Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Con người và dân tộc trong triết học Trần Đức Thảo

Con người và dân tộc trong triết học Trần Đức Thảo

Đời tôi có diễm phúc lớn là được tiếp xúc và làm việc với Giáo sư Trần Đức Thảo trong một   thời gian dài, lúc mà ông gặp khó khăn nhiều mặt trong cuộc sống. Giáo sư Trần Đức Thảo là một nhà giáo, một nhà khoa học lỗi lạc. Với tôi, ông còn là một người Anh rất thân tình. Giáo sư Trần Đức Thảo đã trao lại một di sản đồ sộ, hầu như toàn bộ bản thảo gốc của ông viết bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Việt và rất nhiều thư từ… gồm hàng vạn trang. Mặc dù vậy, tôi không bao giờ dám nghĩ là đã hiểu được Trần Đức Thảo. Những dòng hồi ức dưới đây chỉ mong góp một phần rất nhỏ nhoi để khám phá một nhân cách và tài năng khoa học siêu việt.
 Trong di sản Trần Đức Thảo để lại, tôi thấy đầu năm 1955, khi là Chủ tịch Hội Việt-Pháp hữu nghị, Anh đã chuẩn bị hang loạt tài liệu về di tich văn hóa Thăng Long-Hà Nội và di sản văn hóa dân tộc để giới thiệu cho các thành viên trong Ủy ban hỗn hợp đình chiến Việt-Pháp. Đây là một biểu hiện cụ thể tấm lòng yêu nước sâu sắc của Anh. Hơn nữa, Hà Nội vốn có nhiều kỷ niệm gắn bó với Anh từ buổi thiếu thời.
Về sau này, tôi rất hiểu việc làm trên của Trần Đức Thảo, bởi Anh đã tâm sự với tôi những trăn trở, suy tư về nguồn gốc loài người, về lịch sử nhân loại, về cội nguồn dân tộc và thời đại Hùng Vương dựng nước. Anh từng nói với tôi: “Con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam là nhân loại hiện hữu trên mảnh đất Việt Nam. Việt Nam sẽ tồn tại mãi mãi bởi quá trình đồng hành với nhân loại ở trong mỗi con người Việt Nam sẽ thâu thái, sẽ sống cái vốn con người nói chung của biện chứng lịch sử nhân loại.” Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Anh, có sứ mạng cao cả trong lịch sử Việt Nam hiện đại, bởi đó là  cái trung giới có nhiệm vụ tiếp nhận, tiêu hóa những giá trị của loài người, của thời đại để phân giải và cấu trúc lại những giá trị truyền thống, tạo ra hệ thống mới cho sự chuyển qua. Anh nói tiếp: “Bởi vậy, mỗi tấc đất cảu đất nước quê hương ám ảnh  trong ta không chỉ hiện tồn mà còn mờ ảo, nhất là vào lúc bình minh thức dậy và lúc hoàng hôn đến, kéo sự suy tư của mỗi con người vào quá khứ-tương lai. Cái khoảnh khắc trong khoảnh khắc dồn dập, vô tận.”
Có lẽ vì thế mà trong nhiều bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo, Trần Đức Thảo tha thiết đề nghị cho tái bản các tác phẩm nghiên cứu lịch sử dân tộc của các Giáo sư: Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Huyên, nhà sử học Minh Tranh… Trần Đức Thảo nói: “Nếu không công nhận có chân lý con người nói chung-lịch sử, để từ đó nhận thức về dân tộc và con người dân tộc, thì sẽ làm cho ngành khoa học nghiên cứu lịch sử trở thành vườn không nhà trống”. Đó là sự đau đáu trong suy tư  triết học của Trần Đức Thảo. Tôi lý giải được câu hỏi đặt ra: Tại sao một trong những      bài báo được viết đầu tiên khi về nước tham gia của kháng chiến chống Pháp, nhà trí thức yêu nước ấy lại nghiên cứu về Trần Hưng Đạo, và tác phẩm này được công bố trên Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa (2-1955), ngay sau khi Anh về tiếp quản Thủ đô.
Trước lúc đi Pháp (tháng 3/19991), Anh có tâm sự với tôi: “Mình muốn được về thăm Hà Nội, và trở lại Vũng Tàu”. Vũng Tàu là nơi vào năm 1935, Trần Đức Thảo đã có dịp đặt chân tới, khi được Toàn quyền Đông Dương thưởng chuyến đi du lịch quanh Đông Dương bằng xe lửa và xe hơi vì đã đậu xuất sắc của hai bằng Tú tài toàn phần Toán và Sử. Vợ chồng tôi đã chuẩn bị cho Anh chuyến đi này. Nhưng vì Anh quá bận, dồn sức viết một số tác phẩm, nên dự định trên của chúng tôi không thực hiện được. Hẳn là Hà Nội và Vũng Tàu vừa hiện tồn, vừa mờ ảo, trong Anh.
Ngày 17 tháng 3 năm 1995, nhân một chuyến đi công tác Vũng Tàu, những lời tâm sự trên đây của Anh đã sống lại trong tôi, gợi lại những kỷ niệm của nhiều năm tháng gắn bó giữa tôi với Anh, gợi lại những trăn trở của Anh về dân tộc, về đất nước, về nhân loại, tôi bồi hồi xúc động, nhớ thương, cảm phục, kính trọng vô hồi vô hạn đối với Anh, nên đã viết bài thơ Đối diện hoàng hôn. Anh em ở Tòa soạn Báo Bà Rịa-Vũng Tàu vì rất quý mến Giáo sư Trần Đức Thảo, đã cho đăng bài thơ ấy trên Tuần san Chuyên đề của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, số Xuân Bính Tý (1996). Vì tính nhạy cảm của tình hình chung, nên anh em ở Tòa soạn đã đề nghị tôi lược đi lời đề tặng.
                                                 ĐỐI DIỆN HOÀNG HÔN
                                              Tưởng nhớ nhà triết học Trần Đức Thảo
(Trước lúc đi công tác tại Cộng hòa Pháp, Anh nói:
“Mình muốn được một lần thăm lại Vũng Tàu trước lúc đi xa…”)
 
Hoàng hôn Vũng Tàu trắng màu hư ảo
Hải âu bay mang nắng bay theo
Biển xanh êm chứa ngầm dông bão
Lặng nhìn mây núi tiễn đưa nhau
 
Tuổi xanh non Anh có Vũng Tàu
Lần thứ nhất cũng là lần cuối
Để mãi nỗi lòng tiếc nuối
Nhớ về Vũng Tàu, Anh vui và đau
 
Chiều giã biệt Anh mơ về Hà Nội
Thăm lại Vũng Tàu trước lúc đi xa
Biển quê hương trầm tư triết học
Trời quê hương suy tưởng bao la
 
Ánh hải đăng sóng chở về đâu
Một giây lát hóa thành vĩnh viễn
Hoa đại vàng xanh mình dưới biển
Sóng xô lùa lung linh trăng sao.
Vũng Tàu, 17-3-1995
 Viết những dòng này, bỗng hình ảnh của Anh những lúc hoàng hôn lại ùa đến trong tôi. Tôi nhiều lần gặp Anh trong lúc hoàng hôn, ngay cả lần gặp đầu tiên, cũng là một buổi hoàng hôn cuối Xuân rất đẹp. Hôm đó, ngày 5-4-1959, tôi cầm thư của Anh Huy Cận gửi cho Anh Trần Đức Thảo. Trên gác ba nhà 16D, Ngõ 2 Hàng Chuối đã rêu phong, Anh đang đọc sách, có lẽ là sách triết học, mà sao tôi thấy trên nét mặt Anh có chút             mơ màng. Anh nói ít, và khi mỉm cười, rất rõ chiếc răng khểnh. Không hiểu có phải vì lúc đó là lúc chiều hôm hay sao mà khi ra về, Anh cứ như rất gần mà cũng lại rất xa, trong tôi. Hay tôi đã bị mê hoặc bởi một Trần Đức Thảo mà tôi đã nghe danh từ buổi thiếu thời, khi tôi còn đang theo học ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Các thầy giáo của tooi như các Giáo sư: Trần Văn Khang, Nguyễn Lân, Lê Khả Kế, Lê Văn Thiêm, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hồng Phong, Đinh Gia Khánh… đã kể cho tôi nghe về cuộc tranh luận không có hồi kết thúc giữa Trần Đức Thảo và Jean-Paul Sartre.
Đặc biệt, tôi nhớ một buổi chiều cuối năm 1989, nhân đến thăm gia đình tôi, khi trao lại cho tôi bức ảnh Anh chụp ở Phố Giá, Thái Nguyên hồi mới từ Pháp về Việt Bắc tham gia kháng chiến, Anh gật đầu nhiều lần và thầm thì: “Bức ảnh này được chụp trước lúc  hoàng hôn đó”. Rồi Anh chuyển sang một ý khác, rất bất ngờ: “Kỳ lạ thật, những thời khắc chuyển qua, thật sự chuyển qua, như lúc bình minh và lúc hoàng hôn, cái quy luật hiện lên chưa rõ nét nhưng là có thật. Đừng coi thường cái mờ ảo. Trong cái mờ ảo, nhất là cái-mờ-ảo-người, vốn có tự thuở ấu thơ của giống loài, cũng như của mỗi con người, sẽ cấu thành cái cảm quan xác thực đầu tiên”. Chính vì thế trong nhiều tác phẩm, trong nhiều thư gửi cho các nhà lãnh đạo đất nước, Anh đã rất tâm đắc cho rằng phải đứng trên quan điểm con người nói chung-lịch sử mới hiện thực hóa được tư tưởng nhân văn, đạo đức Hồ Chí Minh về chí công vô tư, và làm cho cái Thiện thắng cái Ác trong cộng đồng, trong mỗi cá nhân. Anh nói: “Đối diện với cái-mờ-ảo-người để giữ được tính-giống-loài, trí tuệ, lý tính phải vừa tuyên chiến với nó, vừa nâng đỡ nó. Đó là một hành trình vô tận để con người, loài người vươn tới Chân-Thiện-Mĩ. Hãy nghiêm túc nghiền ngẫm cái-mờ-ảo-người mới có thể vươn tới tự do. Chỉ như thế mới có tự do.” Anh Thảo, Anh rất khác A. Kojève, như thư Anh trả lời Kojève: “Nhưng có lẽ chúng ta không thuộc vào cùng một gia đình tinh thần. Bởi trước khi tiếp cận triết học ngày nay, tôi là kẻ được tư tưởng của Spinoza thuyết phục, và tôi cũng biết đấy là một học thuyết không được ông ưa chuộng cho lắm. Ông định nghĩa tự do bằng cách phủ định tất yếu. Tôi bảo vệ truyền thống lớn của chủ nghĩa duy lý luôn quan niệm chúng là một”. ([1])
Hồi ấy, Anh mới ngoài ba mươi tuổi, tiếp xúc lần đầu với chính văn của Mác, mà anh rất thấu hiểu Mác: “Do bản chất của sự vật, vương quốc của tự do nằm ở bên kia lĩnh vực sản xuất vật chất, hiểu theo đúng nghĩa của danh từ này. Giống như người nguyên thủy phải đấu tranh với tự nhiên để thỏa mãn các nhu cầu của họ, để bảo tồn và tái sản xuất ra đời sống của họ, người văn minh cũng bắt buộc phải làm như vậy trong tất cả các hình thái xã hội và dưới bất kỳ phương thức sản xuất nào. Với sự phát triển của con người, vương quốc đó của tất yếu tự nhiên cũng mở rộng, vì các nhu cầu của con người tăng lên; nhưng đồng thời những lực lượng sản xuất dùng để thỏa mãn những nhu cầu đó cũng được mở rộng. Trong lĩnh vực đó, tự do chỉ có thể bao hàm ở chỗ là: con người xã hội hóa, những người sản xuất liên hợp điều tiết một cách hợp lý sự trao đổi chất đó của họ với giới tự nhiên, đặt sự trao đổi chất đó dưới sự kiểm soát chung của họ, chứ không để nó thống trị họ như một lực lượng mù quáng; họ tiến hành sự trao đổi ấy một cách ít hao tốn sức lực nhất và tron những điều kiện xứng đáng nhất, phù hợp với bản chất con người của họ. Nhưng tuy vậy, tất cả những điều đó cũng thuộc về vương quốc tất yếu. Chính ở bên kia vương quốc ấy mới bắt đầu sự phát triển của lực lượng con người như một mục đích tự nó, mới bắt đầu vương quốc chân chính của tự do, vương quốc này chỉ có thể phồn vinh trên vương quốc của tất yếu ấy, coi như là trên cơ sở của chính nó.” ([2])
Nhưng để tồn tại trong cái tất yếu sống động ấy, hẳn con người không thể tách rời  hai mặt cảm giác và lý tính. Chính vì vậy, Anh say sưa viết về hạt nhân duy lý trong triết học Hegel, nhưng Anh cũng rất trân trọng tư duy về cảm giác của Spinoza. Bởi cái cảm giác, lý tính phải vượt qua để tiếp cận được chân lý. Như thế mới nhận thức được vương quốc tự do, mới đến được vương quốc tự do. Tôi hoàn toàn chia sẻ với Anh,  bởi trong tư tưởng của nhà triết học lớn bao giờ cũng tiềm tàng, lấp lánh một tâm hồn nghệ sỹ, và ngược lại, trong tâm hồn của một nghệ sỹ lớn bao giờ cũng thẳm sâu một  tư tưởng triết học. Cuộc đời, sự nghiệp của Anh đã và sẽ còn làm xúc động tâm hồn và trí tuệ của nhiều thế hệ. Cái-cảm-giác-người cái-trí-tuệ-người trong Anh là một. Âm ỷ nỗi đau nhục của một người dân mất nước, luôn luôn cháy bỏng khát vọng dân chủ, và tự do, với trí tuệ của một thiên tài, Anh đã vươn tới đỉnh cao của khoa học nhằm  khám phá, dự báo cuộc vận động của lịch sử. Anh viết mà như tâm sự:
“Trong những năm sau chiến tranh, lần đầu tiên tôi được làm quen với những chính văn (tác phẩm nguyên bản) của Chủ nghĩa Mác, tôi rất ngạc nhiên bởi những lời nhận xét trong Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” về khả năng chuyển qua gia cấp vô sản của một bộ phận trí thức tư sản trong thời kỳ khủng hoàn toàn bộ của Chủ nghĩa  tư bản, qua việc nghiên cứu lịch sử thế giới. Điều này đã định hướng cho các nghiên cứu triết học của tôi từ những vấn đề đơn thuần là trừu tượng đến việc suy xét một cách toàn diện về tính chân thực của vận động của lịch sử; của tự nhiên lý, hóa đối với                    cuộc sống, với xã hội và ý thức.
Vào thời kỳ mà cuộc đấu tranh giai cấp đi đến lúc quyết định, thì quá trình tan rã  bên trong tầng lớp thống trị, bên trong toàn bộ xã hội cũ mang một tính chất mạnh mẽ và triệt để đến mức một bộ phận của tầng lớp thống trị sẽ tự rời bỏ giai cấp mình và liên kết với tầng lớp, với giai cấp cách mạng, tầng lớp nắm giữ tương lai trong tay họ.
Cũng tương tự như trước đây, một bộ phận quý tộc chuyển qua giai cấp tư sản, ngày nay cũng tương tự như vậy, một bộ phận tư sản sẽ chuyển qua giai cấp vô sản. Đặc biệt hơn, một bộ phận những nhà tư tưởng tư sản với sức mạnh công việc của mình, họ có thể  nổi lên do am hiểu về lý luận toàn bộ quá trình vận động của lịch sử”. ([3])
Trước tình hình Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng, với tôi, nhiều lần Anh nói: “Tôi hết sức suy tư, đến ngỡ ngàng, khi đọc câu trên đây của Mác – Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Các nước Đông Âu nói riêng, các nước chậm phát triển nói chung, nếu không tiêu hóa được những thành tựu của chủ nghĩa tư bản phát triển thì không thể vươn tới những lý tưởng cao đẹp mà mình mong muốn”.
Không biết bao nhiêu lần tôi đã hỏi Anh: Nội dung quan trọng nhất và mục tiêu cao cả nhất trong hoạt động sáng tạo của Anh là gì? Anh đã trả lời hết sức súc tích: “Hiện tượng học của E. Husserl tôi đã giải quyết xong. Vấn đề đặt ra bây giờ là phong phú hóa và chính xác hóa chủ nghĩa Mác – Lênin”. Anh Thảo, tôi hiểu Anh.
Hôm ấy, lúc trời đã vãn, vợ chồng tôi mời Anh ở lại dùng cơm. Vẫn cầm trong tay gói lạc rang muối, nhẹ nhàng nhặt từng hạt, từng hạt…, Anh nói: “Cảm ơn, về thôi. Hoàng hôn đến rồi”. Con trai lớn của tôi chở Anh về bằng chiếc xe đã cũ. Chúng tôi dõi theo Anh. Một khoảnh khắc trở thành mãi mãi. Hoàng hôn hay bình minh, Anh Thảo?
 
[Trích: “Biển quê hương trầm tư triết học – Hồi ký của người gìn giữ Di sản triết học Trần Đức Thảo”. Sắp xuất bản”]

[1] Alexander Kojève (1902-1968) là nhà triết học lớn, đã sáng lập ra trường phái Hegel học ở Pháp. Bài giảng của ông về Hegel được coi là giáo trình chính thức của tất cả các trường Đại học Pháp trong nhiều thập kỷ. A. Kojève bao trùm lên nền triết học Pháp đầu thế kỷ XX. Trần Đức Thảo đã viết bài phê bình công trình về Hegel của Kojève; bởi vậy, mới có cuộc trao đổi thư từ trên đây. Khi ấy Kojève hơn Trần Đức Thảo 15 tuổi.
[2] Các Mác. Tư bản – Phê phán khoa kinh tế chính trị. Tập thứ 3, Quyển 3, tr. 437-438. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1987.
[3] Trần Đức Thảo. Tiểu sử tự thuật. Trích trong: Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.144

3 nhận xét: