Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

KỊCH BẢN VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU.

I. KỊCH BẢN VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU.
1. Tiểu phẩm là gì?:
Tiểu phẩm là tác phẩm sân khấu nhỏ dùng để dựng lên sân khấu biểu diễn phục vụ tuyên truyền, truyền thông, quảng bá, giáo dục hoặc giải trí.
* Thời lượng ngắn: 5’ – 30’ (3-12 trang A4)
* Nhân vật ít: 1 – 5 nhân vật.
* Đề tài, chủ đề đơn giản.
2. Đặc điểm của tác phẩm sân khấu:
- Kịch bản sân khấu nói chung bao gồm cả kịch dài, kịch ngắn, tiểu phẩm… là tác phẩm văn học.
- Aristtote căn cứ vào phương thức mô tả để phân chia loại, thể văn học. Ông nhận thấy rằng cùng một hiện tượng có ba phương thức mô tả chính:
* Một là tự bộc lộ tư tưởng, cảm xúc của mình khi đứng trước một hiện tượng: trữ tình;
* Hai là kể về một sự kiện, sự việc nào đó tách biệt khỏi bản thân mình: tự sự (truyện, tiểu thuyết, ký);
* Ba là trình bày những nhân vật bằng cách bắt chước những hành động của họ: kịch.
Như vậy: Loại tự sự mô tả sự kiện, loại trữ tình mô tả trạng thái tâm hồn, loại kịch mô tả hành động. Nói đến kịch là nói đến hành động. Phương thức kịch là phương thức phản ánh cuộc sống bằng cách bắt chước hành động, dùng hành động của nhân vật để mô tả một sự việc, sự kiện nào đó. Con người trong kịch là con người đang hành động. Trong kịch, tính cách con người được bộc lộ qua hành động. Cũng chính vì thế mà hành động của con người trong kịch được đặt trong nhiều tình huống, nhiều cảnh ngộ khác nhau. Thông thường, trong những tình huống gay cấn, căng thẳng, tính cách con người dễ bộc lộ một cách rõ nét. Chính vì vậy trong kịch hành động thường đặt trong những tình huống xung đột gay gắt. Xung đột và hành động tạo nên những đặc điểm trọng yếu của kịch.
3. Kịch bản văn học và nghệ thuật sân khấu liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau.
- Nghệ thuật sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp với một tập thể sáng tạo : tác giả kịch bản, đạo diễn dàn dựng, diễn viên biểu diễn, âm nhạc, hóa trang, bài trí, âm thanh, ánh sáng… Trong tổng thể đó kịch bản cũng là một khâu dù là khâu đầu tiên và quan trọng nhất.
- Kịch bản là tác phẩm văn học, có đầy đủ tính chất đặc điểm của nghệ thuật ngôn từ. Còn sân khấu thuộc nghệ thuật biểu diễn.
4. Kịch bản vừa có đầy đủ các đặc điểm, các tính chất của một tác phẩm văn học vừa mang đậm chất sân khấu.
- Phải giới hạn dung lượng văn bản ngôn từ của vở kịch phù hợp với tính chất của sân khấu, không thể kéo dài về thời gian, quá rộng về không gian.
- Phải “sân khấu hóa” tất cả những gì được miêu tả. Người viết phải lựa chọn sự kiện, dồn nén hành động ngay từ kịch bản cho phù hợp với tiết tấu của kịch. Mọi quan hệ, suy tư thầm kín, mọi diễn biến của cốt truyện đều phải tìm cách bộc lộ công khai trực tiếp qua đối thoại, độc thoại, độc thoại, bằng thoại, qua tiếng vọng, tiếng đế, qua hành động của nhân vật… Những quy định này giới hạn phạm vi khả năng miêu tả của người viết kịch so với người viết tiểu thuyết hay truyện ngắn, truyện vừa. Nhưng tác giả viết kịch lại có ưu thế quan trọng so với người viết truyện là tạo ra tất cả đường như đang diễn ra trước mắt. K đúng như F. Chiller nhận xét : “Tất cả hình thức trần thuật đều chuyển cái hiện tại thành quá khứ, tất cả hình thức kịch đều biến cái quá khứ thành hiện tại”.
5. Nếu văn bản của kịch bản là tương đối ổn định, thì kịch bản trên sân khấu có sự thay đổi nhất định.
Cũng một kịch bản các đạo diễn khác nhau có thể dàn dựng khác nhau, các diễn viên khác nhau biểu diễn khác nhau, các họa sĩ khác nhau bài trí khác nhau.

II. XUNG ĐỘT KỊCH.
Nói tới kịch là nói tới xung đột.
Xung đột là biểu hiện cao nhất sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tính cách trong một vở kịch. Chính nó tạo nên kịch tính cho một vở kịch.
Nhờ xung đột thúc đẩy, hành động kịch mới phát triển, tính cách của các nhân vật mới được bộc lộ. Qua sự lựa chọn và giải quyết xung đột thấy được tư tưởng nghệ thuật của vở kịch.
Xung đột kịch bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa thời đại. Xung đột kịch làm cho kịch có tính sân khấu. Nhờ có xung đột mà vở kịch có thể diễn được, thành “kịch” được. Nếu kịch không có xung đột thật sự, thì dễ trở thành những “hoạt cảnh” nhạt nhẽo mà thôi.

III. HÀNH ĐỘNG KỊCH
1. Xung đột kịch chỉ được bộc lộ thông qua hành động kịch. Và do đó hành động là một đặc trưng tất yếu của kịch.
Xung đột tạo nên kịch tính bên trong của vở kịch, thì hành động là sự “diễn đạt”, “biểu diễn” kịch tính đó ra bên ngoài, tạo nên tính sân khấu của một vở kịch.
Kịch diễn trên sân khấu phải thông qua hành động có tính chất hình thể của diễn viên như điệu bộ, cử chỉ, lời nói, việc làm. Hành động trong kịch bản văn học chủ yếu thông qua ngôn ngữ – hành động. Qua ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại, bàng thoại người đọc có thể hình dung ra hoạt động của nhân vật, tiến triển của vở kịch.
Hành động kịch thường được miêu tả gấp gáp, căng thẳng. Nhân vật thường xuyên hoạt động, thực hiện hành động này đến hành động khác. Sự chồng chất, dồn nén hành động trong một vở kịch là nằm trong quỹ đạo chung của xung đột vở kịch.
2. Các loại hành động trong kịch:
- Hành động xuyên của vở: Mỗi vở kịch phải là tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn thể hiện một tư tưởng nhất định, muốn thế nó phải xoay quanh một hành động lớn, phục vụ cho tư tưởng của vở kịch, các hành động khác phải xoay quanh và phục vụ cho hành động chính. Người viết phải biết chọn lọc những hành động nào phục vụ cho chủ đề tưởng của vở kịch chứ không được lan man làm loãng vở kịch. Hành động trong kịch phải tập trung, nghĩa là toàn bộ phải nhằm một lợi ích nhất định. Nhưng hành động trong kịch không những cần tập trung mà còn cần mạnh mẽ nữa thì mới làm lộ rõ tính cách của nhân vật, mới có sức hấp dẫn.
- Phản hành động: Hành động nhằm cản trở hành động xuyên chính có khi do hoàn cảnh tự nhiên, có khi do một cá nhân, một tổ chức gây ra.
- Nhiệm vụ tối cao của nhân vật: nhiệm vụ nhất định của một nhân vật đối với toàn bộ vở kịch. Nhân vật hành động nhằm vào mục tiêu đó gọi là hành động xuyên của nhân vật. hành động xuyên đó nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tối cao của nhân vật.
- Nhiệm vụ từng lúc: Ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, nhân vật lại có một mục tiêu cụ thể và có một hành động cụ thể để đạt mục tiêu đó, ta gọi là nhiệm vụ từng lúc. Tuy nhiên nhiệm vụ từng lúc đều phải phục vụ trực tiếp hay gián tiếp cho nhiệm vụ tối cao, và hành động từng lúc cũng phải phù hợp với hành động xuyên của nhân vật.
- Đường dây hành động: Chuỗi hành động do các hành động từng lúc của nhân vật kết thành, vẽ nên tính cách của nhân vật. Đường dây hành động thường là tăng dần từ chỗ nhẹ nhàng tới chỗ kiên quyết, từ chỗ đơn giản đến chỗ phức tạp.
- Hành động đơn giản: không có nguyên nhân tâm lý sâu xa
- Hành động phức tạp: có những nguyên nhân sâu xa nằm trong tâm lý nhân vật.
Hành động của con người có hai phần, một phần chúng ta nhìn thấy rõ ngay, thể hiện ra bên ngoài và một phần nằm trong tâm lý nhân vật khó nhận ra,
- Hành động bên ngoài: hành động nhìn thấy rõ ngay, thể hiện ra bên ngoài, phản ánh hành động bên trong và do đó chịu sự thúc đẩy của hành động bên trong. Hai luồng này có khi rất gần nhau, nhưng cũng có khi rất xa nhau. Có những người yêu ai thì vồ vập, chiều chuộng, săn sóc, ghét ai thì ra mặt trách cứ xỏ xiên. Nhưng những người có bản lĩnh thì thường không muốn để lộ tình cảm thật của mình ra. Có khi yêu lại tỏ vẻ bề ngoài nghiêm khắc, lãnh đạm, có khi ghét nhưng vẫn giữ lịch sự, săn sóc.
- Hành động bên trong: hành động nằm trong tâm lý nhân vật khó nhận ra, thể hiện chiều sâu của vở kịch, do đó rất quan trọng. Có những tác giả non tay, kịch viết ra mới xem thấy rất nhiều hành động, nhưng toàn hành động bên ngoài. Các nhân vật tranh cãi nhau, khóc lóc thảm thiết hoặc vui cười thoải mái, nhưng trong lòng họ thì rỗng tuếch, sân khấu lúc nào cũng nhộn nhạo nhưng khi ra về khán giả quên sạch, không có gì đáng suy nghĩ cả, vở kịch thiếu chiều sâu tâm lý. Trái lại có những vở kịch trên sân khấu mọi người đi đứng khoan thai, nói năng chậm rãi ấy thế mà sao tâm trạng bên trong của họ sâu xa phong phú đến thế. Khi ra về khán giả cứ bị những nhân vật của vở kịch ám ảnh mãi không thôi. Kịch của họ mới đầu tưởng như ít hoạt động, nhạt nhẽo, nhưng đọc kỹ ta thấy chúng rất nhiều hành động, không phải bên ngoài mà từ bên trong, ở sự phát triển nội tâm của nhân vật. Dưới vẻ ngoài bình thường ẩn náu một luồng hành động bên trong mãnh liệt, phong phú, phức tạp.
- Hành động bên ngoài làm người ta cười, làm người ta giải trí. Còn hành động bên trong truyền cảm, gây xúc động và sai khiến tâm hồn chúng ta. Một vở kịch hay là kết hợp nhuần nhuyễn cả hai loại hành động : Vở kịch vừa hấp dẫn, vừa sâu sắc.
- Suy nghĩ cũng là một hình thức hành động trên sân khấu. Có khi nhân vật chẳng nói năng gì cả mà chỉ suy nghĩ để tìm cách đạt được mục đích, hành động sân khấu không phải ngưng trệ mà vẫn tiếp diễn liên tục. Những phút im lặng trong kịch, hành động bên ngoài có vẻ ngưng trệ, nhưng hành động bên trong vẫn diễn ra mạnh mẽ, có khi còn mạnh mẽ hơn nữa.
Admin

Tổng số bài gửi: 37
Join date: 15/04/2009

Xem lý lịch thành viênhttp://clbskantpcl.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN BIÊN KỊCH P2

Bài gửi  Admin on Fri Jul 31, 2009 3:49 pm


IV. NHÂN VẬT KỊCH
- Nhân vật kịch là nhân vật được miêu tả theo phương thức kịch, chủ yếu xuất hiện ở trong kịch. Vì kịch viết là để diễn bị hạn chế bởi không gian và thời gian nên nhân vật kịch chỉ được miêu tả ở những khâu xung đột căng thẳng nhất. Do đó nhân vật kịch giàu kịch tính, góp phần tạo nên tính kịch của vở kịch. Nhân vật mang tính kịch là nhân vật có mang sẵn một khát vọng chưa có điều kiện bộc lộ, chỉ chờ một hoàn cảnh nào đó là hành động, gây xung đột với bên ngoài.
- Hành động kịch không phải chỉ là mục đích gây hấp dẫn mà chính là để thể hiện tính cách. Qua hành động chúng ta thấy được tính cách con người. Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu của hành động là ở tính cách.
- Kịch có nhiệm vụ quan trọng là khám phá những động cơ sâu xa thúc đẩy nhân vật hành động. Có người viết kịch kém chỉ miêu tả kết quả mà không khám phá ra nguyên nhân, như tả một hành động anh hùng mà không thấy cái gì đã thúc đẩy nhân vật lập được thành tích đó. Người viết kịch phản ánh mặt hành động của nhân vật chính là nhằm nói lên tính cách nhân vật.
- Nguyên nhân sâu xa thúc đẩy nhân vật hành động là cái nằm trong bản tính nhân vật, trong tính cách nhân vật, trong tư tưởng, tình cảm của nhân vật.
- Kịch cần phải miêu tả những hành động của những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình.
- Nhân vật kịch không những là những nhân vật điển hình, có tính khái quát cao độ, mà còn là những hình tượng nghệ thuật, có tính cụ thể, cá biệt. Nói đến hình tượng là nói đến sự kết hợp giữa cái riêng và cái chung. Nhân vật kịch có tính cách điển hình mang sức khái quát cao, tức là có tính chung, nhưng lại phải là con người cụ thể riêng biệt. Nếu thiếu tính riêng, con người thiếu chất sống và chỉ là một khái niệm, và tác phẩm cũng mất tính hiện thực.

V. CÂU CHUYỆN VÀ CỐT TRUYỆN:
Câu chuyện là sự thuật lại kể lại một sự kiện, một tình tiết nào đó từ phát sinh cho đến kết thúc.
Cốt truyện là hình thức tổ chức của câu chuyện truyện bao gồm các giai đoạn phát triển chính, các sự kiện chính và hành động chính trong vở kịch.
Cốt truyện có các thành phần chính sau đây: trình bày, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm, mở nút.
Phần trình bày còn gọi là mở đầu hay khai đoan, có nhiệm vụ giới thiệu hoàn cảnh xã hội, nguyên nhân xảy ra xung đột. Tình hình, lai lịch sơ bộ của các nhân vật.
Phần thắt nút thường được đánh dấu bằng một sự kiện, hay một hành động khởi đầu của xung đột. Qua phần này các xung đột bắt đầu.
Phần phát triển là toàn bộ các sự kiện thể hiện sự triển khai, vận động của các quan hệ và mâu thuẫn đã xảy ra. Đây là phần dài nhất của cốt truyện. Tính cách của nhân vật chủ yếu được xác định trong phần này. Nhân vật được đặt trong nhiều cảnh ngộ khác nhau, xung đột được triển khai trên nhiều bình diện.
Phần đỉnh điểm còn gọi là cao trào là phần bộc lộ đỉnh cao của xung đột. Các nhân vật đi đến sự căng thẳng có ý nghĩa quyết định. Đỉnh điểm thường là một khoảnh khắc, một thời điểm ngắn, nhưng từ đây câu chuyện đi theo hướng được giải quyết.
Mở nút là phần trình bày kết quả của xung đột, xóa bỏ xung đột.
Trong thực tế, không phải cốt truyện nào cũng có đầy đủ các thành phần như trên và cũng không nhất thiết lúc nào cũng phải trình bày theo một thứ tự sau trước như vậy.

VI. SỰ KIỆN KỊCH:
Sự kiện kịch là những sự kiện mang tính hành động, nó kích thích hành động, làm chuyển biến hành động. Nó là những động lực của hành động.
Tác dụng của sự kiện rất quan trọng trong kịch vì nó kích thích hành động và do đó làm lộ rõ tính cách nhân vật.
Sự kiện và hành động cũng giống như nguyên nhân và kết quả trong triết học. Nguyên nhân tạo nên kết quả nhưng kết quả đó cũng trở trành nguyên nhân tạo nên những kết quả khác. Cứ thế mà thúc đẩy sự việc phát triển.
Có 3 loại sự kiện:
1. Sự kiện xảy ra không tuỳ thuộc nhân vật. Thí dụ: báo động, động đất…
2. Sự kiện do nhân vật hành động mà có.
3. Sự kiện tuy không tuỳ thuộc nhân vật nhưng lại có liên quan đến hoạt động của họ. Thí dụ một nhân vật do vô ý mà làm cháy nhà chẳng hạn.
Sự kiện có thể trình bày ra ngoài sân khấu hoặc để xảy ra ở trong. Nhưng việc lựa chọn sự kiện cho vở kịch hết sức quan trọng. Sự kiện tốt là sự biến có tác động kích thích hành động mạnh, đồng thời lại có ý nghĩa lớn đến tính cánh, làm lộ rõ đời sống tình cảm và tư tưởng của nhân vật.
Bản thân sự kiện không quan trọng mà những hành động do nó gây nên mới quan trọng. Do đó, sự kiện không nhất thiết phải to tát, mà tuỳ thuộc ở đề tài, thời đại và nhất là tính cách nhân vật. Cùng một sự kiện nhưng có tác động khác nhau đến mỗi tính cách. Sự kiện có giá trị hay không, nhiều hay ít là tuỳ ở con người và tính cách, tâm trạng của họ.
Tạo những sự kiện trong một vở kịch, tác giả phải chuẩn bị cho chúng một cách chu đáo để đảm bảo tính lôgíc và để khai thác hết hiệu quả của chúng.
Những sự kiện đưa ra mà không để khán giả thấy nguyên nhân sẽ không có sức thuyết phục.
Muốn hợp lý, sự biến phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và tính cách nhân vật trong vở kịch, đồng thời phải chuẩn bị từ trước bằng cách cho khán giả thấy rõ hoàn cảnh đó và tính cách nhân vật.
Có khi tác giả chuẩn bị từ trước khiến sự biến nổ ra, khán giả tin ngay. Nhưng cũng có tác giả thích dùng lối tạo bất ngờ mạnh nên cứ để sự biến nổ ra rồi mới trình bày lý do.
Các sự kiện trong kịch bao giờ cũng phải chứa đựng yếu tố bất ngờ, dù có được chuẩn bị chu đáo đến đâu đi nữa. Không có gì ngán bằng vở kịch mà cái gì khán giả cũng biết trước cả rồi.
Bất ngờ là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên cũng cần phân biệt bất ngờ đối với nhân vật kịch và bất ngờ đối với khán giả. Ở đây chúng ta chỉ bàn đến bất ngờ đối với khán giả.
Ở trong cuộc sống, mọi sự việc xảy ra đều có lý do của nó, nhưng bao giờ nó cũng chứa đựng sự bất ngờ. Chính điều đó làm cho cuộc sống trở nên hấp dẫn. Kịch phản ánh cuộc sống, cuộc sống trong kịch cũng phải bất ngờ như cuộc sống thực.
Ở trên chúng ta có nói, sự kiện phải được tác giả chuẩn bị lý do đầy đủ, tuy nhiên vẫn phải bất ngờ. Sự kiện có mang hai yêu cầu đó mới hợp lý và mới gần với cuộc sống thực.
Yếu tố bất ngờ vô cùng cần thiết làm cho vở kịch hấp dẫn. Nhưng bất ngờ không kết hợp với có lý do thì bất ngờ sẽ giả tạo và không có sức thuyết phục. Bất ngờ phải là một trong những khả năng. Khán giả dự tính trước những khả năng nhưng không ngờ cái khả năng đó(chứ không phải các khả năng khác) lại xảy ra thật.
Nói tới bất ngờ thì cũng nói luôn đến ngẫu nhiên mà trong kịch không thể tránh được.Ngẫu nhiên bao giờ cũng bất ngờ.
Cuộc sống của chúng ta đầy rẫy những cái ngẫu nhiên. Nhưng trong kịch sử dụng ngẫu nhiên phải hết sức dè dặt. Điều này khác với trong tiểu thuyết. Ơ trong kịch mọi thứ đều phải bố trí xếp đặt từ trước và những cái ngẫu nhiên dùng không khéo sẽ mất tính lôgíc của biện chứng phát triển xung đột.
Sự thắt nút kịch bao giờ cũng là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên của nhiều yếu tố và hoàn cảnh.
Sau khi thắt nút rồi, xung đột kịch phải phát triển một cách “quy luật” và phải tránh hết sức ngẫu nhiên.
Mọi diễn biến xảy ra phải là kết quả hợp lý của tính cách nhân vật thì vở kịch mới chặt chẽ.
Tuy nhiên yếu tố ngẫu nhiên vẫn dùng được sau thắt nút, nhưng phải đảm bảo hai yêu cầu:
-Cần thiết để nói lên tính cách và tư tưởng.
-Phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và địa lý.
Yếu tố ngẫu nhiên dùng nhiều quá sẽ làm yếu mất tính chất chặt chẽ, toàn vẹn của vở kịch.
Cấu trúc một vở kịch là việc xác định những bước ngoặt lớn nhỏ của quá trình phát triển xung đột, cũng tức là việc xác định những sự kiện.
Các sự kiện quan trọng nhất thiết phải có ở mỗi vở kịch gồm: sự kiện trung tâm, sau đó đến sự kiện mở đầu và cuối cùng là sự kiện kết thúc.
Sự kiện trung tâm quan trọng nhất, tạo nên bước ngoặt lớn nhất cho câu truyện kịch. Sự kiện trung tâm có tác dụng đẩy các nhân vật vào cuộc đấu tranh gay gắt, bắt họ phải chọn lấy thái độ dứt khoắt và do đó tình cách của họ bộ lộ ra hoàn toàn.
Xác định được sự kiện trung tâm tức là xác định được bước ngoặt quan trọng nhất của câu truyện kịch. Nhưng xung đột kịch không phải đến sự biến trung tâm mới có. Sự biến trung tâm chỉ đẩy xung đột kịch đến đỉnh cao nhất mà thôi. Trước đó xung đột kịch đã có rồi.
Bước ngoặt đầu tiên của vở kịch, khi mâu thuẫn biến thành xung đột cũng rất quan trọng, nó đứng hàng thứ hai, sau sự kiện trung tâm.
Sự kiện mở đầu phá vỡ dòng trôi bình thường của cuộc sống và đẩy nó vào tình thế kịch. (Người ta còn gọi là sự kiện thắt nút).
Trước lúc thắt nút, các nhân vật đã trải qua một chặng đường sống, họ đã có những quan hệ với nhau tích luỹ lại và những mối quan hệ đó làm cơ sở để nổ ra mối xung đột sau này. Nói một cách khác mâu thuẫn tư tưởng đã tích luỹ và chỉ còn chờ một dịp nào đó để trở thành xung đột mà thôi.
Sự kiện mở đầu còn chọn làm sao để kích thích các nhân vật hành động khiến khán giả thấy được những nét chính trong quá khứ của họ, trong quan hệ trước đây giữa họ. Vì vậy sự kiện mở đầu thường dùng nhất là cho một người mới đến. Có một người mới đến, nhất là một người thân đã lâu ngày xa vắng, cuộc sống bình thường ở đây dễ bị phá vỡ. Và khi gặp nhau, họ thăm hỏi, tìm hiểu nhau khiến khán giả dễ thấy được quá khứ của họ, mối quan hệ trước đây giữa họ.
Một sự kiện quan trọng khác là sự biến kết thúc. Đây là cái nút được cởi, khi xung đột được giải quyết: sự kiện kết thúc quan trọng ở chỗ nó nói lên tư tưởng của tác phẩm. Mâu thuẫn xung đột thì phải có hướng để giải quyết nó.
Sự kiện kết thúc sẽ có được dễ dàng nếu ta tìm được hướng giải quyết cho xung đột. Xác định sự kiện kết thúc khó ở chỗ phải chuẩn bị cho nó thật chu đáo để khi nó xảy ra khỏi có vẻ đột ngột quá, ngẫu nhiên quá và trở thành không thật. Sự kiện mở đầu thường là ngẫu nhiên, nhưng sự biến kết thúc phải là kết quả biên chứng của quá trình diễn biến xung đột.
Cần chú ý sự kiện kết thúc là xung đột kết thúc chứ chưa nhất thiết phải là mâu thuẫn đã được giải quyết.
Nếu sự biến mở đầu có chức năng thắt nút và gợi cho khán giả thấy quá khứ của các nhân vật thì sự biến kết thúc có chức năng mở nút và gợi cho khán giả thấy tương lai của các nhân vật.
Tất cả những sự kiện trong vở kịch tạo thành một chuỗi các sự kiện cũng là cái sườn chuyện của vở kịch đó.
Admin

Tổng số bài gửi: 37
Join date: 15/04/2009

Xem lý lịch thành viênhttp://clbskantpcl.forum-viet.net

Về Đầu Trang Go down
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN BIÊN KỊCH P3

Bài gửi  Admin on Fri Jul 31, 2009 3:49 pm


VII. NGÔN NGỮ KỊCH
Như đã nói ở trên trong kịch không có ngôn ngữ người kể chuyện mà cơ bản chủ yếu là ngôn ngữ nhân vật. Trong kịch bản có ngôn ngữ chỉ dẫn của tác giả nhưng không đáng kể và bộ phận này khi diễn cũng bị triệt tiêu.
Ngôn ngữ kịch như vậy chỉ còn là ngôn ngữ nhân vật. Kịch viết ra là để diễn, cho nên ngôn ngữ nhân vật phải làm sao để diễn được. Theo đó thì đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nhân vật ở trong kịch phải là ngôn ngữ mang tính hành động, tính khẩu ngữ, tính hàm súc và tính tổng hợp cao. Ngôn ngữ đó lại phải phù hợp với tính cách nhân vật.
Ngôn ngữ kịch mang tính chất khẩu ngữ, chứ không biến thành khẩu ngữ thuần túy. Nó là thứ ngôn ngữ hàm súc, đầy ước lệ, đầy rẫy những cách ngôn, những lời ngụ ý…, có thể mới diễn tả được một các cô đọng các vấn đề chủ yếu, trong kịch bản.
Ngôn ngữ kịch hàm súc mà không cứng ngắc, sách vở, gần với khẩu ngữ mà không trở thành thông tục, rời rạc.
Ngôn ngữ kịch phải gắn liền với hành động. Hay nói khác đi đó là một thứ hành động – ngôn ngữ. Nó vừa thông báo, vừa có tính chất khơi gợi phù hợp với các hành động trong kịch.
Ngôn ngữ kịch phải phù hợp với tính cách nhân vật, nhân vật nào phải nói đúng giọng nhân vật đó, nhà viết kịch phải “cá tính hóa” ngôn ngữ nhân vật.
Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nhân vật với các thành phần chủ yếu là đối thoại, độc thoại và bàng thoại.
Chiếm bộ phận lớn nhất trong kịch là đối thoại của các nhân vật. Qua đối thoại, các sự kiện, biến cố, hành động và các khâu chủ yếu của cốt truyện được thể hiện. Đối thoại là nói với nhau, nhưng không phải cứ nói với nhau là thành kịch. Đối thoại phải là đối thoại trong tình huống kịch mới trở thành kịch.
Độc thoại còn gọi là độc bạch là lời nhân vật nói một mình. Lời độc thoại có khi là lời bôc bạch tâm sự của nhân vật, có khi là lời tâm sự hướng tới ai đó. Cũng có khi lời độc thoại được thay bằng tiếng đế, tiếng vọng. Do khả năng của kịch bị hạn chế trong việc miêu tả nội tâm, nên khi nhân vật suy tư, trăn trở, buồn đau hay vui vẻ thường sử dụng độc thoại.
Bàng thoại còn gọi là bàng bạch là thành phần ngôn ngữ mà nhân vật bộc bạch với khán giả nhằm để giải thích hay nói rõ thêm về một sự kiện, một hành động hay một nhân vật nào đó trong kịch.

VIII. PHÂN LOẠI KỊCH.
BI KỊCH miêu tả những con người lương thiện, dũng cảm đấu tranh vì mục đích tốt đẹp vì một lí tưởng cao quí nhưng điều kiện khách quan không cho phép họ thực hiện, khiến họ thất bại.
HÀI KỊCH là những vở kịch mang cảm hứng hài hước hay châm biếm những thói hư tật xấu, những thế lực già cỗi xấu xa đang tìm cách che đậy bằng lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Mâu thuẫn trong hài kịch là mâu thuẫn giữa thế giới đã lỗi thời về mặt xã hội với lí tưởng cao đẹp. Xét về chủ đề, thể tài hài kịch là một thể tài thế sự. Các tính cách của hài kịch không phát triển và hơi phiến diện, nhưng chính sự phiến diện này lại làm cho khả năng hài trở nên tập trung. Để miêu tả loại tính cách này hài kịch thường dùng hình thức khuếch đại đến mức quái gỏ, kì dị.
CHÍNH KỊCH là thể loại kịch không phải là hài, cũng không phải là bi, mà đề cập đến mọi mặt của đời sống hiện đại với một phạm vi bao quát rộng lớn.


1 nhận xét: