Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân



Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân
tích chúng trong quá trình tiếp cận hình tượng thơ.
( in trong Tạp chí Khoa học ĐHQG H. số 1/2007)
                                PGS.TS. Hữu Đạt.

    Trong nghiên cứu từ vựng- ngữ nghĩa của ngôn ngữ, lý thuyết trường nghĩa đóng góp một phần rất quan trọng vào việc phân chia các lớp từ vựng cũng như vạch ra mối quan hệ bản chất giữa các nhóm từ trong một lớp, giữa các từ trong một nhóm ( / 3 /, / 4 / ). Khi đi sâu vào phân tích ngữ nghĩa từ vựng, lý thuyết trường nghĩa còn cho ta nhìn nhận một cách hệ thống về quá trình phát triển của nghĩa từ và cơ cấu nghĩa của nó. Một trong các nội dung quan trọng của lý thuyết trường nghĩa là việc phân tích nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm. Đây là hướng nghiên cứu rất có ích đối với việc tìm hiểu hệ thống các từ gần nghĩa, đồng nghĩa ( xem thêm / 14 / ) cũng như việc hiểu nghĩa từ trong văn bản, đặc biệt là các văn bản có tính  hình tượng cao như văn bản thơ ca ( xem thêm / 6 /, / 8 /).
    1. Nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm.
    Trong lý thuyết trường nghĩa, hai loại nghĩa được quan tâm đầu tiên là nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm. Đây là các loại nghĩa khái quát cho phép người ta từ đó đi sâu vào các nét nghĩa của từ. Theo cách hiểu chung nhất, nghĩa biểu vật là ý nghĩa khái quát về chủng loại sự vật. Còn nghĩa biểu niệm là ý nghĩa được hình thành trong quá trình chúng ta nhận thức về nghĩa chủng loại sự vật / 3 /.
    1.1. Nghĩa biểu vật của từ.
    Một từ không chỉ có một nghĩa biều vật mà thường có nhiều nghĩa biểu vật khác nhau.Ví du, phân tích các nghĩa biểu vật của từ " mũi", ta sẽ có sự phân xuất như sau:
    Mũi:     - bộ phận nhô lên ở giữa mặt người và động vật có xương sống,
                      là cơ quan dùng để thở và ngửi /15/. (1)
        - bộ phận nhọn, nhô ra phía trước của một số vật dùng vận tải
          trên nước như tàu, thuyền ( mũi tàu, mũi thuyền).(2)
- bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước của một số vật thường dùng hàng ngày: mũi kim, mũi kéo, mũi dao…(3)
- bộ phận có đầu nhọn nhô ra phía trước của một số loại vũ khí: mũi tên, mũi giáo, mũi mác, mũi kiếm, mũi súng…(4)
- doi đất nhọn nhô ra khỏi bờ trên sông, trên biển: mũi Né ( Bình Thuận), mũi Cà Mau…(5)
    Từ mỗi nghĩa biểu vật nêu trên, trong quá trình sử dụng, từ "mũi" có thể tham gia vào nhiều kết hợp khác nhau, với các ý nghĩa khác nhau. Nếu không hiểu được ranh giới giữa các nghĩa biểu vật sẽ không thể hiểu chính xác nghĩa của từ "mũi" trong từng trường hợp.
    Ví dụ: 1. Anh ta hát giọng mũi.
         2. Cho nó thêm một mũi để nó ngủ đi.
         3. Nhiều mũi một lúc sợ không ổn.
         4. Hôm nay, phân nó có nhiều mũi.  (d)
    Sự khác nhau về nghĩa giữa các từ "mũi" trong  mấy ví dụ trên có liên quan tới các nghĩa biểu vật khác nhau của từ "mũi". Trong đó "mũi" ở ví dụ 1 và 2 có liên quan tới nghĩa biểu vật (1), còn "mũi" ở  ví dụ 3 và 4 liên quan tới nghĩa biểu vật (3). "Hát giọng mũi" là cách hát để cho hơi dồn qua mũi là chính, nhiều hơn là qua miệng".
    Đi vào thực tiễn, các ẩn dụ từ vựng đã được khai thác triệt để để phục vụ cho việc hình thành ra các ẩn dụ tu từ:
Đầu Tổ quốc chính đây tiền tuyến
Mũi Cà Mau nhọn hoắt mũi chông.
        ( Tố Hữu).
    Trong câu thơ thứ 2, kết hợp "mũi Cà Mau" là ẩn dụ từ vựng được hình thành theo nghĩa biểu vật (5) của từ "mũi", còn "mũi chông" là ẩn dụ từ vựng được hình thành từ kiểu nghĩa biêu vật (4) của nó. Khi hai ẩn dụ từ vựng này được phối hợp với nhau qua cách so sánh của tác giả ( mũi Cà Mau nhọn hoắt như mũi chông), câu thơ hình thành nên một ẩn dụ tu từ độc đáo: khí thế tiến công Mỹ nguỵ của đồng bào miền Nam trong những năm đánh Mỹ (xem thêm / 2 / ) .
    1.2. Nghĩa biểu niệm của từ.
    Nghĩa biểu niệm của từ là cái nghĩa khái quát ở mức cao hơn so với nghĩa biểu vật / 3/, / 4 /. Nó là cái nghĩa được hình thành trong quá trình nhận thức về nghĩa chủng loại của sự vật. Một từ có nhiều nghĩa biểu niệm sẽ là sự chuyển đổi của một quá trình nhận thức, trong đó các kết quả nhận thức đi sau không phủ nhận các kết quả nhận thức đã có từ trước về nghĩa biểu niệm của nó. Chẳng hạn, phân tích nghĩa biểu niệm của từ "che", ta sẽ thấy có một sự tiến lên về quá trình nhận thức như sau:
"Che" :  - Làm cho người khác không nhìn thấy/ 15 /. Vd: Che
                ngực, che  mặt… (1)
        - Làm cho không bị tác động từ bên ngoài /15 / . Vd: Che
               nắng, che mưa…  (2).
        -  Bưng bít không cho người khác nhận ra khuyết điểm
            Vd Được thủ trưởng che cho nên nó không việc gì (3).
    Từ các nghĩa biểu niệm trên đây, khi đi vào thực tế, từ "che" còn có nhiều nghĩa khác nhau.
    Ta xét các ví dụ.
    5. Khi cười, nó vẫn hay che miệng.
    6. Lấy tay che mặt trời.
    Trong ví dụ 5, từ "che" không được dùng với mục đích nhằm "không cho người ta thấy" mà với nghĩa là ” thích làm duyên". Nghĩa này được phát triển từ nghĩa biểu niệm (1). Còn từ "che" trong ví dụ 6 lại có nghĩa là " cố tình làm một việc vượt quá nhiều so với sức mình". Đây là ý nghĩa được phát triển từ nghĩa biểu niệm (2).
    Qua các ví dụ vừa phân tích, có thể thấy rằng, để hiểu chính xác nghĩa của từ trong từng văn cảnh cụ thể, cần phải hiểu rõ các nghĩa biểu vật và các nghĩa biểu niệm của từ cũng như con đường phái sinh ý nghĩa của nó. Trong các văn bản thơ, việc phân tích nghĩa từ, đặc biệt là với các từ "chốt" sẽ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp tới việc tiếp nhận hình tượng nghệ thuật. Thậm chí, trong một số trường hợp, do việc hiểu khác nhau về nghĩa từ, những kết quả lý giải đối với cùng một hiện tượng thơ ca sẽ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, đoạn thơ sau đây của Tố Hữu đã được in và phân tích thành hai biến thể hoàn toàn khác nhau.
    Ví dụ:      
7a. Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng che mát thở yên vui
Đâu từ ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi.
    Biến thể này xuất hiện trong các bản in từ 1983 cho đến bản in toàn tập của Nhà xuất bản Giáo dục 1995. Đặc biệt là trong sách Văn 10 dùng cho chuyên ban A,B của Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1994, câu thơ thứ hai được giải thích: "Ruồng che mát: lùm cây che mát- ruồng tiếng địa phương có nghĩa là lùm cây".
    Trong khi đó, Sách giáo khoa chuyên ban Văn lớp 12 cũng được xuất bản trong thời gian này thì vẫn in theo các bản in có từ 1946 và 1959:
7b. Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng tre mát thở yên vui
Đâu từ ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi.

    Với cách hiểu như 7a từ "che" được hiểu theo nghĩa biểu niệm (2) trong cấu trúc biểu niệm của động từ này. Từ "ruồng" là tiếng địa phương, có nghĩa tương tự như từ "lùm" của ngôn ngữ toàn dân. Như vậy, câu thơ thứ hai sẽ được hiểu là:
ruồng/lùm  +  che mát   + thở yên vui.
    Với cách hiểu như 7b từ "che" được hiểu theo nghĩa biểu vật là "tre"  (cây tre ). Ý nghĩa của câu thơ sẽ được hiểu là:
ruồng/lùm tre mát + thở yên vui.
    Theo Từ điển tiếng Việt / 15/ , từ "lùm" có nghĩa là:
-    Đám cành lá rậm rạp của nhiều cây kết thành vòm rộng.Vd: Ngồi
     nghỉ  dười lùm tre.(1)
    - Đống lớn có hình giống như lùm cây.  Vd:Từng lùm khói lơ lửng giữa
              trời.(2)
    Về mặt ngữ nghĩa, từ "lùm" được các nhà biên soạn từ điển coi là một danh từ nhưng trong cấu trúc danh ngữ, nó có vai trò như loại từ : lùm tre, lùm nhãn, lùm vải, lùm cây… Có nghĩa là, trong các trường hợp này, từ "lùm" không chỉ ra một loài cây cụ thể mà nó chỉ đứng phụ cho danh từ chính để tạo thành một tổ hợp. Trong câu, từ "lùm" không đứng độc lập làm chủ ngữ hay bổ ngữ như các danh từ thực thụ.
    Ví dụ, không thể nói:
    - Họ đứng dưới lùm.  ( - )
    - Lùm che mát chúng tôi.  ( - )
    Mà phải nói:
    - Họ đứng dưới lùm cây. ( + )
    - Lùm nhãn che mát chúng tôi. ( + )
    Trong thơ ca, do qui luật hài âm, hài thanh, chúng ta vẫn gặp nhiều cấu trúc tỉnh lược. Nhưng đối với câu tỉnh lược thì, về cơ bản, chúng ta có thể khôi phục lại được các thành phần của nó / 1 / . Trong đoạn thơ trên, nhà thơ hoàn toàn không dùng cấu trúc tỉnh lược ( vì nó không được dùng để thay thế cho một tổ hợp từ xuất hiện trước đó). Tuy nhiên, khi  tiếp nhận nó,  lại có hai cách hiểu khác nhau cùng tồn tại trong một thời gian khá dài.
    Để có thể nêu lên nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong việc tiếp nhận khổ thơ trên, ta hãy thử phân tích nghĩa biểu niệm của một từ có liên quan đến cả câu thơ vừa dẫn. Đó là nghĩa biểu niệm của từ "nhớ".
    Trong Từ điển tiếng Việt / 15 / ,từ "nhớ" được hiểu như sau:
    - Giữ lại trong trí điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện được.
    - Tái hiện ra trong trí điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết.
    Với cả hai nghĩa biểu niệm này, với câu thơ trên,  ta sẽ thấy cách hiểu thứ hai mới là chính xác và đúng với nguyên bản vì nó có tính lô gích hơn. Bởi vì, người ta chỉ có thể nhớ một loại cây cụ thể, chứ không thể nhớ một cái "lùm" chung chung. Bài thơ " Nhớ đồng" của Tố Hữu được viết khi ông xa quê, nhớ về quê hương. Trong bài thơ, các hình ảnh được tái hiện là những sự vật cụ thể gắn bó với tuổi thơ của tác giả: Tiếng hò, gió cồn thơm, đất nhả mùi, ô mạ xanh, nương khoai ngọt, sắn bùi, xóm nhà tranh, ruộng đồng, lưng cong, luống cày, những bàn tay, chiều sương, bãi đồng, lúa mềm xao xác, tiếng xe lùa nước, mẹ già đơn chiếc, con chim cà lơi ( chim sơn ca).
    Như vậy, cái có thể tái hiện được sau "nỗi nhớ" phải là một hình ảnh thực và có tính xác định, đó là "lùm tre". Nếu hiểu là "lùm che" thì đó là một cái lùm vô định, không rõ là lùm cây nào. Một cái lùm vô định như thế không thể hình thành ra nỗi nhớ. Hơn nữa,  tổ hợp "lùm tre"/"rặng tre" là một tổ hợp thường hay được dùng trong khẩu ngữ và thơ ca dân gian. Với người Việt Nam, "Rặng tre" là biểu tượng cho làng quê, đồng quê thương nhớ. Nó cũng là cái mã nghệ thuật được Tố Hữu tái tạo trong bài thơ " Nhớ đồng".
    Trong thực tế, việc tiếp nhận và phân tích các hình tượng thơ ca nhiều khi xảy ra tình trạng đối lập nhau khi đứng trước cùng một văn bản. Bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng là một ví dụ điển hình. Trong bài thơ này, có một số đoạn gây ra những tranh luận sôi nổi, bắt đầu từ việc hiểu nghĩa của một vài từ có tính chất là "từ chốt" của văn bản.
    Ví dụ
8. Người đi: Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
    Trong giới nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn bậc đại học, có người cho rằng, câu thơ thứ tư trong khổ thơ này là phi lý, khó chấp nhận được vì " nước lũ" là dòng nước trôi rất mạnh thì làm sao hoa có thể "đong đưa" ? Đi tới chỗ cực đoan hơn, một số người theo quan niệm này còn kết luận: câu thơ viết  như vậy là sai, không đúng với chuẩn mực.
    Vậy xuất phát điểm của quan niệm trên bắt nguồn từ đâu?
    Để có thể hình dung cách lập luận của quan niệm đó, ta hãy phân tích nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm của các từ "chốt" trong câu thơ. Đó là các từ  "lũ", "đong đưa".
    Lũ :  Nước dâng cao ở vùng nguồn, dồn vào dòng sông trong một thời
                   gian tương đối ngắn, do mưa hoặc tuyết tan gây ra / 15 /.
    Từ nghĩa biểu vật này, tổ hợp "nước lũ" sẽ được hiểu là "nước chảy mạnh và dữ".
Đong đưa: - Đưa qua đưa lại.Tàu lá đong đưa trước gió / 15/. (1)
                      - Tráo trở, không thật thà. Ăn nói đong đưa / 15 /.(2)
     Trong quá trình phát triển ý nghĩa, từ ""đong đưa" còn có nghĩa biểu niệm:
           - Ánh mắt nhìn có ý tán tỉnh. Ánh mắt đong đưa(3)
    Như vậy, về cơ bản, từ "đong đưa" trong câu thơ trên được tiếp nhận đúng theo ý nghĩa biểu niệm (1) của nó. Tuy nhiên, việc hiểu sai ý của tác giả  lại bắt nguồn từ chỗ, người đọc đã đem vào thơ Quang Dũng cái trật tự cú pháp thông thường của câu văn xuôi nên kết luận đó là một câu phi lô gích. Nghĩa là, theo cách lý giải này, câu thơ trên được hiểu thành một câu đơn có hai thành phân vị ngữ đẳng lập với nhau:
Hoa trôi theo dòng nước lũ/ và ( hoa) đong đưa.
    Nhưng nếu nhìn câu thơ trên là một câu ghép chuỗi, trong đó có các nòng cốt C-V đẳng lập với nhau thì tình hình lại hoàn toàn khác. Khi đó bản chất của câu thơ này sẽ là:
Dòng nước lũ trôi/ hoa đong đưa.
    "Hoa đong đưa" ở đây là những cây hoa lau bên bờ suối, đã được gợi từ câu thơ thứ hai " có thấy hồn lau nẻo bến bờ", chứ không phải là những bông hoa trôi trên dòng nước lũ.
    Hiểu như vậy thì cả khổ thơ bốn câu của Quang Dũng sẽ là một bức tranh thuỷ mạc, vừa có nét cổ kính lại vừa hiện đại. Đó là một khổ thơ rất hay có sự kết hợp tài hoa của bút pháp tả thực lẫn bút pháp lãng mạn. Nó vẫn hoàn toàn có tính lô gích chứ không phi lý như một vài người quan niệm.
    Tất nhiên, việc hiểu nghĩa hình tượng của từ trong mỗi câu thơ, bài thơ cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đó là sự đồng cảm giữa người đọc và nhà thơ, là sự tương đồng hay không tương đồng trong quá trình qui chiếu giữa cái nghĩa từ trong văn bản với sự vật và hiện tượng ngoài đời sống mà nó phản ánh. Cũng vẫn là khổ thơ trên, nhưng qua bài làm của nhiều học sinh thi vào đại học, tổ hợp "hoa đong đưa" được hiểu hoàn toàn khác. Có không ít học sinh giải thích sai rằng: "Hoa đong đưa" ở đây chính là hình ảnh của các cô gái Thái xinh đẹp đang đánh mắt đưa tình với những chàng trai Tây tiến". Nguyên nhân của cách hiểu sai này xuất phát từ chỗ hiểu từ "đong đưa" trong văn bản theo nghĩa biểu niệm (3), và hiểu từ "hoa" theo nghĩa ẩn dụ  là " người con gái Thái". Đây là những cách hiểu máy móc, mô phỏng, hoàn toàn theo sự cảm nhận chủ quan mà không xuất phát từ việc phân tích cấu trúc nghĩa của từ và quá trình hiện thực hoá của nó trong từng văn cảnh cụ thể.
    Tương tự như vậy, trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, chúng ta cũng gặp không ít các trường hợp hiểu sai các văn bản thơ do sự lẫn lộn giữa nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu vật của từ. Chẳng hạn, trong bài thơ "Tiếng hát đi đày" của nhà thơ Tố Hữu, có một khổ thơ bị in sai và dẫn đến chỗ bình giảng sai suốt mấy chục năm( xem thêm / 6 / ). Đó là khổ thơ thứ nhất. Khổ thơ này bị hiểu sai như sau:
Đường qua mấy phố Qui Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần
Người đi quần áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào?
    Sự sai lầm xảy ra ở câu thơ thứ 3: "Người đi quần áo chen chân". Hiểu theo cách này, câu thơ sẽ có nhịp 2/4, trong khi bản chất của câu thơ là có nhịp:2/2/2, một kiểp nhịp phổ biến trong thể thơ lục bát. Tuy nhiên, đó mới chỉ nói đến phương diện ngữ âm. Còn về bản chất ngữ nghĩa, thì việc hiểu kết hợp của hai từ thứ 3 và thứ 4 trong câu thành một từ ghép hợp nghĩa "quần áo" đã dẫn đến một sự phi lô gích và làm cho câu thơ trở nên "ngớ ngẩn": quần áo chen chân? Câu thơ thứ 3 sẽ được hiểu là: người (ta) đi và quần áo chen chân nhau!  Nó được hiểu thành thành 2 kết cấu C -V:
    Người  đi
        C   -  V
    Quần áo chen chân
               C             V
    Để thấy rõ sự vô lý trong cách hiểu mang tính cảm quan thuần về ngữ âm học, chúng ta thử  quan sát nghĩa biểu niệm của động từ : "chen chân".
    Chen chân: đg - Chen vào để đứng, để chiếm chỗ. Người đứng vòng trong vòng ngoài, chen chân không lọt.Khó lòng chen chân vào thương trường/ 15 /.
    Với nghĩa biểu niệm như đã nêu, từ "chen chân" đòi hỏi chủ thể hành động của nó phải là một danh từ chỉ người. Nói một cách khác, nó không thể là V của một danh từ chỉ sự vật ( danh từ bất động vật).
    Như vậy, các từ thứ 3 và thứ 4 của câu thơ này không phải là một kết hợp mang ý nghĩa là một từ ghép tổng hợp "quần áo". Nó là một kết hợp giữa một động từ và một danh từ : quấn + áo. Kết hợp này có mô hình giống với kết hợp của hai từ tiếp sau đó là từ thứ 4 và thứ 5 của câu thơ: chen (đt) + chân ( dt ).
    Câu thơ thứ 3 của khổ thơ trên sẽ được hiểu đúng với nguyên bản của nó là :  Người đi/ quấn áo/ chen chân.
    / Người (ta) đi
    Người (ta) quấn áo lại cho đỡ lạnh.
    Người (ta) chen chân nhau mà đi/.
    Từ những sự phân tích trên đây có thể kết luận rằng, việc phân tích nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm cũng như trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm của từ là vô cùng cần thiết đối với việc hiểu nghĩa hình tượng của từ trong thơ nói riêng và hình tượng thơ nói chung. Đó chính là tính ứng dụng của lý thuyết ngôn ngữ học trong việc hiểu và tiếp cận văn chương. Nó giúp cho chúng ta có được những cơ sở chắc chắn để tái lập lại những cách hiểu đúng đắn về văn bản thơ, đặc biệt là các văn bản thơ có hiện tượng "tam sao thất bản" hoặc bị hiểu sai do việc tiếp nhận văn bản bằng con đường cảm tính.









TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH.

1.    Diệp Quang Ban. 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. NxbGD.H.
2.    Bate S.E. 1976. Language and context. New York, San Fransico, London: Academic Press.
3.    Đỗ Hữu Châu. 1981. Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD.H.
4.    Đỗ Hữu Châu. 1998. Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng tiếng Việt. NxbGD
5.    Wallace L.Chafe. 1998.Ý nghĩa và cấu trúc của Ngôn ngữ. Nxb GD.H.
6.    Hữu Đạt.2000.Ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. Nxb KHXH.
7.    Hữu Đạt.2001. Phong cách học tiếng Việt hiện đại. Nxb ĐHQG.H.
8.    Hữu Đạt.2000. Phong cách học với việc dạy văn và lý luận phê bình văn học.  Nxb ĐHQG.H.
9.    Nguyễn Thiện Giáp.1998. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb GD.H.
10.    Đinh Trọng Lạc.1993. Phong cách học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD.H.
11.    Lotman I.U.M. 2004. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Nxb ĐHQG.H.
12.    Hoàng Trọng Phiến.1980. Ngữ pháp tiếng Việt (câu). Nxb ĐH&THCN.H.
13.    Nguyễn Văn Tu. 1976.Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại. Nxb ĐH&THCN.H.
14.    Lê Quang Thiêm. 2005.Những bước tiến về kiến giải nghĩa của tín hiệu ngôn ngữ. Tạp chi Ngôn ngữ,số 11.
15.    Nguyễn Đức Tồn.2006. Từ đồng nghĩa tiếng Việt. Nxb ĐHQG.H.
16.    Từ điển tiếng Việt. 2004. Viện Ngôn ngữ học- Nxb Đà Nẵng.

1 nhận xét: