Orientalism (1978), Edward W. Said đã dẫn một bài bình luận của Marx chứng tỏ Marx tin vào đường lối thuộc địa của nhà cầm quyền Anh là thực hiện một cuộc cách mạng thực sự: 
"Bây giờ, phải kinh tởm cho cảm xúc của con người chứng kiến vô số những tổ chức xã hội gia trưởng cần cù và vô hại đã tan rã và tan biến vào trong những đơn vị của chúng, ném vào trong biển khổ, và những thành phần cá nhân cùng lúc đánh mất hình thái cổ xưa của văn minh và những phương tiện tồn tại di truyền, chúng ta không thể nào quên là những cộng đồng làng quê thôn dã, có vẻ vô thưởng vô phạt, đã luôn luôn là nền tảng vững chắc của chế độ chuyên chế phương Đông, kìm hãm tinh thần con người trong sa bàn khả hữu cực nhỏ, tạo thành công cụ mê tín thuận theo, nô dịch nó dưới những luật lệ cổ truyền, tước đoạt của nó đi cái vĩ đại và những năng lực lịch sử.... Nước Anh quả thực khi tạo ra một cuộc cách mạng xã hội Ần chỉ được thúc đẩy do những lợi lộc hèn hạ và xuẩn động trong phương cách cưỡng bách họ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ, liệu nhân loại có làm tròn trách nhiệm nếu không có một cuộc cách mạng cơ bản trong tình thế xã hội ở châu Á. Nếu không, dầu những tội ác của nước Anh có thế nào đi nữa, nó cũng là công cụ vô thức của lịch sử mang lại cách mạng.
Thế nên dẫu cảnh tượng làm sụp đổ một thế giới cũ cay đắng thế nào đi nữa có thể xảy đến cho những cảm xúc của chúng ta, về phương diện lịch sử, chúng ta có quyền kêu như Goethe: Sollte diese Qual uns qualen/Da sie unsere Lust vermehr (Dẫu sự hành hạ này có làm chúng ta đau khổ, nó cũng đem niềm khoái lạc lớn lao cho chúng ta?). New York Daily Tribune, 25 tháng 6 1853 in lại trong Surveys from Exile."
Said còn dẫn một đoạn văn khác của Marx củng cố cho lập luận này:
"Nước Anh phải làm tròn hai nhiệm vụ ở Ần độ: một đằng phá hủy, mặt khác tái sinh - triệt tiêu xã hội Á châu và đặt những cơ sở vật chất của xã hội Tây phương lên Á châu." 
Said giải thích quan điểm của Marx xây dựng trên cách mạng kinh tế-xã hội, song nguồn gốc vẫn ở trong viễn tượng của những người theo Đông phương luận, sẵn có thành kiến về phương Đông. Leszek Kolakowski cũng dẫn đoạn văn trên để hiểu lý giải của Marx về lịch sử, bắt nguồn từ học thuyết Hegel chủ trương nhiệm vụ lịch sử được những quốc gia hay những giai cấp đặc thù hoàn tất một cách vô thức, bất chấp những tội ác và cuồng nhiệt. Cho nên những tội ác của đế quốc Anh có thể được bao biện cho cuộc cách mạng gần kề. Marx và Engels tin vào những quyền của một nền văn minh cao hơn đối với một nền văn minh thấp. Những sự kiện như công cuộc thực dân Pháp ở Algerie chẳng hạn là những biến cố tiến bộ, nói chung họ hỗ trợ nhiệm vụ lịch sử của những dân tộc lớn đối với những dân tộc chậm tiến, như Engels nghĩ là Áo Hung thâu tóm những nước nhỏ vùng Balkan, Ba lan có quyền thống trị những dân tộc kém phát triển ở phía đông như Lithuanie...
Khái niệm về "những phương thức sản xuất" của Marx là công cụ cơ bản trong việc phân chia lịch sử thành những giai đoạn là một khái niệm tây phương áp đặt lên xã hội, cho nên chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng lúng túng trong việc lý giải cái gọi là "phương thức sản xuất châu Á" vì, một phần lớn dân tộc trên địa cầu sống qua bao nhiêu thế kỷ trong một kinh tế kiểu này, chứng tỏ không có một mẫu mực đồng bộ phát triển cho toàn thể nhân loại, hai là theo Marx, hệ thống châu Á có những đặc thù do những yếu tố địa lý, như vậy làm sao chủ trương ưu thế của kỹ thuật đối với những điều kiện tự nhiên, thứ nữa là hệ thống này trì trệ chỉ có thể cứu vớt qua sự xâm nhập của những dân tộc phát triển kinh tế ở những con đường khác. Phương thức sản xuất châu Á đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử như vai trò tiên quyết của lực lượng sản xuất, tiến bộ là điều tất yếu cũng như sự đồng bộ của tiến hóa của con người trong xã hội. 
Những yếu tố dẫn trên có thể chứng tỏ học thuyết về tư bản của Marx áp dụng vào xã hội phương tây chỉ là một tình cờ của lịch sử; mặt khác nó bao biện cho quan niệm "chủ nghĩa xã hội có thể xảy ra trong một nước" theo Lenin và Salin. Làm sao giải thích được vai trò của tác nhân lịch sử, như Aron gọi nó là "huyền thoại vô sản". 
Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử là bộ phận chủ yếu của hệ tư tưởng Mác-xít. Trong những chương trên, khi phân tích và lý giải những vấn đề then chốt như tha hóa, tư bản, ý thức hệ tôi đã đưa ra những phê phán từng phần. Xét về toàn bộ chủ nghĩa duy vật lịch sử, một số những luận điểm cơ bản từng được tranh luận ráo riết trong suốt quá trình hinh thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, về mặt cục bộ là những tương tranh chí tử giữa Quốc tế đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ, giữa chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa xét lại, giữa "những chủ nghĩa Mác cá thể" (như Kautsky, Lukács, Karl Korsch, Mao, Gramsci, Althusser v.v..), giữa bôn-sê-vích và trốt-kít, ngày nay mất tính cách sách lược chỉ còn giá trị lịch sử. Những tiền đề trong lý luận phê phán của chủ nghĩa Mác như chủ nghĩa cộng sản ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản như một hình thái tổ chức xã hội, hay chủ nghĩa tư bản tất yếu vế mặt lịch sử phải nhường chỗ cho chủ nghĩa cộng sản, kinh tế quy hoạch xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản tạo ra tha hóa, bóc lột, những chu kỳ khủng hoảng và đao quân trừ bị thất nghiệp đã bị thực tiễn chứng thực không có cơ sở tồn tại. 
Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử về mặt lý luận có thể xét về ba mặt: vấn đề (giai cấp) vô sản, vấn đề tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, vấn đề tồn tại của lịch sử (trong quan hệ hữu thể xã hội). 
Chủ nghĩa duy vật lịch sử hàm ngụ quan niệm duy vật về lịch sử . Quan niệm duy vật hàm ngụ một triết học duy vật, xét quan hệ giữa hữu và tư duy, giữa vật chất và tinh thần. Một quan niệm sơ đẳng và dễ hiểu trong khi tuyên truyền là "ưu thế của vật chất đối với tinh thần" để phân biệt chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm. 
Từ cuốn sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (Materialism y empiriokriticism) của Lenin cho đến tài liệu giáo khoa Cơ sở của triết học Mácxit (Osnovy marksistskoj) hoặc Cơ sở của chủ nghĩa Mácxit-Leninit (Osnovy marksizma-leninizma) hay Những nguyên lý sơ đẳng của triết học (Principes élémentaires de Philosophie) của Georges Politzer thật đơn giản khi khoác cho chủ nghĩa duy tâm, tiêu biểu là Berkeley quan niệm sự vật chúng ta nhận được qua những cảm giác không là gì khác hơn những ý tưởng và những ý tưởng không thể hiện hữu ngoài tinh thần của chúng ta, như vậy sự vật không có thực tại bên ngoài tinh thần, để giáo dục quần chúng về chủ nghĩa duy tâm chủ trương tinh thần sinh ra vật chất, thế giới không hiện hữu ngoài tư tưởng của chúng ta trong khi chủ nghĩa duy vật quan niệm vật chất là thực tại có trước và tinh thần có sau, phụ thuộc vào vật chất, không phải tinh thần sáng tạo ra thế giới và vật chất mà chính thế giới, vật chất hay tự nhiên sinh ra tinh thần, vật chất hiện hữu ở ngoài tư duy của chúng ta, tinh thần không thể hiện hữu nếu không có vật chất, không có linh hồn bất tử, độc lập với thể xác, tư tưởng của chúng ta chỉ là phản ánh của sự vật trong óc con người. Những điều này thật dễ hiểu đối với lẽ thường của quần chúng, và như vậy chủ nghĩa duy vật có tính khoa học, chủ nghĩa duy tâm có tính siêu hình v.v...Những điều nêu trên không phải là sản phẩm của thời Stalin, nhưng chính nơi Engels và những người sau ông như Plekhanov, Lenin. Đâu là mối quan hệ thực sự giữa hai thực tại cơ bản này? Những nỗ lực của triết học hiện đại đã chỉ ra sự phân chia về vật chất và tinh thần là sự phân chia nội tại cơ bản của con người, nhưng con người là một hữu thể thống nhất, hoạt động thực tiễn của con người ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đã chỉ ra là có tính khu biệt dưới mọi hình thái nhưng không thể coi những hình thái này tuyệt đối là vật chất hay tinh thần. Cho nên một lý luận về ưu thế của vật chất đối với tinh thần không phù hợp ngay với quan niệm của Marx về con người là một hữu thể thực tiễn. Một khi con người là hữu thể tự do và sáng tạo, liệu hoạt động tri thức của con người có phải chỉ là phản ánh của thực tại? Lý luận phản ánh mâu thuẫn với khái niệm về con người, như Marx quan niệm là toàn bộ những quan hệ xã hội.
Phê phán huyền thoại về vô sản: Tuyên ngôn của đảng Cộng sản do Marx và Engels được ủy thác soạn thảo vào năm 1848 mở đầu bằng: Một bóng ma xuất hiện ở châu Ấu - bóng ma chủ nghĩa cộng sản (Ein Gespenst geht um in Europa - das Gespenst des Kommunismus) và kết thúc ở câu Vô sản khắp nơi, đoàn kết lại (Proletarier aller Lander, vereinigt euch!). Khái niệm vô sản lần đầu tiên được hình tượng hóa để đối đầu với giai cấp tư sản trong vận động biện chứng mà rõ ràng Marx lấy từ Hegel quan niệm đối lập chủ/nô. Trong sách vở của chủ nghĩa Marx, sự phân định hai khái niệm giai cấp công nhân với vô sản còn lẫn lộn, mơ hồ. Trong sách lược đấu tranh, người mác xít dùng từ công nhân để kêu gọi liên kết với những thành phần khác trong xã hội. Mặt khác, khi nói đến vô sản nhằm để chỉ thị một giai cấp có ý thức, song một khi cần thiết, người ta có thể khoác cho nó cái ám ảnh của một bóng ma, và nhằm phân biệt với một giai tầng thấp hèn, cùng khổ và sẵn sàng gọi hạng người này là "vô sản lưu manh". Lukács là người mác xít đầu tiên đã đưa ra một phân định cơ bản cho ý thức giai cấp khi xác định "đối với vô sản nhận thức toàn diện về vị trí giai cấp là một tất yếu sinh động, một vấn đề sống chết" và "giai cấp vô sản vừa là chủ thể và đối tượng trong nhận thức chính mình". Quan niệm như vậy nhằm chỉ ra là giai cấp vô sản vừa nhận thức chân thực vai trò và chức năng của mình trong xã hội tư bản, vừa có khả năng làm thay đổi số phận của mình thông qua hành động cách mạng. Cũng chính Lukács trong "tự phê bình" và Lucien Goldmann sau này nhận định "một viễn tượng khải huyền" như vậy "chủ yếu chỉ có giá trị như một khái niệm lý tưởng, không phải như một thực tế có tính thực tiễn". Lukács muốn bày tỏ sự thất bại của ông trong việc bắc nhịp cầu nối giữa tiềm năng cách mạng và ý thức hiện thực vì đã không đào sâu vấn đề "lao động như một trung gian đối tác trao đổi vật chất giữa xã hội và tự nhiên" (die Arbeit alsmittler des Stoffwechsels der Gesellschaft mit der Natur). (Vào cuối đời, Lukács theo đuổi một dự án nghiên cứu Bản thể luận về hữu thể xã hội/Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins, trong đó Lao động là một vấn đề cơ bản, song dự án này còn viết dở dang.) 
Làm thế nào giai cấp vô sản thực hiện được "sứ mạng lịch sử giải phóng" chính mình, trong khi giai cấp công nhân chỉ là một hiện hữu thường nghiệm, còn vô sản mới chính là một phạm trù chính trị xã hội mà thực tế của nó trong tình trạng chuyển biến. Vô sản trở thành một giai cấp phổ quát nhằm thủ tiêu mọi phân chia giai cấp, nhưng nó chỉ có thể hoàn thành ý thức giai cấp cách mạng thông qua cách mạng giải phóng, nghĩa là biến chuyển thành một lực lượng cách mạng đòi hỏi một trung gian thúc đẩy nó vượt qua cái trực tiếp thô thiển của kinh nghiệm sống. Trung gian này đóng vai trò chiến đấu tiền phong là một chính đảng tiền phong của giai cấp vô sản được chỉ đạo bằng một lý luận tiên tiến nhất. Lukács lập luận chủ nghĩa tư bản tự nó không dẫn đến tiêu diệt trừ phi những con người cá thể bị áp bức và sẵn sàng chống lại nó khi đặt mình phục tùng tập thể có nhiệm vụ biến tự do thực sự thành hiện thực. "Tập thể có ý thức này chính là đảng cộng sản." Đảng cộng sản hơn hẳn những tổ chức khác về phương diện ý thức giai cấp một cách thực tiễn và tích cực trực tiếp ảnh hưởng đến những hành động đặc thù của mọi cá nhân, đồng thời xác định quá trình lịch sử một cách có ý thức, tóm lại đảng là trung gian cụ thể giữa con người và lịch sử (konkrete Vermittlung zwischen Mensch und Geschichte). Kỷ luật và thống nhất là những bộ phận của một toàn thể hoạt động cách mạng dưới hình thức là đảng như một công cụ để trui rèn ý thức giai cấp vô sản thông qua thực tiễn lịch sử. Hơn năm mươi năm sau Lịch sử và ý thức giai cấp của Lukács, thông qua thực tiễn lịch sử, triết gia Nam tư Svetozar Stojanovíc đã viết một tác phẩm nhái lại Lukács, mang nhan đề Lịch sử và ý thức đảng/ Geschichte und Parteibewusstsein viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ Serbokroat nhung chỉ được xuất hiện qua tiếng Đức năm 1978. Stojanovíc đã nhìn thấy vấn đề kỷ luật và sự đặt để toàn diện cá nhân con người vào trong ý chí tập thể của Đảng dưới một góc cạnh: nguyên tắc của tính đảng tuyệt đối mà Lenin và Stalin đòi hỏi con người phải sẵn sàng hy sinh không những đời sống mà cả sự tự trọng và cảm tính của mình. Sojanovíc goi?quan niệm đó là "yếu tính của Đảng có trước hiện hữu" và "tính bái vật đảng". Nói một cách nôm na, những gì tích cực là bản chất của đảng, cái bản chất muôn đời không bị xúc phạm, vượt lên mọi thường nghiệm. 
Để minh họa điều này ông kể ra một ví dụ:
Andey Platonov đã thành công khi miêu tả để đời tính bái vật đảng như sau: "Đồng chí có bao giờ nhìn thấy Đảng Cộng sản chưa?
"Thưa đồng chí Pyotr, chưa, họ không bao giờ chỉ cho tôi thấy. Ở trong làng, tôi chỉ thấy đồng chí Chumov!"
"Cũng có nhiều đồng chí Chumov như đồng chí thấy ở đây. Nhưng tôi muốn nói về Đảng thuần túy có cách nhìn toàn diện và quan điểm chính xác toàn diện cơ." 
Nhiều người qua những cuộc thanh trừng ở Liên xô, Trung cộng, Việt nam v.v... chết đi mà vẫn ngỡ số phận của mình hẩm hiu vì ngộ nhận, không phải do hậu quả của bản chất thật nơi đảng của họ. Trò ảo thuật ?tự phê" thường được áp dụng tinh vi đối với nạn nhân, như Sima Markovíc bị Chủ tịch Quốc tế Cộng sản III bắt viết thư tự phê để sau đó bị giết ở Liên Xô. Slansky bị ép rời chức Tổng bí thư đảng CS Tiệp và viết tự phê cũng bị đưa ra xét xử và hành quyết.
Phê phán huyền thoại tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất: Quan niệm duy vật về lịch sử khởi từ Marx trong tham vọng đưa ra một cái nhìn toàn diện về lịch sử con người, đồng thời lại muốn tìm ra cái then chốt vận động quá trình lịch sử diễn ra theo những quy luật nào. Trong hai tác phẩm của Trần Đức Thảo ở hai giai đoạn khác nhau, ông vẫn tin cái lý nhất quán xuyên suốt là quy luật tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xác định chuyển biến của lịch sử con người, theo quan điểm duy vật lịch sử của Marx.
Trong chương 5, quan điểm của Marx đã được dẫn ra là "những quan hệ sản xuất tương ứng với mỗi giai đoạn đặc thù phát triển những lực lượng sản xuất vật chất", do đó ông đã phân chia lịch sử xã hội con người theo những hình thái xã hội phù hợp với khả năng sản xuất của con người. Lịch sử tiến hóa theo một quy tắc là hình thái xã hội này bị tiêu diệt để được thay thế bằng một hình thái mơi?do kết quả của sự phát triển sản xuất. Phát triển đó được xác định bằng tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Mặc dù điều này có thể khiến cho Karl Marx bị phê phán là tất định kinh tế, song những công trình nghiên cứu về tư bản của ông nhằm muốn chứng minh mấy luận điểm như chủ nghĩa tư bản dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tuy nhiên nó bị ràng buộc trong những quan hệ sản xuất của xã hội tư bản, nên tất yếu đến một lúc nào đó, những lực lượng sản xuất vật chất đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất đã xiềng xích nó, dẫn đến cách mạng xã hội.
Tại sao lại dẫn đến cách mạng? Quan hệ đảo nghịch (Verkehrung) trong Tư bản chỉ ra quá trình khách thể hóa, trong đó sản phẩm của lao động là sở hữu tha hóa và quá trình tư bản là chiếm đoạt lao động tha hóa, tạo thành quyền lực đối lập với lao động sống. Cho nên những quy luật về khủng hoảng, đấu tranh giai cấp và mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dẫn đến xung đột, khởi sự cho cách mạng xã hội. Vận động tác động qua lại diễn ra trên toàn bộ lịch sử theo một quá trình liên lỉ từ những quan hệ xã hội của sản xuất nhằm giai thích những cơ cấu ý thức hệ chính trị, thượng tầng cơ sở, những quan hệ xã hội này được giải thích qua mức độ phát triển của khoa học kỹ thuật và toàn bộ tổ chức trong quá trình sản xuất, tức là những lực lượng sản xuất. Hướng đi của lịch sử là cấu trúc nhân quả liên kết lực lương sản xuất, quan hệ sản xuất và thượng tầng cấu trúc như đã nói đến ở những phần trên.
G.A. Cohen là một trong những nhà mác xít phân tích cùng với John Elster, John Roemer đã có tham vọng giải thích những điều không minh bạch trong tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cũng như vai trò của vô sản tong cuộc cách mạng xã hội này trong Lý luận về lịch sử của Kark Marx/Karl Marx sTheory of Histoire. Lý luận về lịch sử này dựa trên mối quan hệ nêu trên trong "phương thức sản xuất" đặc thù của lịch sử, đó là chủ nghĩa tư bản. Theo Cohen, lực lượng sản xuất bao gồm những công cụ sản xuất, nguyên liệu và những khả năng sản xuất của công suất lao động bao gồm tài năng, kiến thức, óc sáng tạo và cả khoa học sử dụng sản xuất; quan hệ sản xuất chỉ ra mẫu hình làm chủ lực lượng sản xuất, cấu trúc giai cấp đặc thù ở mỗi phương thức sản xuất lịch sử. Khi đi phân tích bài Tựa nổi tiếng 1859 trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (X. chương 4 ở trên), Cohen lập luận trên hai luận điểm chính, luận điểm về ưu tiên và luận điểm phát triển. Luận điểm ưu tiên của lực lượng sản xuất được thảo luận trong chương VI nhằm chứng minh là những quan hệ sản xuất đặc thù trong một xã hội nhất định được thuận lợi là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, khi những lực lượng này phát triển, những quan hệ cũ trở thành gông cùm của nó, phải thay thế bẵng những quan hệ mới, do đó lực lượng sản xuất có ưu thế hơn quan hệ sản xuất trong năng động của lịch sử. Cohen đã sử dụng lôgích giải thích theo chức năng (functional explanation), nghĩa là giải thích một sự việc căn cứ vào những hậu quả của sự việc. Tuy nhiên làm thế nào chỉ ra được lực lượng sản xuất có ưu thế một khi sự phát triển của nó chỉ xảy đến qua những quan hệ sản xuất.Điều này còn hàm ý là những quan hệ sản xuất mới thực sự có ưu thế trước lực lượng sản xuất, hay nói cho cùng, chỉ có tác động qua lại giữa quan hệ và lực lượng và không thể nói cái này có ưu thế hơn cái kia. Luận điểm phát triển của Cohen dựa trên xu hướng tự trị để phát triển những lực lượng sản xuất trong lịch sử, mặc dầu sự phát triển này chỉ thực hiện qua những quan hệ sản xuất đặc thù. Viện dẫn Marx trong thư gửi Annenkov ngày 28 tháng 12, 1846 tin vào xu hướng tự trị của lực lượng sản xuất phát triển tạo cho lịch sử có mạch lạc, Cohen lập luận xu hướng này nhờ vào một số những sự kiện của bản chất và hoàn cảnh con người là tính thuần lý, sự khan hiếm, mức độ trí tuệ "tạo cơ hội mở mang quyền lực sản xuất" thực hiện sao cho không phi lý.
Cohen quan niệm mức độ những lực lượng sản xuất quyết định khi nào cách mạng có thể thành công hay không, tuy nhiên lịch sử không thể giải thích qua đấu tranh giai cấp, mà do lực lượng sản xuất có chịu đựng xiềng xích của quan hệ sản xuất. Giải thích của Cohen dựa vào khái niệm trừu tượng của tác động thuần lý, lại bỏ qua điều kiện thiết yếu cho giai cấp cách mạng có khả năng lật đổ giai cấp cầm quyền một khi lực lượng sản xuất bị câu thúc.
Phê phán sự tồn tại của lịch sử: Trong phần thảo luận trên về những luận điểm của một nhà Mác-xít phân tích G.A. Cohen (nhằm bảo lưu quan niệm tất định trình bày trong bài tựa 1859 của Marx), là những lý chứng phê phán lý luận tất định lịch sử của chủ nghĩa Mác. Lý luận này đã hạ thấp vai trò của con người (cá thể hay tập thể) trong biến đổi xã hội. Khi Marx quan niệm không hình thái xã hội nào mất đi trước khi những lực lượng sản xuất phát triển, trong khi thực ra sự biến đổi quan hệ sản xuất mới thực sự quan trọng. Chính quan niệm này được áp dụng vào "chủ nghĩa xã hội xảy ra trong một nước" đã tạo những tệ nạn trong việc hình thành chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô như việc tập thể hóa sản xuất nông nghiệp một cách tàn bạo, việc tập trung quyền lực chính trị, khủng bố chính trị và phát triển thống trị trong tay bọn bộ Chính trị thư lại.
Jurgen Habermas đã có những nỗ lực tái tạo chủ nghĩa duy vật lịch sử trong tác phẩm mang nhan đề: Zur Rekonstruktion des Historischen Materialismus. Trong khi đọc lại Marx để xem xét những khái niệm lao động xã hội (gesellschaftliche Arbeit) và lịch sử chủng loại (historische Gattungsgeschichte) qua những dẫn chứng:
"Con người bắt đầu phân biệt chính mình với con vật vào lúc khởi sự sản xuất ra những phương tiện tồn tại, một bước yêu cầu của tổ chức thể chất. Khi làm ra thực phẩm, con người gián tiếp tạo ra chính đời sống vật chất của mình."
"Tạo ra" ở đây không phải chỉ có những hành động sử dụng công cụ của cá nhân mà cả "sự hợp tác xã hội" của nhiều cá nhân khác:
"Tạo ra đời sống, của chính đời sống của người này trong lao động, và của người khác trong sinh đẻ, giờ đây xuất hiện như một quan hệ kép: là quan hệ tự nhiên về mặt này và là quan hệ xã hội về mặt kia. Mặt xã hội theo ý nghĩa những cá thể hợp tác, dưới bất kỳ điều kiện nào, cách thức và mục đích nào." 
Theo Habermas lý giải, những hành động sử dụng công cụ của những cá thể khác nhau được điều hợp theo đường lối thuần lý có mục đích với một quan điểm hướng về mục tiêu sản xuất. Ông gọi những quy luật của hành động sách lược phù hợp với sự cộng tác vừa nói là một thành phần thiết yếu của quá trình lao động. Những phương tiện tồn tại được sản xuất ra nhằm để tiêu thụ, và phân phối sản phẩm cũng dược tổ chức có tính cách xã hội đòi hỏi những quy luật đối tác có thể sắp đặt giữa những chủ thể trên mức độ hiểu biết ngữ văn, không là trường hợp riêng lẻ mà thường trực theo những quy phạm nhận thức, ông gọi là những quy luật hành động thông giao
Trong khi duy trì đời sống bằng lao động xã hội, đồng thời con người tạo ra những quan hệ vật chất của đời sống, xã hội cũng như quá trình lịch sử trong đó những cá thể biến đổi cùng với xã hội của họ. Tạo lại lịch sử chủng loại này dựa trên phương thức sản xuất, biểu hiện qua tình trạng phát triển lực lượng sản xuất với những hình thái quan hệ sản xuất. Lý luận về tiến hóa xã hội của Marx đã đề ra một số vấn đề trong khi Habermas phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử: lý luận của Marx đã giản lược đối tác trong mô hình sản xuất chỉ có thể được minh giải trên bình diện thông giao. Nói khác đi cơ sở nhận thức của chủ nghĩa duy vật lịch sử phải cần tới lý luận đối tác thông giao, nghĩa là xét trên bình diện đối tác, phân biệt với mô hình sản xuất của Marx. Theo Habermas, chủ nghĩa duy vật lịch sử đặt trọng tâm vào những lực lượng sản xuất đã không xét đến hiện tượng cấu trúc thượng tầng (Uberbauphanomen), đặc biệt là văn hóa là một nhân tố quan trọng trong biến đổi xã hội. Những cấu trúc của liên chủ thể tạo ra về mặt ngôn ngữ là những điều kiện thiết yếu cho những hệ thống nhân cách và xã hội. Cơ sở trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa những hành động thông giao, tức những hệ thống xã hội và nhân cách, tức những con người cá thể là một lý luận về khả năng nói và làm, quan hệ giũa thông giao và đối tác. Habermas nhận định là Marx và Engels không hiểu nội dung của truyền thống văn hóa đơn giản là ý thức hệ. Ông phân biệt truyền thống văn hóa với ý thức hệ nhằm trả lời câu hỏi đặt ra là liệu triết học có phải là một lực lượng sản xuất hay là một ngụy thức? 
Trong những thảo luận về sau, Habermas phân tích tình trạng biến đổi của văn hóa trong chủ nghĩa tư bản về sau, sự lớn mạnh của khoa học kỹ thuật là động lực phát triển những lực lượng sản xuất, những nỗ lực làm mới triết học nguyên ủy (Ursprungsphilosophie). Những nỗ lực triết lý này, bao gồm cả những nhà lý luận Mác xít như hình thái triệt để nhất của tự phản tỉnh đã mất tính tự trị khi đối chiếu với những khoa học. Triết học để tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu thống nhất và phổ quát, bao hàm thống nhất tự nhiên và lịch sử. Triết lý là một lực lượng sản xuất tạo ra sự thống nhất thuần lý tương tự như thống nhất xã hội. Chủ nghĩa duy vật lịch sử không có chiều kích thiết yếu đáp ứng yêu cầu này: Marl thất bại trong việc đặt được cơ sở khả hữu của nhận thức, mặt khác khi dựa trên phương thức sản xuất Marx không duy trì được sự phân cách thiết yếu giữa lao động và đối tác, giữa sinh giới và hệ thống. Chỉ có lý luận về hành động thông giao khả dĩ thiết lập được quan hệ nội tại giữa thực tiễn và lý tính. Lý luận này loại bỏ khả năng của chủ nghĩa duy vật lịch sử trên cả hai mặt lý thuyết và thực tiễn.


Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Tháng Năm 1968 những biến động ở Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới chứng thực một điều: đảng Cộng sản không đáp ứng được yêu cầu cách mạng, không phải là đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân như trong tuyên ngôn hay đề cương hành động đã nêu. Cuốn sách của một nhà triết học trẻ người Pháp Jean-Marie Benoist có nhan đề là Marx đã chết/Marx est mort báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Sở dĩ nói chủ nghĩa cộng sản cáo chung để chỉ ý thức hệ mác xít áp dụng và thực tiễn, như Benoist nhắc đến những mảnh vụn hỗn độn mang những trầm tích Lenin, Mao, Trotsky, Castro...

  Sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ diễn ra trong mấy thập niên nửa sau thế kỷ hai mươi. Nó đã manh nha từ sự thất bại trong chính sách kinh tế ở thời đại Lenin và sự giải thể Quốc tế Cộng sản III. Ngay vào đêm hôm trước của thế chiến thứ Hai bùng nổ, Franz Borkenau một cựu đảng viên cộng sản trong cuốn sách phân tích Cộng sản thế giới (1939) đã chỉ ra những mầm mống tan rã của cơ sở cách mạng cộng sản. Vào thập niên 1950, một cựu đảng viên cộng sản Nam tư, Milovan Djilas đã phê phán kịch liệt cuộc khủng hoảng nội tại của trung tâm quyền bính cộng sản. Trong cuộc hội nghị tại Venice năm 1977, một nhà lý luận trung kiên của đảng cộng sản Pháp, Louis Althusser đã nói đến “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Mác” qua mối liên hệ với vận mệnh của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu:
  “Điều gì diễn ra ở những nước Đông Âu cũng thấm sâu trực tiếp vào chúng ta, vì những gì xảy ra ở nơi đó cũng xảy đến với chúng ta. Tất cả những điều diễn ra ở những nước này liên quan tức thời với chúng ta, có ảnh hưởng tới những viễn tượng của chúng ta, mục tiêu đấu tranh, lý luận và thực tiễn.”

  Sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản không phải là một hiện tượng đơn giản, vì nó đánh động đến tận cốt lõi phong trào Cộng sản Quốc tế, như Althusser nhìn nhận:
  “Chính chúng ta (những người cộng sản) có thể không những chỉ thấy chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đang kinh qua sự khủng hoảng này trong một thời gian dài.”
  Quan điểm của người cộng sản thì như thế. Còn đối với những người không cộng sản ra sao? Tháng 8 năm 1988, một năm trước biến chuyển tại Ba lan đã đưa phong trào Solidarnosc trở thành một lực lượng chính trị có quyền bính, một học giả Mỹ gốc Ba lan Zbigniew K. Brzezinski đã hoàn tất cuốn sách Sự phá sản vĩ đại/The Grand Failure với tiểu đề: Sự ra đời và kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở thế kỷ hai mươi. Tác phẩm này đã báo hiệu một năm trước khi những biến chuyển chính trị quan trọng xảy ra tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu: thủ tiêu sự lãnh đạo độc đảng cộng sản, những chính đảng đối lập hoạt động trong sinh hoạt chính trị nghị trường, thậm chí cải danh hoặc giải thể đảng cộng sản và quốc hiệu. Ngay trong giòng mở đầu, Brzezinski khẳng định: Đây là một quyển sách bàn về sự khủng hoảng tận cùng của chủ nghĩa cộng sản.

  Tác phẩm này có một tầm quan trọng đáng kể vì nó đã tổng kết những thất bại của chủ nghĩa cộng sản trong quá trình thực hiện quyền lực - từ sự tan rã của một khối chính trị tập trung duy nhất đến sự phá sản kinh tế xã hội và phân hóa toàn diện về mặt ý thức hệ - để sau cùng đi đến khẳng định về “sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản”. tác giả viết quyển sách trong hối hả vì “với tốc độ gia tăng về sự tan rã lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, dường như những biến cố quan trọng sắp tới sẽ xảy ra trước khi quyển sách tới tay người đọc.”

  Tác giả đã mô tả và phân tích “sự mục nát tiếp diễn và sự hấp hối trầm trọng của cả hệ thống lẫn tín điều cộng sản” để đi đến kết luận “là trong thế kỷ tới, sự suy thoái lịch sử không thể đảo ngược của chủ nghĩa cộng sản khiến cho thực tiễn và tín điều của chủ nghĩa cộng sản không còn thích nghi rộng rãi đối với thân phận con người.”
  Lý luận trong cuốn sách được dàn trải qua sáu phần:
-    Vấn đề then chốt trong tấn bi kịch lịch sử của chủ nghĩa cộng sản là sự phá sản về mặt kinh tế xã hội và chính trị trong hệ thống Xô viết.
-    Những toan tính cải cách hoặc tăng cường hiệu lực của guồng máy Xô viết không cứu vãn được sự lũng đoạn, mục nát của chế độ cộng sản.
-    Sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên vùng đất Đông Âu đang diễn ra quá trình từ bỏ chế độ cộng sản.
-    Những cơ hội thành công trong quá trình cải cách tại Trung quốc.
-    Sự suy thoái của Quốc tế Cộng sản về mặt chính trị và tư tưởng.
-    Cơn hấp hối sau cùng của chủ nghĩa cộng sản và hiện tượng hậu cộng sản.
Sở dĩ tôi đưa ra luận điểm của Brzezinski là vì trong những sách vở bàn về chủ nghĩa cộng sản, tác phẩm Sự phá sản vĩ đại cả ông là tư liệu nghiên cứu mới nhất, đề cập rốt ráo đến vấn đề tổng khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản. Brzezinski cũng đưa ra một viễn tượng về thời đại hậu cộng sản.
  Luận điểm chính trong tác phẩm của Brzezinski nhằm phân tích nghịch lý trong chính sách cải cách hiện đại của Liên Xô. Theo ông, sửa đổi hệ thống Liên Xô hiện hữu cần phải phá hủy những tầng lớp lịch sử tích lũy từ thời Lenin (cấu trúc xã hội theo đường lối một đảng cai trị toàn diện) qua thời kỳ Stalin (xã hội phụ thuộc vào một nhà nước cai trị toàn diện) tới thời kỳ Brezhnev (một nhà nước đình trệ toàn diện thống trị bởi một đảng cai trị toàn diện lũng đoạn). Chính sách thời Gorbachev vẫn lẩn quẩn trong vòng mâu thuẫn giữa những đòi hỏi phá hủy sự tập trung quyền lực để đem lại tiến bộ kinh tế với những yêu cầu tập trung để bảo đảm sự ổn định chính trị. Cho nên hai mặt trong đường lối cải cách của Gorbachev là hai mặt đối lập giữa tái cấu trúc/cởi mở. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị đặc biệt của Đảng lần thứ 19 vào tháng Sáu 1988, Gorbachev nhận định: Vấn đề chủ yếu là cải cách hệ thống chính trị của chúng ta.
  Như vậy mối quan tâm sửa đổi đường lối kinh tế để tìm ra lối thoát tiến bộ phải đi đôi với thay đổi cơ cấu chính trị. Chủ trương đó phải đương đầu với một thực tại rõ rệt: tái cấu trúc (perestroika) nhằm cải cách từ bên trên phải dựa vào những áp lực từ bên dưới qua chính sách cởi mở (glasnost) song chủ trương cải cách lại cơ cấu không thể từ trên mây rớt xuống, phải xuất phát từ hạ tầng xã hội, nghĩa là phải thông qua đường lối dân chủ hóa (demokratizatsiia). Như Gorbachev nhắc nhở Ủy ban Trung ương Đảng vào tháng Hai năm 1988: “Thưa các đồng chí, điều chủ yếu là dân chủ hóa... Trong giai đoạn mới của tái cấu trúc, đảng chỉ có thể bảo đảm sự lãnh đạo, vai trò tiền phong và động viên quần chúng qua những phương pháp dân chủ.” Song làm thế nào thực hiện được dân chủ? Gorbachev nhìn nhận: “Sự giáo hóa chính trị của chúng ta vẫn chưa thỏa đáng. Chúng ta còn đang học hỏi.”
  Tuy nhiên hình thành một nền văn hóa chính trị mới thiết yếu phải đòi hỏi một biến đổi chính trị trọng đại - nghĩa là phải từ bỏ hai nguồn cơ sở chính trị Xô viết: chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin. Sự xung đột nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo Xô viết cho thấy mối tranh chấp vẫn xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Lenin như Brzezinski nhận định:
  “Chủ nghĩa Lenin vẫn là nòng cốt theo ý nghĩa chính thống lịch sử của tầng lớp trí thức lãnh đạo, hợp thức hóa việc đòi hỏi quyền lực. Bất kỳ sự từ bỏ nào cũng có nghĩa tự vận về mặt chính trị tập thể.”
  Từ bỏ chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin có nghĩa là từ bỏ toàn bộ thời đại cộng sản, cho nên Gorbachev không có chọn lựa nào khác hơn là phải xác định chính sách perestroika xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Lenin và như vậy vẫn phải chủ trương đảng độc quyền lãnh đạo và là cơ sở duy nhất nắm giữ tất cả chân lý. Cho nên những trở ngại chính trị trong chính sách perestroika không thể nào vượt qua được.
  Nhận định về tương lai của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu, Brzezinski đã chỉ ra một sự kiện cơ bản là chủ nghĩa Mác-Lenin như một học thuyết xa lạ áp đặt lên vùng đất này bằng một quyền lực khống chế toàn diện về mặt văn hóa đã không thích hợp với nhân dân bị thống trị tại những nước này. Cho nên một quá trình từ bỏ đang diễn ra, giống như hiện tượng con người đề kháng lại một bộ phận đem tháp vào cơ thể. Ngay từ tác phẩm Khối Xô viết/The Soviet Bloc xuất bản vào năm 1960, Brzezinski đã tìm hiểu tình hình biến động của khối cộng sản, ở đó sự xung đột khuynh loát sự thống nhất. Ông nhận định:
  “Dầu tương lai của khối Xô viết diễn ra như thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là nỗ lực xây dựng sự thống nhất bền vững trong khối cộng sản đã đưa giới lãnh đạo Liên Xô cũng như những nước cộng sản khác vào một kinh nghiệm khó khăn, không còn ảo tưởng.”
  Và ông tiên liệu khối Xô viết sớm muộn rồi cũng rơi vào số phận những hệ thống đế quốc khác.
  Trong Sự phá sản vĩ đại (1988) ông đã chỉ ra hai thế lực xung đột trong cơ cấu xây dựng đế quốc Xô viết là một quá trình tự giải phóng khỏi sự kiềm chế của Liên Xô về mặt ý thức hệ, mâu thuẫn với những nỗ lực tăng cường sự hợp nhất kinh tế- quân sự tại các nước Đông Âu đang diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm thủ tiêu độc quyền của đảng cộng sản và sự thống trị của Liên Xô, cuộc đấu tranh ấy như một điều kiện tiên quyết tất yếu cho sự tái sinh xã hội. Nếu như hiện tình Liên Xô cho thấy nỗ lực tái thiết kinh tế phải đánh đổi bằng cái giá bất ổn về chính trị, thì sự phá sản kinh tế cộng sản trở thành một “đội quân thứ năm” bí mật của lực lượng đa nguyên dân chủ tại các nước cộng sản hiện nay.
  Quá trình cải cách của chủ nghĩa cộng sản tại Trung quốc dưới mắt Brzezinski có vẻ thành công, nhưng cũng đánh đổi bằng giá từ bỏ sự chính thống tư tưởng và chính trị. Nó nẩy sinh ra một giai cấp mại bản dưới sự bảo trợ của nhà nước và ông mệnh danh là một loại “chủ nghĩa cộng sản mại bản”. Brzezinski nhận định sự khác biệt giữa Trung quốc và những nước anh em trong khối Xô viết ở chỗ người cộng sản Trung quốc gắn liền tư tưởng của họ với bản thân lịch sử của Trung quốc và truyền thống cũng như giá trị tồn tại của riêng nó. Phân tích những bước đổi mới của Cộng sản Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng tiểu Bình và Triệu Tử Dương, từ chiến lược cải cách bốn hiện đại (nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật và quốc phòng), sự cần thiết của biến đổi chính trị cơ bản, sự uyển chuyển ý thức hệ, “giai đoạn sơ khởi của chủ nghĩa xã hội.” Vấn đề tiên quyết của tái cấu trúc chính trị, hoàn cảnh lịch sử của Trung quốc như Triệu Tử Dương khẳng định: “Chúng ta không ở trong hoàn cảnh mà những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đương đầu...cho nên chúng ta không thể mù quáng tuân theo những điều sách vở chỉ bảo, chúng ta cũng không thể máy móc theo gương những nước khác.” Brzezinski cũng dẫn lời một nhà lãnh đạo khác của Trung quốc phát biểu trong Đại hội đảng kỳ thứ 13 là: “Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi, hoặc cho phép cái gì làm lợi cho sự phát triển những lực lượng sản xuất, và cái gì không làm lợi cho sự phát triển ấy thì đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội khoa học.”
  Brzezinski nhận định: “Cho nên không ngạc nhiên là những diễn tập tư tưởng này mở cửa ngõ cho những tư tưởng mới của phương Tây thẩm thấu lớn rộng vào Trung quốc. Đặc biệt là sự xâm nhập này đã ảnh hưởng mạnh ở những cơ sở nghiên cứu của Bắc kinh, thúc đẩy những bộ óc tư tưởng đổ xô đi tìm hiểu những nhà lý luận về xã hội công nghiệp như Daniel Bell, về những hậu quả xã hội của những khoa kỹ thuật thông tin mới như Ilya Prigozine, về hình thành tương lai như Alvin Toffler.
  Mối quan tâm của những nhà lãnh đạo Trung quốc có tính thực nghiệm nhằm làm thế nào phát triển có hiệu quả trên cơ sở sử dụng hữu hiệu khoa học kỹ thuật phương Tây.”
  Tuy nhiên Trung quốc cũng phải đương đầu với một thực tế là chủ nghĩa đa nguyên về kinh tế xã hội sáng tạo phát triển cũng không thể phù hợp với một hệ thống lãnh đạo độc đảng, bởi vì cơ sở của sự lãnh đạo này phải loại bỏ đa nguyên chính trị.
  Người cộng sản thường đưa ra luận điểm về ba dòng thác cách mạng: phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội tại các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc tại các nước đang mở mang và phong trào công nhân tại các nước tư bản chủ nghĩa. Sau khi phân tích sự thất bại kinh tế-xã hội tại các nước cộng sản, Brzezinski lại xét đến tình hình chính trị tại các nước phát triển hoặc đang phát triển. Ông nhận định ở các nước công nghiệp phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.. .”xã hội càng tiến bộ, đảng cộng sản càng không thể hoạt động chính trị”. Quả thật chủ nghĩa cộng sản hiện đại sơ khởi chỉ lôi cuốn được những ai vì uẩn ức về hoàn cảnh cùng khổ, chậm tiến hoặc bị đàn áp về mặt chủng tộc đã chọn lựa con đường cách mạng kiểu côïng sản như một con đường ngắn nhất để chiếm được quyền bính; tuy nhiên chủ nghĩa côïng sản khi có quyền lực đã tỏ ra trì trệ, lãng phí. Có thể nói lý luận cộng sản đã trở nên manh mún trong khi hiện nay đâu đâu người ta cũng thấy thực tiễn cộng sản đã thất bại. Bộ mặt xã hội kinh tế Liên xô phơi bày sự thất bại, khiến cho Liên xô không còn là kiểu mẫu xã hội, đã ảnh hưởng tai hại trầm trọng cho phong trào cộng sản thế giới. Trong tình huống tương tự, chủ nghĩa cộng sản thương mại lũng đoạn của Trung quốc cũng không là kiểu mẫu cho một cuộc cách mạng xã hội. Cho đến cả niềm tin cuối cùng của những “tín đồ” cộng sản vào những cuộc cách mạng ở Việt nam, Cuba hay Nicaragua ngày nay cũng bị tiêu diệt trước bộ mặt thê thảm vì phá sản kinh tế và sự tàn bạo chính trị tại các nước nhược tiểu này. Vào thập niên 1970 ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, chủ nghĩa Mác được du nhập như một học thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều nhà lãnh đạo tại các nước này học tập những kỹ thuật của Lenin trong việc giành giật và củng cố chính quyền, học tập nghệ thuật lãnh đạo độc đảng có kỷ luật, có tổ chức. Mặt khác, các nước này trông chờ vào viện trợ kinh tế và quân sự của Liên xô. Tuy nhiên, thực tế đã chứng tỏ mức độ viện trợ kinh tế của Liên xô không đáp ứng được nguyện vọng phát triển kinh tế. kinh nghiệm cộng sản tại châu Mỹ La tinh cũng phơi bày sự thất bại về mặt thực tiễn và lý luận. Những hoạt động cách mạng tại những nước này không phản ảnh ý thức hệ cũng như tổ chức theo kiểu chủ nghĩa Mác-Lenin cổ điển, nhưng diễn ra những đường lối bản địa khác nhau.
  Thực tế đã chứng minh sự thất bại của luận điểm ba dòng thác cách mạng là một khủng hoảng ý thức hệ sâu sắc của chủ nghĩa cộng sản. Brzezinski gọi đó là sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản và báo hiệu thời đại hậu cộng sản. Theo ông, những nước theo chế độ cộng sản phải đương đầu với hai giải pháp căn bản, một là chuyển tiếp từ một nền chuyên chính theo kiểu Mác-Lenin sang chế độ dân chủ đa nguyên (với những khu vực kinh tế hỗn hợp nhà nước và tư nhân), hai là vẫn trì trệ trong những chỉnh hợp định chế hiện hữu dẫn đến một chế độ độc đoán dân tộc. Tuy nhiên Brzezinski nhận định là diễn trình lịch sử không có dấu hiệu nào về khả năng của giải pháp đầu vì “những chế độ theo kiểu Xô viết chỉ tạo ra một phương thức tổ chức xã hội chuyên chế loại trừ khả năng đa nguyên.”
   Những khả năng - theo Brzezinski, của thời quá độ hậu cộng sản tiến về chiều hướng dân chủ là do:
-    ảnh hưởng xâm nhập của những phương tiện truyền thông quần chúng khiến cho chế độ độc quyền cộng sản phải nhường bước cho những quan điểm chính trị khác biệt.
-    ảnh hưởng xâm nhập của nhân quyền - tư tưởng chính trị có khả năng lôi cuốn nhất của thời hiện đại - đã chỉ ra sự khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản (chối bỏ quyền tự do lựa chọn, xâm phạm những quyền cá nhân, khiếm khuyết những cơ sở pháp chế) với lý tưởng dân chủ (hệ thống đa đảng, kinh tế thị trường...)
Trong viễn tượng đó, những chế độ cộng sản Đông Âu hiện tại đã tuần tự gia nhập vào cộng đồng thế giới, căn cứ trên sự kiện là “trong thế kỷ này, những chế độ dân chủ đa nguyên sẽ sát nhập vào trong hệ thống của chúng một số những mặt xây dựng và lành mạnh theo yêu cầu của chủ nghĩa Mác để tiến tới một xã hội hoàn thiện.” Brzezinski đi tới kết luận: “Trong thế kỷ hai mươi này, nhân loại kinh qua chủ nghĩa cộng sản đã đưa ra một bài học đau xót nhưng cực kỳ quan trọng là sự điều động xã hội không tưởng tự cơ bản xung đột với tính phức tạp của thân phận con người và sự sáng tạo xã hội chỉ nẩy nở tốt hơn khi quyền lực chính trị bị hạn chế. Hiển nhiên là dân chủ, chứ không phải cộng sản sẽ ngự trị thế kỷ 21.”
  Brzezinski là một trong những nhà nghiên cứu khoa chính trị quan niệm về xã hội Xô viết như một mô hình duy nhất (phân biệt với hệ thống xã hội trong khoa học xã hội phương Tây) tuy nhiên khi xét đến cơ sở kinh tế-xã hội công nghiệp hiện đại, ông cũng có xu hướng hội tụ như một số học giả khác (Isaac Deutscher, J.K. Galbraith, W.W. Rostow, Raymond aron, Maurice Duverger, Andrei D, Sakharov...). Trong tác phẩm dẫn trên, ông có một cái nhìn nghiêm khắc hơn về tương lai của xã hội Xô viết, mà ông gọi là “chủ nghĩa đế quốc Xô viết ở giai đoạn suy thoái và băng hoại.”
  Ông đã đưa ra những lưỡng luận khá nan giải đối với chế độ cộng sản Xô viết như: tính trong sáng đối lập với tính thống nhất trong học thuyết, lý luận hợp nhất đối lập với hành động liên kết, đam mê chính trị đối lập với lý trí (điều hành xã hội), thành công kinh tế đối lập với ổn định chính trị, xu hướng chính thống đối lập với xu hướng xét lại, trào lưu tự giải phóng đối lập với chính sách hợp nhất quân sự-kinh tế.
  Brzezinski đã vẽ ra một bức tranh biến chuyển chính trị trong thế giới cộng sản, ông cũng đưa ra một số dự kiến phù hợp với hiện tình đang diễn ra ở các nước cộng sản. Tác phẩm này đã gióng lên hồi chuông báo tử của chế độ cộng sản, như tiểu đề của cuốn sách đề xuất. Tuy nhiên tính cách thuyết phục của tác phẩm còn cần phải thảo luận về những vấn đề:
a.    Chủ nghĩa cộng sản thống trị gần một thế kỷ này trên cơ sở quá đơn giản hợp thời, như quan niệm nguyên ủy của mọi tội lỗi xấu xa vào định chế của tư hữu, cho nên nó giả định thủ tiêu tư hữu sẽ dẫn đến sự thực hiện công lý thực và hoàn thiện được bản chất con người.
b.    Chủ nghĩa cộng sản đưa ra một nỗ lực lệch lạc trong việc áp đặt lý tính toàn diện trên mọi vấn đề xã hội.
c.    Chủ nghĩa cộng sản giống như những tôn giáo lớn đi từ giáo lý đơn giản nhất đến những khái niệm triết lý phức tạp hơn.
Ba đặc điểm nêu trên chỉ là một lý giải phiến diện về chủ nghĩa cộng sản.
  Về chủ nghĩa Cộng sản Trung quốc: Brzezinski gọi chủ nghĩa cộng sản Trung quốc là một “chủ nghĩa cộng sản thương mại”, căn cứ trên xu hướng thực dụng của giới lãnh đạo Trung quốc. Điều này cũng không chính xác. Quan điểm của ông cũng đơn giản như quan điểm của nhà triết học Ba lan khác, Leszek Kolakowski, coi học thuyết của Mao Trạch Đông là một thứ “chủ nghĩa Mác nông dân.”
  Về thực tiễn cộng sản: Một xu hướng chung của nhiều học giả khoa chính trị phương Tây là căn cứ trên chính sách của những nhà lãnh đạo để phân tích chủ nghĩa cộng sản. Xu hướng này có khuyết điểm là chỉ phân tích chiến lược, chiến thuật của đảng cộng sản, cho nên người mác xít lập luận là những phân tích ấy không nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản.
  Về mô hình biến đổi của chủ nghĩa cộng sản: Brzezinski đưa ra bốn giai đoạn biến đổi của chủ nghĩa cộng sản:
  1.Chế độ cực quyền cộng sản: Đảng kiểm soát hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế.
  2. Chế độ độc đoán cộng sản: Áp lực của xã hội đối với quản lý kinh tế xã hội.
  3. Chế độ độc đoán hậu cộng sản: Áp lực của quyền lợi dân tộc.
  4.Chế độ đa nguyên hậu cộng sản: Tiến đến hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị có tính đa nguyên.
  Mô hình đa nguyên của hệ thống chính trị đó như thế nào vẫn là một vấn đề mở ngỏ, cần thảo luận.
  Tác phẩm Sự phá sản vĩ đại của Brzezinski gợi ra hai vấn đề:
a.    Cáo chung của chế độ cộng sản: Như đã dẫn ở trên, Brzezinski khẳng định đế quốc Xô viết đang trong thời kỳ suy thoái và băng hoại. Những biến chuyển của hiện tình hệ thống chính trị Xô viết đã chứng tỏ sự thay đổi đang diễn ra về mọi mặt tổ chức, xã hội, chính trị và văn hóa. Có phải những biến chuyển đó chứng tỏ vận động lịch sử không thể đảo ngược? Khủng hoảng của hệ thống chính trị cộng sản đi về đâu? Theo quan điểm lạc quan của những nhà phân tích chính trị như Brzezinski, nó báo hiệu sự cáo chung của chế độ cộng sản, nghĩa là sự cáo chung của một hệ thống cai trị độc đảng để dẫn đến một thể chế dân chủ đa nguyên.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Thứ nhất, khi phân tích cơ cấu tổ chức của chính trị cộng sản, người ta cần phải nắm vững quy luật chung của chủ nghĩa xã hội, những đặc tính phổ biến khi đảng cộng sản nắm quyền bính (một hệ thống chính trị kiểu mới tập trung quyền lực, kiểm soát mọi mặt như tổ chức mặt trận thống nhất, xây dựng tổ chức đảng, quốc doanh và tập thể hóa nông nghiệp, thảo kế hoạch năm năm, thanh trừng và kỷ luật đảng...). Thứ hai, từ bỏ quyền chỉ đạo và lãnh đạo của đảng cộng sản có phải do sức đẩy cưỡng bách của cao trào quần chúng hay chỉ là một bước lùi trong chiến thuật như đã từng xảy ra trong quá khứ? Đây có phải là dấu hiệu tiên quyết báo bước đầu của một “thực tiễn cách mạng”? Những biến cố của thập niên 1980s khác biệt với thời thập niên 50s và 60s ở chỗ, sự nổi dậy của quần chúng bạo động diễn ra thành công ở Roumania và thất bạo ở Trung quốc, trong khi tiến trình hành động tại các nước Đông Âu xảy ra thông qua vận động nghị trường và cải tổ một phần cơ cấu định chế. Thứ ba, những biến chuyển mau lẹ vào cuối năm 1989 đến nay vẫn còn đề ra những vấn nạn về yêu cầu bức thiết giải quyết sự bế tắc kinh tế hay chính sách perestroika sắp đặt từ bên trên của guồng máy cai trị, về sự khoan nhượng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại hay sự sụp đổ từng khâu trong hệ thống cộng sản. Dầu sao quá trình lịch sử cũng cho thấy vào thời đại cực quyền của Stalin, Brezhnev và Mao, sự ngưng trệ kinh tế trầm trọng cũng không đặt ra vấn đề biến đổi. Phải chăng tình trạng mở ngỏ cho biến đổi xuất phát từ sáng kiến của cá nhân lãnh đạo? Mặt khác sự hiện diện của hàng triệu đảng viên trong tổ chức độc đảng và cơ cấu tổ chức xã hội cộng sản cũng là một tác động chi phối sự biến đổi theo một phương thức khác với mô thức tư bản chủ nghĩa. Cho nên mô thức chính trị của khối Xô viết tương lai vẫn là một vấn đề. Chính Brzezinski trong phần trình bày bốn giai đoạn nêu trên cũng giả định chu trình biến đổi có thể trở về giai đoạn 1 hoặc tiến tới giai đoạn 4, và ông không thể xác quyết một dự kiến nhất định nào.
b.    Cáo chung của chủ nghĩa cộng sản: Nếu sự sụp đổ toàn diện của hệ thống chính trị khối Xô viết xảy ra thì điều đó dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản, như số phận của chủ nghĩa quốc xã sau khi Đế chế Ba chấm dứt? Chủ nghĩa cộng sản gồm hai mặt: hệ tư tưởng chính thống của Đảng lãnh đạo và những thành tựu không chính thống của giới trí thức khuynh tả trong những vùng đảng cộng sản không nắm được chính quyền. Mặt khác, thời đại chính trị toàn cầu vẫn căn cứ trên mối quan hệ giữa các nước, nên những nhà nước cộng sản vẫn là những nhà nước dân tộc. Vào giai đoạn chiến tranh lạnh và hòa hoãn thế giới, những vấn đề mới đề ra như sự cáo chung ý thức hệ, sự phục hoạt ý thức hệ vẫn là những mặt khác biệt đối với chủ nghĩa cộng sản hiện hữu.
Chủ nghĩa cộng sản về thực tiễn khi mất quyền bính liệu còn giữ được mặt lý luận với hai bộ phận biện chứng và duy vật lịch sử? Đó cũng là một vấn đề.
  Một số nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác quan niệm nó như một tôn giáo thế tục, trang bị bằng những kinh điển, giáo điều, tổ chức và kỷ luật chặt chẽ. Như vậy một khi mất quyền lực, toàn bộ cơ sở có thể tiêu vong, hay ảnh hưởng thống trị lâu đời của nó trong xã hội sẽ còn tồn tai như sự thăng trầm của những tôn giáo khác?
  Những vấn đề này đề ra trên một bình diện bao quát mà quyển sách của Brzezinski trong giới hạn của những phân tích kinh tế-chính trị không đề cập.
  Trong những nhận định phê phán trên, tôi muốn chỉ ra một điều: sự cáo chung của chủ nghĩa và chế độ cộng sản là một điều tất yếu của thời đại, tuy vậy khi quan niệm “tất yếu”, có phải nó tuân theo một quy luật nhất định, mang tính “biện chứng” hay tính “lịch sử” nào đó? Thật sự chủ nghĩa cộng sản là một “thử thách của thế kỷ 20, như Brzezinski nhận định, bởi vì chủ nghĩa đó đã thống trị gần một thế kỷ với một lý luận cách mạng có tính “toàn diện , “khoa học” nhân danh một “giai cấp” mang sứ mạng lịch sử, dẫn đạo bằng một đảng thống nhất có tổ chức và kỷ luật, trang bị chiến lược và sách lược thực tiễn, không dấu diếm bản chất “chuyên chính” tuyệt đối, với mục tiêu xây dựng một xã hội mới, tạo ra lịch sử. Nó là một “thách đố” với nhân loại, bởi vì lần đầu trong lịch sử con người, một hệ thống tư tưởng sử dụng một chính đảng thống trị xã hội về mọi mặt, khẳng định không chia xẻ quyền bính với bất kỳ thế lực nào. Nó đã gây nên một cuộc chiến triền miên, không đơn giản như hai cuộc Thế Chiến,, hay Chiến Tranh Lạnh, nhưng là một cuộc chiến toàn bộ lôi cuốn mọi giai tầng xã hội, mọi thế lực quốc tế, mọi dân tộc, tôn giáo tham dự để giải quyết những xung đột lịch sử, những mâu thuẫn đối kháng (đôi khi đơn giản hóa thành hai mặt Cách mạng và Phản động). Trong cuộc chiến để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” này, hàm ngụ một cuộc chiến tranh ý thức hệ - cuộc chiến tư tưởng ấy không phải chỉ có tính cách chống Marx, song quy mô hơn, cuộc chiến của con người để chống lại những “ông thày tư tưởng” (tôi mượn từ của André Glucksmann, Les Maitres-penseurs trong nguyên ngữ tiếng Việt cũng như tiếng Pháp, mang ý nghĩa thày/trò có tính cách thống trị thế lực cũng như hàm ngụ sự nô dịch tư tưởng.) Hiện tượng chống lại sự nô dịch trí thức của chủ nghĩa cộng sản là một lịch sử đấu tranh gai góc chứa đựng những tranh luận chung quanh chủ nghĩa Mác, tạo ra những vấn đề và giả vấn đề về khoa học kỹ thuật, về quan hệ sản xuất và lượng sản xuất, về những tiền đề xã hội chủ nghĩa, về dân tộc và cực quyền, lý luận và thực tiễn, về chủ nghĩa quốc tế và giải phóng dân tộc.
  Cho nên yêu cầu dân chủ và nhân bản nổi lên trong những phong trào đối kháng của quần chúng công nhân, nông dân, sinh viên và trí thức đã được nuôi dưỡng từ những khủng hoảng và phê phán tư tưởng từ nhiều năm. Cuộc nổi dậy của Hung và Ba lan trong thập niên 50s chịu ảnh hưởng tư tưởng hiện sinh Tây Âu. Cuộc nổi dậy ở trung quốc năm 1989 cũng biểu hiện vận động thanh niên chống lại già nua bảo thủ, của một thế hệ mới hấp thụ tư tưởng hiện sinh phương Tây, một thế hệ từ bỏ giáo điều cổ hủ, để đọc Sartre, Beckett, Faulkner, Robbe-Grillet.
  Chủ nghĩa Mác đã phát triển theo ba mặt:
-    Chủ nghĩa Mác chính thống: tôi không đơn giản quan niệm chủ nghĩa Mác chính thống thuộc về hệ tư tưởng Mác Xô viết. Tính chính thống ở đây hàm ngụ một ý thức hệ nắm quyền bính, nó mang những mặt biểu hiện chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Trốtki.
-    Chủ nghĩa xét lại mác xít: thường nêu khởi thủy từ Bernstein. Thật ra, trào lưu xét lại ở khắp các nước Đông Âu (Nam tư, Tiệp, Ba lan) không chịu ảnh hưởng bắt nguồn từ Bernstein, nhưng từ tư tưởng phê phán chủ nghĩa xã hội có quyền bính. Tư tưởng phê phán này xây dựng trên cơ sở của Marx hàm ngụ hai nghĩa: “Phê phán không ngại đến những kết luận về bản thân nó, cũng như không ngại xung đột với chính quyền lực” (Marx).
-    Chủ nghĩa Mác Tây Âu qua ba thế hệ: giai đoạn Lukács và Kark Korsch. Lukács từng bị lên án theo chủ nghĩa xét lại, song ngay từ tham luận viết năm 1919, ông đã đặt vấn đề chính thống với quan niệm: “Tính chính thống mác xít không phải là bảo vệ truyền thống, nó là người tiên tri thường hằng cảnh giác chỉ ra mối quan hệ giữa những nhiệm vụ của hiện tại trước mắt và toàn bộ quá trình lịch sử.” Giai đoạn thứ hai với trường phái Frankfurt ở Đức và Gramsci ở Ý. Giai đoạn thứ ba với những người hiện sinh đi theo chủ nghĩa Mác như Sartre và Merleau-Ponty hay những người mác xít cực đoan như Althusser ở Pháp, Della Volpe và Coletti ở Ý, Habermas (giai đoạn đầu) ở Đức.
Bên cạnh ba trào lưu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác nói trên, những lý luận hội tụ và xã hội hậu công nghiệp cũng góp phần vào việc phê phán chủ nghĩa cộng sản. Những đóng góp của lý luận hội tụ trong những thập niên 60s theo Afred Meyer có thể chia thành ba xu hướng:
1.    Phát triển trong khuôn khổ chủ nghĩa xã hội dân chủ chỉ ra một xã hội đa nguyên, hợp tác, dân chủ xây dựng trên cơ sở một nền văn hóa công dân của khoan dung tương trợ.
2.    Cơ sở đa nguyên xã hội của một trật tự chính trị nhấn mạnh đến ghệ thống phối trí, truyền thông được cấu trúc - một nền chính trị trong khuôn khổ bàn giấy.
3.    Một chủ nghĩa chuyên chính toàn diện phát sinh từ hậu quả của hiện đại hóa và khủng hoảng về trật tự chính trị.
Những khác biệt giữa các lý luận hội tụ và những vấn đề nan giải của sự hội tụ xã hội phát xuất từ nhiều nguyên nhân:
-    Đối lập giữa tổ chức nhà nước toàn diện và quyền lực của nhân dân cũng như tự do tư tưởng của con người.
-    Khác biệt giữa những xã hội công nghiệp: theo Raymond Aron, công nghiệp chỉ là một phương tiện chứ không phải cứu cánh và bản chất của một xã hội nằm trong mục tiêu thực hiện, chẳng hạn xã hội Liên xô đối nghịch với xã hội Mỹ vì Liên xô quản lý sản xuất nhằm duy trì hay gia tăng quyền lực trong khi xã hội Mỹ nhằm mục tiêu cung ứng sự thịnh vượng cho dân chúng.
Những nghiên cứu chính trị, xã hội về hai mô hình xã hội Liên xô và Mỹ vẫn chỉ ra những khác biệt sâu sắc về phương thức quản lý xã hội, hệ thống chính trị, xung đột ý thức hệ, quan niệm về dân chủ, về xã hội hóa, tập trung hóa, kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch.
  Trong số những nhà lý luận thiên hướng hội tụ, ở Đông Âu sau thời đại Stalin, như Lukács cũng nhận ra từ vận động văn học: “một viễn tượng mới về sự sống chung hòa bình giữa các nước đem lại một khung cảnh rộng rãi trong nền văn học tư sản hiện thực và phê phán. Lưỡng luận thực trong thời đại chúng ta không phải là sự đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng là sự đối lập của chiến tranh và hòa bình.”
  Lý luận hội tụ trên bình diện tư tưởng còn có thể gọi là lý luận phát triển trên bình diện kinh té chính trị vì những mục tiêu:
-    Nghiên cứu dài hạn về sự tăng trưởng kinh tế.
-    Nghiên cứu sự đối nghịch giữa những nước giàu và nghèo.
-    Đối chiếu tổ chức xã hội kinh tế giữa khối Xô viết và các nước Tây Âu.
Những khác biệt chỉ thực sự biến đi khi nhân loại tiến tới một hệ thống chính trị và xã hội phổ biến (mô thức xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp không phải là hệ thống chính trị xã hội phổ biến - tuy về mặt lịch sử, nó là một mẫu xã hội phổ biến xuất hiện trong lịch sử mở ra một kỷ nguyên mới với những nhân tố chung như cộng nghiệp hóa, đô thị hóa, giáo dục phổ biến, phát triển giáo dục cao cấp...) Chỉ có thế biến đổi mới thực hiện được sự tiến tới một hệ thống phổ biến như vậy.
  Biến đổi đã thực sự xảy ra vào cuối-thế-kỷ tuần tự diễn ra như sau:
  Ở Ba lan, kể từ tháng Hai đến tháng Tư năm 1989, phong trào Đoàn kết sau nhiều cuộc đấu tranh cam go chí tử với bạo quyền do sự quyết tâm trong nước và hậu thuẫn bên ngoài đã tồn tại và đi đến thắng lợi khi đã bắt đầu được những tranh luận ngang bằng với chế độ cộng sản và dẫn đến những thỏa hiệp tổ chức bầu cử tự do.
  Ngày 4 tháng Sáu năm 1989, phong trào Đoàn kết toàn thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện.
  Ngày 24 tháng Tám năm 1989, Tadeusz Mazowiecki đại biểu của phong trào Đoàn kết được bầu làm Thủ tướng và thành lập Nội các trong đó chỉ có bốn thành viên là đảng viên cộng sản.
  Tháng 12 năm 1990, Lech Walesa được bầu làm Tổng thống.
  Ở Hungari, vào ngày 19 tháng Chín năm 1989, đảng cộng sản cầm quyền và đối lập thỏa thuận về những tu chính hiến pháp, tạo ra một hệ thống đa đảng và kết cuộc là tổ chức được bầu cử tự do vào năm 1990.
  Từ ngày 25 tháng Ba đến ngày 8 tháng Tư năm 1990, những cuộc bầu cử và chạy đua vào Nghị viện kết quả dẫn đến thắng lợi cho Mặt trận Dân chủ thống nhất.
  Ngày 24 tháng Năm 1990, Josef Antall của Mặt trận Dân chủ thống nhất nhậm chức Thủ tướng.
  Ngày 28 tháng Chín 1990, Hungari và Liên xô thỏa ước về việc rút những đạo quân Xô viết đồn trú tại Hung.
  Ở Đông Đức, trong hai tháng tám và Chín năm 1989, làn sóng người di dân từ Đông Đức ồ ạt kéo nhau qua ngả Hung để đến Tây Đức và nước này từ chối giao trả những người tị nạn về Đông Đức.
  Ngày 9 tháng 11 năm 1989 Đông Đức mở cửa biên giới sang phương Tây và hàng ngàn người ở Berlin đổ xô qua Tây Đức.
  Ngày 18 tháng Ba năm 1990 những cuộc bầu cử diễn ra ở Đông Đức ủy nhiệm cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thành lập chính phủ.
  Ngày 1 tháng Bảy năm 1990 thiết lập sự thống nhất kinh tế Đức với bình quân giữa đồng Mã và tiền Đông Đức.
  Ngày 3 tháng 10 năm 1990 hai nước Đức thống nhất sau bốn mươi lăm năm phân cách.
  Ở Tiệp vào tháng 11 và 12 năm 1989, phong trào Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Diễn đàn công dân do Václav Havel cầm đầu buộc giới lãnh đạo cứng rắn phải rút lui trao trả quyền lực lại cho dân.
  Ngày 29 tháng 12 năm 1989, Havel được bầu làm Tổng thống.
  Ngày 8 và 9 tháng 6 năm 1990 nhũng cuộc bầu cử tự do tại Bulgaria kể từ 1946 đưa Diễn đàn Dân chủ lên cầm quyền.
  Ỏ Liên xô vào ngày 1 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Tối cao Xô viết phê chuẩn cơ cấu hiến pháp mới đưa Gorbachev thay thế Gromyko làm Chủ tịch nhà nước kiêm nhiệm Tổng bí thư. Tháng Ba năm 1989 bầu ra Đại biểu Quốc hội Nhân dân, một thay đổi ngoạn mục trong tiến trình cải tổ tiếp theo chính sách perestroika.
  Và tháng 2 năm 1990 Ủy ban Trung ương đồng ý xóa bỏ vị thế tối ưu pháp định của đảng Cộng sản.
  Ngày 19 tháng 8 nam 1991, một Ủy ban năm người gồm Phó Chủ tịch Yanaev, Bộ trưởng Nội vụ, Bí thư đảng CS, lãnh tụ Liên đoàn Nông dân và Chủ nhiệm Hiệp hội Các Giám đốc Xí nghiệp quốc doanh thành lập “Hội đồng Nhà nước trong tình trạng khẩn cấp” mưu cuộc đảo chánh, bắt giữ Chủ tịch Xô viết, ra lệnh cho quân đội bảo vệ Moksva và ban hành những quyền lực khẩn cấp.
  Gorbachev bị cô lập ở biệt thự nghỉ mát tại Cape Foros gần Yalta trong vùng Crimea. Cuộc đảo chánh bất thành vì các lực lượng KGB không điều động được. Tổng thống Cộng hòa Nga Boris Yeltsin, Thủ tướng Ivan Silayev và Chủ tịch Nghị viện Nga Khasbulatov tố cáo cuộc đảo chánh của những ke hữu khuynh, phản động. Yeltsin đọc lời kêu gọi quần chúng trên một chiếc xe tăng trước những ống kính các đài truyền hình phương Tây.
  Vào ngày 21 tháng 8 tình thế đảo ngược với sự hỗ trợ của phương Tây, Ủy ban đảo chánh phải quy thuận và Gorbachev trở lại nắm quyền.
  Cuộc đảo chánh tháng Tám thất bại đánh dấu sự cáo chung của hệ thống cộng sản, cùng với các nước Cộng hòa trong khối Xô viết củng cố quyền lực độc lập tách rời quyền lực liên bang. Vào ngày 8 tháng 12 nam 1991, cùng với những Tổng thống Leonid Kravchuk xứ Ukraine và Stanislav Shushkevich xứ Belorussia, với hậu thuẫn của các nước Cộng hòa khác trừ Georgia, Yeltsin tuyên bố chấm dứt Liên bang Xô viết. gorbschev ký văn thư từ chức vào ngày 25 tháng 12. Một kỷ nguyên Cộng sản trong lịch sử Nga chính thức cáo chung.
  Tượng Lenin bị kéo sập, người ta tưởng niệm những nạn nhân của chế độ cộng sản, thàng phố Leningrad đổi trả lại cái tên lịch sử St. Petersburg và Yeltsin ban hành luật cấm đảng cộng sản hoạt động trên nước Nga vào đêm hôm trước ngày 7 tháng 11 kỷ niệm cuộc cách mạng đã tốn nhiều giấy mực và gây cái chết cho cả triệu người.
  Tưởng cũng nên nhắc là trong cuộc họp Đảng lần cuối vào ngày 2 tháng 7 năm 1990, theo truyền thống, Tổng bí thư Gorbachev đã đọc bài diễn văn quan trọng khoảng hai tiếng rưỡi. Phá lệ truyền thống, ông đã mạnh dạn phát biểu: “Kiểu mẫu chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin đã bị thay thế bằng một xã hội công dân của những người tự do...”
  Trước sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, ông đặt vấn đề: chủ nghĩa xã hội nào? và tự đi giải thích là chủ nghĩa xã hội đó cơ bản là một dạng của hệ thống bàn giấy chuyên chính kiểu Stalin.
  Điều này thực ra những nhà triết học Nam tư trường phái Praxis đã đưa ra từ nhhiều thập niên trước.
Chủ nghĩa nhà nước: Ngay từ những thập niên 50s của thế kỷ, một nhóm nhà lý luận Nam tư đã thảo luận những vấn đề của chủ nghĩa Mác chính thống” và từ năm 1964 họ thành lập một tạp chí triết học lấy tên là Praxis (Thực tiễn) (bị nhà cầm quyền đóng cửa vào năm 1975, tuy nhiên tạp chí đã mở rộng ra bên ngoài, thành Praxis International quy tụ đông đảo những người nghiên cứu Mác xít như Richard J. Bernstein, Mihailo Markovic, Iring Fetscher, Jurgen Habermas, Karel Kosik, Oskar Negt, Svetozar Stojanovic, Rudi Supek, Ljubomir Tadic, Albrecht Wellmer, Kurt Wolff..., đặt trụ sở ở Nam tư và Mỹ), cho nên nhóm những nhà lý luận này thường được gọi là nhóm Praxis. Chủ trương của nhóm Praxis này nhằm đóng góp vào việc xây dựng một lý luận nhân bản mác xít, thảo luận những điểm hội tụ và khác biệt giữa chủ nghĩa Mác và những trào lưu triết lý khác, vượt ra ngoài cái khung Diamat chuyên chế và nô dịch sự phát triển của tư tưởng.
  Trong tác phẩm Giữa lý tưởng và thực tại/Izmedju Ideala i Stvarnosti (1969), Stojanovic đã đặt lại cơ sở của “chủ nghĩa xã hội hiện hành” kể từ khi sản sinh ra một hệ thống giai cấp bóc lột mới: một lý luận về chủ nghĩa nhà nước như một hình thái mới của xã hội có giai cấp. Ông khẳng định hình thái mới về một xã hội có giai cấp, theo chủ nghĩa nhà nước này sản sinh ra từ chủ nghĩa Stalin.
   Vấn đề Nhà nước và “thủ tiêu nhà nước” đã đặt ra từ Lenin, vì lý ưng, Nhà nước là một công cụ đàn áp của giai cấp thống trị thì khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản, không còn giai cấp, tất nhiên phải xóa bỏ Nhà nước. Theo Stojanovic, sự vắng mặt của giai cấp vô sản công nghiệp phát triển lớn mạnh là một trong những nguyên nhân quyết định của sự suy thoái tiến đến chủ nghĩa nhà nước trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng chỉ ra cái huyền thoại về giai cấp vô sản là giai cấp cầm quyền trong hệ thống Stalinít. Nhiều người Mác xít đã sai lầm khi quan niệm chủ nghĩa Stalin là một chủ nghĩa xã hội nhà nước, thay vì coi đó là một hình thái mới của xã hội có giai cấp, một giai cấp bóc lột mới.
Giai cấp bóc lột mới: Trước nhóm Praxis, Milovan Djilas ngay từ năm 1957 đã đưa ra một phân tích hệ thống cộng sản và phát hiện một giai cấp mới hình thành trong xã hội xã hội chủ nghĩa, ở đó quyền sở hữu thuộc về “tập thể”. Milovan Djilas viết:
  “Mọi sự xảy ra khác ở Liên xô và những nước cộng sản khác với điều những nhà lãnh đạo tiên liệu. Họ kỳ vọng là nhà nước sẽ mau chóng bị thủ tiêu, và củng cố dân chủ. Sự việc xảy ra ngược hẳn.”
  Giai cấp này từ đâu mà ra? Nó không là một bộ phận của đời sống kinh tế xã hội mà chỉ sinh ra từ một tổ chức đặc thù bắt nguồn từ một đảng gồm những người có đặc lợi, đặc quyền vì nắm giữ độc quyền cai trị. Djilas nhận định giai cấp mới này càng phát triển thì cái đảng tiền phong ấy càng suy yếu. Điều nghịch lý là giai cấp mới nắm độc quyền khi mệnh danh là tiên tiến vô sản. nhân danh giai cấp công nhân để thống trị xã hội đã là giai cấp thống trị giới công nhân. ở trong giai cấp mới này, người ta không thừa kế điều gì ngoài việc len lỏi leo lên địa vị cao trên bậc thang quyền lực, đòi hỏi trung thành với đảng, tức là với giai cấp mới. Những đặc điểm của giai cấp mới này là độc quyền cai trị, củng cố bằng những tín điều thư lại. Về mặt lý luận thì chủ nghĩa cộng sản mở ra với mọi người, song mặt khác nó tập trung quyền trong tay thiểu số lãnh đạo. Cái mâu thuẫn ấy còn biểu lộ qua việc trong khi hứa hẹn thủ tiêu những khác biệt xã hội, nó lại gia tăng đặc quyền đặc quyền đặc lợi cho những kẻ gia nhập tổ chức này.
  Quá trình lịch sử tại các nước xã hội chủ nghĩa đã chứng thực những viễn tượng trong hệ thống cộng sản qua phân tích của Milovan Djilas. Chủ nghĩa nhà nước trong tay giai cấp mới là hai mặt của xã hội dưới chế độ cộng sản. Tôi gọi nó là một thứ chủ nghĩa Djilas .
  Người được coi như kiến trúc sư của họa đồ cải cách Yakovlev đã chỉ trích đảng cộng sản là một hệ thống trì trệ xã hội do chế độ quyền lực cá nhân sinh ra. Shostakovsky nguyên Viện trưởng trường Đảng cũng phải thú nhận: “Về chọn lựa chủ nghĩa xã hội: Nhân dân đã theo những khẩu hiệu của người bôn-sê-vích mà bẩy mươi năm sau vẫn lập đi lập lại là: đất cho nông dân, nhà máy cho công nhân, quyền lực về các Xô viết và hòa bình cho dân tộc. Chúng ta không hoàn tất những khẩu hiệu ấy. Đất vẫn ở trong tay Nhà nước, nhà máy thuộc về các bộ, quyền lực trong tay Đảng và nói chung không có hòa bình giữa các dân tộc.”
Trầm tích hậu cộng sản: Vượt quá khứ cộng sản vẫn còn là một con đường nhiều gai góc và phức tạp vì chủ nghĩa cộng sản đã để một dấu tích đầy ngịch lý trong lịch sử và văn minh nhân loại. Một nhà văn Hung, Péter Esterházy đã kinh qua giai đoạn ấy nhận xét: “Ngay cả nếu thực là đất nước đã tống khứ được chủ nghĩa cộng sản vào năm 1956 như con chó giũ sạch nước, ngày nay hầu như không rõ ràng chỗ nào chó giũ sạch và chỗ nào nước bắt đầu.”
   Hiện tại, một số nước trên thế giới (Trung quốc, Bắc, Triều tiên, Việt nam, Lào, Miên, Cuba) vẫn còn được kể là những nước cộng sản. Trước sự tan rã của khối Xô viết và ý thức hệ cộng sản, những nước còn lại kể trên đi về đâu. Một nhà nghiên cứu chính trị (Richard Sakwa) nghĩ là chúng đang trên lộ trình tự vượt chủ nghĩa cộng sản. “Tự vượt” xuất phát từ những quan tâm và cấp bách mang tính bản địa, vì dường như quá trình biến đổi ở Đông Âu không có ảnh hưởng, ít ra đối với Trung quốc. Theo Sakwa, cách mạng tự vượt ở châu Á chỉ hoàn tất không phải là giải thể những chế độ và biến đổi quyền lực của chúng thành những hình thái mới, nhưng do chính những hệ thống cộng sản dẫn sự thích nghi tuần tự đến những nhiệm vụ phát triển quốc gia hướng về thị trường. Liệu điều này có thể xảy ra?
  Một nhà nghiên cứu trẻ Trung quốc, Zhang Boshu không tin vào những dự tưởng lạc quan này. Boshu cũng phê bình Brzezinski đã đáng giá sai khi ca ngợi “chủ nghĩa cộng sản mại bản” của Trung quốc khi cho là chỉ số độ khủng hoảng của Trung quốc thấp nhất trong các nước vùng Đông Á. Thật ra cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội cũng như chính trị đạo đức đã xảy ra ngay trước khi Brzezinski cho ra mắt tác phẩm nói đến ở trên. Cuộc vận động ngày 4 tháng Sáu năm 1989 cho dân chủ không phải là một biến cố đơn lẻ, chỉ sáu tháng sau biến động Thiên An Môn hàng loạt những cao trào dân chủ dấy lên ở Đông Âu và Liên Xô. Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội hiện đại chỉ ra chủ nghĩa cộng sản kiểu Mác xít dầu là Mao hay Lenin-Stalin không thể coi là một mô hình xã hội lý tưởng.
  Những nước cộng sản hiện hữu là những tàn tích của thử nghiệm một mô hình xã hội, cuộc thử nghiệm này trả một giá xương máu cho nhân loại và để lại một hội chứng hậu cộng sản. Ý thức hệ ấy do một đảng độc quyền ý thức hệ, một giai cấp mới của chủ nghĩa Djilas.
  Hai đặc điểm cơ bản của những nước XHCN hiện hữu này là một guồng máy khủng bố có sách lược và một hệ thống kinh tế suy bại.
  Xét riêng Việt nam, hiện tượng tham nhũng đã trở thành căn bệnh nội tạng và giới lãnh đạo bảo thủ luôn luôn coi cải cách chính trị là một “diễn biến hòa bình” do những lực lượng thù nghịch điều động. Từ thời điểm 1975 trở lại đây, sự thất bại đầu tiên là không có một kế hoạch ứng phó với kinh tế miền Nam, cũng như không có một chương trình tái thiết hậu chiến. Sự thất bại kế tiếp là sa lầy vào cuộc chiến Campuchia. Bắt chước liên Xô, giới lãnh đạo cũng đưa ra chính sách đổi mới vào năm 1985, nhưng tự sâu xa họ chẳng hiểu phải làm như thế nào để đưa từ lý luận vào hành động cụ thể.
  Vào tháng Chín năm này cái đổi mới chủ yếu là cải cách tiền tệ chỉ làm cho tình trạng kinh tế vốn đã tồi tệ càng tồi tệ hơn.Theo như tường trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế mô tả thì chỉ hai năm sau khi “đổi mới bắt đầu vào năm 1985, tình trạng còn xấu hơn những năm trước: sản xuất nông nghiệp sút giảm trong năm 1987, lạm phát trong hai năm 87 và 88 tăng lên 300%, khiến công nhsân viên và người lao động càng khốn cùng, hệ thống phân phối tồi tệ đi, nạn thất nghiệp gia tăng. Hầu như trong năm 1988, nạn khan hiếm thực phẩm gia tăng, thậm chí ở nhiều tỉnh miền Bắc còn bị chết đói. Vào tháng Ba năm này, ngân hàng nhà nước phát hành tiền mới, khiến giá thực phẩm tăng lên gấp đôi, giá đồng bạc sụt xuống còn nửa. Những khuyến cáo của Quỹ tiền tệ Quóc tế (IMF) đối với bất cứ quốc gia nào kém mở mang như định mức giá cả linh động, kiểm soát mậu dịch ít hơn, giảm chi viện, thúc đẩy xuất cảng, kêu gọi đầu tư ngoại quốc tư nhân và xác định thị trường, có nghĩa là tiêu hủy kinh tế quy hoạch “xã hội chủ nghĩa”.Những khuyến cáo này không dược nghe cho mãi dến năm 1987, bộ Chính trị mới thi hành một vài điểm như xóa bỏ chế độ chi viện, kiểm soát ngân sách, điều chỉnh hối đoái và hệ thống giá cả...Đại hội trung ương đảng kỳ sáu vào tháng Ba năm 1989 nhìn nhận những sở hữu cá thể, những hình thái kinh tế tư bản tư nhân vẫn tồn tại lâu dài thiết yếu cho kinh tế trong cơ cấu của một nền kinh tế cơ sở hàng hóa trong con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, đề cương kinh tế không quan trọng bằng phương cách áp dụng. Những nghị quyết của Bộ Chính trị phản ảnh những tranh giành quyền lực gay gắt và những thỏa hiệp trong hàng ngũ lãnh đạo. Chúng chỉ đáp ứng nhu cầu chính trị chứ không đáp ứng những vấn đề kinh tế. Chính vì lý do đó không đi sát với thực tế hàng ngày dần dà vượt khỏi vòng kiểm soát của bộ Chính trị. Từ những thập niên 80s, quỹ Tiền tệ uốc tế đã ảnh hưởng mạnh đến những chính sách của Việt nam, đến độ dường như còn hơn cả những nước đã từ bỏ chế độ cộng sản, theo chính sách vĩ mô do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề ra. Kết quả là trong năm 1995, hố chia cách giữa lý thuyết và quyền lực, giữa con người lý luận và con người hành động càng rộng lớn.
  Đảng đưa ra nghị quyết xác định Việt nam sẽ phát triển “một nền kinh tế đa khu vực với những thành phần kinh tế và cơ sở kinh doanh đa biệt để tiến tới chỗ phát triển mau chóng...nhà nước sẽ điều hợp và hướng dẫn kinh tế thị trường hơn cho phù hợp với những định hướng xã hội chủ nghĩa.” Những người lãnh đạo đến lúc phải thừa nhận những quy luật phát triển chung của kinh tế thế giới và những quy luật phổ biến của sản xuất hàng hóa - như một bài viết trên tạp chí lý luận của đảng CS là “để cho nhân tố tư bản chủ nghĩa đạt tới một mức độ nhất định của phát triển trong thời kỳ quá độ là một vấn đề khách quan.” Tổng bí thư Đảng vào đầu năm 1994 phải thú nhận là “xây dựng chủ nghĩa xã hội tuy thế hãy còn mới mẻ” cần phải “học tập Chủ nghĩa Mác-Lenin” về chính sách kinh tế mới và chủ nghĩa tư bản do nhà nước quản lý để tìm ra những hình thái mới trong thời kỳ quá độ. Thật ra thú nhận này chỉ để che dấu những chính sách vô trách nhiệm trong việc quản lý kinh tế của đất nước từ nhiều thập niên qua khi đảng CS nắm chính quyền.

  Sự bế tắc trầm trọng giữa nhóm lãnh đạo là chỉ nhất trí trên nhu cầu duy trì bá quyền chính trị chứ không phải tìm cách để giải quyết những thử thách nghiêm trọng và khó khăn của chính sách, cho nên đất nước rơi vào chỗ vô định trên nhiều mặt định chế và xã hội. Đại hội Đảng tháng Sáu năm 1996 đã phơi bày công khai tình trạng mâu thuẫn khủng hoảng trong nội bộ đảng Cs như tình trạng xung đột ở Liên Xô tronbg những năm cuối trước khi sụp đổ. Sự bế tắc ấy đã diễn ra những nghịch lý trong xã hội. Tại sao chế độ cộng sản tại Việt nam chưa sụp đổ?

  Hỏi như vậy có nghĩa là hiện trạng của Việt nam chưa thay đổi, không có nghĩa là tất yếu sẽ không phải biến đổi. Lý ưng, Việt nam sẽ biến đổi khi hội được những điều kiện ắt có và đủ khi tình hình đã chín mùi.

  Chế độ cộng sản đang tồn tại vì cái hạt nhân của nó là đảng CS hiện nắm quyền bính, cho nên khi đi tìm hiểu những điều kiện khả dĩ có thể dự đoán sự cáo chung của nó trong vận động lịch sử là tiền đề sơ khởi. Lấy thời điểm 1975 làm cái mốc để xét thì những vấn đề kinh tế chính trị đã tác động thành cuộc khủng hoảng trầm trọng trong nội bộ Đảng, tuy những biến động quốc tế 1989, 1991 chưa làm nó tan rã nhưng bước đầu cho thấy đảng CS Việt nam không còn ở cái thế chủ động.

  Từ năm 1988 lần lượt những đảng CS nắm quyền bính tại Đông Âu và Liên xô đã mất thế đứng không phải vì những cuộc bạo luận mà do chính những biến đổi về tổ chức và trí thức cũng như những mâu thuẫn trong xã hội tạo ra ảnh hưởng quan trọng vào sự phát triển những áp lực căng thẳng cho việc tái cấu trúc điều kiện tồn tại của đảng cộng sản Việt nam.

  Trong nhiều thập niên đảng CS luôn luôn giữ vị thế về mặt lý luận là một đảng của quần chúng lao động, xác định lập trường Mác-Lenin nhưng về măït thực tiễn do một thiểu số trong bộ Chính trị nắm quyền điều động quyết định đường lối chính sách. Dựa vào điều kiện chiến tranh, chủ trương trường kỳ kháng chiến, thiểu số này mặc nhiên khoác cho mình cái độc quyền nhân cách hóa vai trò vô sản để thống trị, đặt mình trở thành đảng tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo giai cấp công nhân với vị thế và ý thức của giai cấp công nhân. Do lẽ đó trong suốt cuộc chiến, lấy cớ tình thế đất nước thời chiến, thiểu số bộ Chính trị nắm quyền sinh sát, chuyển sang thời bình trở thành nhóm lãnh đạo lỗi thời, lạc hậu trước tình hình mới đòi hỏi những đáp ứng và khả năng khác biệt.

  Đảng cộng sản Việt nam nắm quyền cai trị ngày nay cũng đồng bệnh như nước anh em Trung quốc là làm chủ đất nước không phải vì “vai trò lịch sử” mà là vì đang có sức mạnh bạo lực trong tay để bảo vệ củng cố quyền lực xây dựng trên những ảo tưởng chủ nghĩa, thực tế đang mất dần sự trung thành của đảng viên và sự tuân hành của quần chúng bị trị. Nó đang sa lầy vì một chính sách đẻ ra giai tầng ưu tú mới về kinh tế gồm tuyệt đại đa số là hàng ngũ đảng viên tham nhũng, một giới quý tộc mới có thẻ dùng mọi thủ đoạn chính trị một cách vô liêm sỉ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi kinh tế. Tình trạng mất niềm tin, bên bờ vực này sẽ quyết định sự tồn tại của đảng cộng sản, tuy không tiên liệu vào thời điểm nào nhưng dựa trên quá trình lịch sử hiện đại, một xã hội băng hoại như thế khó thể tồn tại. Một là cao trào dân chủ tất thắng, hai là nó sẽ chuyển hóa thành một “chủ nghĩa xã hội quân phiệt” gần như phổ biến trên chính trường vùng Trung Đông và Nam Á, bởi vì cơ bản của nền chính trị này là chế độ cực quyền, độc tài và tham nhũng.

  Sự cáo chung của chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu đã tạo những hụt hẫng cho những nước còn tồn tại dưới lá cờ Mác-Lenin. Vì thế danh xưng chủ nghĩa xã hội chỉ là một hư từ chính trị trong việc biện minh cho sự tồn tại chính trị của đảng cộng sản ở những nước trầm tích này.

Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít


Phê phán hệ tư tưởng Mác xít là một chương của dự án Cơ sở tư tưởng thời quá độ. Song khi triển khai vấn đề, chương sách này đã vượt khuôn khổ vì không thể chỉ giới hạn vào mặt nhận thức luận. Do đó hình thành ra quyển sách - không nhằm đóng góp vào thư tịch về chủ nghĩa cộng sản, mà chủ yếu nhằm thảo luận vấn đề cơ sở tư tưởng của thời đại.

   Phê phán tự nó là một vận động hủy tạo, nhằm tháo gỡ những khúc mắc trên những chặng đường hành trạng - nhưng tự nó không xây dựng một kiến trúc mới. Phê phán hệ tư tưởng trong toàn bộ chủ nghĩa Mác chỉ ra những tồn tại và hủy diệt của một lý luận có toan tính thủ tiêu một thế giới, một nhân loại và một văn hóa cũ để xây dựng nên những cái mới, khi lý luận ấy có quyền lực trong tay. Cho nên sẽ không xét đến từng xu hướng Mác xít, cũng như những tương quan đối chiếu chủ nghĩa Mác với những tư trào chế ngự thế kỷ vừa qua như hiện tượng luận, cấu trúc luận, thuyết hủy tạo, triết học phân tích, chủ nghĩa thực chứng...

   Phê phán hệ tư tưởng Mác xít nhằm định vị sự phát triển và thất bại của chủ nghĩa ở chung cuộc cùng với sự cáo chung của chế độ đã phân hóa thế giới thành hai văn hóa, hai ngôn ngữ. Sự thống trị của một bóng ma không thể phục sinh trên con đường quyền lực tư tưởng.

   Đan cử một ví dụ: Quan điểm của một người Mác xít vào 1979: Đa số những triết gia Mác xít coi đối thoại giữa những hệ tư tưởng đối lập có thể khả hữu, nhưng từ chối xây dựng đối thoại này quay về chủ nghĩa nhân bản trừu tượng. Trong quan điểm của họ, một cuộc đối thoại như thế dường như không thể loại bỏ đấu tranh ý thức hệ; mà nó chính là một hình thái đặc thù của cuộc đấu tranh ấy.(Xem "Chủ nghĩa Mác và những tranh luận về chủ nghĩa nhân bản" của T.I.Oiserman, trong Paul Ricoeur, Main Trends in Philosophy, 1979).

Cùng tác giả này vào 1993: Chúng ta cũng có thể nói là triết học mác xít hiện tại ở Nga, trong mọi trường hợp đã là một triết học thực sự hậu-mác xít, theo chiều hướng là rất nhiều những tư tưởng mà các triết gia Xô viết bảo vệ không còn là những tư tưởng của Karl Marx và F. Engels nữa , đôi khi còn tỏ ra không phù hợp, ngay về cơ bản, với những phát biểu của những cha đẻ sáng lập ra chủ nghĩa Mác. (Xem "Những năm 90"của T.I. Oiserman và S.T. Melioukhine, trong La philosophie en Europe, Raymond Klibansky và David Pears, 1993.)

   Marx đã chết. Ở ngưỡng cữa bước vào thế kỷ 21, nếu Marx có sống lại như một chủ nghĩa tân-Mác, như những chủ nghĩa tân-Kant, tân-Hegel, lời nguyền đầu tiên của ông chắc hẳn là: Tôi không là người Mác xít.


mục lục

chương 1: đọc Marx .......................................... 5
chương 2: đọc Lenin .......................................... 27
chương 3: lý luận về tha hóa ............................... 45
chương 4: lý luận về tư bản ............................... 61
chương 5: lý luận về ý thức hệ ..........................  87
chương 6: lý luận về vật hóa .............................. 115
chương 7: lý luận về lịch sử ............................... 129
chương 8: phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử  143
chương 9: phê phán thực tiễn chủ nghĩa Mác  163
       bạt (thay lời kết) .........................  197    
       mục lục .....................................  199                      

phê phán hệ tư tưởng mác-xít 
ĐẶNG PHÙNG QUÂN 

PHÊ PHÁN
HỆ TƯ TƯỞNG MÁC-XÍT

CHỦ ĐỀ
2002

cùng một tác giả
-    L existence d autrui et la Fidélité dans l oeuvre de Gabriel Marcel (1967)
-    Hiện hữu tha nhân với G. Marcel (1969)
-    Ca ngợi triết học (1970)
-    Triết học và Khoa học (1972)
-    Về tiểu thuyết của Khái Hưng (1972)
-    Triết học Aristote (1972)
-    Chân dung triết gia (1973)
-    Triết học và văn chương (1974)
-    Miền thượng uyển xưa (1983)
-    Văn chương và Lưu đày (1985)
-    Một dặm tương thân (1987)
-    Tự truyện (1997)
-    Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (2002)

ghi chú thư tịch
Nhìn lại 100 năm triết học và văn chương, Chủ Đề- giai phẩm mùa Xuân 2000 & Dòng Việt số 9 năm 2000.
Cơ sở phê bình luận vị lai, Chủ Đề số 6, 2001.
Những tồn tại của phê bình quyền năng phán xét/mỹ/nghệ, Chủ đề số 7, 2001.

Viết ::đọc - mối quan hệ bất khả thi, Chủ Đề số 5, 2001.
Tiểu thuyết có khả hữu, Chủ Đề số 4, 2000.
Thu chí, Chủ Đề số 3, 2000.
Lý luận phụ nữ, Chủ Đề số 8, 2001.
Quan hệ đồng tính/đồng văn, Chủ Đề số 9, 2002.
Hành trạng tư tưởng, Chủ Đề số 4, 2000.
Trường hợp Trần Đức Thảo, Văn Học số 96 & 98, 1994.
Hai người đàn bà, Chủ đề số 8, 2001.

1 nhận xét: