Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Bàn về chữ "TÂM" trong truyện Kiều

Bàn về chữ "TÂM" trong truyện Kiều
Minh Phiến 
Truyện Kiều là một tác phẩm lớn, cần được tìm hiểu từ nhiều góc độ khác nhau. Bởi vậy, tôi muốn đứng trên bình diện tôn giáo để truy tìm các thông điệp mà đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi lại hậu thế qua Truyện Kiều:

1/ Tôn Giáo - Lối Thoát Duy Nhất Cho Mọi Xung Đột và Bế Tắc Của Con Người và Xã Hội
Mở đầu, tác giả viết:
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ 'Tài' chữ 'Mệnh' khéo là ghét nhau".
Để rồi cuối cùng, ông kết luận:
"Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lần trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".
Như vậy, rõ ràng để hiểu và để "Khấp Tố Như" ta không thể không tìm hiểu kỹ các phạm trù: Tài - Mệnh - Tâm - Nghiệp mà Nguyễn Du đã đề cập.
Vì sao lại có "ba chữ Tài"? Vì sao "Tài - Mệnh" lại xung đột nhau? Chữ "Mệnh" phải được hiểu như thế nào?
"Nghiệp" là gì? Vì sao lại đừng trách trời ở gần, ở xa? Thiện căn là thế nào? Và cuối cùng: Chữ "Tâm" phải được hiểu thế nào?
Phải chăng, khi con người làm chủ được Tâm thì sẽ không vọng tưởng, nuối tiếc, khát khao và lúc nào cũng cảm thấy bình an trước mọi biến động của ngoại cảnh.
Nguyên lý cứu độ bao giờ cũng đòi hỏi một sự dứt bỏ triệt để con người cũ, để đón nhận một con người mới - không phải một con người xa lạ mà là một con người nào đó của chính mình từ thuở ban sơ, với tất cả những tinh tuyền nguyên thủy.
Bởi vậy, tôn giáo chính là cái chân lý giải thoát duy nhất cho mọi xung đột và cho bế tắc của con người nói riêng và toàn xã hội nói chung.

2/ Cuộc Đời - Một Cung Đàn Bạc Mệnh:
Có thể nói, Truyện Kiều là một tác phẩm kể về cuộc đời của một con người gắn bó với cung đàn bạc mệnh, mà cung đàn đó lại do chính mình sáng tác ra.
Cung đàn này đã được thể hiện tất cả bốn lần, đánh dấu bốn bước ngoặt lịch sử quyết định cho số phận bản thân.
Điều đáng chú ý ở đây là Nguyễn Du đã cố ý sắp xếp thật cân đối tình huống của từng cặp một.
Lần thứ nhất: Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, bởi sự nài nỉ tha thiết của chàng.
Lần thứ hai: Kiều đánh đàn cho hai vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, bởi sự thúc ép của Hoạn Thư. (Sau lần đánh đàn này, Kiều đi tu).
Lần thứ ba: Kiều đánh đàn cho Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến nghe, bởi sức ép của Hồ Tôn Hiến. (Sau lần đánh đàn này, Kiều tự vẫn).
Lần thứ tư: Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, cũng bởi sự nài nỉ tha thiết của chàng.
Như vậy, cùng một bản nhạc mà bốn lần thể hiện, mang bốn tâm tình khác nhau trong cùng một con người:
Lần thứ hai và lần thứ ba tuy thuộc về hai tình huống khác nhau cho hai loại đối tượng khác nhau, nhưng cả hai lần đều bị ép buộc thể hiện.
Đặc biệt, ở lần thứ nhất và lần thứ tư, Kiều đã biểu diễn cho cùng một đối tượng nhưng với hai trạng thái tâm hồn hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Phải chăng, qua sự bố cục này, Nguyễn Du muốn giúp độc giả liên hệ đến một chu kỳ khép kín, để nói lên sự viên dung của Đạo. Và, để có sự viên dung đó, chính bản thân con người phải trải nghiệm những nổi đau và mất mát trong cuộc đời; hay nói cách khác, bản thân con người đó phải thực hiện một cuộc VƯỢT QUA (Pascal), phải vượt qua chính mình, phải chết cho tội lỗi để gặp lại chính mình trong sự hoàn thiện.

3/ Con Người và Sự Khải Ngộ:
Trong tác phẩm, khi đề cập đến những mối liên hệ tâm linh giữa Kiều và Đạm Tiên, Kiều và Giác Duyên, Kiều và Tam Hợp, phải chăng tác giả cũng muốn nói đến cái tiến trình tư duy của con người từ "Vô Minh" đến "Giác Ngộ" (?)
a/ Mối liên hệ giữa Kiều và Đạm Tiên
Đạm Tiên là ai? - Đạm Tiên chính là cái "bóng" của Kiều. Hay nói cách khác Kiều chính là cái phiên bản của Đạm tiên. Và, cuộc đồng hành âm dương cứ thế mà loanh quanh trong cuộc sống mỗi con người. Thế nhưng "Tâm thành đã thấu đến trời", đã tạo ra một bước ngoặt đột biến quyết định, giúp Kiều "vượt qua" mọi hệ lụy của quá khứ để:
"Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên
Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề"

b/ Mối liên hệ giữa Kiều và Giác Duyên:
Đời của Kiều ba lần gặp Giác Duyên:
Lần thứ nhất: Để trốn sự ghen tương của Hoạn Thư, tình cờ đã gặp Giác Duyên tại "chiêu ẩn am" (nơi mời đến để trốn).
Lần thứ hai: Kiều mời Giác Duyên đến để chứng kiến việc nàng "báo ân báo oán"?
Lần thứ ba: Giác Duyên vớt Kiều ra khỏi sông Tiền Đường.
Dòng sông định mệnh, theo sự mách bảo của Tam Hợp Đạo Cô. Ở đây, thiết nghĩ chúng ta không nên bỏ qua các từ ngữ như "chiều ẩn am", "Giác Duyên", "Tam Hợp". Phải chăng, tôn giáo lúc nào cũng đón nhận những con người đau khổ, nhưng không phải người đau khổ nào cũng có thể "đắc đạo" nếu trong lòng còn vương nợ trần ai (?) Phải chăng Giác Duyên chính là khi "Vô Minh" bị phá vỡ để trở thành "giác tâm" giúp con người nhận thức được cái ảo kiến mịt mù trong "Thập Nhị Nhân Duyên" (?)

c/ Mối Liên Hệ Giữa Kiều và Tam Hợp Đạo Cô
Đây là mối liên hệ gián tiếp được thông qua nhân vật Giác Duyên. Tam Hợp Đạo Cô như một người phát ngôn giữa hai thế giới: Âm và Dương. Phải chăng khi đặt tên Tam Hợp, Nguyễn Du muốn nói đến mô thức tư duy "Tam Hợp tương thông" trong Thái Bình Kinh là một tác phẩm kinh điển tổng hợp giữa Đạo Gia - Nho Gia và Thuyết Phương thuật Thần tiên nhằm đề cao nhằm đề cao và khuyến khích cái thiện.

4/ Kết Luận: - Đâu rồi? - Một "chữ tâm"!
Đã hơn chục năm nay, không hiểu do từ đâu, các bức tranh biểu tượng chữ "Tâm" bỗng trở thành một thứ hàng hóa cao cấp và nhanh chóng trở thành món quà biếu vừa thanh lịch, vừa văn hóa, rất hấp dẫn đối với những "đại gia gồm đủ ba chữ Tài" của thời đại thị trường và đặc biệt gồm đủ các lứa tuổi (Từ một tuổi trở lên đến tuổi còn sung sức… còn đương chức).
Phải chăng, đó là tín hiệu đáng mừng cho xã hội?
Thế nhưng… có lần, tình cờ tôi hỏi một đại gia: "Bức chữ 'Tâm' này có lẽ treo hơi cao, phải không bác?"
- "Ấy! Nó được giát bằng vàng thật đấy. Phải treo cao thế cho nó an toàn. Quà biếu đấy mà!"
Lại một lần khác tôi vờ hỏi: "Cái bức khảm xà cừ này viết chữ gì mà đẹp thế, bác"?
"Ấy! Quà biếu đấy mà! Họ nói cái chữ gì đấy, nhưng lâu ngày tôi quên mất. Thấy quý và đẹp thì treo thôi!"
Lại có lần, đến nhà một "ông trẻ" (quãng 34 tuổi) cũng thấy chữ "Tâm" viết trên giấy hoa tiên, khá đẹp. Tôi khen: "Chú cũng biết chơi 'chữ' đấy chứ!"
- "Chữ nghĩa quái gì bác! Quà biếu ngày cháu tổ chức đầy năm con bé đầu lòng đấy mà! Mô-đen thời thượng đấy bác ạ!"
Suy nghĩ một lúc, "ông trẻ" mở tủ, lấy ra một hộp nhỏ màu đỏ và khoe với tôi cách hãnh diện: "Cái chữ 'Tâm' này mới chính thức bác ạ!"
Tôi mở xem. Một giây chuyền móc theo một mặt hình vuông bằng vàng, khảm một chữ "Tâm" bằng xa-phia, lấp lánh màu ngọc bích rất cầu kỳ.
"Ông Trẻ" trao cho "Bà Trẻ" cất vào tủ và cất tiếng cười khoái trá.
*
Tôi trở về, qua nhiều đêm không ngủ… Trăn trở về chữ "Tâm" trong Truyện Kiều để kính dâng hương hồn cụ Nguyễn Tiên Điền với tất cả thành tâm thiện ý.
Bởi vậy, dẫu biết là quá sức mình nhưng vẫn liều lĩnh viết Tiểu luận này, rất mong quý độc giả vui lòng lượng thứ và thẳng thắn góp ý, bổ sung, chỉ bảo cho tôi những gì còn sai sót.

Xin chân thành cám ơn 
Tác giả

A - Phần mở đầu.
Mỗi lần xem truyện Kiều, khi mô tả việc Kiều đánh lại “Cung đàn bạc mệnh” ngày xưa cho Kim Trọng nghe trong đêm tái ngộ, sau mười lăm năm lưu lạc, tôi thường bị khựng lại trước những câu:
“Nàng rằng: “vì chút nghề chơi
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu
Một phen tri kỷ cùng nhau
Cuốn giây từ đấy, về sau cũng chừa…”
Và tự hỏi: “Tại sao thế nhỉ?”; “Vì sao lại phải chừa?”; “Âm nhạc có tội gì đâu?” - Ngay Khổng Tử cũng san định thành một bộ Kinh gọi là “Kinh lễ nhạc” nhằm di dưỡng tính tình giáo hoá lòng người, làm cho trong hòa ngoại thuận cơ mà?
Ngài nói: “Trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dị, trực, từ lượng chi tâm du du nhiên sinh hĩ” (Đạt cho cùng các lẽ về nhạc để cai quản lòng người, thì cái giản dị, thẳng thắn, hiền từ, rộng rãi của lòng, cứ thế mà phơi phới sinh ra).
Hoặc: “Nhạc giả, thiên địa chi hòa dã. Lễ giả dã, động ư ngoại dã. Nhạc cực hòa, Lễ cực thuận” (Nhạc là động ở trong. Lễ là động ở ngoài. Cùng cực của nhạc là hòa, cùng cực của lễ là thuận).
Hoặc: “Nhạc giả, thiên địa chi hòa dã. Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Nhạc là sự điều hòa của trời đất. Lễ là trật tự của trời đất)… Như vậy, trong quan điểm về lễ nhạc, giữa Nguyễn Du và Nho gia có gì mâu thuẫn, có gì phản bác nhau? Thế rồi trong Luận Ngữ tôi bắt gặp một câu than của Khổng Tử: “Lễ vân, lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai! Nhạc vân, nhạc vân, chung cổ vân hồ tai!” (Lễ ư, lễ ư! Ngọc lụa mà thôi sao? Nhạc ư, nhạc ư! Chuông trống mà thôi sao?)
Hoặc: “Nhân nhi bất nhân như lễ hà; Nhân nhi bất nhân như nhạc hà?” (Người mà không có nhân dùng nhạc sao được; Người mà không có nhân dùng lễ sao được?)
Thế ra, lễ nhạc vốn vô tội. Tội vốn ở lòng người mà sinh ra. Cho nên Khổng Tử chủ trương “tu thân”. Mà muốn tu thân thì phải “Thành ý, Chính tâm”, khiến lương tri trở nên sáng suốt, hành động hợp lý, hợp tình tìm thấy niềm vui trong sự điều hòa với lẽ tự nhiên của Tạo Hóa.
Ngài nói: “Tự thiên tử dĩ chí thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ vua đến dân, ai cũng lấy sửa mình làm gốc).
Có lẽ dựa trên quan điểm đó, nên để kết thúc Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết:
“… Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…”
Như vậy, để hiểu Truyện Kiều, hay nói cách khác, để hiểu quan điểm tư tưởng của Nguyễn Du qua Truyện Kiều, thiết nghĩ, hậu thế chúng ta không thể bỏ qua việc nghiên cứu các phạm trù được nêu trong tác phẩm có tính tiêu biểu như: “Nghiệp, Thiện, Tâm, Tài…”. Đồng thời chúng ta cũng cần suy xét kỹ câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vậy “Tâm là cái gì?”, “Sao lại bằng ba chữ tài?”, “Ba” phải chăng là để hợp vần với chữ “Ta” ở câu trên? Hay có “ba chữ tài” với ba nghĩa riêng biệt?
Trong bài này, người viết không có tham vọng bàn đến một cách rộng rãi các phạm trù trong phần kết của Truyện Kiều, nhưng chỉ muốn đi sâu vào việc trình bày quan điểm về chữ Tâm của tác phẩm, để thông qua đó, chúng ta có thể phần nào hiểu được con người Nguyễn Du, cũng như thông điệp mà cụ muốn gửi lại cho hậu thế, trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta.

B - Một số khái niệm về chữ “TÂM”
Tâm là phạm trù phổ biến, có nội hàm phong phú và diễn biến phức tạp nhất trong triết học Phương Đông. Ngoài chức năng làm chủ ngũ tạng, tứ chi của thân thể, Tâm còn có nghĩa là Tâm tư, Tâm tình, Tâm lý, lương tri, ý chí, đạo đức, quan niệm, là nơi cư trú hoạt động tinh thần của con người.
Để đặt nền móng cho học thuyết “Tâm tính” của Nho gia, Khổng Tử chủ trương thực hiện mục tiêu tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách trên cơ sở nâng cao kiến thức. Ngài nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học – Tam thập nhi lập - Tứ thập nhi bất hoặc – Ngũ thập nhi tri thiên mệnh - Lục thập nhi nhĩ thuận - Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” (Ta 15 tuổi đã có chí học tập – 30 tuổi có chí lập thân – 40 tuổi không nghi hoặc – 50 tuổi biết mệnh trời – 60 tuổi tai nghe mới thuận – 70 tuổi, có thể làm theo ý muốn của tâm, mà không vượt ra ngoài pháp luật). Như vậy, tâm được coi là đạo đức chủ thể, là chủ thể của tư duy, có thể khiến dục vọng tâm lý phục tùng yêu cầu của đạo đức nội tâm, mà con người vẫn không cảm thấy gò bó chút nào. Có thể nói, đó là sự nhất trí cao độ giữa ý muốn, tư tưởng và đạo đức. Nói cách khác, cụ thể hơn, đó chính là nhân ái và lễ nghĩa.
Sau Khổng Tử, Mạnh Tử chủ xướng: “Tâm chi quan tắc tư” (Tâm là cơ quan để suy tư). Đồng thời ông muốn truy tìm bản thể sau hiện tượng xã hội qua hệ thống lý luận: “Tận tâm, tri tính, tri thiên” (Hết lòng thì biết tính, biết trời). Như vậy Mạnh Tử đã lấy ý thức chủ thể của tâm là khởi điểm cho việc nhận thức chân lý, mà nội hàm của nó là Tâm Nhân Nghĩa.
Vào khoảng năm 580 – 500 (TCN), Lão Tử sáng lập học thuyết Đạo gia lấy cái Đạo hư mà vô vi để quy định nội hàm của phạm trù tâm. Đó là trạng thái “tâm hư tĩnh”, tự nhiên, vô dục vô tranh, quý nhu quý hoà, tự nhiên vô vi, gọi là “Hư kỳ tâm”.
Về sau, Trang Tử kế thừa và phát triển thành tư tưởng “Hư giả tâm trai” (Ăn chay để giữ cho cái tâm trong sạch).
Ông nói: “Nhất tâm định nhi vạn vật phục - Nhất tâm định vương nhi thiên hạ - Ngôn dĩ hư tĩnh suy vu thiên địa, thông vu vạn vật, thử chi vị thiên lạc. Thiên lạc giả, thánh nhân chi tâm, dĩ súc thiên hạ” (Nhất tâm ổn định mà vạn vật phục. Nhất tâm ổn định mà làm vua thiên hạ. Lời nói hư tĩnh mà mở rộng khắp trời đất, thông suốt muôn vật, đó là niềm vui của trời. Niềm vui của trời chính là cái tâm của thánh nhân dùng để chăn dắt thiên hạ vậy).
Nhất tâm: Chuyên chú một chí, đó là trạng thái TÂM HƯ.
Thiên lạc: Sự vui vẻ của trời, đó là trạng thái TÂM TRAI.
Vào thời Ngụy Tân Nam Bắc Triều, Phật Giáo được Trung Quốc hoá chủ trương: Tâm là gốc, là tính, là vô chấp, là vạn hữu… Tâm thể không vô (Tâm thể trống không)…
Kinh chép rằng: “Tâm tác thiên, tâm tác nhân, tâm tác địa ngục, tâm tác súc sinh, nãi chi đắc đạo giả, diệc tâm dã…” (Tâm làm trời, tâm làm người, tâm làm địa ngục, tâm làm súc sinh, cả đến người đắc đạo cũng là tâm vậy…). Như vậy, tâm không phải là ý thức chủ thể. Là trạng thái tâm hư tĩnh tự nhiên, mà còn là bản thể của vạn vật nữa. Trên đây, người viết chỉ xin nêu cách sơ lược, một số khái niệm về chữ Tâm của ba học phái Nho, Thích, Đạo có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, quá trình nhận thức tâm lý, cũng như xác lập những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định, nhằm tạo cơ sở cho chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của chữ “Tâm” mà cụ Nguyễn Du đề cập đến trong Truyện Kiều.

C - Kết cấu logique phạm trù “TÂM” trong Truyện Kiều.
Sống giữa một thời kỳ lịch sử đầy biến động: các tập đoàn phong kiến tan rã, xung đột lẫn nhau, xã hội thị trường manh nha với đồng tiền giữ địa vị thống soái, nạn tham quan ô lại, dân chúng lầm than, tầng lớp thương nhân làm ăn bất chính hoành hành, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng… Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du vừa phản ánh cách trung thực bộ mặt thật của xã hội, vừa dung hợp ba học phái Nho, Thích, Đạo, đề cao cái Tâm nhằm cảnh tỉnh lòng người.
Ta có thể nói, toàn bộ Truyện Kiều là một “cung đàn bạc mệnh” với những kết cấu phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn. Sau khi giới thiệu sơ lược tiểu sử và ngoại hình Thuý Kiều, cụ Nguyễn Du viết:
… “Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân”…
Đọc đoạn thơ này khiến ta không thể không liên hệ với câu nói của Trí Nghi - một sứ giả đại sư thời nhà Tuỳ (538 - 597) - Tứ Tổ của phái Thiên Đài Tông: “…Tâm diệc như thị, cụ nhất thiết ngũ âm tính, tuy bất khả kiến, bất đắc ngôn vô…” (Tâm cũng như vậy có tất cả tính ngũ âm, tuy không thể nhìn thấy được, nhưng không thể nói là không có...)
Ngũ âm tình là sự thể hiện của ngũ uẩn (năm cái tiềm tàng ẩn dấu).
Đó là: Sắc (cái có hình thể); Thụ (đón nhận sự vật); Tưởng (suy tư hình dung); Hành (hành vi thiện ác được thể hiện); Thức (khả năng nhận biết và phân biệt bản thể của sự việc).
Sắc là ngoại vật – còn Thụ, Tưởng, Hành, Thức là tác dụng của Tâm.
“Cung đàn bạc mệnh” bao trùm và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm trên nền tảng tư tưởng đó.
Cụ thể ta có thể chia thành năm phần như sau:
1/ Khúc dạo đầu: Phần giới thiệu tính chất
2/ Thể hiện lần thứ nhất: Đối tượng là Kim Trọng
3/ Thể hiện lần thứ hai: Đối tượng là Hoạn Thư và Thúc Sinh
4/ Thể hiện lần thứ ba: Đối tượng là tổng đốc Hồ Tôn Hiến.
5/ Thể hiện lần thư tư: Đối tượng lại trở về Kim Trọng

I. Tính chất cung đàn bạc mệnh: Khúc dạo đầu
1) Sự giao cảm: Khúc nhạc này được thể hiện tại một nghĩa địa, trong tiết Thanh Minh, kể chuyện ba chị em Thuý Kiều bất ngờ gặp một nấm mộ vô chủ và được biết:
… “Vương Quan mới dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
Nổi danh tài sắc một thì…
Nhưng:
… “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
Có người khách ở viễn phương
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ…”
Và người khách bèn: … “Sắm sanh nếp tử xe châu
                                                Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa…”
Các cụm từ “trâm gãy bình rơi bao giờ” và “rêu lờ mờ xanh” các dấu xe, ngựa cũng đủ chứng minh đây là một ngôi mộ tượng trưng – ngôi mộ của “cái tâm” bị lãng quên giữa sóng đời đen bạc. Nhưng, điều đáng lưu ý, là Đạm Tiên đã lấy “cái tình” để cư ngụ ngay nơi ngôi mà chính thân xác nàng không yên nghỉ tại đó. Còn thái độ của Thúy Kiều bây giờ ra sao?
… “Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…”
Như vậy, “cái tâm” của người “khách viễn phương” lại được thức dậy trong lòng Thuý Kiều, và cũng được Đạm Tiên lấy “cái tình” để ưu ái đáp lại bằng cách “hiển hiện cho xem”.
Vậy nên: … “Hữu tình ta lại gặp ta
                        Chớ nề u hiển mới là chị em…”
Cuộc gặp gỡ tay ba này (người khách - Đạm Tiên và Thuý Kiều) như một mối nhân duyên trùng điệp, đan kết với nhau, mở đầu một thời kỳ vọng tâm (khác với chân tâm) được hình thành qua những sinh hoạt tâm lý, dục vọng, thất tình, những sa lầy trong thế giới vật chất. Từ đây Đạm Tiên như cái bóng của Thuý Kiều thực hiện cuộc đồng hành âm dương suốt chiều dài của chặng đường “bạc mệnh”.
2) Ảo hay thực? - Tiếp theo sự giao cảm tay ba nói trên, là những cuộc gặp gỡ tay đôi giữa Đạm Tiên và Thuý Kiều, giữa Thuý Kiều và Kim Trọng. Đây là cuộc gặp gỡ giữa ảo và thực, giữa tâm và tình, giữa tình và dục. Tất cả những cuộc gặp gỡ đó diễn ra ngắn dài khác nhau, đan xen nhau, lấn át nhau và đặc biệt là níu kéo nhau. Đồng thời, điều muốn nói ở đây là, bằng những cụm từ như: dùng dằng, nhạc vàng đâu, nửa ở nửa về, chiêm bao, biết đâu… tác giả cho ta cảm giác, tất cả những “người trong cuộc” đều ở dạng hư hư thực thực, với những trạng thái tâm lý, tình cảm hoang mang mê tỉnh:
… “Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần…
Hoặc:
… “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện rút về chỉn khôn
Bóng chiều như dục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…”
(Kim Kiều gặp nhau trong chiều tảo mộ)
Hoặc:
… “Bây giờ tỏ mặt đôi ta
            Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao…”
(Tâm sự Kiều khi hội ngộ với Kim Trọng)
Còn những cuộc gặp gỡ với Đạm Tiên thì đượm màu ma quái:
… “Dè chừng ngọn gió lần theo
Dấu dày từng bước in rêu lần lần…”
Hay:
… “Sương in mặt tuyết pha thân
            Sen vàng lãng đãng như gần như xa…”
Hoặc:
… “Thềm hoa khách đã trở hài
            Nàng còn nán lại một hai tự tình
            Gió đâu sịch bức mành mành
            Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao…”
Thật khó mà xác định, đây là những cuộc gặp gỡ giữa ảo và thực hay giữa thực và thực? Bởi Kiều đã từng khẳng định:
… “Kiều rằng: những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh”
Sách Lễ Ký có nói: “Tử tất quy thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh” (Chết tất nhiên trở về đất, xương thịt vùi xuống, phần âm hóa đất bụi).
Phần dương khí (tinh anh) bay lên cao rực rỡ (chiêu minh).
Phần chiêu minh ấy khi ở trong cơ thể thì chính là tâm vậy. Do đó, Thiên Thái Giáp Hạ trong Kinh Thư có câu: “Quỷ thần vô thường hưởng, (répondre) hưởng vu khắc thành” (Không phải lúc nào quỷ thần cũng đáp lại, mà chỉ đáp lại những ai có lòng thành) (Này rằng: đích thực tinh thành chẳng xa).

II. Cung đàn bạc mệnh
Như đã nói ở trên, toàn bộ Truyện Kiều là một “Cung đàn bạc mệnh”. Cung đàn ấy xuyên suốt tác phẩm và chính thức được thể hiện tất cả là bốn lần, mỗi lần một tình huống, một bước ngoặt cuộc đời khác nhau, nên phong cách thể hiện cũng khác nhau.
Giờ đây trên nền tảng chữ “Tâm”, chúng ta hãy cùng nhau khảo sát từng lần thể hiện với những đối tượng hoàn toàn khác biệt nhau.

1/ Lần thể hiện thứ nhất: Tâm và Tình (Đối tượng là Kim Trọng)
Đây là lần thể hiện mở màn cho toàn bộ tác phẩm, cũng là lần đầu tiên “cung đàn” được trình bày theo yêu cầu của Kim Trọng. Tiếng đàn được thể hiện trong một tâm trạng hoang mang xao xuyến bởi những ám ảnh riêng tư xâu xé tâm hồn:
… “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không (?)…”
Hoặc:
… “Trông người lại ngẫm đến ta
            Một dày một mỏng biết là có nên?...”
Cho nên, trong “Nhạc ký” Khổng Tử viết: “Nhạc giả dã động ư nội giả dã” (Nhạc là động ở trong). Bởi lẽ đó, tiếng đàn của Kiều lần này không chỉ thể hiện sự xung đột nội tâm mạnh mẽ, mà còn nói lên những lo sợ, những toan tính… báo hiệu một sự bất ổn đang đợi chờ phía trước:
… “Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
Kê khang này khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thuỷ hai rằng hành vân
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia”.
Trong cảm thông, Kim Trọng kết luận:
Rằng: “hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!...”
Quả đúng như câu nói của Tuệ Tư: “Tâm tính tức là phiền não tính” (Chư pháp vô tịnh tam muội pháp môn). Cho nên Kiều đáp:
“Rằng: quen mất nết đi rồi
Tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao!”…
Vậy, “tính trời” ở đây được hiểu như thế nào?
Trên cơ sở quan điểm “Tận tâm, tri tính…” của Mạnh Tử, Chu Hy viết: “Tâm dữ tính tự hữu phân biệt. Linh để thị tâm. Thực để thị tính. Linh tiện thị ná tri giác để” (Tâm và tính tự nó có phân biệt. Nền của cái linh là tâm; nền của cái thực là tính. Linh chính là nền của tri giác vậy). Bởi thế, Tâm và Tính tương thông với nhau. Tâm là nơi để tính tồn tại.
Ở chương khúc mở màn này, Nguyễn Du muốn để Kiều thể hiện rõ “cái tính”, tạo tiền đề cho những lần thể hiện tiếp theo, phù hợp với kết cấu lôgích phạm trù tâm của toàn tác phẩm.

2/ Lần thể hiện thứ hai: Tâm và Tình (Đối tượng Hoạn Thư và Thúc Sinh)
… “Bốn giây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm…”
Có thể nói, bốn câu thơ trên đây là tóm tắt toàn bộ nội dung diễn biến tình cảm của cuộc hội ngộ bất ngờ tay ba giữa Hoạn Thư, Thuý Kiều và Thúc Sinh, mà Hoạn Thư chính là nhân vật chủ động khởi xướng và đạo diễn. Phải xác nhận rằng, đây là cuộc hội ngộ có nhiều tình huống tâm lý éo le và phức tạp. Đặc biệt mỗi người một diễn biến khác nhau, thậm chí đối lập nhau nhưng lại buộc chặt nhau bởi những hệ lụy của quá khứ vừa kín vừa hở có nhiều kịch tính. Vậy, tại sao cụ Nguyễn Du lại diễn tả cách đơn giản như vậy?
Theo thiển ý của người viết, nếu xét trên cơ sở “nhân tâm” tức “tâm nhân nghĩa” thì ngay sau khi sự thật vừa hé lộ, Thuý Kiều và Thúc Sinh đã thấy được những sai sót trong mối quan hệ bất chính của mình. Cho nên tiếng đàn lúc bấy giờ chỉ còn biết thể hiện “sự khóc than” để cầu lòng thương xót mà thôi. Đúng như câu nói của Vương Phu Chi: “Nhân giả nhân tâm chi bất dung dĩ… Nghĩa cổ nhân tâm chi sở bất muội…” (Nhân là cái nhân tâm không cho phép mình… Nghĩa vốn là “Cái không mờ ám” của nhân tâm…).
Ngoài ra, bên cạnh những ưu thế khác về quyền lực, Hoạn Thư còn nắm được tính uy quyền của đạo đức, luôn là một chân lý khách quan tuyệt đối, buộc mọi người chấp nhận.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lưu ý trong tình huống trớ trêu này, để đánh giá đúng quan điểm của tác giả, thì “người trên tiệc” đây là ai? - Hoạn Thư hay Thúc Sinh? – Hay cả hai người đều tan nát lòng? Người ngoài là ai? Sao lại cười nụ? Người trong là ai? Sao lại khóc thầm?
Mạnh Tử nói: “Nhân giai hữu bất nhẫn chi tâm” (Người ta đều có cái tâm bất nhẫn của con người) cho nên, trong tiếng đàn gói trọn tâm tình đêm ấy, cả Hoạn Thư và cả Thúc Sinh đều tan nát lòng, tuy mỗi người đều có một trạng thái tâm lý hoàn toàn khác biệt nhau. Cũng như cái cười gượng gạo của Thúc Sinh – cái cười của kẻ bị bắt quả tang làm điều bất chính, xuất hiện bên cạnh cái cười đắc thắng của Hoạn Thư, trong tư cách một người vợ bị chồng phụ bạc. Nhưng:
… “Giọt rồng canh đã điểm ba
Tiểu thư chạm mặt dường đà cam tâm…”
Như vậy, Hoạn Thư đã “biết dừng lại” ở cái ranh giới của “chữ tình” để về sau, nàng có thể mạnh dạn trần tình rằng:
… “Lòng riêng, riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai…”
Đó là một lý lẽ nhưng cũng là một thực tế buộc Thuý Kiều cũng phải “tự biết dừng lại” ở ranh giới của cái “tâm hảo đức, bất hảo hình” (Chuộng đức chứ không chuộng hình phạt) của trời.
Dó đó, ta có thể khẳng định rằng, trong tiếng đàn đêm ấy, cả ba người đều nức nở, xót xa khi sống với cái tâm bất nhẫn của một con người.

3/ Lần thể hiện thứ ba: Tâm và Lý (Đối tượng Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến).
Cũng như thể hiện ở lần thứ hai, để diễn tả một bước ngoặt vô cùng quan trọng của đời Kiều qua cung đàn bạc mệnh, cụ Nguyễn Du cũng gói gọn trong bốn câu thơ, mà mới đọc qua ta có cảm giác sự diễn tả hết sức sơ sài:
… “Một cung gió tủi mưa sầu
Bốn giây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu…”
“Lọt tai!”, cung đàn bạc mệnh ai oán cất lên, lấn át cả tiếng tơ trúc xôn xao của quân thù mừng vui chiến thắng. Đây là tiếng kêu ai oán của kẻ thất trận; tiếng xót xa của kẻ bất ngờ bị lật ngược thế cờ; tiếng chua chát của người bị lường gạt vì ý tưởng ngay lành; tiếng nức nở nhức nhối của kẻ tự trách mình dại dột ngây thơ; tiếng cay đắng của kẻ vô tình phản bội lòng tin của vị đại ân nhân đã cứu thoát mình và cuối cùng là tiếng hối hận đớn đau của kẻ vì ích kỷ ngu si đã gây nên cái chết của người chồng tri kỷ…
Tất cả những âm thanh đó gộp lại đã trở thành tiếng kêu tha thiết của lương tri xuyên suốt qua từng sự vật để đánh thức cái tâm nhận thức và luận chứng được cái lý của sự vật, sự việc, nhằm đạt đến việc “hợp tâm với lý làm một” để hoàn thiện toàn bộ quá trình nhận thức của mình.
Có thể nói, đây là lúc Kiều tiến đến chặng đường cuối cùng của con đường bạc mệnh. Bạc mệnh ở đây không nên hiểu cách thuần tuý là sự chết non hoặc rủi ro, mà là sự đổ vỡ hoàn toàn cả vật chất lẫn tinh thần:
… Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
Cung cầm lựa tự ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây…”
Hai chữ “là đây” nói lên sự khẳng định, sự hiểu biết được cái rộng lớn của “lý” chỉ cần tìm đủ ở tâm mình (Tri thử lý chi quảng đại nhi tất cầu bị vu ngô tâm – Vương Phu Chi).
Kiều thực sự vượt qua mọi ràng buộc để đắm chìm vào thế giới của lương tri, với ý nghĩa là những nguyên tắc đạo đức, những quy phạm luân lý như trắc ẩn, hiếu đễ, trung trinh…
Cũng như Khổng tử đã nói: “Dư dục vô ngôn! Thiên hà ngôn tại” (Ta không muốn nói! Trời có nói đâu! - Luận Ngữ) nên để tổng kết toàn bộ diễn biến tâm lý phức tạp của giai đoạn này, cụ Nguyễn chỉ muốn rút gọn vào một câu đơn giản:
… “Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay…”
Phải chăng, bốn giây đây là cái “Tâm” mà nhà Phật chia thành bốn loại là: Thụ - Tưởng – Hành - Thức, đã xúc phạm (làm rỏ máu) những quy phạm đạo đức chuẩn mực của con người là: Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí – Tín được biểu tượng bằng năm đầu ngón tay của Thuý Kiều.

4/ Lần thể hiện thứ tư: Tâm Đạo (Đối tượng: lại trở về Kim Trọng).
Sau những ngày đầy nhục nhã sóng gió của kẻ bại trận, Kiều bị gán làm tỳ thiếp cho một Thổ quan. Trên đường đi, một đêm nằm nghe sóng vỗ, nàng hỏi, thì được biết là sông Tiền Đường. Nhớ lời thần mộng của Đạm Tiên ngày trước nàng quyết định:
… “Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang
Thổ quan theo vớt vội vàng
Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi!
Than ôi! Cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi (!?).
     Trong cái kết cấu lôgích của tác giả, thì đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Cái chết của Thuý Kiều là một chặng đường tất yếu phải đến, để thể hiện một sự từ bỏ trọn vẹn (Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau), đó cũng là sự gạt bỏ mọi níu kéo, mọi gánh nặng để hoàn tất cuộc chiến, tự giải thoát để bước vào Tâm đạo.
Tâm đạo là con đường trở về với chính cõi lòng mình, là cuộc “phản bổn hoàn nguyên” (trở về cội nguồn) của đứa con hoang đàng, sau bao năm giang hồ lưu lạc quyết chí trở về nhà cha bằng một kho tàng kinh nghiệm phong phú và một “Huệ giác” toả sáng tâm hồn. Đó cũng là một trạng thái Niết Bàn (Nirvana. Ni: không; Vana: ái dục) một thứ hạnh phúc phát sinh từ chính sự tự giải thoát mọi đau khổ của đời sống.
Tâm đạo là con đường trở về với cái “Tâm vô Tâm”, cái “Tâm bình thường”.
Bình thường tâm thị đạo (Cái tâm bình thường là đạo). Vô Tâm đạo dị tầm (Cái tâm trống rỗng thì dễ tìm Đạo).
Thuý Kiều đã bị mất hết và đã chết. Nhưng chính sự mất mát và sự chết đó đã tạo cho nàng một cái “Khiết kỳ cung”, tức là một tâm hồn hoàn toàn sạch sẽ, để có thể “Khai kỳ môn”, có nghĩa là mở lòng đón nhận mọi ý nghĩa, mọi giá trị đạo lý qua các sự vật và sự việc bên ngoài.
Trở về với quan điểm “tận tâm, tri tính, tri thiên” ta thấy Mạnh Tử cũng chủ trương hướng nội, có nghĩa con người phải nhìn ngược lại chính nội tâm của mình để biến đổi, nhằm đạt tới sự thống nhất hài hòa giữa chủ quan và khách quan, giữa nhân đạo và thiên đạo. Mạnh Tử viết: “Vạn vật giai bị vu ngã hĩ, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (Muôn vật đều có ở nơi ta, tuy trái với mình mà lại chân thực, thì còn vui nào lớn hơn) (Tận Tâm Thượng). Cho nên Tâm đạo là con đường trở về với chân lý, tìm được niềm vui thật và trọn vẹn trên nền tảng thái hoà.
Vì vậy:
… “Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ quyên
Êm sao châu nhỏ duyềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mấy đông…”
Như vậy từ cõi chết Kiều lại trở về với chính mình. Vẫn người tình cũ, vẫn cung đàn bạc mệnh năm xưa, nhưng lần này nàng thể hiện với một cái Tâm và một cái Tình hoàn toàn biến đổi để nhìn con người và cuộc đời trong một viễn tượng hoàn toàn mới - viễn tượng của Chân Tâm.
Phải chăng, để giúp độc giả nhận thức được quá trình chuyển biến nội tâm của Thuý Kiều, cụ Nguyễn đã cố ý sắp xếp khá đối xứng không chỉ về số lượng câu mà cả về ngôn ngữ và hình tượng của hai lần đánh đàn cho Kim Trọng nghe để biểu thị sự viên dung của Đạo qua một chu kỳ khép kín từ xung đột đến bình an được thể hiện ngay trong nội tâm của mỗi con người.

III. Bàn về mối tương quan giữa Tài và Mệnh - giữa Tâm và Tài - Hiếu Tâm đã động đến trời.
Với hai câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau”.
Và hai câu kết:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Nguyễn Du đã gửi lại toàn bộ tâm sự và cái triết lý nhân sinh của Ngài vào tác phẩm, nhằm giúp hậu thế chúng ta suy gẫm và tìm thấy ở đó một khát vọng giải thoát khỏi những hệ lụy của kiếp người. Vậy:

1/ Thuyết “Tài Mệnh tương đố” phải được hiểu thế nào?
Có thể nói, mãi cho đến ngày nay, người Phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, vẫn lưu truyền quan niệm cho rằng: Tài và Mệnh luôn ganh ghét đố kỵ lẫn nhau:
Ví dụ: Hồng nhan bạc mệnh - Hồng nhan đa truân - Học tài thi phận.
Hoặc: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
     Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu     
(Tạm dịch: Từ xưa người đẹp như danh tướng
            Không hứa nhân gian thấy bạc đầu).
Như vậy, phải chăng hầu hết những người có tài đều phải chấp nhận một số phận khắc nghiệt, hẩm hiu (?). Những người ấy nếu không chết yểu, chết bất đắc kỳ tử, thì cũng phải chịu tật nguyền hoặc lênh đênh ba đào chìm nổi (?).
Những nghịch lý đó, phải chăng mãi mãi sẽ là những vô nghiệm của một “cái quay búng sẵn trên trời, khiến con người chỉ biết cúi đầu ngậm ngùi than thở xót xa (?).
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!”
Vậy: Tài là gì? Mệnh là gì? Sao lại đố kỵ nhau?
Liệu có cách nào dung hòa giữa Tài và Mệnh?
- Tài là những khả năng vượt trội không chỉ về năng khiếu thẩm mỹ mà cả sắc đẹp, trí tuệ, sức khoẻ, sự nhạy cảm… Có thể do bẩm sinh hoặc do sự nỗ lực rèn luyện của bản thân mà thành.
(Talent: Aptitude naturelle ou faculté acquise – Larousse).
- Mệnh theo truyền thống Nho Giáo thì mỗi khi nói đến “Mệnh” là nói đến sự can thiệp của trời vào cuộc sống xã hội và con người. Ta thường gọi đó là Thiên Mệnh, Thiên Ý, tức là “Ý Trời”. Đó là quy luật sinh trưởng hóa thành của vạn vật, vận động biến hóa của xã hội và của mỗi người.
Theo Đức Khổng Tử, Thiên Mệnh là ý chí linh diệu của Đấng Tạo Hóa nhằm đem lại an bình hạnh phúc cho nhân loại. Do đó, Ngài nói: “Thuận thiên giả tồn - Nghịch thiên giả vong” (Thuận ý trời thì sống - Ngược ý trời là chết). Cho nên, Nho Gia chủ trương “Tri Mệnh”, có nghĩa con người ta sống ở đời cần biết tìm hiểu, phán đoán lựa chọn điều tốt, loại bỏ điều xấu, để sống sao cho phù hợp với “Thiên Tâm” (Lòng trời).
Cũng cần nói thêm, “Trời” là một phạm trù rất cơ bản hầu như chi phối toàn bộ đời sống tín ngưỡng, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của con người Việt Nam. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, “Trời” mặc nhiên trở thành “Ông Trời” - một ngôi vị cụ thể, gần gũi, thân thiết, thiêng liêng, đầy quyền lực… đã trở thành điểm tựa, niềm tin của dân tộc Việt Nam, để vượt qua mọi biến cố thăng trầm trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Bởi lẽ đó, đến đây ta có thể kết luận:
Khi cái “Tài” được sử dụng chệch quỹ đạo của Thiên Tâm thì Tài và Mệnh sẽ đố kỵ nhau và phần thắng sẽ thuộc về Thiên Mệnh.
Hay nói cách khác, khi cái “Tài” bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thì tất yếu “chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi”.
Cho nên, Nguyễn Du, một mặt nêu lên những bằng chứng cụ thể để minh họa cho thuyết “Tài Mệnh tương đố” đang thịnh hành trong não trạng của xã hội đương thời, mặt khác đề cao những nhận định tiên tri của sư Tam Hợp khi trao đổi với vãi Giác Duyên về quan niệm nhân sinh qua biến cố của đời Kiều:
Sư rằng: “phúc họa đạo trời
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cỗi phúc, tình là giây oan”
Nhằm đưa độc giả đến kết luận cuối cùng:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Do đó những người có tài nếu không dựa vào cái tâm để phát huy những giá trị đích thực của đời sống, để “Tri tính, tri thiên” thì hậu quả thật khó lường và đến lúc ấy cũng đừng nên “Trách lẫn Trời gần, Trời xa” làm gì, bởi tất cả thành bại, rủi, may, suy thịnh đều ở trong ta, bên ta, trước mặt ta và do ta quyết định.
Bởi vậy, người Việt có câu “Biết sự trời mười đời chẳng khó”. Hoặc: “Trời sinh, Trời chẳng phụ nào”. Hoặc: “Khi nên Trời giúp công cho” hoặc “Khi nên Trời cũng chiều người”.
Phải chăng, tất cả những câu ca dao, tục ngữ đó đều muốn nói lên việc sử dụng khả năng phải thuận theo tiếng gọi của lương tâm, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội để hướng tới con người.

2/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Trong ngôn ngữ Hán Việt có khá nhiều chữ “Tài” với những nghĩa hòan toàn khác xa nhau, nhưng trong phạm vi câu thơ này thì có ba chữ “Tài” khiến chúng ta lưu ý. Đó là:
- Tài (Talent): Khả năng trổi vượt do bẩm sinh hoặc do rèn luyện mà hình thành.
- Tài (Biens, Richesse): Của cải, tài sản, sự giàu có...
- Tài (Examiner, Juger): Quyền xét xử, tài phán…
Ba chữ tài này thường liên quan với nhau khá chặt chẽ, thành một bộ ba thể hiện sức mạnh của con người, đó là: Tài, Tiền và Quyền.
Ví dụ: Thuý Kiều là người có sắc đẹp và tài ba, khi kết duyên cùng Từ Hải, thì nàng là người vừa có tiền, vừa có quyền xét xử để báo oán đền ơn.
Từ Hải thì:
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương.
Thế nhưng, kết cục bi thảm của những nhân vật này ra sao, chắc chúng ta đã rõ. Cho nên, khi viết Tam Quốc Chí diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung đã xót xa thốt lên ngay ở những câu thơ mở đầu:
… “Thế gian đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung”
(Việc thế gian lớn hay nhỏ, (thì) cuối cùng đều phó trong một trận cười mà thôi).
Phải chăng, khi viết câu: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, cụ Nguyễn Du muốn nhắc nhở hậu thế chúng ta, đặc biệt giới trẻ, cần biết liên hệ đến ba chữ “Tài” nêu trên, để mỗi khi nhìn lại mọi diễn biến cuộc đời, chúng ta biết tỉnh táo trước mọi cám dỗ phù hoa, để biết tìm về với nội dung sâu thẳm của lòng mình mà xem đó là nơi chứa đựng mọi giá trị nền tảng của nhân sinh vậy.
Và, phải chăng câu thơ đó chính là cái chìa khoá mở cánh cửa bình an cho tất cả những ai đang gặp bế tắc, như là “Kim chỉ Nam” cho mọi bạn trẻ khi bước vào đời.

3/ Hiếu Tâm đã động đến Trời.
a) Hiếu Tâm nghĩa là gì?
Sách Lễ Ký viết: “Vi nhân quân chi vu nhân – Vi nhân thần chi vu kính – Vi nhân tử chi vu hiếu – Vi nhân phụ chi vu từ - Dữ quốc nhân giao chi vu tín (Làm vua phải biết dừng ở nhân nghĩa – Làm “bề tôi” phải biết dừng ở chữ kính – Làm con phải biết dừng ở chữ hiếu – Làm cha mẹ phải biết dừng ở sự hiền từ - Cùng người một nước giao dịch phải biết dừng ở chữ tín - Lễ Ký - Đại Học).
Vậy tâm trung hiếu (hiếu tâm) chính là cái tâm biết tự giác nhận thức được ranh giới đạo đức, mà mình phải thực hiện.
Do thấm nhuần tư tưởng trên đây, nên khi gặp gia biến, Kiều đã khẳng định ngay trách nhiệm của mình:
… “Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành!...
Chính sự xác định Hiếu Tâm cách dứt khoát và cụ thể đó đã động đến Trời, hay nói cách đúng hơn, là động đến Tâm ý của Trời. Trong một tác phẩm kinh điển của Đạo Giáo có câu: “Ngôn hữu Trung Hiếu, bất thất thiên địa chi tâm ý” (Lời nói trung hiếu không mất tâm ý của trời đất – Thái Bình Kinh). Nói cách khác, người mà biết trung hiếu thì phù hợp với tâm ý của Trời đất.
Cho nên nói “động đến Trời” có nghĩa làm lòng trời phải xúc động mà thay đổi thiên ý, chuyển hoá quy luật, biến dở thành hay, biến khổ thành sướng, biến tan thành hợp.
Tóm lại, ngay khi Kiều vừa quyết định thực hiện việc bán mình chuộc cha thì đã động đến tâm ý của trời rồi.
Song, điều mà chúng ta muốn đặt ra ở đây là:
Vì sao phải đợi đến sau 15 năm lưu lạc, “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” và phải chịu “ê chề nhục nhã cho đến chết trên sông Tiền Đường, Kiều mới được giải thoát”.
Để giải đáp vấn đề này, thiết tưởng chúng ta nên cùng nhau khảo sát câu chuyện sau đây:
- Đào Tín hỏi: Bạch hòa thượng! Xin ngài chỉ cho đệ tử con đường giải thoát.
- Hòa thượng (TăngXán) hỏi: Ai trói ngươi?
- Tín trả lời: Không ai trói hết.
- Hòa thượng hỏi: Vậy sao còn cầu giải thoát?
Tín phá đại ngộ ngay sau lời nói, bõ công chín năm khổ cầu.
Về sau, để khai ngộ cho Pháp Dung, Tứ Tổ Đạo Tín dạy: “Trăm ngàn Pháp môn về trong gang tấc, hà sa công đức toàn ở nguồn tâm… Tất cả thần thông biến hóa đều tự sẵn có đủ, chẳng ngoài tâm ngươi…”. Như vậy, “động đến trời” ở đây có nghĩa là động đến cái Thiên tâm, mà cái Thiên tâm đó không ở đâu khác ngoài cái tâm ở chính mình.
Do đó, con người đạt đến khát vọng giải thoát cần có thời gian để nhận thức được thực tướng của sự vật, thoát ly tất cả mọi dục vọng theo kiểu “đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư” nói trong Kinh Dịch, có nghĩa “vẫn vơ đi lại, luẩn quẩn với ý nghĩ của mình, không thông suốt được”. Đồng thời, khát vọng giải thoát còn đòi hỏi con người không còn giao động trước mọi chướng ngại và thấu triệt được ý nghĩa tối hậu của kiếp sống làm người.
Cho nên, ở Phương Đông khi nói đến khái niệm giải thoát thì phải hiểu đó là sự tự giải thoát: “Có trời mà cũng có ta”, mà cái phần ta có ý nghĩa quyết định rất tích cực. Vì vậy “Tu là cỗi phúc” phải được hiểu là “tu thân” là “Tận kỳ tính dĩ chí ư mệnh”, có nghĩa là nhận thức và thực thi cái tính bản nhiên của con người, đem con người trở về với Thiên Mệnh.
Như vậy, Thuý Kiều phải sau mười lăm năm lưu lạc “nửa đời nếm trải đủ mùi đắng cay” nàng mới dứt được mối dây oan của “thất tình” tạo được “huệ nhãn” không còn phân biệt giữa bản thể và hiện tượng, “giữa Hồ Điệp hay Trang Sinh, giữa Đỗ Quyên hay hồn Thục Đế” thực sự đạt tới cái “tâm bình đẳng” ly khai mọi biến động thế gian, mặc dầu vẫn sống giữa thế gian để nhận thức vẻ đẹp ẩn tàng của thiên nhiên giữa đất trời và muôn vật.

D - PHẦN KẾT
Để giải quyết mọi oan trái bế tắc trong cuộc đời Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã mượn đến hai nhân vật tôn giáo, đó là:
- Sư Tam Hợp: Một nhân vật tuy gián tiếp nhưng rất quyết định.
- Vãi Giác Duyên: Một nhân vật trực tiếp vô cùng quan trọng.
Liệu cụ Nguyễn có ý gì khi đặt tên cũng như xác định cái giá trị tác động của hai nhân vật này trên cuộc đời của Kiều?

1/ Sư Tam Hợp: Không xuất hiện cụ thể và chỉ biết qua lời kể của Giác Duyên. Khi đặt tên Tam Hợp, phải chăng tác giả đã căn cứ vào mô thức tư duy “Tam Hợp tương thông” trong Thái Bình kinh, một tác phẩm kinh điển lớn nhất của Đạo Giáo – là sự tổng hợp giữa Đạo Gia, Nho Gia và thuyết Phương Thuật Thần Tiên - nhằm đề cao và khuyến khích cái thiện, tôn sùng nhân đức, ức chế cái ác để hướng tới thái bình. Tam Hợp là sự kết hợp của Đạo – Khí – Tâm trong đó Đạo là bản thể chung của vạn vật vũ trụ, đạo sinh ra nguyên khí, trời đất, vạn vật, thần, con người. Tâm là phạm trù đạo đức đánh dấu thiện ác, nó tồn tại phổ biến trong thân người ở trời đất. Bởi vậy, Đạo là gốc, Tâm là ngọn, Khí là môi giới trung gian giữa Đạo và Tâm. (Tâm – Trương Lập Văn).

2/ Vãi Giác Duyên: Ta biết trong Phật Giáo có thuyết “Thập nhị nhân duyên” là mười hai nguyên nhân tương thuộc lẫn nhau nằm trong hai Đế đầu của Tứ diệu đế là Khổ đế và Tập đế. Cái dây nhân duyên này khởi đầu là Vô minh, tức là sự không sáng suốt để nhận định được chân lý về sự khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Vô minh là sự nhận thức không thấu đáo chân tướng của chính mình, là lớp ảo kiến mịt mù che lấp sự hiểu biết chân chính.
Giác Duyên, phải chăng là sự nhận thức được sắc tướng của sự vật, là người đã đạt đến Diệt đế và Đạo đế là hai chân lý cao thượng nền tảng cuối cùng dẫn đến Niết bàn. (Giác: Nhận biết).
Như vậy, Giác Duyên ở đây chính là con đường giác ngộ, nâng đỡ con người hành động đúng và giữ để khỏi rơi vào trạng thái đau khổ.
Sau khi xác định tính cách hai nhân vật: Tam Hợp và Giác Duyên, ta thấy rõ ràng Nguyễn Du muốn kết hợp hai quan điểm tư tưởng của Đạo giáo và Phật giáo vào việc giải thoát con người vượt qua mọi bi lụy trùng điệp của vòng nhân duyên vậy.

3/ Sự kết hợp đó được thực hiện như thế nào?
Trước khi bàn đến quan điểm về giải thoát của Nguyễn Du, thiết tưởng chúng ta cần nêu lên nhận định và quan điểm của Sư Tam Hợp về cuộc đời của Thúy Kiều:
“… Sư rằng: phúc hoạ đạo trời
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cỗi phúc tình là giây oan” (Câu 2655 – 2658)
 Hoặc:
“Sư rằng: song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm…” (Câu 2679 – 2682)
Hoặc:
“Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau
Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau
Tiền Đường thả một bè lau rước người
Trước sau cho vẹn một lời
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không” (Câu 2689 – 2694)
Và sau đây là những câu nói của Giác Duyên và của Thúy Kiều về Sư Tam Hợp:
Giác Duyên nói với Kiều:
… “Gặp Sư Tam Hợp vốn là tiên tri
Bảo cho hội ngộ chi kỳ
Năm nay là một nữa thì năm năm
Mới hay tiền định chẳng lầm
Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau…” (Câu 2406 – 2410)
Và Kiều nói lại:
Nàng rằng: “ Tiền định tiên tri
Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai…” (Câu 2413-2414)
Như vậy, cái mà Giác Duyên và Kiều gọi là “tiền định” đó cần phải được hiểu trên nền tảng của chữ “Nghiệp”, có nghĩa là sự báo ứng của Nghiệp qua những hành động của cái Tâm, mà Tâm lại chính là sự giao nhau giữa trời và con người.

4/ Nghiệp là gì?
Nghiệp là ý muốn chủ quan được biểu hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm của chính bản thân mỗi người.
Do đó, nghiệp sinh ra quả. “Cây mà tốt thì quả cũng tốt, cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây” (Mt 12,33).
Hiện tại là con đẻ của quá khứ và cũng là mẹ của tương lai:
Cho nên, Thúy Kiều:
… “Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng
Ma dẫn lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi…” (Câu 2661 – 2666).
Bởi vậy, Nghiệp hay Quả đều tuỳ thuộc vào Tâm; con người có thể hoàn toàn tự do để hóa giải nghiệp lực.
“…Sư rằng: phúc hoạ đạo trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cỗi phúc, tình là giây oan…” (Câu 2655 – 2658).

5/ Thúy Kiều đã hóa giải nghiệp lực như thế nào?
… “Cũng như nhìn bóng mình trong ánh trăng hoặc ánh đèn, cũng như nghe tiếng nói của mình dội lại trong thung lũng, hễ vọng cầu thì có vọng tưởng…” (Kinh Lăng Già). Thúy Kiều đã gặp Đạm Tiên từ một đêm trăng trong tiết thanh minh:
… “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành
Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu
Thoắt đâu thấy một tiểu kiều
Có chiều phong vận có chiều thanh tân…” (Câu 185 – 188)
Để rồi:
… “Gió đâu sịch bức mành mành
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao…” (Câu 213 – 214)
Và Kiều cùng Đạm Tiên làm một cuộc đồng hành âm dương cho đến khi:
… “Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang…” (Câu 2635 – 2636).
Cái chết của Thúy Kiều, phải chăng là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ của Tham – Sân – Si để đạt đến "chính tư duy" là một yếu tố trong Bát Chính Đạo. Vì vậy:
… “Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên
Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề…” (Câu 2792 – 2730)
Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô cũng viết: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó theo trào lưu của thế gian này… Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dù chúng ta đã chết vì sa ngã, Người đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2, 1 – 5). Ảo ảnh về Đạm Tiên, từ nay được thay thế bằng Giác Duyên - một con người của TÔN GIÁO. Như thế, cuộc đời Kiều đã chuyển qua một giai đoạn mới – giai đoạn chứng ngộ đạo quả Niết Bàn - một trạng thái “Hữu dư Niết bàn” theo quan niệm Đại Thừa. Có nghĩa một tâm trạng an thân lập mệnh, thảnh thơi tự tại mà không cần ly khai khỏi thế gian này.
Bởi khi con người làm chủ được Tâm thì sẽ không vọng tưởng, nuối tiếc khát khao và lúc nào cũng cảm thấy bình an trước mọi biến động của ngoại cảnh.
Phải chăng, nguyên lý cứu độ bao giờ cũng đòi hỏi một sự dứt bỏ triệt để con người cũ, để đón nhận một con người mới, không phải một con người xa lạ nào đó, nhưng là một con người của chính mình từ thuở ban sơ với tất cả những tinh tuyền nguyên thuỷ.

6/ Nơi giao điểm của định mệnh.
Trước khi đi vào kết luận, chúng ta hãy cùng lưu ý về “điểm đến” cuối cùng của Kiều: Sông Tiền Đường - một giao điểm của định mệnh với hai con người: Đạm Tiên và Giác Duyên, với hai cách chờ đợi trên cùng một dòng đời, với hai chiều thuận nghịch:
… “Hãy xin hết kiếp liễu bồ
Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau” (Câu 999 -1000)
… “Triều đâu nỗi sóng đùng đùng
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường
Nhớ lời thần mộng rõ ràng
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây” (Câu 2619 – 2622)
Đạm Tiên:
… “Rằng: tôi đã có lòng chờ
Mất công mười mấy năm chờ ở đây…” (Câu 2713 – 2714)
Và Giác Duyên thì:
… “Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau
Tiền Đường thả một bè lau rước người…” (Câu 2691 – 2692).
Như vậy, để bước vào đời sống mới, dù muốn hay không, con người phải thực hiện một cuộc “vượt qua” chính bản thân mình với những hệ lụy của quá khứ. Ngay cái “thằng bán tơ” (Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ – câu 588) nguyên nhân khởi đầu của mọi điều bất hạnh cũng không cần thiết phải điều tra, tìm kiếm theo thói đời, mà tất cả đều được xem như là quả báo ứng của Nghiệp, cần sẵn sàng “cho đi tất cả” để có được NƯỚC TRỜI (Mt 13, 44 – 45). Tình duyên, tài sản, báo ân báo oán, nhục vinh… mọi thực tướng của sự việc đã được thấu triệt. Tam Hợp, Giác Duyên cũng đã giã từ để trả lại cho Kiều trạng thái tự giác của sự khải ngộ, giúp nàng trở về như đứa con hoang trong câu chuyện “Người Cha nhân hậu” trong KINH THÁNH TÂN ƯỚC, thực hiện một cuộc “Phản bổn hoàn nguyên” (trở về nguồn cội), để sống lại cái “tâm bình thường”, cái “tâm vô tâm” của chính mình - một thứ tâm đạo nhân ái, khiêm hạ, không hận thù, ích kỷ, hài hòa với mọi người mọi vật xung quanh:
“Bình thường tâm thị đạo
Vô tâm đạo dị tầm”
(Tâm bình thường là đạo
Tâm trống rỗng thì dễ tìm đạo)
“Tự bản tính và ơn gọi, con người là một hữu thể tôn giáo” (L’homme est par nature et par vocation, un être religieux – En bref 44. Cathéchisme de l’Église Catholique). Trải nghiệm bao biến động tang thương, thăng trầm vinh nhục, phải chăng Nguyễn tiên sinh đã phát hiện được cái chân lý giải thoát tôn giáo tồn tại ngay trong tâm của chính mình. Đó là sự chấp nhận vô thường để thoát khỏi luật vô thường, giúp ta vượt qua mọi phiền não, tạo cho ta một thái độ sống phù hợp với mọi biến cố, mọi ngoại cảnh, trực diện với cái chết cách vui vẻ an bình. Với quan niệm tôn giáo như thế, cụ Nguyễn Du đã tạo ra những bước ngoặt lịch sử, giúp Kiều Kim có điều kiện phát huy những cái tốt, cái cao thượng trong con người như đạo hiếu, lòng thuỷ chung, tinh thần xả kỷ… là những tiền đề đưa con người trở về với tính Thiện của thuở Sơ Tâm để nhận ra THIÊN LÝ ngay ở giữa lòng mình. Phải chăng điều đó là nội dung bản thông điệp mà Nguyễn Du muốn gửi đến mọi người qua Truyện Kiều, đặc biệt với các bạn trẻ của hôm qua, hôm nay và của mọi thế hệ kế tiếp sau này.


1 nhận xét: