Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Khảo về tiểu thuyết

Khảo về tiểu thuyết (1)
Tự ngôn

Người ta vẫn thường bảo: nghề báo cũng như nghề tiểu thuyết là nghề không trường, không thầy.

Câu nói ấy đúng, nhưng chỉ đúng với trước kia thôi. Hiện nay, ở Pháp và các nước Âu châu có những trường đã mở những lớp dạy làm tiểu thuyết, dạy theo lối chính thức hay dạy theo lối hàm thụ. Ngoài ra, lại còn những nhà văn, nhà báo và giáo sư viết ra những cuốn sách nói về tiểu thuyết, giải thích thế nào là tiểu thuyết dở, tiểu thuyết hay và bàn về những luận đề, kết cấu những cuốn tiểu thuyết có tiếng để người sau bắt chước.

Những trường, những thầy dạy tiểu thuyết đó xuất hiện nhiều sau thời kỳ chiến tranh thứ nhì.

Tôi rất lấy làm tiếc rằng, hồi 1941, là lúc viết cuốn “Khảo về tiểu thuyết” mà các bạn đọc đây, tôi không có những cuốn sách đó ở bên cạnh để khảo thêm cho đầy đủ hơn.

Tuy vậy, đối với nước ta mà văn tiểu thuyết hãy còn đang ở trong thời kỳ sơ phát, tôi thiết nghĩ rằng một cuốn sách nói về tiểu thuyết như cuốn này, nếu không có ích lợi hẳn thì ít ra cũng đem đến được cho người đọc một chút quan niệm về tiểu thuyết.

Trong chương trình trung học của ta, có một chương phải học về tiểu thuyết. Thật đáng tiếc là từ khi tôi viết cuốn này, chưa có vị nào mang kiến thức ra viết nên một cuốn đầy đủ hơn khả dĩ ghi lại được bước đường tiến triển của loại văn tiểu thuyết từ 1941 cho đến bây giờ. Vì thế, tôi cứ mạo muội để nhà “P. VĂN TƯƠI” xuất bản, hy vọng rằng những tài liệu, nhận xét, kinh nghiệm mà tôi thâu lượm được sẽ giúp ích cho các bạn được phần nào; sau nữa, để các bậc thức giả phủ chính, và do đấy sẽ có nhiều cuốn khác ra đời, hầu đem lại cho làng văn nghệ nước nhà những khích thích tố mới để tiến mau và tiến mạnh.

Hải Phòng, ngày 25-12-1954

Tác giả

Chương I: Mới! Mới luôn luôn!

Một số người lạc quan ở đây thường viết trên mục văn chương các báo hàng ngày rằng phong trào văn chương của nước ta ngày nay cực tiến, không khác hồi Thịnh Đường, nhất là phong trào tiểu thuyết thì lại càng tốt đẹp.

Tôi không thể kể hết những lý lẽ họ đã viện ra để bảo đảm cho câu nói, nhưng tôi còn nhớ có một ông đã lên tiếng ví truyện của ta bây giờ với truyện Pháp hồi đệ nhị đế chính, và nói riêng từng quyển một thì không ngại đem sánh một truyện X. Y. Z. của ta với một quyển La pitié dangereuse của Stefan Zweig, với một quyển La peau de Chagrin của Balzac hay một quyển Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Sự ví von sôi nổi đó biểu thị một khối óc thiết tha với văn chương kèm một tấm lòng yêu nước yêu nòi. Nhưng ta không vì thế mà cứ phải chịu rằng câu nói kia là đúng để làm lầm lỡ bao nhiêu ngàn độc giả. Mà biết đâu ở nước ta lại chẳng có những văn sĩ, vì câu nói đó, đi tưởng rằng mình đã là một Balzac, một Bồ Tùng Linh, một Stefan Zweig thật, mà không thèm học hỏi hay rèn giũa văn chương nữa, để phí uổng cả tài đi. Vậy bổn phận của chúng ta, trong lúc đang học tập này, là phải dám nghĩ thực, và nói thực, nói thực mà không quá, bởi vì sự quá độ bao giờ cũng là một sự bất công.

Nếu tôi được phép nói thực tất cả những điều tôi nghĩ về những truyện của ta bây giờ, tôi sẽ nhận ngay rằng văn chương của nước ta hiện nay quả đã bước sang một thời kỳ mới, tốt đẹp mà hứa hẹn nhiều, nhất là về tiểu thuyết - tuy rằng khoảng một năm nay những sách khảo cứu đã cản bước tiến của nó đi đôi chút. Dù sao, tiểu thuyết cũng vẫn có tương lai hơn hết. Nói thế không phải là bảo rằng tất cả những truyện bây giờ đều mới cả, đều hay cả bởi vì bán chạy cả đâu. Không, sách chạy là một việc mà hay lại là một việc. Cứ chỗ tôi thấy thì truyện hay ở nước ta vẫn hãy còn hiếm; thường thường vẫn thấy, thì là những truyện không đến nỗi dở quá, như mươi năm trước, nhưng hay thì chả có cái gì khả dĩ gọi là hay được. Đó chỉ là những cuốn truyện để cho những độc giả nhũn nhặn đọc khi tửu hậu trà dư, những truyện đọc tiêu khiển, kết cấu đã cũ, tâm lý lại cũ hơn; còn nếu kể về phương diện thuyết lý, luân lý hay tâm lý thì thật không có một tí gì đáng nói. Mà điều chúng ta cần có, phải có hiện nay thì là những truyện mới, không phải mới vì dùng văn mới hay tìm tòi được ít danh từ mới vì lập dị, nhưng mới về tư tưởng, về chủ đề, về học lý, về cách trình bày nhân vật và về cả cách hành văn và kết cấu.

Ta thử giở mười quyển truyện xuất bản mới đây ra mà xem và ta có thể chắc chắn trước khi đọc rằng ít ra trong mười quyển đó có chín quyển nói về tình mà không phải là những trường hợp tình ái khác nhau đâu. Hầu hết đều là những truyện tình ngây thơ, dớ dẩn mà từ khi có văn chương, giống người ở trên mặt đất này đã viết mấy muôn lần rồi; duy muốn làm cho khác đi, người ta đặt chúng vào những cái khung cảnh Việt Nam để cho có mầu sắc quê hương một chút. Ngoài ra, văn quyển nào cũng từa tựa như quyển nào, có khác là nhà văn này viết nhẹ hơn, nhà văn kia viết nặng hơn, nhà văn này viết ủy mị hơn, nhà văn kia viết hùng hồn hơn, nhà văn này tả cảnh dài hơn, nhà văn kia cho những nhân vật trong truyện nói ít hơn, nhà văn này cho truyện của mình hoạt động ở ngoài tỉnh để tả con gái, con trai Hà thành nhiều hơn, nhà văn kia vì có ở nhà quê một tháng, cho truyện của mình xảy ra ở nhà quê để tả về trời nắng và trời mưa ở nhà quê nhiều hơn. Ấy, truyện bây giờ phần nhiều chỉ khác nhau có thế. Ngoài ra, người ta lười nghĩ lắm, chả tìm ra được điều gì mới cả - nói cả về văn nữa: hễ nói đến trai gái yêu nhau thì gọi bằng tên thật rồi dùng rất nhiều chữ “cảm thấy” để cho có vẻ lãng mạn; nói đến tiễn biệt thì không quên tả một con sông và mấy cây chẩu đứng buồn rầu ở dưới bóng chiều vàng; còn như tả về thợ thuyền và người nghèo, tôi dám cam đoan với các bạn rằng cái gì đen tối nhất, chán nản nhất, sầu khổ nhất thì họ cho vào - dù là họ tả một gia đình thợ thuyền buôn bán đầu cơ ăn tiêu huy hoắc hơn một ông phú hộ.

Những lối hành văn theo khuôn sáo đó, mà ông Albéric Cahuet nhạo báng một cách lịch sự là “những lối văn nhai lại cho hợp thời” (les répétions conventionnelles), văn giới Pháp đã đả đảo sau hồi chiến tranh 1914-1918. Cánh cửa văn đàn mở rộng ra, và ta đã thấy văn nhân Pháp làm việc cho một chủ nghĩa lãng mạn mới khác hẳn Victor Hugo, Lamartine, Vigny(1): chủ nghĩa lãng mạn của Gide, đi tìm, luôn luôn đi tìm cái toàn chân toàn mỹ, toàn thiện mà điều cần nhất là phải thực, thực với mình trước đã. Làng tiểu thuyết của Pháp lúc đó mới thật là bước vào kỷ nguyên mới hẳn. Các tiểu thuyết gia, thôi không còn bỏ sót một phương diện gì của người, của đời mà không đem vào làm tài liệu cho những truyện của mình soạn ra. Họ khổ công tìm những cái mới đem viết ra giấy để làm vui, buồn, thương, giận những người ở tản mát trong bốn phương trời. Những truyện về chiến tranh xuất bản có hàng ngàn cuốn, mà mỗi cuốn viết riêng về một phương diện của chiến tranh; đã đành có cuốn cực hay, có cuốn tầm thường và cũng có cuốn dở hoàn toàn nữa, nhưng ít ra một ngàn cuốn đó cũng đã đem đến cho làng tiểu thuyết Pháp một nguồn sống mới, một làn gió mới. Đến khi thấy rằng truyện nói về chiến tranh không còn được công chúng ưa chuộng mấy - không những ở Pháp mà còn ở khắp cả thế giới nữa - đến khi đã thấy rằng người đọc đã ngấy chán, no nê món ăn đó rồi, lại có sự đổi thay luôn. Những truyện về cách mệnh hay cuộc di dân Nga đều chịu chung một số phận như thế cả. Văn nhân Pháp viết truyện về đủ các đầu đề: tàu bay, tàu lặn, thám hiểm, du lịch, do thám, chính trị, tinh tú, mặt trời, mặt trăng, tất cả những cái gì thuộc về khí nguyên thuyết, nói tóm lại từ trên trời xuống dưới đất không có điều gì mà người ta không nói, không làm thành truyện. Ông Kessel và bà Hélène Iswosky, trong cuốn Les Rois Aveugles lại tưởng tượng ra cả một cuộc hội hiệp của thế giới, một cuộc tan rã của một triều đại, một xã hội, và được thế giới hoan nghênh lạ lùng. Còn một thứ truyện nữa mà độc giả hoan nghênh không kém, là truyện viết theo lối hồi ký mà ở trong đó tác giả thuật lại những quãng đời ly kỳ hay nguy hiểm, có thực mà ra vẻ bất kinh của chính họ đã sống và đã trải. Những truyện này được hoan nghênh thực là xứng đáng bởi vì những sách đó đã làm rộng phạm vi cảm giác, ấn tượng, mộng tưởng và thị lực của người ta nhiều lắm. Về loại này, ta có thể kể ra làm ví dụ cuốn Maria Chapdelaine của Louis Hémon, những truyện của Louis Frédéric Rouquette và những truyện của Pierre Mac Orlan, đưa ta đi từ những xứ cách mệnh có nàng Elsa cưỡi ngựa đến một thành phố rất “Mỹ” có tên là phố Rhum.

Trong khi đó, một lớp nhà văn khác hết sức tưởng tượng để làm thỏa mãn một ức một triệu sức tưởng tượng khác: Koenigsmark, Atlantide đến bây giờ xem vẫn còn thú vô cùng; Kessel viết về tàu bay; Duhamel phản đối máy móc; MauriacBourget viết về truyện gia đình; Maurice Larrouy với một sức tưởng tượng bao la, viết về bể với thủy quân Pháp; còn Paul Chack, tác giả cuốn On se bat sur mer, khác hẳn, cũng tả về bể nhưng cho ta thấy một cuộc mạo hiểm có chính trị và ái tình rất lưu luyến, say sưa.

Thử hỏi làng tiểu thuyết Pháp được tốt đẹp phồn thịnh như thế là tại đâu? Như trên kia đã nói, sở dĩ tiểu thuyết Pháp được như thế, là vì những nhà viết truyện luôn luôn nỗ lực làm việc và đi tìm cái mới cùng cái lạ để cho dải rừng văn của họ đã tốt đẹp, rườm rà lại rườm rà, tốt đẹp hơn. Sau nữa, một phần sự phồn thịnh đó cũng là do ảnh hưởng của các tuần báo, nguyệt báo văn chương hết sức khuyến khích và cộng sự với các nhà viết truyện. Những học giả, những nhà khảo cứu, những nhà xuất bản (kiểu như ông Bernard Grasset), những ông hàn lâm và những nhà triết học, ngoài công việc tìm tòi, thường băn khoăn đi kiếm những cái mới lạ để giúp ý kiến cho các nhà viết truyện; khi thì bàn về cái hay cái dở của lãng mạn chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa, tả chân chủ nghĩa, tượng trưng chủ nghĩa; khi lại nói rõ cho những nhà viết truyện biết những kỹ thuật mới trong làng tiểu thuyết ngoại quốc để lấy làm gương; khi thì tìm những vấn đề mới lạ đem nói ra để giúp thêm trí tưởng tượng cho những nhà viết truyện. Thêm vào đó, những nhà phê bình, nhiều lương tâm nhà nghề hơn là bụng ghét ghen tiểu kỷ, hết sức làm việc khuyến khích những nhà viết truyện để cho họ gắng chí mà làm việc cho văn chương, sản xuất những truyện sẽ làm rạng rỡ cái danh tiếng văn học của một nước đã có tiếng là văn học.

Chương I: Viết truyện gì?

Muốn yêu nước thế nào thì yêu, ta cũng phải nhận rằng cái cảnh kề vai sát cánh đó, cái cảnh nhà học giả, khảo cứu cộng sự với những nhà viết truyện để làm cho văn tiểu thuyết tiến lên, tiến mãi lên, ở nước ta hầu như không thấy. Lúc bình thì, những tờ báo được nhiều người đọc đến thì đi pha trò và tỉa tót văn người ta ra mà chửi bới (thảng hoặc cũng có đôi ba tờ báo bàn đến văn chương nghĩa lý thì lại chết vì không có ai đọc cả!). Còn vào lúc này là lúc người đọc biết tìm những điều có ích lợi mà xem thì các ông học giả, khảo cứu lại đổ xô nhau mà dịch sách Tàu, dịch bất cần phương pháp, dịch không có một chương trình nào, dịch không phân biệt nên dịch loại nào trước loại nào sau; thậm chí có khi một quyển Lão Tử, Mặc Tử chẳng hạn có ba nhà xuất bản phát hành luôn trong một tháng! Đáng buồn nhất là những người tây học cũng ùa vào để dịch sách Tàu (họ gọi là khảo cứu) trong khi người ta trông đợi ở họ viết ra những điều họ đã học được ở Pháp, ở Anh, ở Bỉ, ở Nga hay ở Đức. Nước ta, lúc này hơn hết cả lúc nào, thiếu hẳn người làm việc, vậy bổn phận cấp bách của chúng ta là phải chia việc ra mà làm. Việc dịch sách Tàu, nên để cho các nhà nho; nhưng cái cần của sự dịch sách Âu tây cũng khẩn cấp không kém, ta còn trông vào ai được nữa, ngoài các ông tây học? Nhưng, dù là dịch sách Hán hay dịch sách Âu, dù là biên những vấn đề thuộc văn minh cũ hay biên những vấn đề thuộc văn minh mới, ta cũng phải có phương pháp rõ rệt để làm việc, đại khái như Thương vụ Ấn thư quán, Duy Tân thư xã của Tàu, hay Hachette, Grasset của Pháp. Ta phải chia nhau làm việc cho đủ hết các ngành văn chương chứ không nên vì độc giả bây giờ ưa văn dịch - đó là điều chưa chắc độc giả ta đã ưa thực, hay chỉ là theo phong trào - mà chỉ nghĩ đến có mỗi một loại sách khảo cứu (!) còn bỏ bê loại văn sáng tác đó, không trau dồi gì cả. Nói cho thực, những nhà viết truyện của ta hiện giờ, làm ra được một cuốn tiểu thuyết, thật là vì tài riêng thì nhiều, chứ kể về học hỏi thì thật ít, thành tiểu thuyết cứ đứng đấy hay tiến chậm, chứ không có sự phồn thịnh tinh thần mà nhiều người ao ước. Ở các nước văn minh như Mỹ, có trường đào luyện học sinh trong 6 tháng có 300 người viết tiểu thuyết bán cho thiên hạ. Ở Pháp, như trên kia đã nói, những người từng trải, học nhiều, viết báo viết sách để giúp ý kiến cho những nhà viết truyện đến sau; còn ở nước ta, thật hoàn toàn không có gì, toàn là học theo lối bắt chước cả, kiểu như những người thợ không học trường chuyên môn một ngày nào mà cũng chữa được máy móc và chế được ra máy móc. Muốn cho thực đúng, ta phải nhận rằng nước ta cũng có lắm người tài nhưng tiếc rằng cái tài đó không có cái học giúp cho nên chỉ đến một trình độ nào đó, chứ không thể tiến hơn lên được.

Về loại văn tiểu thuyết cũng vậy. Người viết truyện không có trường, không có thầy mà văn tiểu thuyết của ta được đến địa vị ngày nay kể đã là một sự đáng mừng. Duy chỉ đáng phàn nàn văn tiểu thuyết của ta bắt chước của Âu, mà những người theo Âu tây chưa từng có viết qua một quyển sách nào nói về tiểu thuyết để cho những người học cũ biết qua cái loại văn mới đó và giúp những người viết truyện ít học hay không có sách Tây đọc biết thế nào là một quyển tiểu thuyết, kết cấu của một cuốn tiểu thuyết, nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết. Tôi không quên cuốn Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh trong Nam Phong tùng thư, xuất bản vào khoảng mươi lăm năm trước. Nhưng đó là một cuốn sách lược khảo, một quyển nhập môn có dạy người ta cách làm tiểu thuyết thực, nhưng không kỹ, bởi vì nó có tính cách nói chung, người đọc vẫn không thấy sự khác nhau trong cách viết truyện dài, truyện ngắn ra sao cả. Ngay đến câu định nghĩa của chữ tiểu thuyết cũng không rõ nữa.

Nhưng nói thế không phải bảo rằng cuốn “Khảo về tiểu thuyết” trong Nam Phong tùng thư không có giá trị đâu. Trái lại. Nhưng giá trị của nó chỉ hợp vào cái thời 1911-1930 là cùng, riêng thích dụng cho những người mới bước vào làng tiểu thuyết. Từ đó đến nay, xã hội, kinh tế, chính trị đã bao lần đổi thay rồi, những nhà văn như Bourget, François Porché, Loti đã già để cho một lớp J. J. Tharaud, Duhamel Henri Troyat, St. Exupéry lên thay; văn tiểu thuyết vì vậy cũng có nhiều sự thay đổi mới lạ mà ta cần biết.

Những điều mới lạ đó, ta cần phải nói ra, phải viết ra cho mọi người được biết. Quyển Khảo về tiểu thuyết thứ hai, thứ ba chưa có, đó là lỗi ở các nhà học giả, ở các nhà khảo cứu tân học vậy. Ta nên mong cho người ta bớt một quyển Lão Tử, Mặc Tử - bởi có ba nhà xuất bản dịch một cuốn sách - hay Thiên phương dạ đàm, Tây sương ký đi chẳng hạn, để lấy giấy đó mà in một quyển sách mới nói về tiểu thuyết, tiếp theo quyển của ông Phạm Quỳnh, trong khi bao nhiêu người trẻ tuổi ở nước ta, sách Tây không có đọc, báo chí đứng đắn thì nói chuyện đâu đâu, chờ mong có người rọi cho họ một tí ánh sáng, một tí phương pháp, một tí ý kiến mới hơn về tiểu thuyết.

Ta không thể tưởng tượng được một cuốn sách như thế, ra đời vào lúc này có ích biết chừng nào. Không những các nhà tiểu thuyết tự phụ viết theo Tchékov, Dostoievsky, hay ngang với Mauriac, Gide, thấy sự khó khăn của nghề viết truyện, sẽ dịu dần tâm tính đi; mà những người mới viết, đương ngơ ngác trước cuộc đời ngơ ngác, cũng hiểu hơn một chút về tiểu thuyết mà không nhẫn tâm viết bậy bạ quá nữa, bừa bãi quá nữa, và do đó, sao ta không dám hy vọng rằng chả bao lâu văn tiểu thuyết của ta cũng sẽ có một địa vị trên văn đàn thế giới?

Cái ngày đó hãy còn xa, đừng trông lắm. Ta hãy nhìn vào hiện tại. Hiện tại, ta nên viết những truyện gì? Viết hết cả. Truyện tình, truyện xã hội, truyện mỹ thuật, truyện hoang đường, truyện mạo hiểm, truyện lịch sử (nước ta chưa có mấy người lấy những văn nhân danh tiếng ra viết thành tiểu thuyết), truyện viết theo thể dự liệu, truyện ma quái, v.v… Nghề văn hấp dẫn người ta, một phần cũng vì người làm nghề được tự do viết những điều mình thích, viết bất cứ cái gì mình nghĩ; nhưng ta cũng nên tự chúng ta hạn chế cái tự do của chúng ta, chúng ta nên viết theo phương pháp và tùy cái sức của chúng ta.

Theo sự xét nhận của ông André Maurois, hầu hết các nhà văn Pháp - kể cả ông nữa - đều có thử viết về khí nguyên thuyết (Genèse) cả, nhưng rồi kết cục ông nào cũng bỏ. Emile Zola viết được tám câu mà ông Maurois thì được ngót trăm trang giấy… rồi thôi. Đó là một bài học cho ta vậy. Những vấn đề to quá, bây giờ chưa phải là lúc chúng ta nói tới; mà chúng ta cũng chưa cần phải vượt sông, vượt núi đi mạo hiểm sang đảo Salapagos, lên Bắc Băng Dương hay trèo lên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn để viết truyện làm gì vội. Theo trí nghĩ hẹp hỏi của tôi, nhà viết truyện bây giờ hãy cứ nên bắt chước một lớp văn sĩ trẻ ở Pháp: không cần phải rời đất Pháp mới viết được truyện mới.

“Cứ để tâm mà khám phá, mà học hỏi những tỉnh nhỏ rất lạ lùng, rất khác nhau ở nước ta, cũng đủ rồi. Cái nguyên khí quê hương trong những truyện nói về đất cát và làng mạc há chẳng phải là một thứ máu giàu nhất mà bao giờ người ta cũng có thể dùng để cải lão hoàn đồng tiểu thuyết của nước mình đó ru? Tả một cảnh trời thay đổi luôn luôn, không có gì là chán cả(1).

Vậy, chúng ta hãy cứ tạm viết về nước ta thôi, về nhà quê, về tỉnh nhỏ, về phong tục, về rừng núi, về Mán, Mọi, Thổ, Hời… về tất cả cái gì thuộc về nước ta, về sự lên cao hay xuống thấp của tinh thần dân ta. Ai muốn viết thế nào thì viết, muốn viết lối truyện gì thì viết, nhưng cái gì người khác đã viết rồi thì đừng viết, đã nói rồi thì đừng nói, đã làm rồi thì đừng làm. Ta phải tỏ ra đặc biệt. “Bạn ơi, cái gì mà một người khác có thể làm tốt đẹp như bạn, bạn đừng làm. Cái gì mà một người khác cũng có thể nói hay như bạn, bạn đừng nói. Chỉ nên giữ lấy cái gì mà bạn cảm giác rằng ngoài bạn không có đâu có cả, và nhẫn nhục hay sôi nổi, bạn phải tạo mình thành một người, là một người không ai có thể thay thế được(2).

Câu nói đó của Gide nói chung về đời, về chân lý, ta có thể mượn tạm và thu hẹp lại để đem ứng dụng vào văn chương, văn tiểu thuyết: “Nathanl! Bạn ơi, hãy quăng sách của ta đi, đừng cho thế là tự túc. Chớ nên tưởng rằng một người khác có thể tìm chân lý cho ta; hơn thế, bạn phải lấy việc đó làm xấu hổ. Nếu ta tìm đồ ăn cho bạn, bạn sẽ không đói để ăn thức ăn của ta, nếu ta giải giường cho bạn, bạn sẽ không buồn ngủ để ngủ trên giường của ta(3).

Vậy những nhà tiểu thuyết của ta sẽ không nhàm sáo và sẽ chỉ tạm nói về những cái gì thuộc về nước ta thôi. Đợi khi tay cầm bút của ta đã vững, kinh nghiệm, lịch duyệt đã nhiều - mà việc đó cũng chả lâu đâu - sẽ viết những truyện cao xa, những truyện rộng lớn cũng chưa lấy gì làm muộn. Ta hãy bắt đầu viết truyện “một người” đàn ông, “một người” đàn bà đã rồi hãy viết truyện “Người” đàn ông và “Người” đàn bà(1).

Tôi cũng nhận như các bạn rằng thời đại chúng ta đương sống không có đủ sức quyến rũ để cho chúng ta ép mãi trí óc và mộng tưởng vào một chỗ, không cho bay bổng ra ngoài “biên giới”. Rồi một ngày kia chúng ta sẽ viết truyện xứ Tàu, xứ Ấn Độ, Cao Ly, và chúng ta sẽ viết cả những truyện dự liệu (romans d’anticipation) kiểu Voyage dans la lune của Jules Verne, Nouveau Déluge Nouvel Adam của nữ sĩ Nol le Roger; nhưng thời kỳ đó, chỉ mới sắp đến mà thôi, bây giờ ta hãy viết truyện ta nhìn thấy và ta cảm giác. Những truyện đó, các văn nhân nên viết theo lối văn minh sở trường, chứ không nên lấy cớ rằng bây giờ có phong trào tiểu thuyết xã hội mạnh thì mình, một nhà văn truyện tình, phải bỏ truyện tình mà viết truyện xã hội đâu; cũng thế, ta không nên lấy cớ rằng hiện giờ những truyện nói về nước Việt Nam cũ được hoan nghênh mà đổ xô đi viết truyện về nước Việt Nam cũ, cũng như ta không nên thấy một người kia nổi tiếng vì viết tự sự mà cũng bỏ lối văn sở trường của mình để viết truyện tự sự như người ta vậy.

Đi theo người, không bao giờ được bằng người. Thảng hoặc có ra chăng nữa, thì việc đó cũng biểu thị một tinh thần kém cỏi. Chúng ta phải có cái tự phụ rằng nếu ta gắng sức thì rừng văn nước nhà mới đẹp, mới phồn thịnh, mới không chán mắt, có cây sến, có cả cây leo, có cây gỗ trò, có cả bìm bìm dại, có cây núc nác, có cả vàng tâm nữa. Rừng có một nghìn một vạn cái cây, mỗi cây ức có triệu cái lá mà có hai cái cây, hai cái lá nào giống nhau bao giờ!

Vậy, những nhà tiểu thuyết của ta sẽ sống mạnh mẽ như cây như lá vậy, nghĩa là không người nào giống người nào, viết không sách nào giống sách nào, và nhất là sẽ viết đủ hết các thứ truyện: thám hiểm, mạo hiểm, trinh thám, luân lý, luận đề, dự liệu, bởi thứ nào cũng có ích, cũng có thể hay được cả.

Chương III: Truyện “Quái đản bất kinh”

Nhưng đó chỉ là mới nói về cái thể văn tiểu thuyết mà thôi. Còn tiểu thuyết chia làm mấy loại? Ta cũng nên tìm biết. Người mình thường không phân biệt chữ thể văn tiểu thuyết với loại văn tiểu thuyết.

Theo tôi, có hơn một chục thể văn tiểu thuyết khác nhau, nhưng kể về loại thì tiểu thuyết chỉ có hai loại: một loại truyện làm cho ta quên cõi đời này đi có thể gọi là truyện “quái đản bất kinh”, và một loại truyện giảng cho ta cõi đời này ra thế nào, có thể gọi là truyện “gần đời thiết thực”.

Vậy truyện quái đản bất kinh là thế nào? Không phải lấy thí dụ đâu xa, ta cứ ngẫm vào ta thì biết. Còn ai ở trong bọn chúng ta, từ bé cho đến lúc trưởng thành lại không đọc ít ra mươi bộ truyện Tàu diễn nghĩa như Phong thần, Tây du, Phong kiếm, La Thông, Bắc Du Trấn Võ, Thủy Hử, Bát Tiên quá hải. Chúng tôi đã bỏ ăn bỏ uống để xem cho hết đoạn Tôn Tẫn giở phép ra đánh với Bàng Quyên, Đại Thánh phá lò bát quái của lão quân Thái Thượng hay Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu, bắt Trụ Vương thiêu mình. Chúng ta đem những truyện đó cả vào trong lớp học và há chẳng có bao nhiêu người ở trong ký túc xá nghĩ đủ trăm mưu nghìn kế đánh lừa các viên giám thị để đốt nến lên xem cho hết một cuốn truyện diễn nghĩa đó ru? Ai mà không nóng ruột muốn biết Tôn Hành Giả rút một cái lông đuôi biến ra một nghìn Tôn Hành Giả đánh nhau với yêu ở xóm Cao Lão thì ai được ai thua, Sử quận chúa ra mặt tại lôi đài bị Trương Giác chọc khuấy thì về sau ra thế nào, và Võ Tòng đánh nhau với con hổ đực đâm ba cái chết thì về sau con hổ cái có ra trả thù cho chồng, cắn chết Võ Tòng hay không. Có một dạo, có người đề xướng lên rằng những truyện kỳ hiệp, quái hiệp đó vô bổ vô cùng, rất nên đả đảo. Họ miệt thị đó là những truyện để cho đàn bà, con trẻ đọc, nhưng thực ra thì có thế đâu! Chúng ta đã biết rằng những người có học, đều mê những truyện đó cả, mà họ mê như thế cũng không có gì là lạ. Những truyện diễn nghĩa đó, chẳng qua cũng như những thơ anh hùng ca (poèmes épiques) của nước Pháp mà thôi, những truyện mã thượng (romans de chevalerie) có yêu quái, quỷ sứ, người khổng lồ và tiên ông có phép, khả dĩ làm cho người xem phải hồi hộp lo âu, và gây trường hợp quái đản bất kinh để đánh vào một cái trí tưởng tượng dù là chậm chạp nhất, ngang bướng nhất.

Tiểu thuyết nguyên sinh ra vì có một mục đích đó mà thôi. Người xem không cần biết đó là thực hay giả, người xem chỉ cần trong giây lát, quên cái cõi đời ô trọc này đi để nhẩy lên trời vào thăm điện Ngọc hoàng Thượng đế hay hòa mình vào với Lý Quảng, giả tảng uống rượu say để thử chòng ghẹo xem Sở Vân là con trai hay con gái…

Về sau này, muốn cho thích hợp với cuộc đời khoa học hơn, người ta rút phép đi, làm những truyện mới nhưng cũng không ngoài mục đích làm cho độc giả quên đời, quên cuộc đời của họ. Cuộc đời họ bẩn lắm thì họ đi tìm cái thanh cao ở trong tiểu thuyết; tâm hồn họ hèn nhát lắm thì họ đi tìm cái quân tử, chí khí ở trong các vai tiểu thuyết. Vậy ta cũng không nên lấy làm lạ tại sao có nhà tiểu thuyết ở nước ta viết toàn truyện hùng, không thiết thực tí nào, “muốn tỏ mình gan dạ không ngại thiến một bộ phận cần yếu trong người đi, đốt hàng vạn tờ giấy bạc, cưỡi ngựa bắn một ngàn phát súng lục trúng cả”… Có nhà tiểu thuyết ở nước ta viết hoang đường, bất kinh như thế mà sao một dạo cũng có người xô nhau đọc!

Sự hoan nghênh đó chỉ là một lẽ rất thường. Bao giờ cũng thế, độc giả tiểu thuyết cũng chỉ cần người viết truyện tiêu khiển mình, làm cho mình quên mình đi, bằng một câu truyện hay là một loạt trường hợp khác khả dĩ làm cho mình thích thú, lãng quên, nói tóm lại là làm cho mình say sưa. Thơ anh hùng ca, hát bội, tiểu thuyết Tàu hay tiểu thuyết hoang đường của ta bây giờ, cũng như chiếu bóng, chính là đền đáp sự nhu cầu đó.

Ta cũng không thể nói quyết như một số nhà phê bình ở đây rằng những truyện như thế là dở và sẽ không trường cửu. Chứng cớ là những truyện Tây du, Phong thần bao giờ cũng vẫn có người đọc như thường. Mà biết đâu đấy, trong số những truyện hoang đường bây giờ lại chả có một vài quyển “đi xe ô tô lên Tam Đảo giết nhau, sang Cao Miên bắn ba phát trúng ba con… hổ”, lại chả được truyền đến đời sau!

Có điều là những truyện đó, nếu làm được cho một số người ham thích, thì cũng đã làm cho một số người khinh khi, ghét bỏ vô cùng. Từ thế kỷ thứ XIX, ở Pháp, nổi lên một cuộc cách mệnh của văn phái tả chân hô hào đả đảo những truyện quái đản bất kinh nọ và định đem một thứ truyện khác thay thế vào: truyện gần đời, thiết thực.

Truyện “gần đời, thiết thực” là thế nào? Tức là những truyện nói về đời, nói về cõi đời chúng ta ở ra sao, có những gì, lưu động như thế nào, cái đời thực chứ không giả dối.

Như chúng ta đã biết, văn tiểu thuyết (roman) của Pháp là do văn anh hùng ca mà ra, mà mục đích là làm thỏa mãn một thiên tính của độc giả là tính ưa những truyện phi thường. Tàu dịch chữ roman không được đúng, thành ta cũng dùng lầm. Thực ra, trong chữ roman ta phải hiểu rằng có ngụ một ý “phi thường” mà chữ romanesque do chữ roman mà ra, chính là một hình dung từ để chỉ những người, những việc phi thường, tuyệt diệu, thuộc về tưởng tượng. Cái nghĩa chính của tiểu thuyết là thế, mà bây giờ chủ trương một loại truyện gần đời, thiết thực - nghĩa là không phi thường một chút nào - thì loại truyện đó còn đứng vững làm sao cho được?

Đó là tất cả cái khó của cuộc cách mệnh của văn phái tả chân, nhưng họ đạt được, nhờ một phép mầu: họ tìm được cái phi thường trong cái tầm thường, cái đặc biệt trong cái bình dị. Văn học sử Pháp trong suốt một thế kỷ XIX đã ghi nhiều trang quan hệ về những cuộc thử thách và những cuộc đắc thắng của tiểu thuyết tả chân. Những nhà văn tả chân chủ trương như vầy: muốn làm cho người đọc truyện thích thú, muốn cho họ quên những kỳ tình, quái trạng, những chiến công bất kinh của bọn phong lưu mã thượng, những phép thuật tuyệt diệu của bọn tiên ông với tiên bà, cần phải hết sức bịa đặt, thêm thắt vào sự thực quái dị, rùng mình - hầu có làm say đắm người ta. Cố nhiên là một văn phái chủ trương như thế phải làm những điều quá độ. Những điều quá độ đó, đến bây giờ người ta vẫn chưa quên, và có lẽ hiện cũng vẫn còn, ở nước ta và ở cả nước Pháp nữa: người ta tả thực một cách phóng đại quá, dùng chữ tàn nhẫn quá, như tả một gia đình trưởng giả thì không bỏ một chữ nào có thể tỏ cái bẩn thỉu của sự giàu có, mà tả một gia đình thợ thuyền thì không ngại đem bao nhiêu chữ đen tối, thảm thương ra dùng để nâng sự nghèo khổ của gia đình thợ thuyền đó lên. Tuy vậy, những điều quá độ đó không đến nỗi hoàn toàn vô ích. Trái lại, nó dạy cho những người đến sau và gây cho ta những sự suy nghĩ sâu xa về tâm lý, về sinh lý.

Vậy là truyện “gần đời, thiết thực” ra đời, ra đời sau cuộc xô xát của văn phái phi thường và văn phái tả chân (trong này chia làm hai phe, một phe theo tả chân chủ nghĩa, réaliste, và một phe theo tự nhiên chủ nghĩa, naturaliste)(1).

Và những nhà tiểu thuyết “gần đời, thiết thực” từ đó hiểu rằng: muốn quyến rũ độc giả, muốn làm cho họ chú ý vào cuốn truyện, không cần phải cho thần tiên, ma quái hay phù thủy vào trong truyện; rằng: chỉ vẽ lại sự thực cũng khả dĩ làm cho độc giả say mê được; rằng: tả thực không nên quá độ đến thành ra không thực nữa như thỉnh thoảng văn phái tự nhiên vẫn làm; rằng: bây giờ, việc cốt yếu của nhà viết tiểu thuyết là phải làm thế nào bày tỏ cho độc giả thấy những cái mắt thấy hàng ngày mà chính ra thì họ không trông thấy - tất cả những cái đó, đem họp lại với nhau, thành ra cái kết cấu tuyệt diệu của cuộc đời hàng ngày - và, thêm vào đó, đem thêm một ít cần thiết cho kiến văn của họ, cho cái quan niệm về “người” của họ.

Bởi thế loại truyện mới đó mới có tên là “truyện gần đời, thiết thực” (tạm dịch ở chữ romanesque familier). Nhờ có sự kinh nghiệm của hai văn phái tả chân và tự nhiên, văn phái “gần đời” có thể tạm coi mấy vấn đề khó khăn tạm giải quyết xong rồi, mấy phương pháp không rõ ràng tạm minh bạch rồi.

a. Ảnh hưởng của hoàn cảnh, đối với tâm trạng con người ta, vốn được coi như cái linh hồn của văn tiểu thuyết trong nửa thế kỷ 19, những “nhà văn gần đời” vẫn coi trọng lắm, mà đó là lẽ tất nhiên. Nhưng, nghệ thuật tả cảnh của văn phái mới này có rất nhiều điều thay đổi lớn lao. Nhà viết tiểu thuyết mới “ly dị” hẳn với những thứ tả cảnh bốn năm mươi trang giấy của Balzac, Emile Zola rồi; mà người đứng xướng xuất ra cuộc cách mệnh đó, có lẽ là Guy de Maupassant vậy.

b. Thuyết thí nghiệm, thực nghiệm không đứng vững(1), bởi vì người ta không thể lấy một cuộc thí nghiệm khoa học để áp dụng vào tiểu thuyết. Ví dụ, sự đem chất đường gia giảm cho một người ốm ăn xem sức phản ứng ra thế nào, cũng như đem một người say rượu bỏ vào đám thợ để xem sự phản động ra sao. Mới nghe, thì hai sự thí nghiệm chả khác gì nhau cả, nhưng suy cho kỹ thì không giống nhau được. Bởi vì trong một cuộc thí nghiệm khoa học, chân lý của tạo hóa đem kết quả sự thí nghiệm đến cho ta. Còn trong một quyển tiểu thuyết thì làm sao mà có chân lý của tạo hóa được, bởi vì một quyển tiểu thuyết từ đầu chí cuối do người ta bịa đặt. Một nhà viết tiểu thuyết bao giờ cũng có thể tỏ rõ những điều mình muốn. Đại khái bây giờ một nhà tiểu thuyết muốn tìm ví dụ để tỏ rằng sự ly dị là có ích hay có hại, vấn đề giáo dục trọng yếu hay không, thì cái kết quả có tất nhiên do ở sự quan sát của nhà văn đâu, nhưng chính là do ý chí và thành kiến của nhà văn vậy.(1)

Có người sẽ bẻ rằng tài liệu của nhà tiểu thuyết thu nhặt được cũng đủ là kết quả cho sự thí nghiệm rồi, và cũng là sự quan sát rồi. Sự thực, người ta vẫn thường quan sát theo thành kiến, mà tài liệu cũng lựa chọn do theo thành kiến của nhà viết truyện.

c. Đến vấn đề di truyền. Không ai có thể cãi được rằng thuyết di truyền vô cùng quan trọng. Hiện nay, các nhà tiểu thuyết vẫn còn đem ra áp dụng thuyết đó, nhưng áp dụng một cách kín đáo chứ không kềnh càng như thời Emile Zola nữa. Đem thuyết di truyền ra mà làm kềnh càng quá độ, người ta xét nhận thấy một điều này: các nhà viết tiểu thuyết coi ảnh hưởng sự di truyền đối với nhân vật trong truyện to quá, họ nói đến nhiều quá, gớm ghiếc quá, đến nỗi người xem phải tự nghĩ không biết mình có biết rõ ràng ảnh hưởng di truyền về vợ mình, con mình, bè bạn mình như thế không, và quả thực người ta có cần biết ảnh hưởng sự di truyền đến thế không?

Phàm gọi là văn, muốn kể là một tác phẩm nghệ thuật, thì điều cần trước nhất là luật bình quân. Những nhà tiểu thuyết bây giờ, phần nhiều đã chú ý về luật bình quân đó trong việc xếp đặt yếu tố xây dựng truyện. Thật là một điều tốt đẹp.

Đứng trước sự tốt đẹp, chúng ta không thể đứng vững không học đòi bắt chước, bởi vậy, mươi năm trở lại đây, làng văn tiểu thuyết Việt Nam cũng đã bắt đầu nhóm lên cái phong trào viết truyện “gần đời, thiết thực” mà người thứ nhất đem tải vào đây đã tạm gọi nó là “thứ truyện không có truyện”. Đương quen với những truyện Tây du, Phong kiếm, rồi đến những chuyện “phóng ô tô bắt cướp”, “đương nói chuyện với gái, quay ra bắn ba phát chết ba con pạc pằng sồ”, hay ít ra những truyện có đủ những câu tả cảnh tả người và những câu kết đầy đạo đức, đầy trung hiếu tiết nghĩa, độc giả ta nhất đán “bị” đọc những truyện “dớ dẩn”, “tẻ ngắt”, “lạ hoắc”, “cụt thun lủn”, “chả có đầu có đuôi gì cả”, không phải nói, ta cũng biết là họ bỡ ngỡ như thế nào! Người ta phải đợi một thời gian khá dài mới thấy một số ít độc giả tập làm quen với lối truyện “gần đời, thiết thực”. Còn cái số người không chịu được “lối truyện tân thời” đó vẫn còn nhiều ở xã hội ta, và bao nhiêu lần, tôi đã nghe thấy các cụ già và đàn bà con gái đến hỏi tôi như thế này:

- Truyện tả một người say rượu rơi xuống hố, kêu gọi, không ai cứu cả. Hắn đứng một lát, sau nhớ rằng hố không sâu, bèn trèo lên đi về nhà. Thế thì viết để tỏ bầy cái gì, viết làm trò gì?

- Tôi không hiểu ông định viết cái gì? Một người đàn bà có cái áo mới. Người đàn ông bên cạnh sang xem, sờ vào. Không ai nghi ngờ. Nhưng vợ người đàn ông sợ chồng người đàn bà có áo mới giận, sang xin lỗi. Thế là hết. Ông không tiếc giấy ư?

- Một người thư ký mê gái, ăn cắp tiền của chủ đi đánh bạc được, lại đem tiền hoàn lại cho chủ. Thế thì có gì lạ? Thế thì viết làm gì cho người ta đọc mất cả thì giờ?

Chao ôi, ở đời có phải lúc nào người ăn cắp cũng bị hối hận và trừng phạt đâu, mà có phải lúc nào thế sự cũng phiền toái, rắc rối như người ta thêu dệt! Có người có tâm hồn bình dị đến vô cùng, mà cũng có bao nhiêu kẻ cứ tưởng chỉ người khác mới cứu được mình nhưng chính thực thì nhiều khi chỉ có mình cứu được mình mà thôi. Đời là thế. Nó không rắc rối quá như người ta tưởng tượng mà cũng không quá đen tối như những nhà văn tả chân đã viết. Bây giờ, có một bọn văn nhân thấy nó thế nào thì đem diễn ra thế, để xem cái kết cấu của đời “mà người ta không trông thấy” ra sao, tưởng cũng có nhiều điều hay vậy.

Nhưng nói thế, tôi không có ý kết luận rằng truyện “gần đời, thiết thực” hay hơn, giá trị hơn truyện “quái đản, bất kinh”. Không. “Deux camarades” là một cuốn truyện hay, một kiểu mẫu cho người ta hay ít ra cho tiểu thuyết gia ta bắt chước, nhưng ai dám bảo “L’Ile aux trésors” không là một truyện kiệt tác đáng bày trong tủ sách gia đình?

Tôi đã nói loại văn nào cũng có thể hay được, mà thể văn nào cũng có thể làm cho người ta ưa thích.

Vậy chúng ta không nên chuyên riêng một thứ nào; trái lại, nên chia nhau và tùy theo sở trường, sở đoản mà viết lối văn mình ưa thích, chớ có nên ép lòng.

Cái khó không phải là ở đó, nhưng ở cách kết cấu câu chuyện, ở cách trình bày nhân vật và ở cách diễn tả tâm lý.

(còn tiếp)

1 nhận xét: